Quyển 9:

MỌI THỨ ĐỀU DẠY CHÚNG TA

  1. Về Tính Cẩn Trọng
  2. Điều Đó Có Thể Làm Được
  3. Chùa Vô Minh
  4. Hiểu Biết về Khổ
  5. Tu Tập Tận Tâm?
  6. Hiểu Biết Thế Gian
  7. Giáo Pháp Đi Đến Trời Tây
  8. Lắng Nghe Trên Cả Ngôn Từ
  9. Kiêng Cữ Đúng Đắn
  10. Một Chữ Cũng Là Đủ
  11. Lời Nhắn Gửi Từ Thái Lan

 

86

Về Tính Cẩn Trọng

Phật đã dạy nhìn thấy thân trong thân. Điều đó nghĩa là gì?. Chúng ta đã quá quen với những bộ phận của thân như tóc, lông, móng, da. Vậy thì nhìn thấy thân trong thân là nhìn ra sao? Nếu chúng ta nhận biết được những thứ đó là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã, thì đó được gọi là ‘nhìn thấy thân trong thân’. Vậy là đâu cần phải đi vào chi tiết hay thiền về những bộ phận khác nhau. Giống như đã có trái cây trong giỏ. Nếu chúng ta đã đếm trái trong giỏ, chúng ta đã biết có bao nhiêu trái, và khi cần đi chúng ta chỉ việc xách giỏ đi, tất cả số trái cây đều ở trong giỏ. Chúng ta đã biết tất cả trái cây trong giỏ là bao nhiêu, vì vậy ta đâu cần phải đếm lại.

Sau khi đã thiền tập về 32 bộ phận của thân, và đã nhận thấy chúng là những thứ không ổn định và không thường hằng, chúng ta không còn phải nhọc công tách riêng chúng ra từng bộ phận để thiền quán riêng từng cái. Cũng giống như giỏ trái cây kia—chúng ta không cần phải đổ ra và đếm đi đếm lại từng trái. Chúng ta mang cả giỏ trái cây đi về luôn, đi một cách chánh niệm và cẩn thận, không để mình bị vấp hay ngã.

Khi chúng ta nhìn thấy thân trong thân, có nghĩa là chúng ta nhìn thấy Giáo Pháp trong thân, hiểu biết về thân của mình và thân của người khác là thứ vô thường, do vậy chúng ta không cần những giải thích chi li về thân của từng mỗi người nữa. Khi đang ngồi đây, chúng ta chủ động có sự chánh niệm ổn định, hiểu biết rõ mọi thứ đúng như chúng là, và do vậy sự thiền trở nên rất dễ dàng. Cũng giống như việc thiền niệm về Đức Phật—nếu chúng ta hiểu biết Phật đích thực là gì thì chúng ta không cần phải tụng niệm chữ ‘Phật’ nhiều nữa. Điều đó có nghĩa là ta đang có đủ sự hiểu biết hoàn toàn và sự tỉnh giác vững chắc. Đó chính là thiền.

Tuy nhiên, thiền thường không được hiểu đúng. Nhiều người thường hiểu lầm về thiền. Chúng ta tu tập trong một số đông, nhưng chúng ta thường không biết tu thiền là gì. Một số người cho rằng tu thiền là việc khó làm. ”Tôi đến chùa, nhưng tôi không thể ngồi thiền. Tôi không chịu khó được nhiều. Chân tôi nhức, lưng tôi đau, tôi đau ê ẩm khắp người”. Họ nói vậy và bỏ cuộc luôn, họ không quay lại thiền tập nữa, bởi họ nghĩ họ không thể tập được.

Nhưng thực ra sự định tâm (samādhi) đâu phải là ngồi. Định đâu phải là đi. Định đâu phải là đứng hay nằm. Ngồi, đi, nằm, đứng, nhắm mắt, mở mắt, đó chỉ là những hành động mà thôi. Nhắm mắt không nhất thiết có nghĩa là người đó đang tu tập sự định tâm (thiền định). Nhắm mắt nhiều khi chỉ có nghĩa người đó đang buồn ngủ và đờ đẫn. Nếu ngồi nhắm mắt mà ngủ gục, đầu gục qua gục lại và miệng há hốc, thì đó đâu phải là đang ngồi thiền đạt định. Đó chỉ là ngồi nhắm mắt. Định là định, sự nhắm mắt chuyện khác. Định đích thực có thể được tu tập với mắt nhắm hay mắt mở, đâu nhất thiết phải nhắm mắt. Định vẫn có thể tu đạt được khi bạn đang ngồi, đang đi, đang nằm, đang đứng.

Định (samādhi) có nghĩa là tâm được tập trung một cách vững chắc, với một sự chú tâm chánh niệm bao-trùm, với giới hạnh, và với sự cẩn trọng. Chúng ta thường trực ý thức biết rõ sự đúng và sự sai, thường trực quán sát tất cả mọi điều kiện (trạng thái) đang khởi sinh trong tâm. Khi tâm phóng nghĩ về điều gì, nó đang có trạng thái sân hay tham, chúng ta ý thức biết rõ về điều đó. Ta luôn tỉnh giác biết điều đang xảy ra. Một số người dễ nản chí: ”Tôi tu không được đâu. Ngay khi tôi ngồi xuống, tâm trí tôi đã nghĩ đến nhà cửa. Thiệt là ác vậy đó. [tiếng Thái: bahp: ác, xấu]”. Nói nghe lạ thiệt! Nếu thiền mà ác thì có lẽ Phật đã không thành Phật. Phật đã bỏ ra năm năm trời để chiến đấu với cái tâm của mình, cái tâm luôn nghĩ đến nhà cửa và gia đình. Mãi đến sau sáu năm Phật mới tỉnh thức giác ngộ.

Nhiều người nghĩ những ý nghĩ khởi sinh bất ngờ là xấu hay ác. Nhiều lúc ta có một xung động muốn giết ai đó. Nhưng ta chỉ ý thức về điều đó ngay khoảng khắc sau đó, ta nhận ra việc giết hại là sai, do vậy chúng ta ngừng lại và giữ giới hạnh. Vậy trong cái ý nghĩ đó có sự nguy hại không? Quý vị nghĩ sao? Hoặc nếu ta có một ý nghĩ lấy trộm cái gì, những ngay sau đó ta quán chiếu lại biết đó là điều sai trái nên ta không làm—vậy ý nghĩ đó có phải là nghiệp xấu hay không? Không, không phải mỗi lần chúng ta có một xung động hay ý nghĩ là ta lập tức tạo nghiệp xấu. Nếu ý nghĩ (xấu) nào cũng đồng thời tạo nghiệp xấu thì lấy đâu ra con đường giải thoát? Xung động chỉ là xung động; sự thôi thúc chỉ là sự thôi thúc; những ý nghĩ chỉ mới là ý nghĩ thoáng khởi lên. Ngay khoảng-khắc đầu tiên, ta chưa tạo ra nghiệp gì cả. Trong khoảng-khắc thứ hai sau đó, nếu chúng ta làm điều đó bằng tay chân, miệng hay bằng tâm ý thì chúng ta đang tạo nghiệp nào đó. Sự ngu mờ vô minh (avijjā) đã điều khiển chúng ta lúc đó. Nếu ta có xung động muốn ăn cắp và ta lập tức ý thức rõ về bản thân mình và ý thức rõ điều đó là sai trái, thì đây là trí tuệ, và đây là sự hiểu biết minh mẫn (vijjā) chứ không phải vô minh (avijjā). Xung động thuộc tâm chưa được tạo tác thành nghiệp.

Đây là sự ý-thức đúng lúc, sự tỉnh-giác đúng lúc, là nhờ trí tuệ khởi sinh và thông báo cho ta về trải nghiệm mà ta sắp làm. Nếu có khoảng-khắc tâm [sát-na tâm] đầu tiên muốn ăn cắp cái gì và rồi chúng ta hành động theo đó, thì đó là một pháp vô minh. Ta đã tạo nghiệp vì do ngu mờ. Những hành động của thân, lời nói và tâm ý theo sau xung động đó sẽ tạo ra những kết quả tiêu cực và những nghiệp xấu.

Cách tạo nghiệp là vậy. Chỉ mới ý nghĩ xấu thì chưa tạo nghiệp xấu. Nếu chúng ta không có những ý nghĩ thì làm sao phát triển trí tuệ?. Một số người chỉ muốn ngồi với một cái tâm trống không. Điều đó là hiểu sai. (Đâu có ai ngồi thiền với một cái tâm trống không như vậy. Luôn luôn có những xung động và ý nghĩ khởi sinh trong tâm.)

Tôi đang nói về sự định tâm, tức trạng thái định (samādhi) có đi kèm với trí tuệ. Thực ra, Phật không mong muốn có nhiều định. Phật không muốn các tầng thiền định (jhāna) và siêu định (samāpatti). Phật nhìn thấy định (chánh định) là một phần của con đường đạo. Giới, Định, Tuệ là những phần hay thành phần, nó giống như những thành phần nguyên liệu để nấu món ăn. Chúng ta dùng những thành phần gia vị để nấu món ăn thơm ngon. Những thành phần là quan trọng, nhưng mục tiêu là món ăn chúng ta ăn. Việc tu tập phần định tâm cũng tương tự như vậy. Định chỉ là một phần góp để dẫn đến mục tiêu giác ngộ sau cùng. Những vị thầy của Phật trước kia, ngài Uddaka và ngài Ālāra, đã nhấn mạnh việc tu thiền định để đạt đến những tầng thiền định (jhāna) và chứng đắc nhiều loại năng lực siêu thường như thần thông và thần nhãn nhìn thấy những thứ vô hình… Nhưng nếu ai tu thiền định quá xa như vậy, họ sẽ khó quay trở lại. Một số nơi dạy thiền định thâm sâu, cứ ngồi chìm đắm trong sự khoái lạc của tĩnh lặng (tịnh tịch trú). Những người tu thiền mà mê đắm trạng thái định sâu (samādhi) như vậy sẽ bị ngộ độc bởi trạng thái định của họ. Nếu họ có giới hạnh (sīla) họ sẽ bị ngộ độc bởi giới hạnh của họ. Nếu họ bước đi trên đường tu, họ sẽ bị ngộ độc bởi con đường đạo đó, bị mê hoặc bởi cái vẻ đẹp và sự kỳ diệu mà họ trải nghiệm trên con đường tu đó, và cuối cùng họ không thể đi đến đích mục tiêu của con đường đó.

