Thiền Tập

 

Xin chào những người đi tìm sự tốt lành đang ngồi ở đây, xin các bạn bình an lắng nghe. Lắng nghe Giáo Pháp một cách an bình có nghĩa là lắng nghe bằng sự nhất-tâm, bằng cái tâm tập trung duy nhất vào đó, chú tâm vào những điều mình đang nghe và sau đó buông bỏ. Lắng nghe Giáo Pháp là rất lợi lạc. Khi lắng nghe Giáo Pháp chúng ta có tinh thần để thiết lập cả thân và tâm một cách vững chắc trong trạng thái định (samādhi), bởi đây là một cách tu tập Giáo Pháp. Kinh điển ghi rằng vào thời Đức Phật người ta lắng nghe Giáo Pháp một cách chăm chú, với một cái tâm tạo ‘trớn’ cho sự hiểu biết, và một số người đã thực sự chứng ngộ Giáo Pháp khi đang nghe. 

Nơi này rất thích hợp để thiền tập. Sau khi ở đây mấy đêm tôi thấy đây là một nơi quan trọng. Cảnh quan nơi đây vốn đã bình yên, chỉ còn lại phần bên trong, đó là trái tim và tâm của chúng ta. Do vậy tôi muốn tất cả quý vị hãy cố gắng lắng nghe. 

Tại sao chúng ta về đây để tập thiền? Bởi trái tim và tâm của các bạn chưa hiểu biết những điều cần được hiểu biết. Nói cách khác, các bạn vẫn chưa biết được mọi thứ đích thực là gì. Các bạn chưa biết cái gì đúng và cái gì sai, cái gì mang lại khổ đau và cái gì làm mình nghi ngờ. Do vậy, trước nhất các bạn cần phải làm cho bản thân mình bình lặng. Lý do bạn đã đến đây là để tu dưỡng sự tĩnh lặng và sự giới hạnh là bởi trái tim và tâm của bạn không được yên ổn thư thái. Tâm của các bạn không được bình lặng và không được chế ngự. Tâm bị động vọng bởi những nghi ngờ và kích động bên ngoài. Đó là lý do các bạn đã đến đây và đang lắng nghe Giáo Pháp. 

Tôi muốn các bạn tập trung và lắng nghe những điều tôi nói, và tôi xin được phép nói thẳng thắn bởi vì đó là cách của tôi. Xin các bạn hiểu rằng ngay cả khi tôi quở rầy thúc ép thì đó cũng chỉ là vì sự tốt đẹp mà thôi. Các bạn hãy bỏ quá cho tôi nếu có điều gì các bạn thấy khó chịu, bởi cách nói của người Thái Lan và người phương Tây có thể khác nhau. Thực ra nói chuyện với cái giọng thúc ép hay quở trách đôi chút cũng là điều tốt, vì nó sẽ giúp kích thích người nghe, nhất là những người hay bị buồn ngủ.  Cách đó có thể tốt hơn là cách cứ đọc du dương, còn người nghe thì ngồi với tâm trí trôi giạt miên man và rốt cuộc nghe không hiểu gì hết. 

Mặc dù khắp nơi thấy có nhiều cách tu tập nhưng thực ra chỉ có một. Cũng giống như trồng cây lấy trái, chúng ta có thể trồng cây từ nhánh chiết, cây lớn lên nhanh và có trái nhanh, nhưng cây trồng từ nhánh chiết có lẽ không mạnh và không sống lâu. Cách khác là trồng cây từ hạt giống, nó sẽ thành cây mạnh mẽ và sống lâu hơn. Việc tu tập cũng theo lý như vậy. 

Hồi tôi mới tu, tôi khó hiểu ra chân lý này. Khi không hiểu được cái gì là cái gì, việc ngồi thiền đúng là quá chán, thậm chí nhiều lúc tôi phát khóc luôn. Nhiều lúc nhắm quá cao, nhiều lúc nhắm quá thấp, chẳng bao giờ tìm thấy điểm cân bằng. Việc tu tập đúng đắn để đạt đến sự bình an có nghĩa là không đặt tâm quá cao hay quá thấp, mà ngay chỗ cân bằng. 

Tôi biết điều này có thể hơi khó hiểu đối với các bạn, bởi các bạn đã đến từ những nơi khác nhau, đã từng tu học theo những cách khác nhau với những sư thầy khác nhau. Khi các bạn đến đây thì chắc các bạn cũng đang còn đầy những nghi ngờ trong tâm trí của mình. Thầy này chỉ bạn tu cách như vầy, người khác kêu bạn tu cách khác. Các bạn cứ phân vân không biết tu theo phương pháp nào cho đúng, bạn không biết chắc về cái cốt lõi của việc tu tập là gì. Kết quả là cứ rối reng, lẩn quẩn. Có quá nhiều sư thầy và quá nhiều giáo lý nên các bạn không dung hòa nổi những phương pháp khác nhau đó. Và kết quả là tâm trí cứ đầy những nghi ngờ và sự không tin chắc. 

