Sự Bình An Là Trên Hết

                               

Thực hành theo Giáo Pháp là điều quan trọng. Nếu không thực hành thì sự hiểu biết của chúng ta chỉ là sự hiểu biết bề ngoài, chỉ là cái vỏ bên ngoài. Giống như chúng ta có mấy trái cây nhưng chưa hề ăn thử. Nên dù có trái cây trong tay cũng chẳng hưởng được sự bổ ích nào từ nó. Chỉ khi nào chúng ta thực sự ăn trái cây đó, ta mới thực sự biết được hương vị của nó là gì. 

Đức Phật không khen những người chỉ biết tin vào người khác, Phật chỉ khen người biết hiểu biết bên trong bản thân mình. Cũng như khi có trái cây, nếu bạn đã ăn trái cây thì bạn không cần phải hỏi người khác về hương vị của nó là ngọt hay chua. Vấn đề đã được giải quyết. Tại sao vấn đề đã được giải quyết? Bởi chúng ta đã nhìn thấy theo đúng sự thật. Người đã chứng ngộ Giáo Pháp cũng giống như người đã tự thân nếm trải vị chua vị ngọt của trái cây. Mọi nghi ngờ đều chấm dứt ở đây. 

Khi nói về Phật Pháp, chúng ta nói rất nhiều thứ, nhưng tựu chung có thể tóm lược trong bốn điều. Đó là biết về Khổ, biết về Nguyên nhân Khổ, biết về sự Chấm dứt Khổ, và biết về Con đường dẫn đến chấm dứt khổ. 

Chỉ có vậy. Tất cả những gì chúng ta trải nghiệm trên con đường tu tập cũng nằm trong bốn điều đó. Khi chúng ta hiểu biết được bốn điều đó thì những vấn đề khó khổ sẽ không còn nữa. 

Bốn điều đó sinh ra từ đâu? Chúng sinh ra từ bên trong thân và tâm này, không từ đâu khác. Vậy thì tại sao giáo lý của Phật lại có quá nhiều chi tiết và lớn rộng như vậy? Đó là do Phật đã dùng nhiều cách nói, nhiều cách dạy tinh tế khác nhau về bốn lẽ thật đó (cho những loại người khác nhau), để giúp cho chúng ta nhìn thấy bốn bốn lẽ thật đó. 

Thái tử Tất-đạt-đa (Siddhattha Gotama) đã được sinh vào thế gian, trước khi nhìn thấy Giáo Pháp thì Phật cũng là một người bình thường. Khi người bình thường đó đã hiểu biết những gì cần phải biết, đó là lẽ thật về Khổ, Nguyên nhân Khổ, Sự chấm dứt Khổ, và Con đường dẫn đến sự chấm dứt Khổ, thì người đó đã chứng ngộ Giáo Pháp và trở thành một vị Phật. 

Khi chúng ta chứng ngộ Giáo Pháp, dù đang ngồi ở đâu chúng ta cũng hiểu biết Giáo Pháp, dù đang ở đâu chúng ta cũng nghe thấy giáo pháp của Phật. Khi chúng ta hiểu biết Giáo Pháp, Phật ở bên trong tâm này, Giáo Pháp ở bên trong tâm này, và sự tu tập dẫn đến trí tuệ cũng ở bên trong tâm này của chúng ta. Có Phật, Pháp, Tăng bên trong tâm này có nghĩa là dù hành động của ta là tốt hay xấu, chúng ta cũng tự mình hiểu biết rõ bản chất đích thực của nó. 

Do vậy Đức Phật đã dẹp bỏ những ý kiến thế tục, những điều khen và chê. Khi có ai khen ngợi hay chê bai mình, Phật chỉ đơn giản chấp nhận những lời đó như chúng là. Hai điều khen và chê đơn giản chỉ là những điều của người đời, nên Phật không cần phải bị kích động bởi chúng. Tại sao không bị kích động? Bởi vì Phật biết rõ về khổ. Phật biết nếu tin vào lời khen hay lời chê thì cũng dẫn đến phiền khổ mà thôi. 

Khi khổ khởi sinh, nó kích động tâm ta, chúng ta dễ bị khó chịu. Điều gì gây ra sự khổ đó? Nguyên nhân là do ta chưa hiểu rõ sự thật. Khi có nguyên nhân khổ thì khổ khởi sinh. Khi nó đã khởi sinh, ta không biết cách để chặn khổ. Ta càng cố chặn, nó càng khởi thêm. Chúng ta cố gào: ”Đừng chê trách tôi nữa”, ”Đừng chửi tôi nữa”. Cố gắng chặn cái khổ kiểu đó, khổ càng tăng lên, nó không chịu ngừng lại. 

