Sống Trong Thế Gian Bằng Giáo Pháp

 

Hầu hết mọi người đều không biết được cốt lõi của hiểu việc tu thiền. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng việc tu tập chỉ bao gồm đi thiền, ngồi thiền và lắng nghe các sư thầy giảng Giáo Pháp. Điều đó thì cũng đúng, nhưng đó chỉ là những hình thức bề ngoài của việc tu tập. Việc tu tập thực sự  là xảy ra bên trong cái tâm đang phản ứng với một đối tượng giác quan. Đó là nơi tu tập, chính ngay chỗ xảy ra sự tiếp xúc giác quan. Như vầy, khi có ai nói điều ta không thích, ta thấy bực ghét; nếu ai nói điều ta thích, ta thấy vui sướng. Ngay đây là chỗ để tu tập. Chúng ta sẽ tu tập với những điều (thích, ghét) này theo cách nào? Chỗ này mới quan trọng. Nếu chúng ta cứ luôn luôn chạy theo sướng và chạy khỏi khổ, thì dù có tu hành hết kiếp cũng chẳng bao giờ thấy được Giáo Pháp. Tu như vậy uổng công. Khi sướng và khổ khởi sinh thì chúng ta sẽ dùng Giáo Pháp theo cách nào để tự do khỏi những thứ sướng khổ đó?. Đây mới chính là chỗ để tu tập. 

Thói thường, khi ai gặp điều gì ngược ý mình thì họ hay khép chặt, phòng thủ với điều đó. Ví dụ khi bị chê trách, họ thường nói lại: ”Đừng đổ lỗi cho tôi! Sao lại trách tôi?”. Đây là ta đang đóng cửa tự vệ. Ngay đây là chỗ tu tập. Khi ai chê trách mình thì mình nên lắng nghe. Họ đang nói đúng không? Ta phải mở lòng ra để xem xét họ nói gì. Có thể họ có lý khi nói vậy, có lẽ bên trong bản thân mình có những điều đáng trách. Có lẽ họ đúng, nhưng chưa gì chúng ta đã thấy tự ái, thấy bị xúc phạm. Nếu có ai nhìn ra lỗi sai của mình thì mình phải nhận ra, cố gắng sửa bỏ những lỗi sai đó và cải thiện bản thân mình. Đó là cách người khôn sẽ tu tập. 

Chỗ nào có ngu mờ thì chỗ đó có thể làm khởi sự bình an. Là sao? Thì sự ngu mờ có thể bị xuyên phá bằng sự hiểu biết, sau khi phá xong thì còn lại sự bình an. Nhiều người chẳng bao giờ chịu bị chê trách, đó là những kẻ ngu si rồ dại. Bị ai chê là quay lại hằn học và cãi cọ ngay. Đặc biệt là cảnh người lớn khi nói chuyện với trẻ con. Thực ra trẻ con nhiều lúc rất thông minh, sáng dạ, chúng có thể nói ra những điều rất đúng đắn, nhưng vì ỷ mình làm cha làm mẹ nên lúc nào cha mẹ cũng phán con mình là sai. Nếu bạn là thầy, học trò nhiều khi nói những điều đúng mà bạn chưa biết, nhưng chỉ vì bạn ỷ là thầy nên bạn ‘không thể’ lắng nghe học trò nói. Đây là cách nghĩ không đúng đắn. 

Hồi thời Phật có một vị đệ tử rất khôn trí. Khi Phật đang giảng Giáo Pháp, Phật quay sang vị đệ tử này và hỏi: ”Này, Xá-lợi-phất thầy có tin điều này không?”. Ngài Xá-lợi phất đã trả lời rằng: ”Không, con chưa tin điều đó”. Phạt liền khen ngợi câu trả lời: ”Thật tốt lành, này Xá-lợi-phất, thầy là người được phú với trí tuệ. Người có trí thì không thực sự tin ngay, người ấy mở rộng tâm trí để lắng nghe và cân nhắc sự thật về vấn đề đó trước khi tin hay không tin”. 

