Tại Sao Chúng Ta Ở Đây

 

Đến kỳ An Cư Mùa Mưa năm nay, tôi không còn nhiều sức lực, tôi không còn khỏe lắm, do vậy tôi chọn lên ở trên núi này để thở không khí trong lành. Nhiều người lên đây thăm tôi, nhưng tôi không còn tiếp đón họ được như tôi vẫn thường làm, bởi giọng nói của tôi cũng yếu đi, hơi thở cũng yếu ớt. Nhưng quý vị chắc cũng cho rằng cũng còn phúc lành, vì cái thân này vẫn còn ngồi được ở đây như quý vị đang nhìn thấy. Đây chính là điều phúc lành. Rồi chẳng bao lâu nữa quý vị sẽ không còn nhìn thấy cái thân già này nữa. Giọng nói sẽ hết, hơi thở sẽ hết. Chúng sẽ biến đi cùng với những yếu tố trợ duyên cho thân này tồn tại; giống như tất cả mọi thứ hữu vi, còn duyên hợp thì còn, hết duyên hợp thì tan rã. Đức Phật gọi đó là sự tàn hoại và tan rã (khaya-vayam) của tất cả mọi thứ có điều kiện (hữu vi) trên thế gian. 

Tất cả mọi thứ sẽ tàn hoại theo cách nào? Ví dụ như một cục nước đá. Ban đầu nó chỉ là nước…họ đông cứng nó và nó trở thành đá. Nhưng nó không kéo dài bao lâu trước khi nó tan chảy hết. Hãy lấy một cục nước đá lớn, lớn như cái máy thu âm này, và đem để ngoài nắng kia. Quý vị sẽ thấy cách nó tan hoại, cũng giống như thân thể vậy. Nó sẽ dần dần tan rã. Chẳng lâu thì nó sẽ tan chảy hết, chỉ còn như một nhúm nước. Điều này gọi là khaya-vayam—sự tàn hoại và tan rã của tất cả mọi thứ hữu vi. Đó là lẽ thật, là đường lối của tự nhiên, là quy luật. Nó đã có mặt như vậy tự bao giờ, từ ngàn xưa, hay từ khi bắt đầu có thời gian. Khi chúng ta được sinh ra, chúng ta cũng mang theo bản chất sinh diệt này vào thế gian của chúng ta, và chúng ta không bao giờ tránh nó được. Sau khi sinh là già, bệnh, và chết. Sinh, già, chết đi theo mình muôn đời muôn kiếp.

Đó là lẽ tại sao Đức Phật đã gọi mọi thứ là khaya-vayam, mọi thứ hữu vi đều tàn hoại và tan rã theo thời gian. (Hữu vi là do có các điều kiện, có các duyên hợp mà sinh ra. Có đủ duyên hợp thì sinh, hết đủ duyên hợp thì diệt). Tất cả chúng ta đang ngồi trong sảnh đường này, các sư thầy, sa-di, Phật tử tại gia, thiện nam, tín nữ, không ngoại trừ một ai đều chỉ là những ”đống đang tàn hoại”. Hiện chúng ta còn sống, còn khỏe mạnh, thì giống như cục nước đá còn cứng. Sự thực bên trong nó chỉ là nước. Do các điều kiện hữu vi mà nó đông thành nước đá, nhưng rồi theo thời gian nó bắt đầu tan chảy ra. Quý vị có thấy sự tàn hoại (già đi, yếu đi, xấu đi theo thời gian) ở bên trong bản thân mình không? Hãy nhìn vào thân này. Nó già đi từng ngày—tóc đang già đi, móng tay chân đang già đi, da đang già đi—mọi thứ trong thân đang già đi mỗi ngày!

(Nếu tất cả mọi thứ trong thân không già đi mỗi ngày thì tại sao sau mỗi tháng, mỗi năm, mỗi mười năm chúng ta thấy mình già đi so với tháng trước, năm trước, mười năm trước? Tại sao hình ta chụp nhìn lại khác với nó cách đây một tháng, một năm, mười năm. Và hình của ta chụp năm 50 tuổi thì chẳng còn giống gì so với hình ta chụp năm mười tuổi. Chúng ta già đi mỗi ngày, để đến lúc 60, 70 tuổi lưng khòm, da nhăn, chân yếu, lê lết bước đi, bệnh tật, đau khổ… và chết sau một thời gian ngắn sau đó. Sự già đi và tàn hoại mỗi ngày chính là nguyên nhân tích tụ dẫn đến sự tàn hoại và tan rã mỗi tháng, mỗi năm, mỗi mười năm, và một kiếp người.

Bản chất của thân người là vậy. Và bản chất của tất cả mọi sự vật trên thế gian cũng là vậy). 

