Chuyện Câu Cá

 

 Sau khi thọ giới theo đạo Phật, tôi bắt đầu tu tập, học hiểu và thực hành, và niềm tin đã đến. Tôi thường nghĩ về sự sống của những chúng sinh trên thế gian. Tất cả đều có vẻ đau lòng và đáng thương. Tại sao đáng thương? Tất cả người giàu có đều chết, bỏ lại nhà cao cửa rộng, bỏ lại con cháu thường tranh giành gia sản. Người nghèo chết cũng chẳng gì tốt hơn. Tôi thấy đáng thương cho cả kẻ giàu và kẻ nghèo, kẻ trí khôn ngoan và kẻ ngu si—mọi người trên thế gian đều ở cùng trên một con thuyền.

 Quán chiếu (xem xét) về đạo đức chúng ta, về tình trạng của thế gian và những sự sống của chúng sinh hữu tình, việc đó sẽ giúp tạo nên sự chán bỏ, buông bỏ và lìa bỏ những thứ ta đang mê chấp trên đời. Giáo Pháp đã tạo ra những cảm giác đó đong đầy trong tim tôi, làm thức tỉnh tôi. Bất cứ tình huống nào tôi sống, tôi luôn tỉnh thức và tỉnh giác. Điều đó có nghĩa tôi bắt đầu có được một số hiểu biết về Giáo Pháp. Tâm tôi được thắp sáng, và nhờ đó tôi nhận biết nhiều thứ, nhiều điều. Tôi trải nghiệm niềm hạnh phúc, đó là niềm vui và chân phúc trong cách sống của tôi.

 Nói nôm na, tôi cảm giác mình khác những người khác. Tôi là một người trưởng thành bình thường, và tôi có thể sống trong rừng. Tôi không thấy tiếc nuối gì hay thấy bị mất gì với lối sống như vậy. Khi tôi nhìn thấy người ta còn dính nặng vào những tham chấp và khoái lạc trần tục, tôi thấy đáng tiếc cho họ. Tôi đi đến có được niềm tin đích thực và sự tin tưởng vào con đường tu hành mà tôi đã chọn, và niềm tin này đã giúp tôi đứng vững cho đến bây giờ.

 Ở nhiều nơi bây giờ, đạo của Phật đã bị biến tướng ít nhiều. Đạo Phật là giáo lý chính thực và trực tiếp để hướng dẫn mọi người được chân thật và chánh trực, có lòng nhân từ với người và vật khác, tuy nhiên con đường đó đã bị mai một ít nhiều, thay vào đó là sự tranh chấp và phiền não ở khắp nơi. Mọi người đều lo tranh đấu cho cuộc sống, và mọi chuyện họ làm chỉ mang lại thêm khổ đau và khó khăn cho chính mình. Phật đã dạy chúng ta nên làm những chuyện có lợi lạc cho mình và cho người trong kiếp sống này, bên cạnh mục tiêu cao quý là lợi lạc về mặt tâm linh. Chúng ta nên nghe và làm theo, ngay trong bây giờ. Vấn đề là chúng ta nên tìm cho được sự hiểu biết giúp chúng ta làm việc đó, nhờ đó chúng ta sống được một đời sống tốt lành, biết sử dụng những gì mình đang có để làm việc đó, chọn cách sống nhiệt thành với nghề nghiệp chân chính. Hãy nghĩ về một đời sống có thiền tập, tức là đời sống có hoạt động tu dưỡng tâm, sống tu tập trong sự yên bình và giản dị, và từ từ phát triển thái độ buông bỏ đối với thế giới, đối với những điều bất toại nguyện của thế gian. Nếu chỉ làm được vậy, tôi nói sự tu hành của quý vị sẽ tiến bộ. Luôn nghĩ về những yếu tố tu tập (mà Đức Phật đã khéo léo chỉ bày), tự nhiên niềm vui và hạnh phúc sẽ khởi sinh. Đó là loại niềm sảng khoái thân tâm vượt trên loại khoái lạc phàm trần; người tu (thiền định) cũng đạt đến niềm sảng khoái mát rượi đến nỗi lông tóc dựng lên. Rồi sau đó ta sẽ có một cảm giác hỷ lạc và dễ chịu trong đời sống so với đời sống (không có thiền) trước đây của ta.

 Trước kia tôi có dạy cho một người tu, thực ra ông là một người tại gia đến ở lại thiền viện để học tu thiền và sống giữ tám giới (Bát trai giới) trong những ngày lễ Phật giáo ở chùa Wat Pah Pong, nhưng ‘cái tội’ là ông vẫn còn thích đi câu cá.

Tôi đã dạy, đã giải thích cho ông về việc câu cá là không đúng. Ông ta cũng thấy một số điều đúng sai, nhưng lại vẫn đi câu. Tôi lại khuyên, nhưng ông vẫn cứ đi câu. Ông nói rằng ông không giết cá, tại cá đến ăn mồi câu của ông (!). Ông lại biện hộ: “Con cá nào đã hết nghiệp làm cá, hãy đến ăn mồi câu của ta. Con cá nào còn chưa hết nghiệp làm cá, đừng đến ăn câu của ta”(!). Nhưng cá vẫn ăn câu, và ông ta thì biết gì về con cá nào và nghiệp nào. Sau đó, ông bắt đầu nhìn kỹ vào miệng cá cắn câu, chảy máu, ngáp thở, đuối sức, sắp chết, và chết. Ông cảm thấy xót thương cho kẻ bị mình giết hại. Và từ đó ông mới thôi câu cá.

