Quyển 4: Giáo Pháp Sống

Chương I – Làm Cho Tâm Thiện Lành

 

Thời nay nhiều người kéo nhau đi khắp nơi để tìm kiếm công đức. Và dường như ai cũng ghé đến chùa Wat Pah Pong này. Nếu họ không ghé trên đường đi thì họ cũng ghé trên đường về. Chùa Wat Pah Pong trở thành một điểm dừng chân. Nhiều người ghé thăm vội vã và đi, thậm chí tôi chưa kịp nhìn thấy hay nói chuyện với họ. Hầu hết họ đều chỉ đi tìm kiếm công đức. (Họ nghĩ mình ghé thăm chùa là đã tạo công đức). Tôi không thấy có mấy ai đến chùa để học cách từ bỏ những điều xấu sai, bất thiện. Họ cứ chúi mũi vào việc đi ‘tạo công đức’, nhưng họ chẳng biết họ đang tốn công sức vào việc gì. Điều đó giống như người đang cố nhuộm màu cho một tấm vải dơ bẩn, chưa giặt sạch. (Ý theo kinh ‘Ví Dụ Tấm Vải’).

Các sư thầy đã nói thẳng thừng như vậy, nhưng khó có thể làm cho mọi người biết cách mà tu tập cho đúng. Khó bởi vì nói thẳng như vậy mà họ cũng không chịu hiểu. Nếu họ hiểu được thì dễ hơn nhiều. Giống như ví dụ có một cái lỗ và có để một vật dưới đáy lỗ. Ai cũng thọc tay vào lỗ nhưng không đụng đến vật đó. Hầu hết đều cho rằng cái lỗ quá sâu, chứ không ai chịu hiểu do tay của họ ngắn quá. Một trăm hay một ngàn người thọc tay xuống đều nói lỗ quá sâu, không ai nói tay mình quá ngắn! 

Quá nhiều người cứ đi ‘tìm’ công đức, đi ‘tạo’ công đức. Nhưng đường đúng là họ nên tìm cách tu sửa để giải trừ bớt những bất thiện trong tâm, dù trễ vẫn còn tốt. Nhưng chẳng mấy ai muốn làm như vậy, chẳng mấy ai quan tâm đến việc tu sửa tâm tính. Lời dạy của Phật rất rõ ràng và ngắn gọn, nhưng tất cả họ đều nghe rồi bỏ qua, giống như cách họ ghé qua chùa Wat Pah Pong một chút rồi bỏ đi. Hầu hết họ nghĩ rằng Phật Pháp chỉ là vậy, chỉ là ghé vái lạy và cúng dường cho có công đức rồi đi, đó chỉ là điểm dừng chân. 

Một câu kệ trong kinh Pháp Cú của Phật có ghi: “Tránh làm tất cả những điều xấu ác” (Sabba-pāpassa akaranam). Đó là lời dạy của các vị Phật. Đây là cốt lõi của đạo Phật. Nhưng mọi người cứ muốn nhảy qua, họ không muốn làm những điều này. Phòng trừ, tránh bỏ tất cả những điều xấu ác, từ điều nhỏ đến điều lớn, từ thân, miệng, ý… đây chính là điều các vị Phật dạy. 

Nếu chúng ta muốn nhuộm một tấm vải thì chúng ta phải giặt sạch nó trước. Nhưng hầu hết mọi người không làm vậy. Nhiều người chẳng thèm nhìn vào tấm vải, cứ nhúng ngay vào thuốc nhuộm. Vậy là tấm vải càng trở nên tệ hơn trước đó. Hãy nghĩ về điều này. Vải mà dơ thì có nhuộm gì cũng ra màu dơ, màu lem. 