Do vậy, các bạn phải cố gắng đừng suy nghĩ quá nhiều. Nếu có suy nghĩ, hãy suy nghĩ với sự tỉnh-giác. Hiện tại những suy nghĩ của các bạn là suy nghĩ không có sự tỉnh giác. Trước hết các bạn phải làm cho tâm mình bình lặng. Lúc nào có sự-biết thì không cần phải nghĩ, sự tỉnh-giác sẽ khởi sinh ngay ở đó, và sau đó nó trở thành trí tuệ (paññā). Nhưng loại suy nghĩ thông thường thì không phải trí tuệ, nó chỉ là sự lang thang vô định và sự không tỉnh giác của tâm, nó chắc chắn sẽ dẫn đến động vọng. Đó không phải trí tuệ.

Giờ thì các bạn không cần nghĩ suy. Các bạn đã suy nghĩ nghĩ suy cả đời ở nhà rồi, đúng không? Nghĩ suy nghĩ chỉ quấy động cái tâm mà thôi. Bạn phải thiết lập sự tỉnh giác—(đó là sự ý thức biết rõ, sự rõ biết, thường biết). Những suy nghĩ ám ảnh thậm chí làm bạn khóc, chỉ quấy động tình cảm mà thôi, hãy dẹp bỏ sự suy nghĩ thông thường đó. Nếu cứ để tâm mình lạc theo những dòng suy nghĩ đó thì sẽ không dẫn bạn đến sự thật, đó không phải là cách trí tuệ. Đức Phật là một người thực sự thông thái, Phật đã học tập cách ngừng suy nghĩ. Theo cách như vậy, các bạn đang tu tập ở đây cũng để dẹp bỏ nghĩ suy và nhờ đó đạt đến sự bình an. Nếu bạn đã bình an thì đâu cần suy nghĩ này nọ nữa, trí tuệ sẽ khởi sinh ngay tại đó. 

Để thiền thì bạn đâu cần suy nghĩ quá nhiều, tốt nhất là hạ quyết tâm ngay bây giờ dành thời gian để tu tập cái tâm, và không làm gì khác nữa. Đừng để tâm phóng trái, phóng phải, phóng trước, phóng sau, phóng trên, phóng dưới. Trách nhiệm duy nhất của chúng ta ngay đây là luyện tập thiền chánh niệm về hơi thở. Đặt sự chú tâm ngay trên đầu và di chuyển xuống thân đến tận đầu các ngón chân, rồi từ các ngón chân qua thân và lên đầu trở lại. Di chuyển sự tỉnh giác của bạn từ trên xuống thân, quan sát bằng trí tuệ. Chúng ta làm như vậy để đạt được sự hiểu biết ban đầu về thân của chúng ta là gì. Rồi bắt đầu thiền tập, nhớ rằng trong lúc này trách nhiệm duy nhất của các bạn chỉ là quan sát hơi thở vào và hơi thở ra. Đừng có thúc ép hơi thở ngắn hơn hay dài hơn, cứ để yên cho nó liên tục dễ dàng. Đừng áp đặt hơi thở, cứ để nó trôi chảy đều đặn, buông bỏ mọi thứ, chỉ chú tâm theo hơi thở vào và hơi thở ra. 

Quý vị phải hiểu rằng mình đang buông-bỏ khi đang tập như vậy (tức khi đang quan sát hơi thở vào ra), nhưng vẫn còn sự tỉnh-giác. (Tức buông bỏ tất cả mọi thứ, chỉ còn sự rõ-biết về hơi thở vào ra). Quý vị phải duy trì sự tỉnh giác này, để yên cho hơi thở đi vào và đi ra một cách thư thả, tự nhiên. Không cần phải cố thở, hoặc thúc  ép hơi thở dài hơn hay ngắn hơn, nhanh hơn hay chậm hơn, chỉ để yên cho nó trôi chảy tự nhiên và dễ dàng. Duy trì quyết tâm luyện tập lúc này, bạn không còn công việc nào khác nữa. Người thiền có thể nghĩ này nghĩ nọ về cái gì sẽ xảy ra khi ngồi thiền, chẳng hạn người thiền hay nghĩ ‘không biết ta sẽ biết gì hay thấy gì trong khi ngồi thiền’… Loại ý nghĩ đó có thể sẽ khởi lên trong tâm, nhưng khi chúng khởi lên, bạn cứ để mặc chúng, tự chúng sẽ biến qua, đừng liên quan dính líu theo chúng. (Khi có ý nghĩ hay dự đoán nào khởi lên thì cứ mặc nó, quay lại chú tâm liên tục vào hơi thở, luôn rõ-biết theo hơi thở đi vào và đi ra).

