Hiểu Về Giới Luật

 

Việc tu hành của chúng ta không phải là dễ dàng. Chúng ta có thể biết nhiều điều, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa biết. Lấy ví dụ, chúng ta nghe giáo lý như ”biết thân, biết thân trong thân”; hoặc ”biết tâm, biết tâm trong tâm”. Nếu chúng ta chưa tự tu những điều đó thì khi mới nghe ta cảm thấy khó hiểu.

Giới Luật (Vinaya) cũng như vậy. Trước kia tôi từng là một sư thầy, nhưng lúc đó chỉ là một ”tiểu sư”, chẳng phải ‘đại sư’. Tại sao tôi dùng chữ ”tiểu sư”? Bởi lúc đó tôi chưa tu tập thực sự. Tôi dạy về Giới Luật nhưng không tu tập. Nên tôi gọi là tiểu sư: có nghĩa là một ông thầy tiểu nhược. Tôi gọi là ‘ông thầy tiểu nhược’ bởi khi bước vào thực hành tôi còn quá nhiều thiếu sót nông cạn. Phần lớn sự tu tập của tôi rất xa vời với lý thuyết, giống như tôi chưa hề học biết gì về Giới Luật cả.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh ở đây là về mặt thực hành, ta khó có thể hiểu biết về Giới Luật một cách hoàn toàn, bởi có rất nhiều điều luôn là phạm giới, cho dù chúng ta biết hay không biết chúng là phạm giới hay không. Chỗ này rất đánh lừa. Và cần phải nhấn mạnh lại rằng nếu chúng ta chưa hiểu biết những giới luật nào hay giáo lý nào, chúng ta cần nên học hỏi nó với một sự nhiệt tâm và tôn trọng. Nếu chúng ta chưa biết, chúng ta phải nỗ lực học hỏi nó. Nếu chúng ta không nỗ lực học hỏi giới luật hay giáo lý, thì ngay cái hành động không nỗ lực đó cũng đã là phạm giới

Ví dụ vui, nếu như các thầy nghi ngờ… không biết người kia là nam hay nữ, các thầy chạm vào cô ta. Các thầy không biết chắc nhưng vẫn cố ý đụng chạm… thì vẫn là sai, là đã phạm giới cấm. Trước kia tôi thắc mắc tại sao điều đó là sai phạm, nhưng sau khi suy xét lại việc tu tập, tôi mới biết là người tu thiền cần phải có chánh niệm, phải biết cân nhắc, không nên làm thử điều mình chưa chắc. Khi đang nói, đang đụng chạm hay đang cầm nắm thứ gì, người ấy trước tiên phải suy xét thấu suốt. Sai phạm trong trường hợp trên là do không có chánh niệm, hoặc thiếu chánh niệm, hoặc thiếu chú tâm ngay lúc đó. 

Lấy ví dụ khác: mới 11:00 giờ sáng nhưng lúc đó trời mây mù, không thấy mặt trời và không có đồng hồ. Giả sử lúc đó chúng ta nghĩ là đã quá giữa trưa… chúng ta thực sự cảm thấy là đã quá giữa trưa… và chúng ta vẫn chưa ăn trưa. Thấy vậy nên chúng ta bắt đầu ăn, và một lát sau mây tan, vị trí mặt trời hiện ra vẫn còn ở phần đông, tức mới khoảng hơn 11:00 giờ. (Về thời gian thì chúng ta ăn đúng giờ, trước giờ ngọ). Nhưng chỗ này cũng dính vào giới luật.Trước kia tôi thường thắc mắc: nếu vẫn còn chưa quá nửa trưa (chưa quá ngọ) thì đúng giới luật chứ sao phạm luật? 

Sự sai phạm ở đây xảy ra là do xao lãng, bất cẩn, thiếu xem xét trước sau. Đó là thiếu kiềm chế. Nếu có sự nghi ngờ mà chúng ta vẫn làm với sự nghi ngờ đó, thì đó coi như đã dính vào một tội nhẹ (dukkata). Chúng ta nghĩ lúc đó đã quá giữa trưa, nhưng thực ra chưa. Hành động ăn thì không có gì sai, nhưng sai phạm là sự xao lãng, thiếu chú tâm, thiếu chánh niệm. Nếu đã quá trưa nhưng chúng ta nghĩ là chưa quá, thì chúng ta dính tội nặng hơn (pācittiya), đó là tội ăn quá giờ ngọ. Nếu chúng ta làm với sự nghi ngờ thì dù hành động đó là đúng hay sai cũng là phạm vào giới luật. Nếu hành động đó không sai thì dính vào sai phạm nhẹ; nếu hành động đó sai thì dính vào sai phạm nặng hơn. Vậy đó, Giới Luật (Vinaya) có thể làm chúng ta rối tâm rối trí.

