Tu Đúng Đắn, Tu Đều Đặn

 

Chùa Wat Wana Potiyahn ở đây thực sự quá bình yên, nhưng điều đó là vô nghĩa nếu cái tâm chúng ta không được bình lặng. Nơi nào cũng yên bình. Một số nơi có vẻ làm lãng trí, nhưng thực ra đó chỉ là do cái tâm của ta động vọng mà thôi. Tuy nhiên, một nơi yên tĩnh có thể giúp người ta tĩnh lặng, giúp tạo ra cơ hội để tu tập và hòa quyện vào sự bình lặng ở nơi đó. 

Các bạn hãy nhớ trong tâm rằng việc tu tập là gian khó. Luyện tập thứ khác thì không quá khó, thậm chí là dễ, nhưng luyện tập cái tâm người là rất khó. Đức Phật đã luyện tập tâm mình. Tâm là thứ quan trọng. Mọi thứ bên trong hệ thân-tâm này đều chạy về chỗ tâm. Những mắt, tai, mũi, lưỡi và thân đều tiếp nhận những cảm giác và gửi về tâm, tâm là người giám sát tất cả những cơ quan giác quan khác. Do vậy, việc luyện tập cái tâm là rất quan trọng. Nếu tâm được tu tập tốt thì mọi khó khổ sẽ đi đến chấm dứt. Khi còn những khó khổ là do cái tâm vẫn còn những nghi ngờ, nó còn chưa hiểu biết theo đúng sự thật tự nhiên. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn có những khó khổ. 

Giờ biết rằng tất cả các bạn đã đến đây sẵn sàng tu tập Giáo Pháp. Dù đang ngồi, đi, đứng hay đang nằm, những công cụ bạn cần phải có để tu tập phải được cung cấp đầy đủ, dù bạn đang ở đâu. Các công cụ luôn luôn có mặt với bạn, cũng giống như Giáo Pháp vậy. Giáo Pháp là thứ có mặt khắp nơi. Ngay tại đây, trên đất, trong nước… bất cứ ở đâu… Giáo Pháp luôn luôn có mặt. Giáo Pháp là hoàn hảo và toàn thể, chỉ có sự tu tập của chúng ta là chưa hoàn thiện và hoàn thành. 

Đức Phật, người Giác Ngộ, đã truyền dạy những phương tiện để chúng ta tu tập và đi đến hiểu biết Giáo Pháp này. Giáo Pháp không phải là điều gì lớn lao cao xa, nó chỉ là thứ nhỏ nhặt, nhưng là thứ đúng đắn. Ví dụ, hãy nhìn vào tóc. Nếu chúng ta hiểu biết một sợi tóc thì chúng ta hiểu biết hết về tóc, tóc của mình và của người khác. Chúng ta biết rằng tóc chỉ là ”tóc”. Chỉ cần biết một sợi tóc, chúng ta biết về tất cả sợi tóc khác. 

Hoặc xem xét về người. Nếu chúng ta nhìn thấy bên trong bản thân chúng ta chỉ gồm những kết hợp giả tạm, thì chúng ta cũng biết thân của những người khác cũng giống như vậy. Giáo Pháp là như vậy. Nó chỉ là chuyện nhỏ như vậy, nhưng cũng là chuyện lớn. Đó là, nhìn thấy bản chất của một trạng thái thì sẽ nhìn thấy bản chất của những trạng thái tương tự. Khi chúng ta nhìn thấy sự thật đúng thực như nó là thì mọi vấn đề khó khổ sẽ chấm dứt.

Nói thì nói vậy, chứ tu tập là chuyện khó. Tại sao khó? Khó là do ta vẫn còn tham muốn dục vọng (tanhā). Nếu ta không muốn thì ta không tu. Nhưng nếu chúng ta tu vì tham muốn (chứng đắc gì gì đó) thì ta sẽ không nhìn thấy Giáo Pháp. Hãy nghĩ về điểm này, tất cả các bạn ở đây. Nhưng bạn không muốn tu, thì bạn không thể tu. Bạn phải muốn tu trước thì mới tu được. Dù có bước tới hay bước lui, bạn cũng gặp phải tham muốn. Giống như thế gậy ông đập lưng ông vậy. Chính vì lẽ này mà những bậc thầy tổ mới nói tu là một việc cực kỳ khó làm. 

Bạn không nhìn thấy Giáo Pháp là do còn tham muốn. Nhiều lúc tham muốn rất mạnh mẽ: bạn tham muốn nhìn thấy ngay Giáo Pháp, nhưng Giáo Pháp chưa phải là tâm bạn— tâm bạn vẫn chưa là Giáo Pháp. Giáo Pháp là một chuyện, tâm là một chuyện. Không phải thứ gì bạn thích hay muốn là Giáo Pháp, còn thứ gì bạn không thích thì không phải là Giáo Pháp. Đó đâu phải là cách của Giáo Pháp. 

Thực ra, tâm này của chúng ta chỉ là một trạng thái của tự nhiên, giống như một cái cây trong rừng. Nếu chúng ta muốn có tấm ván hay cột gỗ thì phải làm từ cây, nhưng cây thì vẫn đang là cây. Nó chưa thành cột gỗ hay tấm ván. Chúng ta phải chặt cây, cưa, xẻ… thành ván thành cột thì nó mới thành hữu dụng với chúng ta. Cũng là cây đó, nhưng nó đã chuyển dạng thành thứ khác. Những về bản cốt thực sự nó là một cây, một trạng thái sống của tự nhiên. Nhưng khi cây còn thô tế thì nó chưa hữu dụng cho con người, nó phải nên được chuyển dạng thành gỗ, ván, cột… để làm nhiều thứ khác có ích dụng cho ta. Tâm của chúng ta cũng vậy. Nó chỉ là một trạng thái của tự nhiên. Khi nó tiếp nhận những ý nghĩ nó cứ phân biệt thành xấu thành đẹp, thành tốt thành xấu, thành này thành nọ… 

Cái tâm này của chúng ta cần phải được huấn luyện nhiều nữa. Chúng ta không thể để nó như vậy. Tâm là một trạng thái của tự nhiên…vậy chúng ta huấn luyện để nó nhận biết rằng nó là một trạng thái của tự nhiên. Cải thiện tự nhiên để cho nó phù hợp có ích cho nhu cầu của chúng ta. Đó là Giáo Pháp. Giáo Pháp là thứ cần phải được tu tập và hướng vào bên trong. 