Do vậy, Phật đã dạy cách để làm hết khổ là làm cho Giáo Pháp khởi sinh như một hiện thực bên trong tâm này của chúng ta. Chúng ta trở thành những người chứng kiến Giáo Pháp cho chính mình. Nếu ai khen ta tốt, ta không mừng và lạc tâm theo lời khen đó; nếu ai chê ta không tốt, ta không phản ứng với lời chê đó. Cách như vậy giúp ta được tự do. ‘Tốt’ và ‘xấu’ chỉ là những pháp thế gian, chúng chỉ là những trạng thái của tâm. Nếu chúng ta quên mình chạy theo chúng, tâm chúng ta trở thành thế tục, chúng ta cứ lẩn quẩn trong ngu tối và không biết lối ra. 

Nếu cứ như vậy thì chúng ta chưa biết cách quản trị bản thân mình. Chúng ta cố thắng hơn người khác, nhưng làm vậy chúng ta chỉ đánh bại bản thân mình thôi. Nhưng nếu chúng biết quản trị bản thân mình, thì chúng ta có thể quản trị được tất cả những thứ trong thân-tâm, quản trị được tất cả mọi tâm hành tạo tác, hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị và các cảm giác của thân. 

Giờ tôi nói về những thứ thuộc trần cảnh bên ngoài, chúng là vậy, nhưng cái bên ngoài cũng được phản ảnh ở bên trong. Người ta thường chỉ nhìn thấy bên ngoài, họ không biết bên trong. Giống như khi chúng ta nói “nhìn thấy thân trong thân” vậy. Nhìn bên ngoài thân là chưa đủ, chúng ta phải hiểu biết thân bên trong thân. Rồi, khi điều tra quán xét cái tâm, chúng ta cũng nên biết cái “tâm bên trong tâm.”  

Tại sao chúng ta phải điều tra quán xét về thân? Còn “thân trong thân” nghĩa là gì? Khi chúng ta nói ta hiểu biết tâm, thì đó là cái ‘tâm’ gì? Nếu chúng ta không hiểu biết tâm thì chúng ta không hiểu biết những thứ bên trong tâm. Nếu như vậy thì ta chính là người không hiểu biết khổ, không hiểu biết nguyên nhân khổ và không hiểu biết con đường dẫn đến chấm dứt khổ. 

Những thứ lẽ ra có thể giúp diệt trừ khổ thì chúng không giúp được, bởi do chúng ta bị xao lãng bởi những thứ khác áp đảo chúng. Cũng giống như chúng ta bị ngứa ở trên đầu mà đi gãi dưới chân vậy! Cũng giống như vậy, khi có khổ khởi sinh, chúng ta không biết cách xử lý nó, chúng ta không biết tu tập cách để dẫn đến làm hết khổ. 

Ví dụ, lấy thân này, cái thân mà mỗi người chúng ta mang vác nó đến buổi nói chuyện này. Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy phần hình xác của thân, chúng ta chỉ mới nhìn thấy bên ngoài của nó. Chúng ta chỉ nhìn thấy nó là thứ đẹp đẽ, là thứ chắc chắn, là người “thực”. Phật nói rằng nếu chỉ biết vậy là không đủ. Chúng ta nhìn bề ngoài bằng mắt thường; con nít cũng nhìn thấy được, mấy con vật cũng nhìn thấy được, đâu khó gì. Bề ngoài của thân thì dễ nhìn thấy, khi chúng ta mê giữ tấm thân, chúng ta không biết rõ sự thật về nó. Sau khi nhìn thấy thân ngoài, chúng ta ôm giữ nó, trân quý nó, dính chấp vào nó, rồi nó sẽ ‘cắn’ ta!

Do vậy, chúng ta cần điều tra quán xét “thân bên trong thân”. Bất cứ thứ gì trong thân, cứ nhìn nó và quán xét về nó. (Sự chánh niệm quán xét về những bộ phận của thân trong thân được gọi là thiền quán về thân, như Phật đã chỉ trong kinh Bốn Nền Tảng Chánh Niệm). Nếu chỉ nhìn bên ngoài, chúng ta không nhìn thấy rõ. Chúng ta nhìn thấy tóc, móng, da,…vân vân, chúng chỉ là những bộ phận bên ngoài  hấp dẫn chúng ta; do vậy Phật đã dạy chúng ta nhìn vào bên trong thân, để nhìn thấy thân trong thân. Hãy nhìn sâu sát vào bên trong! Chúng ta sẽ thấy nhiều điều ngạc nhiên bên trong, bởi vì những điều đó ở bên trong ta, nhưng chúng ta không thể nhìn thấy chúng. Chúng ta luôn mang cái thân này khi đi, khi chạy, khi ngồi trong xe, nhưng chúng ta không hiểu biết gì về nó! 