Quý vị thấy không? Đây là chỗ đạo Phật đã dạy, nhưng ai cũng bỏ qua phần này. Họ chỉ muốn ra mặt làm những việc tốt, việc thiện, nhưng họ không chịu từ bỏ những việc xấu, việc ác. (Khi tâm còn đầy tham, sân, ích kỷ thì có làm nhiều việc thiện thì cũng không tốt hơn bao nhiêu). Giống như ai cũng đổ thừa rằng ”cái lỗ sâu quá”, nhưng chẳng ai tự nhận là tay mình ngắn quá. Cái nên làm là chúng ta phải quay lại nhìn lại chính mình!. Nghe được giáo lý này, quý vị nên bước lùi lại một bước và nhìn lại chính mình.

Hàng đoàn đoàn người chất đầy trên các xe khách kéo nhau đi tạo công đức. Nhưng trên xe họ vẫn còn cãi vã nhau, người vừa lòng, kẻ bực tức với nhau này nọ. Thậm chí có những nhóm đi tạo công đức hay đi lễ Phật nhưng vẫn uống bia rượu dọc đường, trên xe. Nếu có ai hỏi họ đang đi đâu, họ đều nói là đang đi chùa, đang đi tạo phước, tạo đức. Họ chỉ muốn tạo công đức mà không muốn từ bỏ những tâm tính tham, sân, xấu nết, ích kỷ. Kiểu như vậy thì họ sẽ chẳng bao giờ tìm thấy công đức gì hết. 

Người đời thì theo kiểu như vậy. Còn quý vị nên nhìn một cách sâu sát, nhìn lại bản thân mình. Đức Phật đã dạy là phải luôn có sự tập trung (chánh định) của tâm và sự tỉnh giác (chánh niệm) trong tất cả mọi tình cảnh. Sự bất thiện khởi sinh trong những hành động của thân, miệng và ý. Nguồn gốc của tất mọi điều tốt, xấu, thiện, ác, lành, hại đều nằm trong ba loại hành động (ba nghiệp): hành động, lời nói và tâm ý. Quý vị có mang theo những hành động, lời nói, tâm ý đó đến đây hôm nay không? Hay quý vị đã bỏ chúng lại ở nhà? Đây chính là chỗ quý vị cần nhìn vào, ngay chỗ ba nghiệp đó. Không cần phải nhìn đâu xa xôi. Nhìn ngay vào hành động, lời nói và ý nghĩ của mình. Nhìn vào để thấy hành vi đức hạnh của mình có bị sai trái hay không. 

Đa số không thực sự nhìn vào ba chỗ đó. Giống như bà nội trợ đang rửa chén với vẻ mặt nhăn nhó. Bà ta cũng đang cố rửa sạch chén, nhưng không biết tâm mình đang ô nhiễm (sân)! Đó là chuyện bình thường, nhưng cũng có thể là chuyện thường ngày, ai cũng thường nhăn nhó khi rửa chén bát phải không. Đó, ngay chỗ này quý Phật tử cần nhìn vào chỗ này. Rửa chén với tâm bực tức, điều đó là không tốt: như vậy là quên mất mình, không chánh niệm, không để ý đến tâm mình.

Vì không nhìn thấy chính mình nên người ta cứ làm đủ thứ hành động bất thiện. Họ không nhìn vào tâm mình. Mỗi khi làm chuyện gì xấu sai, họ thường nhìn xung quanh coi có ai nhìn thấy mình không. ”Mẹ mình có nhìn thấy không?”, ”Chồng mình thấy không?”, ”Tụi nhỏ có nhìn thấy không?”. Nếu không thấy ai đang nhìn thì họ sẽ làm ngay. Điều đó thực ra là tự sỉ nhục mình. Họ cứ nghĩ không-ai nhìn thấy mình thì việc mình làm là không sai. Vậy còn chính bản thân họ không phải là người đang nhìn thấy hành động của họ đó sao?