Trong khi ngồi thiền không cần phải chú ý đến những cảm nhận giác quan. Bất cứ khi nào tâm bị tác động bởi những giác quan, khi nào khởi lên một cảm giác hoặc cảm nhận trong tâm, cứ bỏ qua, buông bỏ, không theo. Dù cảm nhận đó là tốt hay xấu, sướng hay khổ thì cũng không quan trọng, cứ bỏ qua. Không cần thiết phải làm gì với những thứ cảm nhận đó, cứ để nó biến qua và quay sự chú tâm về lại hơi thở. Duy trì sự tỉnh giác vào hơi thở đang đi vào và đi ra. Đừng làm khó làm khổ cho mình với sự dài sự ngắn của hơi thở, cứ đơn giản quan sát hơi thở, không cần cố gắng kiểm soát hay điều tiết hơi thở bằng bất cứ cách nào. Nói cách khác, đừng dính chấp vào nó. Cứ để hơi thở liên tục theo cách tự nhiên của nó, và tâm sẽ trở nên tĩnh lặng. Khi chúng ta tiếp tục luyện tập theo cách như vậy, tâm sẽ lắng lặn mọi thứ và đi đến ngừng nghỉ, hơi thở sẽ trở nên nhẹ hơn và nhẹ hơn đến khi nó thật nhẹ thinh, giống như nó không còn nữa. Cả thân và tâm đều thấy nhẹ nhàng và tràn đầy năng lượng. Chỉ còn lại một sự thấy biết được hội tụ vào một điểm (nhất điểm). Lúc đó, ta có thể nói rằng tâm đã thay đổi và đã đạt đến một trạng thái tĩnh lặng. 

Nếu tâm bị động vọng, hãy thiết lập lại sự chú tâm chánh niệm và hít vô sâu thật sâu cho đến khi đầy phổi, rồi sau đó thở ra cho đến khi hết sạch. Tiếp tục, hít vô sâu thật sâu thật đầy, rồi thở ra cho đến khi hết sạch. Làm vậy hai ba lần, rồi tái thiết lập sự tập trung của tâm. Làm vậy, tâm sẽ tĩnh lặng trở lại. Nếu còn những cảm nhận giác quan gây động vọng trong tâm, cứ lập lại cách này và thiết lập lại sự tập trung của tâm. Việc đi thiền cũng giống vậy. Nếu trong khi đang đi thiền tâm bị động vọng thì dừng lại, làm tĩnh lặng tâm, thiết lập lại sự tỉnh giác vào đối tượng thiền (như, tỉnh giác vào sự tiếp-xúc của bàn chân và mặt đất), và tiếp tục bước đi. Ngồi thiền và đi thiền về cốt lõi là giống nhau, chỉ khác nhau về tư thế của thân được dùng thôi. 

Đôi lúc có những nghi ngờ, do vậy người thiền cần phải có sự chánh niệm (sati), đó là cái “người-biết”, để tiếp tục theo dõi và xem xét cái tâm đang ở trong bất cứ trạng thái nào đó của nó. Đây chính là chánh niệm, là sati. Sati quan sát và chăm sóc cái tâm. Các bạn phải duy trì sự rõ-biết và không được lơ là hoặc lăng xăng, dù tâm đang xấu hay tốt, tĩnh hay động thì chúng ta cũng luôn rõ biết về nó. 

Thủ thuật ở đây là phải có sự chánh niệm (sati) để giám sát và theo dõi cái tâm. Khi tâm được hợp nhất với sự chánh niệm (sati) thì một loại tỉnh-giác sẽ khởi lên. Cái tâm đã phát triển sự tĩnh lặng thì được duy trì và giám sát bởi sự tĩnh lặng đó; giống như một con gà được nhốt trong một cái chuồng… con gà không thể nào lăng xăng đi ra bên ngoài, nhưng nó vẫn có thể đi lòng vòng bên trong cái chuồng đó. Việc đi qua đi lại trong chuồng không gây rắc rối, bởi nó xảy ra bên trong cái chuồng. Giống như vậy, sự tỉnh giác có mặt trong tâm khi tâm đang có chánh niệm và tĩnh lặng thì điều đó không gây rắc rối gì. Không có sự suy nghĩ hay cảm nhận nào xảy ra bên trong cái tâm tĩnh lặng có thể quấy nhiễu hay gây hại cho ta. 

