Chấm Dứt Mọi Khó Khổ

 

  Người đời có những tính khí căn cơ khác nhau, có người nặng về tham, hay sân, hay si, hay tự cao tự ngã. Dù là căn cơ ra sao, Phật cũng dạy cách để làm bớt đi những tính khí đó và cuối cùng diệt sạch chúng luôn. Đây là loại hiểu biết (tri kiến) cao nhất trong các loại hiểu biết. Theo nguyên tắc của kiến thức thế gian, người học nhiều thứ khác nhau và đạt đến những kiến thức khác nhau. Nhiều người đạt đến vị trí cao hơn trong xã hội và tự cho mình là quan trọng, là có tri thức. Kết quả là nhiều người khác không thích và xã hội luôn luôn có bất đồng. Đó chỉ là những nguyên tắc và kiến thức bề ngoài.

  Theo cách của đạo Phật, chúng ta hết lòng lắng nghe sự thật của mọi sự vật hiện tượng và cố gắng hiểu biết được điều gì là sự thật và đúng. Để làm gì? Để giải quyết những vấn đề khó khổ của sự sống. Chúng ta học hỏi giáo pháp là để giải quyết những khó khổ mà chúng ta trải nghiệm trong thế giới này, những khó khổ của chúng ta và của người khác, của gia đình, nhiều vấn nạn và sự khổ mà nhiều người vẫn liên tục đối diện đến hôm nay.

  Có nhiều loại khó khổ khác nhau. Sự thực [giải pháp thực sự] là… không có ai giải quyết những khó khổ và cũng không có những khó khổ đó. Không ‘ai’ giải quyết những khó khổ, do vậy không có những khó khổ đó. Đây là chỗ chấm dứt mọi thứ. Nếu có ‘ai’ giải quyết những khó khổ, thì sẽ có rất nhiều khó khổ, và sẽ chẳng bao giờ chấm dứt những khó khổ đó—đó là cách của thế gian.

  Theo lý của giáo pháp, chúng ta nói rằng: Nếu không ‘ai’ giải quyết khó khổ, thì không có những khó khổ. Đó là cách chúng ta chấm dứt khổ, đó là cách đi đến sự bình an. Nếu còn có ‘ai’ giải quyết những khó khổ, thì sẽ luôn còn hoài rất những khó khổ. Nếu chúng ta còn nhận thức những khó khổ, thì luôn luôn còn cái ‘người’ giải quyết những khó khổ đó.

  Lấy một ví dụ nhỏ, trước kia những điều kiện sống ở nơi đây rất đơn giản (tự nhiên). Chúng ta ít khi nào bị lụt lội do chưa có mấy con đập ngăn sông. Giờ đây nghèo đói đã trở thành một mối lo. Người ta không trồng đủ lương thực, các con sông bị ngăn đập khắp nơi. Nhiều cây rừng biến mất. Nên khi có mưa lớn, nước tràn nhanh qua các con đập, nước làm bể đập, kết quả là những làng mạc và thành thị bên dưới bị ngập chìm trong lũ lụt. Thời xưa chúng ta để yên cho tự nhiên, nước chảy theo những dòng đều đặn quanh năm, và do vậy không có lũ lụt. Như vậy đó, khi người ta làm gì đó tân tiến (như ngăn đập nước làm điện…), thì rủi ro mất mát sẽ đi kèm theo. Nhưng nếu không ngăn đập làm điện, mọi người sẽ bị đói nghèo và thiếu thốn tiện nghi sống. Thế gian là vậy, khi giải quyết chuyện này thì sẽ xì ra chuyện kia. Giải quyết khó khổ này thì khó khổ khác xuất hiện. Không bao giờ có cách giải quyết mọi khó khổ một lần và tất cả. Chỉ có một cách để chấm dứt là: không còn (nhận thức) những khó khổ và không còn ‘ai’ giải quyết những khó khổ. Chấm hết!

  Là sao? Vậy chúng ta phải làm sao? Sinh ra trên thế gian này, chúng ta đối diện với rất nhiều khó khổ. Với quá nhiều chúng sinh trên thế gian này, nên cũng có quá nhiều bất đồng và rắc rối với nhau. Đức Phật đã nói khi nào còn những khó khổ thì sẽ còn người giải quyết chúng và khi vẫn còn người giải quyết những khó khổ thì vẫn luôn còn những khó khổ. Chừng nào còn có sinh, thì còn có tử.