Quý vị thấy không? Bởi mọi người cứ nhìn ra bên ngoài để coi có ai (hoặc luật lệ, quy định nào) đang nhìn thấy hành động mình hay không, bởi mọi người chẳng bao giờ quay lại nhìn vào chính mình, cho nên họ chẳng thể nào nhìn thấy Giáo Pháp. Nếu bạn nhìn vào bản thân mình, bạn sẽ thấy bản thân mình. Mỗi khi mình sắp làm điều gì sai xấu, nếu bạn kịp nhìn thấy bản thân mình, bạn có thể ngừng hành động bất thiện đó. Nếu bạn muốn làm điều lợi lạc đáng làm, hãy nhìn vào bản thân mình. Nếu nhìn vào bản thân mình, bạn sẽ thấy được điều đúng điều sai, điều hại điều lợi, điều xấu điều tốt, điều thiện và điều bất thiện. Đó là những thứ chúng ta cần nhìn và biết. 

Nếu tôi không nói về những điều này, có thể quý vị sẽ không bao giờ biết. Quý vị có tham và sân trong tâm, nhưng không hiểu biết về điều đó. Quý vị sẽ không bao giờ hiểu biết điều gì nếu quý vị luôn nhìn ra bên ngoài. Đây là vấn đề, là sự khó khổ của những người chỉ luôn nhìn ra bên ngoài. Chỉ có nhìn vào trong thì mới thấy được điều thiện và bất thiện (bên trong tâm mình). Sau khi nhìn thấy điều thiện lành, chúng ta mang điều đó vào trong trái tim và thực hành tu dưỡng nó. 

Từ bỏ (tránh bỏ, phòng ngừa) những điều xấu ác, tu tập (thực hành, tu dưỡng) những điều tốt thiện… đây chính là trái tim của đạo Phật. Sabba-pāpassa akaranam–[ Kiêng cữ, không làm những hành động xấu ác, dù bằng thân, bằng lời nói, hay bằng ý nghĩ]. Đó là sự tu hành đúng đắn, đó là  lời dạy của các vị Phật. Vậy thì ”tấm vải” của chúng ta mới được sạch sẽ. 

Rồi tiếp theo chúng ta có Kusalassūpasampadā–[Làm cho tâm thiện khéo và đức hạnh]. Nếu tâm đã thiện khéo và đức hạnh thì quý vị đâu cần phải ngồi trên xe khách đi khắp đất nước này để tìm kiếm công đức. Ngồi ở nhà cũng có được công đức vậy. Nhưng ai cũng rủ nhau đi tìm kiếm hay tích tạo công đức mà không mấy ai chịu từ bỏ những điều xấu ác. Họ quay về nhà với hai bàn tay trắng, với vẻ mặt chua chát (vì không biết mình có được phúc đức gì không sau một chuyến đi dài mệt mỏi như vậy). Họ lại rửa chén bát với vẻ mặt chua chát, ý định rửa chén cũng bực tức, không vui. Ngay chỗ này không ai chịu nhìn vào, mà cứ lo đi tìm công đức ở những nơi xa xôi. 

Chúng ta có thể đã nghe về những điều này, nhưng chúng ta chưa thực sự hiểu biết về chúng nếu chúng ta không chịu hiểu biết bên trong tâm này của chúng ta. Đạo Phật là tiến vào trong tâm. Nếu tâm đang tốt lành và đức hạnh thì nó hạnh phúc. Lúc đó như có một nụ cười trong tim chúng ta. Nhưng hầu hết chúng ta khó mà dành một chút thời gian để cười, phải không? Chúng ta muốn cười khi mọi thứ xảy ra theo ý chúng ta. Sự hạnh phúc của hầu hết mọi người là khi mọi thứ (cơm áo gạo tiền, dục lạc, danh phận…) xảy ra theo ý muốn của mình. Họ luôn muốn mọi người trên đời phải làm những điều họ muốn và nói những lời họ thấy vui. Đúng không, đó là cách người đời đi tìm hạnh phúc. Làm sao có thể mọi người trên đời này sẽ làm và nói những điều mình thích? Vậy thì làm sao bạn tìm thấy hạnh phúc được theo cách đó? 