Đối với ai làm thầy thì Phật đã làm gương rồi đó. (Rằng học trò cũng nói những điều đúng đắn và một người thầy cũng phải biết lắng nghe và công nhận). Điều ngài Xá-lợi phất nói là đúng, ngài chỉ đơn giản nói thiệt suy nghĩ và cảm giác của mình. Nhiều người nghĩ rằng nếu nói với thầy rằng mình không tin vào điều thầy nói thì chẳng khác nào thách thức với thầy, do vậy ai cũng sợ không dám nói thẳng. Ai cũng gật đầu đồng ý, vì nếu nói không tin sợ phật ý người thầy. Nhưng Phật thì đâu phật ý, Phật thì đâu còn giận hay chấp. Phật đã từng nói rằng: chúng ta không cần phải xấu hổ với những điều mình không sai. Chẳng có gì sai nếu mình không tin và nói thẳng mình không tin. Do vậy Phật mới khen ngài Xá-lợi-phất là khôn khéo, luôn luôn suy xét cẩn thận trước khi tin vào một điều gì. Hành động của Phật là một ví dụ tốt để mọi người làm thầy noi theo. Nhiều lúc chúng ta học được nhiều điều rất hay từ những đứa trẻ, đừng có mù quáng ỷ lại vị trí, tuổi tác, ngôi vị mà không biết lắng nghe người khác. (Và khi có người dám chê trách hay góp ý về mình thì mình càng phải biết lắng nghe).

Dù bạn đang đi, đang đứng, hay đang ngồi ở đâu bạn cũng có thể học được những điều xung quanh mình. Bạn học cách của tự nhiên, nhận biết mọi thứ, từ những hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, cảm giác và những ý nghĩ. Người khôn khéo xem xét tất cả những thứ đó. Tu tập thực sự là gì, là để chúng ta đi đến cái điểm ở đó không còn bất cứ thứ gì là quan trọng đặt nặng lên tâm này. 

Nếu chúng ta không hiểu biết về sự thích và không thích khi chúng khởi sinh, thì lúc đó vẫn còn những thứ tâm coi nhiều thứ là quan trọng, là liên quan đến ‘mình’. Nếu chúng ta hiểu biết rõ sự thật của những sự thích-ghét đó, chúng ta sẽ quán niệm rằng: ”À, chẳng có gì là quan trọng đối với cảm giác thích này. Thích chỉ là một cảm giác khởi sinh và biến mất. Không thích cũng không phải là gì quan trọng, chỉ là một cảm giác khởi sinh và biến mất. Tại sao ta phải quan trọng về những cảm giác thích hay không thích đó”. Nếu chúng ta nghĩ sướng và khổ là những thứ của mình thì tự ta chuốc lấy rắc rối, chúng ta cứ mãi mãi coi thứ này, thứ nọ, cảm giác này, cảm giác nọ là liên quan đến mình, và cứ mãi mãi dính theo hướng đó. Đây là cách hầu hết mọi người nghĩ và liên quan đến tất cả mọi thứ. 

Nhưng thời sau này người ta ít khi nói về tâm khi họ giảng về Giáo Pháp, có nghĩa là họ không nói về sự thật. Nếu ai nói về sự thật, nói thẳng nói thật, thì họ sẽ cho là lạ lùng. Họ sẽ nói: ”Ông đó nó chẳng đúng lúc đúng nơi, ổng không biết lấy lòng người nghe”. Nhưng mọi người nên lắng nghe sự thật. Một người thầy thực sự thì không nói những thứ mình nhớ, mà người ấy nói sự thật. Mọi người trong xã hội thường nói lại những gì mình nhớ, nói từ trí nhớ, họ chỉ biết nói như vậy để thấy bản thân mình, học nhiều, nhớ nhiều. Một vị sư thầy không nói như vậy, vị ấy chỉ nói sự thật, nói về bản chất đường lối của mọi thứ trên đời. 