Một bữa tôi đến thăm Sư Ajahn Mun. Dạo đó tôi mới bắt đầu tu tập. Tôi đã đọc quyển Pubbasikkhā và có thể hiểu khá rõ về nó. Sau đó tôi đọc tới bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo), trong đó tác giả có viết các quyển Sīlaniddesa (Quyển Giới Hạnh), quyển Samādhiniddesa (Quyển Tu Tập Tâm) và quyển Paññānidesa (Quyển Trí Tuệ)…thì tôi thấy đầu mình như nổ tung! Sau khi đọc những quyển đó, tôi thấy nó vượt quá khả năng tu tập của con người. Nhưng rồi tôi nghĩ lại, Phật chẳng bao giờ đi dạy những thứ mà người ta không thể nào tu được. Phật sẽ không dạy hay tuyên thuyết những thứ bất khả thi, bởi nếu làm vậy thì chẳng mang lại lợi ích gì cho Phật và cho mọi người. Quyển Giới Hạnh (Sīlaniddesa) thì cực kỳ chi ly, cặn kẽ; còn Quyển Thiền Định (Samādhiniddesa) thì còn hơn vậy nữa; đến Quyển Trí Tuệ (Paññāniddesa) thậm chí còn hơn hơn vậy nữa! Tôi ngồi thừ ra đó và nghĩ rằng: ”Thôi, tôi không học nỗi nữa. Vô phương vô hướng”. Tôi thực sự bí đường, như đang đến ngõ cụt. 

Trong giai đoạn đó, tôi phải vất vả chật vật với việc tu tập của mình… tôi kẹt cứng ở đó. Chuyện xảy ra như vậy nên tôi tìm cách đến gặp sư phụ Ajahn Mun. Tôi hỏi ngài: ”Thưa Thầy, con phải làm gì? Con mới bắt đầu tu tập nhưng con chưa biết cách tu đúng đắn. Con còn nhiều nghi ngờ nên không thể tìm ra nền tảng nào để tu tập hết”. 

Thầy hỏi tôi: ”Chuyện là sao?”. 

”Trong khi tu tập, con đọc bộ Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), nhưng hầu như không thể đưa những điều đó vào thực tiễn tu tập. Những nội dung của các Quyển Giới Hạnh (Sīlaniddesa), Quyển Thiền Định (Samādhiniddesa) và Quyển Trí Tuệ (Paññāniddesa) dường như là không thể thực hành được. Con không nghĩ có ai trên đời này có thể làm theo được, nó quá chi ly và phức tạp. Ngay cả việc nhớ từng điều luật đã là không thể, nó vượt quá khả năng của con”. 

Sư phụ nói với tôi rằng: ”Đúng rồi thầy…, nhiều thứ lắm trong đó, nhưng thực ra chỉ là ít ỏi. Nếu chúng ta phải nắm vững hết từng mỗi điều luật trong Quyển Giới Hạnh (Sīlaniddesa) thì sẽ rất khó làm… đúng vậy… Nhưng thực ra, cái chúng ta gọi là Giới Luật nó liên quan bắt nguồn từ tâm của chúng ta. Nếu chúng ta tu tập cái tâm có được một cảm nhận về sự xấu-hổ và sự sợ-hãi khi làm những điều sai trái, thì chúng ta sẽ biết kiềm chế, chúng ta sẽ biết phòng hộ… để không làm những điều bất thiện và nhờ đó không phạm vào giới luật… 

”Điều này trợ duyên cho chúng ta biết hài lòng với vài thứ ít, với vài mong ước, bởi chúng ta không thể tìm cầu quá nhiều thứ. Được như vậy, sự chánh niệm của chúng ta sẽ mạnh chắc hơn. Chúng ta có khả năng duy trì sự chánh niệm mọi lúc mọi nơi. Dù chúng ta đang ở đâu chúng ta vẫn luôn duy trì sự chánh niệm xuyên suốt. Sự cẩn trọng phòng hộ sẽ được phát triển. Hễ khi có sự nghi ngờ thì đừng nói về nó, đừng làm vì nó. Nếu có gì không hiểu thì hỏi sư thầy. Cố gắng tu tập hết từng điều luật có lẽ là một gánh nặng khó làm, nhưng điều quan trọng là phải coi lại mình có sẵn sàng thừa nhận những sai phạm của mình hay không. Chúng ta có chấp nhận những sai phạm của mình không?”. 

Lời dạy này là rất quan trọng. Chúng ta không cần phải biết thuộc quá nhiều từng mỗi điều luật, chỉ cần chúng ta biết huấn luyện cái tâm của mình. 

Sư Ajhan Mun nói tiếp: 

”Tất cả những thứ chúng ta đã đọc là khởi sinh từ cái tâm. Nếu chúng ta chưa huấn luyện cái tâm có được tính nhạy cảm và minh bạch thì lúc nào cũng có nghi ngờ. Chúng ta phải cố gắng đưa những giáo lý của Đức Phật vào trong tâm mình. Tỉnh táo và tập trung trong tâm. Cái gì khởi sinh mà ta nghi ngờ, hãy bỏ qua. Nếu ta không biết chắc đó là gì thì đừng nói gì hay làm gì. Ví dụ, nếu con phân vân ‘Điều này có sai hay không?’– thì đó là chưa chắc chắn- vậy thì đừng nói gì nó, đừng làm gì với nó, đừng bỏ mất sự kiềm chế của mình”. 