Phật gọi đó là những sai lạc vi tế. Mặc dù tu được định hay giới như vậy cũng đã là tinh tế, tinh tế hơn nhiều so với mức độ còn thô tế của người phàm trần. Nhưng thực sự thì Phật chỉ muốn chúng ta có được một mức độ định phù hợp đúng đắn, một mức độ định đủ để trợ giúp phần tu trí tuệ, chứ không cần phải tu thiền định quá xa và bị dính kẹt trong những tầng siêu định như vậy. Sau khi chúng ta tu tập định đến một mức độ phù hợp vừa đủ, thì mức độ định đó nên được dùng để giúp cho việc phát triển trí tuệ.

Định (samādhi) là mức độ định của thiền định (samatha)- đó là mức độ tĩnh lặng-nó chỉ giống như miếng đá đè lên cỏ vậy. Trong trạng thái định chắc chắc và ổn định thì có trí tuệ trong đó, ngay cả khi đang mở mắt. Khi trí tuệ được sinh ra, nó bao hàm và hiểu biết [‘thống trị’] tất cả mọi thứ. Do vậy, Đức Phật đã không muốn chúng ta phải đạt đến những tầng thiền định thâm sâu và kết thúc ở đó, bởi vì tu hướng đó là đi lệch khỏi con đường đạo. (Tu hướng đó là cao siêu, nhưng trạng thái cao siêu đó chỉ là tạm thời khi nhập định, và cuối cùng vẫn không giải thoát. Còn đạo Phật là con đường đi đến sự giải thoát rốt ráo).

Do vậy, điều cần thiết là không nên chấp thủ hay khăng khăng vào tư thế tọa thiền hay bất kỳ tư thế nào đó. Đâu phải chỉ có ngồi mới là thiền. Định đâu phải có mặt trong tư thế nhắm mắt, mở mắt, hay đang ngồi, đang đứng, đang đi, hay đang nằm. Định có mặt trong tất cả mọi tư thế và hoạt động. Những người già đâu có ngồi thiền lâu được, nhưng họ vẫn có thể thiền quán đặc biệt giỏi và họ có thể tu định một cách dễ dàng; họ cũng có thể tu tập phát triển rất nhiều trí tuệ. Làm sao họ có thể phát triển trí tuệ như vậy? Bởi mọi thứ đều đánh thức họ. Khi họ mở mắt, họ không nhìn thấy mọi thứ rõ ràng như họ vẫn thường nhìn thấy trước đó, người già thì mắt mờ. Răng họ đau nhức và gãy rụng. Thân thể họ thì đau nhức, yếu ớt suốt ngày đêm. Nhưng chính đó là nơi tu học. Bởi vậy, thiền là việc dễ-làm đối với những người già. Thiền là việc khó làm đối với những người trẻ. Người trẻ răng còn chắc chắn, nên họ còn ăn rất ngon miệng. Người trẻ còn ngủ sâu ngủ lâu. Tất cả những giác quan của họ còn rất nhạy cảm và cuộc đời vẫn còn vui thú và đẹp đẽ đối với họ; do vậy người trẻ vẫn còn mê đắm ngu mờ rất nặng trong thế giới thế tục. Đối với người già, khi nhai thứ gì là đã thấy đau đớn hàm răng. Chính ngay đó là những vị thiên sứ (devadūta) đang nói với những người già; chính những thứ đó đang dạy những người già suốt ngày. Khi họ mở mắt, nhìn gì cũng lu mờ. Sáng thức dậy thì lưng đau nhức. Chiều lạnh thì đau chân đau xương. Vậy đó, tuổi già là vậy đó! Nhưng đó chính là những đề tài tốt nhất để họ tu học. Nhiều người già trong số quý vị cứ than rằng mình không thể thiền tập. Vậy quý vị muốn thiền về cái gì? (Tại sao không thiền về những sự già khổ và bất toại nguyện đó?). Quý vị muốn học thiền từ ai? (Sao không học thiền từ những thứ đó, đường lối của thân là cái chúng ta cần phải học từ đó).

Đây chính là cách nhìn thấy thân trong thân và nhìn thấy cảm giác trong cảm giác. Quý vị đang nhìn thấy hay quý vị muốn trốn tránh chúng? Nếu nói mình già rồi nên không thiền tập được nữa là sai, đó là hiểu sai. Vấn đề ở chỗ: mọi thứ có rõ ràng đối với mình hay không; mình có nhìn thấy mọi thứ rõ ràng được không. Người già có nhiều suy nghĩ suy tư, rất nhiều cảm giác cảm nhận, rất nhiều bất tiện và đau khổ. Mọi điều đều xảy ra đối với người già! Nếu những người già thiền thì họ sẽ thực sự chứng ngộ những điều đó, bởi nó xảy ra suốt ngày đối với tuổi già. Vì vậy nên tôi đã nói thiền là việc dễ làm đối với người già. Quí vị Phật tử ở đây có thể thiền tốt nhất. Giống mọi người vẫn thường nói: ”Khi nào già tôi vô chùa tu”. Câu này thật là đúng nghĩa, nếu quý vị biết được. Quý vị phải tự nhìn thấy điều đó tâm này. Điều đó là đúng đối với người già như chúng ta. Khi quý vị ngồi, điều đó đúng; khi quý vị đứng, điều đó đúng; khi quý vị đi, điều đó đúng. Tuổi già là chướng mà. Mọi thứ đều rối reng; mọi thứ đều như chướng ngại– Và mọi thứ đều đang dạy quý vị. Không phải vậy sao? Quý vị có thể đứng dậy và ra về ngay bây giờ, dễ mà phải không? Nhưng khi vừa đứng dậy: ”Ối đau!”. Hay quý vị không thấy đau?. Thân nó đang hành quý vị đó.

Chúng ta già rồi nên thân hành dữ lắm. Khi còn trẻ chúng ta không thích nghe có thể đứng bật dậy và bỏ đi nhẹ nhàng, không đau đớn gì hết. Nhưng lúc trẻ chưa đau nên ta chưa hiểu biết gì. Đến khi già, mỗi khi đứng dậy chúng ta phải nhăn mặt, chống chế và kêu ”Úi cha!”. Đúng vậy không? Mỗi lần bước đi, chúng ta học được điều gì đó. Mỗi lần làm gì, chúng ta cũng thấy khó khăn bất tiện và học được điều gì đó. Vậy sao quý vị lại nói già rồi khó thiền khó tu?. Vậy nếu không già quý vị thiền là thiền về cái gì khác hay nhìn vào thứ nào khác để thiền?. Ngay chỗ già khó già khổ, già đau già đớn đó là những ‘thiên sứ’ đang nói chuyện với quý vị đó. Cái thân hữu vi hành khổ (sankhāra) đang nói với quý vị rằng: nó không phải là ổn định, chắc chắn hay thường hằng gì cả; rằng nó không phải là ‘ta’ hay là cái gì ‘của ta’ cả. Những thân hành đang nói chuyện liên tục suốt ngày với quý vị đó.

Nhưng chúng ta thường nghĩ khác. Chúng ta không nghĩ rằng đó đúng là sự thật. Chúng ta cứ chìu theo những cách nhìn sai lạc và những ý tưởng sai lầm của chúng ta, sai khác với sự thật. Nhưng sự thật là, những người già đã tự nếm trải và nhìn thấy bản chất vô thường, khổ, và vô ngã của thân này, và điều đó làm khởi sinh sự chán-bỏ và sự không-còn mê-đắm vào thân nữa. Bởi vì sao, bởi vì bằng chứng nằm ngay bên trong họ suốt thời gian già bệnh; chính họ đã nếm trải và chứng kiến sự thật đó. Tôi nghĩ đó là điều tốt.

Có được sự nhạy cảm bên trong để luôn luôn ý thức biết về những điều sai điều đúng, điều thiện điều ác, thì được gọi là có Phật trí hay Phật tính. Chữ Phật có nghĩa là vậy. Không cần thiết phải tụng đi tụng lại chữ ”Phật”. Quý vị đã đếm số trái cây trong giỏ rồi, đâu cần đếm đi đếm lại. Mỗi lần ngồi xuống quý vị đâu cần phải đổ giỏ trái cây ra để đếm lại nữa. Quý vị cứ để yên chúng trong giỏ. Nhưng có kẻ không chắc hoặc dính tật nhớ nhầm gì đó nên cứ đổ ra đếm đi đếm lại hoài. Loại người đó cứ thấy gốc cây hay chỗ mát là đổ giỏ trái cây ra và đếm lại từng trái vào giỏ. Rồi tiếp tục đi, đến chỗ dừng khác lại đổ ra và đếm lại. Ổng đếm đi đếm lại cùng số trái cây đó thôi. Đó là tính tham thể hiện. Ổng cứ sợ nếu không đếm lại, lỡ mình đã đếm nhầm thì thiếu. Chúng ta cũng vậy, nhiều người cứ luôn tụng đi tụng lại chữ ”Phật”, họ sợ nếu không tụng đi tụng lại sẽ bị nhầm. Làm sao chúng ta nhầm lẫn được?. Chỉ có những người không biết chắc trong giỏ có bao nhiêu trái cây thì họ đếm đi đếm lại thôi. Còn ta, nếu đã hiểu biết rõ chữ ”Phật” nghĩa là gì thì ta đâu cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Khi đang ngồi quý vị cứ ngồi. Khi đang nằm quý vị cứ nằm, bởi vì Phật vẫn là Phật ở đó, giỏ trái cây vẫn đầy đủ ở đó.