Dù một thầy chân tu cố gắng giảng giải nhưng thật khó làm cho người ta hiểu. Hiểu được Giáo Pháp thật là khó. Nếu bạn hiểu được Giáo Pháp, bạn nên tu tập theo như vậy. Không cần phải cạo đầu đi tu mới tu tập được, dĩ vô chùa thì cũng tốt bởi môi trường tăng đoàn cũng là lý tưởng cho sự tập trung tu tập. Nhưng để tu tập thực sự, bạn phải dẹp bỏ những sự ngu mờ về thế giới, có lẽ nên từ bỏ gia đình và của cải (xuất gia), và đi vào rừng để tu. Đó là nơi lý tưởng để tu tập. 

Nhưng nếu chúng ta vẫn còn nặng gánh với gia đình và đủ thứ trách nhiệm thì làm sao tu được? Một số người nói không thể nào tu nếu vẫn còn là người tại gia. Hãy coi thử, nhóm người tại gia và nhóm xuất gia nhóm nào lớn hơn? Số người tại gia lớn hơn nhiều. Nếu cứ nói kiểu đó thì càng làm rối chuyện thêm nữa. Rồi mọi người lại hiểu lầm rằng: ”Tôi không thể trở thành thầy tu, tôi đâu thể xuất gia, vậy là tôi khỏi tu…”. Trở thành một thầy tu để làm chi! Trở thành thầy tu mà không lo tu tập thì có nghĩa gì đâu. Nếu bạn thực sự hiểu biết về Giáo Pháp thì dù bạn có sống tại gia, đang làm giáo sư, kỹ sư, bác sĩ, công chức hay người ở đợ… thì bạn vẫn có thể tu tập theo Giáo Pháp trong từng phút từng giờ mỗi ngày. 

Nhiều người nghĩ nếu làm người tại gia thì không tu được, nghĩ như vậy là trật đường rồi. Vậy tại sao người ta có hứng chí làm những việc khác? Khi họ thấy thiếu cái gì, họ cố gắng nỗ lực để làm được thứ đó. Nếu không có tham muốn con người chẳng làm được thứ gì. Nhiều người nói ”Tôi không có đủ thời giờ để tu”. Tôi nói họ: ”Vậy sao quý vị có thời giờ để thở?”. Thở là điều sống còn của sự sống con người. Nếu họ biết được việc tu tập Giáo Pháp là quan trọng đối với sự sống của mình thì họ sẽ coi việc tu tập là quan trọng như hơi thở thôi. 

Việc tu tập theo Giáo Pháp không phải là chạy lăng xăng làm này làm nọ đến khi kiệt sức. Chỉ cần nhìn vào những cảm giác mỗi khi chúng khởi lên trong tâm. Khi mắt nhìn thấy những hình sắc, tai nghe thấy những âm thanh, mũi ngửi thấy những mùi hương, lưỡi nếm thấy những mùi vị… tất cả chúng đều truyền đến một cái tâm này, tâm là cái ”người biết”. Giờ khi tâm nhận biết những thứ đó, điều gì xảy ra? Nếu ta thích đối tượng đó, ta thấy sướng; nếu ta không thích đối tượng đó, ta thấy khó chịu. Tất cả câu chuyện chỉ là vậy. (Mọi sự khó khổ đều nằm ở chỗ đó, ngay chỗ tâm này).

Vậy thì ở đâu chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc trong thế gian này? Bạn vẫn mong suốt đời tất cả mọi người đều luôn nói những lời bạn thích? Có thể được vậy sao? Không, mơ cũng không có vậy. Và nếu không thể nào có chuyện đó thì bạn sẽ đi đâu, tìm đâu?. Thế gian đơn giản là như vậy, chúng ta phải hiểu biết thế gian. Hiểu biết sự thật của thế gian (lokavidū). Thế gian là cái chúng ta nên hiểu biết rõ về nó. Phật đã sống trong thế gian này, Phật không sống ở đâu khác chúng ta. Phật trải qua đời sống gia đình với những hạnh phúc của nó, nhưng Phật nhìn ra những mặt hữu hạn chúng và Phật đã tách ly khỏi chúng. Giờ thì quý vị là những Phật tử tại gia thì phải tu tập ra sao? Nếu quý vị muốn tu, quý vị phải cố gắng đi theo con đường đạo. Nếu chịu khó tu tập theo con đường thì quý vị cũng nhìn thấy những mặt hữu hạn của thế gian này, và nhờ đó có khả năng buông bỏ (mọi tham muốn và dính mắc trên đời). 

