Nhìn Xuyên Qua Mọi Sự

  Cách tu hành của Ajahn Chah. Nhà sư này có cách tu tập rất đậm nét. Thầy chẳng khi nào bị rúng động bởi những thứ quấy nhiễu mình. Ngày xưa khi mới tu tập thầy vẫn còn sợ ma [thói tâm sợ mà là rất phổ biến ở Thái Lan], nhưng thầy vào rừng ngồi tu một mình giữa đêm. Thầy trải nghiệm nhiều nỗi sợ hãi đến nỗi sáng mai đi tiểu ra máu, nhưng đến tối thầy lại tiếp tục vô rừng ngồi tu một mình. 

  Thầy rất thành thật về những điểm yếu của mình. Chẳng hạn ái dục là chướng ngại lớn nhất khi thầy còn là một Tỳ kheo trẻ. Tâm thầy dính nặng những thứ về tính dục. Đầu óc cứ nghĩ đến những hình ảnh và những bộ phận của phụ nữ.

  Thầy nghĩ rằng đó là những thói tâm (tập kết) từ nhiều kiếp trước, chúng đang dồn lại ở kiếp này, và dường như thầy phải tu tập để kết thúc tất cả chúng trong đời này. Thầy đã nhìn thấu suốt qua vấn đề, cho rằng chẳng có nơi nào hay lúc nào khác để làm được điều này. Như thầy vẫn thường nói, sở dĩ thầy có thể tu tập để phát triển trí tuệ minh sát là nhờ thầy đã có một kho ô nhiễm bên trong mình. Vì có quá nhiều ô nhiễm nên mới có cơ hội tu tập để vượt qua chúng và giác ngộ. Quan trọng là nhìn thấu được vấn đề này. (Có ô nhiễm mới có thứ để tu tập và giác ngộ.) 

Phật và Bồ-Tát

  Chúng ta có thể nói rằng chúng ta là những chúng sinh đang tu tập để có thể trở thành những chúng sinh tỉnh giác, đó là những Bồ-tát (bodhisattva). Tu tập như vậy cũng là cách Đức Phật đã làm.

  Khi tâm còn bị che mờ bởi tham sân si, đó là chúng sinh hữu tình. Nhưng khi chúng ta có những tâm phạm trú (brahma-vihara), tức là tứ vô lượng tâm từ, bi, hỷ, xả, được thiết lập trong tim, chúng ta được gọi là những chúng sinh xuất chúng, là những Bồ-tát. Ngay cả chúng sinh chưa có những phẩm hạnh đó cũng có thể tu tập để phát triển chúng và cuối cùng sẽ đến giác ngộ. Từ những kiếp trước, Đức Phật cũng chỉ là một chúng sinh con người. Nhưng người ấy đã tu tập bản thân để trở thành một chúng sinh xuất chúng, với đầy đủ tâm vô lượng, và do vậy được gọi là Bồ-tát. Rồi sau đó, Bồ-tát liên tục quán chiếu để hiểu biết sự thật, hiểu biết về lẽ thật vô thường, khổ và vô ngã, và sau cùng đạt đến sự hiểu biết hoàn toàn và đã giác ngộ thành một vị Phật. Do vậy, không nên nghĩ rằng chỉ có một vị Phật. Một vị Phật đích thực là chân pháp (saccadhamma), là chân lý, và ai giác ngộ hoàn toàn như vậy là một vị Phật. Có hàng trăm, hàng ngàn vị Phật, nhưng các vị đó đều đi theo một con đường, đó là con đường của tầm nhìn đúng đắn (chánh kiến).

  Thật vậy, có một vị Phật, đó là chánh kiến. Ai giác ngộ hoàn toàn như vậy cũng không khác vị Phật đó. Do vậy Phật không cách xa chúng sinh là mấy. Phật là giác, chúng sinh là mê. Còn mê là chúng sinh, giác ngộ là Phật. Phật tính là thứ được chứng ngộ từ bên trong. Đó là sự chứng ngộ cái tâm nguyên thủy, chân tâm. Sau khi chứng ngộ được chân tâm, chúng ta sẽ thấy rằng chân tâm là không thể mô tả được và không thể san sẻ được cho người khác. Không cách gì để diễn tả về nó, chẳng có gì để so sánh về nó được. Nó vượt qua ngôn từ và khái niệm. Nếu chỉ dạy cho người khác thì người giác ngộ cũng phải dùng những ý tưởng bên ngoài để diễn tả về nó, còn mỗi người phải tự chứng ngộ cho mình. 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app