43

Món Quà Giáo Pháp

Tôi vui lòng vì ông bà đã nhân dịp này ghé đến thăm chùa Wat Pah Pong, và thăm người con trai của ông bà là một tu sĩ ở đây. Tôi xin lỗi không mang có gì để gửi tặng cho ông bà. Nước Pháp chắc chẳng thiếu thứ gì về vật chất, nhưng Giáo Pháp thì vẫn có rất ít ở đó. Tôi đã đích thân đến thăm Pháp và nhận ra ở đó không có Giáo Pháp đích thực nào để dẫn đến sự bình an và tĩnh lặng cho con người. Ở đó chỉ có những thứ làm người ta bận rộn và phiền não.

Nước Pháp đã giàu có, rất nhiều thứ vật chất để thỏa mãn các giác quan, nhiều thứ để nhìn thấy, để nghe thấy, để ngửi, để nếm và để chạm xúc. Tuy nhiên những người không biết Giáo Pháp thì cứ ngu mờ vô minh về tất cả những thứ đó. Hôm nay, tôi muốn gửi tặng ông bà món quà Giáo Pháp để mang về Pháp, coi như là món quà của chùa Wat Pah Pong và chùa Wat Pah Nanachat.

Giáo Pháp là gì? Giáo Pháp là cái có thể xuyên phá những khó khổ và những vấn đề khó khăn của nhân loại, giải trừ chúng dần dần cho đến khi chúng không còn nữa. Đó là cái được gọi là Giáo Pháp và đó là cái cần được tu học trong đời sống hàng ngày của chúng ta, để khi có những cảm nhận của tâm (tâm tưởng) khởi sinh trong ta, ta có thể xử lý chúng và vượt qua chúng.

Những khó khổ là bệnh chung của tất cả chúng ta, cho dù ta đang sống ở Thái Lan, ở Pháp, hay ở đâu. Nếu ta không biết cách giải quyết chúng, chúng ta sẽ luôn luôn bị khổ và phiền não. Cái để giải trừ những khó khổ là trí tuệ và để có được trí tuệ thì chúng ta cần phải tu tập và phát triển cái tâm.

Chủ đề để tu tập không phải là thứ gì xa vời, nó ở ngay đây, ngay trong thân tâm này của chúng ta. Người phương Tây và người Thái đều như nhau, ai cũng có một thân và tâm. Một thân và tâm ngu mờ vô minh có nghĩa là một người ngu mờ vô minh. Một thân và tâm an lạc có nghĩa là một người an lạc.

Thực ra, tâm cũng giống như nước mưa, nó tự nhiên trong suốt. Nếu ta nhỏ giọt màu xanh vào, nó sẽ chuyển thành xanh. Nếu ta nhỏ giọt màu vàng vào, nó sẽ chuyển qua vàng.

Tâm phản ứng tương tự như vậy. Khi có một cảm nhận (tâm tưởng) dễ chịu “nhỏ” vào tâm, tâm thấy dễ chịu (lạc). Khi cảm nhận là khó chịu, tâm thấy khó chịu (khổ). Tâm lúc đó bị “che mờ” vì những cảm nhận sướng và khổ, giống như nước mưa trong bị nhuốm màu xanh và vàng.

Khi nước trong tiếp xúc màu vàng, nó ngã qua màu vàng. Khi tiếp xúc màu xanh, nó chuyển qua xanh. Nó thay đổi màu sắc mọi lúc mọi nơi, tùy theo cái gì tiếp xúc với nó. Nhưng thực ra bản chất nguyên thủy của nó là trong suốt và sạch sẽ. Cái tâm nguyên thủy (tâm gốc, chân tâm) cũng như vậy, bản chất của nó vốn là trong sạch và tinh khiết và không bị che mờ vô minh. Nó không còn trong suốt và trở nên ngu mờ vì nó chạy theo những cảm nhận của tâm (những tâm tưởng); và nó bị lạc vào những trạng thái đó!