Khi làm việc đức hạnh và công đức, chúng ta thường tụng: ”Cầu cho đây là duyên lành giúp chứng ngộ Niết-bàn” (Nibbāna paccayo hotu!). Thiệt ra không sai. Tạo duyên lành để giác ngộ Niết-bàn là tốt, cúng dường bố thí là tốt. Giữ giới hạnh là tốt. Thiền tập là tốt. Lắng nghe Giáo Pháp là tốt. Cầu cho những việc đó là những duyên lành giúp chứng ngộ Niết-bàn.

Nhưng Niết-bàn là cái gì vậy?. Ai biết không?. Niết-bàn được định nghĩa là sự vô-tham. Niết-bàn là không còn quan trọng thứ gì, không còn nắm giữ thứ gì, không còn cầu vọng thứ gì. Niết-bàn có nghĩa là buông-bỏ. Làm việc bố thí, cúng dường, cho đi và những việc công đức; tuân giữ các giới hạnh, và thiền tập về tâm từ… tất cả nhũng việc đó là để trừ bỏ những ô nhiễm và tính tham dục, là để làm cho tâm trống rỗng và sạch sẽ–tức không còn tính ích kỷ, không còn những quan niệm về cái ‘ta’, không còn chấp ‘ta’ chấp ‘người’, và không còn tham muốn thứ gì—không còn tham muốn có được gì hay trở thành gì gì nữa.

Nibbāna paccayo hotu: Cầu đây là nhân duyên giúp đạt đến Niết-bàn. Làm việc bố thí cúng dường là thực hiện việc từ bỏ, buông bỏ. Còn lắng nghe giáo pháp với mục đích là có được hiểu biết và buông bỏ, giúp dẹp bỏ sự tham chấp vào những thứ tốt xấu, đúng sai, sướng khổ. Trước tiên, quý vị cần phải tập thiền để trở nên có-ý-thức (tỉnh giác) về những điều đúng và sai. Khi nhận thấy điều gì là sai xấu, chúng ta tránh bỏ nó. Khi nhận thấy điều gì là đúng thiện, chúng ta làm và tu dưỡng nó. Ta làm thiện ta thấy mình thiện. Nhưng sau khi làm được chuyện tốt thiện thì cũng dính tâm vào sự tốt thiện đó; đừng nghĩ ta thiện, đừng có ghim ghút vào tim việc thiện ta đã làm được. Cứ vô-tư đứng giữa sự thiện tốt đó, hoặc ‘đứng trên’ điều thiện đó, đừng ‘đứng dưới’ điều thiện– tức đừng bám riết hay dính chấp vào điều thiện mà ta đã làm. (Làm việc thiện một cách chân thành, vô tư và không tính toán, không tính công tính đức gì hết). Nếu chúng ta cứ ‘đứng dưới’ điều thiện, thì suốt ngày điều thiện đó cứ bám riết lấy ta, và ta trở thành nô lệ cho nó. Ta trở thành nô lệ, và nó cứ thúc giục ta nghĩ ngợi đủ thứ hoặc làm đủ thứ, rốt cuộc tạo ra đủ thứ nghiệp và làm mất hết công đức. Nó chẳng giúp ta đến đâu, và kết quả cũng dẫn ta đến những sự bất hạnh và bất lành mà chúng ta đã từng có trước kia.

(Ví dụ bố thí giúp người nghèo khó vì lòng từ bi, đó là việc thiện cần nên làm. Nhưng sau khi làm, đừng cố nghĩ nhiều về hành động tốt của mình, đừng thầm tính công đức. Bố thí cúng dường thức ăn, thuốc men… cho các tăng ni có điều kiện tu hành, đó là việc làm vô lượng công đức. Nhưng sau khi bố thí, đừng cố nghĩ đến cái công đức vô lượng đó, đừng dính chấp rằng ta cần phải làm việc thiện để có nhiều công đức để được là gì gì đó sau này…)

Bỏ hết điều xấu ác để tích tạo công đức—tức là bỏ những điều tiêu cực để tu dưỡng những điều tích cực. Tích tạo công đức, phát triển công đức, giữ mình ‘đứng trên’ công đức đó. Giữ mình ‘đứng trên’ công đức và thất đức, ‘đứng trên’ tốt và xấu, ‘đứng trên’ thiện và ác. (Không dính vào sự xấu, không chấp vào sự tốt). Cứ luôn tu tập với một cái tâm từ bỏ, buông bỏ và tự do tự tại. Điều này giống như vầy: dù quý vị đang làm gì, nếu quý vị làm với một cái tâm buông bỏ thì điều đó mới tạo nhân duyên dẫn đến Niết-bàn giải thoát. Giải thoát, không còn tham muốn, không còn ô nhiễm, không còn dục vọng, rồi tất cả sẽ hợp nhập vào con đường đạo, tức là Bát Thánh Đạo, tức là chân pháp (saccadhamma). Đây là chỗ Tứ Diệu Đế nói đến: có trí tuệ hiểu biết về dục vọng (tanhā), đó chính là nguồn gốc của khổ (dukkha). Ba loại dục vọng chính: (i) dục vọng khoái lạc giác quan hay nhục dục (kāmatanhā), (ii) dục vọng muốn được sống và được tái sinh tốt hơn (bhavatanhā), (iii) dục vọng vì không được sống và không được tái sinh, coi như chết là hết (vibhavatanhā). Ba loại dục vọng đó chính là nguồn gốc và nguyên nhân tạo ra khổ. Nếu quý vị đến gần dục vọng, nếu quý vị còn tham muốn được này được nọ hay trở thành này thành nọ, thì quý vị chỉ đang nuôi dưỡng thêm sự khổ, đang tạo thêm khổ, bởi những tham muốn đó là thứ gây ra khổ. Những tham muốn dục vọng đó chính là nguyên nhân. Nếu chúng ta tạo ra nhiều nguyên nhân của khổ, thì lẽ nhiên khổ sẽ xảy ra. Đó là lý nhân quả. Ví dụ như loại dục vọng thứ ba: vibhavatanhā: dục vọng vì không được tái sinh, dục vọng vì cho rằng chết là hết, chẳng sợ có trả báo trả nghiệp gì hết. Chính loại dục vọng này làm cho người ta cứ tham muốn tận cùng và làm mọi thứ để có được sự hưởng thụ khoái lạc trong kiếp này, họ tạo ra đủ loại nghiệp xấu ác, và cuối cùng tất cả càng sinh ra rất nhiều khổ đau. Nói đơn giản, khổ là con đẻ của dục vọng. Khi có cha mẹ, khi có những tham muốn, khổ được sinh ra ngay. Khi nào không còn cha mẹ, nguồn gốc thì khổ không còn được sinh ra—không còn sinh ra con cái nữa.

Đây chính là chỗ để thiền tập. Chúng ta cần nhìn thấy tất cả mọi dạng dục vọng (tanha) khiến cho ta có những tham muốn. Nhưng khi nói về tham muốn thì dễ làm mọi người hiểu lầm. Một số người cho rằng bất kỳ loại tham muốn nào cũng là dục vọng, ví dụ như muốn có thức ăn để, muốn có tiện nghi nhà cửa để ở, muốn được an sinh. Chúng ta có thể có những loại tham muốn này theo cách tự nhiên và bình thường của chúng ta. Khi đói chúng ta muốn có thức ăn, chúng ta ăn và rồi xong. Đó là điều bình thường. Đây là tham muốn nằm trong giới hạn chấp nhận được và nó không gây ra những hậu quả xấu ác. Loại tham muốn này không phải thuộc về nhục dục hay khoái lạc. Nhưngnếu nó thuộc loại nhục dục hay khoái lạc giác quan thì nó trở thành thứ gì hơn là sự tham muốn bình thường. (Có người ăn đủ, ăn lành mạnh để sống, điều đó là bình thường để sinh tồn. Nhưng cũng có người như sống để ăn; luôn thèm muốn ăn những đồ ngon đồ quý, ăn vì tham ăn tham uống). Loại tham muốn ăn uống mang tính dục vọng là ăn uống hơn mức mình cần, thèm muốn tìm tòi đồ ăn ngon bổ, tìm thấy khoái lạc trong ăn uống và rượu bia…

Một số người kể cho tôi có những nơi người ta ăn óc khỉ sống. Họ bắt con khỉ ngồi bị ép dí xuống cái bàn có cái lổ chỉ lòi cái đầu lên, rồi họ lấy dao cắt sọ và móc ốc ra ăn. Kiểu ăn uống đó chẳng khác nào quỷ dữ hay quỷ đói. Đó không phải là sự ăn uống tự nhiên bình thường. Ăn uống kiểu này mà không phải là dục vọng sao. Họ cho rằng máu khỉ uống làm cho người mạnh khỏe hơn. Bởi vậy, những người có dục vọng ăn bổ sống lâu cứ đi săn lùng bắt những con thú rừng như vậy về để ăn thịt và làm đồ nhậu say sưa. Đó là kiểu ăn uống không bình thường. Đó là cách ăn của quỷ dữ và quỷ đói, đó là ăn vì khoái lạc được ăn và khoái lạc được tàn ác. Quỷ thì ăn đủ thứ than đá, ăn lửa, ăn mọi thứ, ăn mọi lúc mọi nơi.