Chúng ta phải dùng Giáo Pháp để tìm hạnh phúc. Dù mọi sự ra sao, dù đúng hay sai, đừng dính chấp vào nó. Cứ nhận biết mọi sự như-chúng-là, rồi chúng sẽ biến qua. Khi tâm được thư thả thì bạn có thể cười. Giây phút nào bạn khó chịu (không vui, sân giận, bất mãn, bực tức, khó chịu, bất đồng) với điều gì, tâm sẽ bị xấu. Cứ chấp này chấp nọ thì chẳng tốt lành gì cả. 

Sacittapariyodapanam: [(tạm dịch) Sau khi rửa sạch mọi ô  nhiễm, tâm sẽ không còn phiền não bất an…], tâm sẽ được bình an, hiền lành và đức hạnh. Khi tâm tỏa sáng và đã trừ sạch mọi điều bất thiện thì mọi lúc mọi nơi ta đều được thư thả, dễ chịu. Một cái tâm tĩnh lặng và bình an là sự thể hiện đích thực của thành tựu nhân văn. (Tâm tĩnh lặng và bình an là mục tiêu của con đường tu tập theo đạo Phật. Chứ bạn nghĩ mục tiêu của đạo Phật là gì?).

Khi ai nói thuận với ý ta, ta cười. Khi họ nói ngược với ý ta, ta bực. Làm sao bạn có thể khiến tất cả mọi người trên thế gian này luôn nói và làm theo ý của bạn được? Làm gì có chuyện đó (ngay cả khi bạn là vua), đúng không?. Bộ bạn chưa bao giờ làm ngược ý hay làm bực lòng cha mẹ mình sao? (Ngay cả bạn có hiếu đến mức nào, nhưng bạn cũng không thể luôn luôn nói và làm một cách tuyệt đối theo ý cha mẹ). Không phải chỉ là mọi người, mà thậm chí tâm của chúng ta cũng làm ngược ý ta. Những thứ bản thân chúng ta nghĩ đến cũng gây khó chịu. Chúng ta làm gì được? Có thể bạn đang đi thả bộ và bất ngờ vấp phải một gốc cây. Úi cha đau quá! Là chuyện gì? Ai gây ra? Ai đá chân vào gốc cây? Ai đá ai? Biết chửi ai bây giờ, nhưng ta cũng bực tức, ngay cả đó là hoàn toàn là lỗi của mình. Tâm của chúng ta cũng làm ta khó chịu, bất hạnh. Nếu suy xét về điều đó, bạn sẽ thấy đúng là vậy. Nhiều lúc chúng ta làm những điều mà mình cũng không thích. Tất cả chúng ta đều chửi thề (bằng nhiều chữ khác nhau) khi mà chúng ta không có ai để chửi, để chấp, để bắt lỗi, để trút sân giận về phía người đó.

Công đức, phúc đức hay phước trong đạo Phật chính là hành động từ bỏ những điều sai, xấu, ích kỷ. Khi chúng ta từ bỏ những điều sai, xấu, ích kỷ thì chúng ta không bất thiện, không sai, không xấu. Khi không còn sự căng thẳng, chấp nê này nọ thì sẽ có được sự bình lặng. Tâm bình lặng là một cái tâm trong sạch, nơi đó không còn chứa chấp những ý nghĩ sân si, nơi đó là trong sạch và sáng tỏ. 