 Nhưng ông ta cũng câu ếch. Ông cứ đi câu ếch về ăn thịt. Tôi đã bảo ông “Đừng làm những việc đó nữa. Nếu không ngừng được, ông hãy nhìn vào con ếch trước khi giết nó”. Khi ông nhìn vào con ếch sắp bị giết, ít nhiều ông cũng liên tưởng đến những sinh linh, những sinh vật hữu tình, và chắc lòng từ bi khởi sinh. Khi ông đến tu viện, tôi khuyên dạy ông như vậy, nhưng về nhà thì vợ ông thuyết giảng khác. “Nếu không giết ếch thì không có gì để ăn.” Ông cảm thấy khổ đau, sư thầy thì cấm giết, vợ thì bắt phải giết. Đời đúng là khổ.

 Nhưng sau đó vợ ông cũng nghe theo. Ông đi cày ruộng, hễ gặp cá, ếch ông đều tìm cách thả xuống kênh rạch. Gặp cá bị mắc lưới, ông cũng thả cá ra. Một hôm ông đến chơi nhà người bạn, nhìn thấy trong lu toàn ếch bị nhốt chờ giết thịt. Ông nhìn xung quanh không thấy ai, ông thả hết ra. Vợ người bạn biết ông là người thả nên nói rằng: “Chính thằng cha Từ Bi thả chứ không ai”. Nhưng dường như còn sót một con. Người vợ đó giết, sát muối ớt rồi đem đi nướng ăn. Bà nói rằng, từ bi là gì, ai cũng cần phải ăn để sống. Nhìn cảnh đó, ông đã quyết định đi tu luôn.

Ông được thọ giới ở một ngôi chùa làng. Sau đó ông hỏi thầy thọ giới rằng ông cần phải làm gì. Thầy thọ giới chỉ: “Nếu con thực sự đi tu nghiêm túc, con phải tập thiền. Theo học một thiền sư; không ở gần nhà cửa”. Ông ngủ một đêm và sáng mai ông từ biệt, ông hỏi đường đi đến gặp ngài Ajahn Tongrat, một thiền sư nổi tiếng lúc đó.

 Thiền sư Tongrat đón chào và khen ngợi “Lành thay! Nhiều công đức”. Rồi ngài chỉ gốc cây gần bên và nói: “Hãy bắt chước như gốc cây này. Đừng làm gì hết, chỉ cần làm theo gốc cây này”. Đó là cách ngài dạy ông ta thiền tập.

 Ông ta bắt đầu nghĩ ngợi: thiền kiểu gì đây?. Ajahn chỉ làm giống như gốc cây kia là sao? Ông cứ suy tư về điều đó ngay cả khi đứng, khi ngồi, khi nằm ngủ. Ông nghĩ bắt đầu từ hạt giống, nảy mầm, mọc lên thành cây, cây lớn lên và già đi, và cuối cùng bị chặt, chỉ còn trơ lại cái gốc cây như vậy. Không còn mọc lại nữa, chẳng còn gì hơn là một gốc cây đã chết. Ông ta cứ suy xét những điều đó, và dần dần gốc cây trở thành đối tượng thiền (đề mục thiền) của ông. Rồi ông bắt đầu suy xét (quán chiếu, quán niệm) tất cả những thứ khác trên đời, rồi hướng về bên trong bản thân mình. Rồi bắt đầu nhận ra: “Sau một quãng đời ngắn ngủi, ta rồi cũng trở thành như gốc cây kia, trở thành thứ vô dụng mà thôi”. 

 Sau khi nhận ra lẽ thật này của tất cả mọi thứ và bản thân mình, ông quyết định không còn thoái tâm bồ-đề hay hoàn tục nữa. Một khi tâm của một người đã quyết định như vậy thì không còn gì có thể ngăn cản bước đường tu hành của người đó nữa.

 Tất cả chúng ta đều giống nhau về kiếp sống này, tất cả chúng ta đều phải chết. Hãy nghĩ về điều này mà áp dụng nó vào việc tu hành. Sinh ra làm người với đầy những khó khổ. Và không phải chỉ có những khó khổ trước mắt—mà những khó khổ cho tương lai và cho cả kiếp sau. Người trẻ lớn lên, người lớn già đi, người già bệnh yếu, người bệnh yếu rồi chết đi. Cứ như vậy dòng đời diễn ra, cái chu kỳ chuyển hóa không ngừng chẳng bao giờ ngừng lại hay chấm dứt. Do vậy, Phật dạy chúng ta thiền.

 Về thiền tập, trước mắt chúng ta nên tu tập thiền định (samadhi), đơn giản có nghĩa là làm cho tâm được tĩnh tại và yên bình. Giống như nước trong chậu: nếu không giữ cho chậu nước ở yên, nếu cứ quấy động nó, nước sẽ không được tĩnh tại, bùn cặn sẽ làm nước đục mờ. Tâm cũng vậy, nếu tâm luôn bị kích thích, luôn bị quấy động bằng những thứ bên ngoài, thì tâm không được tĩnh lặng và bình yên, tâm bị vẩn đục bởi những thứ đó, và do vậy không nhìn thấy mọi sự một cách trong suốt, rõ ràng. Nếu để yên chậu nước, bùn cặn sẽ lắng xuống, nước trở nên trong suốt, và ta nhìn thấy được những gì trong đó. Nếu giữ cho tâm được tĩnh lặng, tâm sẽ trở nên bình yên và trong suốt, và nó sẽ nhìn thấy mọi sự một cách rõ ràng. Giữ cho chậu nước yên định. Giữ cho tâm được cố định và tĩnh tại vào một đối tượng thiền. Đó là thiền định. Khi tâm lắng xuống và tĩnh tại, trí tuệ sẽ khởi sinh để có thể nhìn thấy mọi sự. Ánh sáng chiếu rọi của trí tuệ vượt qua mọi thứ ánh sáng khác. (Nguyên lý căn bản của thiền là vậy).

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app