82

Ngồi Thiền Buổi Tối

Tôi muốn hỏi mọi người vấn đề tu tập. Mọi người đã thiền tập ở đây lâu nay, nhưng mọi người đã biết chắc về sự tu tập chưa? Hãy tự hỏi mình: ta đã tự tin về việc tu tập của mình hay chưa?. Thời bây giờ có đủ loại thiền sư ở khắp nơi, thiền sư là người xuất gia, có thiền sư là người thường. Tôi sợ chính điều đó làm mọi người ở đây có nhiều nghi ngờ và không tin chắc về cách tu mà quý vị đang tu ở đây. Đó là lý do tại sao tôi hỏi vậy. Dù có nói về Phật giáo đến đâu, không có giáo lý nào hay hơn và cao sâu hơn bằng giáo lý của chính Đức Phật mà quý vị đang áp dụng thực hành ở đây. Nếu quý vị có một sự hiểu biết rõ ràng về chúng, sự hiểu biết đó sẽ giúp khởi sinh sự bình an tuyệt đối vững chắc và không lay chuyển trong tâm và trái tim của mình. 

Thiền được cho là làm cho tâm bình an, hoặc được cho là tu tập cho tâm đạt định (samādhi). Tâm là thứ cực kỳ biến đổi và không đáng tin cậy. Từ khi tu tập và quán sát đến giờ, quý vị có nhìn thấy điều đó không? Có ngày ngồi thiền, tâm luôn được tĩnh lặng, còn ngày khác ngồi thiền không được tĩnh lặng chút nào – tâm cứ cố lăng xăng chỗ khác, nó cứ lồng lộn cho đến khi chạy được. Có ngày êm ả thiền được, có ngày lăng xăng búa xua. Đó là cách tâm thể hiện cho bạn thấy những tình trạng khác nhau của nó. Chúng ta cần hiểu rằng tám phần của con đường Bát Thánh Đạo (ariya magga) hòa thành ba mảng Giới, Định, Tuệ [sīla, samādhi, paññā]. Ba mảng tu tập gồm tám phần của con đường, hay tám phần tu tập của con đường nằm trong ba mảng tu tập đó. Nếu ta lấy một phần tu nào của Bát Thánh Đạo thì chắc chắc nó phải thuộc mảng Giới, hoặc Định, hoặc Tuệ. Nếu chúng ta đưa tất cả tám phần đó vào tu tập cùng với nhau thì chắc chắn có giới, có định, và có tuệ cùng có mặt trong tâm. Điều này có nghĩa trong việc thiền tập tại đây và bây giờ, chúng ta đang tạo nguyên nhân cho con đường Đạo khởi sinh một cách rất trực tiếp. 

Quý vị được dạy khi ngồi thiền phải nhắm mắt để mình không phí thời giờ nhìn những thứ xung quanh. Lý do là do Phật dạy chúng ta nên nhìn vào bên trong để hiểu biết tâm mình. Nhìn vào tâm mình, quán sát tâm mình. Khi ta nhắm mắt, sự chú tâm của ta sẽ tự nhiên hướng vào bên trong tâm – nơi khởi nguồn của những sự hiểu biết khác nhau. Đây là một cách tập luyện tâm để làm khởi sinh trạng thái định (samādhi). 

Khi ngồi nhắm mắt, hãy thiết lập sự tỉnh-giác cùng với hơi thở – chỉ chú trọng sự tỉnh-giác vào hơi thở, không để ý thứ gì khác. Điều này có nghĩa ta đưa tỉnh-giác vào để theo dõi hơi thở, và bằng cách duy trì sự tỉnh-giác, ta sẽ biết được chỗ nào là điểm tập trung [tiêu điểm] của sự chánh niệm (sati), đó là tiêu điểm của sự-biết và tiêu điểm của sự tỉnh- giác của tâm. Khi các phần [yếu tố] của con đường [Bát Thánh Đạo] cùng làm việc với nhau, ta sẽ có khả năng quan sát và nhìn thấy hơi thở, nhìn thấy những cảm giác, nhìn thấy tâm và những đối-tượng-tâm (ārammana) trong thời khắc hiện tại đúng như chúng thực. Đến cuối cùng, ta cũng biết rằng điểm đó chính là tiêu điểm của định (samādhi) và cũng là điểm hợp-nhất của các yếu tố của con đường đạo. 