Khi tôi ngồi và lắng nghe, tôi quán chiếu rằng lời dạy này là đúng với tám cách để xác thực giáo lý đích thực của Đức Phật, đó là: Giáo lý nào (i) nói về sự làm tiêu giảm những ô nhiễm trong tâm; (ii) dẫn đến sự giải thoát khỏi khổ;  (iii) nói về sự từ bỏ [những khoái lạc giác quan]; (iv) nói về sự hài lòng với sự ít sự thiếu; (v) nói về sự khiêm tốn và sự không tham cầu địa vị và danh vọng; (vi) nói về sự sống tách ly và ẩn dật; (vii) nói về sự nỗ lực tinh tấn; (viii) nói về sự dễ dàng duy trì sự tu tập… đó là tám đặc điểm trong giáo lý của Đức Phật—gồm cả Giáo Pháp và Giới Luật. Những điều nào mâu thuẫn với những điều trên thì không phải là giáo lý của Phật. 

”Nếu chúng ta thực tình chân thật thì chúng ta sẽ có thấy xấu hổ và sợ sệt khi làm điều xấu ác. Chúng ta sẽ biết rằng nếu mình vẫn còn nghi ngờ trong tâm thì sẽ không nói gì hay làm gì với sự nghi ngờ đó. Quyển Giới Hạnh đó chỉ là ngôn từ chữ nghĩa mà thôi. Ví dụ, sự xấu hổ và sợ sệt (hiriottappa) khi làm điều xấu ác được ghi trong sách là một chuyện, nhưng sự xấu hổ và sợ sệt thực thụ trong tâm chúng ta là chuyện khác”. 

Khi học Giới Luật từ sư phụ Ajahn Mun, tôi đã học được rất nhiều điều. Khi tôi ngồi lắng nghe thầy ấy nói, sự hiểu biết đã khởi sinh trong tôi. 

Nhờ vậy, khi đến với Giới Luật, tôi chịu học rất nhiều. Nhiều ngày trong một kỳ an cư Mùa Mưa (kiết Hạ), tôi ngồi học giới luật từ 6 giớ tối đến rạng sáng. Tôi đã hiểu khá đầy đủ về nó. Tôi ghi chép tất cả những yếu tố tạo nên sự phạm giới (āpatti)được ghi trong quyển ‘Cẩm Nang Sơ Tu” (Pubbasikkhā) và giữ ghi chép đó trong túi đồ tôi mang theo. Tôi thực sự nỗ lực hết mình về mảng giới hạnh này, nhưng sau đó tôi cũng buông bỏ dần dần. Cứ mang hết nó trong đầu thì quá nặng nề. Tôi không biết điều gì là cốt lõi của toàn bộ giới luật và làm sao để gút lại nó, lúc đó tôi cứ ôm lấy tất cả. Sau khi tôi hiểu được đầy đủ hơn, tôi buông bỏ cá gánh nặng đó. Tôi chỉ cần lo chú ý vào cái tâm của mình, và dần dần tôi cũng không cần phải thuộc nhớ từng chữ nghĩa của các điều luật nữa. 

Tuy vậy, khi tôi dạy cho các tăng ni ở đây tôi vẫn lấy quyển Cẩm Nang Sơ Tu (Pubbasikkhā) làm tiêu chuẩn. Đã nhiều năm ở chùa Wat Pah Pong này, đích thân chúng tôi đã đọc đọc những chuẩn mực đó cho tăng đoàn. Vào những ngày đó, tôi thường lên ngồi trên ghế giảng pháp (ghế pháp tọa) ở sảnh đường và đọc cho đến mười một giờ hay nửa đêm, có khi đến tận hai, ba giờ sáng. Chúng ta quan tâm. Chúng ta luyện tập. Sau khi nghe đọc về Giới Luật, chúng ta sẽ về suy xét lại những điều mình đã nghe. Bởi vậy, sau khi các thầy nghe điều gì, các thầy phải nên xem xét nó và lặn sâu vào nó. 

Thời trước, ngay cả lúc tôi đã học những điều luật đó nhiều năm, nhưng sự hiểu biết của tôi cũng không đầy đủ, bởi có quá nhiều nghĩa ẩn tình ẩn ý bên trong chữ nghĩa trong sách. Rồi sau nhiều năm trôi qua kể từ thời tôi nghiền ngẫm học hiểu về chúng, phần trí nhớ về chúng cũng dần dần phai nhạt, nhưng bên trong tâm tôi thì chúng vẫn không hề thiếu đi. Có một chuẩn mực trong đó. Khi hết nghi ngờ thì có sự hiểu biết. Tôi đã gác sách vở qua một bên và tập trung tu tập cái tâm của mình. Tôi không còn nghi ngờ gì về bất cứ điều luật nào trong quyển giới luật đó. Tâm đã có sự đề cao tin tưởng vào giới hạnh, nó không dám làm điều gì sai xấu, dù ở nơi có người hay nơi chỉ có mình mình. Tôi không giết con vật nào hết, kể cả những con vật nhỏ bé nhất. Nếu có ai kêu tôi cố tình giết một con kiến hay con mối, tôi sẽ giơ thẳng tay từ chối, tôi không thể làm điều đó, cho dù họ có cho tôi hàng ngàn tiền bạc để làm. Ngay cả một con kiến hay con mối! Sự sống của con kiến còn có giá trị hơn tôi. 