Ăn uống không chừng mực, không lành mạnh, ăn uống tham tục là dạng dục vọng. Những người ăn uống như vậy thì khi nói, khi nghĩ, khi ăn mặc, khi làm bất cứ gì họ cũng làm thái quá, vì họ lúc nào cũng muốn nhiều hơn, lấn lướt hơn mức bình thường. Nếu chúng ta biết ăn, ngủ, và làm mọi thứ có chừng mực tự nhiên thì không có gì phương hại hết. Do vậy, quý vị phải luôn biết rõ mình về những việc ăn, uống, ngủ làm sao cho đúng với lẽ bình thường tự nhiên; nhờ đó bớt tạo ra khổ đau. Nếu chúng ta biết giữ mình trong chừng mực tự nhiên đúng đắn thì ta sẽ luôn thấy thư thái, dễ chịu, ít khổ.

Việc thiền tập và tích tạo công đức và giữ giới hạnh không phải là những việc quá khó làm, nếu chúng ta hiểu đúng về những việc đó. Điều gì là sai trái? Công đức là gì? Công đức là điều gì tốt lành và đẹp đẽ, không có hại mình và người, bao gồm cả hành động, ý nghĩ và lời nói. Từ đó tạo ra hạnh phúc. Không tạo ra điều gì tiêu cực. Công đức là vậy, chỉ tạo ra những điều tích cực và tốt lành. Sự khéo thiện là vậy.

Cũng giống như việc cúng dường và bố thí từ thiện. Khi chúng ta cho là chúng ta cố cho đi cái gì? Cho là nhằm mục đích tiêu diệt tâm tính ích kỷ, tiêu diệt cái quan niệm về cái ‘ta’ và cái ‘vì ta’. Ích kỷ là tâm tính cực kỳ mạnh và gây ra mọi sự khổ lụy. Những kẻ ích kỷ luôn muốn hơn người và luôn tham muốn có nhiều hơn người. Người ích kỷ là kẻ xấu, ví dụ đơn giản như họ chỉ muốn ăn uống no nê, họ chẳng bao giờ chịu rửa chén bát của mình. Họ để người khác dọn dẹp rửa chén bát của họ. Nếu họ ăn với nhóm người, ăn xong họ thì chuồn ngay, để người khác dọn dẹp rửa chén bát. Đây là ích kỷ, vô trách nhiệm, cứ trút cái khổ cực cho người khác. Ích kỷ là vị thân, là chỉ lo quyền lợi của mình, nhưng đích thực thì những người ích kỷ là những người không biết chăm lo cho chính mình, không giúp tu sửa bản thân mình và thực sự không biết thương chính mình. Khi thực hành việc bố thí cho đi, chúng ta cố gắng tẩy sạch cái thói tính ích kỷ đó trong tâm chúng ta. Điều này được gọi là tạo công đức bằng việc bố thí, để có được một cái tâm bi mẫn, thương xót và chăm lo tất cả mọi chúng sinh khác, không trừ chúng sinh nào. (Sự bố thí cho đi không nhất thiết phải bằng vật chất tiền bạc mà có thể bằng rất nhiều cách như sự phụ giúp, chăm lo, tỏ thái độ thương mến, một nụ cười, lời khuyên dạy…)

Nếu người ta chỉ cần trừ bỏ được một thói tâm duy nhất, đó là tính ích-kỷ, thì họ sẽ giống như Phật rồi. Phật không làm bất cứ điều gì cho quyền lợi của riêng mình, Phật luôn đi tìm sự tốt lành cho tất cả mọi người. Nếu chúng ta có được đạo và đạo quả khởi sinh trong tâm chúng ta như vậy, tức đạo bố thí và sự không còn ích kỷ, thì chúng ta chắc chắn sẽ tu tiến. Khi không còn tâm tính ích kỷ thì tất cả mọi hành động đức hạnh, sự bố thí và sự thiền tập sẽ dẫn đến giải thoát. Ai biết tu tập như vậy sẽ được tự do, giải thoát và vượt lên trên tất cả mọi quy ước và hình tướng bề ngoài của thế tục.

Những nguyên lý thực hành căn bản không vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta. Ví dụ, trong sự thực hành hạnh bố thí, nếu chúng ta thiếu trí tuệ thì sẽ không tạo ra công đức gì. Nếu không có hiểu biết, chúng ta chỉ nghĩ rằng bố thí chỉ đơn thuần là sự cho đi. Ai cũng nghĩ đơn giản rằng: ”Khi nào tôi thấy thích cho thì tôi cho. Khi nào tôi muốn lấy trộm thì tôi lấy trộm. Khi nào tôi thấy rộng lòng thì tôi cho”. Điều đó giống như một thùng nước đầy. Ta cứ đổ nước ra, rồi lại rót đầy trở lại; đổ ra rồi lại rót vào trở lại—cứ như vậy. Khi nào mới thực sự đổ ra hết luôn? Khi nào mới kết thúc chuyện đổ ra đổ vào, cho đi và lấy lại, chi ra và thu lại, ở trên đời? Quý vị có thấy kiểu tu như vậy có tạo nhân gì để dẫn đến Niết-bàn giải thoát hay không? Liệu thùng nước đó có thể đổ đi hết mà không cần rót vào lại hay không? Liệu chúng ta có thể bố thí và buông bỏ tất cả được hay không? Hay cứ đổ ra rồi trút vào—đến bao giờ mới làm được?

Cứ đổ ra trút vào, cho đi lấy lại thì chỉ là cái vòng lẩn quẩn (vatta). Nếu chúng ta nói về sự buông bỏ thực sự thì phải từ bỏ luôn cả những điều xấu lẫn điều tốt, lúc đó chỉ còn sự đổ ra. Ngay cả khi còn chút ít, ta vẫn dốc đổ hết ra. Ta không còn cố lấy vào thứ gì nữa, chỉ còn cho đi. Cứ múc đổ ra ngoài, từ từ cái thùng sẽ trống sạch. Còn nếu cứ bỏ ra một ít rồi cố lấy vào, đổ ra ít nước lại múc nước đổ lại vào thì cái thùng đó chẳng bao giờ hết—hãy nghĩ về điều đó. Khi nào mới đổ hết nước trong thùng? Khi nào ta mới hết tham lam và ích kỷ? Giáo pháp không phải là thứ gì xa vời. Nó ở ngay chỗ thùng nước. Quý vị có thể làm ở nhà. Hãy thử làm. Ta có thể múc đổ hết thùng nước hay không? Hãy thử làm ngày mai, quý vị sẽ thấy điều gì xảy ra.

”Từ bỏ những điều xấu, làm những điều thiện, làm trong sạch cái tâm”. (Kinh Pháp Cú). Phải từ bỏ những điều xấu ác trước, rồi sau đó tu dưỡng những điều thiện lành. Cái gì là thiện lành và công đức? Nó ở đâu? Nó giống như cá ở trong nước. Nếu chúng ta chịu múc đổ hết nước ra ngoài, ta sẽ có được cá—đơn giản là vậy. Nếu quý vị không chịu múc đổ nước ra, làm sao bắt được cá? Nếu cứ tác nước ra rồi lại đổ nước vào, làm sao bắt được cá? Nếu không dẹp bỏ hết những điều xấu ác thì chúng ta không thấy công đức và chúng ta không thấy được cái gì là đúng và sự thật. Cứ cho đi lấy lại, cứ làm tốt rồi làm xấu, cứ rộng lượng rồi ích kỷ, cứ đổ nước ra lại đổ nước vào, chúng ta cứ mãi mãi là vậy, không có gì tiến bộ. Cứ làm như vậy thì chúng ta chỉ tốn thời gian của cuộc đời và tất cả những điều ta làm chỉ là vô nghĩa. Đến đây lắng nghe giáo lý đạo lý là vô nghĩa. Mọi cố gắng tu tập tu sửa cũng đều vô ích. Chúng ta không hiểu ra đạo lý của Đức Phật, do vậy những hành động của chúng ta chẳng mang lại kết quả gì như mình mong đợi.

Khi Phật dạy về tu tập, Phật không chỉ dạy riêng cho những người xuất gia. Phật dạy cách tu đúng, cách tu đúng đắn. Supatipanno có nghĩa là người tu giỏi, tu đúng. Ujupatipanno có nghĩa là người tu một cách trực chỉ đến mục tiêu của đạo Phật. Ñāyapatipanno có nghĩa là người tu để chứng ngộ con đường đạo, chứng ngộ đạo quả và Niết-bàn. Sāmīcipatipanno có nghĩa là người tu nhắm hướng đến sự thật, tu để tìm thấy sự thật. Bất cứ ai cũng có thể tu như vậy. Những người tu như vậy được gọi chung là Tăng Đoàn (Sangha) của những đệ tử đích thực (sāvaka) của Đức Phật. (Sāvaka: (HV) thanh văn, thinh văn). Những phụ nữ tại gia có thể là sāvaka. Đàn ông tại gia có thể là những sāvaka. Biết tu dưỡng những phẩm hạnh và tu một cách đúng đắn như trên thì trở thành một sāvaka, trở thành một đệ tử thanh văn của Đức Phật. Một người có thể là một đệ tử thực thụ của Phật và có thể chứng thành giác ngộ.

