Duy Trì Chuẩn Mực

 

Hôm nay chúng ta tề tựu ở đây như mọi năm sau khóa thi sát hạch Giáo Pháp hàng năm. Lần này, tất cả chúng ta nên quán xét về tầm quan trọng của việc thực hiện những trách phận trong chùa, làm những bổn phận đối với những thầy thọ giới cho mình và những thầy dạy tu cho mình. Những việc làm đó giúp nối kết chúng ta lại với nhau thành một tập thể tu hành, giúp chúng ta sống hòa hợp và hòa đồng với nhau. Những việc làm đó cũng dẫn chúng ta đến tôn trọng lẫn nhau, điều đó dẫn đến lợi lạc cho cả tăng đoàn ở đây. 

Trong tất cả tăng đoàn, từ thời Phật đến giờ, dù họ có gọi bằng hình thức nào, nhưng nếu những cư dân trong đó không tôn trọng nhau, thì tăng đoàn đó không thể thành công. Dù là cộng đồng những người thế tục hay cộng đồng những người xuất gia, nếu thiếu tôn trọng nhau thì cộng đồng đó cũng không bền chắc. Nếu không tôn trọng nhau, thay vào đó bằng sự mặc kệ, thì cuối cùng việc tu tập cũng suy thoái. 

Cộng đồng chùa này là những người tu hành Giáo Pháp đã sống ở đây chừng 25 năm rồi, nó từ từ đông hơn, nhưng nó có thể bị suy thoái. Chúng ta phải hiểu rõ chỗ này. Nhưng nếu chúng ta đều biết làm cho tâm có ý thức, biết kính trọng nhau, và biết liên tục duy trì những chuẩn mực thực hành, thì tôi thấy sự hòa hợp sẽ vững chắc. Sự tu tập theo một cộng đồng (tăng đoàn) sẽ là nguồn lực lớn mạnh của Phật giáo về lâu về dài. 

Giờ nói về học và hành, hai việc đó là một cặp. Phật giáo ra đời và phát triển đến ngày hôm nay là nhờ có học và hành đi song song với nhau. Nếu chúng ta chỉ biết học suông kinh kệ thì sự phóng túng lãng tâm luôn có mặt… Ví dụ, năm đầu tiên ở chùa này có bảy vị Tỳ kheo trong kỳ an cư Mùa Mưa. Lúc đó tôi tự nghĩ rằng: ”Hễ khi các tăng sĩ bắt đầu học thi Sát Hạch Giáo Pháp thì sự thực hành dường như bị suy thoái”. Sau khi xem xét kỹ càng chuyện này, tôi cố tìm ra nguyên nhân, từ đó tôi bắt đầu dạy các tăng đang ở chùa trong kỳ an cư Mùa Mưa đó—chỉ có bảy người. Tôi dạy cho họ liên tục khoảng 40 ngày, từ sau khi ăn trưa cho đến 6 giờ chiều. Các tăng đó đi thi sát hạch và kết quả rất tốt, cả bảy người đều đậu. 

Điều đó thì tốt thật, nhưng chuyện thi cử cũng làm rối tâm rối trí đối với những ai thiếu phòng hộ. Để học kinh điển, họ phải học thuộc, đọc, tụng rất nhiều. Những ai ít có giới hạnh và ít phòng hộ thường có xu hướng lãng quên việc thiền tập và chỉ dành tất cả thời gian vào việc học, đọc, tụng và học thuộc các kinh kệ. Điều này làm cho họ bỏ quên chỗ trú xứ thường ngày trước đó. (Tức là tâm họ trước đó thiền tập hàng ngày với những đối tượng thiền). Nhưng vào độ học thi thì thường ai cũng xao lãng việc tu tập. 

Vậy đó, từ lúc họ học thi rồi sau khi thi xong, tôi thấy thái độ của họ thay đổi. Họ không còn đi thiền, chỉ ngồi thiền một ít, và bắt đầu giao tiếp giao duyên nhiều hơn với mọi người. Tính giữ giới, tính tập trung giảm sút.

Thực ra, trong sự tu tập ở đây, khi các thầy tập đi thiền các thầy phải thực sự quyết tâm đi thiền; khi ngồi thiền thì phải tập trung vào việc ngồi thiền. Dù các thầy có đang ngồi, đang đứng, đang đi, hay đang nằm, các thầy phải luôn luôn có sự tĩnh lặng, tập trung, tự chủ. Sau khi học nhiều, tâm trí người ta chỉ toàn đầy chữ nghĩa, họ cứ canh cánh trong đầu về các ngữ nghĩa, kinh hay kệ đẹp, và quên mất chính mình. 