Ta không giống ta trước đây, đúng không? Trước kia khi còn thiếu niên, ta nhỏ hơn, đúng không? Ta đã sinh trưởng và lớn lên. Nhưng khi hết trưởng thành, ta bắt đầu xuống lại, già đi, tàn hoại theo quy luật tự nhiên. Thân tàn hoại từ từ giống như cục nước đá. Rồi chẳng bao lâu, cũng như cục nước đá kia, nó tan rã hoàn toàn. Tất cả thân chúng ta đều được tạo nên bằng bốn yếu tố tứ đại: đất, nước, khí, nhiệt. Thân là sự duyên hợp của bốn thứ đất, nước, gió, nhiệt mà chúng ta gọi là một ‘con người’. Từ khởi thủy chúng ta khó mà gọi nó là gì hay thân gì, nhưng sau này ngôn ngữ của chúng ta gọi đó là một ‘con người’. Rồi chúng ta mê mẫn với thân sắc nên gọi nó là Ông, là Bà, Anh, Em, Cưng…theo giới nam hay giới nữ hay theo tuổi tác, theo thế hệ hay theo quy ước…để chúng ta nhận dạng người khác dễ dàng hơn. Nhưng đích thực ra thì nó chẳng là gì cả. Nó chỉ là đất, nước, khí, nhiệt tích hợp lại mà thôi. Khi chúng duyên hợp lại, ta gọi đó là một cái ‘con người’. Chỉ là vậy thôi. Nếu giờ chúng ta đã biết vậy thì hãy bớt mê mẫn, bớt trân quý nó. Nếu chúng ta nhìn sâu sát bên trong thân này, nó chẳng là gì, chẳng là ‘ai’ cả. 

Những thứ thuộc thể cứng trong thân như thịt, xương, da…thì thuộc yếu tố đất. Những thứ thuộc thể lỏng trong thân thể như máu, nước nhờn, tinh, dịch…thì thuộc yếu tố nước. Nhiệt độ ấm của thân thể thuộc yếu tố nhiệt (lửa). Những thứ thuộc thể khí như hơi thở, hơi tiêu hóa…thì thuộc yếu tố khí (gió). 

Ở chùa Wat Pah Pong chúng ta có một thân không phải nam không phải nữ. Có một bộ xương người treo trên sảnh đường chính. Nhìn vào đó chúng ta không thể thấy đó là nam hay nữ. Mọi người cũng thường hỏi nhau đó là xương của một người đàn ông hay đàn bà, và họ chỉ nhìn nhau không trả lời. Đó chỉ là bộ xương, thịt, da và những thứ khác đã mất rồi. 

Nhiều người vẫn ngu dốt về những điều này. Họ đến chùa Wat Pah Pong, đi vào sảnh chính, nhìn thấy bộ xương…và họ chạy ngược ra la ầm lên! Họ không dám nhìn nó. Họ sợ, họ sợ những xương người. Tôi nhận ra rằng những người đó chưa bao giờ nhìn vào bản thân mình. Họ sợ xương, họ không biết quán xét suy xét về giá trị của bộ xương. Không có xương làm sao họ có thể đi bộ hay bước lên xe để đi đến chùa? Họ có thể đi bộ hay đứng hay ngồi đây mà không có bộ xương sao? Vậy mà họ bỏ công lên xe đi xa để đến chùa Wat Pah Pong, bước vào sảnh chính thấy bộ xương họ lại sợ và bỏ chạy ra. Họ sinh ra với bộ xương họ còn đang mang đi theo, vậy mà họ lại chưa bao giờ nhìn thấy nó. Đúng ra đó là cơ duyên tốt khi họ nhìn thấy bộ xương ở đây. Ngay cả những người già nhìn thấy bộ xương cũng hoảng sợ…Họ có giả bộ quá đáng không vậy? Điều đó chỉ cho thấy rằng họ chưa bao giờ tiếp xúc với chính mình, họ chưa thực sự hiểu biết về chính bản thân mình. Có lẽ khi về lại nhà họ vẫn còn bị ám ảnh, mất ngủ ba hay bốn ngày vì bộ xương treo ở đây….cho đến khi họ có thể ngủ được, nhưng họ cũng luôn đang ngủ với bộ xương đó mà! Họ mặc đồ, ngồi ăn, đi, đứng, nằm, ngồi, và làm tất cả mọi việc với bộ xương đó…vậy mà họ vẫn sợ hãi với bộ xương. 

Điều đó cho thấy người ta chẳng tiếp xúc với chính mình bản thân mình. Thật đáng thương! Họ cứ luôn luôn nhìn ra ngoài, nhìn cảnh vật, cây cối, nhà cửa, nhìn người khác, nhìn này nhìn nọ, và luôn luôn nghĩ này nghĩ nọ, chấp này chấp nọ ”cái này lớn”, ”cái kia nhỏ”, ”cái này ngắn”, ”cái kia dài”… Họ rất bận rộn nhìn những thứ khác và người khác, nên chẳng bao giờ nhìn chính mình. Chân thành mà nói, con người thật là đáng thương. Họ không có chỗ nương tựa. (Chỉ sống chạy theo những thứ bên ngoài, dính theo những thứ bên ngoài, chấp sướng chấp khổ theo mọi thứ bên ngoài, quên mình theo cảnh theo vật).