Điều đó giống như, ví dụ, chúng ta đến thăm mấy người bà con và họ tặng quà bánh để mang về. Chúng ta nhận, bỏ vào giỏ và chào ra về nhưng không nhìn vô bên trong coi những quà bánh đó là gì. Nhưng khi về mở ra thấy đó là con rắn! Thân này của chúng ta cũng giống như con rắn đó. Chúng ta chỉ nhìn thấy vỏ ngoài của cái thân này, ta vội cho rằng nó đẹp đẽ và hấp dẫn. Chúng ta quên mất bản thân mình. Chúng ta quên mất tính vô thường, khổ và vô ngã. Nếu chúng ta chịu nhìn vào bên trong thân, ta sẽ thấy nó gớm ghiếc mức nào. 

Nếu chúng ta nhìn đúng theo thực tại, không thêm đường thêm muối, chúng ta sẽ nhìn thấy thân này thực là đáng chán hơn là đáng thương. Sự chán chường sẽ khởi sinh. Cái cảm giác ‘không còn ưa thích’ đó không phải là sân giận hay ác cảm đối với cuộc đời hay cái gì, mà đó chỉ đơn giản là cái tâm chúng ta đang dọn sạch, tâm chúng ta đang buông bỏ. 

(Trước đây chỉ nhìn thân ngoài, cộng với nhục dục và dục lạc, ta thấy trân quý mình và tham đắm sắc thân người khác. Ai đụng đến thân ta thì ta liền kháng cự, hoặc khi ta không có được sắc thân người khác thì ta ưu sầu, ghen tỵ. Giờ chúng ta nhìn thấy sự gớm ghiếc của thân bên trong thân và nhìn thấy sự vô thường và sự không chắc chắn của cả tấm thân, nên ta có sự chán bỏ, không còn tham đắm vào thân này của ta và sắc thân của người khác nữa).

Chúng ta nhìn thấy mọi thứ thuộc thân đều là không chắc chắn, không thực, chúng đều phụ thuộc những điều kiện bảo trì mà tồn tại. (Chỉ cần không chăm sóc, không cho ăn uống, hay không vệ sinh thì thân sẽ già, bệnh, chết nhanh chóng). Nhưng đó là cách tất cả mọi thứ của thân được kết tạo theo cách tự nhiên của chúng như vậy. Chúng ta muốn nó đừng xấu đi, đừng già đi, đừng bị bệnh, đừng chết, nhưng bạn thấy đó, thân tự nó cứ già đi, bệnh, chết; (dù chúng ta có cố chăm sóc cách mấy thì tiến trình già, bệnh, chết cũng chậm hơn hay ít hơn chút ít ở mỗi người mà thôi). Dù chúng ta có khóc than hay cười vui, thân vẫn cứ theo tiến trình của nó. Những thứ không ổn định là không ổn định, những thứ tàn hoại là tàn hoại, những thứ vô thường như vậy là khổ và bất toại nguyện. 

Phật đã nói rằng, mỗi khi chúng ta trải nghiệm những hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, những cảm giác thân và những trạng thái tâm, thì chúng ta nên buông bỏ chúng. Khi nghe thấy âm thanh, buông bỏ nó. Khi mũi ngửi thấy mùi vị, buông bỏ nó… cứ để mặc nó ở mũi! Khi những cảm giác (sướng khổ) của thân khởi sinh, buông bỏ cái sự thích hay không thích ngay sau đó, cứ để nó tự quay về nơi nó khởi sinh. Làm tương tự đối với các trạng thái của tâm. Đối với tất cả mọi thứ đó, ta cứ để yên chúng theo cách của chúng. Đây chính là sự hiểu biết. Dù sướng hay khổ cũng như nhau, tất cả đều như nhau. Đây được gọi là thiền. Làm như vậy gọi là thiền. 

Thiền có nghĩa là làm sao cho tâm được bình an, và nhờ đó trí tuệ khởi sinh. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tu tập bằng thân và tâm để nhìn thấy và hiểu biết những nhận thức giác quan về âm thanh, mùi hương, mùi vị, chạm xúc và những tạo tác của tâm (tâm hành). Nói ngắn gọn, đó chỉ là vấn đề sướng và khổ. Sướng là cảm giác dễ chịu trong tâm và khổ chỉ là cảm giác khó chịu trong tâm. Phật dạy phải tách ly hai thứ cảm giác sướng và khổ này ra khỏi tâm. Tâm là cái-biết. Cảm giác là đặc tính của sướng và khổ, thích và ghét. Khi tâm chạy theo những thứ này, chúng ta nói rằng tâm dính theo và nhận lấy những thứ sướng và khổ, thích và ghét. Sự dính theo là hành động của tâm, còn sướng hay khổ chỉ là cảm giác. 