(Giống như người mới coi xong một bộ phim dài tập ly kỳ, tâm trí cứ nghĩ về bộ phim, về các nhân vật, về như vầy là anh hùng, như kia là đạo lý, vậy là oan ức, vậy là khổ, kết cục nên là vầy, là vậy. Họ quên mất cuộc đời thực hiện không phải là vậy).

Đó là họ đang lạc mất mình theo những thứ bên ngoài mình. Đó là những người không có trí tuệ, họ không biết phòng hộ giữ giới, họ không có sự chánh niệm đều đặn. Đối với những người như vậy, kỳ học thi có thể làm cho sự thiền tập của họ xuống dốc. Khi họ đang nghiên cứu học thi, họ không còn ngồi thiền hay đi thiền gì nữa, và càng lúc càng trở nên ít kỷ luật và ít duy trì các chuẩn mực thực hành. Tâm họ càng ngày càng bị xao lãng. Họ nói đủ thứ lan man, thiếu kiêng cữ kiềm chế và giao thiệp giao duyên suốt ngày. Đây là chỗ xuống dốc của việc thực hành. Sự xuống dốc không phải là do bản thân việc dùi mài kinh sách, mà là do họ không biết cố gắng giữ tâm tĩnh lặng và tập trung, do họ quên mất chính mình.

Thực ra, kinh điển là những hướng dẫn chỉ đường cho con đường tu tập. Nếu chúng ta hiểu biết về tu tập, thì việc đọc kinh sách hay nghiên cứu kinh sách đều là hai mảng khác của thiền. Nhưng nếu đọc nhiều kinh sách, nghiên cứu nhiều kinh kệ rồi sinh ra việc nói nhiều và làm những việc vô ích thì chẳng tốt hơn gì. Nhiều người bỏ bê việc thiền tập và thậm chí thoái tâm hoàn tục. Nhiều người nghiên cứu giáo lý và rồi bỏ tu. Không phải việc học hỏi nghiên cứu kinh sách là không tốt [điều đó là rất cần thiết và rất tốt], cũng không phải bản thân việc tu tập của họ là không tốt. Nhưng chính sự lơ-là, sự không còn quan sát chính mình, sự không còn thực hành để tu tập cái tâm mới là sự không tốt. 

Sau khi nhìn thấy lý do này, trong kỳ an cư Mùa Mưa năm sau đó tôi không dạy kinh điển cho các tăng nữa. Nhiều năm sau đó nữa, nhiều người trẻ tuổi đã đến đây và trở thành những Tỳ kheo. Một số họ chẳng biết gì về Giáo Pháp Giới Luật và không biết gì về kinh điển, nên tôi chỉnh đốn lại tình hình, yêu cầu những sư anh sư bác dạy giáo kinh cho họ. Các vị sư anh sư bác đã từng học nhiều về giáo lý kinh điển và họ cứ nối tiếp nhau truyền dạy từ lúc đó cho đến bây giờ. Giờ ở trong chùa này việc học giáo lý diễn ra theo cách như vậy. 

Tuy nhiên, mỗi năm sau kỳ thi sát hạch giáo pháp, tôi lại yêu cầu các tăng sĩ phải thiết lập lại việc tu tập hàng ngày của mình. Tất cả những kinh điển đã học là không trực tiếp liên quan đến việc tự thực hành của mỗi người, sau khi học hiểu hãy cất chúng lại trong tủ sách. Phải thiết lập lại chính mình, phải quay trở lại với những chuẩn mực và thời lượng thực tập hằng ngày của mình.  Thiết lập lại những thời khóa và nghi thức tu tập chung của chùa, ví dụ như phải có mặt đầy đủ trong giờ tụng kinh chung ở trong chùa mỗi ngày. Đây là chuẩn mực của chúng ta. Phải làm, ngay cả khi nó chỉ có giá trị chống lại sự lười biếng và vượt qua sự bực bội sân si của mình. Điều này khích lệ sự siêng năng tinh tấn của mỗi người. 