Hầu hết những Phật tử chúng ta không hoàn toàn hiểu biết đạo lý chỗ này. Sự hiểu biết của chúng ta còn hạn hẹp, chưa sâu xa, chưa đúng đắn. Phật tử chúng ta chỉ lo làm một số việc và nghĩ rằng mình sẽ có được ít nhiều công đức từ những việc đó. Chúng ta thường nghĩ việc đến chùa nghe giáo lý và cúng dường là có công có đức. Đó chỉ là nói vậy thôi. Đó là những hành động tốt lành nên làm, nhưng nó không có nghĩa là hễ đi chùa cúng bái cúng dường là đổi lấy công đức đâu. Đích thực nếu người nào đến chùa cúng dường để cố ý ‘tích tạo’ công đức thì người đó chỉ đang tích tạo nghiệp xấu mà thôi.

Quý vị chưa hiểu thấu chỗ này. Ai đến chùa cúng dường để cố tích công tích đức như vậy thì chỉ tạo ra nghiệp xấu mà thôi. (Việc cúng dường đó với mục đích tham muốn công đức chứ không phải để buông bỏ). Nếu quý vị cúng dường để buông bỏ và giải tỏa cái tâm (tham), thì điều đó mới mang lại công đức. Còn nếu cúng dường hay làm gì với mục đích có phước đức, thì họ chỉ tích tạo thêm nghiệp xấu mà thôi.

Lắng nghe giáo lý để hiểu đúng đạo lý của Phật cũng là một việc khó. Phật Pháp trở nên khó hiểu và khó tu khi mọi người thực hành với mục đích để đạt được công đức hay gì gì đó. Mọi người đều đang làm những việc như—giữ giới, ngồi thiền, bố thí, cúng dường—để mong đạt được điều gì đó. Họ làm với mục đích được ‘lại quả’!. Họ làm để cầu được gì đó; họ tu để được đắc gì đó. Nếu chúng ta cầu muốn công đức là chúng ta đang có tham dục. Thiệt ra, nếu có cái gì để đạt thì ai đạt được? Chúng ta. Nếu có cái gì để mất, thì ai mất nó? Chúng ta. Và khi mất cái gì, khổ đau lại xuất hiện, đúng không? Người không có gì thì đâu có gì để mất.

Quý vị có bao giờ nghĩ rằng sống trên đời chỉ để làm được có được những thứ mình muốn chính là sống trong khổ sở? Sống như vậy chỉ mang lại khổ đau. Cứ muốn cái này rồi muốn cái khác, cố có cái này rồi cố có cái khác. (Tâm suốt đời chỉ chạy theo tham muốn vốn không bao giờ được toại nguyện như ý). Vậy chi bằng, nếu chúng ta làm cho cái tâm này trống không sạch sẽ, chúng ta sẽ có được mọi thứ. Làm cho tâm trong sạch trống không là giải thoát khỏi tất cả khổ sở suốt đời đó. Làm cho tâm trong sạch trống không, chúng ta sẽ đạt đến những cảnh giới sống cao siêu tốt lành hơn, đạt đến sự giải thoát Niết-bàn, và có được những thành đạt tâm linh cao quý đáng mong ước hơn—đạt được tất cả. Khi làm việc bố thí hay cúng dường nếu chúng ta không có ý đồ mục đích hay sự dính chấp, thì tâm sẽ được sạch không và thư thái. Chúng ta có thể buông bỏ và đặt xuống mọi thứ. Như khi chúng đang vác cái cây nặng đi hoài và than nó nặng quá. Giờ chỉ cần đặt nó xuống đất là gánh nặng sẽ hết ngay. Thiệt là vậy, hễ khi bạn có thứ gì thì bạn có gánh nặng. Bạn mang, cầm, giữ, ôm lấy, dính chấp thứ gì thì bạn sẽ có gánh nặng và lo âu vì nó. Chẳng bao giờ được thảnh thơi, thư thái, nhẹ nhàng. Vậy quý vị muốn mình được thảnh thơi thư thái hay muốn mang vác nặng gánh? Người ta khuyên rằng hãy buông bỏ gánh nặng xuống, quý vị lại nói rằng quý vị sợ buông bỏ rồi mình không còn gì. Người ta khuyên một đường, quý vị làm một nẻo.

Chúng ta muốn hạnh phúc, muốn thư thái, chúng ta muốn tĩnh lặng và bình an. Điều đó có nghĩa chúng ta muốn sự nhẹ nhàng, muốn trút bỏ gánh nặng và ràng buộc. Rõ ràng là vậy, khi thấy ta vác một cây nặng, người ta khuyên ta nên bỏ cây xuống là hết gánh nặng. Chúng ta cứ mang nặng và nói rằng nếu bỏ xuống thì ta không có gì. Nhưng thực sự nếu bỏ xuống, chúng ta mới hết gánh nặng, mới thấy khỏe và thư thái. Điều đó sẽ tốt hơn là cứ mang vác nó suốt đời. Người khuyên và người vác nghĩ khác nhau.

Nếu chúng ta cúng dường và làm những điều thiện tốt để mong đạt được thứ gì, thì cách đó là không ‘ăn’, cách đó chẳng mang lại thứ gì. Cái chúng ta đạt được chỉ là sự trở thành (tạo nghiệp, nghiệp hữu) và sự sinh thành. Càng tạo thêm nhân duyên để tái sinh trùng trùng. Cách làm đó không tạo nhân duyên dẫn đến giải thoát Niết-bàn. Niết-bàn là sự từ bỏ và buông bỏ. Nếu chúng ta tu mà còn muốn tu để được thứ gì, còn mong cầu, còn muốn nắm giữ, muốn được này được nọ, muốn được như vầy như vậy, thì cách tu đó không tạo một nhân nào để dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn. Phật muốn chúng ta nhìn ngay vào chỗ này, ngay cái chỗ trống không của sự buông bỏ. Chỗ đó mới là công đức. Đó mới là sự thiện khéo, thiện lành.

Khi chúng ta tu tập công đức và đức hạnh, sau khi đã làm xong, chúng ta nên cảm thấy phận sự của mình đã xong. Làm xong là buông bỏ nó đi. Đừng mang nó theo bên mình. (Ví dụ, sau làm một việc tốt đừng cứ luôn nghĩ mình đã làm việc tốt. Làm việc tốt là đủ, làm xong thì buông bỏ, đừng nghĩ ta đã làm việc tốt, đừng nghĩ rằng ta tốt, đừng nghĩ ta làm việc tốt đó thì ta sẽ được công đức này phước đức nọ). Tu là gì? Tu là tu sửa để từ bỏ. Chúng ta làm những việc thiện lành đó vì mục đích từ bỏ những ô nhiễm và tham dục. Chúng ta không làm những việc đó vì mục đích tích tạo thêm những ô nhiễm, tham dục và dính mắc trong tâm. Có người hỏi làm như vậy rồi chúng ta đi đâu? Thưa rằng, chúng ta chẳng đi đâu cả! Làm như vậy tu như vậy là đúng đắn và chân thực. Vậy thôi. Tu đúng đắn và chân thực mới là điều quan trọng, đừng hỏi ta sẽ được gì hay đi đến đâu.

 

Đa số Phật tử chúng ta mặc dù đã theo tu học và tu tập nhưng vẫn thấy khó hiểu đạo lý đúng đắn chỗ này, như tôi đang nói. Đó là do còn dính Ma Vương, có nghĩa là còn ngu mờ và tham dục—tham dục muốn được, muốn có, muốn thành, muốn đắc đạt gì gì đó—tham dục đó vẫn còn u ám xung quanh tâm trí của mình. Chúng ta chỉ nhìn thấy được những hạnh phúc tạm thời, ngắn ngủi. Ví dụ, khi chúng ta thù ghét ai đó, sự thù ghét đó dính nhiễm đầy trong tâm và làm chúng ta không được bình an. Ta cứ nghĩ đến sự trả thù cho đã ghét. Ngày nào đó ta đến nhà người đó chửi rủa, xỉ vả hoặc thậm chí tống khứ được kẻ đó đi chỗ khác. Ta cảm thấy nhẹ nhàng và vui lòng. Nhưng đó chỉ là sự hài lòng tạm bợ. Liệu cái ô nhiễm sân hận đó có kết thúc hay chưa? Ta chỉ mới giải tỏa tạm thời vì mới trả thù xong, nhưng cái tính sân hận vẫn còn đầy trong tâm. Ta chưa bứng bỏ nó khỏi tâm được. Đó chỉ là một sự vui lòng bên trong sự sân hận và ô nhiễm mà thôi. Làm sao để tẩy sạch những thứ ô nhiễm, sân hận và tham dục trong tâm mới là điều quan trọng. Đó mới là việc tu và mục tiêu tu tập.

Cũng giống như khi trong nhà có người thân hay con cái chết, hoặc như khi bị mất tiền mất mất của, khi việc làm ăn bị thất bát: người ta thường đi chuốc rượu để giải sầu. Có người lủi vô rạp xi-nê để tạm quên đời. Họ gọi đó là những cách giải sầu. Làm như vậy có thực sự giải sầu được không?. Thực ra những cách đó chỉ là giải pháp tạm thời, chỉ để quên sầu não trong chốc lát, chứ không thể trị liệu nỗi khổ đau một cách rốt ráo. Cũng giống như bạn bị đứt ở bàn chân, đi đâu chạm đất, đá, cát đều đau đớn; bạn phải bước lê từng bước để tránh bớt va chạm và đau đớn. Nhưng khi bạn gặp phải con cọp đang đi tới, bạn chỉ còn biết chạy nhanh hết cỡ chứ không còn nghĩ đến chỗ đau ở bàn nhân. Mối nguy hại từ con cọp là lớn hơn nhiều so với chỗ đau ở bàn nhân; chỉ là tạm thời trong lúc chạy sự đau đớn đó không còn. Bởi vì tạm thời lúc đó nỗi sợ cọp lớn hơn nhiều so với cái đau ở bàn nhân. Nhưng sau đó, sự đau đớn ở bàn chân vẫn còn đó, và bạn cần phải trị liệu đúng đắn ngay đó thì mới hết đau được.