Khi tu tập định tâm (samādhi), ta cố định sự chú tâm vào hơi thở và hình dung ta đang ngồi một mình, tuyệt đối không có ai khác hay thứ gì khác quấy rầy ta. Tập cho được cái nhận thức này trong tâm, duy trì cái nhận thức này cho đến khi tâm hoàn toàn buông bỏ thế giới bên ngoài, tất cả những gì còn lại chỉ là sự-biết về hơi thở đi vào và đi ra. Tâm phải dẹp bỏ thế giới bên ngoài qua một bên. Đừng để mình bắt đầu để ý đến ai trong phòng thiền, đừng bắt đầu nghĩ về người ngồi gần bên hay người ngồi cuối phòng thiền. Đừng để khoảng trống cho bất kỳ ý nghĩ nào khởi sinh tạo nên sự bối rối hay khó chịu trong tâm – tốt nhất là dẹp bỏ tất cả chúng và không dính gì đến chúng nữa. Coi như không có ai ở đó, chỉ mỗi mình ta đang ngồi đó. Phát huy cái nhận thức đó cho đến khi tất cả ký ức, nhận thức, và ý nghĩ liên quan đến những người khác và thứ khác đều lắng lặn xuống, và ta không còn nghi hoài hoặc lăng xăng nghĩ gì về người khác hay thứ gì khác xung quanh ta. Làm được như vậy thì sau đó ta có thể cố định sự chú tâm của mình vào duy nhất hơi thở – hơi thở-vào và hơi thở-ra. Thở bình thường. Để yên cho hơi thở-vào và hơi thở-ra tiếp tục thở một cách tự nhiên, không thúc ép nó thở ngắn hơn hay dài hơn, mạnh hơn hay yếu hơn nhịp thở tự nhiên bình thường của nó. Để yên cho hơi thở tiếp tục trong trạng thái bình thường và cân bằng, và ta cứ ngồi quan sát nó đi vào và đi ra khỏi thân. 

Một khi tâm đã buông bỏ tất cả những đối-tượng-tâm bên ngoài, có nghĩa là ta không còn cảm giác bị quấy rầy bởi tiếng xe cộ hay những âm thanh khác. Ta không cảm giác bị khó chịu bởi bất cứ thứ gì bên ngoài. Dù đó là gì, mọi thứ hình sắc, âm thanh, hay bất cứ là gì, đều không còn thứ quấy rầy ta nữa, bởi vì sao? bởi tâm không còn chú ý đến chúng nữa – nó chỉ còn tập trung vào duy nhất hơi thở. 

Nếu tâm bị kích động bởi những thứ khác và ta không thể tập trung, hãy hít một hơi sâu cho đến khi buồng phổi căng đầy và thở hết ra cho đến khi không còn hơi thở bên trong. Làm như vậy vài lần, sau đó thiết lập lại sự tỉnh giác và tiếp tục tập luyện sự định tâm. Sau khi đã thiết lập lại sự chánh niệm, tâm sẽ được bình lặng; nhưng rồi nó lại tiếp tục động vọng lăng xăng: đó là chuyện bình thường. Khi điều này xảy ra (chắc chắn xảy ra hoài đối với người mới tu!), hãy giữ chắc tâm, hít thật sâu đầy phổi và thở ra thật sạch hết khí bên trong. Hít vào căng đầy phổi trong một chốc, rồi thiết lập lại sự chú tâm chánh niệm vào đối tượng hơi thở. Cố định sự chánh-niệm (sati) vào hơi thở-vào và hơi thở-ra, và tiếp tục duy trì sự tỉnh-giác theo cách như vậy. 

Việc tu là theo hướng như vậy, nên cần phải ngồi thiền tập rất rất nhiều lần và với rất rất nhiều nỗ lực trước khi một thiền sinh được thành thục. Khi ta đã thành thục, tâm sẽ buông bỏ thế giới bên ngoài và vẫn giữ bình lặng, không bị quấy nhiễu. Những đối-tượng-tâm từ bên ngoài không còn có thể thâm nhập vào trong và quấy nhiễu cái tâm. Lúc đó, ta sẽ nhìn thấy tâm là một đối tượng để tỉnh giác (đối tượng thiền), còn hơi thở là đối tượng khác và những đối-tượng- tâm là đối tượng khác. Chúng đều có mặt bên trong cái phạm vi (trường) tỉnh-giác, lúc này ta tập trung vào ngay chóp mũi. Một khi sự chánh niệm đã được thiết lập cùng với hơi thở- vào và hơi thở-ra, ta có thể tiếp tục thực tập một cách dễ dàng. Khi tâm được tĩnh lặng, lúc đầu còn thô tế, sẽ dần dần nhẹ hơn và tinh lọc hơn. Đối tượng của tâm cũng dần dần vi tế hơn và tinh lọc hơn. Thân cảm giác nhẹ nhàng hơn và tâm tự cảm thấy từ từ nhẹ hơn và nhẹ bổng hơn. Tâm buông bỏ tất cả mọi đối-tượng-tâm bên ngoài và ta tiếp tục quán sát bên trong. 