Đừng bỏ quên những tu tập căn bản của các thầy, đó là: ăn ít, nói ít, ngủ ít; kiềm chế và tĩnh lặng; tách ly khỏi thế tục; đều đặn đi thiền và ngồi thiền; họp mặt đều đặn với các tăng hữu trong chùa vào những thời giờ thích hợp trong ngày (như giờ ăn, giờ tụng kinh chung, giờ làm Phật sự chung…). Hãy cố gắng làm tốt những việc này, mọi người đều phải cố gắng làm tốt những việc đó. Đừng bỏ phí những cơ hội tuyệt vời này. Tu tập thực sự là ở ngay những chỗ đó. Các thầy có những cơ hội như vậy để thực tập ở đây nhờ có sự hướng dẫn của sự thầy, sư huynh. Họ đã bảo hộ cho các thầy, nên tất cả các thầy nên tận tâm tu tập hết mình. Các thầy đã thực tập đi thiền trước đây, giờ lại tiếp tục tập đi thiền. Các thầy đã ngồi thiền trước đây, giờ phải tiếp tục ngồi thiền. Trước kia, các thầy cùng nhau tụng kinh vào buổi sáng và buổi tối, giờ các thầy cũng phải cố tiếp tục duy trì như vậy. Đây là những trách phận rõ rệt của các thầy, hãy áp dụng mình vào những việc đó để tu tập. 

Những ai mặc áo cà-sa chỉ để ngồi ”giết thời gian” thì chẳng có sức mạnh nào, quý thầy biết đó. Những người hay chao động, nhớ nhà, bối rối…các thầy có nhìn thấy họ không? Những người đó không đưa tâm mình vào tu tập. Họ không có việc gì để làm. Chúng ta không thể nằm dài ra ở đây. Là những tu sĩ và sa-di tu theo Phật, các thầy sống tốt và ăn tốt, nhưng đừng chỉ lo sống lo ăn thỏa thích. Việc chạy theo khoái lạc giác quan hay dục lạc (kāma-sukhallikānuyogo) là mối nguy hại. Hãy nỗ lực tìm đến sự tu tập của mình. Nếu có sai lầm hay sai phạm gì, hãy tu tập chỉnh đốn lại ngay, đừng để lạc tâm theo những thứ bên ngoài. 

Những ai có đủ lòng nhiệt tâm thì không bao giờ bỏ quên việc đi thiền và ngồi thiền, không bao giờ quên lãng việc giữ giới hạnh và duy trì sự tự chủ tĩnh lặng của mình. Hãy nhìn các vị Tỳ kheo ở đây. Ai cũng vậy, sau khi ăn xong hay làm xong việc gì, sau khi về đến cốc (kuti), họ liền cỡi y ngoài treo lên và bắt đầu đi thiền—và khi chúng ta đi ngang qua kuti của họ, chúng ta thấy rõ lối đi thiền của họ đã trở thành đường mòn, và chúng ta thấy nó luôn mòn láng như vậy—vị Tỳ kheo đó không bao giờ chán tu tập. Loại người này có nỗ lực tinh tấn, có đầy nhiệt tâm tu hành. 

Nếu tất cả chúng ta đều tận tụy hết mình vào việc tu tập như vậy, thì không còn nhiều khó khăn phát sinh. Nếu các thầy không an trú vào việc tu tập, không an trú mình vào việc đi thiền và ngồi thiền, thì việc tu hành ở đây cũng chẳng khác nào đi dạo chơi hay chỉ như ghé tu thử. Không thích chỗ này, chạy đến tu chỗ khác; đến đó tu không thích thì quay lại chỗ này. Cứ nhá sàng, chạy tới chạy lui, chạy theo đằng này, nghe ngóng đằng kia. Những người như vậy không có chí tu hành, họ chưa đủ tốt để tu. Thực ra các thầy không cần phải chạy tới chạy lui chỗ này chỗ nọ, chỉ cần ở đây và triển khai việc tu tập, học hỏi từng thứ chi ly, căn bản. Muốn đi thì chờ sau này đi cũng được, đi thì không khó, chỉ khó là khó cái ngồi tu sao cho ra ngô ra khoai một chút, hãy thử coi. Hãy nỗ lực, tất cả các thầy. 

Sự tu tiến hay tu lùi đều nằm ngay chỗ này—đây là chỗ bản lề (cánh cửa treo lên và mở đóng được hay không là nhờ chỗ bản lề). Nếu các thầy muốn làm một cách đúng đắn, hãy tu học và tu tập đủ hai phần; sử dụng hai thứ với nhau. Giống như thân và tâm. Nếu tâm được thư thái và thân khỏe mạnh không bệnh hoạn, thì tâm sẽ dễ dàng tập trung, tĩnh lặng. Nếu tâm bị chao động, bối rối hay ngu mờ, thì dù thân có khỏe mạnh cũng là khó khăn, huống hồ chi lúc đó thân cũng gặp khó khổ. 