Tôi sẽ giải thích rõ hơn chỗ này. Hiện chúng ta đang ngồi trong một khu rừng yên tĩnh. Hiện không có gió và chiếc lá cây đang ở yên. Khi có gió thổi qua, lá phất phơ, chuyển động theo gió. Tâm cũng như chiếc lá. Khi nó tiếp xúc với một cảm nhận của tâm, nó cũng bị ”chuyển động” theo tính chất của cảm nhận đó. Và nếu chúng ta càng ít hiểu biết về Giáo Pháp, tâm chúng ta càng liên tục chạy theo những cảm nhận khác nhau trong từng giây khắc. Cảm giác sướng, nó ngã theo sướng. Cảm giác khổ, nó trở thành khổ. Đó là sự ngu mờ, khổ lụy liên tục và liên tục theo những cảm nhận của tâm!

Rốt cuộc con người chỉ là ngu si và tục lụy. Vì sao? Bởi vì họ chẳng hiểu biết! Họ chỉ chạy theo những trạng thái cảm nhận và không biết quan tâm đến cái tâm. Khi cái tâm không có ai quan tâm chăm sóc, nó giống như một đứa trẻ con không cha không mẹ nuôi dạy. Đứa trẻ mồ côi không có nơi nương tựa, không một nơi nương tựa, và nó rất không an toàn, dễ gặp đủ chuyện nguy hại, đau thương.

Cũng như vậy, nếu tâm không được chăm sóc, nếu không có sự tu tập, thuần dưỡng bằng sự hiểu biết đúng đắn (chánh kiến), tâm sẽ dính vào muôn vàng rắc rối, khó khổ và phiền não.

Bữa nay tôi chỉ cho ông bà một phương pháp tu tập cái tâm được gọi là kammatthāna. ”Kamma” có nghĩa là ”hành động” hay nghiệp, và ”thāna” có nghĩa là ”căn bản”. (Nghiệp căn). Trong đạo Phật đây là cách làm cho tâm được bình an và tĩnh lặng. Tùy theo quý vị dùng nó để tu tập cái tâm và dùng cái tâm đã được tu tập để điều tra xem xét cái thân.

Cá thể mỗi chúng ta gồm có hai phần: một là phần thân và hai là phần tâm. Chỉ có hai phần này. Phần chúng ta gọi là ”thân” (sắc) là phần có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Ngược lại, phần ”tâm” (danh) là phần không thể nhìn thấy bằng mắt thường, vì tâm không phải dạng sắc thể. Tâm chỉ có thể được nhìn thấy bằng ”con mắt bên trong” hay ”con mắt của tâm”. Có hai phần như vậy, thân và tâm, luôn luôn và liên tục ở trong trạng thái động vọng, không thể nào kiểm soát được. (Thân thì nếm trải khoái lạc và khổ đau của năm giác quan thân. Tâm thì chạy theo cảm nhận khoái lạc và chạy trốn cảm nhận khổ đau của năm giác quan đó. Tâm là giác quan thứ sáu, sống tục lụy theo những nhận thức sướng khổ của nó theo cảm giác sướng khổ của năm giác quan kia).

Tâm là gì? Tâm thực sự chẳng là ”cái gì” cả. Nói theo cách người phàm, nó là cái (để) cảm nhận hay nhận thức. Cái (để) cảm nhận, nhận biết, nếm trải tất cả mọi cảm nhận thuộc tâm (tâm tưởng) thì ta gọi là cái ”tâm”. Ngay lúc này có tâm. Khi tôi đang nói với quý vị, tâm nhận biết những điều tôi đang nói. Âm thanh đi vào qua tai và ta nghe được điều gì đang được nói. Cái đang trải nghiệm sự nghe thấy đó thì được gọi là cái ”tâm”.

Tâm này không có một chủ thể nào, không có một bản thể nào, không có một cái ‘ta’ nào cả. Tâm không có hình dạng, thể sắc. Nó chỉ đơn thuần trải nghiệm những hoạt động của (thuộc, trong) tâm, tất cả chỉ là vậy! Nếu chúng ta tu dạy tâm này có được cách nhìn đúng đắn (chánh kiến), tâm này sẽ không bị (có, dính) khó khổ nữa. Nó sẽ được bình an.