Một số người không muốn trải nghiệm những ý nghĩ hay cảm giác nào cả, nhưng như vậy thì hơi quá. (Thực ra thiền không phải đến mức độ quá như vậy). Những cảm giác khởi sinh bên trong trạng thái tĩnh lặng. Tâm trải nghiệm sự tĩnh lặng và cảm giác cùng lúc, mà không bị quấy động. Khi nào có được sự tĩnh lặng như vậy thì sẽ không gây ra hậu quả gì xấu hại hết. Những rắc rối chỉ sẽ xảy ra khi ”con gà” chạy ra khỏi cái ”chuồng”. Ví dụ, bạn đang ngồi quan sát hơi thở đi vào và đi ra rồi thì quên mất mình, để cho hơi thở chạy lăng xăng ra ngoài và không còn chú tâm vào đối tượng hơi thở; tự nhiên lại nhớ chuyện nhà, chuyện đi mua đồ hoặc việc đi nơi này nơi nọ. Nhiều khi đã hơn nửa tiếng đồng hồ trôi qua như vậy, rồi bạn mới chợt nhận biết nảy giờ tâm mình cứ lăng xăng chỗ này chỗ nọ chứ không còn chú tâm vào hơi thở. Mình đang ngồi thiền tập chú tâm vào hơi thở, nhưng nảy giờ tâm mình cứ lăng xăng chỗ khác. Ngay lúc đó bạn biết ngay mình đang thiếu sự chánh niệm (sati). Đây là chỗ các bạn phải thực sự cẩn thận, bởi đây là lúc con gà chạy xổng ra khỏi chuồng – cái tâm đã rời bỏ cơ sở (trú xứ) tĩnh lặng của nó.

Các bạn phải cẩn thận duy trì sự tỉnh-giác cùng với sự chánh-niệm (sati), và cố gắng kéo tâm về lại. Mặc dù tôi gọi là ”kéo tâm về lại” nhưng thực ra tâm không thực sự đi đâu hết, chỉ là cái đối tượng chú tâm đã bị thay đổi. (Như ví dụ trên, đối tượng của tâm là hơi-thở đã thay đổi thành việc ở nhà, việc đi mua đồ, việc đi chỗ kia chỗ nọ trong suốt hơn nửa tiếng đồng hồ ngồi thiền). Bạn phải làm cho tâm có mặt ngay tại đây và bây giờ. Hễ khi nào người thiền còn chánh niệm thì tâm còn có mặt ngay tại đây và bây giờ. Nghe thì như có vẻ chúng ta kéo tâm về lại, nhưng đích thực thì tâm đã chẳng đi đâu hết, nó chỉ đơn giản thay đổi (đối tượng chú tâm) một chút. Nghe thì có vẻ như tâm chạy đi chỗ này chỗ nọ, nhưng đích thực thì sự thay đổi chỉ xảy ra ngay chính tại một-điểm. Khi sự chánh niệm được lập lại thì trong một cái chớp, ta và tâm đã có mặt lại ngay tại đây và bây giờ, chứ không có việc mình kéo tâm hay mang tâm trở về lại ngay đây. 

Khi có sự rõ-biết hoàn toàn, có sự tỉnh-giác liên tục và không gián đoạn trong mỗi mọi giây khắc, thì đó được gọi là sự có mặt của tâm. Nếu sự chú tâm của ta giật ra khỏi hơi thở và hướng vào những đối tượng khác thì lúc đó sự rõ-biết đã bị gián đoạn. Khi nào còn sự tỉnh-giác vào hơi thở thì tâm còn ở đó. Đơn giản là, với hơi thở và sự tỉnh giác liên tục không gián đoạn, tâm đang có mặt trong ta. 

Cần phải có đủ hai thứ, đó là sự chánh niệm (sati) và sự rõ-biết (sampajañña, sự hiểu biết rõ ràng). Chánh niệm (sati) là sự nhớ, niệm, là thường nhớ; và sự rõ-biết (sampajañña) là sự tự tỉnh giác (tức là sự ý thức tỉnh giác về chính mình). Ngay lúc này chúng ta đang ý thức tỉnh giác một cách rõ ràng về hơi thở. Bài tập quan sát hơi thở sẽ giúp cho sự chánh niệm và sự rõ biết cùng phát triển với nhau. Chúng chia việc với nhau. Có được cùng lúc sự chánh niệm và sự rõ biết cũng giống như có được hai người thợ cùng khiêng một tấm ván thô nặng. Giả sử có hai người đang cố gắng hết sức để khiêng những tấm ván thô nặng, nhưng vì chúng quá nên gần như khiêng không nỗi. Rồi có một người khác tốt bụng nhìn thấy liền chạy tới phụ một tay giúp hai người kia. Giống cách như vậy, khi có sự chánh-niệm (sati) và sự rõ-biết (sampajañña), thì trí tuệ (paññā) sẽ khởi sinh ngay tại đó để trợ giúp. Rồi sau đó cả ba yếu tố đó cùng hỗ trợ lẫn nhau. 