Môn thiền là môn học của sự tu dưỡng và sự từ bỏ. Tôi gọi chữ môn học ở đây có nghĩa là: mỗi lần tâm nếm trải một cảm nhận, chúng ta có bị dính theo cảm nhận đó không? Chúng ta có còn tạo ra những khó khổ chung quanh (do, vì) cảm nhận đó không? Chúng ta có còn khoái thích (chạy theo) theo nó hay bực bội (cố tránh) nó? Nói đơn giản hơn: Chúng ta có còn bị lạc theo những ý nghĩ của chúng ta hay không?. Có, chúng ta còn. Khi chúng ta không ưa thích thứ gì, chúng ta phản ứng với sự sân (bực, ghét, né, tránh, kháng cự, không vui…); khi chúng ta thích thứ gì, chúng ta phản ứng với sự tham (thích, sướng, khoái, vui, chạy theo, muốn giữ, muốn thêm…), tâm trở nên bị ô nhiễm và bất tịnh, (cả hai trường hợp sân chấp và tham chấp đều là ô nhiễm). Khi nhìn thấy tâm mình còn sân chấp (ghét, kháng cự…) hay tham chấp (thích, chạy theo…) một cảm nhận nào đó, điều đó nghĩa là mình vẫn còn sai sót, mình vẫn chưa tu được hoàn thiện, và do đó mình còn phải tiếp tục tu tập. Còn phải từ bỏ nhiều hơn nữa và tu dưỡng nhiều hơn nữa. Đây là điều tôi gọi là môn học, là sự học tập. Nếu chúng ta bị dính vào thứ gì, chúng ta nhận ra rằng mình đang dính. Chúng ta biết rõ mình đang ở trong trạng thái nào, và chúng ta phải làm việc để tu sửa bản thân mình. 

Dù có sống chung với sư thầy sư huynh hay sống riêng thì cũng như nhau thôi. Nhiều người chỉ sợ. Họ sợ rằng nếu mình không đi thiền thì sư phụ sẽ la rầy quở trách. Điều này cũng tốt theo nghĩa đó, nhưng nếu tu tập thực sự thì bạn không nên sợ sệt ai hết, chỉ cần sợ những điều sai sót khởi sinh trong những hành động, ý nghĩ và lời nói của mình. Khi ta nhìn thấy những sai sót trong hành động, ý nghĩ và lời nói thì ta phải biết phòng hộ bản thân mình (để tránh lặp lại những sai sót đó mà dính nghiệp). Phật đã nói: Attano codayattānam– ”Chỉ có ta là nơi nương tựa cho ta”, đừng nương tựa vào ai khác. Chúng ta phải nhanh chóng tu tiến bản thân mình, hiểu biết bản thân mình. Điều này gọi là sự tu học hay sự học tập, đó là sự tu dưỡng và sự từ bỏ. Cứ suy xét kỹ chỗ này cho đến khi nhìn thấy rõ. 

Để sống tu như vậy, chúng ta dựa vào sự chịu khó kiên trì khi đối mặt với tất cả những ô nhiễm. Tu tập như  vậy là tốt. Tu vậy là tốt, nhưng việc tu đó cũng chỉ là ”sự đang tu tập Giáo Pháp nhưng vẫn chưa nhìn thấy Giáo Pháp”. (Dù tu đúng đắn như vậy là tốt, nhưng vẫn còn đang tu, vẫn chưa chứng ngộ Giáo Pháp). Nếu chúng ta thực tập Giáo Pháp và đã nhìn thấy Giáo Pháp, thì những điều gì sai sót coi như chúng ta đã từ bỏ, những điều gì hữu ích coi như chúng ta đã tu dưỡng xong. Khi nhìn thấy được như vậy trong tâm mình, chúng ta trải nghiệm một cảm nhận an lạc. Dù ai có nói ngả nói nghiêng, ta biết rõ tâm mình, ta không còn bị động vọng. Chúng ta có thể bình an ở bất cứ nơi nào. 

Giờ các thầy trẻ và sa-di trẻ mới vào tu có thể thấy vị Sư Phụ hầu như không đi thiền hay ngồi thiền gì nhiều. Đừng bắt chước theo sư phụ. Cố noi gương sư phụ chứ đừng bắt chước theo điều độ tu tập của sư phụ. Noi gương tu tập là một chuyện, bắt chước là một chuyện. Thực ra sư phụ sư ông đã tu suốt nhiều năm rồi, giờ sư phụ sư ông có thể sống trong trú xứ hài hòa riêng của mình. Ngay cả khi sư phụ sư ông bề ngoài không tu tập, nhưng thực sự họ vẫn tu tập bên trong tâm. Những gì trong tâm họ thì không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Việc tu tập đạo Phật là tu tập cái tâm. Cho dù chuyện tu tập của sư phụ sư ông không thể hiện ra bên ngoài hành động hay lời nói, nhưng tâm của họ là chuyện khác. 