Trong lễ thọ giới, người được thọ giới phải nghe học về 5 đối tượng (đề mục) thiền căn bản: kesā, lomā, nakhā, dantā, taco: [Tóc, lông, móng, răng, móng,  da]. Một số đệ tử và một số người trí thức bật cười khi họ nghe đến phần này trong lễ thọ giới…”Ông sư này đang thọ giáo kiểu gì vậy? Tự nhiên dạy về tóc, chúng ta đã có tóc tự bao giờ rồi mà, đâu có gì mới đâu mà học. Ông thầy không cần dạy chúng ta về tóc, chúng ta biết quá rành về nó rồi. Tại sao lúc quan trọng lại đi dạy về thứ ai cũng biết rồi?”. Những người ngu mờ thì thường nói vậy, họ nghĩ rằng họ đã biết rành về tóc. Tôi nói với họ rằng khi tôi nói ”nhìn thấy tóc” thì ý tôi là nhìn thấy được tóc như nó đích thực là. Nhìn lông, móng, răng và da như chúng đích thực là. Cái tôi gọi là “nhìn”—không có nghĩa là nhìn bề ngoài hay nhìn thấy bên ngoài, mà là nhìn thấy chúng như đúng sự thật của chúng, nhìn thấy bản chất sự thật của chúng. Chúng ta không nên vội tin hay cả tin về mọi thứ nếu chúng ta chưa nhìn thấy chúng đích thực như chúng là. Tóc, lông, móng, răng, da…chúng thực sự là gì? Chúng đẹp? Chúng sạch sẽ? Chúng có thực là một thứ gì không? Chúng có chắc chắn không? Không! chúng chẳng là thứ gì như vậy. Chúng không đẹp đẽ, nhưng chúng ta coi chúng đẹp. Chúng không là cái gì cả, nhưng chúng ta coi chúng là thứ gì đó quan trọng. Chúng cũng tàn hoại theo ngày tháng, nhưng chúng ta nghĩ chúng cứ mãi như vậy. 

Tóc, lông, móng, răng, da… con người bị cuốn hút vào những thứ này. (Con người dính vào sắc dục và dục lạc cũng vì những thứ này trên thân người). Đức Phật đã đưa những thứ này thành những đề mục căn bản để thiền tập, Phật đã dạy chúng ta hiểu biết về những thứ này. Chúng là biến hoại, vô thường, không hoàn hảo, và vô chủ; chúng không phải là cái ‘ta’ hay ‘của ta’, là ‘ai’ hay ‘của ai’ gì gì hết. Chúng ta được sinh ra với sự si mê mù quáng vào những thứ sắc thân này, nhưng đích thực chúng chỉ là giả tạm và đánh lừa chúng ta. Giả sử chúng ta không tắm một tuần, chúng ta có dám đứng gần nhau không? Chúng ta thực sự bốc mùi hôi. Khi người ta đổ nhiều mồ hôi, mùi mồ hôi cũng khai hôi. Nhưng khi về nhà dùng xà-bông để tẩy rửa, mùi xà bông lấn át mùi mồ hôi, tạo cho da có mùi thơm. Mùi thơm tạm thời đó chỉ là do nhờ xà-bông, chứ thực sự bản thân da thịt chúng ta luôn luôn tiết ra mồ hôi có mùi hôi. Khi nào hết mùi xà bông và chúng ta sinh hoạt trở lại và mồ hôi lại tiết ra, mùi hôi của thân thể ta sẽ có lại như cũ. 

Bây giờ chúng ta vẫn tưởng rằng thân thể của chúng ta là đẹp đẽ, đáng quý, trường tồn và luôn khỏe mạnh. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng chúng ta chẳng bao giờ già đi, sẽ không bị bệnh tật hoặc không chết. Chúng ta bị đánh lừa và mê hoặc bởi sắc thân (của mình và của người), và do vậy chúng ta ngu mờ, không thực sự biết cái gì là nơi nương tựa đích thực. Nơi nương tựa đích thực chính là tâm. Tâm mới là nơi nương tựa thực sự của chúng ta. Cái sảnh đường này là khá lớn rộng, nhưng nó không thể là nơi nương tựa đích thực của chúng ta. Chim bồ câu cũng đến nương ở, tắc-kè cũng ở, thằn lằn và nhện cũng đến ở…Chúng ta có thể nghĩ rằng sảnh đường này là của chúng ta, nhưng nó không phải. Chúng ta sống với nhau ở đây  cùng với mọi thứ khác. Đây chỉ là nơi che chở tạm bợ, nơi chúng ta ngồi đây trong một thời gian, rồi sau đó chúng ta lại rời khỏi nó. Nhưng nhiều người lại lấy sảnh đường này hay chùa này hoặc nơi ở làm nơi nương tựa. Điều đó là không đúng. Những nơi đó không phải là nơi nương tựa thực sự của chúng ta.

Do vậy Đức Phật đã dạy chúng ta phải tìm nơi nương tựa của mình. Điều đó có nghĩa là đi tìm cái tâm đích thực của mình. Tâm này mới là quan trọng. Người đời thường không nhìn vào những thứ quan trọng, họ tiêu phí phần lớn thời gian cuộc đời để nhìn vào những thứ không quan trọng. Ví dụ, khi lau chùi nhà cửa, khi rửa chén…họ chỉ lo làm những việc đó một cách vô-tâm, họ không hề để ý đến trái tim và tâm của mình. Có thể tâm đang có sân giận, có thể họ đang rửa chén bát với nét mặt nhăn nhó. Sân giận, nhăn nhó là lúc đó tâm không được tốt, không trong sạch, nhưng họ không chịu nhìn vào tâm. Thói quen này tôi gọi là ”chọn một nơi tạm bợ làm nơi nương tựa”. Họ lau chùi, chăm sóc, làm đẹp ngôi nhà, nhưng họ không biết chăm sóc và làm đẹp tâm mình. Họ không chịu xem xét về sự khổ. Tâm là nơi quan trọng. Phật đã dạy nên tìm nơi nương tựa ngay trong tâm này của chúng ta: Attā hi attano nātho—[Lấy chính mình làm nơi nương tựa của mình]. Còn ai nữa có thể làm nơi nương tựa của mình? Nơi nương tựa đích thực là tâm này, không phải chỗ nào khác. Bạn có thể cố gắng dựa dẫm vào những thứ khác, nhưng tất cả thứ khác đều là tạm bợ và không chắc chắn. Bạn chỉ có thể thực sự phụ thuộc vào những thứ khác (nhà cửa, thế lực, của cải, con cái, chùa chiền, sư thầy…) nếu bạn đã thực sự có nơi nương tựa bên trong chính mình. Bạn cần phải có nơi nương tựa của mình trước tiên, trước khi bạn có thể trông cậy hay phụ thuộc vào những chỗ khác, như sư thầy, gia đình, đạo hữu, bạn bè, người thân họ hàng…