Khi có được trí tuệ (paññā) thì có sự hiểu biết về những đối tượng giác quan. Chẳng hạn, trong khi ngồi thiền những đối tượng giác quan được trải nghiệm sẽ làm khởi sinh những cảm giác và trạng thái cảm xúc. Tự nhiên người thiền bỗng nhớ đến bạn bè, nhưng trí tuệ (paññā) sẽ lập tức đối trị: ”Chẳng có gì”, ”Dẹp đi”, ”Quên nó đi”. Hoặc nếu khởi lên những ý nghĩ ngày mai sẽ đi đâu thì người thiền lập tức xử lý: ”Ta chẳng quan tâm, ta không muốn quan tâm những thứ đó”, ”Kệ nó, việc của ngày mai”. Nhiều lúc khi đang ngồi thiền, ý nghĩ về người này người nọ cứ khởi lên, lúc đó nên nghĩ ngay: ”Không, ta chẳng liên quan gì”, ”Cứ mặc nó”, ”Chẳng có gì chắc chắn”. Đây chính là cách bạn nên đối xử với những thứ đó trong khi ngồi thiền, đơn giản nhận biết chúng là ”không chắc chắn, không chắc chắn”, và duy trì loại tỉnh giác như vậy. 

Bạn phải dẹp bỏ tất cả mọi suy nghĩ, mọi đối thoại bên trong và mọi nghi ngờ. Đừng dính theo những thứ đó trong khi ngồi thiền. Để cuối cùng, chỉ còn giữ lại trong tâm dạng tinh khiết nhất của sự chánh niệm (sati), sự rõ biết (sampajañña) và trí tuệ (paññā). Khi nào những yếu tố này bị yếu thì những nghi ngờ sẽ khởi sinh. Nhưng lúc đó phải lập tức dẹp bỏ nghi ngờ, chỉ duy trì sự chánh niệm (sati), sự rõ biết (sampajañña) và trí tuệ (paññā) mà thôi. Hãy cố gắng tập luyện để phát triển sự chánh niệm theo cách như vậy cho đến khi khả năng chánh niệm được duy trì như vậy liên tục mọi lúc mọi nơi. Đến lúc đó người thiền sẽ hiểu rõ được sự chánh niệm, sự rõ biết và sự chánh định một cách thấu suốt. 

Tập trung sự chú tâm vào ngay điểm này bạn sẽ nhìn thấy sự chánh niệm, sự rõ biết, sự chánh định và trí tuệ [sati, sampajañña, samādhipaññā] có mặt cùng lúc. Dù chúng ta đang bị hấp dẫn hay bị kích thích bởi những đối tượng giác quan bên ngoài, ta vẫn có thể nhắc chính mình: ”Nó không chắc”. Dù chúng là gì, chúng chỉ là những chướng ngại cần phải được quét sạch cho đến khi tâm được trong sạch. Tất cả chỉ cần giữ lại sự chánh niệm, sự rõ biết, sự chánh định [cái tâm vững chắc và bất động] và trí tuệ bao trùm. Ở đây tôi chỉ nói như vậy thôi (căn bản) về đề tài thiền tập. 

Giờ thì tôi sẽ nói đến những công cụ hay những thứ hỗ trợ cho việc thiền tập—Cần có tâm từ (mettā) trong trái tim bạn, nói cách khác đó là lòng rộng lượng, lòng tốt lòng giúp đỡ đối với người khác và chúng sinh. Những thứ này cần phải được tu dưỡng và duy trì như là cơ sở cho sự trong sạch của tâm. Ví dụ, người tu phải bắt đầu dẹp bỏ lòng ích kỷ (lobha) bằng cách cho đi, bố thí. Khi người ta còn ích kỷ thì họ còn chưa hạnh phúc. Sự ích kỷ dẫn đến một cảm giác bất hài lòng, và người đời vẫn còn quá ích kỷ nhưng không nhận ra nó tác hại với mình ra sao.

Chúng ta có thể trải nghiệm nghĩa ích kỷ này bất cứ lúc nào, nhất là khi chúng ta đang đói. Giả như bạn có mấy trái táo và có thể chia cho bạn bè; và ngay khi đó bạn có nghĩ đến điều đó và rồi có ý định cho, điều đó là tốt đẹp, nhưng đến khi cho, bạn muốn cho ít thôi (hoặc lựa trái nhỏ để cho). Còn nếu cho nhiều hoặc lấy trái to ngon để cho thì…khó quá, nghĩ lại thấy xấu hổ thiệt. Thực khó lòng để nghĩ cho chánh trực. Bạn kêu bạn bè cứ chọn lấy, nhưng rồi bạn nói ngay: ”Lấy trái này nè!”… và đưa người ta trái nhỏ! Đây là một dạng ích kỷ (chỉ lo lợi ích bản thân), nhưng người đời vốn luôn thấy đó là chuyện bình thường, họ không nhận ra đó là lòng ích kỷ. Từ nhỏ giờ quý vị đã từng ích kỷ vậy chưa? 