Vậy đó, một vị thầy đã tu tập lâu năm rồi, người đã rất thành thạo thuần thục về tu tập, có thể đã buông bỏ được hết những hành động và lời nói bất thiện, nhưng vị thầy vẫn luôn cẩn trọng phòng hộ  cái tâm của mình. Người ấy luôn tự chủ, tĩnh lặng. Cứ nhìn bề ngoài thong dong của sư thầy, các đệ tử thường hay bắt chước theo, cũng ra vẻ buông bỏ thong dong, nhưng đích thực không phải trò cũng giống như thầy đâu. Bạn không phải cùng lứa cùng lớp với sư thầy. Hãy nghĩ về điều đó. (Hãy lo tập luyện từng căn bản và bài bản như đã được chỉ dạy, điều đó là tốt nhất; đừng bắt chước hành vi bề ngoài của sư thầy). 

Khác nhau là chắc rồi, bởi bạn còn đủ loại hành vi mọi lúc mọi nơi. Còn các sư thầy sư ông hầu như cứ ngồi không đâu đó trong chùa, nhưng họ không lãng tâm, không thất niệm hay thiếu phòng hộ. Họ sống với mọi thứ diễn ra, nhưng họ không còn phiền não hay ngu mờ về những thứ đó. Chúng ta không thể nhìn thấy điều đó ở trong tâm họ, những gì trong tâm các sư thầy là không thể nhìn thấy được. Đừng đoán mò từ vẻ bề ngoài của các sư thầy, tâm mới là quan trọng. Đừng nghĩ các sư thầy bề ngoài oai nghiêm trang trọng là bậc chân tu ngộ đạo. Khi chúng ta nói, tâm chúng ta chạy theo lời nói. Khi ta làm điều gì, tâm chạy theo hành động đó. Nhưng những người đã tu tập thành công có thể nói hay làm những thứ gì đó, nhưng tâm họ không còn chạy theo những thứ đó, bởi tâm họ đã thể nhập vào Giáo Pháp và Giới Luật. 

Ví dụ, nhiều lúc các sư thầy sư ông có thể nghiêm khắc với các đệ tử của mình, lời nói họ có thể mạnh, quở rầy và thiếu tế nhị, hành động cử chỉ của họ thì thô thiển, thậm chí ra vẻ nóng nảy. Nhìn thấy như vậy, chúng ta chỉ nhìn thấy bề ngoài của sư thầy qua hành động và lời nói của ông, nhưng tâm ông thì đã thâm nhập vào Giáo Pháp và Giới Luật, điều đó thì chúng ta không nhìn thấy. Tôn chỉ theo lời của Phật: ”Chú tâm (chánh niệm) là con đường đi đến Bất Tử. Xao lãng là chết”. Hãy xem xét lời dạy này. Những gì người khác làm không quan trọng với ta; chỉ cần ta đừng xao lãng tâm mình- đây mới là điều quan trọng. 

Tất cả những điều tôi nói từ nãy đến giờ chỉ để cảnh báo với các thầy rằng: thời gian học thi cử xong, các thầy đã có nhiều cơ hội để đi đây đi đó và làm thứ này thứ nọ. Mong rằng các thầy thường nhớ rằng mình là người tu hành Giáo Pháp, mà người tu hành thì phải luôn tập trung, chú tâm, giữ giới và phòng hộ cẩn thận. 

Hãy xem xét thêm lời dạy này của Phật: ”Tỳ-kheo: người khất thực”. Nếu chỉ hiểu nghĩa Tỳ kheo là khất sĩ thì chúng ta chỉ tu tập theo kiểu chỉ đi xin ăn là đủ… cách nghĩ này rất thô thiển. Nếu chúng ta hiểu theo cách Phật đã định nghĩa, Tỳ kheo là người nhìn thấy sự hiểm nguy của vòng luân hồi sinh tử (samsāra), thì sự hiểu đó sâu nặng hơn, thúc giục ta nhiều hơn.