Làm cách nào để làm cho tâm được trong sạch và sáng tỏ? Chỉ bằng cách thấy biết nó. Ví dụ, chúng ta có thể nghĩ rằng ”Hôm nay tâm trạng mình thực là tồi tệ, mọi thứ mình nhìn đều gây khó chịu, ngay cả mấy cái chén đang nằm trong tủ chén”. Bạn cứ muốn lấy chúng ra đập bể hết cho đã. Mọi thứ bạn nhìn đều đáng ghét, mấy con gà, mấy con vịt, mấy con mèo, mấy con chó…bạn thấy ghét tất cả. Mọi lời nói của ông chồng đều thấy ghét, thấy khó nghe. Ngay cả lúc này nếu nhìn vào trong tâm bạn cũng thấy không vui. Những lúc như vậy ta phải làm gì? Sự khó khổ này sinh ra từ đâu vậy? Cứ sân si như vậy thì không tốt lành, cứ sân si như vậy thì được gọi là sự ”không có công đức”, sân si như vậy là vô phúc, vô phước. Dạo này ở Thái Lan người ta hay nói kiểu ‘Một người khi chết là hết công đức’. (Ở Việt nam thì gọi là ‘hết phước’, cùng một nghĩa). Nhưng điều đó không phải, (không phải khi chết mới hết công đức). Cả đống người còn sống cũng đã đâu có chút công đức gì… đó là những người không hiểu biết gì về công đức. Cái tâm xấu thì luôn luôn tích thêm nhiều

 

những điều xấu, ác và bất thiện. (Tâm tốt thiện thì bản thân nó đã là công đức!).

Quý Phật tử cứ tổ chức những chuyến đi tìm kiếm hay tạo công đức như kiểu này thì chỉ giống như đang cố xây một ngôi nhà đẹp nhưng không chuẩn bị nền móng trước vậy. Chẳng bao lâu, ngôi nhà đó sẽ sập đổ ngay trên cái nền móng xấu đó. Làm kiểu đó là không ‘ăn’ được công đức nào đâu. Giờ quý Phật tử hãy bắt đầu làm lại, làm lại theo cách khác. Quý vị phải quay lại nhìn vào mình, nhìn vào những sai xấu trong từng hành động, lời nói và ý nghĩ của  mình. Đâu còn chỗ nào đâu, ngoài ba nghiệp hành động, lời nói và ý nghĩ? Mọi người đều đang đi lạc. Có người còn ước nếu có đi tu thì đến tu ở chùa Wat Pah Pong nổi tiếng. Ở chùa Wat Pah Pong có bình an không? Không, ở đây không thực sự bình an gì đâu. Sự bình an thực sự nằm ở trong ‘ngôi nhà’ của quý vị. 

Nếu mình có sự hiểu biết, có trí tuệ thì đi đâu mình cũng vô sự, không bị bất an. Cả thế gian thì tuyệt đẹp như vậy, như nó là. Mọi cây cối trong rừng đều đẹp: có cây cao, cây thấp, cây mục, cây rỗng. Chúng tự nhiên là như vậy,  như chúng là. Chỉ vì không hiểu được lẽ tự nhiên nên chúng ta cứ luôn chấp nê này nọ, có ý này ý nọ về chúng. Nhìn chúng cứ nghĩ cây này cao quá, cây này thấp quá, cây này đẹp, cây này xấu…đủ thứ. Cây cối chỉ là cây cối, chúng có mặt và tồn tại theo đường lối tự nhiên của chúng, chúng đâu làm gì ta, chúng đâu lớn, nhỏ, cao, thấp, xấu đẹp gì gì đó vì ta đâu mà ta cứ chấp này chấp nọ. Về chỗ này, chúng “tốt” hơn chúng ta nhiều. (Chúng chẳng hề chấp nê phân biệt này nọ). 

Bởi vậy tôi mới khắc những bài thơ nhỏ trên những cây quanh đây. Để cây cối dạy chúng ta. Quý vị đã học được gì từ chúng chưa? Quý vị nên học ít nhất một điều gì đó từ cây cối. Có rất nhiều cây, tất cả chúng đều có thứ để dạy chúng ta. Giáo Pháp có mặt ở khắp nơi, bên trong mọi thứ trong tự nhiên. Quý Phật tử nên hiểu biết chỗ này. Đừng cứ chấp nê, dính chấp này nọ; đừng than cái lỗ quá sâu…mà nên quay lại nhìn cánh tay mình để thấy tay mình ngắn! Nếu quý vị thấy được điều đó quý vị sẽ hạnh phúc. 