Chúng ta thường thực sự thấy khó khăn để cho đi, thấy ngược lòng mình khi cho đi. Ngay cả khi cho trái táo lớn, thực sự cái lòng ta vẫn chỉ muốn cho trái nhỏ. Dĩ nhiên, khi cho ai cái gì bạn sẽ cảm thấy sự tốt đẹp trong lòng mình. Tu tập cái tâm làm ngược lại với ý của mình theo cách như vậy đòi hỏi phải biết tự giới hạnh—chúng ta phải biết cách cho và biết cách từ bỏ, không để cho sự ích kỷ dính vào. Khi ta học tập cách cho, nếu như bạn vẫn lưỡng lự sẽ cho trái nào và vẫn còn so đo này nọ, thì khi bạn đang ý định cho, bạn sẽ bị rắc rối; và ngay cả khi bạn có cho trái to đi nữa, cái ý nghĩ do dự ích kỷ đó vẫn có mặt. Nhưng nếu lúc đó bạn lập tức quyết định cho đi trái lớn và cho đi với toàn bộ ý hành thì vấn đề được giải quyết và tốt đẹp. Đây là cách làm ngược lại tâm tính của mình, đó là cách tu đúng đắn. 

Làm như vậy ta nắm được sự kiểm soát bản thân. Nếu không làm được thì ta là nạn nhân của bản thân mình và tiếp tục ích kỷ. Tất cả chúng ta trước giờ đều ích kỷ. Đây là một loại ô nhiễm cần phải được loại bỏ. Trong kinh điển Pāli, sự cho đi được gọi là ”dāna,” có nghĩa là mang lại hạnh phúc cho người khác. Đó là một trong những điều kiện giúp (trợ duyên) làm sạch cái tâm khỏi những ô nhiễm, bất tịnh. Hãy soi xét về điều này và phát triển tâm bố thí trong sự tu tập hàng ngày của bạn. 

Bạn có thể nghĩ rằng tu tập kiểu như vậy chẳng khác nào cứ luôn săn đuổi bản thân mình, nhưng thực sự không phải là vậy. Đích thực thì cách tu tập đó săn đuổi tham dục và những ô nhiễm. Nếu những ô nhiễm khởi sinh trong tâm, chúng ta phải làm gì đó để trị liệu nó. Những ô nhiễm giống như con mèo nhà. Nếu bạn cứ cho nó ăn thì nó cứ đến gần bạn hoài để kiếm thêm đồ ăn, nhưng nếu bạn ngưng cho nó ăn, sau vài ngày nó không đến gần bạn nữa. Những ô nhiễm cũng vậy, nếu chúng không đến quấy rầy bạn, chúng sẽ để yên cho tâm  bạn bình an. Do vậy, thay vì mình sợ những ô nhiễm đó, hãy làm cho những ô nhiễm sợ mình. Để làm cho những ô nhiễm sợ mình và không dám lại gần mình, chúng ta cần phải nhìn thấy Giáo Pháp bên trong tâm này của chúng ta. 

Giáo Pháp thì khởi sinh ở đâu? Nó khởi sinh từ sự thấy biết và sự hiểu biết của chúng ta theo kiểu như vậy. Ai cũng có khả năng thấy biết và hiểu biết Giáo Pháp. Đó không phải là thứ được tìm thấy trong sách vở, quý vị không cần phải học thật nhiều thì mới nhìn thấy nó, chỉ cần quán chiếu ngay bây giờ và quý vị sẽ thấy ngay điều tôi đang nói là gì. Ai cũng có thể nhìn thấy nó bởi nó có mặt ngay trong tâm chúng ta. Ai cũng có những ô nhiễm, phải không? Nếu quý vị có thể nhìn thấy chúng thì quý vị sẽ hiểu. Trước kia, chúng ta cưng chiều và bảo hộ những thói tâm ô nhiễm, giờ thì chúng phải hiểu biết về chúng và không cho chúng đến gần và quấy động tâm chúng ta. (Đó là tu dưỡng tâm hạnh bố thí).

Phần tu tập tiếp theo là giới hạnh (sıla). Giới hạnh canh chừng, phòng hộ và bồi dưỡng sự tu tập như cách cha mẹ canh chừng, bảo hộ và nuôi dưỡng những đứa con. Giữ gìn giới hạnh có nghĩa không chỉ tránh làm phương hại người khác mà còn giúp đỡ và ủng hộ người khác. Người tu như các bạn tối thiểu phải giữ được năm giới hạnh căn bản, đó là: 