Do vậy tất cả quý vị, những Phật tử tại gia và xuất gia đến viếng thăm hôm nay, xin hãy xem xét giáo lý này. Tự hỏi bản thân mình: ”Tôi là ai? Tại sao tôi có mặt ở đây?” Nhiều người không biết. Họ muốn được hạnh phúc nhưng khổ không bao giờ hết. Giàu hay nghèo, già hay trẻ đều bị khổ như nhau. Tất cả chỉ là khổ. Và tại sao? Bởi họ không có trí tuệ. Người nghèo thì bất hạnh bởi họ thiếu thốn, nghèo khó, và kẻ giàu thì bất hạnh bởi họ có quá nhiều thứ phải lo lắng, sợ mất.

Ngày trước, khi còn là một sa-di trẻ, tôi đã thuyết giảng một bài Giáo Pháp. Tôi nói về niềm hạnh phúc khi có tài sản và của cải, có nhiều người phục dịch và vân vân… Một trăm người làm đàn ông, một trăm người ở phụ nữ, một trăm con voi, một trăm con bò, một trăm con trâu…và một trăm mọi thứ! Những Phật tử tại gia liền phấn khởi đồng tình. Nhưng, bạn hãy tưởng tượng làm sao mà coi ngó, canh chừng một trăm con trâu? Hay một trăm con bò, hay một trăm người ăn kẻ ở vừa nam vừa nữ? Bạn có thể tưởng tượng làm sao bạn có thể coi ngó và canh chừng đó người, vật và của cải…? Nghe tức cười quá phải không? Người ta chẳng ai xem xét mặt trái của vấn đề. Họ có dục vọng tham muốn sở hữu mọi thứ… muốn có bò, có trâu, có người làm kẻ ở… hàng trăm cho mỗi loại. Nhưng tôi nói rằng năm mươi con bò là quá nhiều. Chỉ cần quấn dây dừa (thừng) để cột những con gia súc đó là đã quá sức rồi! Nhưng mọi người chẳng ai để ý đến những việc đó, không để ý đến sự khó khổ khi có nhiều của cải và tài sản để chăm lo, coi ngó. Họ chỉ nghĩ đến sự khoái trá với cái sự có được nhiều của cải giàu có mà thôi. Họ không xem xét những rắc rối và lo toan một khi có nhiều của cải như vậy. 

Nếu chúng ta không có hiểu biết trí tuệ thì mọi thứ chung quanh ta đều là nguồn khổ. Nếu chúng ta khôn trí thì mọi thứ có thể dẫn dắt ta thoát khỏi khổ. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm… Không hẳn mắt chỉ là tốt, quý vị biết đó. Nếu đang có tâm trạng khó chịu mà nhìn thấy người khác (hoặc thứ mình không ưa) cũng có thể làm mình sân giận hoặc mất ăn mất ngủ. Hoặc có thể tâm đang tham dục nhìn cũng có thể sinh lòng yêu thương luyến ái. Yêu thương cũng là khổ. Yêu ái mà không lấy được, không có được người đó rồi lại khổ thêm vì muốn mà không được. Yêu và ghét đều là khổ, vì đều là dục vọng. Muốn có là khổ, muốn không có cũng là khổ. Muốn có được thứ gì là khổ, ngay cả khi có được thứ đó thì cũng là khổ, vì sợ mất nó, vì lo lắng cho nó, vì phải giữ gìn nó. Tính đi tính lại rốt cuộc chỉ toàn khổ. Làm sao sống cho bớt khổ? Cho dù bạn có nhà cao cửa rộng, tiền tài dư thừa, nhưng nếu tâm bạn không tốt thì nó sẽ chẳng thể nào mang lại hạnh phúc hay sự bớt khổ như bạn mong cầu. 

Do vậy, chúng ta nên nhìn vào chính mình. Tại sao chúng ta được sinh ra? Chúng ta có thực sự đạt đến điều gì trong kiếp sống này không? Ở vùng quê, người ta bắt đầu làm nông từ khi còn nhỏ. Khi lớn lên độ 17-18 tuổi là họ lăng xăng lấy chồng lấy vợ, họ sợ không đủ thời gian lập nghiệp. Họ bắt đầu lao động từ nhỏ để hy vọng có thể kịp làm giàu. Họ làm ruộng cho đến lúc 70-80 hay thậm chí 90 tuổi. Tôi hỏi họ, từ lúc sinh ra đến giờ họ cứ lo làm lụng như vậy; bây giờ là lúc gần đất xa trời, họ có gì để mang theo với mình? Họ chẳng biết trả lời ra sao. 