Từ lúc này trở đi, sự tỉnh giác của chúng ta không còn hướng ra bên ngoài, nó đã quay lưng hướng vào bên trong và tập trung vào cái tâm. Khi tâm đã hội tụ lại và trở thành tập trung vào một-điểm, ta hãy duy trì sự tỉnh giác vào cái điểm hội tụ đó của tâm. Khi ta thở, ta sẽ nhìn thấy hơi thở một cách rõ ràng khi nó đi vào và đi ra, sự chánh niệm (sati) trở nên sắc bén và sự tỉnh giác về những đối-tượng-tâm và hoạt động của tâm sẽ được rõ ràng hơn. Vào lúc này, ta sẽ nhìn thấy các đặc tính Giới, Định, Tuệ [sīla, samādhi, paññā] và cách chúng hòa nhập vào nhau. Điều này được gọi là sự hợp-nhất của các yếu tố của con đường Đạo (Bát Thánh Đạo). Một khi sự sự hợp nhất xảy ra, tâm của ta sẽ tự do khỏi tất cả các dạng kích thích và quấy nhiễu. Tâm sẽ trở thành nhất- điểm và trạng thái này được gọi là định (samādhi). Khi chúng ta chú tụ sự chú tâm vào một nơi, lúc này là hơi-thở, chúng ta sẽ đạt đến một sự rõ-ràng (minh mẫn, sáng tỏ) và sự tỉnh- giác nhờ sự có mặt liên tục (không gián đoạn) của chánh niệm (sati). Khi chúng ta nhìn thấy hơi thở rõ ràng hơn, thì sự chánh niệm sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và tâm sẽ trở nên nhạy bén hơn trong nhiều cách khác nhau. Ta sẽ thấy tâm ở ngay giữa nơi đó [ở ngay giữa hơi-thở], tâm là nhất-điểm với sự tỉnh giác đang chú tụ vào bên trong, chứ không còn hướng ra thế giới bên ngoài. Thế giới bên ngoài đã từ từ biến mất khỏi sự tỉnh giác của ta, và tâm sẽ không còn đi làm gì này nọ với những thứ gì bên ngoài. Điều này giống như ta đã đi vào bên trong ‘căn nhà’, nơi tất cả các giác quan đã hợp nhất lại với nhau thành một tụ [hợp lại thành một]. Ta được thư thái và tâm được tự do khỏi mọi đối tượng bên ngoài. Sự tỉnh giác được duy trì vào hơi thở, và dần dần nó sẽ thâm nhập sâu và sâu hơn vào bên trong, càng lúc sự tỉnh giác càng trở nên tinh lọc hơn, tinh tế hơn. Cuối cùng, sự tỉnh giác vào hơi thở trở nên thật là tinh tế nên cảm nhận của ta về hơi thở dường như biến mất. (Người tu cảm giác như mình không còn thở nữa, nhưng thực không phải vậy). Chúng ta có thể nói: rằng sự tỉnh giác vào cảm nhận hơi thở đã biến mất hoặc rằng chính hơi thở đã biến mất. Sau đó sẽ khởi sinh một loại tỉnh giác mới – đó là “sự tỉnh giác rằng hơi thở đã biến mất”. (Trước đây sự tỉnh giác là sự tỉnh giác về hơi thở vào và ra; giờ là sự tỉnh giác về sự biến mất của hơi thở). Nói cách khác, đó là “sự tỉnh giác về hơi thở đã trở nên quá tinh tế” nên rất khó cảm nhận hay định nghĩa được. 

