Hiểu về Các Hiện Tượng 

  Chúng ta không được bình an là do những nguyên nhân bên trong chúng ta. Chúng có mặt những khi ta bị che mờ bởi những hiện tượng bên ngoài và bên trong. Điều cần làm là luyện tập tâm có cách nhìn đúng đắn (chánh kiến). Chúng ta không nhìn một cách đúng đắn, do vậy chúng ta đi lạc hướng, và do vậy chúng ta cứ cảm giác mọi thứ là này là nọ, quá dài, quá ngắn, vầy tốt, vậy xấu, hơi này, hơi nọ… “Đúng đắn” có nghĩa là nhìn thấy những bản chất vô thường, khổ và vô ngã bên trong mọi thứ chúng ta trải nghiệm, bên trong thân và tâm của ta.

  Mọi thứ chỉ là như vậy, chỉ là đúng như chúng là. Nhưng do chúng ta cứ nghĩ nó như vầy, muốn nó như kia. Chúng ta nhìn mọi sự theo quan điểm (sai lệch) của mình. Chúng ta tu hành để có thể giống như Phật, “người hiểu biết thế giới”, và thế giới là những hiện tượng tồn tại như-chúng là. 

  Khi những đối tượng của tâm khởi sinh, bên trong hay bên ngoài, chúng ta gọi đó là những hiện tượng giác quan, đó là sự hoạt động của tâm. Cái ‘nhân vật’ ý thức về những hiện tượng đó thì được gọi là—ồ!, là gì cũng được; ta có thể tạm gọi nó là “tâm”. Các hiện tượng là một thứ, cái người biết về chúng là thứ khác. Tâm là tâm, pháp là pháp. Giống như mắt nhìn và hình sắc mà nó nhìn thấy là hai thứ khác nhau. Mắt không phải là những đối tượng, và những đối tượng không phải là mắt. Tai nghe thấy âm thanh, nhưng tâm không phải là âm thanh và âm thanh không phải là tai.

Mỗi khi có sự tiếp xúc của hai thứ đó, những hiện tượng xảy ra.

  Thái độ của chúng ta cho rằng năm tập hợp uẩn (khandha) của sắc thân, cảm giác, nhận thức, ý nghĩ, và tâm thức (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là quan trọng. Khi chúng ta nhìn những đống uẩn thân tâm này ngay đây, thái độ chúng ta nên là chán-bỏ và lìa-bỏ năm uẩn, bởi vì chúng chẳng hề tồn tại theo những ý muốn của ta. Theo tôi, làm được như vậy là đủ để tu hành. Khi thân và tâm còn sống, chúng ta không nên quá vui mừng đến mức quên mình. Khi chúng tan rã, chúng ta cũng không nên quá tuyệt vọng. Nhận thức được như vậy là cũng đủ tốt rồi.

  Dù chúng ta tu tập thiền định hay thiền tuệ minh sát thì thực ra cũng chỉ để nhận thức được lẽ thật này mà thôi. Nhưng thời nay, hình như tôi thấy khi những người theo đạo Phật nói về những cách tu truyền thống đó, họ nói một cách lờ mờ và lẫn lộn. Nhưng bản thân sự thật (chân lý) thì đâu có lờ mờ và lẫn lộn. Sự thật chỉ là sự thật như nó là. Do vậy, tôi nghĩ rằng tốt hơn là tìm ra nguồn gốc, nhìn vào cách mà mọi sự bắt nguồn và có mặt trong tâm. Điều này không phải là quá phức tạp, khó hiểu.

  Có câu nói, “Thế giới này của chúng sinh là không bền lâu mãi mãi, bị chi phối bởi sự già chết và vô thường”. “Chúng sinh” có nghĩa là chúng ta. Chúng ta được gọi là chúng sinh loài người. Còn có những loài chúng sinh khác, ví dụ như súc sinh, trâu bò. Nhưng đối với tất cả chúng sinh, già chết là một sự thật bên trong sự sống này, đó là sự tàn hoại của những thành tố khác nhau tạo nên thân này. Những thứ đó đều luôn thay đổi. Chúng không thể nào tồn tại thường hằng, mà phải chịu theo đường lối của các hiện  tượng có điều kiện, đó là các pháp hữu vi (sankhara). Thế giới của chúng sinh là vậy đó, và chúng ta thấy bản thân mình luôn luôn là thứ bất toại nguyện. Những cảm xúc yêu và ghét chẳng bao giờ mang lại sự thỏa mãn nào cả. Chúng ta chẳng bao giờ cảm thấy mình đã có đủ, mà luôn thấy mình bị cản trở, bị bất toại. Luôn cảm giác thế gian không nhảy múa theo ý muốn của mình trong từng giây từng phút. Nói nôm na, chúng ta là những người chưa hiểu biết đủ nhiều; chúng ta không thỏa mãn với cái ta đang là. Do vậy tâm chúng ta lăng xăng vô tận, luôn luôn bị thay đổi thành những trạng thái tốt và xấu mỗi khi nó gặp những hiện tượng khác nhau, giống như một con bò chẳng bao giờ chịu yên với cái đuôi của nó. Với một cái tâm không an định, chúng ta luôn ở trong trạng thái không thỏa mãn, dù chúng ta có trải nghiệm khổ hay sướng. (Khổ thì bất mãn, muốn sướng. Sướng thì lại muốn sướng thêm, không được thì lại bất mãn). Chúng ta trở thành nô lệ của tham muốn.

  Nô lệ là một tình trạng khổ sở. Nô lệ phải nghe theo lời của chủ, ngay cả khi chủ kêu làm những việc chết người cũng phải làm. Nhưng chúng ta thì luôn năng nổ và quyết chí nghe theo dục vọng của mình. Do những thói tâm luôn trân-quý bản thân mình (do tham muốn thỏa mãn dục vọng của mình), nên chúng ta bị điều khiển như vậy. 

  Thực ra thế giới của chúng sinh chẳng có ai điều khiển. Chính chúng ta tự điều khiển đời sống của mình, vì chúng ta có quyền quyết định làm điều gì tốt, làm điều gì xấu. Chẳng có ai làm những điều đó cho chúng ta.

  Thế giới này của chúng sinh chẳng có gì bên trong nó cả. Chẳng có gì thuộc về ai. Khi nhìn thấy điều này với tầm nhìn đúng đắn (chánh kiến), chúng ta sẽ buông bỏ sự nắm chấp của mình, buông bỏ mọi sự. Sinh ra vào trong thế giới này và nhìn ra những hữu hạn của nó, nên chúng ta cần phải làm gì đó cho lợi lạc; chúng ta tìm kiếm lợi lạc bằng cách tu tập sự hoàn thiện (parami, ba-la-mật) về mặt tâm linh.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app