Nếu quý vị tạo được công đức hay đức hạnh, giữ nó trong tâm này. Đó là nơi tốt nhất để giữ nó. Tạo công đức như việc quý Phật tử đến đây thì cũng tốt, nhưng đó không phải là cách tốt nhất. Tạo dựng nhà cửa thì cũng tốt, nhưng đó không phải là cách tốt nhất. Tạo lập tâm của mình vào những điều thiện lành là cách tốt nhất. Đây là cách quý vị sẽ luôn luôn thấy tốt lành dù đang ngồi trong chùa ở đây hay đang ở nhà. Nên tìm kiếm điều tốt nhất bên trong tâm này của quý vị. Những cấu trúc bên ngoài của nhà cửa chỉ giống  như phần ”vỏ cây” của cây, chúng không phải là ”cốt lõi” của cây. 

(Việc đi chùa đi cúng dường để tạo công đức giống như những phần vỏ cây bên ngoài. Việc quay vào lại mình để tu sửa điều bất thiện ích kỷ và tu dưỡng điều thiện lành rộng lượng ở trong tâm mới là cốt lõi của đạo Phật. Đó mới là công đức thực sự.)

Nếu bạn có trí tuệ, mọi thứ bạn nhìn thấy sẽ là Giáo Pháp. Nếu thiếu trí tuệ thì ngay cả những điều tốt cũng trở thành xấu sai. Sự xấu sai này có từ đâu? Chính là từ trong tâm này của chúng ta, đó là nơi nó khởi sinh ra. Hãy nhìn xem tâm này thay đổi như thế nào. Mọi thứ đều thay đổi. Vợ chồng trước kia vẫn thường hòa hợp với nhau, luôn nói chuyện với nhau một cách hạnh phúc. Nhưng đến một ngày nào đó tâm trạng của họ trở nên xấu đi, mọi điều hai người nói ra đều thấy nặng nề, nghe như chửi nhau. Tâm đã chuyển thành xấu sai, nó đã thay đổi. Nó luôn thay đổi, nó là vậy. 

Do vậy, để từ bỏ sự xấu và tu dưỡng sự thiện, quý vị không cần phải khổ cực đi tìm ở nơi nào khác. Khi tâm mình xấu, đừng đi tìm kiếm ở người này người khác. Chỉ cần quay lại nhìn vào tâm mình và tìm coi những ý nghĩ đó từ đâu mà có. Tại sao tâm lại nghĩ những điều bất thiện như vậy? Hiểu biết rõ rằng tất cả mọi thứ đều biến đổi. Tình yêu thương cũng biến đổi, lòng thù ghét cũng biến đổi. Quý vị đã từng yêu thương con cháu của mình, phải không? Dĩ nhiên là vậy. Vậy quý vị đã từng ghét chúng chưa? Cũng có phải không. Đôi lúc cũng cũng thấy ghét, phải không? Liệu quý vị có bỏ mặc chúng không? Không, quý vị không thể bỏ mặc con cái. Tại sao không? Con cái chỉ là ‘của nợ’, sao không vứt bỏ đi? Thiệt tình, của nợ thì mong vứt bỏ đi, nhưng con cái là ‘của nợ’ mà cha mẹ chỉ muốn ôm vào. Con cái dù có xấu xa hư hỏng thì cũng là con của cha mẹ. Dù con cái làm bậy làm bạ thì cũng chính cha mẹ nhận lãnh. Chúng ta có thể gọi con cái là “nghiệp” (kamma) của mình. Mình phải trả nghiệp chỗ con cái. Hay con cái là nghiệp mình đã tạo ra. Có những nghiệp là tốt, có những nghiệp là xấu. Tốt và xấu đều có ở đó ngay bên trong con cái của mình. Nhưng dù là nghiệp xấu thì cũng là quý giá của mình. Một đứa con sinh ra dù có đui, cùi, sứt, mẻ, tàn tật thì đó cũng con của mình và nó còn đáng thương quý hơn những đứa con bình thường. Mỗi khi chúng ta rời khỏi nhà, chúng ta luôn luôn dặn dò kỹ lưỡng: ”Coi chừng đứa bé cẩn thận, nó yếu ớt lắm đó”. Cha mẹ còn thương yêu nó hơn mọi đứa con khác. 