Nếu bạn không tu thì bạn không biết. Thực tình mà nói, bạn không thể biết Giáo Pháp chỉ bằng việc đọc hay học từ kinh sách. Hoặc nếu như bạn có biết thì sự biết đó cũng vẫn là thiếu sót. Ví dụ có cái ly ngay đây. Ai cũng biết cái ly, nhưng chẳng ai hiểu biết hoàn toàn về cái ly. Tại sao họ không biết hoàn toàn về nó? Giả sử tôi gọi nó là cái chén, bạn nói sao? Giả sử mỗi lần tôi nhờ bạn: ”Xin đưa giùm cái chén”, chắc bạn sẽ ngạc nhiên. Tại sao vậy? Bởi bạn chưa hiểu biết hết về cái ly. Nếu bạn hiểu được cái chén là cái ly thì đâu còn gì khó. Lúc đó bạn chỉ cần cầm cái chén đưa tôi, bởi vì đích thực không có cái ly nào cả: tên cái đó là ‘chén’. Tôi giả dụ như vậy các bạn có hiểu không? Cái ly chỉ là do quy ước, do chúng ta gọi mà thôi. Quy ước này được công nhận khắp đất nước này, cho nên nó là cái ly. Nhưng đích thực thì chẳng có cái ”ly” thực nào cả. Nếu ai đó muốn gọi đó là cái chén, thì nó lại là cái chén. (Chẳng qua chỉ là cách gọi). Đó chỉ là ”khái niệm”. (Chỉ là giả danh, chỉ là danh nghĩa). Nếu chúng ta hiểu biết rõ về cái ly, thì nếu có ai gọi nó là cái chén, ta cũng chẳng sao. Dù ai có gọi nó là cái gì ta cũng không chấp, bởi ta đâu có ngu dốt hay mù mờ về bản chất đích thực của nó. Ngay đây, ta trở thành cái “người biết”. 

Giờ quay lại bản thân chúng ta. Giả sử có ai nói: ”Mày ngu!” hay ”Mày điên”. Dù điều đó là không đúng, nhưng ta vẫn thấy khó chịu. Mọi thứ đều trở nên khó khăn bởi chúng ta cứ muốn có và muốn được. Bởi do những tham muốn có và được, do chúng ta không hiểu biết theo đúng sự thật, cho nên chúng ta không hài lòng. Nếu chúng ta biết về Giáo Pháp, chúng ta giác ngộ Giáo Pháp, thì tham sân si sẽ biến mất. (Nguyên lý là như vậy). Khi chúng ta hiểu rõ đường lối (quy luật, bản chất, lẽ tự nhiên) của mọi thứ thì đâu còn gì chúng ta phải chấp có chấp không hay chấp được chấp mất làm chi nữa.

(Ví dụ, sau khi biết rõ nước tự do chảy từ cao xuống thấp thì ta đâu còn chấp hay muốn nước tự do chảy từ thấp lên cao nữa).

Tại sao việc tu hành lại khó khăn và tốn nhiều tâm huyết như vậy? Đó là do những tham muốn. Ngay khi ngồi xuống thiền, chúng ta muốn được bình an. Nếu không muốn được bình an thì ta đâu có ngồi thiền. Ngay khi vừa ngồi xuống đã muốn có ngay sự bình an, nhưng cái ‘sự muốn’ tâm được bình an đã làm bối rối, làm phân tán và ta cảm thấy bất an. Nó như vậy đó. Nên Phật đã dạy: ”Đừng nói nói với tham muốn, đừng ngồi với tham muốn, đừng đi với tham muốn… Khi làm bất cứ điều gì, đừng làm với tham muốn”. Tham muốn là dục vọng. Nếu bạn không muốn làm điều gì thì bạn không làm nó. Khi tu tập cho đến chỗ này, chúng thấy rất nản lòng vì thế bí, (nản lòng vì mình muốn tu để chứng đắc được tầng thiền định, muốn tu để đạt đến sự bình an mà cách tu thì là… không được muốn, là bằng cách dẹp bỏ cái muốn đó). Vậy tu làm sao? Ngay khi vừa ngồi xuống trong tâm đã khởi sự tham muốn. 

Bởi do điều đó nên rất khó mà quan sát thân và tâm. Giáo lý nói thân và tâm không phải là cái ‘ta’ hay không thuộc về ‘ta’, vậy thì chúng thuộc về ‘ai’? Rất khó giải tỏa vấn đề này, chúng ta phải dựa vào trí tuệ. Phật đã dạy chúng ta phải tu tập bằng sự ”buông-bỏ”, đúng không? Mà nếu đã buông bỏ thì cũng không tu tập gì hết, đúng không? Bởi chúng ta đã buông bỏ mà.

Giả sử chúng ta đi mua mấy trái dừa ở chợ, và khi chúng ta mang về, có người hỏi: 

”Anh mua mấy trái dừa đó làm gì?” 

”Tôi mua để ăn” 

”Thầy có ăn vỏ dừa không?” 

”Không” 

”Tôi không tin. Nếu anh không ăn vỏ dừa vậy anh mua nguyên trái còn vỏ làm gì?”.

Người ta nói vậy mình nói gì bây giờ? Có cách nào trả lời họ nữa không? Chúng ta tu tập với sự mong muốn. Nếu chúng ta không mong muốn, chúng ta không tu làm gì. Tu với sự mong muốn tìm cầu là tu có dục vọng (tanhā). Suy xét kỹ theo cách như vậy mới có thể phát sinh trí tuệ, các bạn biết không. Ví dụ lại về mấy trái dừa đó. Bạn có định ăn mấy vỏ dừa đó không? Dĩ nhiên không. Vậy tại sao mang chúng về? Bởi chưa có thời gian lột bỏ chúng đi. Nó hiện thời vẫn có ích là vỏ bọc chứa phần cơm dừa và nước dừa bên trong. Sau khi ăn phần cơm dừa và nước dừa thì quăng bỏ vỏ dừa, cũng tốt thôi. Việc tu tập của chúng ta là như vậy đó. Phật đã dạy : ”Đừng làm với tham muốn, đừng nói với tham muốn, đừng ăn với tham muốn”. Khi đang đi, đang đứng, đang ngồi hay đang nằm… bất cứ khi nào… đừng làm với tham muốn. Có nghĩa là làm nó với sự buông bỏ. Cũng giống như khi mua dừa ngoài chợ. Chúng ta không muốn ăn vỏ dừa, chỉ là chưa đến lúc chúng ta giục bỏ chúng đi. Trước mắt chúng ta tạm giữ nó. Đó là cách tu. Khái niệm và sự chuyển hóa cùng tồn tại đồng thời, giống như cơm dừa và vỏ dừa vậy. Cơm dừa, nước dừa, xơ dừa, vỏ dừa ở cùng nhau. Khi mua chúng ta phải mua nguyên trái. Nếu có ai nói chúng ta ăn vỏ dừa thì mặc kệ họ nói, chúng ta biết rõ mình đang làm gì. 