Khi Phật dạy chúng ta phải tách ly tâm khỏi cảm giác, ý Phật không phải là quăng bỏ các tâm ra chỗ khác. Ý Phật là tâm phải hiểu biết sướng và khổ. Ví dụ, khi đang ngồi thiền đạt định và sự bình an có đầy trong tâm, thì dù sự sướng có khởi lên, nó cũng không đụng đến tâm; dù khổ có khởi lên, nó cũng không với đến tâm. Đây là sự tách ly những cảm giác khỏi tâm. Chúng ta có thể ví như dầu và nước. Chúng không hòa hợp nhau. Dù ta có cố trộn chúng: dầu vẫn là dầu, nước vẫn là nước. 

Trạng thái tự nhiên của tâm là không sướng, không khổ. Khi cảm giác đi vào tâm thì mới sinh ra (nhận thức) sướng hay khổ. Nếu chúng ta có chánh niệm, chúng ta biết rõ cảm giác sướng chỉ là cảm giác sướng, cảm giác khổ chỉ là cảm giác khổ. Cái tâm hiểu biết sẽ không nhận lấy hay chạy theo những nhận thức (tâm tưởng) đó. Sướng có đó, nhưng để nó nằm ‘bên ngoài’ tâm, không bị chôn trong tâm. Tâm chỉ cần nhận biết một cách rõ ràng cảm nhận sướng hay khổ là gì. 

Nếu chúng ta tách ly khổ khỏi tâm, điều đó có nghĩa là không còn khổ, vậy là ta không còn nếm trải nó? Vẫn còn, ta vẫn còn trải nghiệm nó, nhưng ta biết rõ tâm là tâm, cảm giác là cảm giác. Chúng ta không dính theo cảm giác hay mang nó theo. Đức Phật tách ly những thứ đó bằng sự hiểu biết. Phật có còn khổ không? Phật biết rõ về trạng thái khổ, nhưng Phật không còn dính theo nó, cho nên chúng ta nói rằng Phật đã cắt đứt khổ. Và Phật cũng còn có sướng, nhưng Phật biết rõ về cảm giác sướng đó, vì nếu không biết rõ về nó thì nó cũng giống như một con rắn độc. Phật không nắm giữ nó trong bản thân mình. Sướng có đó, được nhận biết bằng sự hiểu biết, nhưng nó không dính vào trong tâm, chỉ ở ngoài tâm. Do vậy, chúng ta nói rằng Phật đã tách ly sướng và khổ ra khỏi tâm. 

Khi chúng ta nói Phật và những bậc Giác Ngộ đã diệt sạch mọi ô nhiễm, điều đó không có nghĩa là họ đã thực sự ‘giết chết’ các ô nhiễm. Nếu Phật và những bậc Giác Ngộ đã giết sạch mọi ô nhiễm thì chúng ta đâu còn ô nhiễm nào nữa!. Họ không giết sạch hết ô nhiễm; khi họ biết những ô nhiễm đích thực là gì, và họ buông bỏ chúng. Một số người ngu dại nắm giữ nó, nhưng bậc Giác Ngộ biết rõ những ô nhiễm trong tâm họ là chất độc, nên họ quét sạch chúng ta khỏi tâm, tách ly chúng ra khỏi tâm. Họ quét sạch mọi thứ làm cho họ khổ, chứ không phải giết sạch chúng. Người không hiểu biết thì thấy kiểu khác, chẳng hạn nhìn sướng là tốt lành và do vậy nắm giữ và dính theo nó. Còn Phật thì biết quá biết rõ chúng, nên Phật quét chúng ra khỏi tâm. 

Nhưng khi cảm giác khởi sinh trong chúng ta, chúng ta dính theo nó, tức là tâm dính theo nó và mang sướng hoặc khổ đó theo mình. Thực ra cảm giác và tâm là hai thứ khác nhau. Những hành vi của tâm, cảm giác sướng (dễ chịu), cảm giác khổ (khó chịu) và vân vân…đều chỉ là những nhận thức của tâm (tâm tưởng), chúng là thế giới. Nếu tâm hiểu biết điều này, nó sẽ đối xử như nhau về sướng và khổ. Khi tâm hiểu biết sự thật về sướng và khổ thì nó sẽ làm như vậy. Nhiều người không hiểu biết chúng nên coi chúng  bằng những giá trị khác nhau, nhưng người hiểu biết chúng thì coi chúng như nhau. Nếu ta dính theo sướng, nó sẽ là nơi sinh ra của khổ sau đó, bởi sướng là không ổn định, không bền lâu, nó thay đổi liên tục. Khi hết sướng, là khổ. Khi sướng biến mất thì khổ có mặt. 