Giống mấy người uống rượu thường nói: ”Tôi bỏ rượu mà không được”. Vì sao họ không thể bỏ? Bởi họ chưa nhìn ra mặt tác hại và gánh nặng trách nhiệm của nó. Nếu họ nhìn ra tác hại và gánh nặng trách nhiệm mà rượu bia gây ra, họ sẽ tự mình từ bỏ chúng chứ không cần ai khuyên răn hoặc vợ con khóc lóc năn nỉ. Nếu không thấy tác hại và gánh nặng trách nhiệm của việc rượu chè thì họ cũng chẳng thấy được mặt lợi ích của việc từ bỏ chúng. Nếu không bỏ được những thói hư tật xấu thì việc tu tập của bạn chỉ là vô ích, bạn chỉ đang tu giỡn tu chơi, chứ không tu thiệt. Nếu bạn nhìn thấy rõ rệt cái hại và cái lợi của thứ gì thì bạn sẽ tự bỏ hại chọn lợi, không cần ai khuyên răn. Giống như trong câu chuyện về người bắt cá tìm thấy thứ gì trong cái lờ bắt cá của mình. Anh ta biết có gì trong đó, vì nghe tiếng quẫy nước. Anh cho đó là cá, theo thông thường. Nhưng khi thò tay vô, anh thấy con gì dài dài, không phải cá. Không nhìn thấy được, anh chỉ nghĩ đến hai thứ, một là lươn hai là rắn. Nếu quăng lờ bỏ đi, anh lại tiếc vì có thể là lươn. (Lươn là một món ăn ngon của dân Thái Lan). Nhưng nếu giữ lại và mò tay vào bắt nó, có thể là rắn thì nó sẽ cắn. Anh ta sinh nghi ngờ. Vì tham nên vẫn tiếc và giữ lại cái lờ để bắt con ‘lươn’ ra. Nhưng cái gì đây, vừa thấy da nhám nhám anh ta lập tức quăng ngay. Quang ngay đúng không? Anh ta đâu cần chờ ai khuyên răn phải quăng đi để khỏi bị rắn cắn. Anh đã tự mình “nhìn thấy” mối nguy hại và tự mình “quăng bỏ” nó trong giây khắc. Tự thấy con rắn thì rõ rệt hơn ngàn lần so với những lời nói của người khác. Chẳng cần ai nói với mình về mối nguy hại đó. Tương tự vậy, nếu chúng ta tu tập đến lúc nhìn thấy bản chất mọi thứ như-chúng-là, thì chúng ta không còn lầm lẫn và ngu mờ với những thứ nguy hại. 

Mọi người thường không tu tập theo cách như vậy, họ thường tu vì những thứ khác. Họ không suy xét mọi thứ, họ không quán chiếu về sự già, bệnh, chết. Họ chỉ nói toàn những chuyện không-già, không-bệnh, không-chết, do vậy họ chẳng bao giờ tu dưỡng được cái cảm nhận đúng đắn về việc tu hành. Họ đến chùa nghe giảng Giáo Pháp, nhưng họ không thực sự lắng nghe. Nhiều lúc tôi được mời để nói chuyện trong các dịp lễ, nhưng điều đó trở thành điều khó xử đối với tôi. Vì sao? Vì khi tôi nhìn mọi người tụ tập đến đó, tôi thấy họ chẳng phải đến để lắng nghe Giáo Pháp. Một số người thậm chí còn có mùi rượu, nhiều người hút thuốc, một số thì ngồi luyên thuyên đủ chuyện… họ không có vẻ là những người đến vì lòng thành tâm với Phật Pháp. Nói chuyện ở những nơi đó không tạo ra lợi lạc gì nhiều. Một số người không thích lắng nghe chắc lại nghĩ trong đầu: ”Hỏng biết khi nào ổng hết nói… Ông sư cứ nói hoài mình chẳng làm được chuyện này chuyện nọ…”, và tâm trí họ cứ lăng xăng búa xua như vậy.