  Hầu hết chúng ta đều muốn được sinh. Chúng ta khỏi cần tìm cái chết, bởi cái chết tự động theo sau sinh. Có sinh là có tử. Đó là hai mặt của một thứ. Dù ta có khát khao được sống và không bị chết, cái chết vẫn cứ đến. Đó là lẽ thực của tự nhiên. Nhưng ta khó chấp nhận lẽ thực đó. (Chết là điều đáng buồn nhất, hụt hẫng nhất, bởi vậy phần đông chúng ta đều tránh né và không muốn nghĩ đến nó, cho dù chúng ta đã chứng kiến những người chết đi hàng ngày). Chúng ta đều có cảm giác “Tôi hạnh phúc khi được sinh ra, nhưng tôi không muốn chết. Khổ cực trăm bề cũng được, nhưng đừng để tôi chết”. Hoặc nếu chúng ta phải chết, hãy để kẻ khác chết trước, tôi muốn chết sau hơn… Hãy để tôi sống thọ hơn… Nhưng thật ra nếu sống càng lâu thì càng nhiều khổ đau hơn, phải không? Chín mươi tuổi hay già hơn, không khổ đau nhiều hơn sao?. Chúng ta luôn cho rằng sống càng thọ càng thêm hạnh phúc. Đó thực sự là một suy nghĩ ngu dốt. (Càng già thì càng thêm nhiều khổ đau bệnh tật chứ có được hưởng thêm gì đâu mà sướng). Sinh tử là lẽ tự nhiên của tự nhiên. Cũng giống như việc hít thở vậy, có hít vào thì phải thở ra. Nếu bạn nghĩ bạn được sinh ra mà không chết, vậy thì bạn cứ hít vào và nín thở đi. (Bạn sẽ lập tức biết làm vậy sẽ trái với lẽ tự nhiên đến mức nào!).

 Điều gì đáng quý hơn, hít vào hay thở ra? Hãy nghĩ về điều này. Nó cũng giống như sinh và tử. Nếu bạn cho rằng sinh là quan trọng hơn, vậy cứ hít vào và nín thở đi. Bạn sống được mấy phút?. Hoặc nếu bạn nghĩ thở ra là quan trọng hơn, vậy cứ thở ra và đừng hít vào nữa.

  Đối với tôi, giáo lý của Phật đơn giản là lẽ thực đúng đắn. Phật đã nhìn thấy sự liên tục của sinh và tử, sinh và tử. Và Phật đã dạy rằng: “Ai nhìn thấy lẽ trống không (tính không), thần chết không thể bắt tới mình”. Cái chết không còn tác động đến ta nữa. Bởi vì sao? Bởi vì chẳng còn cái “ta” nào nữa để bị chết, để bị ‘bắt chết’.

  Cái thân-tâm ta đang ngồi đây được Đức Phật gọi là đống uẩn (khandha)—đó là tập hợp (uẩn) về vật chất: sắc thân và bốn tập hợp về tinh thần: cảm giác, nhận thức, ý nghĩtâm thức. [Sắc, thọ, tưởng, hành, thức]. Tập hợp vật chất (thuộc thân) và bốn tập hợp về tâm thần (thuộc tâm) đó tạo nên một ‘con người’ của chúng ta. Thực sự, ‘con người’ chỉ là sự cấu tạo của năm uẩn như vậy. Cái ‘người’ ở đâu?. Nếu nói phân tách theo cách khác, cái ‘con người’ chỉ là một đống đất, nước, khí, nhiệt, và bốn yếu tố này đã được gọi là một ‘con người’. Thần chết không thể đuổi bắt một con người. Thần chết chỉ đuổi bắt bốn yếu tố đất, nước, khí, nhiệt khi chúng tan rã. Chẳng có cái ‘con người’ nào được tìm thấy trong đống tan rã đó. (Giống như khi đập nát cây sáo để tìm tiếng sáo, ta chẳng bao giờ thấy tiếng sáo nào trong đó). 

  Như vậy ta nhận ra thân này chỉ là trống không (chỉ là sự kết hợp tạm bợ của các yếu tố tứ đại, còn kết hợp thì còn thân, hết kết hợp thì tan rã. Chỉ là vậy thôi, chứ không phải là một ‘con người’ cố định hay một cái ‘ta’ nào cả). Sau khi đã biết thân này chỉ là trống không thì ta còn bám víu vào nó làm gì. Ta không còn bám chấp vào thân thì thần chết đâu còn với đến ta được nữa. Ta không chết! Đúng không? Không có cái ‘ta’ thì đâu có ai chết. Đức Phật nói về sự vô ngã (anatta): đó là sự không có một cái ‘ta’ cố định nào cả. Nhưng khi nghe điều này, quý vị nên nghe cho thật rõ ràng.