Còn nữa, khi còn trẻ họ nghĩ rằng sống một mình thì buồn, thiếu đôi thiếu cặp, không tốt. Nên họ tìm vợ tìm chồng để cưới nhau. Cưới nhau về thành một đôi thì lại xảy ra xung khắc và bất đồng! Sống một mình thì buồn và lẻ loi, sống hai mình thì xung khắc và bất đồng. 

Khi con cái còn trẻ, cha mẹ hay nghĩ rằng: ”Khi nào chúng lớn lên chúng sẽ tốt hơn”. Họ nuôi con, một, hai hay ba, bốn đứa, họ nghĩ rằng khi chúng lớn lên gánh nặng sẽ nhẹ đi và họ bớt lo hơn. Nhưng khi con cái lớn lên, dường như gánh nặng càng nặng hơn. Rốt cuộc cũng như hai khúc cây, một lớn và một nhỏ. Giống như bạn chỉ quăng khúc cây nhỏ đi, giờ lại vác vào khúc lớn. Vậy mà nghĩ nó sẽ nhẹ hơn, nhưng thực ra là nặng nề hơn. Khi con cái còn nhỏ, coi vậy chứ chúng ít “hành” bạn hơn. Chỉ cần ít nắm cơm, trái chuối, cái gì đó để chơi đùa trong tuổi trẻ dại, là mọi sự êm vui. Giờ con cái lớn lên, chúng đòi bạn mua xe honda, xe hơi! Vậy đó, bạn thương con nên không thể từ chối và dù có khó khăn cũng cắn răng mua những thứ chúng muốn có. Vậy đó, nhưng có gia đình khó khăn, nghèo túng, hoặc suy nghĩ gì gì đó, lại ồn ào, la mắng, không đồng tình mua thứ con cái muốn. Rồi thì, phần lớn vợ chồng lại cãi vã nhau vì những chuyện đó. Sinh ra đủ chuyện ồn ào, không vui, khổ sở. Rồi thì, vì thương con, nên vợ chồng lại chạy vạy vay mượn tiền để mua thứ con cái muốn có. Thậm chí có cha mẹ không vay mượn được cũng muốn đi ăn cắp về cho con. 

Rồi về việc học hành. Chúng ta lại hay nghĩ rằng: ”Mai này con cái học hành xong thì cả nhà sẽ ổn thỏa”. Nhưng rồi cũng chẳng có kết cục gì. Chẳng bao giờ việc học kết thúc cả! Họ sẽ học xong cái gì? (Chắc cũng chỉ là học xong một nghề nghiệp và tiếp tục làm lụng, có vợ có chồng, và tiếp tục lo cho con cái…y như cha mẹ chúng đã làm cho chúng…). Chỉ có Phật giáo thì mới có điểm để kết thúc, còn những môn khoa học khác cũng chỉ dẫn dắt con người đi lòng vòng hết kiếp này kiếp khác trong vòng luân hồi sinh tử. Chẳng bao giờ là kết thúc với những sự học hành và nghề nghiệp của thế gian… Rồi cũng là tiếp tục một căn nhà với hai vợ chồng lo toan và bất đồng từng ngày và ba bốn đứa con…(Và mọi sự đời lại tiếp tục như vậy… hết đời này sang đời khác. Nếu nhìn kỹ vào từng dòng tộc hay dòng họ, những điệp khúc lo toan, khó khổ và nhàm chán cứ liên tục lập lại nối tiếp… Chỉ có khác là số người ngồi trên bàn thờ mỗi thời mỗi nhiều hơn mà thôi…)

Sự khổ đang chờ đợi trong tương lai mà chúng ta không nhìn thấy được, chúng ta cứ hay nghĩ chẳng có gì xảy ra, không có khó khổ hay đau khổ gì trong tương lai. Chờ đến khi nó xảy đến chúng ta mới biết. Loại khổ đó, loại khổ cố hữu bên trong thân thể của chúng ta, là khó nhìn thấy trước. Khi tôi còn là đứa trẻ chăn trâu, tôi dùng than củi để chà răng để cho nó sạch và trắng. Sau đó soi gương tôi thấy nó sạch và trắng đẹp. Nhưng thực ra, tôi chỉ đang bị cái ‘hàm xương’ của tôi đánh lừa mà thôi. Đến khi tôi 50-60 tuổi, hàm răng của tôi bắt đầu lung lay. Khi răng bắt đầu long rụng, nó đau đớn kinh khủng, mỗi khi ăn cái gì bạn cảm giác như bị ai đá vào miệng. Thực sự đau đớn. Tôi đã trải qua cảnh đau đó rồi. Đau quá, nên tôi đến gặp nha sĩ kêu ổng nhổ hết cái hàm răng già đau già đớn đó. Giờ tôi chỉ mang toàn răng giả. Răng thiệt của tôi đã gây quá nhiều khổ sở và đau đớn cho tôi nên tôi phải nhổ bỏ chúng đi, nhổ sạch 16 cái răng một lần. Ông nha sĩ lưỡng lự không muốn nhổ hết 16 cái răng một lần, nhưng tôi nói với ông rằng: ”Cứ nhổ sạch chúng. Tôi muốn nhổ sạch những hậu họa”. Nhờ vậy ổng nhổ hết chúng một lần. Một số răng còn tốt, ít nhất còn 5 cái tốt, nhưng tôi cứ nhờ nhổ hết một lần cho khỏi lo. Nhưng ngay cái việc nhổ hết ‘hậu họa’ đó cũng vô cùng đau đớn. Đau thiệt. Sau khi nhổ, tôi không thể ăn gì suốt mấy ngày. 