Đúng là vậy, cha mẹ ai cũng thương con như vậy. Nhưng rồi qua thời gian quá khổ cực với con cái, cha mẹ lại thiết lập trong tâm—nửa thương, nửa ghét. Không còn một thứ tâm thương hay ghét, giờ thì luôn luôn có hai loại tâm trong tâm. Con cái là nghiệp của chúng ta, là “của” của chúng ta. Chúng nó là nghiệp của chúng ta, do vậy chúng ta phải có trách nhiệm lo cho chúng. Nếu đứa con làm ta khổ sở, chỉ cần biết nhắc nhở mình rằng : ”Đó là nghiệp của ta”. Nếu con cái làm chúng ta vui lòng, chỉ cần biết nhắc nhở mình rằng: ”Đó là nghiệp của ta”. Nhiều lúc ở nhà chúng ta quá bực tức, khổ cực…với con cái, chúng ta chỉ muốn bỏ đi, bỏ mặc con cái. Thậm chí có nhiều người gặp cảnh nghịch tử cũng nghĩ đến chuyện treo cổ tự tử! Đó là nghiệp. Chúng ta phải chấp nhận lẽ thật đó. Nên tránh bỏ những ý nghĩ xấu, tránh làm những điều bất thiện (như bất mãn, ghét bỏ, bỏ mặc, tuyệt vọng, tự tử…) thì chúng ta có thể nhìn thấy bản thân mình một cách rõ ràng hơn. 

Chính điều đó mà việc quán niệm về mọi sự việc là rất quan trọng. Thường khi tập thiền chúng ta dùng những đối tượng thiền, ví dụ như niệm chữ Bud-dho [Đức-Phật]. Nhưng chúng ta cũng có thể niệm chữ ngắn gọn hơn. Khi nào thấy khó chịu, khi nào thấy tâm mình xấu, chỉ cần nhớ: ”Là vậy!”. Khi cảm thấy tâm mình tốt hơn, chỉ cần niệm: ”Là vậy!…Điều đó không chắc chắn”. Nếu thấy tâm mình thương ai, chỉ cần biết: ”Là vậy!”. Nói vậy quý Phật tử có hiểu không? Quý vị không cần đi tìm tòi trong mấy tạng kinh. Chỉ cần nhớ niệm rằng: ”Là vậy!”. Nghĩa là: ”Nó là không chắc chắn”, ”Nó luôn biến đổi”. Tình thương là không chắc chắn, sự ghét là không chắc chắn, thiện là không chắc chắn, ác là không chắc chắn. Tất cả đều luôn biến đổi và vô thường. Tại sao chúng luôn vô thường? Vậy sự thường hằng ổn định của chúng nằm ở đâu? 

Bạn có thể nói chúng ta thường hằng chắc chắn cho đến khi chúng biến đổi, vô thường. Khi nhìn mọi thứ, về một mặt chúng có vẻ chắc chắn, nhưng mặt khác chúng không bao giờ là vậy. Một phút có thương, phút sau thấy ghét. Đó là cách tất cả mọi sự trên đời và trong tâm diễn ra. Mới nhìn thấy chúng là cố định, chắc chắn. Nhưng thấy vậy mà không phải vậy. Do đó tôi thường nói rằng khi thấy thương, chỉ cần nhủ rằng ”Là vậy!”. Cách này tiết kiệm rất nhiều thời giờ. Quý Phật tử không cần phải niệm câu: Aniccam, dukkham, anattā [Vô thường, khổ, vô ngã]. Khi chánh niệm hàng ngày, nếu quý Phật tử không muốn niệm một câu (đề mục thiền) dài như vậy, thì quý vị chỉ cần niệm một chữ đơn giản ”Là vậy!”. Khi thương có mặt, trước khi ta bị dính theo sự thương đó, chỉ cần nhắc mình: ”Là vậy!”. Chỉ cần nhớ niệm như vậy cũng đủ rồi.