Trí tuệ là thứ mỗi chúng ta phải tự tìm thấy cho mình. Để nhìn thấy nó, chúng ta không nên đi quá nhanh hay quá chậm. Vậy chúng ta phải làm gì? Phải đi đến nơi không chậm không nhanh. Còn đi nhanh hay đi chậm đều không phải cách. 

Nhưng thường chúng ta đều nôn nóng, chúng ta vội vã. Ngay khi vừa mới bắt đầu chúng ta đã muốn chạy nhanh đến đích, chúng ta không muốn bị trễ, không muốn bị bỏ rơi lại đằng sau. Chúng ta muốn thành công, muốn ‘đắc đạo’ nhanh. Khi đưa cái tâm vào thiền tập, người ta thường đi quá xa, canh quá xa, nghĩ quá cao xa… Họ thắp nhang, lạy lục và thề nguyện: ”Đến khi nào nhang chưa tàn hết thì tôi nhất quyết không đứng dậy khỏi chỗ ngồi thiền, dù cho tôi có ngã quỵ hay chết, dù chuyện gì có xảy ra… tôi thề chết ngồi chứ không bỏ cuộc…”. Sau khi khấn nguyện, họ ngồi xuống thiền. Vừa ngồi xuống, đám quân của Ma Vương (Māra) đến bu từ mọi phía. Họ mới ngồi một chút là đã nghĩ đến chuyện nhang tàn hay chưa. Họ hé hé mắt nhìn cây nhang…”Trời, cả năm nữa cũng chưa chắc tàn!” 

Họ nghiến răng và ngồi tiếp, cảm thấy nóng nực, thấy nôn nao, bực bội và rối trí… Đến lúc cuối họ nghĩ rằng: ”Chắc giờ nhang tàn rồi”… Lại hé mắt nhìn… ”Ô không, còn chưa cháy hết nửa cây nhang!”. 

Canh mấy lần như vậy mà nhang vẫn chưa tàn nên họ chán, bỏ cuộc luôn, không muốn làm gì nữa, chỉ ngồi tự ghét mình. ”Ta thật là ngu, ta thật vô vọng!”. Họ ngồi và ghét bản thân mình, cảm thấy vô vọng. Ngay lúc này chỉ sinh thêm bất mãn và những chướng ngại. Đây được gọi là chướng ngại ác ý. Ác ý là ác cảm với chính mình, không ghét ai được nên tự ghét mình. Và tại sao lại vậy? Tất cả là do tham muốn. 

Thực ra không cần phải làm những việc như thắp nhang, thệ nguyện… theo kiểu như vậy. Tập trung (tâm) có nghĩa là gom tụ (hội tụ) tâm lại bằng cách buông bỏ, chứ không phải gom tụ bản thân mình vào những nút thắt như vậy. Có lẽ là do nhiều người đọc kinh điển viết về cuộc đời tu hành của Phật, về cách Phật quyết tâm ngồi thiền dưới gốc cây Bồ-đề: ”Chừng nào ta chưa đạt đến Giác Ngộ Tối Thượng thì ta quyết sẽ không đứng dậy khỏi chỗ ngồi này, dù cho máu ta có khô cạn…”, nên họ bắt chước làm theo thôi.

Nhiều người đọc kinh sách thấy nói vậy nên nhiều người muốn tự mình thử. Muốn làm giống như Phật. Nhưng họ không xem xét lại rằng cái cỗ xe của mình chỉ là cái xe xíu. Cỗ xe của Phật là cỗ xe thực sự lớn, xe của Phật có thể chất tất cả mọi thứ lên một chuyến cuối cùng. Còn xe của mỗi chúng ta thì nhỏ bé tí tẹo, làm sao chúng ta có thể dồn tất cả mọi thứ lên một chuyến cuối cùng để đi đến đích như vậy? Chuyện của Phật và chuyện của chúng ta là khác nhau. 

Tại sao chúng ta hay nghĩ hay thệ nguyện như vậy? Bởi vì chúng ta quá cực đoan. Nhiều lúc chúng ta quá chùng xuống, quá hạ thấp mình. Nhiều lúc chúng ta lại quá tự tin, với tay quá cao. Do vậy chúng ta chẳng bao giờ tìm thấy điểm cân bằng. 

Giờ tôi chỉ nói từ kinh nghiệm. Trước kia, việc tu tập của tôi là như vầy. Tu tập để đạt được đến cái mình muốn có, đạt đến cái hơn cả ham muốn của mình…, bởi nếu không ham muốn thì làm sao ta tu được? Tôi bị kẹt chỗ đó. Nhưng tu tập với sự tham muốn là khổ. Tôi chẳng biết phải làm gì khác, tôi cứ dằn vặt, chèo chống. Rồi sau này tôi mới nhận ra rằng sự tu tập đều đặn mới là quan trọng. Người tu phải tu tập một cách ổn định, đều đặn. Người ta hay gọi đó ”đều đặn trong mọi tư thế”. Cứ liên tục làm trong sạch sự tu tập của mình, đừng để nó trở thành một tai nạn nào. Tu là để thoát nạn khổ chứ không phải để gây ra tai nạn. Hầu hết mọi người thường gây ra tai nạn. Khi họ lười biếng thì tự bỏ bê việc tu tập. Họ chỉ tu khi nào thấy có hứng, khi nào thấy thích mới tu. Tôi cũng đã từng có xu hướng như vậy. 

Tất cả các bạn đang ngồi đây hãy tự hỏi chúng mình: như vậy là đúng hay sai? Khi thấy thích tu thì tu, khi nào không thấy hứng thì không tu, như vậy là đúng với Giáo Pháp hay không? Như vậy là chánh trực hay không? Như vậy có đúng với giáo lý của Phật hay không? Cứ như vậy thì việc tu tập đâu được đều đặn, chuyên chú. Tu vậy là không chắc.

 Dù có hứng hay không hứng mình cũng phải tu như nhau. Dù thấy thích hay không thích mình cũng phải tu như thường. Dù đang cảm thấy lười biếng hay hăng hái mình cũng tu nghiêm túc như nhau. Đó là điều Phật đã dạy. Hầu hết đều chờ đến lúc hứng tu thì mới tu, còn khi thấy không hứng thì không thèm tu. Họ lệch lạc đến mức độ như vậy. Điều này được gọi là ”tai nạn” chứ không phải là tu để ”thoát nạn”. Sư tu tập đích thực là gì?: đó là dù vui hay buồn ta cũng tu; dù dễ hay khó ta cũng tu; dù trời nóng hay lạnh ta cũng tu. Phải chánh trực như vậy. Tu tập thực sự là gì?: là dù đang đứng, đang ngồi, đang đi hay đang nằm ta vẫn giữ  ý chí liên tục tu tập một cách đều đặn, làm cho sự chú tâm chánh niệm (sati) luôn có mặt thường trực trong mọi tư thế. 