Đôi khi họ mời tôi đến nói chuyện chỉ vì hình thức, mời cho có mặt, nên họ cứ kêu: ”Thầy nói ngắn ngắn thôi nghen thầy!”. Hết ngõ nói luôn, họ không muốn tôi nói nhiều, điều đó làm họ khó chịu. Khi tôi nghe họ mời mà họ dặn vậy thì tôi biết ngay họ muốn gì. Những người đó không thích nghe Giáo Pháp. Giáo Pháp chỉ quấy rầy họ. Nhưng nếu tôi chỉ nói ngắn ít, chỉ nói mấy câu thì họ đâu hiểu được gì. Nếu bạn ăn ít thì làm sao no được. Mưa lâu lâu mới thấm đất chứ. 

Có lúc tôi vừa nói mấy cấu chưa đủ ấm giọng thì có mấy người say rượu la lên: ”Rồi, mấy người tránh đường cho Sư Ông nè, sư nói xong rồi, chuẩn bị đi ra”— họ muốn đuổi tôi đi! Thiệt hết biết. Nếu tôi gặp lại những người như vậy, tôi sẽ ăn thật nhiều cho đầy tràn cái họng để…quán chiếu về điều đó, để có trí tuệ nhìn thấu suốt bản chất loại người đó. Những người đó giống như người đã uống đầy nước, không còn chỗ nào để rót vô miệng họ nữa. Uổng phí thời gian và công sức để dạy họ, bởi tâm họ đã quá đầy, không thể tiếp thu thêm được gì nữa. Đổ thêm gì vô cũng tràn ra ngoài. Nếu tâm trí họ còn chỗ nào trống thì còn có thể đổ vào một chút gì, nếu đổ vô được chút gì thì mới có chút ích cho người nhận và người đổ. (Thầy dạy mà người nghe không tiếp thu được gì thì chẳng mang lại lợi ích gì cho người dạy và người nghe).

Như vầy, khi mọi người thực sự quan tâm đến Giáo Pháp và họ ngồi im lặng, lắng nghe kỹ càng, thì tôi cảm thấy hứng thú giảng dạy. Nếu mọi người không chú tâm nghe giảng thì họ cũng giống như chai nước đầy tràn… không còn chỗ nào để rót vô nữa. Trong những tình huống như vậy, tôi không thấy khởi sinh chút năng lượng nào để giảng dạy. Tôi không thể phát huy năng lượng để giảng dạy khi mọi người không bỏ chút năng lượng để tiếp thu.

Thời bây giờ giảng pháp thường là như vậy, càng ngày càng tệ hơn. Người ta không tìm kiếm sự thật, họ học hỏi những thứ chỉ đủ để kiếm sống, nuôi nấng và chăm sóc gia đình. Họ học vì sự sống sinh nhai. Có người cũng học hỏi Phật Pháp, nhưng không nhiều. Sinh viên đại học ngày nay có nhiều kiến thức hơn sinh viên ngày xưa. Họ có nhiều điều kiện để ăn học, mọi thứ thuận tiện hơn. Nhưng họ lại có nhiều sự ngu mờ hơn và nhiều sự khổ hơn những người ngày xưa. Bởi vì sao? Bởi họ chỉ tìm kiếm loại kiến thức dùng để kiếm sống. 