Tâm là tâm. Đối tượng của tâm là đối tượng của tâm. Đối tượng của tâm không phải là tâm, tâm không phải là đối tượng của tâm. Để hiểu rõ rệt về tâm và những đối tượng của tâm, chúng ta nói rằng tâm là cái nhận biết (cảm nhận, nếm trải) những đối tượng của tâm tiếp xúc vào nó.

Khi hai thứ, tâm và những đối tượng của tâm, tiếp xúc với nhau, sự tiếp xúc sinh ra những cảm giác (cảm thọ, cảm thụ). Có những cảm thọ là tốt, có cảm thọ là xấu, có cảm thọ sướng, có cảm thọ khổ, có nóng, có lạnh, có đắng, có ngọt, có khoái, có đau… đủ các loại! Nếu không có trí tuệ để xử lý (giải quyết, đối trị…) với những cảm thọ khác nhau đó, tâm sẽ bị rắc rối, ngu mờ, bất an, phiền não.

Thiền là cách phát triển (tu tập, tu dưỡng) cái tâm để tạo căn bản để khởi sinh ra trí tuệ. (Đó là lý do duy nhất và quan trọng của thiền tập). Hơi thở là một nền tảng sống thuộc thân. Phật đã dạy về phương pháp ”Chánh niệm về Hơi thở” [ānāpānasati]. Ở đây, chúng ta chọn hơi thở làm đối tượng của tâm để thiền tập. Chúng ta chọn hơi thở làm đối tượng để thiền bởi nó là đơn giản nhất và bởi nó là cốt lõi của thiền từ thời cổ xưa.

Khi có cơi hội tốt để ngồi thiền, hãy ngồi xuống, tréo chân: chân phải đặt trên chân trái, bàn tay phải đặt trên bàn tay trái. Giữ lưng thẳng. Tự nói với mình: ”Bây giờ ta phải dẹp bỏ mọi thứ gánh nặng và lo toan”. Dẹp bỏ tất cả mọi thứ, ngoài hơi thở. Ta không muốn bất cứ thứ gì có thể quấy nhiễu ta nữa. Dẹp hết mọi công việc, suy nghĩ, lo lắng.

Giờ thì cố định sự chú tâm vào hơi thở. Rồi thở vào, thở ra. Khi đang luyện tập sự tỉnh giác vào hơi thở, chúng ta đừng cố ý thở dài hay thở ngắn. Không cố thở mạnh hay thở nhẹ. Cứ để hơi thở đi vào và đi ra một cách bình thường và tự nhiên. Sự ”chánh niệm” và ”sự tự tỉnh giác về bản thân mình” khởi sinh từ trong tâm sẽ nhận biết rõ từng hơi thở vào và hơi thở ra.

(Chú tâm là hướng tâm vào đối tượng. Luôn luôn chú tâm vào đối tượng là chánh niệm (sati). Luôn luôn biết về đối tượng, luôn nhận biết đối tượng, thường biết, rõ biết về đối tượng gọi là tỉnh giác; sự tự tỉnh giác là sự luôn hiểu biết rõ ràng (sampajañña) về đối tượng.)

Thư giãn. Đừng nghĩ suy điều gì. Không cần nghĩ này nghĩ nọ. Việc duy nhất là cố định sự chú tâm vào hơi thở vào và hơi thở ra. Ta chẳng có gì để làm ngoài việc đó! Duy trì sự chú tâm cố định vào hơi thở vào và hơi thở ra khi chúng diễn ra. Tỉnh giác rõ về lúc bắt đầu, lúc giữa và lúc cuối của hơi thở. Khi thở vào, bắt đầu là ngay chóp mũi, giữa là ngay giữa ngực, và cuối là bụng. Khi thở ra thì ngược lại, bắt đầu là từ bụng, giữa là giữa ngực, và cuối là chóp mũi. Khi thở vào, luyện tập (khả năng) tỉnh giác vào hơi thở: 1, ở chóp mũi; 2, ở giữa ngực; 3, ở bụng. Khi thở ra, 1, ở bụng; 2, ở giữa ngực; 3, ở chóp mũi.