Người thấy được mối hiểm nguy của vòng luân hồi sinh tử là người nhìn thấy những khuyết điểm và mặt trái của thế gian này. Thế gian này đầy mối hiểm họa, nhưng người ta không nhìn thấy nó, họ chỉ nhìn thấy sự sướng và sự khổ bề ngoài của nó. Giờ Phật nói một Tỳ kheo (người xuất gia) là người nhìn thấy mối hiểm nguy của vòng luân hồi sinh tử. Vòng luân hồi là gì? Khổ của vòng luân hồi sinh tử có mặt khắp nơi, không thể nào chịu xiết. Sướng cũng nằm trong vòng luân hồi sinh tử. Phật đã dạy chúng ta đừng dính theo sự sướng sự khổ trên đời. Khi chúng ta chưa hiểu biết về sự hiểm nguy của vòng luân hồi sinh tử, khi có sướng ta chạy theo sướng và quên khổ. Chúng ta ngu mờ không biết thấu về sự khổ-đau không-cùng của vòng sinh tử, giống như đứa trẻ con chưa biết về lửa vậy. 

Nếu chúng ta hiểu sự tu tập Giáo Pháp theo cách như vậy…-đó là hiểu được ”Tỳ kheo là người nhìn thấy sự hiểm nguy của vòng luân hồi sinh tử”…, nếu hiểu biết được điều căn bản này, thì khi đang đi, đang ngồi, đang đứng hay đang nằm, chúng ta đều cảm thấy buông bỏ, không còn dục vọng. Chúng ta quán sát về bản thân mình, sự chú tâm chánh niệm đã có mặt. Ngay cả khi đang ngồi chơi, chúng ta cũng cảm thấy như vậy. Khi đang làm việc gì, chúng ta cũng nhìn thấy mối hiểm nguy đó, do vậy chúng ta sẽ ở trong tâm trạng rất khác. Tu tập với cách hiểu như vậy mới được gọi là ”người nhìn thấy sự hiểm nguy của vòng luân hồi sinh tử”.

Người nhìn thấy sự hiểm nguy của vòng luân hồi sinh tử đang sống trong vòng luân hồi sinh tử, nhưng… vẫn chưa thoát ra được. Nhưng người đó hiểu những khái niệm và người ấy hiểu về cách tu tập chuyển hóa để thoát ra khỏi nó. Những gì người ấy nói thì khác với người phàm thường. Những gì người ấy làm cũng khác với người phàm thường, những gì người ấy nghĩ cũng không giống người phàm thường. Hành vi của người ấy thì khôn trí hơn nhiều. 

Do vậy nên mới nói: ”Hãy noi gương tu tập, chứ đừng bắt chước sư thầy”. Có hai cách, đó là: nhìn theo gương tu tập của thầy mà nỗ lực tu hành hoặc nhìn sư thầy làm gì mình làm y theo vậy. Người ngu thì cứ nắm bắt đủ thứ, thấy thầy làm sao, làm y khuôn và chấp theo y vậy. Đừng làm vậy! Đừng đánh mất chính mình. (Noi gương thầy, nghe theo sự chỉ dạy của thầy để tập “nhìn vào mình”, chứ không phải để tập ‘nhìn vào thầy’!).

Đối với tôi, năm nay thân không còn khỏe cho lắm. Có một số điều như vậy tôi nhắn gửi lại cho các Tỳ kheo và sa-di để họ tự mình chăm lo bản thân mình. Có lẽ giờ tôi sẽ nghỉ ngơi. Không biết tự bao giờ, cái lẽ thường tình ở đâu trên đời cũng vậy: hễ cha mẹ còn sống là các con còn sống tốt và làm ăn ngon lành. Khi cha mẹ chết, con cái chia cách nhau. Đứa giàu thành nghèo, đứa đang sống tốt trở thành cà trật cà giuộc. Như rắn mất đầu. Thường là vậy, nhất là trong cuộc sống gia đình, nhưng chúng ta cũng cũng nhìn thấy lẽ đó ở nơi tu hành như ở đây. Ví dụ, khi sư thầy sư ông còn sống, mọi người đều sống tốt và tu tiến ngon lành. Ngay sau khi sư phụ qua đời, sự xuống dốc thường bắt đầu xảy ra ngay. Tại sao vậy? Bởi khi sư phụ còn sống mọi người đều ỷ y, tự mãn và quên mất bản thân mình; giống như con cái dù đã lớn tuổi vẫn luôn còn dựa vào cha mẹ theo thói tâm từ thuở nhỏ. Khi sư thầy còn sống các học trò không thực sự nỗ lực hết mình để tu học và tu tập. Cũng giống như trong các gia đình, con cái dù đã lớn khôn cũng cứ dựa vào cha mẹ, để cha mẹ lo hết khi cha mẹ còn sống. Con cái chỉ dựa vào cha mẹ và chẳng biết tự lo tự lập hoàn toàn. Đến khi cha mẹ chết, họ trở thành kẻ khổ, thậm chí nghèo đói. Chỗ tăng đoàn cũng vậy. Khi sư thầy sư phụ chết đi, các tăng sĩ thường lộn xộn, chia rẽ thành từng nhóm khác nhau và cùng kéo nhau tụt dốc; gần như thời nào cũng vậy. 