Hồi mới tập tu tôi cứ nghĩ rằng phải tu tập các tư thế thiền trong thời gian bằng đều như nhau, tức phải đứng lâu bằng đi, đi lâu bằng ngồi, ngồi lâu bằng nằm… Tôi đã cố tập thử nhưng không được. Nếu một người thiền phân đều thời gian cho bốn tư thế thiền đó thì đến bao giờ người đó mới làm được? Đứng thiền năm phút, ngồi thiền  năm phút, nằm thiền năm phút, đi thiền năm phút… làm vậy tôi chẳng làm được mấy lần. Vì vậy, tôi đã ngồi lại và suy nghĩ thêm về điều đó. ”Lời hướng dẫn chỗ tu này là gì? Chắc không ai trên đời có thể tu theo cách đó được!” 

Rồi sau đó tôi nhận ra… ”À, cách đó là sai, bởi nó không thể nào làm được. Đứng, đi, ngồi, nằm… phải tu tập đều đặn. Tu tập đều đặn không phải là phân đồng đều thời gian cho bốn tư thế, nếu hiểu kinh sách theo cách như vậy là sai, là không thể làm được”. 

Nhưng có thể thực hiện như vầy: Tâm… chỉ là ngay chỗ tâm. Có sự chú tâm chánh niệm (sati), có sự rõ biết về mình (sampajañña), và có sự hiểu biết hay trí tuệ bao-trùm (paññā)… thì ta mới có thể làm được. Đây mới thực sự là cách đúng để tu tập. Điều này có nghĩa là khi đang đứng ta có chánh niệm (sati), khi đang đi ta có chánh niệm, khi đang ngồi ta có chánh niệm, khi đang nằm ta có chánh niệm—một cách đều đặn, ổn định. Điều này thì có thể làm được. Chúng ta đưa sự tỉnh-giác vào trong tư thế đang đứng, đi, ngồi, nằm—đưa vào trong tất cả tư thế. Luôn luôn có sự tỉnh giác trong tất cả mọi tư thế. 

Khi tâm đã được tu tập như vầy thì nó luôn thường trực niệm (thường nhớ) Phật, Phật, Phật… đó là sự thấy-biết. Thấy biết cái gì? Thấy biết rõ điều gì sai và điều gì đúng mọi lúc mọi nơi. Thực vậy, cách này là có thể làm được. Đây là cách đi thẳng vào sự tu tập thực thụ. Đó là, dù đang đứng, đang đi, đang ngồi hay đang nằm, luôn luôn có mặt sự chánh niệm liên tục. 

Rồi ta sẽ hiểu những pháp (trạng thái, điều kiện, tâm tính) nào cần phải từ bỏ và những thứ nào cần phải được tu dưỡng. Khi ta biết rõ sự sướng, ta biết rõ sự khổ. Khi ta đã biết rõ về sướng và khổ thì tâm sẽ an trụ ở nơi cân bằng không có sự sướng và sự khổ. Sướng hay khoái lạc là con đường buông thả (kāmasukallikānuyogo). Khổ là con đường hành xác (attakilamathānuyogo). Đó là hai cực đoan. Nếu chúng ta biết rõ hai cực đoan, chúng ta kìm lại để khỏi rơi vào hai cực đó. Chúng ta biết rõ khi tâm mình đang ngã theo sự sướng hay khổ, chúng ta kìm nó lại, không để nó ngã luôn theo sướng hay theo khổ. Chúng ta có được loại tỉnh-giác này, chúng ta nhập vào Một Con Đường, một Giáo Pháp. Chúng ta nhập vào sự tỉnh giác, sự rõ biết và không để cho tâm mình ngã theo những thói tâm và khuynh hướng của nó. 

Nhưng trong đời tu thiệt thì mọi sự thường ngược lại, có phải vậy không? Thường thì ta cứ ngã theo những thói tâm và khuynh hướng của ta. Nếu đi theo thói tâm của mình thì quá dễ, phải không? (Làm ngược với thói tâm và khuynh hướng của tâm thì mới khó, nhưng đó là tu đúng). Làm theo thói tâm thì dễ, nhưng cái dễ đó gây ra khổ đau, giống như kẻ ăn không ngồi rồi thì cũng dẫn đến khổ đau bạc nhược mà thôi. Anh ta thấy ở không thì dễ hơn đi làm, nhưng đến lúc đói khát thì không có gì để ăn, lúc đó mới khổ. Thói đời là như vậy, thói tâm của ta cũng như vậy. 

Cũng do vậy, trước kia tôi hay bất đồng với nhiều giáo lý của Phật, nhưng thực sự tôi chẳng bao giờ đúng hơn Phật. Giờ thì tôi chấp nhận đủ những điều đó. Tôi chấp nhận rằng nhiều giáo lý của Phật là trực chỉ cách tu, do vậy tôi đã lấy những giáo lý đó và dùng chúng để tu tập bản thân và chỉ dạy cho người khác cùng tu.

Điều quan trọng chỗ tu tập là con đường tu, là đạo (patipadā). Patipadā nghĩa là gì? Thứ nhất, đơn giản đó là tất cả mọi sinh hoạt khác nhau, sự đứng, đi, nằm, ngồi và nhiều hoạt động khác. Đó là đạo của thân. Còn đạo của tâm nữa: bao nhiêu lần bạn cảm thấy chùng xuống trong suốt khóa học bữa nay? Bao nhiêu lần bạn thấy hứng khởi trong khóa học bữa nay? Có những cảm giác nào nổi trội đáng lưu ý? Chúng ta phải rõ biết về mình theo cách như vậy. Sau khi nhìn thấy những cảm giác đó, ta có thể buông bỏ chúng được không? Cái nào chúng ta chưa buông bỏ được thì ta còn phải tiếp tục làm việc với nó, tiếp tục tu tập buông bỏ nó. Nếu nhìn thấy mình không thể buông bỏ một số cảm giác nào đó thì phải ta phải lấy ngay chỗ đó và xem xét nó bằng sự trí tuệ (để tìm ra nguyên nhân và giải pháp để tu sửa và buông bỏ chỗ đó). Tìm coi nó là vì lẽ gì, do những nhân duyên gì. Làm việc với nó. Tu tập ngay chỗ  cảm giác đó. Đây chính là tu. Ví dụ, khi chúng ta có cảm giác nhiệt tâm, ta tu. Và khi ta có cảm giác lười biếng, cứ cố tiếp tục tu. Nếu chúng ta không thể giữ tiếp ‘phong độ’ tu như lúc nhiệt tâm, thì tối thiểu cũng cố tu được nửa ‘phong độ’ đó. Lúc thường tu miên mật, lúc thấy lười biếng mệt mỏi cũng nên cố tu một nửa mức độ đó. Đừng để lãng phí một ngày nào do lười biếng mà bỏ việc tu. Nếu cứ thấy mệt là bỏ, thấy lười biếng là bỏ, thấy muốn nghỉ xả hơi là bỏ thì sẽ dẫn đến tai nạn- đó không phải là cách của người tu hành. 