Tuy nhiên, tôi có thể vô tình làm con vật nào đó chết, ví dụ như khi nó bò vào trong chân tôi và tôi vô tình phủi xuống. Có thể nó đã chết, nhưng khi tôi nhìn vô tâm mình tôi không thấy mặc cảm tội lỗi. Không có điều gì lay động hay nghi ngờ. Tại sao? Bởi hành động đó là không cố ý.

Cetanāham bhikkhave sīlam vadāmi’: ”Tâm ý (ý hành) là cốt lõi của giới hạnh”. Nhìn theo cách như vậy thấy mình không cố ý sát sinh. Đôi khi bước đi ta có thể đạp trúng côn trùng và làm nó chết. Trước kia chưa hiểu nên tôi luôn thấy khổ tâm khi chuyện đó xảy ra, vì cứ nghĩ mình đã phạm giới sát sinh. 

”Cái gì là không cố ý? Không cố ý nhưng đó là do mình không đủ cẩn thận!”. Nghĩ như vậy nên tôi vẫn luôn lo lắng mình vẫn phạm giới sát sinh. (Cứ nghĩ nếu đi đứng quan sát cẩn thận thì ta đâu có đạp côn trùng chết như vậy). 

Cứ như vậy, Giới Luật có thể làm rối trí rối tâm người tu, nhưng Giới Luật có giá trị của nó. Để làm đúng theo nó, các sư thầy thường nhắc rằng: ”Có điều luật nào mình chưa biết thì mình nên học. Nếu chưa biết thì mình nên hỏi những người đã biết”. Các sư thầy đã thực sự nhấn mạnh ý này. 

Giờ nếu mà không biết về các giới luật thì chúng ta không ý thức được sự vi phạm giới luật của chúng ta. Ví dụ, trước kia có một vị trưởng lão, sư Ajahn Pow ở chùa Wat Kow Wong Got, tỉnh Lopburi. Một ngày nọ, một Mahā, là một đệ tử của sư, đang ngồi chỗ sư thì có một vài phụ nữ bước vào và thưa rằng: 

”Thưa Sư Phụ (Luang Por)! Chúng con muốn mời thầy đi tham quan với chúng con một chuyến, thầy đi được không?”. 

Vị sư trưởng lão không trả lời. Vị Mahā ngồi bên cạnh nghĩ rằng sư phụ Ajahn Pow chưa nghe nên đã nhắc lại: 

”Sư Phụ có nghe chưa? Những cô Phật tử này nói mời sư phụ đi tham quan một chuyến với họ”. 

Sư phụ nói: ”Thầy đã nghe rồi”. 

Những cô Phật tử kia hỏi lại: ”Sư phụ, vậy sư phụ có đi với chúng con không?”. 

Vị thầy cứ ngồi yên và chẳng nói gì về lời thỉnh mời đó. Khi họ đi về rồi, vị thầy Mahā mới hỏi: 

”Sư phụ, tại sao thầy không trả lời họ?”. 

Vị thầy giải thích: ”Này Mahā, thầy không biết điều luật này sao? Những người vừa ở đây toàn là phụ nữ. Nếu phụ nữ mời thầy đi đâu đó, thầy không nên làm theo. Nếu tự họ khởi xướng, thu xếp và tổ chức thì không sao. Nếu thầy muốn đi thì thầy có thể đi, bởi vì thầy đã không tham gia vào việc khởi xướng, thu xếp, hay tổ chức chuyến đi”. 

Vị Mahā ngồi trầm ngâm: ”Ồ, con thật là ngu dốt”.

Luật Tạng đã ghi rằng nếu thực hiện việc thu xếp (khởi xướng, tổ chức) cùng với phụ nữ, và sau đó đi cùng với phụ nữ, thì cho dù không làm điều gì sai trái vẫn bị coi là phạm vào một điều luật pācittiya

Một ví dụ khác, khi Phật tử mang tiền trên một chiếc khay đến cúng dường sư Ajahn Pow. Thầy mở cái “khăn nhận” và cầm vào một đầu khăn để nhận đồ cúng dường. Nhưng khi thấy họ đưa khay tiền đặt lên khăn nhận đó, thầy đã bỏ tay ra khỏi cái khăn nhận. Rồi thầy cứ để yên tiền ở đó, thầy không quan tâm đến tiền và chỉ bỏ đi; bởi vì trong Giới Luật có ghi rằng, người xuất gia không được nhận đồ cúng dường dưới dạng tiền bạc, nhưng cũng không cần thiết cấm người ta cúng dường bằng tiền như vậy. Nếu sư thầy muốn nói, thì sư thầy có thể nói rằng: ”Thưa quý vị Phật tử, điều này là không được phép đối với một Tỳ kheo”. Có lẽ sư thầy nên nói cho họ biết. Nếu sư thầy nào muốn nó rõ cho Phật tử tại gia biết thì cứ nói ra rằng cúng dường tiền là điều cấm kỵ. Tuy nhiên, nếu sư thầy nào không muốn nói thẳng như vậy thì điều đó cũng không sao; cứ để tiền đó và bước đi. Các vị Phật tử sẽ hiểu ra. 