Nếu chỉ tập trung sự chú tâm vào ba điểm đó thì sẽ giải tỏa hết mọi suy nghĩ, lo lắng và động vọng. Chỉ cần không nghĩ điều gì khác! (Nguyên lý dễ hiểu là khi người đã hoàn toàn chú tâm vào một đối tượng (hơi thở) thì người đó không còn ý nghĩ nào khác, và nhờ vậy tâm được an định). Cứ giữ sự chú tâm vào hơi thở. Có lẽ những ý nghĩ vẫn còn nhiều, chúng vẫn còn xen vào trong tâm và quấy nhiễu ta. Nhưng đừng quan tâm đến nó. Cứ tiếp tục quay lại đối tượng chú tâm của mình, quay lại chú tâm vào hơi thở. Tâm có thể dính vào việc suy đoán (tò mò, điều tra, tìm hiểu) về những trạng thái của tâm ta, nhưng cứ mặc kệ nó, cứ tiếp tục luyện tập, liên tục tỉnh giác vào chỗ bắt đầu, chỗ giữa, và chỗ cuối của từng hơi thở.

Cuối cùng, tâm sẽ có khả năng luôn luôn tỉnh giác về hơi thở ở ba điểm tiếp xúc đó trong suốt thời gian ngồi thiền. Nếu chúng ta tu tập phương pháp chánh niệm này một thời gian, thân và tâm sẽ quen dần với việc thiền tập đó. Mệt mỏi sẽ biến mất. Thân cảm thấy nhẹ nhàng hơn và hơi thở sẽ càng lúc càng được tinh tế. Sự chánh niệm và sự tự tỉnh giác sẽ phòng hộ cái tâm và quan sát nó.

Chúng ta cứ tập luyện như vậy cho đến khi tâm được bình an và tĩnh lặng, đến khi nó trở thành một với hơi thở. Thành một với hơi thở có nghĩa là nó thấm hút vào hơi thở, hợp nhất vào hơi thở, nó không còn bị tách rời khỏi hơi thở. Lúc này tâm trở nên bình an và không còn ngu mờ và động vọng gì nữa. Tâm nó sẽ nhận biết rõ chỗ bắt đầu, giữa và cuối của từng hơi thở, và nó cố định một cách vững chắc vào hơi thở.

Rồi đến khi tâm đã được an định như vậy, ta cố định sự chú tâm vào hơi thở tại một điểm duy nhất là chóp mũi. Lúc này chúng ta không cần phải theo dõi hơi thở xuống tới bụng và từ bụng lên lại nữa. Chỉ tập trung vào nơi chóp mũi, nơi tiếp xúc với hơi thở vào và hơi thở ra.

Cách tu này được gọi là ”làm tĩnh lặng tâm”, làm cho tâm thư thái và bình an. Khi sự tĩnh lặng khởi sinh, tâm dừng lại; nó dừng lại với đối tượng duy nhất của nó, đó là hơi thở. Đây là cách được biết là cách làm cho tâm tĩnh lặng và bình an để từ dó phát sinh ra trí tuệ.

Đây là phần bắt đầu, là phần căn bản của việc tu tập của chúng ta. Vì là căn bản nên chúng ta cần phải luyện tập từng ngày, mỗi ngày, bất cứ khi nào có thể ngồi xuống thiền. Dù là đang ở chùa, đang ở nhà, đang ngồi ở đâu rảnh tay, đang ngồi trong xe, đang nằm, đang ngồi nghỉ mệt trên bờ biển, trong khu vườn…, quý vị hãy tỉnh giác chánh niệm và quan sát tâm một cách thường xuyên như vậy, bằng phương pháp này.