Thời bây giờ tôi hay nghe mấy người nói rằng: ”Ồ, năm nay con thực sự bết bát”.  ”Sao vậy?” 

”Con bệnh cả năm nay. Con không tu được gì hết”. 

À vậy hả, nếu họ không tu bây giờ đến lúc gần chết còn tu gì được nữa? Thử nghĩ khi thấy khỏe họ có tu không? Không, họ chỉ lạc tâm vào sự sướng (chỉ lo cảm thấy mình sướng khi khỏe mạnh). Còn khi họ khổ hay đau bệnh, họ cũng không tu tập gì, tâm họ chỉ dính theo sự khổ. Tôi chẳng biết khi nào họ mới chịu tu! Họ chỉ nhìn thấy mình đang bệnh, đang đau, đang sốt gần chết…đúng vậy, nhưng sao không lấy lúc bệnh đau đó mà tu tập, đó là chỗ tu. Khi họ cảm thấy sướng họ chỉ biết khoan khoái trong đầu, và ỷ lại tự mãn, rốt cuộc chẳng kết quả gì. 

Chúng ta phải phát triển sự tu tập của mình. Điều này có nghĩa là dù đang sướng hay khổ chúng ta cũng nên tu tập như nhau. Khi thấy khỏe khoắn nhiệt thành hoặc thấy đau bệnh lười biếng thì cũng tu. Mọi người thường nói rằng: ”Năm nay tôi chẳng tu được gì vì cứ bị bệnh hoài”, nói vậy thôi chứ khi họ khỏe mạnh họ cũng đi dạo mát hát vui chứ đâu chịu tu. Cách than bệnh đâu không tu là cách nghĩ sai lầm. Nghĩ vậy là rất khó tu. Đây chính là lý do tại sao những thầy tổ

 ngày xưa đã luôn luôn duy trì sự tu tập đều đặn trong tim mình. Nếu thân có gì bất ổn, cứ mặc nó với thân; còn tâm là chuyện khác, tu tập cái tâm là chuyện khác. 

Hồi tôi mới bắt đầu bước vào thực hành khoảng năm năm tôi cảm thấy sống chung với người khác để tu là một chướng ngại. Tôi ngồi tu trong kuti (cốc) của tôi, nhưng lúc này lúc khác hay người đến ngồi chơi, nói chuyện này nọ, và điều đó làm quấy nhiễu tôi. Nên tôi bỏ đi ở một mình. Tôi nghĩ tôi khó tu nếu ở gần người khác. Tôi đến ở trong một cái chùa nhỏ vắng tanh trong rừng, gần một ngôi làng nhỏ. Tôi ở đó một mình, không nói chuyện với ai, bởi không có ai ở đó nói chuyện với tôi.

Ở được khoảng mười lăm ngày, tôi mới nghĩ: ”À, phải chi có một sa-di hay một pa-kow[7] ở đây thì tốt. Chú ấy có thể giúp mình làm những việc lặt vặt”. Tôi nhận ra việc đó là cần thiết và đến lúc cũng phải có người đến ở chung với mình! 

”Í dạ! Thầy thiệt là một cá tính! Thầy đã chán ngán các với các bạn tu và sa-di, giờ thầy lại nói thầy cần một sa-di hay chú điệu. Vậy là sao?” 

”Không”, điều đó nghĩa là, ”Tôi cần một sa-di tốt”. 

”Đó thấy chưa! Ở đâu chỉ có toàn người tốt vậy, thầy tìm đâu ra người tốt theo ý thầy? Trong chùa này chỉ toàn người không-tốt. Chắc chỉ có một mình thầy là người tốt đó, nên thầy mới bỏ đi như vậy!”. 

…Chúng ta cứ phải đi theo mọi sự như vậy, phải đi theo dấu vết của những ý nghĩ của mình cho đến khi ta nhìn thấy… 

(Tôi nghĩ ở một mình là tốt nên làm theo ý nghĩ của mình. Tôi cứ tu theo và làm theo ý nghĩ của mình, rồi lại thấy sai, rồi lại thay đổi, rồi cứ tiếp tục mày mò làm theo những ý nghĩ chủ quan của mình…).

”À đúng, chỗ này là điều quan trọng. Tìm đâu ra người tốt ở đó? Chẳng có ai là tốt hoặc tốt cho mình hết, bạn phải tự tìm thấy người tốt ngay bên trong mình. Nếu bên trong bản thân mình tốt thì dù mình đi đâu ở đâu mình cũng tốt. Dù người khác có chê hay khen, ta vẫn tốt. Nếu ta không đủ tốt, khi có ai chê bai ta nổi giận nổi khùng và khi có ai khen nịnh ta vui lòng khoái chí.

Lúc đó tôi đã suy xét nhiều về điều này và đã tìm thấy điều đó là đúng, đúng đến tận bây giờ. Sự tốt lành phải được tìm thấy ngay bên trong mình. Ngay khi tôi nhìn thấy điều này, cảm giác muốn bỏ đi khỏi những bạn tu đã biến mất hoàn toàn. Về sau đó, đôi khi những cảm giác đó lại khởi sinh thì tôi cũng lập tức buông bỏ cảm giác đó. Khi nó khởi sinh, tôi rõ biết về nó, tôi giữ chắc sự tỉnh giác về nó. Nhờ vậy tôi có được một nền tảng vững vàng. Khi tôi ở đâu, dù ai có chê bai hay nói này nói nọ, tôi sẽ quán chiếu rằng: điều quan trọng không phải là họ tốt hay xấu. Điều quan trọng là mình tốt hay xấu bên trong trái tim mình. Tốt hay xấu cũng phải được nhìn thấy ngay bên trong mình. (Nhìn vào trong thấy mình). Tuy nhiên đại đa số người tu cứ lo để ý về người khác tốt hay xấu. (Nhìn ra ngoài thấy người ta và thứ khác chứ không thấy mình).