Quý vị có thể có những phiền não hay khổ đau ở nhà, thấy khổ tâm quá. Rồi đi chuốc rượu, tình trạng say rượu là một dạng ngu mờ rất mạnh, lấn lướt cả những khổ sở ở nhà, do vậy quý vị thấy sự khổ sở ở nhà đã vơi đi. Nhưng thiệt ra không phải vậy, đó chỉ là tạm thời, chỉ là sự say rượu đang che mờ tâm trí mà thôi. Khi tỉnh rượu thì những khó khổ vẫn còn đó. Do vậy, say không phải là giải pháp đúng đắn. Cứ lấy rượu khống chế sự khổ sở, nhưng sự khổ sở đó vẫn luôn quay lại. Cuối cùng chẳng được gì, chẳng giải quyết được gì để hết khổ; có chăng chỉ là chuốc lấy bệnh gan và chết sớm hơn.

 

Ở đời có nhiều thứ sung sướng và hạnh phúc, nhưng đó là những loại hạnh phúc của kẻ ngu mờ. Đó chỉ là cách của những người ngu si muốn có để khỏi bị khổ đau. Đó chỉ là cách chạy theo khoái lạc để lấn áp sự khổ đau; đó là cách không trí tuệ. Nhiều trạng thái ngu mờ khác nhau lẫn lộn trong tâm tạo nên một cảm giác ‘đang sống tốt’. Thói thường, nếu cái tâm được thả lỏng tự do chạy theo những trạng thái và thói tính khác nhau của nó thì nó có cảm giác được hạnh phúc ít nhiều. Nhưng loại hạnh phúc này luôn hàm chứa sự bất hạnh bên trong nó. Mỗi lần có bất hạnh nổi lên thì sự khổ đau và tuyệt vọng của chúng ta càng nặng đô hơn. Nó như có một vết thương. Nếu có vết thương nhiễm độc bên trong mà chúng ta chỉ trị liệu bề ngoài thì nó vẫn không hết khỏi. Bề ngoài nhìn thấy tốt, nhưng sự nhiễm độc bên trong lan rộng ăn sâu, ta phải làm sao để cắt bỏ nó. Nếu bị nhiễm trùng bên trong mà ta chỉ điều trị bên ngoài thì sẽ không bao giờ hết. Bề ngoài chỉ là vậy, một chút hạnh phúc tạm thời, còn bên trong vẫn âm ỉ sự khổ đau tiềm tàng bộc phát.

Đường lối của thế gian này cũng giống vậy. Những vấn đề của thế gian chẳng bao giờ hết. Do vậy bao nhiêu luật lệ trên đời đã được chế ra cho những xã hội và xứ sở khác nhau để liên tục giải quyết những vấn đề của thế sự. Những luật lệ mới liên tục được lập ra để xử lý những vấn đề và tình trạng mới xảy ra trên đời. Luật lệ có thể giải quyết những vấn đề trong một thời gian nào đó, nhưng càng lúc càng phải lập ra thêm nhiều luật lệ và giải pháp khác để liên tục xử lý đủ loại vấn đề phát sinh. Thế gian này là vậy, tất cả những luật lệ liên tục được chế ra để giải quyết và cải thiện những vấn đề bề ngoài của xã hội. Đó chỉ là bề ngoài, không thể nào giải quyết tận gốc bên trong. Sự nhiễm trùng vẫn còn âm ỉ sâu bên trong, nên chúng ta luôn cần phải cắt bỏ nó tận gốc. Người đời chỉ tốt ở bề ngoài, tốt từ lời nói và thể hiện bề ngoài. Lời nói nghe tốt đẹp và vẻ mặt trông hiền lành tử tế, nhưng tâm của họ không tốt đẹp gì lắm đâu.

Tâm chúng ta không thực tốt như vẻ bề ngoài. Khi chúng ta bước lên tàu và tình cờ gặp một người quen. Chúng ta hay nói: ”Trời, gặp anh tôi mừng quá; tôi vừa nghĩ đến anh đó! Tôi cũng định bữa sau đến thăm anh đây!”. Đó chỉ là lời nói như xã giao khách sáo. Chúng ta đâu có thực sự nghĩ như vậy. Chúng ta chỉ có vẻ tốt ở bề ngoài, những bên trong ruột trong tâm chúng ta đâu nghĩ tốt như vậy. Chúng ta chỉ nói vậy thôi, chứ ngồi với nhau sau một ly cà-fê hay ly trà là đường ai nấy đi thôi. Rồi sau này có tình cờ gặp, ta vẫn tiếp tục nói sáo nói rỗng như vậy. Cứ như vậy, chúng ta mở miệng ra là như thiệt, nhưng chỉ là bề ngoài, giả tạo. Thiên hạ tốt ở bề ngoài nhưng thường thì họ không thực sự tốt ở trong lòng.

 

Bậc đại sư [Phật] đã chỉ dạy về Giáo Lý và Giới Luật. Giáo lý và Giới luật là đầy đủ và thấu suốt. Không có gì hơn đó, và không có gì trong đó cần phải thay đổi hoặc bổ sung cho hợp với đời đại mới, bởi vì đó đã là rốt ráo, tột cùng; không có chuyện bị lỗi thời. (Những luật lệ thế tục thì cần phải được sửa đổi và bổ sung liên tục để kịp thời xử lý nhiều vấn đề và tình trạng mới liên tục xảy ra trong xã hội thế tục). Giáo pháp và Giới luật là đầy đủ, và đó chính là nơi chúng ta đang hướng tới. Không cần phải thêm bớt gì cả, bởi vì đó là những lẽ thực tự nhiên, đó là chân lý, không cần thêm bớt gì cả. Đó là đúng lẽ thực. Đó là sự thật.

Do vậy, những Phật tử đến để lắng nghe những lời dạy của Giáo Pháp và học hiểu để biết những sự thật chân lý đó. Nếu chúng ta hiểu biết chúng, tâm sẽ tiến vào Giáo Pháp. Nếu tâm tiến vào Giáo Pháp, Giáo Pháp sẽ tiến vào tâm chúng ta. Khi nào tâm một người tiến vào Giáo Pháp thì người đó có sự sống an lạc, hạnh phúc, người đó có cái tâm được bình an. Lúc đó tâm có cách của nó để giải quyết những vấn đề khó khổ, không còn đường để thoái lui hay suy đồi. Đau khổ và bệnh tật ôm lấy thân này, tâm có nhiều cách để giải quyết sự khổ đau đó. Tâm có thể giải quyết sự khổ đau đó một cách tự nhiên và không còn bị rớt vào tuyệt vọng hay sợ hãi nữa. Tâm không còn khổ đau, không còn sợ hãi về sự khổ, đau, già, bệnh, chết nữa. Lúc đó, khi đạt được gì chúng ta không lạc lối trong sung sướng, mừng vui. Khi mất nó chúng ta cũng không quá thất vọng, khổ sở. Được không quá khích, mất không quá sầu; chúng ta hiểu được bản chất của tất cả mọi sự ở trên đời: cái gì có rồi sẽ phôi phai và mất đi. Với một thái độ như vậy, chúng ta có thể tạo nên con đường để đi trên thế gian này. Chúng ta trở thành người hiểu biết rõ ràng về thế gian (lokavidū). Rồi thì những nguyên nhân tạo ra khổ (samudaya) không còn được tạo ra nữa, và dục vọng (tanhā) cũng không còn. Lúc đó có mặt sự minh sát, tức sự nhìn thấy rõ ràng (vijjā: ngược lại với sự vô minh là avijjā)— đó là sự hiểu biết về mọi thứ đúng như chúng thực là. Và sự hiểu biết đó chiếu sáng thế giới. Nó soi chiếu nhìn thấy rõ những sự khen và chê. Nó soi chiếu rõ sự được và mất, sự vinh và nhục, sự sướng và khổ– đích thực là gì. Nó soi chiếu rõ trong tâm của người tu về sự thật sinh, già, bệnh, chết.

Đó là lúc người tu đã đạt đến Giáo Pháp. Những người đó không còn tranh đấu với sự sống và không còn phải luôn tìm những giải pháp cho sự sống còn và sướng khổ ở trên đời. Họ giải quyết những thứ có thể được giải quyết, họ làm việc đó một cách phù hợp, đúng đắn với lẽ thực của thế giới. Đó là cách Phật đã dạy: Phật đã chỉ dạy những người có thể được chỉ dạy. Những ai không thể được chỉ dạy thì Phật bỏ qua. Cho dù Phật không bỏ qua họ thì họ cũng đã tự loại bỏ chính mình—do vậy Phật bỏ qua. Mới nghe chuyện này quý vị chắc sẽ vội thắc mắc: đã là Phật thì làm sao lại thiếu tâm từ bi như vậy?. Này quý vị, nếu quý vị quăng bỏ trái xoài thúi đi thì đó là thiếu tâm từ bi hay sao?. Chúng ta không còn sử dụng được trái xoài thúi đó, vậy thì quăng đi là tốt mà, chỉ vậy thôi. Đâu còn cách nào để giáo huấn những người đó. Phật cũng được kính phục là người thông thái trí tuệ nhất mà. Phật đã không gom hết mọi người và mọi thứ vào một đống hỗn độn. Phật được cho là có con mắt thiên nhãn có thể nhìn thấy rõ ràng mọi thứ mọi sự đúng những chúng thực là. Phật là người hiểu biết thế gian.