Vì vậy, có lẽ lúc đó chúng ta chỉ ngồi thiền và không có hơi thở. Nhưng đúng thực thì hơi thở vẫn còn đó, nhưng nó đã trở nên quá tinh tế nên nó dường như đã biến mất. Tại sao vậy? Bởi vì lúc này tâm đã được thanh lọc đến mức tinh tế nhất, đang có một sự-biết đặc biệt. Tất cả những gì còn lại là loại sự-biết này. Chỉ còn lại sự-biết này. Ngay cả đến khi hơi thở đã biến mất, tâm vẫn còn tập trung (định) với một sự biết: rằng hơi thở không còn ở đó. Vậy lúc này nếu chúng ta tiếp tục thiền thì ta lấy đối tượng nào mà thiền? Ta sẽ lấy ngay cái sự-biết đó làm đối tượng thiền. Nói đúng hơn là lấy cái “sự-biết rằng không còn hơi thở” làm đối tượng thiền, và tiếp tục duy trì thiền tập như vậy. Chúng ta có thể nói rằng, có một loại sự-biết [thấy-biết] đã được thiết lập trong tâm. 

Đến lúc này, trong một số người khởi sinh nghi ngờ, bởi vì ngay-lúc-này nimitta có thể khởi sinh. (Nimitta là tâm ảnh, là hình ảnh hiện lên trong tâm người thiền ở giai đoạn này). Những tâm ảnh nimitta đó có thể rất nhiều loại nhiều dạng, có thể là dạng hình sắc, có thể là âm thanh. Ngay giai đoạn tu này, đủ loại điều bất ngờ đều có thể khởi sinh trong tiến trình tu tập. [Có người có, có người không có]. Nếu nimitta thực sự khởi sinh chúng ta phải hiểu biết nó đúng theo sự thật. Nhưng đừng nghi ngờ và đừng để bị bất ngờ hay hốt hoảng. 

Ở đoạn tu này, chúng ta phải giữ tâm vững chắc không lay chuyển trong trạng thái định của nó và phải chánh niệm một cách đặc biệt. Có một số người hoảng hốt khi nhận thấy hơi thở biến mất, bởi trước giờ họ lúc nào cũng có hơi thở. Khi hơi thở dường như biến mất, người tu có thể hoảng sợ hoặc sợ mình sẽ chết. Lúc này ta phải thiết lập sự hiểu biết rằng: đó chỉ là điều tự nhiên xảy ra trong tiến trình tu tập. Vậy đến lúc này ta lấy cái gì làm đối tượng thiền? Ta quan sát cái cảm-giác rằng hơi thở đã không còn, và ta giữ cái cảm-giác đó làm đối tượng tỉnh giác, và tiếp tục thiền. Phật đã gọi đây là một dạng định (samādhi) bất lay động và vững chắc nhất. Giờ chỉ có một đối tượng vững chắc và bất lay chuyển của tâm. Khi sự tu tập định đạt đến điểm này sẽ có nhiều sự biến đổi, sự thanh lọc, và sự chuyển hóa lạ thường xảy ra bên trong tâm mà người tu có thể tỉnh giác (biết) về chúng. Cảm nhận về tâm lúc này cảm giác nhẹ nhất, nó nhẹ không hoặc như mọi cảm nhận đều biến mất hết. Ta có thể cảm thấy như mình đang trôi bềnh bồng trong không trung và hoàn toàn không trọng lượng. Nó giống như ta đang ở giữa không gian và mỗi khi ta điều khiển các giác quan của mình dường như các giác quan không còn cảm nhận được gì nữa. Dù ta biết rõ thân ta vẫn đang ngồi đó, nhưng ta đang trải nghiệm một sự trống không hoàn toàn. Cảm giác về sự trống không này có thể rất lạ lùng đối với mình. 

Khi chúng ta tiếp tục tu tập, nên hiểu rằng chẳng có gì phải đáng lo. Hãy thiết lập cái cảm giác thư thả và vô lo này, một cách an toàn trong tâm. Khi tâm đã tập trung và đạt định nhất-điểm thì không còn một đối-tượng-tâm nào có thể thâm nhập vào tâm hoặc quấy nhiễu tâm, và ta có thể ngồi như vậy bao nhiều lâu tùy ý. Ta có thể duy trì trạng thái định đó mà không cảm giác đau đớn hay bất tiện gì cả. 

Sau khi đã tu phát triển định đến mức này, người tu có thể nhập định hoặc thoát ra khỏi định một cách dễ dàng theo ý mình. Ta có thể thoát ra khỏi định (tầng thiền định) theo ý định của mình một cách dễ dàng và thoải mái, chứ không phải thoát ra vì thấy mệt, thấy lười biếng, hay thấy chán. Ta thoát ra khỏi định vì đến thời điểm thoát ra, và thời điểm nào thoát ra khỏi tầng thiền định là do ta đã định trước theo ý mình trước khi ta nhập định. 