Đừng nghĩ kiểu như: ”Bữa nay nóng quá” hay  ”bữa nay lạnh quá”, hoặc ”bữa nay này…, bữa nay nọ…”. Bữa nay có ra sao thì chỉ là cách của nó. Nhiều người thiệt vô duyên, cứ chê bai thời tiết để viện lý cho sự lười biếng của mình! Cần phải tu để nhìn thấy Giáo Pháp ngay trong bên trong chúng ta thì ta mới có được loại bình an bền chắc hơn.

Vì vậy, đối với tất cả các bạn đang ngồi đây, các bạn đã đến đây để tu tập, dù chỉ đến tu mấy ngày, cũng có rất nhiều điều sẽ khởi sinh trong tâm. Rất nhiều điều khởi sinh nhưng các bạn không ý thức rõ biết về chúng. Có nhiều ý nghĩ đúng, nhiều ý nghĩ sai… nhiều, nhiều lắm. Bởi vậy tôi nói việc tu hành là gian khó. 

Một số các bạn đã tìm thấy ít nhiều sự bình an trong khi ngồi thiền, nhưng lúc này cũng đừng vội chúc mừng bản thân mình. Tương tự, một số bạn khác nếu có bị ngu mờ bất an trong khi ngồi thiền thì cũng đừng trách than hay tự ghét bản thân mình. Nếu mọi thứ có vẻ tốt lành, đừng mừng vui chạy theo chúng, và nếu mọi thứ xuất hiện không tốt lành, cũng đừng bực bội khó chịu với chúng. Chỉ cần nhìn vào tất cả những thứ đó, nhìn vào tất cả mọi thứ tốt và xấu mà mình có. Chỉ cần nhìn chứ đừng phán xử này nọ gì hết. Nếu nó tốt lành (sướng), đừng nắm giữ nó lâu; nếu nó xấu (khổ), đừng dính chấp nó. Tốt hay xấu, sướng hay khổ đều có thể ‘cắn’ ta, vậy nên đừng nắm giữ nó chút nào. (Như cách đừng nắm đầu rắn hay đuôi rắn vậy, dính đằng nào cũng bị nó cắn). 

Việc tu tập chỉ đơn giản là ngồi, ngồi và quan sát tất cả. Những trạng thái tốt và trạng thái xấu cứ đến và đi theo bản chất tự nhiên của chúng. Mọi thứ đến và đi. Đừng khởi tâm khoái thích với một trạng thái tốt nào, cũng đừng ghét bực với một trạng thái xấu nào; chỉ cần biết rõ chúng ngay khi chúng khởi sinh và biến qua. Khi nào cần chúc mừng thì cứ mừng, nhưng một xíu thôi, đừng mừng vui hoan hỷ quá nhiều. Cũng giống như việc dạy dỗ một đứa trẻ, đôi lúc cũng cần phải khen nó một chút, nhưng đôi lúc cũng cần phải đánh đít nó. Trong việc tu hành, đôi lúc chúng ta hay trách phạt bản thân mình, nhưng đừng cứ lúc nào cũng trách, phạt và ác cảm với bản thân mình. Nếu cứ lo trách phạt bản thân mình thì chẳng bao lâu bạn sẽ thoái chí và bỏ tu luôn. Nhưng cũng đừng quá dễ dàng với bản thân mình, nuông chiều một đứa trẻ quá cũng không tốt. Hai xu hướng đó đều không phải là cách tu đúng đắn. Chúng ta phải tu tập theo con đường Trung Đạo. Con đường Trung Đạo là gì? Con đường Trung Đạo này khó đi, phải biết chịu khó cực mới tu theo được, để tu theo đó thì ta không thể dựa theo những trạng thái và tham muốn của ta, ta phải buông bỏ chúng.

Đừng nghĩ chỉ ngồi với hai mắt nhắm lại là tu. Nếu bạn đang nghĩ vậy thì lập tức thay đổi suy nghĩ ngay!. Sự tu tập đều đặn là có thái độ tu tập trong khi đang đứng, đang đi, đang ngồi và đang nằm. Khi hết giờ ngồi thiền và đứng dậy thì hãy nghĩ rằng ta chỉ thay đổi tư thế (chứ không phải hết thiền hay xả thiền gì gì đó). Nếu quán chiếu theo cách như vậy, bạn sẽ có được sự bình an. Dù bạn đang ở đâu bạn cũng có trong mình thái độ tu tập một cách đều đặn như vậy, bạn sẽ luôn có sự tỉnh giác bên trong mình. 

Mọi người thường có thói quen như vầy: sau khi hết giờ ngồi thiền buổi chiều, ai cũng giống như đã làm xong bổn phận, ai cũng quay lại thả mình vào những trạng thái khác nhau của tâm, nguyên cả ngày hôm sau cứ thả tâm đi lang thang lăng xăng theo thói thích của nó, rồi đến giờ ngồi thiền chiều hôm sau trong đầu họ chỉ toàn những ý nghĩ búa xua trong ngày, chúng ”đổ ngược” lại trong đầu họ. Như vậy là không có một nền tảng để tĩnh lặng, bởi họ đã để nó nguội lạnh suốt cả một ngày. (Thái độ duy trì tĩnh lặng và chánh niệm đã không được giữ ngoài giờ ngồi thiền, họ nghĩ chỉ khi ngồi thiền mới là tu, hết giờ thiền là hết tu). Nếu các bạn cứ tu tập theo kiểu như vậy thì tâm các bạn sẽ càng lúc càng trôi xa khỏi việc tu tập. Khi tôi hỏi một số đệ tử của tôi: ”Việc thiền tập ra sao?”. Họ nói: ”Dạ, xong rồi”. Các bạn thấy không? Họ chỉ ngồi tu được một hay hai tháng, sau đó một hai năm thì coi như xong, không tu nữa. 

Bởi vì sao? Bởi họ không đưa cái điểm quan trọng này vào việc tu tập của họ- đó là sự đều đặn và liên tục. Khi họ hết ngồi thiền họ cũng dẹp bỏ luôn sự chánh định (samādhi). Lần lần, họ cũng bắt đầu ngồi thiền trong những khoảng thời gian ngắn hơn. (Lúc đầu ngồi một giờ, sau đó nửa giờ, sau đó còn mười lăm phút, thậm chí mỗi lần chỉ vài phút). Rồi đến lúc nào đó, họ vừa bắt đầu ngồi xuống thì đã muốn kết thúc phiên thiền. Cuối cùng họ cũng chẳng thèm ngồi thiền gì nữa. Chuyện này cũng giống như việc lạy Phật. Trước kia họ cố gắng quỳ lạy tượng Phật một cách rất nghi lễ trước lúc đi ngủ, như dần dà sau này tâm họ bắt đầu chểnh mảng, thất niệm. Chỉ không lâu sau đó họ không còn lễ lạy gì nữa, họ chỉ gục cái đầu một cái để bái Phật. Cuối cùng họ cũng dẹp luôn nghi thức này. Họ đã giục bỏ toàn bộ việc tu hành.