Người hiểu biết thế gian thì biết rõ mối hiểm họa của vòng luân hồi sinh tử (samsāra). Đối với chúng ta là những đệ tử của Phật, chúng ta cũng có thể hiểu biết như vậy. Nếu chúng ta hiểu biết mọi thứ trên đời đúng như chúng thực là, thì sự hiểu biết đó sẽ mang lại sự an lạc hạnh phúc thực thụ cho chúng ta. Những thứ gì là nguyên nhân tạo ra hạnh phúc và khổ đau cho chúng ta?—Hãy nghĩ kỹ về điều này!. Hạnh phúc và khổ đau chỉ là những thứ chúng ta tự tạo ra cho chúng ta mà thôi. Khi chúng ta tạo ra cái ý tưởng rằng cái gì đó là ‘của ta’ hay là ‘ta’, thì ngay đó chúng ta bị khổ. Mọi thứ có thể có lợi hay có hại cho chúng ta, lợi hay hại là tùy thuộc vào hiểu biết và cách nhìn của chúng ta. Do vậy Phật đã dạy chúng ta phải biết chú tâm vào chính mình, chú tâm vào chính hành động của mình, và chú tâm vào những sự tạo tác của tâm mình. Hễ khi nào chúng ta quá thương hay quá ghét, quá thích hay quá chê ai đó hay thứ gì đó, thì ngay đó chúng ta khổ đau khổ lụy; khi nào chúng ta bất an thì lúc đó là khổ đau. Chỗ này rất quan trọng, hãy suy xét kỹ chỗ này. Điều tra suy xét những cảm giác thương yêu hay thù ghét, tham thích và ác cảm, rồi đứng lùi lại. Đứng lùi lại để nhìn thấy rõ những cảm giác đó là gì, đừng đứng gần chúng, chúng sẽ cắn ta. Quý vị nghe rõ chỗ này không?. Nếu chúng ta nắm lấy hay sờ vô chúng, chúng sẽ cắn ta đau, chúng đá ta đau. Giống như khi bạn cho trâu ăn cỏ, bạn phải nên cẩn trọng. Chúng ta phải dè chừng khoảng cách để lỡ nó có đá thì nó cũng đá không tới ta. Khi chúng ta đưa cỏ cho nó ăn cũng đừng đưa dí vô miệng nó, không chừng nó nhai tay ta luôn. Lòng yêu quý dành cho con cái, người thân, của cải và tiền bạc cũng sẽ cắn chúng ta đau. Quý vị có hiểu như vậy không? Giống như khi cho trâu ăn, đừng đứng gần nó quá. Khi cho nó uống nước, đừng đứng sát miệng nó. Giữ dây cương, nếu cần thì giựt cái miệng nó ra xa. Đây cũng là cách của Giáo Pháp, đó là nhìn thấy trước mối hiểm nguy; đó là nhận ra bản chất vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã, nhận ra mối hiểm họa, biết dùng những sự cẩn-trọng và giới-hạnh theo một cách có chánh niệm.

Sư ông Ajahn Tongrat không chỉ dạy gì nhiều; thầy chỉ luôn nói rằng: ”Hãy cẩn thận! Phải thực cẩn trọng!”. Đó là cách thầy hay chỉ dạy. ”Phải thực cẩn trọng! Nếu không cẩn trọng, bạn sẽ bị dính ngay họng!”. Thực sự là vậy. Ngay cả khi vị sư đó không nói vậy, sự thực cũng đúng là vậy. Nếu không cẩn trọng, bạn sẽ dính lao ngay họng. Xin quý vị hiểu rõ chỗ này. Đây là chuyện tự mình phải lo, không phải đợi ai lo cho mình. Vấn đề không phải chỗ người khác thương hay ghét mình. Người khác ở xa mình, không dính líu hay xúi khiến chúng ta ta tạo nghiệp và tạo ra khổ đau. Chỉ là do chính ta, phải chú tâm vào chính mình. Đây là tài sản của mình, nhà cửa của mình, gia đình của mình, do vậy mình phải tự chú tâm lo lắng về chính mình. Chứ theo quý vị thì sao?. Thời bây giờ, khổ là từ chỗ nào ra? Chúng ta dính líu vào yêu thương, ghét bỏ, và sợ hãi từ chỗ nào?. Hãy biết kiểm soát chính mình, hãy cẩn trọng về chính mình. Hãy phòng hộ chính mình để khỏi bị cắn. Nếu mọi sự không cắn ta đau, chúng cũng đá ta đau. Đừng nghĩ mọi thứ không cắn hay không đá ta. Hãy cẩn trọng để rủi có bị cắn thì cũng bị cắn nhẹ thôi. Đừng để điều gì cắn xé ta ra từng mảnh. Đừng cố nói với chính mình rằng không có hiểm họa nào xung quanh. Tiền tài, danh lợi, người thân quý…tất cả đều sẽ cắn ta đau và đá ta đau, nếu chúng ta không biết chú tâm chánh niệm. Nếu chúng ta sống có chú tâm chánh niệm, chúng ta sẽ được thư thả, dễ chịu. Hãy cẩn trọng và giữ giới hạnh để giữ mình. Khi cái tâm tham nắm điều gì và chạy theo nó, ta phải biết dừng nó lại. Tâm sẽ cương lại và tranh đấu này nọ với ta, nhưng ta phải đứng trụ vững đôi chân để kiềm giữ nó lại. Ta đứng vững ngay giữa đường tâm đi qua đi lại. Dẹp bỏ những thứ sướng khoái giác quan qua một bên. Dẹp bỏ những điều khổ hạnh khổ thân qua một bên. Sướng cũng không theo, khổ cũng không theo. Dẹp thương qua một bên, dẹp ghét qua một bên. Dẹp sướng qua một bên, dẹp khổ qua một bên. Cứ giữ mình ở giữa, cứ bước đi giữa tim đường, không phất phơ hay ngã hướng theo bên nào. Giữ mình ở giữa, không để tâm chạy theo cực đoan nào. Đó là trung đạo.

Giống như những thân thể của chúng ta, chỉ gồm: đất, nước, gió, lửa—làm gì có ‘con người’ nào? Chẳng có ‘ai’ cả. Chỉ vài thứ như vậy kết hợp với nhau tạo thành một cái mà chúng ta gọi là một ‘con người’ hay một ‘cá nhân’. Điều đó là sai. Đâu phải là một ‘ai’ cố định đâu. Đâu phải là thiệt; đó chỉ là thiệt theo cách nghĩ và quy ước của thế tục. Đến lúc nào đó, những thành phần đó tan rã về lại trạng thái cũ của chúng: đâu còn cái ‘con người’ nào đâu. Chúng ta đến ở trong thân này trong một thời gian, rồi trong một mai hữu hạn chúng ta lại ra đi, bỏ lại bốn yếu tố tứ đại đó. Phần đất quay về với đất, phần nước quay về với nước, phần khí quay về với khí, phần nhiệt quay về với nhiệt. Quý vị muốn chạy theo chúng hay cố giữ chúng lại có được không?. Chúng ta tới sống nương nhờ vào chúng trong một thời gian; đến lúc chúng tan hoại bỏ đi, chúng ta phải để chúng đi. Khi chúng đến, chúng ta cứ để chúng đến. Chúng hợp rồi tan theo đường lối tự nhiên của chúng, ta đâu làm gì được, ta đâu làm gì được để giữ chúng lại mãi mãi, để sống trường thọ mãi mãi với thân này. Tất cả mọi hiện tượng đều có rồi mất, đến rồi đi, sinh rồi diệt. Đó là lẽ sinh diệt. Đó là tự tính, là thực tính (sabhāva) của tất cả mọi thứ trên đời. Tất cả chỉ là vậy. Chỉ là những sự đến-đi, có-mất, sinh-diệt liên tục. Chúng ta hiểu biết rằng tất cả mọi thứ đều đang trôi chảy qua, đều đang khởi sinh và biến diệt; mọi sự đang có mặt thực tánh chỉ là những sự đang-sinh-diệt mà thôi. Đâu phải là ‘cái gì’ khác đâu.

Bố thí, cúng dường, lắng ghe giáo pháp, thiền tập, bất cứ việc tu nào chúng ta làm, hãy làm với mục đích phát triển trí tuệ. Phát triển trí tuệ là cho mục đích giải thoát, đó là sự tự do khỏi những điều kiện tạo tác và những hiện tượng hữu vi trên thế gian. Khi chúng ta đã được tự do tự tại thì dù chúng ta đang ở trong tình trạng nào chúng ta cũng không khổ đau. Nếu chúng ta có con cái, ta không thấy khổ. Nếu chúng ta làm việc, ta không thấy khổ. Nếu chúng ta có nhà, ta không thấy khổ. Ta trở nên giống như cây sen trong nước. ”Ta lớn lên trong nước nhưng ta không khổ vì nước. Ta không bị chết đuối hay bị chết cháy, bởi ta sống trong nước”. Nước có chảy có xô, nó cũng không làm gì được cây sen. Sen và nước có thể sống cùng nhau mà không xung khắc. Chúng sống cùng nhau, mặc dù sen là sen, nước là nước. Những thứ bùn dơ cặn bã trong nước không thể làm ô nhiễm cây sen, mà chúng có thể nuôi dưỡng cây sen lớn lên và ra hoa đẹp đẽ.