Mặc dù thầy Ajahn Pow và các đệ tử đã sống với nhau trong chùa đó đã nhiều năm, nhưng vẫn có nhiều đệ tử không hiểu được những hành vi của sư phụ mình. Điều này là hơi tệ. Còn tôi, tôi luôn cố quan sát và suy xét kỹ từng ý nhị tinh vi trong những điều mà sư Ajahn Pow đã làm. 

Giới Luật cũng có thể khiến một số thầy tu đã bỏ y hoàn tục. Khi họ học về Giới Luật thì có rất nhiều nghi ngờ khởi lên. Tâm cứ quay lại chuyện quá khứ… ”Việc thọ giới trước kia của tôi có đúng không?Vị thầy thọ giới cho tôi có được trong sạch thanh tịnh hay không? Những Tỳ kheo ngồi gần tôi trong buổi lễ thọ giới đó chưa biết gì về Giới Luật hết, vậy họ ngồi như vậy có đúng khoảng cách không? Việc tụng kinh lúc thọ giới có đúng không?”. Nhiều nghi hoặc cứ khởi lên như vậy…, thậm chí: ”Cái sảnh đường nơi tôi đã thọ giới có đúng quy cách hay không? Hình như nó nhỏ quá….”. Họ cứ nghi ngờ đủ thứ và rơi vào địa ngục. 

Tu như vậy là rất khó, phải đến khi nào ta biết đặt cái tâm của mình lên cơ sở nào. Chúng ta phải vui lòng mát dạ, chúng ta đâu thể cứ nhảy bổ vào mọi thứ như vậy. Nhưng phải thật vui mát đến mức không cần phải để ý gì những điều đã sai. Hồi đó tôi cũng rất bối rối ngu mờ và gần như đã muốn bỏ y bỏ cuộc; bởi lúc đó tôi nhìn thấy nhiều sai phạm trong việc tu của tôi và của cả một số sư thầy của tôi (sai phạm sơ với Giới Luật). Tôi cứ như ngồi trên lửa và mất ngủ vì những nghi ngờ đó.

Càng nghi ngờ, tôi càng thiền tập, tôi càng tu tập. Khi có nghi ngờ khởi sinh, tôi tu tập ngay điểm nghi ngờ đó. Trí tuệ khởi sinh. Nhiều thứ bắt đầu thay đổi. Khó mà tả được sự đổi thay đã diễn ra ra sao. Tâm thay đổi cho đến khi không còn nghi ngờ gì. Tôi không biết cách tâm thay đổi kiểu gì, nếu tôi nói lại cho những người khác chắc họ cũng không hiểu đâu. 

Tôi quán xét kỹ về giáo lý ‘Paccattam veditabboviññūhi’:

người khôn khéo phải tự mình hiểu biết. Đó phải là sự hiểu biết trực tiếp khởi sinh từ chính sự thực hành của mình. Học hỏi Giáo Pháp và Giới Luật là đúng, nhưng chỉ biết học suông thì chưa đủ. Nếu bạn thực sự bước xuống thực hành thì bạn sẽ nghi ngờ về đủ thứ. Trước kia khi chưa thực hành, tôi vẫn chưa quan tâm đến những tội nhỏ. Nhưng đến khi tôi bắt đầu thực hành thì ngay cả những tội nhẹ (dukkata) cũng trở nên quan trọng như những tội nặng (pārājika). Trước đó những tội nhẹ (dukkata) chỉ như không là gì, chỉ là ‘chuyện nhỏ’; tôi coi chúng như vậy. Cứ đến chiều bạn đến thú nhận tội và theo lý thì sau khi thú nhận là hết. Vì dễ như vậy nên bạn cứ phạm mấy tội đó hoài hoài. Kiểu thú tội như vậy là không trong sạch, không thanh tịnh, bởi bạn đâu có ngừng phạm mấy tội đó, bởi bạn đâu có quyết tâm thay đổi hay tu sửa những sai phạm đó. Nếu không có sự kiềm chế kiêng cữ, bạn dễ dàng lặp đi lặp lại những tội đó. Không có sự nhận thức thực thụ nào về sự thật, không có sự từ bỏ nào. 