Theo ý nghĩa đích thực của vô ngã (anatta), tìm đâu ra cái ‘con người’?. Chỉ có năm tập hợp đất, nước, khí, nhiệt— sự trống không. (Trong đó chỉ là tính không, không có một ‘linh hồn’ hay một cái ‘ta’ hay bản ‘ngã’ nào trong đó cả. Giống như một cái máy vi tính. Nó chỉ là gồm những yếu tố là xác máy và bộ nhớ. Nó còn chạy, thì gọi là máy tính. Đến khi nó hư cũ và gãy bể, không còn cái ‘máy tính’ nào cả). Vậy đó. Mọi thứ đều là trống không. Nhưng chúng ta tạo ra những quy ước để khái niệm và đặt tên những đống đó là ‘ta’, ‘của ta’, và từ đó bám vào đó, dính chấp vào đó, khổ tâm với nó. Rồi đến khi những mớ đất, nước, khí, nhiệt đó tan rã, ta (thấy mình bị) chết, bởi do ta đã áp đặt cái ‘ta’ vào trong những mớ đó. Những mớ đó là trống không, nhưng chúng ta không coi là trống không mà coi đó là cái ‘ta’ của mình, và do vậy có cái ‘ta’ bị chết, nên chúng ta khóc than và tuyệt vọng vì cái chết. Phật đã dạy đó chỉ là những yếu tố tứ đại. Sự sinh của chúng ta chỉ là do sự kết hợp những yếu tố đó. Khi những yếu tố đó tan rã, cái chết chẳng ảnh hưởng gì đến chúng ta nếu chúng không còn bám chấp vào những thứ đó nữa.

  Thử nghĩ đến một ấu trùng sau đó trở thành con ong. Khi con ong hình thành, nó bỏ lại cái vỏ ống trống không. Con ong ở đâu? Khi chúng ta nhìn vào vỏ ống, chúng ta chẳng thấy ong đâu. Con ong không còn bám trú ở trong ‘đống’ vỏ ống đó nữa. 

  Do vậy, Phật đã dạy phải dẹp bỏ những thứ về cái ‘ta’. Nếu chúng ta hiểu được đó chỉ là cái ‘ta’ do quy ước chứ không phải là một cái ta đích thực, thì mọi vấn đề khó khổ sẽ chấm dứt ở đây. Đó không phải là những khó khổ cần được giải quyết mà đích thực không cần giải quyết gì cả. Bởi vì đâu còn cái ‘ai’ giải quyết những khó khổ, nên đâu còn những khó khổ nào nữa. Nếu chúng ta hiểu được một cách rõ ràng như vậy, sự sống của chúng ta sẽ không còn phải xoay sở, tranh đấu, bất mãn, khổ sở; không còn sân si.

  Phật đã dạy phải suy xét về tính có-điều-kiện (tính hữu vi, sankhara) và tính vô-thường của thân và tâm chúng ta để biết rõ thân và tâm đích thực là gì. Chỗ này là trí tuệ, và chỗ này là chỗ chúng ta thay đổi cách nhìn cố hữu về một cái ‘ta’, chúng ta không còn chấp thủ vào một ‘cái ngã không có thực’ nữa. (Cái ‘ta’ là không có thực, chỉ là hữu vi, giả lập, là do sự kết hợp của những yếu tố tự nhiên, còn duyên hợp thì còn, hết duyên hợp thì tan rã. Không có cái ‘ta’ cố định nào bên trong tấm thân-tâm này cả). Ngắn gọn hơn, chúng ta có thể nói rằng: chẳng có cái ‘ta’ nào để bị chết cả. Nếu chúng ta gỡ bỏ sự chấp thủ vào cái ‘ta’ (dẹp bỏ ngã chấp), thì cái chết chỉ đơn giản là sự tan rã của bốn mớ yếu tố đất, nước, khí, nhiệt mà thôi.

  Chuyện kể về ngài Xá-lợi-phất (Sariputta) khi đang chỉ dạy cho một học trò là Tỳ kheo Gunamantani. Gunamantani chuẩn bị đi đi tu theo lối du hành. (Giống như Đức Phật và Tăng đoàn thời đó và giống như truyền thống tu du hành (tudong) ở Thái Lan, các tu sĩ luôn di chuyển, khất thực mỗi ngày, thuyết pháp cho các mọi người. Khác với cách tu ở nhiều nơi sau này là người tu trú ngụ một nơi hay một tự viện lâu dài, ít di chuyển đến nơi khác). 

  Gunamantani nghĩ rằng mình đã chuẩn bị sẵn sàng để đi tu du hành. Nhưng khi một người đi tu du hành, người ấy sẽ gặp phải nhiều trở ngại và tình cảnh khác nhau. Ngài Xá Lợi-phất kinh nghiệm được những điều đó, do vậy ngài đã thử kiểm tra vị đệ tử đã chuẩn bị đủ trước khi lên đường hay chưa. Ngài Xá-lợi-phất hỏi vị đệ tử: “Nếu có một người thường hoặc một tu sĩ hỏi thầy ‘Này ngài Gunamantani, khi một người giác ngộ (A-la-hán) qua đời, họ sẽ tái sinh về đâu?’ thì thầy sẽ trả lời họ ra sao?”.