Bởi vậy, các bạn phải hiểu rõ tầm quan trọng của sự chánh niệm (sati), phải tu tập một cách đều đặn, tu chắc chắn, tu không rớt. Sự tu tập đúng đắn là tu tập đều đặn, ổn định. Dù đang đứng, đang đi, đang ngồi hay đang nằm, sự tu tập phải liên tục. Điều này có nghĩa sự tu tập thiền tập được thực hiện trong tâm này, không phải trong thân. Nếu tâm có nhiệt huyết, tận tụy và nhiệt tình thì sẽ có được sự rõ biết về mình, tức sự tự tỉnh-giác. Tâm là thứ quan trọng. Tâm là cái giám sát tất cả mọi việc mình làm. 

Khi chúng ta hiểu biết đúng đắn thì chúng ta tu tập đúng đắn. Khi chúng ta tu tập đúng đắn thì chúng ta không bị xao lãng lan man. Ngay cả khi chúng ta làm điều gì ít thì điều đó cũng hoàn toàn đúng. Ví dụ, ngay khi chúng ta xong giờ ngồi thiền, hãy luôn nhắc mình rằng: “thực sự chúng ta không phải ngưng thiền”, chúng ta chỉ thay đổi tư thế của thân mà thôi. Tâm của ta vẫn còn tập trung và tĩnh lặng. Dù đang đứng, đang đi, đang ngồi hay đang nằm, phải luôn có chánh niệm với mình. Nếu chúng ta có loại tỉnh giác như vậy, chúng ta mới có thể duy trì sự tu tập bên trong. Đến chiều chúng ta ngồi thiền trở lại thì sự tu tập đó vẫn liên tục, không gián đoạn. Sự nỗ lực không bị gián đoạn giúp cho tâm đạt đến tĩnh lặng. 

Đây được gọi là sự tu tập đều đặn. Dù chúng ta có đang nói hay đang làm những việc khác, chúng ta vẫn cố gắng giữ sự tu tập liên tục. Nếu tâm có được sự chánh niệm và sự rõ biết (tỉnh giác) về mình một cách liên tục thì sự tu của chúng ta sẽ tiến bộ theo lẽ tự nhiên, nó càng ngày càng hội tụ vào nhau, (tức mọi sự tu tập càng ngày càng đi đúng hướng và đến đúng nơi). Tâm sẽ tự nhiên tìm thấy sự bình an, bởi nó thấy biết cái gì đúng và cái gì sai. Nó sẽ nhìn thấy mọi điều đang diễn ra bên trong chúng ta và nhận thấy sự bình an. 

Nếu chúng ta tu dưỡng giới hạnh (sīla) hay sự chánh định (samādhi, trạng thái định tâm, sự vững chắc của tâm), thì trước tiên chúng ta phải có sự hiểu biết, tức trí tuệ (paññā). Một số người cho rằng mình phải tu tập theo các bước, chẳng hạn tu dưỡng giới hạnh một năm, tu tập sự định tâm (thiền định) năm sau, và năm sau nữa tu tập trí tuệ (thiền tuệ). Họ nghĩ đó là ba phần khác nhau. Họ nghĩ năm nay họ tu dưỡng gì gì đó, nhưng nếu tâm chưa có khả năng đạt định (samādhi) thì làm sao mà tu được cái gì? Nếu không có sự hiểu biết trí tuệ (paññā) thì biết gì mà tu sửa? Không có định tâm (samādhi) hay trí tuệ (paññā) thì giới hạnh (sīla) sẽ xuống dốc. 

Thực tế thì ba phần đó diễn ra với nhau ở cùng một chỗ. Khi ta có giới hạnh thì ta có khả năng định tâm, khi có khả năng định tâm thì có khởi sinh trí tuệ. Tất cả chúng là một, giống như một trái xoài. Dù nó là còn nhỏ hay đã lớn, nó vẫn là trái xoài. Khi chín muồi nó vẫn là trái xoài. Nếu chúng ta nghĩ theo cách đơn giản như vậy thì ta có thể thấy điều đó dễ dàng hơn. Chúng ta không cần phải học quá nhiều thứ nhiều chiêu, chỉ cần biết những thứ đó, chỉ cần biết rõ sự tu tập của chúng ta. 

Khi mọi người đến với thiền, một số người không đạt được cái mình cầu, không chứng đắc cái mình muốn, cho nên họ bỏ cuộc, than rằng số mình chưa có đủ công đức để thiền tập. Họ có thể làm những điều xấu, họ cũng có tài đó, nhưng không phải tài làm những điều tốt. Họ quăng bỏ tọa cụ, nói rằng mình không có đủ căn cơ để tu thiền. Đó là cách phổ biến của những người tu, họ tự loại mình ra khỏi con đường, họ tự bỏ cuộc và mang theo những ô nhiễm của mình. 

Bữa nay các bạn đã có cơ hội đến đây để tu tập, vậy mong các bạn hiểu rằng: việc tu thiền đạt định (samādhi) dễ hay khó là do nơi các bạn, chứ không phải do trạng thái định (samādhi) là khó hay dễ. Khi tu tập, chúng ta cần có ”sự hiểu biết đúng đắn” (tức cách nhìn đúng đắn, chánh kiến, sammāditthi). Nếu cách nhìn của chúng ta là đúng đắn thì mọi việc khác cũng đúng đắn: cách nhìn đúng đắn, ý hành đúng đắn, lời nói đúng đắn, hành động đúng đắn, nghề nghiệp đúng đắn, nỗ lực đúng đắn, quán niệm đúng đắn, thiền định đúng đắn—[chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định]—đó là con đường Bát Chánh Đạo. Chánh kiến dẫn đầu, giống như con mắt nhìn khi chúng ta bước đi hay làm bất cứ điều gì. Khi có chánh kiến thì tất cả những phần khác của con đường cũng đúng đắn theo. 

Dù chuyện gì xảy ra, đừng để tâm lệch lạc khỏi đường đi. Nhìn vào bên trong chính mình bạn sẽ thấy một cách rõ rệt. Để tu tập tốt nhất, theo thiển ý của tôi, các bạn không cần phải đọc quá nhiều kinh điển. Dọn tất cả sách vở đem đi cất hết thử. Chỉ cần đọc cái tâm của mình. Các bạn trước giờ đã vùi chôn mình trong đống sách vở từ thuở mới bước chân đến trường học. Giờ đã đến lúc thu dọn những đống sách vở với đống kiến thức thế gian qua một bên, thu dọn hết mớ kinh sách, đưa vô tủ và khóa tủ lại. Giờ chỉ lo đọc cái tâm mình. 