Thực ra, về sự thật rốt ráo, không cần thiết phải làm y khuôn các nghi thức thú nhận những sai phạm hàng ngày như vậy. Nếu chúng ta thấy rằng tâm chúng ta đã trong sạch và không còn hơi hướng nghi ngờ nào nữa, thì những tội đó cũng tự nhiên hết ngay chỗ đó. Chúng ta chưa trong sạch là bởi chúng ta vẫn còn nghi ngờ, vẫn còn dao động. Chúng ta thực sự chưa trong sạch nên chúng ta không thể từ bỏ. Chúng ta chưa nhìn thấy mình- vấn đề là ngay chỗ đó. Giới Luật cũng giống như vòng rào phòng hộ chúng ta không phạm vào các sai phạm, cho nên chúng ta phải rất cẩn thận và để tâm chu đáo đến những điều luật của nó. 

Nếu các thầy không nhìn thấy giá trị thực thụ của Giới Luật đối với chính mình, thì việc tu sẽ khó khăn. Phải mất nhiều năm sau khi tôi đã vào tu ở chùa Wat Pah Pong này tôi mới có thể quyết định từ bỏ tiền bạc. Trong một kỳ an cư Mùa Mưa, tôi đã suy nghĩ suy xét về điều này rất nhiều, Cuối cùng, tôi cầm lấy bóp tiền và đi thẳng đến gặp một thầy Mahā đang cùng sống tu với tôi lúc đó, tôi đặt bóp xuống trước mặt thầy ấy: 

”Này thầy Mahā, thầy hãy giữ lấy bóp tiền này. Kể từ ngày hôm nay, tôi sẽ không nhận tiền hay giữ tiền gì nữa. Thầy có thể làm chứng cho tôi”. 

”Sư huynh nên giữ nó, sư huynh có thể cần đến nó cho nhiều đi lại hay học hành của mình lúc cần…”, thầy Mahā đó nói vậy. Thầy ấy không muốn nhận lấy tiền, thầy ấy thấy ngại… Thầy ấy nói tiếp: ”Tại sao sư huynh lại muốn bỏ hết chỗ tiền này?”. 

”Thầy đừng lo lắng cho tôi. Tôi đã quyết tâm. Tôi đã quyết định tối qua rồi”. 

Từ ngày thầy ấy nhận cái bóp tiền đó khoảng cách giữa chúng tôi càng xa. Chúng tôi không còn hiểu nhau. Thầy ấy vẫn còn là nhân chứng của tôi cho đến tận ngày hôm nay. Kể từ ngày đó, tôi đã không còn xài tiền hay dính líu gì đến việc mua bán bằng tiền nữa. Tôi đã kiềm chế bằng mọi cách với tiền bạc. Tôi cứ phòng ngừa những việc sai, mặc dù tôi không làm điều sai. Còn bên trong, tôi duy trì việc thiền tập. Tôi không còn cần tiền của gì nữa, tôi đã nhìn thấy nó là chất độc. Khi bạn đưa đồ độc hại cho con người, hay cho một con chó, hay cho bất cứ con gì, nó sẽ gây khổ đau và chết chóc cho người nhận nó. Nếu cứ tâm niệm như vậy thì chúng ta luôn có thể phòng ngừa và không dính vào thứ ”độc hại” đó. Khi đã nhìn thấy sự nguy hại của thứ gì thì sẽ không mấy khó khăn để từ bỏ nó

Nói về thức ăn cúng dường, nếu tôi nghi ngờ gì về chúng thì tôi sẽ không nhận lấy. Dù có thơm ngon đến cỡ nào, tôi cũng không ăn nó. Lấy ví dụ đơn giản, giả sử các thầy đang sống tu trong rừng và đi khất thực và nhận được cơm và dưa muối. Khi về đến nơi mở ra thấy dưa muối đã bị

có mùi chua hư… thì lúc đó các thầy nên bỏ nó đi.Cái gì giới luật đã cấm thì nên tránh bỏ ngay. Ăn cơm không sẽ tốt hơn, không phạm vào giới luật. Phải có ý thức như vậy trước khi mình có thể nói là thực sự hiểu giới luật, làm vậy thì Giới Luật sẽ trở nên đơn giản hơn. 

Nếu một Tỳ kheo muốn cho tôi một số đồ dùng, như dao cạo râu, kim chỉ hay thứ gì đó, tôi sẽ không nhận lấy, trừ khi tôi biết rõ người đó là bạn tu theo đúng tiêu chí Giới Luật như tôi. Tại sao vậy? Bởi vì làm sao tôi có thể tin tưởng một người khi họ chưa giữ giới đúng đắn? Lỡ họ là loại người đó thì sao, họ có thể làm bất cứ điều gì không đúng giới luật (và do vậy không thanh tịnh). Những người tu không giữ giới hạnh thì họ không thấy được giá trị của Giới Luật, do vậy có thể họ có được những vật dụng đó bằng những cách không đúng đắn với Giới Luật. Tôi phải thực sự kỹ càng và cẩn thận về vấn đề này. 