Đây là trạng thái định (samādhi): ta được thư giãn và dễ chịu. Ta nhập định và thoát ra khỏi định không khó khăn gì. Tâm và trái tim đều dễ chịu. Nếu chúng ta đích thực đạt được trạng thái định như vậy, có nghĩa là chúng ta ngồi thiền và nhập định ba mươi phút hay một tiếng, sau khi thoát ra ta vẫn còn cảm giác thư thái và bình an trong suốt mấy ngày sau đó. Trải nghiệm tác dụng đó của trạng thái định trong mấy ngày cũng có một tác dụng giúp thanh lọc cho tâm – Bất cứ thứ gì ta trải nghiệm sẽ trở thành một đối tượng để quán xét. Đây, đây là chỗ sự tu tập bắt đầu. (Tức bắt đầu dùng định sâu để hỗ trợ cho thiền quán minh sát, bắt đầu lấy mọi trải nghiệm làm đối tượng thiền quán). Đây là kết quả có được khi định đã chín muồi, đã thâm sâu và hùng mạnh. 

Định có chức năng làm tĩnh lặng cái tâm. Định (samādhi) thực hiện một chức năng, giới hạnh (sīla) thực hiện một chức năng, và tuệ (paññā) thực hiện chức năng khác. Ba phần này bạn đang tu tập và phát triển, chúng đang tạo thành một vòng. Đây là cách chúng thể hiện trong tâm. Giới, định, tuệ khởi sinh và chín muồi từ một chỗ. Khi tâm được tĩnh lặng, nó sẽ dần dần được kiềm chế trong giới hạnh và càng được tự chủ hơn nhờ sự có mặt của trí tuệ và sức mạnh của định (định lực). Khi càng được tự chủ và được tinh lọc hơn, điều đó sẽ làm khởi sinh ra một năng lượng giúp thanh lọc phần giới hạnh. Giới hạnh càng được thanh lọc thì càng xúc tiến cho trạng thái định được mạnh mẽ hơn và được tinh lọc hơn nữa; và đến lượt cái định hùng mạnh đó sẽ hỗ trợ trí tuệ đi đến chín muồi. Chúng hỗ trợ lẫn nhau theo cách như vậy. Mỗi mảng tu tập đó là một yếu tố để hỗ trợ cho hai mảng còn lại – đến cuối cùng thì chúng trở thành đồng nghĩa, chúng trở thành như một. Khi ba mảng tu tập đó tiếp tục cùng nhau chín muồi, chúng tạo thành một vòng giáp kín, và cuối cùng làm khởi sinh con đường Đạo (Magga). Magga là tổng hợp của ba chức năng tu tập đó cùng thực hành với nhau một cách trơn tru và đều đặn. Khi tu, chúng ta phải giữ (duy trì) nguồn năng lượng này. Đó chính là nguồn năng lượng làm khởi sinh ra trí tuệ minh sát (vipassanā) hay trí tuệ giải thoát (paññā). Sau khi đã tu đạt đến giai đoạn này [khi đã có trí tuệ paññā hoạt động bên trong tâm, không phụ thuộc vào trạng thái tâm có bình an hay không] thì trí tuệ paññā sẽ cung cấp một nguồn năng lượng ổn định và độc lập cho việc tu tập. Chúng ta thấy đó, khi nào tâm không an, ta không cần dính theo; và ngay cả khi tâm bình an, ta cũng không nên dính theo. Sau khi đã trút bỏ gánh nặng của những dính líu đó, tâm ta cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Dù ta có trải nghiệm những đối-tượng-tâm sướng hay khổ, dễ chịu hay khó chịu, ta vẫn luôn luôn được thư thái và bình tâm. Tâm sẽ luôn được bình an vô sự theo cách như vậy. 

Một điều quan trọng cần phải biết, đó là: nếu sau những giờ thiền tập chính thức ở chùa mà không có trí tuệ hoạt động trong tâm, quý vị có thể chán nản và bỏ bê mọi việc tu, không thèm quán xét hay thiền quán thêm gì nữa, không thèm tu tập sự tỉnh giác nữa, cũng chẳng màn nghĩ tới những việc tu mà chưa tu xong. Thực tế là, khi quý vị thoát ra khỏi trạng thái định, quý vị biết rõ mình đã thoát ra khỏi định. Sau khi thoát ra khỏi định, quý vị cứ tiếp tục sinh hoạt như cách bình thường. Nhưng lúc đó nên tiếp tục duy trì sự chánh-niệm và sự tỉnh-giác xuyên suốt thời gian. Đâu phải chúng ta chỉ thiền trong tư thế ngồi – Định (samādhi) có nghĩa là tâm vững chắc và không lay chuyển, đâu kể tư thế nào. Khi đang sinh hoạt trong đời sống hàng ngày, quý vị cần giữ tâm vững chắc và kiên định, và duy trì cái cảm-nhận kiên- định đó làm đối tượng của tâm trong mọi lúc mọi nơi. Quý vị phải luôn luôn đang tu tập chánh-niệm (sati) và sự hiểu-biết rõ-ràng (sampajañña) [sự hiểu biết toàn diện] một cách liên tục. 

