Tu Liên Tục

  Từng chút, từng chút, rồi chúng ta có thể hành thiền. Chúng ta chưa có được sự hiểu biết (tri kiến) thâm sâu, chúng ta chưa thực sự biết mình đang làm gì, nhưng chúng ta có thể tập tiến mỗi lần một chút. Chúng ta có thể không biết mình có lợi ích từ việc tập thiền, nhưng chúng ta cứ thực hành nó, từng chút, từng chút. Khi chúng ta ăn, chúng ta có thấy no ngay sau khi ăn một muỗng?. Chưa. Chúng ta có thể nói mình no, mặc dù chưa no (bụng chưa đầy). Ăn thêm muỗng thứ hai và chúng ta sẽ no hơn, nhưng chỉ là no hơn một chút. Nếu chúng ta tiếp tục ăn, từng muỗng một, đến lúc nào đó chúng ta sẽ no đầy. Hãy suy nghĩ về điều này, biết nhìn trước, và ta sẽ thấy được mình đang đi đến đâu: cuối cùng chúng ta sẽ đến lúc đang chậm rãi ngồi nhai muỗng cơm cuối cùng. Từng muỗng nhỏ tích góp, và cơn đói giảm bớt từng chút, và cuối cùng chúng ta no đầy—có thể đến mức chúng ta chẳng thèm nhìn đến món ăn nào nữa. Những muỗng nhỏ thức ăn đã được ăn vào, từng muỗng một, đã làm no bụng chúng ta.

  Những lão làng ở đây thường hay kể chúng ta chuyện trong cây tre khô có lửa. Thời xưa, diêm quẹt còn rất hiếm và diêm quẹt không phải lúc nào cũng quẹt ra lửa được. Khi người ta đi vô rừng, họ chỉ cần tìm những khúc cây khô, họ biết có lửa bên trong cây. Khi nào họ cần lửa nấu ăn, họ chỉ cần cọ xát hai khúc tre khô để nó phát ra lửa. Họ cọ xát liên tục hai khúc tre. Ban đầu thân tre còn lạnh. Sau một hồi có sát, khúc tre nóng lên, rồi sau đó bốc khói. Phải mất thời gian để hai khúc tre nóng lên, rồi mất thêm thời gian nữa mới bốc khói, và sau đó mới phát ra lửa.

  Thời bây giờ con cháu của họ sống trong thời hiện đại không còn kiên nhẫn như cha ông trước kia. Thời bây giờ, nếu chúng ta cầm hai khúc tre khô để tạo ra lửa, chúng ta chỉ mới cọ sát hai phút là bắt đầu thấy mệt mỏi. Chúng ta chán nản và bỏ khúc tre xuống ngay. “Thôi, mệt quá, nghỉ một chút đã”. Sau đó chúng ta lại cầm mấy khúc tre lên, tre đã lạnh trở lại. Chúng ta lại cọ sát lần nữa, nhưng phải bắt đầu lại từ đầu nên tre không dễ nóng lên nhanh được. Và rồi ta lại hết kiên nhẫn…Cứ như vậy, chúng ta cứ làm theo kiểu đó hàng giờ hoặc cả ngày thì cũng chẳng tạo ra chút lửa nào. Chúng ta cọ sát rồi ngưng, cọ sát rồi ngưng. Rồi ta bắt đầu xỏ xiêng những lão làng: “Những lão già làng đúng là điên. Tui chẳng hiểu mấy ổng nói kiểu gì, lửa đâu mà lửa. Chắc mấy ông già bịa chuyện cho vui. Tui đã cọ sát mấy khúc tre đến rã tay ra mà có thấy chút lửa nào đâu!”.

  Điều đó cũng xảy ra tương tự nếu chúng ta không hiểu biết và không cố gắng tu tập đến nơi đến chốn!. Chúng ta không làm đủ nóng mà lại mong có được lửa. Những người xưa đã làm được như vậy, nhưng họ biết phải cần có nhiều nỗ lực liên tục mới tạo ra được lửa. Bạn phải cọ sát liên tục, không ngừng, vì nếu bạn ngưng thì bạn chỉ có được mấy khúc tre lạnh mà thôi.

  Cũng giống như những học trò từ xa khăn gói đến đây để học thiền. Họ lắng nghe vài điều chỉ giáo, rồi họ muốn thiền cho được nhanh chóng. Họ cứ muốn học phương pháp thiền nào giúp họ có được kết quả nhanh nhất. Tôi nói với họ: “Nếu các anh chị muốn ‘nhanh nhất’ thì chẳng được gì đâu”. Có một thứ được gọi là nguyên nhân và kết quả (nhân quả). Kết quả tu tập chỉ được tạo ra từ những nguyên nhân đúng đắn và phù hợp. Không có chuyện cầu được ước thấy ngay tức khắc. Cách ‘nhanh nhất’ ư—ngay cả Phật chắc cũng tìm không ra.

  Chúng ta sẽ tiến bộ được trên đường tu tập nhờ vào sự nỗ lực liên tục, tu miên mật, cũng giống như một người cọ sát hai khúc tre liên tục và không ngừng thì mới tạo được lửa. Cọ sát không ngừng, nhiệt nóng sẽ tăng lên. Càng cọ sát thêm, nhiệt nóng càng tăng lên. Khi khói bốc lên, lửa gần xuất hiện; nhưng đang lúc khói bốc lên thì không nên ngưng lại. Đây không phải trò chơi (muốn chơi thì chơi, muốn ngưng thì ngưng để bữa sau chơi lại), người xưa hiểu được như vậy nên họ cọ sát liên tục liên tục và không ngừng. Đó là cách những người ấy tạo ra được lửa.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app