Sự thật thường mích lòng, một số bạn tu của tôi thời đó có thể nghi ngờ về tôi, cho rằng tôi có thái độ này nọ, không hòa đồng với bạn tu, không hòa hợp… Tôi vẫn tỉnh bơ và nói rằng: ”Chắc sẽ hòa hợp nhau khi chúng ta chết. Khi đến lúc chết chúng ta cùng với nhau trên một xuồng”. Tôi cố nhẫn nhịn. Tôi là người ít nói. Dù ai có nói gì, sự tu tập của tôi vẫn được giữ như vậy. Bởi vì sao? Vì tôi có cố nói họ cũng không hiểu. Họ không biết về thực hành. Hồi đó có những lúc tôi được người ta thỉnh đến đám tang, có người còn nói rằng: ”Đừng nghe lời ổng! Chỉ cần nhét tiền vô túi ổng và đừng nói gì về việc đó… đừng để ổng biết”.Nếu tôi nghe tôi sẽ nói ngay rằng: ”Ụa, thầy tưởng tôi chết rồi hay là gì vậy? Cũng giống như các thầy gọi nước có cồn là nước hoa, điều đó đâu biến nước có cồn thành nước hoa đâu, các thầy biết rõ mà. Nhưng các thầy, khi các thầy uống nước có cồn mà các thầy gọi là nước hoa đó, thì các thầy cứ việc uống. Uống xong chắc bị say xỉn khùng điên luôn đó!” 

Vậy đó, Giới Luật thiệt là khó. Chúng ta phải biết hài lòng với sự ít, sự thiếu, sự cách xa thế tục (biết sống tri túc và lánh trần). Chúng ta phải biết nhìn và biết nhìn đúng đắn. Có lần chúng tôi đi du hành qua tỉnh Saraburi (tỉnh miền đông Thái Lan), nhóm của tôi vào tá túc trong một ngôi chùa làng. Vị trụ trì cũng thuộc hàng tăng sĩ thâm niên như tôi. Buổi sáng chúng tôi cùng nhau đi khất thực, về lại chùa và đặt bình bát xuống. Lúc đó cũng có các Phật tử tại gia mang những món ăn khác vô sảnh chùa để cúng dường cho các tăng. Họ mới vừa đặt thức ăn ra chứ chưa tự tay dâng thức ăn tận tay các vị tăng đi qua, nhưng có một thầy đã chạm tay vào chỗ thức ăn đặt ở cuối hàng. (Chạm tay ở đây là có thể thầy ấy đã mở thức ăn ra, dùng muỗng để chạm, xới, hay sắp thức ăn, hay chỉ coi món đó là món gì). Một thầy đã đụng vào một món ăn trước khi nó được chính thức dâng cúng dường bởi các Phật tử tại gia. Vậy thì tính sao? 

Có năm Tỳ kheo đi cùng với tôi lúc đó, nhưng họ không phải là người chạm tay vô phần món ăn đó. Sau một vòng khất thực, chúng tôi chỉ nhận được cơm trắng, do vậy chúng tôi ngồi với nhau và ăn cơm trắng, không ai trong nhóm chúng tôi dám ăn thức ăn từ những món cúng dường đó. 

Sau đó vài ngày chúng tôi bắt đầu cảm nhận thầy Trụ Trì tỏ ra khó chịu với hành vi đó của chúng tôi. Một sư đệ của ông đã đến nói với chúng tôi rằng: ”Những vị tăng ghé thăm chùa nhưng không ăn những thức ăn đó. Không hiểu họ có ý gì?”. 

Chúng tôi cần ở lại thêm vài ngày, nên tôi đã đến giải thích cho vị tăng Trụ Trì. 

Tôi nói rằng: ”Thưa thầy Trụ Trì, cho tôi xin một chút để thưa chuyện. Tôi muốn nhờ chỗ chùa thầy để tá túc thêm một vài ngày, nhưng tôi sợ cách chúng tôi làm có thể đã làm phật ý quý thầy ở đây: Đó là chuyện chúng tôi đã không ăn thức ăn cúng dường bởi các Phật tử tại gia hôm đó. Tôi muốn làm rõ vấn đề này với thầy. Thực ra không hề có vấn đề gì, chỉ là chúng tôi đã học cách tu tập như vậy, tức là cách nhận những thứ cúng dường. Khi một Phật tử tại gia đặt thức ăn xuống và có một Tỳ kheo đến mở nắp ra và chạm vào (sắp xếp, coi ngó…) món ăn đó, trước khi nó được cúng dường chính thức cho các tăng… thì điều đó là sai. Đó là một tội nhẹ (dukkata, tác ác). Đặc biệt, nếu ai đụng hay chạm xới thức ăn chưa được dâng cúng dường một cách chính thức cho các tăng thì điều đó đã ‘làm hư’ thức ăn đó. Theo Giới Luật, vị Tỳ kheo nào ăn loại thức ăn đó sẽ dính một tội tác ác”.

”Chỉ là như vậy, ngoài ra chúng tôi không có ý gì chê trách hay cố nói rằng các vị tăng ở đây phải thực hành giống như chúng tôi… không hề có ý như vậy. Tôi chỉ muốn trình bày thiện chí của chúng tôi cho thầy nghe, bởi chúng tôi thực sự cần tá túc ở đây thêm vài ngày nữa”. 