Đây là phương pháp tu tập tâm (thiền là tu tập tu dưỡng cái tâm), do vậy phương pháp này nên được tu tập trong mọi tư thế của thân. Không phải chỉ tư thế ngồi, mà đứng, đi, nằm đều có thể thiền. Mục đích là chúng ta cần biết rõ trạng thái của tâm trong từng giây phút, và, để làm được điều đó, chúng ta phải thường xuyên chánh niệm và tỉnh giác. Tâm đang sướng hay khổ? Tâm đang ngu mờ? Tâm đang bình an? Tìm cách hiểu biết tâm theo cách như vậy sẽ giúp tâm được tĩnh lặng, và khi tâm được tĩnh lặng, trí tuệ sẽ khởi sinh.

Bằng cái tâm tĩnh lặng, ta xem xét điều tra về đối tượng của thiền tập ở đây, đó là thân này, xem xét thân từ đỉnh đầu cho đến ngón chân, rồi từ ngón chân lên đến đỉnh đầu. Cứ xem xét từ trên xuống, từ dưới lên. Cứ làm như vậy. Nhìn xem và quán xét về tóc trên đầu, lông trên thân, móng tay chân, răng, da. Trong cách thiền quán như vậy, chúng ta sẽ nhìn thấy rằng toàn bộ thân này chỉ được kết tạo từ bốn ”yếu tố tứ đại”: đất, nước, gió, lửa. (Thể cứng, thể lỏng, thể khí, thể nhiệt).

Những phần cứng của thân được làm từ yếu tố đất; phần chất lỏng và chảy trong thân thuộc về yếu tố nước. Hơi thở và khí ra vào, chuyển động trong thân là thuộc yếu tố gió, và nhiệt nóng trong thân thuộc yếu tố lửa.

Kết hợp lại với nhau một cách hữu cơ, chúng tạo thành một cái ‘con người’. Tuy nhiên, nếu phân tách thân này ra thành những phần khác nhau, nó chỉ là bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa mà thôi. Đức Phật đã tuyên dạy rằng không có một cái ‘con người’, một ‘cá thể’, một ‘người’ thực sự nào bên trong thân này cả; không thực sự có cái người Thái, người Tây, một cá nhân danh tính nào cả. Sự thật rốt ráo là chỉ có bốn yếu tố tứ đại—tất cả chỉ là vậy! Chúng ta cứ quan niệm truyền kiếp rằng có một ‘con người’, một ‘cái ta’, nhưng trong hiện thực thì không tồn tại một cái gì cố định được gọi là một ‘người’ hay một cái ‘ta’ như vậy cả.

Dù có tách rời bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa, hoặc kết hợp chúng lại với nhau và đặt tên là một ‘con người’ thì tất cả chúng cũng đều là vô thường, khổ và vô ngã. Chúng là không chắc chắn, không ổn định, và luôn ở trong trạng thái luôn luôn biến đổi—không chắc chắc và ổn định trong một giây khắc nào cả!

Thân này của chúng ta là không ổn định, không chắc chắn, luôn biến đổi, luôn thay đổi một cách liên tục. Tóc biến đổi, móng tay chan biến đổi, da biến đổi—mọi thứ của thân đều biến đổi!

Tâm của chúng ta cũng vậy, nó luôn luôn thay đổi. Nó không phải là một bản thể hay một ngã cố định. Nó thực sự không phải là cái ‘ta’ hay ‘linh hồn’ của ta hay của một người nào cả, cho dù tâm có nghĩ nó là như vậy. Tâm có thể tự giết cái ‘tâm’ của nó. Tâm có thể nghĩ sướng hoặc nghĩ khổ – nghĩ về đủ thứ! Nó không ổn định. Nếu chúng ta không có trí tuệ nên tin rằng tâm này là của ta, thì nó sẽ luôn luôn đánh lừa ta liên tục. Và ta thì cứ sướng, khổ, khổ sướng liên tục vì mọi thứ, cứ như con rối bị nó giựt dây liên tục trong từng giây khắc.

Tâm này là thứ không chắc chắc. Thân này không chắc chắn. Cả hai thứ đều luôn biến đổi, vô thường. Hai thứ cộng lại trở thành nguồn khổ đau. Cả hai thứ đều không có, không chứa, không phải là một cái ‘ta’, ‘bản ngã’, hay một ‘con người’ nào cả. Như Phật đã chỉ rõ, thân tâm này không phải là một ‘con người’, hay một ‘cá thể’, hay một ‘linh hồn’ cố định, cũng không phải là ‘ta’, ‘ông A’, hay một ‘người’ nào cả. Chúng chỉ là những thứ: đất, nước, gió, lửa mà thôi. Chỉ là những yếu tố tứ đại!