Mọi thứ đều biến đổi vô thường, và chỉ có điều thường hằng chắc chắn sự vô thường. (Không có gì chắn chắn, thường hằng. Chỉ có sự vô thường là điều chắc chắn). Chỉ cần nhìn thấy như vậy là nhìn thấy Giáo Pháp, Giáo Pháp đích thực. 

Từ bây giờ, nếu ai thường xuyên nói với mình: ”Là vậy!”, và áp dụng cách tu tập như vậy trong mọi tình cảnh, thì sự dính chấp, tham, sân, si này nọ sẽ từ từ giảm bớt đi. Chúng ta sẽ không còn dính chấp vào sự thương ghét, vui buồn, sướng khổ…nữa. Chúng ta sẽ không dính chấp theo mọi sự nữa. Chúng ta sẽ đặt niềm tin vào sự thật, chứ không đặt tin vào những thứ gì khác. Chỉ cần hiểu biết như vậy là đủ để tu tập rồi. Như vậy là đủ tu rồi, chứ quý vị còn cần biết thêm điều gì khác nữa?

Sau khi nghe giáo lý chỗ này, quý vị cũng nên ghi nhớ. Nhớ cái gì? Thiền tập… Quý vị hiểu không? Nếu quý vị hiểu biết, Giáo Pháp sẽ thể hiện bên mình, tâm sẽ dừng lại (không còn động vọng, chấp nê, đối đãi liên tục). Nếu có tức giận trong tâm, chỉ biết nó ”Là vậy!”… và bấy nhiêu đó là đủ, tâm sẽ dừng lại ngay. Nếu bạn vẫn còn chưa hiểu rõ thì hãy nhìn sâu vào bên trong nó. Nếu có sự hiểu biết, khi giận khởi sinh trong tâm, bạn có thể tắt bặt nó ngay bằng ý niệm: ”Là vậy! Nó là vô thường!”. 

Hôm nay quý Phật tử có cơ duyên thu lưu lại Giáo Pháp này theo hai cách, thu lưu bên ngoài (bằng máy thu âm) và thu lưu vào bên trong (thu nhận vào trong tâm). Hướng vào trong, âm thanh đi vào trong qua lỗ tai sẽ được thu lưu vào tâm. Nếu quý vị không thu nạp vào tâm được như vậy thì thời giờ quý vị bỏ ra ở chùa Wat Pah Pong này chỉ là lãng phí. Máy thu âm ở đây là không quan trọng. Điều quan trọng là sự thu nạp vào trong tâm này. Máy thu âm và băng thu âm thì trước sau cũng bị cũ bị hư, nhưng Giáo Pháp đến được trong tâm thì không bị hư cũ, nó sẽ ở đó mãi mãi. Và quý vị cũng không cần tốn tiền mua pin để mở lại máy thu âm.

 

 

 

————

Bài viết được trích từ “Quyển 4: Giáo Pháp Sống” – bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, tác giả Thiền Sư Ajahn Chah

* Link Quyển 4: Giáo Pháp Sống

* Link  Tải sách ebook Quyển 4: Giáo Pháp Sống

* Link  Video Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành

* Link  Audio Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành

* Link  Thư mục Tác giả Thiền sư Ajahn Chah  

* Link  Thư mục Ebook Thiền sư Ajahn Chah

* Link  Giới thiệu tác giả Thiền sư Ajahn Chah

* Link  Tải App mobile Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app