  Ngài Gunamantani đã trả lời rằng: “Con sẽ trả lời họ rằng ‘Sắc, thọ, tưởng, hành, thức sinh rồi diệt’”.

  Tôi đã đọc chỗ này hồi tôi học kinh điển, và lúc đó tôi chẳng hiểu gì cả. Thầy hỏi một đàng (người giác ngộ tái sinh về đâu?), trò trả lời một nẻo (năm uẩn sinh diệt), cứ như hai người nói hai chuyện khác nhau vậy. Nhưng thực sự thì câu trả lời đã trả lời đúng nhất với ý nghĩa của câu hỏi, chẳng qua thời đó tôi còn ngu mờ nên chưa hiểu được. Khi được hỏi bậc thánh nhân giác ngộ khi chết sẽ đi về đâu, ngài Gunamantani đã không trả lời thẳng, và trả lời rằng chỉ có năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) hợp rồi tan, sinh rồi diệt, chứ thực sự chẳng có ‘ai’ chết cả. Người giác ngộ như vậy thì không chết. Chỉ có năm ‘đống’ uẩn sinh rồi diệt, còn duyên hợp thì có mặt, hết duyên hợp thì tan rã. Vậy thôi. Những người giác ngộ không ở bên trong ‘đống uẩn’ đó. Họ không chết và không tái sinh. Sự thể là vậy. Không có câu trả lời thẳng bởi không có câu hỏi đúng thực (không có ‘ai’ trong đó để chết) và không có vấn đề đúng thực (không có ‘sự chết’ của ai cả), cũng không có ‘ai’ giải quyết chuyện sinh tử tái sinh cả. Mọi sự chấm dứt ở đây. (Không có ‘người’ thì không có ai chết và không có sự chết. Chỉ có năm uẩn hợp rồi tan).

  Quý vị có hiểu mọi sự chấm dứt ra sao không? Tất cả chấm dứt thành không-có-gì, trống không. Vậy mà khi có ai nói không có gì hay không có ‘ai’ cả, chúng ta thực sự thấy hụt hẫng và đau lòng—Ta cứ nao lòng: còn tất cả những thứ của ‘ta’ thì sao? Những của cải của ta, nhà cửa của ta, con cái của ta… thì sao? (Nước mắt chảy dài, âu lo dồn về). Chỗ này rất khó, nhưng chúng ta nên bắt đầu tập tính cẩn thận và tính biết chấp nhận. Đừng quá xót xa lo lắng về những thứ mình có, thực sự chúng chẳng phải là của ta. (Chẳng có gì là ‘của ta’ hay ‘là ta’ cả).

  Chúng ta khó hiểu điều này. Chúng ta muốn hiểu, nhưng nó thực sự khó hiểu. Chúng ta nghe, học, suy xét và thấy điều đó có thể đúng, nhưng chúng ta vẫn khó mà hiểu thấu hết. Những ô nhiễm trong tâm quá dày đặc và cố hữu, chúng che mờ và ngăn không cho chúng ta thấy được lẽ thực.

  Tham dục trói chặt chúng ta. Vài tham muốn và ước muốn không đủ thỏa mãn người đời. Họ luôn có nhiều tham muốn và ước muốn và muốn được nhiều, nhiều hơn nữa, và thông thường chẳng bao giờ dừng lại cho đến khi những tham muốn nhiều đến ngập đầu và gây ra biết bao phiền não khổ lụy. Mọi người đều mãi đi ngược lại với giáo pháp.

  Do vậy, chúng ta cần lắng nghe giáo lý của Phật một cách kỹ càng. Phật dạy giáo pháp cho mọi người vượt qua khổ đau, sống không bị khổ đau. Nếu không có khổ, mọi sự sẽ ra sao? Sẽ không có cái ‘ta’, không có ‘của ta’, không có ‘ngã’ và không còn chấp ngã. Nhưng phải có được trí tuệ hiểu biết rõ về sự thật “không phải ta, không phải của ta” thì mới tạo ra lợi lạc. Ví dụ, nếu mới vừa hiểu “thân này không phải của ta” rồi hủy hoại thân này thì điều đó chẳng mang lại ích lợi gì. “Mấy cái chén kiểu bình kiểu này không phải là của ta, vậy ta đập bể và quăng chúng đi”, đó là cách ngu xuẩn nhất. Hoặc giả sử có người gặp phải khó khăn vì gánh nặng con cái, mới nghe câu “Con cái không phải là của ta” liền bỏ bê con cái, thì điều đó là sai trái nhất. Đừng làm những hành động ngu dốt như vậy!.