Phật biết rõ hai thứ sướng khổ đều là bất toại nguyện, chúng đều là phũ phàng như nhau. Khi sướng khởi sinh, Phật buông bỏ. Phật đã thiết lập cách tu đúng đắn, nhìn thấy cả hai cực sướng khổ đều như nhau, đều là không tốt. Chúng xảy đến theo Quy luật của Giáo Pháp, rằng: chúng là bất ổn định và bất toại nguyện. Sau khi được sinh, chúng chết đi. Sướng hay khổ đều là sinh diệt. Khi nhìn thấy điều này, cách nhìn đúng đắn (chánh kiến) sẽ khởi sinh, cách tu tập đúng đắn sẽ trở nên rõ ràng. Cho dù cảm giác nào hay ý nghĩ nào khởi sinh trong tâm, Phật biết rõ nó chỉ đơn giản là một trò chơi liên tục của sướng và khổ. Phật không còn dính mắc gì đến chúng. 

Khi Phật vừa mới Giác Ngộ, Phật đã nói bài thuyết giảng đầu tiên về sự mê đắm vào khoái lạc và sự dấn thân vào khổ hạnh. ”Này các Tỳ kheo! Sự mê đắm vào khoái lạc là cách buông thả bản thân, sự dấn thân vào khổ hạnh là cách căng ép bản thân”. Hai cực đoan này đã quấy phá sự tu tập của Phật cho đến ngày Giác Ngộ, bởi ngay từ đầu Phật không biết buông bỏ hai cực đoan đó. Khi Phật đã biết hai cực đoan đó là không lợi lạc, Phật đã dẹp bỏ chúng, và nhờ đó Phật đạt đến Giác Ngộ. Do vậy, sau khi giác ngộ, Phật đã khai giảng về hai cực đoạn đó ngay trong bài thuyết pháp đầu tiên. 

Do vậy, chúng ta nói rằng người tu thiền không nên chạy theo sung sướng hay dấn thân vào khổ hạnh, mà chỉ nên hiểu biết rõ về chúng. Biết rõ sự thật về khổ, người đó sẽ biết rõ về nguyên nhân của khổ, về sự chấm dứt khổ và về con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ. Và con đường để thoát ra khỏi khổ chính là con đường tu thiền, cách để thoát khổ chính là sự thiền tập. Nói đơn giản hơn, chúng ta phải tu tập sự chú tâm chánh niệm (vì đơn giản đó công cụ làm phát sinh ra trí tuệ). 

Chánh niệm là sự thấy biết, là sự có-mặt của tâm. Ngay bây giờ, chúng ta đang nghĩ gì, chúng ta đang làm gì? Chúng ta quán sát như vậy, chúng ta ý thức tỉnh giác về cách chúng ta đang sống. Tu tập như vậy trí tuệ có thể khởi sinh. Chúng ta xem xét và điều tra trong mọi lúc, mọi nơi, trong mọi tư thế. Khi một nhận thức của tâm khởi sinh làm ta thích, ta chỉ cần biết nó là vậy, không chạy theo nó, không nắm giữ, không coi nó là thứ gì chắc chắn hay có thực. Đơn giản đó chỉ là sự sướng. Khi khổ khởi sinh chúng ta biết đó đơn giản là sự khổ, và con đường khổ hạnh hành xác không phải là con đường của người tu thiền. 

Điều này chúng ta gọi là phương pháp tách ly tâm khỏi cảm giác. Nếu chúng ta khôn khéo hơn, chúng ta cứ để mặc cho mọi sự diễn ra như chúng là. Chúng ta trở thành cái “người biết”. Tâm và cảm giác cũng như dầu và nước; chúng ở trong cùng một chai, nhưng không hòa lẫn nhau. Ngay cả khi đang bị bệnh hay đau đớn, ta vẫn nên rõ-biết cảm giác chỉ là cảm giác, tâm là tâm. Chúng ta rõ biết những trạng thái khổ và và trạng thái sướng của tâm, nhưng chúng ta không nhận nó là mình. Chúng ta chỉ sống và an trú cùng sự bình an, sự bình an vượt trên cả khổ và sướng.

Quý vị phải hiểu như vầy: bởi không có một cái ‘ta’ hay bản ngã cố định nào hết, nên không có gì để an trú vào đó (ngoài sự bình an). Quý vị phải sống như vầy, rằng sống không có sướng, không có khổ. Ta chỉ sống an trú vào sự thấy biết, không mang theo sự gì dù đó là sướng hay khổ. 