Chỗ này cũng giống như chúng ta, nếu ta biết cách tu, hiểu biết, và sống. Tiền tài, nhà cửa, gia đình và tất cả những thứ ô nhiễm trong tâm; chúng không còn có thể làm ô nhiễm chúng ta, mà chúng có thể giúp chúng ta tu dưỡng những phẩm hạnh toàn thiện về tâm linh, đó là những hạnh ba-la-mật (pāramı). Trong rừng tre, những lá tre già rơi xuống chất đống quanh gốc tre, mưa xuống làm phân hủy thành phân bón để bón lại cho cây tre. Măng mọc và tre lớn lên nhờ phân bón; chúng ta lại có măng để ăn, tre để dùng. Nhìn bên ngoài chúng ta nghĩ lá tre là những thứ rác rưởi vô giá trị. Hãy cẩn trọng—trong mùa khô, lỡ chúng ta để cháy rừng, cháy hết những đống lá là coi như đã đốt sạch nguồn phân bón sau này. Lúc đó chúng ta chẳng có măng để ăn, chẳng có tre để dùng. Chúng ta đốt rừng là đốt hết lá tre và nguồn phân bón. Đốt hết lá tre là đốt hết măng mọc tre lớn để chúng ta có dùng trong tương lai.

Quý vị có hiểu chỗ này không? Quý vị và gia đình của mình có thể sống hạnh phúc và hòa hợp trong nhà của mình, không có hiểm họa bị lũ lụt hay hỏa hoạn. Nếu gia đình có bị lụt hay bị cháy thì chính là do những người trong nhà. Giống như phân bón cho tre vậy. Rừng tre có sống và lớn lên hay không đều do những lá tre làm phân bón. Những cây măng, cây tre có lớn lên đẹp đẽ hay không cũng nhờ có phân bón; phải biết giữ gìn nguồn phân bón, hãy biết cẩn trọng và giữ gìn sự hài hòa và giới hạnh trong gia đình.

Mọi thứ khởi sinh đẹp đẽ và rồi không đẹp đẽ, và rồi lại đẹp đẽ. Tăng trưởng và tàn hoại, rồi tăng trưởng rồi tàn hoại, sinh-trưởng-hoại-diệt—đó là đường lối của mọi thứ trên thế gian. Nếu chúng ta hiểu rõ lẽ thực và bản chất tăng trưởng và hoại diệt là gì, thì chúng ta có thể tìm thấy kết luận về mọi thứ. Mọi thứ sinh trưởng và đi đến một giới hạn của chúng. Mọi thứ tàn hoại và đi đến giới hạn của chúng. Nhưng chúng ta vẫn bình an nhìn chúng, vì chúng ta hiểu rõ bản chất đích thực của mọi thứ là vậy, dù ta có làm gì thì chúng cũng đi theo quy luật sinh-trưởng-hoại-diệt của chúng. Giống như trước kia có hỏa hoạn ở thành phố Ubon ở vùng này. Mọi người khóc than sầu khổ vì sự tàn phá của nó. Nhưng mọi thứ đã được xây dựng lại sau đó và những nơi mới thực sự to lớn hơn và tốt đẹp hơn nhiều so với trước khi bị cháy; và giờ mọi người thấy vui thích cái thành phố mới hơn nhiều.

Đây là đường lối của sự sống, là đường lối của nững chu kỳ có và mất, sinh và diệt, mất và có, diệt và sinh. Mọi thứ đều có giới hạn của nó. (Ngay cả những lăng tẩm đền đài kiên cố nhất rồi cũng đến lúc tàn hoại. Hãy nhìn những thánh tích vĩ đại ở Ấn Độ mà xem, sau vài trăm năm hay nhiều lắm một hai ngàn năm đã hoàn toàn tàn hoại và sụp đổ và biến mất. Rồi người ta lại xây những khu thánh tích mới để đánh dấu và tưởng niệm những thánh tích cũ đã bị tàn hoại. Làm gì còn cái nào từ thời Đức Phật còn được nguyên vẹn đến bây giờ?). Do đó Phật đã muốn chúng ta luôn luôn quán niệm về lẽ thực này. Khi còn đang sống hãy nên nghĩ về sự chết là cái kết thúc của một kiếp này. Đừng quá coi trọng mọi thứ, đừng coi thứ gì một cách quá đáng. Nếu mình nghèo, đừng cố làm hại hay lợi dụng người khác để được này được nọ. Hãy đối diện với tình cảnh của mình và cố gắng sống và làm việc lương thiện để tự giúp bản thân mình. Nếu mình được giàu có, đừng quá ỷ lại hay xao lãng với sự giàu có và sung sướng của mình. Cái gì cũng dễ bị mất, không có gì là chắc chắn lắm đâu, thời cuộc và hoàn cảnh thay đổi liên tục. Hãy quán niệm về điều này! Kẻ giàu sang có thể trở thành người nghèo hèn trong ngày một ngày hai. Kẻ nghèo hèn có thể trở thành người giàu có trong nay mai. Tất cả đều tùy thuộc vào những điều kiện vô thường và bất ổn định trên thế gian. Vì vậy, Phật đã từng nói: ”Pamādo maccuno padam: Lãng tâm là con đường đi đến chỗ chết”. Có chú tâm (chánh niệm) là con đường đi đến chỗ bất tử vô sinh. Kẻ lãng tâm sống không có chánh niệm thì giống như người chết. Đừng lãng tâm, đừng quên chánh niệm!. Tất cả mọi chúng sinh và mọi thứ hữu vi (sankhārā) trên đời đều là bất ổn định và vô thường. Đừng dính chấp dính chặt vào chúng; đừng tạo nên sự dính chặt hay ràng buộc vào thứ gì! Buồn hay vui, lên hay xuống, tấn tiến hay lụi tàn, thịnh hay suy…cuối cùng rồi cũng vậy, cuối cùng cũng đều quy về một chỗ. Hãy hiểu rõ điều này. Đây là lẽ thực.

Sống trong thế giới này và nếu có tầm nhìn như vậy thì chúng ta có thể được tự do tự tại khỏi mối hiểm họa. Dù chúng ta có được nhiều thứ hay thành đạt nhiều điều trong đời nhờ những thiện nghiệp của mình, thì những thành đạt đó cũng chỉ là thế gian, và chúng sẽ bị mất đi hay tàn hoại; do vậy đừng quá bám chặt giữ chặt những thứ đó. Giống như con bọ cào xới mặt đất. Nó có thể đào xới lên một đống đất to hơn thân nó, nhưng đó cũng chỉ là một đống đất. Nếu nó có bỏ công cả đời để đào sâu xuống đất, thì cái lổ hang đó cũng chỉ là cái lổ đất mà thôi. Nếu có con trâu đến bỏ một đống phân lên đó, đống phân trâu còn to lớn hơn cái đống đất của con bọ; nhưng đống phân đó cũng chẳng là cái gì, nếu so với những thứ trời cao đất rộng khác. Đó chỉ là một đống đất. Những thành đạt của cải trên thế gian cũng giống như vậy; không phải là gì to tát đâu. Dù con bọ có bỏ suốt đời đào thêm, đó cũng chỉ là cái lổ đất và đống đất mà thôi. Một cơn mưa nào đó sẽ cuốn qua vào bất cứ lúc nào….

Những người có những nghiệp tốt trên thế gian thì họ có trí thông minh để làm được nhiều việc thành đạt trên thế gian. Nhưng dù họ có làm tốt đến đâu, họ vẫn đang sống trong thế gian. Tất cả mọi thứ họ làm đều là thế tục và những thứ đó có những giới hạn của chúng; những thứ đó cũng tồn tại đến một lúc nào đó rồi cũng bị mất đi hay tàn hoại; chỉ là như vậy; và những người thành đạt đó cũng giống như con bọ đang đào được đống đất mà thôi. Lổ hang có sâu bao nhiêu, nó cũng nằm trong đất; đống đất có cao bao nhiêu, đó cũng chỉ là một đống đất. Những thành đạt có bao nhiêu, đó cũng nằm trong thế gian hữu hạn. Làm được việc, có được nhiều thứ, thành đạt nhiều thứ thì cũng là sự làm được và có được nhiều thứ trong thế gian này thôi.

Xin quý vị hiểu rõ điều này và tu dưỡng sự buông-bỏ, tu tập sự không-dính-chặt vào mọi thứ của thế gian. Nếu không thành đạt được gì nhiều, cứ vui lòng và hiểu biết rõ đó cũng chỉ là những thứ thế tục. Nếu thành đạt được nhiều thứ, hãy hiểu biết rõ đó chỉ là những thứ thế tục. Hãy suy nghĩ quán niệm về những lẽ thật đó và đừng lãng tâm về những điều đó. Hãy luôn chánh niệm về những điều đó. Nhìn thấy hai mặt của mọi thứ, đừng dính vào một mặt nào. Khi thứ gì làm ta sung sướng, hãy biết giữ mình hoặc cẩn trọng đứng lùi lại một bước, đừng quá khích hay quá mê say, bởi sự sung sướng đó chẳng kéo dài bao lâu đâu. Những niềm vui sướng thường qua nhanh. Khi vui sướng hạnh phúc, đừng lao hết đà theo sự sướng đó, bởi chẳng mấy chốc ta lại rớt vào mặt sau của nó, đó là sự khổ và bất hạnh. Sống cẩn trọng như vậy là tốt. Sống chú tâm quán niệm về những lẽ thực của mọi thứ là tốt.

 

————

Bài viết được trích từ “Quyển 9: Mọi Thứ Đều Dạy Chúng Ta” – bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, tác giả Thiền Sư Ajahn Chah

* Link Sách Quyển 9: Mọi Thứ Đều Dạy Chúng Ta

* Link  Tải sách ebook Quyển 9: Mọi Thứ Đều Dạy Chúng Ta 

* Link  Video Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành

* Link  Audio Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành

* Link  Thư mục Tác giả Thiền sư Ajahn Chah  

* Link  Thư mục Ebook Thiền sư Ajahn Chah

* Link  Giới thiệu tác giả Thiền sư Ajahn Chah

* Link  Tải App mobile Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app