Trước kia, khi còn là đứa trẻ chăn trâu, tôi thường nghĩ rằng việc đánh răng bằng than củi là điều tuyệt vời. Tôi yêu thích và lo giữ gìn hàm răng và nghĩ rằng nó sẽ tốt hoài như vậy. Nhưng cuối cùng giờ chúng phải mất đi. Cái hàm răng đau đã gần như giết chết tôi. Tôi chịu đau đớn hàng tháng, hàng năm. Tất cả nướu răng của tôi sưng phòng như bấy bá.

Nhiều người trong quý vị sẽ tự mình nếm trải sự đau răng như vậy vào một ngày nào đó. Nếu răng quý vị vẫn còn tốt và quý vị vẫn thường xuyên đánh răng để giữ nó trắng đẹp… hãy coi chừng chúng! Coi chừng đến lúc nào đó chúng lại giở trò đau bệnh thì bạn sẽ khổ sở vì đớn đau, ê buốt.

Bữa nay tôi chỉ muốn nói quý vị biết về những điều đó… đó là sự khổ khởi sinh từ bên trong chúng ta, khởi sinh từ bên trong thân này của chúng ta. Chẳng có gì bên trong thân này mà chúng ta có thể tin cậy và nương tựa được. Khi còn trẻ mạnh thì thân không đến nỗi tồi tệ, nhưng đến khi già nó già hư, tàn hoại, bệnh đau, suy sụp, yếu ớt. Mọi thứ đều bắt đầu tàn đi và tàn hoại. Mọi thứ rồi đi đến tan rã. Những điều kiện (duyên) cứ bỏ đi theo đường lối tự nhiên của chúng. Tất cả các điều kiện hữu vi đều là vô thường và từ từ rã đám. Các duyên hợp rồi các duyên tan. Dù chúng ta cười hay khóc thì chúng cũng tan rã theo cách tự nhiên của chúng. Dù chúng ta có sống cách nào hay chết kiểu gì, chúng vẫn tan rã như vậy. Chúng không tha bất cứ ai. Và chẳng có loại trí tuệ hay khoa học nào có thể ngăn chặn tiến trình tự nhiên đó. Không ai có thể ngăn chặn sự già chết. Dù bạn có bỏ nhiều tiền đưa cho ông nha sĩ đó, ổng sẽ tìm cách trị liệu, chỉnh trang cho hàm răng đẹp đẹp một chút, nhưng rồi cuối cùng chúng cũng gãy rụng theo quy luật già chết mà thôi. Cuối cùng thì ngay chính ông nha sĩ cũng không thoát nổi cảnh hàm răng long, lay, hư, rụng đó. Cuối cùng mọi thứ đều tan rã. 

Đây là những điều chúng ta nên suy xét và quán niệm trong khi mình đang còn khỏe mạnh. Hãy cố tu tập từ lúc còn trẻ. Nếu quý vị muốn có nhiều công đức thì quý vị phải mau mau tu tập những điều đó, đừng để đến già lão rồi mới nghĩ về những điều đó. Tôi biết tẩy nhiều người nghĩ rằng chờ đến khi nào già thì sẽ vô chùa tu sửa và thực hành Giáo Pháp. Đàn ông và đàn bà đều nghĩ như vậy… ”Tôi chờ đến già tôi sẽ lên chùa đi tu”. Không hiểu sao họ nghĩ vậy và nói vậy. Người già lão thì còn gì sức lực để mà lội lên chùa đi tu và sống được ở chốn già lam xa xôi và thiếu thốn điều kiện? Sao họ không thử chạy đua với bọn trẻ để xem người già là như thế nào? Tại sao mọi người cứ hẹn, cứ chờ cho đến lúc già? Họ làm như họ sẽ không bao giờ chết vậy. Nhưng hài hước hơn nữa, khi họ đến tuổi 50-60 hay già hơn, con cháu nhắc lời: ”Này ông bà ngoại! Giờ đến lúc lên chùa đi tu!”. Đám người già lại trả lời: ”Ai đi thì cứ đi đi, hai lỗ tai của ngoại bây giờ không còn nghe được nữa, nên chắc không đi”. Quý vị thấy không? Hồi còn nghe được lại không đi tu, giờ tai bị già điếc thì lên chùa nghe ai đọc kinh giảng pháp thì nghe gì được nữa. Lúc này là vô vọng. Mọi người cứ chờ cho đến khi sức tàn lực kiệt thì mới nghĩ đến việc tu tập Giáo Pháp, nhưng già rồi thì tu tập sao cho kịp. 

Buổi nói chuyện hôm nay có thể rất hữu ích cho những ai ngồi đây nghe và hiểu được. Những điều tôi vừa nói ra quý vị nên bắt đầu xem xét, quán sát; chúng là căn bệnh di truyền bên trong thân này của chúng ta. Những thứ trong thân này càng ngày càng nặng nề hơn, càng già ta càng mang nặng chúng hơn. Ví dụ khi còn trẻ chân tôi mạnh, tôi có thể chạy. Giờ thì tôi phải nhấc lê từng bước nặng nề. Trước kia hai chân mang vác tôi, giờ tôi phải mang vác chúng rồi. Hồi còn trẻ tôi nhìn những người già đứng dậy khỏi ghế với hơi thở nặng nề và tiếng than khổ sở. Nhưng đau khổ đến như vậy mà họ vẫn không hiểu được nguyên nhân tại sao họ già khổ như vậy. 

