MINH SÁT TRÍ CHỈ PHÁT SANH DO CHÁNH NIỆM GHI NHẬN
Chúng tôi sẽ trích dẫn ra đây một đoạn từ chú giải Kinh Đại Niệm Xứ để củng cố thêm cho lý lẽ của chúng tôi:
Yasama panakaya vedanā citta-dhammesu kiñci dhammam anamdsitava bhāvanā nāma natti. Tasamā tepi imināva maggena sokaparideva samatikkhantati veditabba.
(Không thể có sự phát triển của minh sát trí, trí thuộc Thánh Đạo, mà không quán bất kỳ đề mục thiền nào trong thân, thọ, tâm, và pháp.) Do đó, phải nhận ra rằng Tể Tướng Santati và Trường Lão Ni Patācārā[1] đã vượt qua được sầu bi của họ do nhờ thực hành tứ niệm xứ đạo.
KHÔNG CHÁNH NIỆM KHÔNG TRÍ TUỆ
Về điểm này chú giải rất minh bạch. Không thể chỉ nghe pháp mà phải quán một đề mục nào đó trong thân, thọ, tâm, pháp mới giúp họ đạt đến thắng trí. Không quán bất kỳ một đề mục thiền nào trong tứ niệm xứ, việc phát triển Minh Sát Trí (Vipassanā Ñāṇa) hay trí thuộc Thánh Đạo và Thánh Quả là điều không thể xảy ra. Do đó, rõ ràng là nếu chỉ học những định nghĩa và phân loại của Danh và Sắc rồi suy xét trên đó mà không thực sự ghi nhận sự sanh khởi của chúng trong thân, sẽ không bao giờ phát triển được chánh kiến đạo đúng đắn còn gọi là minh sát trí, hay trí thuộc Thánh Đạo.
Ở đây một mình chánh niệm sẽ không dẫn đến cứu cánh mong muốn. Sau khi đã thành tựu chánh niệm, chính nhờ tuệ tri chân lý đúng như thực mà người hành thiền mới đạt đến cứu cánh mong muốn. Do đó trong phần giới thiệu tóm tắt bài Kinh Niệm Xứ vừa dẫn ở trên, kinh chỉ nói là phải có ‘nhiệt tâm chánh niệm cùng với trí tuệ tỉnh giác.’ Tuy nhiên, khi diễn giải phần giới thiệu tóm tắt này những từ ‘pajānāti’ – biết (tuệ tri) theo những cách khác nhau, hay ‘samudayavayadhammānupassī’- biết nhân sanh và diệt- đã được dùng.
Vì thế, chúng tôi đã tóm tắt chánh niệm đạo này lại như sau: để phát triển chánh niệm, phải có nhiệt tâm, niệm cùng với sự tỉnh giác –
- Tỉnh giác về những chuyển động của thân.
- Tỉnh giác về mọi hoạt động của tâm
- Tỉnh giác về mọi cảm thọ: lạc, khổ và trung tính (nói chung bất cứ thọ nào thể hiện).
- Tỉnh giác về mọi pháp khi nó xuất hiện.
Sở dĩ chúng tôi phải mất khá nhiều thời gian để bàn chi tiết về chánh niệm đạo này là vì nó rất quan trọng đối với sự hiểu biết của nhiều người. Bây giờ chúng tôi sẽ bàn về chánh định đạo. Về đề tài này, chúng tôi sẽ tự giới hạn vào những điểm chính yếu nhất của lời dạy liên quan đến chánh định đạo. Thực sự để dẫn ra hết những giải thích về đề tài này sẽ phải bao quát một phạm vi quá rộng, đối với những người kiến thức hạn chế khó có thể nắm bắt được.
[1] Santati và Patācārā Therī, những người được nói là đắc thắng trí thuộc Thánh Đạo và Thánh Quả trong khi nghe một thời pháp.