  1.   Không sát sinh, không làm hại người khác và vật khác, ngược lại trang trải lòng từ bi đối với tất cả mọi người và vật. 
  2.   Không trộm cắp, không lấy thứ không được cho, không gian lận.
  3.   Không tà dâm, tức không quan hệ tính dục bất chính. Trong nhà có cấu trúc gia đình dựa trên quan hệ vợ chồng. Phải biết tiết chế chu cầu tính dục, nhiều người không biết tiết chế và giữ tư cách vợ hoặc chồng, nhiều người đòi có thêm vợ hai, vợ ba; nhiều người quan hệ ngoại tình. Các bạn nên cố làm sạch tâm và tu tập để nó hiểu biết về sự tiết chế, sự giữ tư cách vợ chồng. Cũng như ăn uống, dù thức ăn ngon quá, nhưng phải biết nghĩ đến chừng mực bao nhiêu là tốt cho bao tử và nhu cầu của mình. Nếu ham ăn ham uống uống quá nhiều thì sinh mệt, sinh bệnh, do vậy phải biết giữ mình ăn uống điều độ, chừng mực. Cái gì vừa đủ là tốt nhất. Một vợ một chồng là tốt nhất, một vợ một chồng thường đã có quá nhiều rắc rối rồi, vậy thì đa thê hay ngoại tình hay nhiều nhân tình nhân ngãi thì còn rắc rối đến mức độ nào, quý vị không hình dung được sao?
  4.   Không nói dối, không nói láo, không nói sai sự thật; đây là một giới quan trọng, một công cụ để tu tập cái tâm và rửa sạch những ô nhiễm. Là người tu, quý vị phải nên chân thật, chân thành, ngay thẳng, chính trực và thật lòng, thật dạ. (Người tu mà còn nói dối, nói không thật lòng, nói chuyện tầm phào, nói năng đủ kiểu, né tránh sự thật…thì việc cố gắng tu tập là tu cái gì?).
  5.   Không uống rượu bia, không dùng những chất độc hại. Phải biết tiết chế và từ bỏ thói quen uống rượu bia hay hút chích của mình nếu mình đã dùng. Con người đã bị nhiễm độc quá nhiều với nhiều thứ trên đời do đủ chuyện vì cơm áo gạo tiền, do bị giáo dục và xui khiến từ phía gia đình, người thân và bạn bè, do những thứ của cải vật chất, do những sắc dục khoái lạc và nhiều thứ khác. Lĩnh bấy nhiêu thứ đó trong đầu từ nhỏ đến lớn là đã quá đủ rồi, còn phải chuốc thêm những thứ đầu độc như rượu bia, thuốc lá, ma túy nữa thì làm sao không tồi tệ hơn nữa. Tất cả những thứ đó chỉ làm kích động và làm đen tối tâm trí chúng ta. Ai đã lỡ dính vào việc uống rượu bia, hút thuốc lá, hút chích ma túy, chất gây nghiện độc hại…thì hãy nên tập bỏ bớt dần và đi đến từ bỏ tất cả những thứ đó. Nếu tôi nói quá mong quý vị bỏ qua, nhưng tôi nói là vị lợi lạc cho bản thân quý vị, để quý vị thấy nếu từ bỏ được những thứ độc hại đó thì quý vị sẽ thấy ngay sự lợi lạc về sức khỏe thân thể và sự lợi ích cho việc tu tập cái tâm. Chúng ta cần phải biết rõ cái gì là cái gì. Những gì đang áp lực lên bạn trong cuộc sống hàng ngày? Những hành động nào đã gây ra những áp lực đó?. Nhớ, hành động tốt lành tạo ra kết quả tốt lành; hành động xấu tạo ra kết quả xấu. Đó chính là những nguyên nhân. 

Một khi giới hạnh được trong sạch thì tự nhiên ta có một cảm nhận chân thật và tử tế với mọi người xung quanh. (Đó là điều tất nhiên, người đức hạnh thì tự nhiên là người tốt và chân thật với mọi người xung quanh). Giới hạnh trong sạch tự nhiên mang lại sự hài lòng và tự do khỏi những lo âu và ân hận. Sự hối hận là kết quả của những hành động hung hăng, làm khổ, làm hại, làm tổn thương người khác…; người tu tập giới hạnh trong sạch thì sự hối hận sẽ nguôi ngoai và biến mất dần. Đây là một dạng hạnh phúc, an lạc. Sướng gần như “tiên”. Đó là sự thư-thái, các bạn ăn và ngủ với niềm an lạc hạnh phúc có được nhờ giữ giới hạnh trong sạch. Đây là kết quả, còn việc tu giữ giới hạnh là nguyên nhân. Chỗ này chính là nguyên lý của Giáo Pháp—không làm những việc xấu ác thì đưa đến sự tốt lành . Nếu giới hạnh đạo đức của một người được tu dưỡng như vậy, sự xấu sai (bất thiện) sẽ biến mất và sự tốt đẹp (thiện lành) sẽ khởi sinh ngay tại đó. Đây là kết quả của sự tu tập đúng đắn. 