  Nếu không có cái ‘ta’ thì làm sao có thứ gì là ‘của ta’? Hãy nghĩ kỹ về điều này. Điều đó là rõ ràng. Nếu có cái ‘ta’ thì mới có những thứ thuộc ‘của ta’. Cái ly này là của ta. Nếu không có cái ‘ta’, ly này làm sao là ‘của ta’. Khi có thứ gì (của cải, tiền bạc, danh vọng…) bị hư hoại hay mất đi, hãy nghĩ rằng đó là của người khác mất, cách đó giúp ta khỏi buồn rầu tiếc nuối. (Việc này không phải dễ!). Cứ ghi nhớ rằng, ta đã hiểu rõ không có cái ‘ta’ nào cả, vì vậy không có gì là ‘của ta’: điều này giúp ta không bị đau khổ, tiếc nuối khi nhìn thấy thứ gì đổ bể hay mất di. Tất cả chỉ là do quan niệm về một cái ‘ta’ đã gây ra khổ đau và phiền não. Do vậy, chúng ta được dạy để tiêu diệt cái đống ‘ta’, tiêu diệt cái ‘ngã chấp’ bằng trí tuệ hiểu biết—chỉ có trí tuệ hiểu biết mới tiêu diệt được ngã chấp, không phải giết nó bằng dao hay chôn sống nó. Mục tiêu của Đức Phật là hiểu biết thế giới một cách hoàn toàn. Nếu chúng ta biết rõ về thế giới, chúng ta không còn gặp khó khổ, bởi chúng ta không mang gánh nặng thế giới trên mình. Nhưng nếu không có trí tuệ hiểu biết, chúng ta cứ mang gánh mọi thứ trên đời. 

  Người đời bây giờ giống như cứ muốn đổ đầy thùng nước, nhưng chẳng bao giờ đổ nước vào miệng thùng. Họ cứ đổ nước vung vãi ra ngoài, không đúng vào miệng thùng. Họ cứ đổ như vậy, như con nít nghịch nước cho vui, thì dù họ có đổ cả đời cũng chẳng bao giờ đầy thùng. Tham muốn (dục vọng) của người thời nay cũng vậy. Họ cứ luôn tìm kiếm nhiều hơn nữa, muốn có nhiều hơn nữa và hơn nữa, và chẳng bao giờ thỏa mãn. (Lòng tham không đáy là nguyên nhân của mọi sự khó khổ và sinh tử ở trên thế gian). 

  Kẻ nghèo thì có nhiều tham muốn hơn nữa, dục vọng còn lớn hơn nữa. Kẻ giàu thì có đủ thứ thỏa mãn và vẫn còn tham muốn nhiều nữa. Họ chẳng bao giờ biết mức nào là đủ giàu. Ai cũng ‘nghèo’ so với tham muốn dục vọng của mình!. (Chỉ có ai biết khi nào là đủ thì người đó mới thực sự giàu có). Tham muốn và dục vọng lôi chúng ta vào biển khổ. (Nếu không có dục vọng thì không có khổ và tái sinh). Chúng ta cần suy xét và điều tra kỹ về lẽ thực này.

  Tôi đã chỉ dạy và huấn luyện nhiều người tu hành trong hơn ba mươi năm qua. Tôi cảm thấy rằng điều quan trọng là người ta ít nhất phải hiểu biết về giáo pháp (lẽ thật, quy luật, sự thật của sự sống), gỡ bỏ bớt những gánh nặng (ràng buộc, dính chấp), và không cần phải sống quá lâu trên đời. Nếu tốt, họ có thể tu hành và bước được vào dòng thánh đạo (từ Nhập Lưu…) để bảo đảm tránh bị tái sinh hơn bảy lần nữa, điều đó thực là đáng quý. (Điều kiện để trở thành một người Nhập Lưu là chỉ cần phá bỏ được cái ‘ta’ và những ràng buộc mê tín). Đừng để mình tiếp tục bị tái sinh thành bọ chét hay rận rệp, thành rắn, rùa, heo hay chó, hoặc thành người đuôi, kẻ điếc hay một loại chúng sinh khổ đau ở những cõi xấu thấp. Chúng ta không thể biết được mình sẽ đi về đâu sau khi chết nếu chúng ta không chịu tìm cách giải thoát mình ngay từ bây giờ!.

  Mục tiêu học hiểu và tu hành chỉ đơn giản là để chúng ta không còn chịu khổ nữa. Không còn khổ đau. Có nghĩa là khổ đau không còn tìm đến ta nữa. Thần chết cũng không tìm thấy chúng ta.