Ngay cả đến lúc đó, hoặc đã trải qua bao nhiêu bệnh đau, người ta cũng vẫn chưa nhận ra phần khó khổ của thân này. Quý vị chẳng bao giờ biết rằng mình sẽ lìa bỏ thân này. Cái tạo ra mọi sự đau khổ của thân chính là những điều kiện trợ duyên đến lúc tan rã theo đường lối tự nhiên của chúng. (Đường lối tự nhiên là gì? Là tất cả mọi thứ đều có sinh là có diệt, có hợp là có tan. Không có thứ gì tồn tại mãi mãi. Cái ‘con người’ xưa nay trên trái đất cũng chỉ tồn tại đến 60-70 năm. Thời hiện đại, nhờ những điều kiện trợ duyên về thức ăn, chỗ ở, tiện nghi, y tế… một ‘con người’ cũng chỉ tồn tại trong vòng 80-90 năm, theo tuổi thọ trung bình hiện tại). Người ta gọi tên nhiều loại bệnh khác nhau như thấp khớp, thống phong, tiểu đường, tim mạch, và vân vân, các bác sĩ thì viết kê toa thuốc, nhưng chẳng bao giờ điều trị chấm dứt một thứ bệnh nào. Rồi cuối cùng thân này cũng tan rã, ngay cả thân của các bác sĩ! Những điều kiện trợ sinh đã dần mất đi theo quy luật tự nhiên của chúng. Đó là đường lối vận hành của chúng, đó là bản chất tự nhiên của chúng. 

Giờ hãy nhìn vào thân này. Nếu ta nhìn thấy trước về nó thì chúng ta sẽ tốt hơn, giống như chúng ta nhìn thấy trước con rắn độc từ xa. Nếu nhìn thấy nó trước, ta sẽ biết cách tránh xa nó để khỏi bị nó cắn. Nếu không nhìn thấy nó trước, ta cứ bước đi và có thể sẽ đạp lên nó. Và nó cắn ngay. 

Khi khổ đau khởi sinh, mọi người không biết phải làm gì. Tìm cách tìm chỗ để trị diệt khổ đau? Họ đều muốn tránh khổ đau, họ muốn hết khổ đau nhưng họ không biết cách trị liệu khi khổ đau khởi sinh. Và cứ như vậy, họ để mặc và cứ sống như vậy cho đến khi già…bệnh…và chết. 

Thời xưa kể rằng, khi một người bệnh sắp chết thì người con sẽ đọc niệm chữ ”Bud-dho, Bud-dho” [Đức Phật, Đức Phật] bên tai người đó. Không hiểu họ mang Đức Phật ra làm gì ở đó? Đức Phật thì giúp được gì khi họ đã sắp xuống lỗ? Tại sao họ không học Phật từ lúc còn trẻ và khỏe mạnh? Bây giờ đến khi mẹ hụt hơi thì con cái mới chới với kêu ”Mẹ ơi… Đức Phật, Đức Phật!”. Chỉ mất thời gian. Có kêu mẹ cũng chỉ làm mẹ động tâm lúc cận tử mà thôi, hãy để bà ấy ra đi yên bình. 

Người ta không hiểu cách để giải quyết khó khăn bên trong tâm họ, họ không có một nơi nương tựa. Họ dễ bị nổi giận và có quá nhiều tham muốn. Tại sao lại vậy? Tại vì họ không có nơi nương tựa. 

Khi họ mới cưới nhau, vợ chồng rất hòa hợp với nhau, nhưng đến tuổi năm mươi thì họ không còn hiểu nhau nữa.

Vợ nói một tiếng là khó nghe, chồng nói một tiếng là sinh sự. Chẳng ai nghe ai. Họ quay lưng lại với nhau. Chuyện này có thiệt trong nhiều gia đình, phải không quý vị?

Tôi chỉ đang nói không chứ thực sự tôi không có gia đình. Vì sao tôi chọn đời sống không có gia đình? Hãy coi nghĩa của chữ ”gia đình”. Tôi biết rõ ý nghĩa nó là gì. Đó là nơi bạn nắm giữ gia đình, con cái, của cải, cuộc sống của bạn. Nhưng nếu có ai vô nhà bắt bạn trói lại thì sao, thì nó trở thành một nơi bị giam cầm. Dù nghĩa chủ động hay bị động thì nơi đó cũng là một khuôn khổ, một nơi giới hạn, một nơi cầm giữ. Ở đó là một vòng giới hạn. Đàn ông sống trong vòng giới hạn đó của mình. Đàn bà sống trong vòng giới hạn đó của mình. 

Khi tôi đọc chữ gia đình tôi đã thấy ngay sự ràng buộc, giới hạn. Đó là biểu thị cho sự khổ. Bạn không còn tự do đi đâu hay làm theo ý muốn của mình, bạn phải sống trong vòng giới hạn đó (một cách tự nguyện và bắt buộc).

(‘Một cách tự nguyện’ là vì sự ràng buộc di truyền, vì lòng thương yêu con cái, vì họ là ‘nghiệp’ của bạn; và ‘một cách bắt buộc’ là vì bạn phải giữ mình trong giới hạn gia đình và làm những nghĩa vị và bổn phận bắt buộc đối với con cái và nơi đó, không được bỏ bê mọi sự bên trong gia đình đó). 

