ĐẠO PHÁT TRIỂN TRÊN BA GIAI ĐOẠN 

Người Phật tử chúng ta có thói quen khi hoàn thành một phước sự nào thường ước nguyện chóng được chứng đắc Niết-Bàn. Tất nhiên đạo quả sẽ không đắc liền theo ước nguyện đơn thuần của họ. Nó sẽ chỉ đạt đến một trong các cảnh giới cao hơn tuỳ theo phước sự của họ; và ở đó trừ phi họ thực sự hành để phát triển Bát Thánh Đạo, thì đạo quả mới được đắc. Thế thì, tại sao phải chờ đến kiếp lai sanh? Tại sao không bắt đầu ngay bây giờ để thực hiện sự giải thoát ngay trong kiếp sống này? Và sự giải thoát có thể được thành tựu như thế nào?

Giải thoát được thành tựu nhờ thực hành Bát Thánh Đạo, đạo vốn phải được đi trước bởi điềm báo trước của nó là tiền minh sát đạo (Pubbabhāga vipassanāmagga). Nhưng để phát triển được tiền minh sát đạo này, trước tiên phải hoàn thành những đòi hỏi căn bản, đó là, phát triển nghiệp sở hữu đạo (kammassakata magga), giới đạo (sīḷa magga) và định đạo (samādhi magga).

Đối với người đã quy y trong giáo pháp của Đức Phật, chánh kiến về nghiệp sở hữu (kammasakata sammādiṭṭhi) kể như đã được thiết lập. Còn về giới đạo, đối với người tại gia, nếu vẫn chưa được thiết lập trong đó, thời có thể hoàn thành giới bằng cách giữ giới trước khi bắt đầu hành thiền. Nếu một hành giả Tỳ-kheo còn có hoài nghi nào về sự thanh tịnh giới của mình, vị ấy nên, ngay khi khởi sự, cố gắng làm cho giới được thanh tịnh bằng cách thọ trì những hình phạt parivāsa (biệt trú-別住) và manatta (tự hối, khiêm hạnh). Nếu vị ấy có những tài sản không được phép, vị ấy nên xả bỏ chúng và lấy lại sự thanh tịnh bằng cách thú tội. Sau khi đã chắc chắn được thanh tịnh giới như vậy, vị ấy nên nỗ lực để chứng đắc một, hai, ba, hoặc cả bốn bậc thiền (jhānas). Nếu không thể chứng đắc các bậc thiền như vậy, vị ấy nên hành để có được ít nhất cận định. Nếu không thể hành riêng thiền định, vị ấy phải cố gắng để thành tựu sát na định minh sát (vipassanā khaṇika samādhi, loại định có cùng đặc tính đè nén các triền cái như cận định) bằng cách quán trên tứ đại, v.v… Tất nhiên điều này không đòi hỏi phải thiết lập định như vậy, nhưng nhờ giữ chánh niệm sít sao trên bản chất của danh (nāma) và sắc (rūpa), mà định minh sát sẽ tự động phát sanh. Tuy nhiên do sự chú tâm bị phân tán đến nhiều đối tượng hay do gắn chặt trên những đối tượng không dễ dàng phân biệt, định phải mất một lúc lâu mới phát sanh. Vì thế, giới hạn vào những đối tượng nhất định nào hành giả có thể ghi nhận rõ hơn sẽ đẩy nhanh, và làm cho sự phát triển định được dễ dàng hơn.

Do đó chúng tôi hướng dẫn các thiền sinh bắt đầu với sự ghi nhận vāyo dhātu (phong đại, hay yếu tố gió), biểu thị đặc tính bằng sự cứng đơ, sức ép, chuyển động đang trở nên hiển hiện trong vùng bụng. Khi bụng phồng lên, ghi nhận “phồng”, khi bụng xẹp xuống, ghi nhận “xẹp”. Bắt đầu bằng cách chỉ ghi nhận hai sự chuyển động phồng và xẹp này. Tuy nhiên điều này không có nghĩa đã bao hàm hết những điều cần phải làm. Trong khi ghi nhận sự phồng xẹp của bụng, nếu suy nghĩ phát sanh, cũng ghi nhận nó là “suy nghĩ” và rồi trở lại với việc ghi nhận phồng và xẹp như trước. Nếu có một cảm giác đau nào đó xuất hiện trong thân, ghi nhận “đau”; khi cái đau bớt đi hay khi nó đã được ghi nhận trong một thời gian nào đó, hãy trở lại với sự ghi nhận phồng và xẹp. Nếu có sự co, duỗi hay xê dịch chân tay, hành giả phải ghi nhận “co”, “duỗi” hay “xê dịch”. Nói chung nếu có bất kỳ chuyển động của thân nào, hành giả đều phải ghi nhận nó. Sau đó trở lại với việc ghi nhận sự “phồng” và “xẹp” của bụng. Khi hành giả thấy hay nghe rõ một điều gì, ghi nhận “nghe” hay “thấy” một lúc và rồi trở lại với “phồng” và “xẹp”.

Nhờ ghi nhận mọi hiện tượng một cách chăm chú như vậy, tâm trở nên an tịnh và định tĩnh rõ rệt. Ở mỗi sát na chánh niệm, đối tượng quan sát, sắc (rūpa), sẽ xuất hiện tách biệt với danh (nāma), chủ thể nhận thức sắc. Đó là khởi đầu của sự phát triển minh sát trí (vipassanā Ñāṇa) phân biệt danh và sắc bằng tâm an định. Minh sát trí đặc biệt này là những gì Đức Thế Tôn hàm ý khi ngài nói “cakkhu karanī, Ñāṇa karanī,… nhãn sanh (tác thành mắt), trí sanh (tác thành trí)…”. Các vị Trưởng lão Ni cũng muốn nói đến cùng một việc khi họ thốt lên “Pubenāparaṃ visesaṃ sanjānanti… Trí đi trước được thay thế bởi trí đi sau nó.” (minh sát trí sanh sau quán minh sát trí diệt trước).

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app