Ngay cả các thầy tu cũng vậy. Đôi khi tôi nghe họ nói rằng: ”Tôi không phải trở thành một tu sĩ để tu tập theo Giáo Pháp, tôi chỉ thọ giới để học hỏi về nó mà thôi”. Đó là cách nói của những người đã cắt đứt mình khỏi con đường tu tập. Họ không còn phương hướng nào hết, đó là đường cùng ngõ cụt rồi. Khi những thầy tu đó giảng đạo thì họ chỉ nói lại theo trí nhớ. (Nghe, đọc và nói lại). Họ có thể nói một đường, nhưng tâm trí họ thì hoàn toàn nghĩ một nẻo khác. Những sự giảng dạy đó là không thực. 

Thế gian cứ như vậy. Nếu bạn muốn sống giản dị, tu tập theo Phật Pháp và sống một cách bình an thì những người khác cho rằng bạn là kẻ lập dị và ngược với xã hội. Họ còn cho rằng bạn cản trở sự tiến bộ của xã hội. Họ thậm chí còn chê bai, làm khó bạn. Họ cứ ra mặt làm vậy cho đến lúc nào đó bạn cũng tin theo họ và bỏ tu, quay lại con đường trần tục, lún sâu và càng sâu vào trong đời sống thế tục đến nỗi không còn đường thoát ra khỏi nó. Nhiều người than rằng: ”Tôi không thể thoát ra, tôi không thể bỏ thói đời để tu hành gì nữa, tôi đã lún sâu”. Đây là xu hướng của xã hội. Xu hướng không ưu tiên coi trọng giá trị của lẽ thật, của Giáo Pháp. 

Giá trị của Giáo Pháp không được tìm thấy trong kinh sách. Kinh sách chỉ là bề ngoài của Giáo Pháp, đó không phải là sự tự thân chứng ngộ Giáo Pháp. Nếu bạn chứng ngộ Giáo Pháp thì bạn chứng ngộ cái tâm của mình, bạn nhìn thấy sự thật ở ngay đó. Khi sự thật trở nên rõ ràng thì nó sẽ cắt đứt dòng chảy vô minh. 

Giáo lý của Đức Phật là sự thật không thay đổi, dù là trong thời này hay thời nào. Phật đã tìm ra sự thật hơn 2.500 trước và sự thật đó vẫn là sự thật cho đến bây giờ. Giáo lý này là vậy, không nên thêm hay bớt. Phật đã từng nói rằng: ”Những gì Như Lai đã nói ra thì không nên bỏ đi, những gì Như Lại không nói ra thì không nên đưa vào trong giáo lý”. Phật đã ”niêm phong” những giáo lý đó. Vì sao Phật phải niêm phong như vậy?. Bởi đó là lời dạy của một bậc không còn dính ô nhiễm. Dù thế gian có đổi thay ra sao, những giáo lý này vẫn không hề thay đổi. Điều gì là sai thì dù ai nói là đúng, cũng không làm nó bớt sai. Điều gì là đúng thì dù mọi người có cho là sai, cũng không làm nó bớt đúng. Điều gì đúng là đúng, điều gì thật là thật, cho dù người ta có nói gì đi nữa. Trải qua bao nhiều thế hệ sống và chết nhưng những điều đó vẫn không thay đổi, bởi những điều đó là sự thật, là lẽ thật, là chân lý. 

Giờ ta có thể hỏi, vậy ai tạo ra những sự thật đó? Sự thật tự bản thân nó tạo ra sự thật! Phật có tạo ra sự thật đó không? Không, Phật không tạo ra. Phật chỉ khám phá ra sự thật, khám phá ra đường lối (quy luật) của vạn vật trên thế gian, và sau đó Phật mới chỉ dạy lại cho chúng ta. Sự thật mãi mãi là sự thật, dù Phật có xuất hiện trên thế gian này hay không. Phật chỉ ”sở hữu” Giáo Pháp theo nghĩa như vậy, chứ đích thực thì Phật không tạo ra sự thật. (Sự thật có sẵn trong thế giới, Phật cũng không thể thay đổi những sự thật đó). Sự thật luôn luôn có mặt mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, trước đó không-ai đã đi tìm và tìm ra sự Bất Tử để sau đó truyền dạy lại như là Giáo Pháp. Phật không chế ra sự thật, sự thật đã có sẵn trong thế gian vũ trụ. 