Vị sư trụ trì chắp tay kiểu añjalī: ”Lành thay! Rất tốt! Tôi chưa thấy còn nhà sư nào ở vùng Saraburi này còn tuân giữ những điều luật nhỏ như vậy.Thời bây giờ mà còn được như vậy thật là hiếm hoi. Nếu còn có tăng nào như vậy, chắc hẳn họ ở vùng khác chứ không phải vùng Saraburi này. Tôi xin được tán dương thầy. Tôi chẳng có gì để phản đối, điều đó thật là tốt lành”. 

Ngày hôm sau khi chúng tôi khất thực về lại chùa, tôi thấy không còn vị tăng nào đến đụng chạm vào các món ăn nữa. Thay vì vậy, các Phật tử tại gia đã tự mình sắp xếp các món ăn và dâng cúng dường cho các tăng, bởi họ sợ làm khác thì các thầy tu không dám ăn. Kể từ hôm đó, các tăng và sa-di trong chùa có vẻ thực sự bất đồng, do vậy tôi phải cố giải thích với họ, để họ được an tâm. Tôi nghĩ họ ngại chúng tôi, nên họ cứ về thất của mình, đóng cửa im lặng bên trong. 

Hai, ba ngày sau tôi cố làm họ cảm thấy dễ chịu, bởi họ đã cảm thấy xấu hổ, mặc dù tôi chẳng hề có ý gì làm phật lòng họ cả. Tôi đâu có than phiền gì hay sai nhờ họ làm gì. Tôi có thể nhịn ăn nhiều ngày, tôi có thể ăn cơm trắng mà không bị chết. Sức mạnh tôi có được là từ sự tu tập, từ việc học hỏi và tu tập theo đúng giới luật. 

Tôi lấy Phật làm gương cho mình. Tôi đi đâu hay làm gì, tôi không dính líu với bản thân tôi. Tôi đã bỏ hết bản thân vào duy nhất việc tu tập, bởi vì tôi tự quan tâm mình, tôi tự quan tâm đến việc tu tập. 

Ai không tuân giữ theo Giới Luật hoặc không thiền tập thì khó ở chung với người tuân giữ Giới Luật và chú tâm thiền tập; họ phải tách riêng ra, đi theo đường khác nhau. Nếu là sư thầy tôi mà chỉ ngồi chỉ dạy người khác tu, còn mình thì không tu- điều đó là quá tệ. Khi nhìn sâu vào điều đó, tôi mới thấy sự hiểu biết lý thuyết và sự tu tập của tôi cách xa nhau một trời một đất. 

Do vậy, những ai có ý định vô rừng và lập thiền viện trong đó… thì đừng làm. Nếu chưa thực sự biết làm, đừng cố gắng thử, chỉ làm hư bột hư đường mà thôi. Một số thầy tu nghĩ mình vô rừng sống để tìm thấy sự bình an, nhưng họ chưa hiểu được những chỗ cốt lõi của việc tu hành. Họ tự cắt cỏ, tự làm mọi thứ cho mình…Ai thực sự biết về tu tập thì không thích đến những nơi như vậy đâu, vì ở đó họ tu cũng không tiến được. Tu kiểu đó không dẫn đến tiến bộ. Dù chốn rừng núi có yên bình đến đâu cũng chẳng tiến bộ được gì nếu bạn làm sai, tu sai. 

Họ thấy có những nhà sư trong rừng đang sống tu trong rừng như vậy nên họ muốn vào rừng tu như các nhà sư đó; nhưng không làm được giống vậy đâu. Y phục không giống vậy, thói quen ăn uống không giống vậy, mọi thứ đều khác. Nói thẳng ra, nếu họ không chịu tập luyện bản thân, thì họ không tu được. Nơi tu, chùa cao chùa đẹp, rừng già yên tĩnh cũng chẳng tu được gì đâu. Nếu tu được thì thực sự đã tu được ở nơi khác, nếu tu được thì chỗ đông người cũng tu được, cũng giống như thuốc tốt thì ai uống ở đâu cũng nó cũng có tác dụng tốt. (Phải có ‘chất’ tu và có ‘cách’ tu đúng đắn, chứ chùa đẹp không làm nên cao tăng, áo cà sa không làm nên thánh tăng). Có người chỉ tu tập chút ít và đi dạy người khác, kiểu đó là chưa chín chắn, họ chưa thực sự hiểu biết một cách chín muồi. Được vài bữa họ dẹp luôn, không còn chỉ còn dạy gì nữa. Kiểu tu và dạy như vậy chẳng nên bột nên đường gì hết.

Chúng ta cần phải học hỏi nhiều thứ- thử đọc quyển Hướng Dẫn Sơ Tu Navakovāda,trong đó nói gì? Học nó, nhớ nó, cho đến khi hiểu. Dần dà, hỏi thêm sư thầy của mình về những điểm tinh vi tế nhị, sư thầy sẽ giải thích cho mình. Cứ học như vậy cho đến khi mình thực sự hiểu được Giới Luật.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app