Nhưng đây chưa phải là phần kết câu chuyện. Khi một người ta đã đạt đến vài niềm hạnh phúc an lạc thì họ thường bắt đầu ỷ lại, chểnh mảng, không tiếp tục siêng năng tu tập. (Họ thấy đủ sướng với niềm an lạc đó. Họ cho rằng sống thiện ở hiền và an lạc như vậy là đủ rồi). Họ dính kẹt vào chỗ đó. Họ không muốn tu tập để tiến thêm, họ chỉ thích sự an lạc an phận đó, ”ăn ngon ngủ ngon là như tiên rồi”. Thật ra sống thiện lành và an lạc như vậy cũng sướng, nhưng đó chưa phải là đã hiểu biết thực sự. Quý vị nên cố đừng để mình chìm trong sự ngu mờ, si mê. Hãy  suy xét kỹ lại về những mặt trái của sự sung sướng hạnh phúc như vậy. Nó chỉ là tạm có, nó sẽ nhanh thay đổi và phôi phai, nó không như vậy mãi mãi. Loại hạnh phúc đó chưa phải là thứ chắc chắn, khi nào loại an lạc đó thay đổi hay hết đi thì khổ sẽ lại có mặt ngay tại đó, và nước mắt lại ứa tràn trở lại. Ngay cả những bậc thần tiên trên trời đến lúc hưởng hết phúc rồi cũng bắt đầu quay lại cảnh giới đầy khổ đau và nước mắt này.

Do vậy, Đức Phật đã dạy chúng ta phải nhìn thấy mặt trái, mặt bất toại nguyện, mặt khổ của loại hạnh phúc đó. Thường thì khi trải nghiệm loại hạnh phúc này người ta không thực sự hiểu biết về nó. Có một loại hạnh phúc bền lâu khác—đó là sự bình-an, và sự bình-an đó đang bị loại hạnh phúc trên che mờ, nên người ta không nhìn thấy cái hạnh phúc cao hơn, bền lâu hơn và đáng đạt đến hơn. Mọi người ai cũng muốn được hạnh phúc, sướng khoái. Hạnh phúc sướng khoái khởi sinh bởi vì ta thấy thích thứ gì đó. Khi sự thích thay đổi thành sự không thích thì khổ khởi sinh. Chúng ta phải suy xét, quán chiếu để nhìn thấy sự không bền chắc và sự ngắn ngủi của loại hạnh phúc đó. Nó không phải chắc chắn, ngay khi nó bị thay đổi hay kết thúc, khổ khởi sinh ngay. Mà sự khổ cũng là không chắc chắn, đừng nghĩ khổ đã là ‘an bài’ hay tuyệt đối gì gì hết. (Sướng cũng thay đổi và không bền chắc. Khổ cũng luôn thay đổi và không cố định). Cách suy xét quán chiếu như vậy được gọi là ādınavakathā—đó là sự quán chiếu về tính thiếu hụt và hữu hạn của thế giới này, mọi thứ chỉ tồn tại có điều kiện và hữu vi. Điều này có nghĩa là chúng ta phải nên suy xét, quán chiếu sâu sắc về cái bản chất đích thực của những loại hạnh phúc và sung sướng ở trên đời này, hơn là cứ chạy theo và chấp nhận giá trị bề ngoài của chúng. Chúng ta phải nhìn thấy rằng những thứ hạnh phúc và sung sướng trên đời này là không chắc chắn, là phù du. Sau khi nhìn thấy được như vậy, chúng ta không nên dính chấp vào nó nữa. Chúng ta có hạnh phúc thì cũng tốt, hoặc rất tốt, nhưng nắm giữ hạnh phúc rồi buông bỏ nó, đừng cố dính chấp vào nó mà phải thấy cả hai mặt lợi và hại của nó. Để thiền tập một cách khôn khéo, chúng ta cần phải nhìn thấy những thứ bất lợi nằm đó thì họ cũng phải chết và lại tái sinh về những cõi khác, như cõi người đầy khổ đau…)tiềm ẩn bên trong hạnh phúc thế gian. Hãy tu tập suy xét, quán chiếu, quán niệm theo cách này. Khi nào có hạnh phúc, hãy luôn chánh niệm một cách thấu suốt cho đến khi bạn nhìn ra những bất lợi trong nó một cách rõ rệt, rõ ràng. 

Khi bạn nhìn ra mọi thứ đều là bất hoàn hảo, là khổ (dukkha), tâm và trái tim của bạn sẽ hiểu được cách suy xét, cách quán chiếu về sự từ bỏ (nekkhammakathā). Tâm sẽ trở nên chán bỏ và tìm đường thoát ra khỏi tất cả mọi thứ “bất hoàn hảo và khổ” của thế gian này. Sự chán bỏ có được do nhìn thấy mọi hình sắc thực sự là gì, mọi mùi vị thực sự là gì, mọi cảm nhận thương và ghét thực sự là gì. Nhờ có sự chán bỏ hữu lý này nên người tu không còn tham muốn dính theo thứ gì trên đời này nữa. Người tu rút lui khỏi mọi sự dính chấp cho đến một lúc một chỗ nào đó người tu có thể an trú một cách thư thái, nhìn xem mọi sự xảy ra với một cái tâm buông xả, có nghĩa là không còn bất cứ sự chấp nê hay ràng buộc nào nữa. Đây chính là chỗ bình an, sự bình an có được nhờ tu tập.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app