Cho đến khi nào chúng ta chưa giác ngộ thì những điều vừa nói trên nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng không sao, cứ thiết lập mục tiêu theo hướng như vậy để tu. Tâm chỉ là tâm. Khi nó gặp sướng và khổ, chúng ta chỉ nhìn thấy chúng chỉ là như vậy, không có gì hơn. Chúng là riêng biệt, không phải lẫn lộn với nhau. Nếu chúng lẫn lộn với nhau thì chúng ta đâu thể nhận biết chúng. Cũng giống như sống trong căn nhà, nhà và người ở trong nhà có liên quan nhau, nhưng là riêng biệt. Nếu có gì nguy hiểm trong ngôi nhà đó, chúng ta lo lắng bởi chúng ta phải bảo vệ nó, nhưng nếu ngôi nhà bị cháy, chúng ta phải thoát ra khỏi nó. Khi ngôi nhà đầy lửa cháy, chúng ta phải chạy ra khỏi đó. Hai thứ khác nhau, nhà là nhà, người ở là người ở.

Chúng ta nói rằng chúng ta tách ly tâm và cảm giác theo cách đó, nhưng thực ra về bản chất tự nhiên tâm và cảm giác đã là riêng biệt. Sự giác ngộ của chúng ta đơn giản là thấy biết tính riêng biệt tự nhiên đó theo đúng thực tại. Chúng ta vẫn còn nói tâm và cảm giác là không riêng biệt là do bởi chúng ta còn dính chấp một cách ngu mờ, vô minh.

  Bởi vậy Phật mới chỉ chúng ta thiền tập. Việc tu tập thiền là rất quan trọng. Chỉ hiểu biết bằng trí thức là không đủ. Sự hiểu biết có được từ việc tu tập với một cái tâm bình an và sự hiểu biết từ việc học vấn là hai thứ khác xa nhau. Sự hiểu biết từ học vấn không phải là sự hiểu biết thực sự của tâm chúng ta. (Ví dụ, sự hiểu biết từ việc học hay đọc về giáo lý Phật giáo không phải là sự hiểu biết của việc tự thân tu tập. Sự hiểu biết có được từ tu tập hay thiền tập mới là trí tuệ của tâm). Tâm chúng ta cứ hay nắm giữ những sự hiểu biết từ học vấn. Tại sao cứ khư khư như vậy? Hãy buông bỏ nó đi! 

Nếu chúng ta thực sự hiểu biết thì chúng ta buông bỏ, để yên mọi sự diễn ra. Chúng ta hiểu biết rõ rệt đường lối mọi sự diễn ra và nhờ đó ta không quên mình chạy theo mọi sự sướng khổ. Nếu chúng ta có bị đau bệnh, đừng bị lạc tâm vào sự đau bệnh đó. Nhiều người cứ than: ”Năm nay tôi bị bệnh suốt, tôi chẳng thiền tập gì được”. Đây là cách nói của những người thực sự ngu ngốc. Ai bị bệnh hay gần chết thì càng nên nỗ lực tu tập thực sự. Có người còn nói rằng anh ta không có thời gian để thiền tập. Anh ta bị bệnh, anh ta đang đau, anh ta không tin tưởng thân mình, và do vậy anh ta không thể thiền tập. Nếu cứ nghĩ như vậy thì mọi sự tu tập sẽ khó khăn với bạn. Phật không dạy kiểu như vậy. Phật chỉ rằng ngay đó chính là chỗ để tu tập. Khi chúng ta bệnh hay sắp chết chính là lúc chúng thực sự hiểu biết và nhìn thấy thực tại. 

Có người thì nói rằng họ không có cơ hội thiền tập vì họ quá bận rộn. Có một số nhà giáo đến gặp tôi, nhưng lại nói rằng họ có quá nhiều trách nhiệm nghề nghiệp nên không rảnh để thiền tập. Tôi hỏi họ: ”Khi các thầy đang dạy, các thầy có thở không?” Họ trả lời có. ”Vậy làm sao các thầy có thời gian để thở trong khi đang bù đầu với công việc như vậy. Nói ngay chỗ này, các thầy ở quá xa với Giáo Pháp.” 

Thực ra, việc tu tập này chỉ nhắm đến tâm và những cảm giác. Nó không phải là điều gì mình phải công phu cầu tìm, cầu chứng. Hơi thở vẫn liên tục khi đang làm việc. Tự nhiên sẽ lo những tiến trình tự nhiên—còn tất cả những gì chúng ta cần làm là ý thức, tỉnh giác, rõ biết về chúng. Cứ cố gắng tu tập, hướng vào bên trong để nhìn thấy một cách rõ ràng. Thiền tập chỉ là như vậy. 