Sau khi đứng dậy khỏi giờ thiền chính thức, quý vị đi làm mấy công việc phận sự – đi bộ, đi bằng xe, vân vân – mỗi khi nhìn thấy hình sắc hay nghe thấy âm thanh nào, cứ duy trì sự tỉnh-giác. Khi ta trải nghiệm một đối-tượng-tâm làm khởi sinh thích hay không thích, hãy cố gắng giữ sự tỉnh giác [biết rõ] rằng những trạng thái tâm đó là vô thường và không chắc chắn. Làm như vậy, tâm vẫn được tĩnh lặng và vẫn trong một trạng thái ‘bình thường’. 

Khi nào tâm còn tĩnh lặng, dùng nó để quán sát những đối-tượng-tâm. Quán sát toàn thể sắc uẩn này, cái thân thể này. Chúng ta có thể làm việc này bất cứ lúc nào và trong bất cứ tư thế nào: dù đang ngồi thiền chính thức, đang thư giãn ở nhà, đang không làm việc, hay đang trong tình huống nào. Duy trì việc thiền tập và quán chiếu liên tục trong mọi lúc mọi nơi. Ví dụ di rảo bộ và nhìn thấy chiếc lá rụng dưới gốc cây có thể là một cơ hội để quán chiếu về lẽ vô thường. Chúng ta và lá giống nhau: khi ta già, ta cũng khô héo và chết. Những người khác cũng vậy. Cách suy xét này giúp đưa tâm lên trình độ minh sát (vipassanā), biết suy xét quán về sự thật đường lối của tất cả mọi thứ, trong suốt thời gian. Dù đang đi, đang đứng, đang ngồi, hay đang nằm, sự chánh niệm luôn duy trì đều đặn và liên tục. Đây là cách tu thiền đúng đắn—rằng chúng ta phải luôn theo dõi sát cái tâm, kiểm tra nó suốt mọi lúc mọi nơi. 

Ngồi thiền ở đây từ bảy giờ tối, và thiền sau một giờ là ngưng. Có lẽ tâm của quý vị cũng ngưng thiền luôn, nó ngưng quán xét quán chiếu luôn. Như vậy là sai. Chúng ta thiền là chỉ ngưng cái giờ thiền chung chính thức trong thiền đường này. Sau đó quý vị nên tiếp tục duy trì và tu tập sự tỉnh giác trong suốt thời gian, không được bỏ ngang, gián đoạn, hoặc bỏ lơ sau đó. 

Tôi thường nói rằng, nếu quý vị không tu tập một cách liên tục và đều đặn thì vậy chỉ giống như nước nhỏ giọt. Nó như những giọt nước vì nó không liên tục, lúc có lúc không. Sự chánh niệm không được duy trì một cách đều đặn. Điều đáng nói là nếu tâm không tu tập thì coi như không có gì. Thân cũng không tu. Tâm phải làm việc, tâm phải tu tập. Nếu quý vị hiểu rõ chỗ này một cách rõ ràng, quý vị sẽ thấy rằng không phải chỉ ngồi thiền chính thức trong thiền đường này thì tâm mới biết trạng thái định (samādhi). Tâm là cái người thực hiện việc tu tập. Chính ta phải tự mình trải nghiệm và hiểu biết, ngay trong tâm của mình, dù ta đang ở đâu, dù ta đang ngồi thiền chính thức hay đang sinh hoạt. 

Một khi ta đã tự mình nhìn thấy, ta sẽ luôn luôn phát triển sự tỉnh giác trong mọi lúc mọi nơi và trong mọi tư thế. Nếu ta duy trì sự chánh niệm đều đặn và liên tục như một dòng chảy, giống như những giọt nước đã liên tục tạo thành một dòng nước chảy đều đặn và liên tục. Sự chánh niệm có mặt trong tâm liên tục trong từng giây khắc và theo đó sự tỉnh giác về những đối-tượng-tâm cũng có mặt xuyên suốt thời gian. Nếu tâm được giới hạnh và tự chủ cùng với một sự chánh niệm liên tục, ta sẽ biết rõ những đối-tượng-tâm mỗi lần những trạng thái tâm khởi sinh. Ta sẽ biết rõ cái tâm tĩnh lặng và cái tâm bị kích động, ngu mờ. Dù đi đến đâu, ta vẫn đang tu tập như vậy. Nếu ta luyện tập cái tâm theo cách này, có nghĩa là sự thiền sẽ chín muồi nhanh chóng và thành công. 