Có thời sự thật được tỏa sáng và việc tu hành Giáo Pháp nở hoa. Khi thời đó không còn và nhiều thế hệ đã lần lượt qua đời đến thời mạt pháp, giáo lý lần lần phai nhạt cho đến lúc biến mất hoàn toàn. Rồi lại đến lúc giáo lý được lập lại và nở hoa. Hết thời hưng thịnh đến thời suy vong. Bao đời các vị Phật đã xuất hiện trên thế gian để tìm thấy và truyền thừa giáo lý sau bao nhiêu thời gian thế gian chìm trong bóng tối vô minh. Các vị Phật lần lượt qua đời, nhưng Giáo Pháp thì không biến mất theo họ. Đích thực thì sự thật (chân lý) chẳng biến đi đâu. 

Thế giới cứ xoay vòng thịnh suy thăng trầm như vậy. Giống như cây xoài. Cây lớn lên, nở hoa xoài và ra trái xoài và những trái xoài chín rụng. Khi chín rụng, hạt trái xoài rớt lại xuống đất và lại mọc lên cây xoài mới. Bắt đầu một chu kỳ sinh trưởng mới. Nhiều trái xoài lại chín và nhiều hột xoài nữa lại rớt xuống đất và nhiều cây xoài mới lại mọc lên. Đó là cách thế giới diễn ra. Nó cũng chẳng đi đâu xa, nó cũng lòng vòng xung quanh những thứ cũ y hệt. 

Sự sống của chúng ta bây giờ cũng vậy. Giờ chúng ta chỉ đang làm những thứ mà chúng ta đã làm trước kia. Mọi người đều nghĩ suy quá nhiều. Họ quan tâm tham thích đủ thứ, nhưng chẳng ai đi đến chỗ toại nguyện. Ngày nay có nhiều thứ khoa học, vật lý học, tâm lý học và đủ thứ. Chúng ta có thể đắm chìm vào những con số, nhưng cuối cùng cũng chẳng giải quyết được gì rốt ráo, và tất cả đều kết thúc theo lẽ thật thế gian. 

Giả như có một chiếc xe bò được kéo bởi một con bò. Bánh xe không dài, nhưng dấu xe thì dài. Khi nào con bò còn kéo xe đi, dấu bánh xe còn tiếp tục dài thêm. Bánh xe chỉ là một vòng tròn, nhưng dấu bánh xe là đường rất dài. Dấu bánh xe thì dài, nhưng bánh xe thực ra chỉ là một vòng tròn. Khi nào bò còn kéo thì vết xe còn dài thêm, dài thêm… Nhưng đến một lúc nào đó, con bò mệt mỏi và buông bỏ gọng xe bò. Con bò đi khỏi và bỏ lại chiếc xe không ở đó. Bánh xe không còn quay. Lúc đó xe cũng mục hư, tất cả quay trở lại các yếu tố– đất, nước, gió, lửa. 

Trong khi đi tìm sự bình an trên thế gian, bạn kéo lê chiếc xe để lại dấu bánh xe dài ở đằng sau. Khi nào bạn còn chạy theo thế gian thì vẫn chưa dừng lại, vẫn chưa nghỉ ngơi. Nếu bạn chỉ cần dừng, không còn chạy theo nó, bánh xe ngừng quay, xe được nghỉ ngơi. Cứ chạy theo thế gian thì bánh xe cứ tiếp tục quay. Tạo nghiệp là giống như vậy, tạo nghiệp xấu là giống như vậy. Còn chạy theo thói tật cố hữu là vẫn còn chạy, chưa chịu dừng lại. Nếu biết dừng lại thì mới có chỗ dừng lại. Biết dừng lại, đó là cách chúng ta tu tập. (Tu có nghĩa là tập dừng lại mọi thứ, dừng mọi hành vi và ý nghĩ tạo nghiệp, là đi đến chỗ nghỉ ngơi và bình an).

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app