Những Nguy Hại của Sự Dính Chấp 

Dùng những công cụ tu tập để phân xếp những khó khăn và những thử thách quan trọng. Chúng ta dựa vào sự kiên nhẫn, sự chịu khó và sự hy sinh để tu. Chúng ta phải tự mình làm cái việc tu tập, tự mình trải nghiệm, tự mình chứng ngộ cho mình. Những người học thuật học giả thì thường bị rối trí và ngu mờ. Ví dụ, khi họ ngồi thiền, ngay khi họ trải nghiệm một chút sự tĩnh lặng thì họ liền nghĩ ”À, đây chắc là tầng thiền định thứ nhất”. Tâm họ làm việc kiểu vậy đó. (Họ luôn bị ‘nhớ bài’, bị dính những ý nghĩ về lý thuyết cứ hiện lên làm xáo trộn cái tính tự nhiên của thiền). Và khi ý nghĩ đó vừa khởi sinh, sự tĩnh lặng đó cũng biến mất. Rồi ngồi thiền được chút tĩnh lặng khác, họ nghĩ họ chứng đắc tầng thiền định thứ hai luôn. Tu thiền mà cứ nghĩ và phỏng đoán như vậy là không phải. Chẳng có cái bảng chỉ dẫn nào tuyên bố là ta đang đạt mức định sâu nào hay tầng thiền định nào. Thực tại của thiền là hoàn toàn khác. Trong thiền, không có bất kỳ bảng hiệu nào trên đường đi chỉ dẫn rằng “Đường này đi vào chùa Wat Nong Pah Pong” cả. Đó không phải cách tôi đã từng biết về tâm. Tâm không tuyên bố hay chỉ dẫn như vậy. 

Mặc dù nhiều học giả uyên bác đã viết mô tả về các tầng nhất thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền… nhưng những điều đã viết chỉ là những thông tin bề ngoài. Nếu tâm thực sự nhập vào những trạng thái tĩnh lặng thâm sâu đó [tầng thiền định], thì nó đâu biết gì về những điều như đã được mô tả. Nó biết, nhưng cái nó biết không phải như lý thuyết mà chúng ta đã học. Nếu những học giả đó cố gắn kết lý thuyết và lôi lý thuyểt vào trong sự thiền, thì họ sẽ rối trí; khi họ ngồi thiền họ cứ luôn tự hỏi: ”Hừmm, gì đây? Có phải đây là nhất thiền không?”. Vậy đó! Sự tĩnh lặng cũng bị tan mất ngay, và họ chẳng trải nghiệm được thứ gì thực sự có giá trị. Và tại sao vậy?. Bởi vì còn có tham muốn, và khi vẫn còn dục vọng thì điều gì xảy ra? Tâm sẽ lập tức rút ra khỏi thiền. Chính vì lẽ này tất cả chúng ta phải nên dẹp bỏ mọi ý nghĩ và phỏng đoán trong khi ngồi thiền. Dẹp bỏ chúng hoàn toàn. Chỉ cần lấy thân, lời nói và hành động (làm chỗ quán xét, tu tập), và lặn sâu hết mình vào việc tu tập. Quan sát sự vận hành của cái tâm, nhưng đừng lôi kinh sách vào đó với bạn. Nếu thiền mà còn lôi theo kinh sách bên mình thì mọi sự sẽ trở thành một đống rối beng, bởi vì chẳng có gì trong sách vở là tương ứng một cách chính xác với mọi thứ thực sự diễn ra trong thiền. 

Những người học nhiều có đầy những kiến thức về lý thuyết thường không mấy thành công trong tu tập. Họ bị dính ngang mức độ thông tin. Điều sự thật là trái tim và tâm không thể được do lường bằng những tiêu chuẩn bên ngoài. Nếu tâm đang được bình an, cứ để cho nó bình an. Những mức độ thâm sâu của sự bình an (như tầng thiền định) là có thực. Về cá nhân tôi, tôi không biết nhiều về lý thuyết tu tập. Khi tôi đã trở thành Tỳ kheo đã ba năm, lúc đó tôi vẫn chưa biết trạng thái định tâm (samādhi) thực sự là gì. Tôi cứ luôn nghĩ suy về nó và cố hình dung về nó khi đang thiền tập, nhưng lúc đó tâm tôi càng thêm bất an và xao lãng hơn trước đó! Số lượng nghĩ suy càng lúc nhiều thêm. Khi không thiền tập tôi thấy bình an hơn. Tội nghiệp tôi, sao khó thiệt, cứ bực bội quay quất! Nhưng mặc dù gặp nhiều trở ngại như vậy, tôi vẫn không nản chí bỏ cuộc. Tôi cứ tiếp tục tu. Khi nào tôi không cố gắng làm điều gì thì tâm tương đối được bình an. Nhưng hễ khi nào tôi cố làm cho cái tâm hợp nhất đạt định, thì tâm bị động vọng không còn kiểm soát được. ”Chuyện gì đang xảy ra ở đây, tại sao lại xảy ra như vậy”, tôi cứ tự hỏi. 

Sau này tôi mới nhận ra việc thiền có thể ví như tiến trình thở vậy. Nếu chúng ta cố o ép hơi thở ngắn, dài, sâu hay cạn, thì điều đó rất khó làm được. Tuy nhiên nếu chúng ta cứ đi thả bộ và thậm chí không để ý mình đang thở, thì lúc đó tâm cực kỳ thư thái. Do đó, tôi suy ra rằng: ”À, có thể đó là cách tâm vận hành!”. Khi một người đi thả bộ không để ý đến hơi thở thì hơi thở đâu có làm người ấy khổ, đúng không? Đúng vậy, lúc đó chỉ cảm thấy thư giãn. Nhưng khi tôi ngồi suốt và quyết tâm thệ nguyện sẽ thiền cho được tâm an, thì ngay đó đã tạo sự dính chấp và ràng buộc một cách miễn cưỡng. (Sự dính chấp ràng buộc là ngược lại với thiền, bởi thiền là là sự buông bỏ). Khi tôi cố kiểm soát hơi thở cạn hay sâu, thì nó chỉ càng thêm áp lực hơn trước đó. Tại sao? Bởi vì năng lực ý chí tôi đang dùng đã bị ô nhiễm bởi sự dính chấp và ràng buộc. Tôi không biết điều gì đang diễn ra. Mọi sự thất vọng, bực bội và khó khăn đó đang có mặt bởi tôi đang mang dục vọng vào sự thiền.

 

* Bài viết được trích từ bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, Thiền Sư Ajahn Chah

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app