Nếu chúng ta có sự có-mặt của tâm thì bất cứ việc gì chúng ta làm cũng chính là công cụ giúp chúng ta liên tục hiểu biết sự đúng và sự sai. Có nhiều thời gian để thiền, nhưng chỉ vì chúng ta chưa hiểu rõ cách thiền, chỉ là do vậy. Khi đang ngủ, chúng ta thở, khi ăn chúng ta thở, đúng vậy không? Vậy tại sao chúng ta lại không có thời gian để thiền? Bất cứ khi nào chúng ta cũng thở. Nếu nghĩ được như vậy thì đời sống của chúng ta cũng đáng quý như hơi thở, bất cứ khi nào chúng ta sống chúng ta đều có thời gian. 

Mọi ý nghĩ là những hành vi của tâm, không phải là hành vi của thân, do vậy chúng ta chỉ cần có sự có-mặt của tâm thì ta sẽ liên tục hiểu biết sự đúng và sự sai mọi lúc mọi nơi. Đứng, đi, ngồi và nằm, có rất nhiều thời gian. Chỉ là chúng ta không biết cách dùng nó một cách đúng đắn thôi. Hãy suy xét về điều này. 

Chúng ta không trốn chạy khỏi cảm giác, mà chúng ta hiểu biết về chúng. Cảm giác chỉ là cảm giác, sướng chỉ là sướng, khổ chỉ là khổ. Chúng chỉ đơn giản là vậy. Vậy tại sao chúng ta phải dính vào chúng? Nếu tâm là khôn khéo thì chỉ cần nó nghe được điều này là đủ để nó giúp ta tách ly tách ly tâm khỏi những cảm giác. 

Nếu chúng ta liên tục quán xét điều tra như vậy, tâm sẽ tìm thấy sự giải tỏa, chứ không phải tâm buông bỏ và trốn chạy một cách ngu mờ và vô minh. Tâm buông bỏ, nhưng nó hiểu biết. Không phải nó buông bỏ một cách ngu dốt, không phải buông bỏ mọi sự vì nó không muốn mọi sự xảy ra như vậy. (Tâm hiểu-biết thì buông bỏ nhờ sự bình tâm buông xả, chứ không phải vì ác cảm hay sân si). Nó buông bỏ bởi nó hiểu biết theo đúng sự thật. Đó là sự nhìn thấy bản chất tự nhiên, nhìn thấy thực tại xung quanh chúng ta. 

Nếu chúng ta hiểu-biết rõ điều này thì chúng ta trở thành người khôn khéo với những nhận thức của tâm (tâm tưởng). Khi chúng ta khôn khéo với những tâm tưởng khởi sinh, thì chúng ta khôn khéo đối với thế giới. Đó chính là ta trở thành “người hiểu biết thế giới”. Đức Phật là người hiểu biết rõ ràng về thế giới và tất cả những khó khổ của nó. Phật biết rõ sự phiền não, và rằng cái không phiền não cũng đang có mặt ngay đây. Thế giới này thực là hỗn loạn, làm cách nào mà Phật hiểu biết về nó một cách rõ ràng? (Mới nghe có vẻ như huyền hoặc, khó tin). Ở đây chúng ta cần hiểu rằng Giáo Pháp được dạy bởi Đức Phật là không phải vượt quá năng lực của chúng ta. (Do vậy chúng ta hãy thử tu tập và thiền tập một cách đúng đắn theo lời của Phật). Trong mọi tư thế sống hàng ngày, chúng ta nên có sự có-mặt của tâm và sự tự tỉnh-giác (sự rõ biết)—và khi đến lúc ngồi xuống thiền tập, chúng ta cũng làm như vậy. 

Chúng ta ngồi thiền để thiết lập sự bình an và tu dưỡng năng lực của tâm. Chúng ta không thiền tập để giải trí, giải sầu hay để làm điều gì đặc biệt. Thiền tuệ minh sát cũng chính là ngồi trong sự định tâm (samādhi). Nhiều nơi dạy rằng: ”Giờ chúng ta ngồi định tâm (thiền định), sau đó chúng ta thiền minh sát tuệ.” Đừng phân chia thành hai loại thiền như vậy! Sự tĩnh lặng (định) là cơ sở để làm khởi sinh trí tuệ; trí tuệ là kết quả của sự định tâm. Tuệ là quả của định. Nếu nói giờ chúng ta thiền định trước, sau đó thiền tuệ là không đúng—bạn không thể làm được như vậy! Chúng ta chỉ có thể phân chia chúng bằng lời nói (để dễ chỉ dạy về ‘kỹ thuật’ thiền tập). Thực ra chúng như một con dao, một phần là lưỡi dao, phần kia là sóng dao. Không thể tách rời lưỡi dao khỏi sóng dao. Nếu bạn nhấc phần này lên thì bạn cũng nhấc luôn phần kia của nó. Định giúp khởi sinh trí tuệ theo kiểu như vậy, có cái này là có cái kia, không phải là hai cái khác nhau, hay cái này khác cái kia. 