Nhưng đừng nghĩ rằng tu xong một đợt là xong. Tôi ví dụ như vầy, như quý vị có thể cũng nhìn thấy. Ngày nay rất phổ biến người ta đi đến thực tập khóa thiền minh sát ba hay bảy ngày, ở đó họ không được nói hay làm gì, chỉ thiền tập thôi. Có người đến ngồi thiền và im lặng được một, hai tuần sau đó quay về lại với đời sống thường nhật của mình. Có thể họ nghĩ rằng họ đã ‘thiền tập xong cái thiền minh sát’ và cho rằng mình đã biết hết về thiền minh sát là gì rồi; sau đó họ cứ tự nhiên quay lại với việc ra đường, ăn uống, tiệc tùng, ca hát, đắm mình lại trong những khoái lạc giác quan. Khi họ làm như vậy điều gì xảy ra? Rốt cuộc, sau khóa tu thiền minh sát họ chẳng được gì, không được kết quả gì. Nếu vừa thực tập xong rồi họ đi làm đủ thứ chuyện không lành như vậy, điều đó sẽ quấy động và làm sốc cái tâm, tất cả thành công cóc. Rồi năm sau họ lại đăng ký tham dự khóa thiền minh sát mới trong bảy ngày hoặc vài tuần… sau đó lại quay về, lại tiếp tục đi ra đường, đi ăn uống, ca hát, tiệc tùng, nhậu nhẹt như vậy. Tu như vậy đâu phải tu thiệt. Đó không phải là sự tu tập đúng đắn (patipadā), không phải con đường để tu tiến. 

Chúng ta cần phải có nỗ lực từ-bỏ. Chúng ta phải suy xét đến khi chúng ta nhìn thấy những tác động nguy hại của những hành vi đó. Nhìn thấy nguy hại của việc đi ra đường nhậu nhẹt, ăn uống, đàn đúm, để tâm chạy theo những thứ hấp dẫn bên ngoài. Suy xét và nhìn thấy những nguy hại nằm bên trong những hành vi không lành mà bạn đang làm, suy xét và suy xét cho đến khi ta nhìn thấy chúng thật rõ ràng. Việc này sẽ tạo sức-kéo để ta bước lùi lại và thay đổi những lối sinh hoạt hàng ngày. Rồi ta sẽ tìm thấy sự bình an thực sự. Để trải nghiệm sự bình an thực sự trong tâm, quý vị phải nhìn thấy rõ rệt những bất lợi và nguy hại của những lối sống không lành đó. Đây mới là cách tu sửa đúng đắn. Nếu quý vị đến đây tu thiền minh sát trong im lặng, không liên hệ với ai được bảy ngày, nhưng sau khi tu xong quay về nhà, quý vị xổ đi gặp bạn bè, tán gẫu, nói chuyện đủ thứ, ăn uống, tiệc tùng đủ thứ… trong suốt bảy tháng, vậy làm sao quý vị có thể được sự an lạc đích thực, làm sao giữ lại được chút dư hương của bảy ngày thiền tập tốt lành đó?. (Giống như đi tắm được một ngày rồi bảy ngày sau không tắm, thử hỏi làm sao mình sạch sẽ được?). 

Tôi thực sự khích lệ các Phật tử tại gia đang thiền tập sự tỉnh-giác và trí-tuệ, quý vị hãy ghi nhớ điều tôi vừa nói. Hãy tu tập một cách đều đặn. Hãy nhìn thấy rằng, tu tập không thiệt lòng và không điều đặn thì chẳng mang lại lợi lạc gì, hãy hết lòng duy trì sự tu tập một cách đều đặn và liên tục. Chỉ cần như vậy là đủ nhiều. Đó mới tạo ra khả năng thực tế để quý vị có thể trừ bỏ những ô nhiễm (kilesa) trong tâm. Chứ tu cái kiểu ngồi im lặng và tu thân trong bảy ngày, rồi sau đó về thỏa sức ăn nói, ăn uống, tụ tập, nhậu nhẹt, xô bồ…không một chút chánh niệm—thì đi mấy ngày tu đó chỉ là vô ích mà thôi. Tu hoài như vậy rốt cuộc cũng chẳng được gì. Giống như đi làm mỗi ngày được hai chục đồng nhưng chiều về đi xài hết ba chục đồng, vậy đâu để dành được gì? Tất cả bay mất. Cũng như thiền tập một tuần rồi về cũng mất hết. 