Tại sao vậy? Bởi thời thầy còn sống họ đã quên bản thân mình. Sống dựa theo công đức của sư thầy mọi thứ đều êm xuôi. Khi sư thầy sư phụ chết đi, các đệ tử thường chia rẽ theo đường hướng của mỗi người. Những quan điểm, ý kiến của họ chỏi nhau. Kẻ nghĩ sai, người nghĩ đúng. Người nghĩ sai sống một nơi, kẻ nghĩ đúng tu một nơi. Người thấy không thích đồng đạo thì chia tay đi tìm chỗ tu mới và bắt đầu liên kết với những nhóm tu sĩ riêng của họ. Chuyện là vậy đó. Hiện tại cũng như vậy. Điều này là bởi chúng ta đang sai sót. Khi thầy còn sống, chúng ta vẫn còn sai sót khiếm khuyết, vẫn đang sống một cách thiếu tự chủ, thiếu chú tâm chánh niệm. Chúng ta vẫn chưa thực thụ nhận những chuẩn mực tu tập mà sư thầy đã dạy, chưa thực thiết lập những chuẩn mực tu hành trong tâm và trái tim mình. 

Ngay cả thời Phật còn sống cũng xảy ra như vậy, nhớ kinh điển đã chép lại ra sao? Có một Tỳ kheo già, tên là gì quên mất…? À, đó là Tỳ kheo Subhadda! Khi ngài Đại-ka-diếp (Mahā Kassapa) từ Pāvā trở về nơi Phật ở, chưa về tới nơi, nhưng ngài hỏi một Tỳ kheo khi còn trên đường: ”Đức Phật có khỏe không?”. Tỳ kheo đó trả lời: ”Phật đã bát-Niết-bàn cách đây bảy ngày rồi”. 

Nhiều tu sĩ lúc đó vẫn chưa giác ngộ nên rất sầu não, khóc lóc, than buồn. Những người đã chứng ngộ Giáo Pháp thì tự nghĩ rằng: ”À, thì Phật đã qua đời. Phật đã đi hết chuyến đi”. Nhưng một số người còn dày đặc những ô nhiễm trong tâm, ví dụ như ông Subhadda lúc đó, thì nói: 

”Làm gì các huynh các đệ phải khóc? Phật đã qua đời. Điều đó là tốt! Giờ chúng ta có thể sống thoải mái. Khi Phật còn sống, ngài luôn kiềm chế chúng ta bằng đủ thứ nghi luật, chúng ta không thể làm gì hay nói gì. Giờ Phật đã qua đời, điều đó là tốt chứ sao! Giờ chúng ta có thể làm gì mình muốn làm, nói gì mình muốn nói… Vậy tại sao phải khóc?”. 

“Cái lẽ thường tình đó” cũng đã xảy ra từ thời cổ xưa đó chứ đâu phải mới đây…, và bây giờ vẫn vậy. 

Tuy nhiên mọi thứ có thể vẫn còn tốt mặc dù không dễ duy trì trọn vẹn những gì Phật, tổ và sư thầy đã truyền lại… Giả sử chúng ta có một cái ly và chúng ta cẩn thận gìn giữ nó. Sau mỗi lần dùng, chúng ta chùi rửa nó sạch sẽ và đem cất lên chỗ an toàn. Nếu biết phòng hộ cẩn thận cái ly, sau thời chúng ta dùng, chúng ta vẫn có thể để lại cho người sau dùng. Giờ thấy sao, dùng ly thiếu thận trọng và làm bể ly này ly khác mỗi ngày, hoặc hay dùng giữ cẩn thận một ly để xài được mười năm— cái nào tốt hơn? 

Sự tu tập của chúng ta cũng vậy. Ví dụ, trong tất cả chúng ta đang ngồi đây: tất cả đều tu tập thường thường, chỉ cần có mười người tu giỏi, thì chùa Wat Pah Pong này cũng khá phát triển. Cũng như trong một ngôi làng có trăm nhà, thì cần có năm mươi người tốt thì làng cũng khá phát triển. Thực ra trong làng tìm ra mươi người tốt cũng khó rồi. Hoặc lấy ví dụ trong một cái chùa như ở đây: khó mà tìm ra năm hay mươi thầy thực sự tận tâm tu hành, khó tìm ra những người thực sự tu tập. 