Giới hạnh là cha mẹ của Giáo Pháp. Đầu tiên người tu cần phải có giới hạnh. Giới hạnh là sự bình an. Nghĩa là lời nói và hành động không sai trái, không bất thiện. Khi chúng ta không làm những hành động bất thiện, tâm chúng ta không bị kích động, do vậy tâm sẽ có sự bình an và sự hội tụ tập trung của tâm. 

Do vậy chúng ta nói Giới, Định, Tuệ là con đường mà các bậc Thánh Nhân đã bước đi đến sự giác ngộ. Tất cả chúng chỉ là một. Giới hạnh là định, định là giới hạnh. Định là trí tuệ, trí tuệ là định. Giống như một trái xoài. Khi nó mới là bông, chúng ta gọi là bông xoài. Khi bông trở thành trái, chúng ta gọi là trái xoài. Khi nó chín, ta gọi là trái xoài chín.

Nó chỉ là một trái xoài, nhưng nó luôn thay đổi. Trái xoài lớn là từ trái xoài nhỏ, trái xoài nhỏ trở thành trái xoài lớn. Chúng ta có thể gọi là những trái xoài khác nhau, trái xoài non, trái xoài già, hoặc chỉ là một trái xoài. Giới, định, tuệ liên quan tương tức với nhau như vậy. Cuối cùng tất cả chỉ con đường đạo dẫn đến sự giác ngộ. 

Trái xoài, từ lúc nó xuất hiện là một bông xoài rồi lớn lên cho đến lúc thành trái xoài chín. Chỉ cần nhìn thấy điều này là đủ. Dù ai gọi đó là gì cũng không quan trọng. Quan trọng là ta biết khi cái gì sinh ra, nó lớn lên, già đi…và rồi sẽ thành gì? Hãy chánh niệm về điều này. 

Một số người không muốn già đi. Khi họ bị già, họ cảm thấy buồn rầu. Những người đó không nên ăn xoài chín! Tại sao chúng ta muốn trái xoài chín? Thậm chí xoài chưa kịp chín, chúng ta cũng ép chín theo cách nhân tạo. Chúng ta muốn xoài mau già và mau chín (để ăn). Nhưng chúng ta lại bất mãn khi mình bị già đi. Một số người sầu não và khóc than, họ sợ già đi và chết. Sao chúng ta không sợ xoài bị già đi và chín, và chỉ ăn bông xoài luôn vậy. Nếu chúng ta nhìn thấy được sinh, già, chết là một lẽ thật không thể chối cãi, thì chúng ta thấy được Giáo Pháp. Nếu hiểu ra được như vậy, mọi sự đều trở nên rõ ràng, chúng ta được bình an. (Không còn buồn rầu, than oán hay khổ đau vì sự sinh, già, chết nữa). Cứ quyết tâm tu tập với tinh thần hiểu biết như vậy. 

Hôm nay ngài bộ trưởng Hội Đồng Cơ Mật Hoàng Gia cùng đoàn của ông đến đây nghe Giáo Pháp. Quý vị nên tiếp nhận lấy điều tôi vừa nói và suy xét chánh niệm về nó. Nếu có gì quý vị thấy không đúng, xin thứ lỗi cho tôi. Nhưng để thấy được điều gì là đúng và sai là hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự tu tập và thấy biết của mỗi người. Điều gì là sai thì dẹp bỏ đi. Điều gì là đúng đắn thì tiếp nhận nó và dùng nó. Nhưng, thực ra chúng ta tu tập để buông bỏ mọi thứ đúng và sai, không còn dính chấp về bất cứ điều gì đối đãi. Cuối cùng, chúng ta buông bỏ tất cả. Cái gì gọi là đúng, buông bỏ; cái gì gọi là sai, buông bỏ!. 

Thói thường chúng ta hay coi điều gì là đúng thì chấp là đúng, điều gì sai cứ chấp là sai, và do vậy suốt đời cứ lo tranh chấp đúng sai, này nọ đủ thứ. Nhưng Giáo Pháp là nơi chẳng có gì, chẳng có gì là đúng hay sai cả—chẳng có gì cả. (Vì đúng sai chỉ là do quan niệm và nhận thức của con người mà thôi. Lẽ thực tự nhiên của Giáo Pháp thì không phụ thuộc vào tâm ý hay nhận thức của con người.)

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app