Khi tâm nhìn thấy điều này, nó không còn nghĩ hay nắm giữ cái ‘ta’, không còn những ý nghĩ như ‘ta’ tốt, ‘ta’ đẹp, ‘ta’ xấu, ‘ta’ khổ, ‘ta’ sướng, ‘ta’ có, ‘ta’ như vầy, ‘ta’ như vậy…nữa. Tất cả quan niệm về một cái ‘ta’ (ngã chấp) và những điều liên quan đến ý niệm về cái ‘ta’ (thân kiến, ngã kiến) đều không còn nữa.

(Vì sao? Vì tâm đã nhìn thấy được thân này và tâm này không phải là một thứ gì cố định và thường hằng cả. Tâm này và thân này sau một giây khắc chúng đã khác rồi, nên không thể nói rằng có một cái ‘ta’ cố định bên trong thân này và tâm này).

Và khi đã nhìn thấy được điều này và hiểu được bản chất vô-ngã của thân tâm, ta sẽ nếm trải một trạng thái hòa hợp bình đẳng với tất cả mọi người, bởi ta đã nhìn thấy tất cả nhân loại về căn bản là như nhau. (Thân tâm của mọi người đều như nhau, cũng đều vô thường, khổ và vô ngã). Không có một cái ‘ta’ nào: vô ngã. Đó chỉ là những yếu tố tứ đại mà thôi.

Khi chúng ta quán xét và nhìn thấy sự vô thường, khổ, và vô ngã, thì lúc đó không còn quan niệm có một cái ‘ta’, một ‘con người’, ‘ta đây’, ‘ông ấy’, ‘chị ấy’… riêng biệt nào cả, không còn ‘ngã chấp’. Cái tâm mà nhìn thấy (giác ngộ) được sự thật này sẽ khởi sinh ra sự từ bỏ, sự chán bỏ (nibbidā), nó không còn mê chấp vào tấm thân giả lập và giả tạm này nữa. Tâm sẽ nhìn thấy tất cả mọi sự thể đều chỉ là thứ vô thường, khổ và vô ngã.

Lúc đó tâm dừng lại. Tâm là Giáo Pháp. Tham sân si sẽ dần dần giảm bớt, giảm bớt cho đến cuối cùng chúng không còn nữa, chỉ còn lại cái tâm—đó là cái tâm tinh khiết và sáng tỏ: chân tâm. Toàn bộ cách tu tập này được gọi là ”thiền tập” (hay tu thiền, thực hành thiền).

Do vậy, tôi mong muốn ông bà nhận lấy món quà Giáo Pháp này, khi về cố gắng học hiểu và quán xét trong sự sống hàng ngày của mình. Mong ông bà đón nhận món quà này của chùa Wat Pah Pong và chùa Wat Pah Nanachat, như là một sự truyền thừa của chùa gửi cho ông bà. Tất cả những tăng sĩ ở đây, gồm có người con trai của ông bà, cùng tất cả các sư thầy, thành tâm gửi tặng ông bà món quà này để mang về nước Pháp. Nó sẽ chỉ cho ông bà con đường đi đến sự bình an và sáng tỏ. Thân của quý vị có thể bất ổn, nhưng tâm thì không, nó sẽ được bình an tự tại, sau khi đã được tu tập. Dù ở đâu bạn sống vẫn có đầy những người ngu mờ và sự vô minh, bạn sẽ không bị ngu mờ bởi vì tâm của bạn không còn vô minh, tâm đã nhìn thấy rõ mọi sự như chúng là, tâm là Giáo Pháp. Đây là con đường đạo đúng đắn và khả thi.

Mong quý vị luôn nhớ được giáo lý này.

Cầu cho quý vị được an lạc và hạnh phúc.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app