  Có năm tập hợp tạo nên thân-tâm này: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chúng khởi sinh và biến mất, sinh rồi diệt, hợp rồi tan; chẳng có ‘ai’ ở trong đó, chỉ là những hiện tượng vô thường và mong manh. Nếu bạn nghĩ rằng bạn chết, thì bạn sẽ bị tái sinh liên tục, mọi lúc mọi nơi. Bạn sẽ luôn bị khổ đau không bao giờ dứt, bởi vì chẳng bao giờ chấm dứt được. (Còn ‘người’ chết thì còn tái sinh và còn khổ đau. Chỉ khi nào không còn ‘ai’ chết thì cũng không có sự chết, không còn tái sinh, và không còn khổ đau nữa).

  Người Chinh Phục thế giới (Đức Phật) là người đã chấm dứt mọi thứ khó khổ. Chấm dứt tất cả, chấm dứt mọi thứ. Nhưng nếu nói về sự “chấm dứt”, người đời không muốn nghe, họ không thấy yên tâm. Họ nghĩ sẽ chẳng còn chỗ nào để họ sống nữa. Họ nghe nói đến các trạng từ: “chấm dứt“, “xong“, “chẳng có gì cả“, “chẳng còn gì“, họ giật mình, lo sợ và không hiểu gì. Họ chẳng bao giờ biết được đó chính là trạng thái hạnh phúc và thư thái nhất.

  Đó là chỗ khó gặp gỡ và khó vượt qua. Chúng ta nói về ý nghĩa siêu thế vượt trên thế gian thế tục—chuyển hóa và vượt qua tất cả mọi thói tâm (tập khí), quan điểm (kiến chấp), suy nghĩ (ý hành), và cảm giác (cảm thọ) của con người trên thế gian này. Thế tục nghĩa là thế gian. Những gì chúng ta đạt được hay thành tựu được trên thế gian thì chúng vẫn thuộc về thế gian và trước sau chúng cũng suy, tàn, hư, hoại, biến mất theo luật vô thường; do vậy đừng cố nắm giữ, dính chấp, ràng buộc vào chúng. Cũng giống như một con bọ moi đất, nó cứ đào moi cho được những mớ đất lớn hơn bản thân nó, đào được lỗ hang to hơn nó, nhưng dù nó có đào cả kiếp, thì đó cũng chỉ là mớ đất và mấy lỗ hang nhỏ bé. Một con trâu đến thả đống phân lên đó còn lớn hơn cả mớ đất cả đời của con bọ đã đào. Tất cả chỉ là một mớ đất. Những thành đạt, danh phận, của cải của người đời trên thế gian cũng giống vậy. Dù có cố làm bao nhiêu, có thành đạt giàu có bao nhiêu, có quyền lực bao nhiêu thì cũng ra đi với tay không. Dù cho những con bọ có làm việc suốt cả đời, thì chúng cũng chỉ dính líu đến những mớ đất mà thôi, chẳng có gì hay ho hay giá trị hơn.

  Những người biết tạo nghiệp tốt trên đời là người có trí khôn ngoan để sống trên thế gian. Nhưng dù họ có tạo nghiệp tốt đến đâu, sống tốt đến đâu thì họ vẫn còn ở trong thế gian. Tất cả những việc họ cố làm cũng chỉ là thế tục và nằm trong hữu hạn, cũng giống như con bọ suốt đời moi đất đào hang. Hang có thể rất sâu, nhưng nó vẫn nằm trong mặt đất này. Mớ đất đào lên có thể rất cao, nhưng đó chỉ là một mớ đất nằm trên mặt đất này. Làm nhiều, được nhiều, tạo nhiều nghiệp tốt, được nhiều nghiệp tốt, nhưng đó chỉ là sự làm nhiều và được nhiều trên thế gian này mà thôi.

  Kiến thức thế gian và những thành đạt trên thế gian dù cao siêu và lớn lao đến đâu thì ta vẫn còn ở trong cõi ta bà đầy khổ đau. Những hạnh phúc trần tục đó là loại hạnh phúc có được và tùy thuộc từ những thứ từ bên ngoài. (Đó là loại hạnh phúc vì làm được, vì có được, vì đạt được). Đó không phải là loại hạnh phúc có được từ sự buông bỏ, sự tự do, giải thoát. Đó không phải là thứ hạnh phúc không phụ thuộc vào những thứ bên ngoài. Để có hạnh phúc trần tục, chúng ta phải phụ thuộc vào những thứ gì?. Chúng ta cần có của cải, tài sản, tiền bạc, khoái lạc, danh phận, chức tước… Chúng ta dựa vào tất cả những thứ đó, giống như dựa vào một gốc cây già mục. Sau một thời gian dựa vào nó, đến lúc nó gãy đổ, và chúng ta sụp đổ theo nó. Đó là loại hạnh phúc thế tục. Nhưng Phật muốn chúng ta hiểu biết rõ về nó. Chúng ta sống giữa những thứ hạnh phúc đó, chúng ta cần hiểu rõ, ý thức rõ, và tỉnh giác rõ về chúng.