Đây là cách tôi nhắc nhở quý vị cố ghi nhớ để tu tập, quý vị nào nghe thấy không vui thì bỏ quá cho tôi. Cũng cần thiết phải nhắc nhở quý vị như vậy để những cái mặt tốt của việc đến đây tu tập không trở thành những mặt xấu sau khi trở lại đời thường; để những điều đó được quý vị nhìn thấy rõ ràng, và nếu quý vị nào nhìn thấy cách mình đang sai thì tìm cách bỏ đi. Quý vị có thể nói mình đến đây tu để học cách tránh bỏ những việc bất thiện sau này. Làm sai thì ra sao? Làm điều sai trái thì dẫn đến động tâm và khổ sở, lúc đó không có sự tốt lành trong tâm. Làm như vậy là không tốt cho tâm. Lý là như vậy. Nếu cứ đến đây tu tập một tuần, về nhà lại ra đường nói đủ thứ, làm đủ thứ việc thỏa thích… thì đâu có giá trị gì, việc tu tập một tuần ở đây cũng đâu còn giá trị gì. Tu kiểu đó thì chẳng đi đến đâu. Nhiều chỗ dạy thiền không nắm rõ chỗ này, hoặc họ không tiên liệu trước vấn đề này. Thực vậy, nếu tu thiệt thì quý vị cần phải tu tập và giữ mình liên tục bình lặng và có giới hạnh trong mỗi ngày. 

Khi tu thiền quý vị cần luôn hướng sự chú tâm vào việc thực tập. Giống như trồng một cái cây. Nếu bạn trồng cái cây một chỗ, sau ba ngày bứng lên đem trồng chỗ khác, rồi ba ngày nữa lại bứng lên đem trồng chỗ khác, nó sẽ chết ngay chứ lấy đâu chờ ra hoa kết quả. Tu tập bất thường kiểu đó không mang lại kết quả gì. Điều này mình phải tự biết mình, chỉ mình biết rõ nhất mình đang tu tập ra sao. Hãy suy nghĩ về chỗ này. Không tin về nhà làm thử. Chiết một nhánh cây trồng thử, vài ngày sau nhổ đem trồng chỗ khác, cây sẽ chết vì nó không được sống liên tục ở một chỗ. Giống như đến đây thiền tập bảy ngày, về nhà xả láng thỏa thích bảy tháng, làm cho tâm dính đầy những thứ ô nhiễm, rồi năm sau lại đến đây tu tập, rồi lại về xả láng thỏa thích với đời thường… Cũng giống như cây kia, việc thiền tập như vậy cũng bị chết, lấy đâu có kết quả gì. Cây không lớn nỗi, việc thiền tập cũng không tiến nỗi. Tôi nói rằng nếu tu kiểu đó thì sẽ không kết quả gì. 

Thực ra, tôi không muốn nói kiểu như vầy. Bởi tôi thấy xót cho công sức của quý vị bỏ ra đến đây tu tập nên mới nói thẳng ra như vậy. Nếu có ai trong quý vị đang tu sai theo kiểu đó thì tôi có bổn phận nhắc nhở như vậy, tôi nói vì lòng bi mẫn dành cho quý vị. Nhiều người khó chịu cho rằng tôi hay quở trách. Thực ra tôi không quở trách để được gì, tôi chỉ muốn chỉ ra chỗ lợi chỗ hại cho quý vị biết. Nhiều người nghĩ: ‘Sư Ông muốn đuổi chúng ta’, nhưng không phải vậy. Lâu lâu tôi mới được nói chuyện lâu với quý vị một lần, và lâu lâu tôi mới nhắc nhở một lần—nếu lần nào tôi cũng trách hay nhắc nhở chắc quý vị sẽ bực mình! Nhưng sự thật đâu phải là quý vị bực tức, mà chính những ô nhiễm (kilesa) trong tâm quý vị đang bực tức – chúng bực tôi đã nhắc nhở quý vị. Thôi bữa nay tôi nói đến đây thôi.

 

* Bài viết được trích từ bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, Thiền Sư Ajahn Chah

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app