Dù gì đi nữa, chúng ta cũng không có trách nhiệm gì ở đây, ngoài trách phận tu tập cho tốt. Nghĩ lại mà coi, chúng ta có gì ở đây đâu? Chúng ta không có tài sản, của cải và gia đình gì nữa. Ngay cả thức ăn chúng ta cũng chỉ ăn một lần mỗi ngày. Chúng ta đã từ bỏ rất nhiều thứ rồi, thậm chí phải từ bỏ những thứ lớn lao hơn những thứ vừa nói. Là những Tỳ kheo và sa-di, chúng ta đã từ bỏ mọi thứ trên đời rồi. Chúng ta chẳng còn có gì. Những thứ người đời sướng khoái hưởng thụ chúng ta cũng từ bỏ rồi. Đã xuất gia trở thành tu sĩ Phật giáo là để tu tập. Vậy lý gì chúng ta còn muốn những thứ khác, còn muốn dính vào mấy chỗ tham, sân, si để làm gì? Còn để cho tâm mình chứa những thứ đó thì không phải, cứ làm vậy thì đi tu làm chi cho uổng đời như vậy?. 

Hãy suy xét lại: tại sao chúng ta xuất gia đi tu? Tại sao chúng ta đang tu ở đây? Chúng ta xuất gia đi tu là để tu. Nếu không tu thì cứ nằm chơi cho khỏe. Nếu không tu thì chúng ta còn tệ bạc hơn cả những người bình thường tại gia, không tu tới ở đây làm gì, đâu có chuyện gì khác để làm ăn ở đây đâu. Nếu ở đây mà không chấp nhận trách phận tu hành, ở đây không chịu tu thì đúng là uổng một đời tu, uổng phí một đời sa-môn.Điều đó là trái ngược với mục đích của một sa-môn. 

Nếu như vậy là chúng ta quá thiếu ý thức, thiếu chú tâm. Thiếu chú tâm thì giống như đang chết. Hãy tự hỏi mình, mình có thời gian để tu sau khi chết hay không? Cứ liên tục hỏi mình: ”Khi nào ta chết?”. Nếu chúng ta luôn quán xét theo cách như vậy, tâm chúng ta sẽ luôn tỉnh thức trong từng giây phút, sự chú tâm chánh niệm sẽ luôn luôn có mặt.

Khi không còn sự lãng tâm, thì sự chú tâm chánh niệm (sati) sẽ tự động có mặt. Trí tuệ hiểu biết sẽ rõ ràng, nhìn thấy mọi sự rõ ràng đúng như chúng là. Sự chánh niệm (thường nhớ) canh giữ cái tâm, nó biết rõ từng sự khởi sinh của những cảm nhận mọi lúc mọi nơi, cả ngày lẫn đêm. Đó là có chánh niệm. Có chánh niệm là có tập trung, tự chủ và tĩnh lặng. Có tập trung và tĩnh lặng là có để tâm, có chú tâm và chánh niệm. Ai có chú tâm thì người đó đang thực hành đúng. Đây là trách phận của các thầy. 

Do vậy bữa nay tôi muốn nói cho tất cả các thầy. Để sau này các thầy đi đến tu ở các chi nhánh của chùa này, hoặc đến tu ở chỗ khác, thì các thầy đừng lãng quên chính mình. Sự thật là các thầy vẫn chưa hoàn thiện, vẫn chưa hoàn thành. Còn nhiều thứ phải làm, nhiều trách phận phải gánh vác. Đó là tập luyện cái tâm và tập luyện sự từ bỏ. Hãy quan tâm về hai việc này, tất cả các thầy. Dù các thầy có sống tu ở đây hay về tu ở các chi viện, phải luôn luôn duy trì những chuẩn mực tu tập. Ngày nay có nhiều người tu, có nhiều chùa chiền. Tất cả những chi viện chi nhánh của chùa Wat Pah Pong này đều bắt rễ từ đây. Chúng ta có thể nói chùa Wat Pah Pong này là ‘cha mẹ’, là thầy tổ của các chi viện chi nhánh gần xa. Vì lẽ đó, đặc biệt là các thầy, các tăng và sa-di ở chùa Wat Pah Pong ở đây phải nỗ lực làm gương, phải nên là người hướng dẫn cho tất cả những chùa chi nhánh, liên tục nỗ lực tinh tấn trong tu hành và trong các trách phận của một sa-môn

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app