  Chất độc chỉ độc đối với những ai nuốt vào. Nếu không, dù nó là loại độc đến đâu cũng không gây độc hại cho chúng ta, không nguy hại cho người biết về nó và không nuốt phải nó.

  Người tạo ra chất độc cảm thấy nó tốt—nhưng tốt theo cách xấu ác. Để bán chất độc đó, ông ta quảng cáo nó: “Hợp chất này thực sự rất tốt! Nếu ta cho chuột ăn, chắc chắn chuột chết ngay. Cho chó ăn, chó chết ngay. Nó có thể giết bất cứ con gì. Gà, vịt, và cả người luôn! Do vậy, sản phẩm này của tôi là rất tốt! Mại dô, mại dô!”.

“Tốt hả, vậy sao ông không uống đi?”

“Không, ngộ không dùng nó”

“Tại sao không?”

“Nó tốt để giết vật và người. Không phải tốt cho ngộ”

  Cái ‘tốt’ nằm ngoài Giáo Pháp cũng giống như kiểu đó, chỉ tốt đến mức đó mà thôi. Người quảng cáo thuốc độc là hảo hạng thì chẳng bao giờ nếm nó. Ông ta nói về một thứ rất tốt, nhưng biết rõ nó sát sinh, và ông ta thích làm cái nghề nghiệp đó. Rất nhiều thứ người ta gọi là tốt. (Nhưng chẳng thứ gì là tốt hoàn toàn). Chỉ có Giáo Pháp của Phật là hoàn toàn tốt và vô hại. Giáo Pháp được giảng bày một cách rõ ràng, đầy đủ lý thực và lẽ thực. Nhưng, khi người ta gặp gỡ Giáo Pháp và muốn hiểu biết nó, họ thường gặp phải khó khăn, bởi do họ vẫn còn dính vào cái ‘ta’, vẫn còn chấp ngã. Nhưng nếu chúng ta biết cách dẹp bỏ tất cả những quan niệm về cái ‘ta’ (dẹp bỏ tất cả thân kiến, ngã kiến), thì chúng ta không còn mang những gánh nặng tham, sân, si trong cuộc sống của chúng ta.

  Nếu chúng ta thực sự nhận biết rằng chỉ có năm mớ uẩn và những yếu tố tứ đại kết hợp lại thành cái mà ta gọi là một ‘con người’, nếu chúng ta thực sự nhìn thấy rõ ràng chúng chỉ là vậy, thì dù ai nói gì chúng ta cũng không còn chấp. Ai có trách mắng hay sỉ nhục ta, cũng chẳng sao. Chỉ có người thế gian chưa hiểu rõ sự thật về ‘con người’ của mình, nên họ còn chấp, còn tức giận, còn chiến đấu. Dù họ có tỏ ra nhường nhịn thì đó chỉ là do tình cảnh nào đó, nhưng trong lòng vẫn nghiến răng kiềm chế, chứ không phải do trí tuệ hiểu biết mà không chấp.

  Những ai hiểu rõ được giáo pháp (sự thật) này về cái ‘ta’, họ sẽ không còn chấp nê hay sân si gì với những khó khổ. Họ không cần phải giải quyết những vấn đề khó chịu khó khổ đó. Họ tự mình giải tỏa. Tại sao thế gian này là một nơi khó khổ đến như vậy? Đó là tại chúng ta cứ muốn chạy theo những thói tâm (tập khí) và khuynh hướng (gông cùm) trong tâm mình và muốn mọi thứ theo ý mình. Chúng ta có vô vàn những ý nghĩ và ý tưởng muốn mọi người và mọi cảnh phải như này, như nọ. Nhưng mọi thứ không thể theo ý chúng ta, mọi thứ xảy ra theo đường lối riêng và tự nhiên của nó. Do vậy, chúng ta bị hụt hẫng, bị phiền não và bị bất mãn bởi mọi sự ở trên đời.

  Vợ chồng không được yên vì họ cảm thấy bị phiền não và mệt mỏi với con cái của mình. Vợ chồng cũng thấy phiền não và chán chường với nhau. Họ bị phiền não bởi chó và mèo. Họ bị phiền não bởi công việc làm ăn. Họ bị phiền não bởi bạn bè và hàng xóm. Cảm giác bị phiền não, sợ sệt và bất an luôn luôn có mặt. Và do vậy họ bị khổ.