Bạn dính kẹt ở đó và không thể thoát ly đi đâu. Những vấn đề đủ thứ về con cái, về tiền bạc và về tất cả mọi thứ. Nhưng bạn chẳng trốn đi đâu được. Bạn đã bị trói chặt. Nào con cái, cháu chắt; nào vợ chồng cãi vã, con cái bất hòa; và cả đống thứ khác chồng chất kéo theo cho đến ngày chết. Chẳng có nơi nào để đi hay để thoát ly, cho dù cả đống khổ, phiền não và âu lo ở trong nơi gia đình. Bạn chỉ biết gánh chịu. Nước mắt cứ chảy dài, và chảy dài với những thăng trầm và phiền não ở nơi cuộc sống gia đình. Nước mắt không bao giờ cạn cho đến tận phút chia tay gia đình, quý vị biết rõ điều đó. Nếu không ràng buộc với gia đình có lẽ quý vị sẽ hết khóc và sẽ làm được nhiều việc khác. 

Hãy suy xét về điều này. Nếu quý vị nào chưa trải qua cảnh cuộc sống gia đình thì có thể sau này sẽ gặp khi có gia đình. Nhiều người đã trải qua ít nhiều những cảnh khổ trong gia đình. Một số đã nếm trải tận cùng khổ của những khó khổ và phiền não trong một gia đình… ”Ta ở lại nhà hay sẽ đi khỏi nhà đây?”. Ở chùa Wat Pah Pong có khoảng bảy, tám chục cái cốc (kuti). Khi tất cả đều đã kín người ở, tôi thường bảo thầy phụ trách phải luôn giữ vài cốc trống để phòng khi có người cãi lộn với vợ hay chồng rồi bỏ lên chùa ở thì họ có chỗ để mà ghé vô… Phòng xa như vậy cũng không thừa. Chỉ mấy ngày thì có một phụ nữ xách máy giỏ đồ bước vô… ”Tôi đã chán đời lắm rồi, thưa sư ông”. Tôi an ủi bà ta: ”Thôi được, đừng nói những lời quá nặng nề như vậy”. Rồi bữa sau có một ông chồng lại bỏ nhà đến chùa, ổng cũng than chán đời. Sau khi ở một vài ngày trong chùa, sự chán đời của họ biến mất. 

Họ nói họ chán đời nhưng thực chất họ chỉ đang lừa dối bản thân họ. Họ bỏ nhà lên chùa cố ở và ngồi im lặng, nhưng không được mấy chốc thì nghĩ này nghĩ nọ… ”Không biết khi nào bà vợ sẽ lên đây năn nỉ mình về nhà?”. Họ thực sự không biết họ đang làm gì. Họ ”chán đời” kiểu gì vậy? Họ bực dọc với thứ gì đó rồi bỏ nhà lên chùa. Lúc ở nhà nhìn mọi thứ đều sai quấy… chồng thấy vợ sai nên bực… hoặc vợ thấy chồng sai nên bực… sau vài ngày ngồi im lặng, họ nghĩ lại… ”Ừ, rốt cuộc vợ mình đúng chứ không sai…”, ”Ừ, ông chồng đúng chứ không sai, người sai quấy là mình”. Rồi họ đổi vai cho nhau. Bà Phật tử nghĩ lại là chồng đúng. Ông Phật tử ngẫm lại thấy vợ đúng. Vậy đó, bởi vậy tôi không bao giờ trách than cuộc đời một cách nặng nề. Tôi đã biết sự thích và sự chán cuộc đời chỉ là chốc lát; tất cả đều sống với sự tham muốn thế tục, với những ràng buộc và phiền não ở gia đình. Do vậy tôi đã chọn cuộc sống không gia đình, trở thành một thầy tu. 

Hôm nay, tôi muốn trao cho tất cả quý vị bài pháp thoại này để quý vị mang về nhà suy xét. Dù quý vị đang làm ruộng hay đang ở thành thị, hãy nhận lấy những lời này và suy xét kỹ về nó… ”Tại sao ta được sinh ra? Ta sinh ra trên đời này để làm gì? Khi chết đi ta mang theo được gì?”. Hãy hỏi chính mình nhiều lần như vậy. Nếu cứ hỏi mình như vậy, bạn sẽ trở nên trí tuệ. Nếu bạn không đặt câu hỏi, không suy xét về những điều đó, bạn sẽ mãi sống trong sự vô minh. Sau khi nghe bài nói chuyện bữa nay, có thể quý vị hiểu thêm một số điều, nhưng nếu chưa hiểu hết, quý vị về nhà suy nghĩ tiếp. Có thể khi đang ngồi nghe ở đây chiều nay, mọi thứ vẫn còn lờ mờ, chưa thấm; nhưng biết đâu khi ngồi trên xe về nhà, quý vị bỗng hiểu ra và hiểu sâu sắc về mọi điều tôi đã nói. (Nhiều người giác ngộ như vậy, nhiều người đã nhìn ra sự thật của sự sống khi đang ngồi trên chuyến đi đi qua những vùng miền của thế gian). Và khi về đến nhà, mọi điều trở nên rõ ràng với quý vị… ”Ồ, những điều vị sư thầy đã nói, sao bây giờ mình mới nhận ra, giờ mình đã hiểu!”. 

Tôi nghĩ bữa nay nói chừng đó là đã đủ. Nếu tôi nói quá lâu, cái thân già mệt mỏi này đâu còn sức chịu nổi, nó đang già yếu đi… 

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app