Khi nào có thứ gì khởi sinh trong tâm, dù ta thích hay ghét, dù nó có vẻ đúng hay sai, cứ buông bỏ nó với tâm niệm: ”điều này không chắc chắn”. Bất cứ điều gì khởi sinh trong tâm: ”không chắc, không chắc”. Chỉ cần một lưỡi rìu như vậy, bạn có thể chặt nó rớt ngay, có thể chặt bỏ tất cả mọi thứ–không còn dính líu gì đến chúng.

Từ giờ đến hết tháng sau, các bạn ở lại tu trong ngôi chùa trong rừng này, các bạn hãy cố tu tiến nhiều. Các bạn sẽ nhìn thấy sự thật. Cái rìu ”không chắc chắn” này thực sự là thứ quan trọng cho các bạn. Thứ này có thể phát triển trí tuệ hiểu biết. Càng nhìn vào mọi thứ, các bạn càng nhìn thấy cái sự ”không chắc chắn” này. Sau khi bạn đã chặt đứt một thứ khởi sinh bằng cái rìu ”không chắc chắn” này, có thể thứ đó vẫn khởi sinh lại, nó lòng vòng quanh quẩn trở lại trong tâm ta. Khi nó khởi lên trở lại, bạn tiếp tục phủ tấm ‘bùa’ này lên nó luôn… ”không chắc chắn”… và chẳng bao lâu nó lại khởi sinh, nó lại nổi lên lại trong tâm… thì vẫn tiếp tục tâm niệm: ”À, không chắc chắn”. Cứ vậy. Cứ xử gọn nó như vậy! Không chắc chắn. (Bạn sẽ thấy những thứ khởi sinh chỉ giống tựa nhau, chúng đều đến rồi đi, giả tạm, giả lừa, phù du, có rồi mất, không phải là thứ gì, chẳng là gì, như bọt nước mưa; vậy nên chúng ta đâu cần chạy theo chúng nữa; chỉ nhìn thấy chúng và nhớ/niệm rõ: nó là không chắc chắn. Vừa nhìn nó là nó đã mất rồi). Bạn sẽ thấy những thứ khởi sinh chỉ giống tựa như nhau, chỉ là một thằng cha cũ cứ đến chọc phá ta tự hồi nào đến giờ, tháng này, tháng nọ, năm này, năm nọ, kể từ ngày ta mới được sinh ra…Chỉ là một gã đó cứ đến chọc ghẹo kích thích ta. Nhìn thấy rõ điều này thì bạn có thể giác ngộ được cách mọi sự diễn ra theo bản chất tự nhiên của chúng. 

Khi sự tu tập của bạn tiến bộ đến mức này rồi, thực đáng khen, thì bạn không còn dính chấp vào những cảm nhận nào nữa, bởi bạn đã biết tất cả chúng đều là không chắc chắn, không bền chắc, chẳng là cái gì thực thể, chỉ là phù du; những cảm nhận sướng khổ chỉ là những thứ đến và đi, có rồi mất. 

(Cũng như những con sóng biển lớn nhỏ xô vào bờ cát, chúng đi vào rồi rút ra, đến rồi đi, đó chẳng là gì cả, chỉ là tác động của gió từ ngàn ngàn khơi xa, chẳng liên quan gì đến bờ ta; chúng cứ cuộn sóng lên chạm đến bờ, rồi mất đi. Cứ nhìn chúng như vậy. Chỉ là bản chất đến đi sinh diệt của tự nhiên).

Bạn có để ý hiểu điều này không? Có thể bạn nhìn một cái đồng hồ và thấy nó đẹp. Đẹp quá, nên bạn bỏ tiền mua để sở hữu và ngắm nhìn…nhưng chỉ được vài ngày bạn bắt đầu thấy chán. Cây viết này đẹp quá, bạn lại dính chấp vào rắc rối, bạn mua nó về để có nó và ngắm nó. Chỉ được vài tháng bạn thấy chán nó, thấy nó cũng thường thôi. Đó, mọi sự của chúng ta là vậy đó. Đâu có gì là chắc chắn phải không? 

Nếu chúng ta nhìn thấy ‘tất cả mọi thứ trên đời đều không chắc chắn, đều là giả lập và tạm bợ’ thì giá trị của chúng đối với chúng ta sẽ mờ nhạt. 

(Ngay cả quần áo đẹp, thức ăn ngon, mỹ nhân, anh hùng… cũng là thứ không bền lâu. Đồ ăn nào ngon nhất ta ăn vài bữa cũng phát chán. Đồ ăn chỉ là đồ ăn, ngon hay ngán chỉ là do cái tâm của ta dính chấp vào đó. Bởi vậy ý kiến “đồ ăn ngon” không phải là chắc chắn. Cái sự “ta thấy ngon” cũng không phải là chắc chắn. Chẳng có gì là chắc chắn). 

Lúc này, mọi thứ đều trở thành không thực sự quan trọng đối với chúng ta, sau khi chúng ta nhìn ra bản chất thực của chúng. Vậy tại sao chúng ta còn tiếp tục nắm giữ những thứ không giá trị đó? Chúng ta giữ chúng cũng như giữ miếng giẻ rách rồi cuối cùng cũng vứt đi. (Những gì ta trân quý nắm giữ rồi cuối cùng cũng bỏ đi mà thôi). Huống hồ chi là những cảm nhận phù du có-mất trong một cái tích chưa-tắc. Chúng ta nhìn những cảm nhận cũng có cùng bản chất tự nhiên như mọi thứ khác: đến và đi, có và mất, không chắc chắn, vậy thì tâm chúng ta đâu cần phải dính chấp theo chúng để làm gì. 

Khi chúng ta hiểu rõ những cảm nhận, chúng ta hiểu rõ thế giới. Thế giới là những cảm nhận và những cảm nhận là thế giới. (Thế giới của ta là do những cảm nhận của ta). Nếu chúng ta không bị kích dẫn bởi những cảm nhận, thì chúng ta không bị kích dẫn bởi thế giới. Nếu chúng ta không bị tác dẫn bởi thế giới, thì chúng ta không bị tác dẫn bởi những cảm nhận. 

Cái tâm nhìn thấy điều đó là nó có được một nền tảng trí tuệ chắc chắn. Cái tâm như vậy sẽ không bị nhiều khó khổ. Nếu có khó khổ khởi sinh, cái tâm đó cũng tự nó xử lý được. Khi đã không còn những khó khổ thì không còn nghi ngờ. Sự bình an sẽ có mặt thay cho nghi ngờ. Đây chính là ”tu”. Nếu chúng ta thực sự tu, nó phải dẫn đến như vậy. Tu thiệt sẽ thành như vậy.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app