  Vậy chúng ta phải sống ở đâu? Nếu bạn muốn mọi người ai cũng ăn nói và cư xử hiền hòa với bạn, tìm đâu ra cái nơi có được điều đó?. Nếu bạn cứ có thái độ và ý muốn như vậy thì bạn chỉ là cái xác chết đang sống mà thôi, bạn sẽ luôn bị khổ đau và phiền não. Nếu sống mà phụ thuộc vào việc mọi người phải cứ xử hiền hòa với ta, liệu ta có thực sự hạnh phúc không? (Làm gì có điều lý tưởng đó, và nếu cứ phụ thuộc vào điều đó thì mới hạnh phúc, thì đó chỉ là điều điên rồ và không tưởng. Bạn không thể bắt thế gian và vạn vật nhảy múa theo ý của mình). Chỉ nói riêng vợ chồng, trong một ngày nói chuyện cũng đã ít nhiều bất đồng. Nếu bạn muốn rằng mình chỉ hạnh phúc nếu không ai bất đồng với bạn, tìm đâu ra nơi nào trên trái đất này được như vậy cho bạn. Bạn chỉ là xác chết đang sống. Bởi vì, hiện thực là chúng ta gặp những thứ khó khổ hàng ngày, không thể tránh được. (Thế gian không phải là của riêng bạn). Chúng ta muốn có hạnh phúc, nhưng làm sao chúng ta có được hạnh phúc nếu cách nhìn của chúng ta không phù hợp với hiện thực của sự sống? (Thế giới hiện thực là muôn màu, nhưng chúng ta cứ muốn nó chỉ là màu hồng để ta được hạnh phúc theo ý ta, vậy làm sao có được?).

  Vậy thì có nơi nào để chúng ta thoát khỏi khổ đau?. Tôi giao quý vị hãy về nhà tự mình giải đáp. Suy xét một cách kỹ càng. Quý vị phải tự mình chèo thuyền qua sông. Quý vị phải chèo một cách cật lực mới vượt qua sông được, nhưng nếu qua được đến bờ bên kia, quý vị cũng chưa chắc đã vượt qua được bờ bên kia. Qua đến bờ bên kia, quý vị phải biết buông bỏ xuồng ghe để bước lên bờ. Nếu ai còn mang theo ghe xuồng trên vai, người đó sẽ tông vào cây rừng. (Giáo Pháp như thuyền ghe dùng để vượt qua sông, chứ không phải để mang vác theo trên vai. Giáo Pháp là phương tiện để chúng ta giải thoát, chứ không phải là thứ để mang theo. Sự buông bỏ tận cùng mới là sự giải thoát rốt ráo).

  Tôi nói đây để quý vị rõ thêm một chút. Những người học và hiểu Giáo Pháp nhưng không chứng ngộ Giáo Pháp, thì người đó vẫn chưa giải thoát. Nếu chúng ta chỉ mới học Giáo Pháp, hiểu Giáo Pháp và tu tập Giáo Pháp thì đừng vội mơ tưởng về điều gì; nước mắt vẫn còn chảy lâu. Nếu chúng ta chứng ngộ Giáo Pháp, nếu chúng ta Giáp Pháp, thì chúng ta nhìn thấy những mớ đất, nước, khí, nhiệt. Nhưng còn lâu chúng ta mới nhìn thấy được điều đó, phải không? Chỗ này tôi không nói đùa với quý vị, sự thật là rất khó.

  Tôi đang nói những điều cho những người muốn đạt đến cốt lõi của Giáo Pháp. Điều quan trọng không phải chỗ chúng ta được sống sung sướng và hạnh phúc nhờ vào thành quả học tập và lao động trong đời. Cách sống đó cũng chỉ bắt thêm cầu đường để dẫn đến tái sinh liên tục mà thôi. Cách sống đó mang đầy khó khổ và phiền não. (Sinh tử là đau đớn và đau khổ vô cùng!). Hôm nay tôi nói thẳng thừng, không sợ sự thật mích lòng quý vị. Ai không có được cách nhìn đúng đắn (chánh kiến) về sự sống thì giống như người bị gãy cổ. Giáp Pháp này là dành cho những người trí thành, chín chắn. 

  Người đời có quá nhiều tham muốn và dục vọng. Nhưng, cuối cùng nơi phải đến (của người tu) là nơi tất cả mọi thứ đều đã chấm dứt, không còn, kết thúc. Chúng ta không vứt bỏ mọi thứ bằng cách quăng chúng xuống sông, mà bằng trí tuệ hiểu biết. Rồi sau đó chúng ta có thể sống hạnh phúc, thư thái, không còn bị khổ. Chúng ta không còn khổ trong công việc, chúng không còn khổ trong quan hệ với mọi người. Chúng ta không còn khổ khi bệnh yếu—chúng ta nhận biết rõ đó (cái ‘ta’) chỉ là những yếu tố đất, nước, khí, nhiệt. Chẳng có những khó khổ và chẳng có ‘ai’ giải quyết những khó khổ. Mọi sự được chấm dứt như vậy. 

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app