Bốn Chân Lý

 

Hôm nay được thầy trụ trì ở đây mời đến để nói một bài pháp cho quý vị, vậy tôi xin mời quý vị ngồi xuống yên lặng và tập trung tâm mình. Vì cách trở về ngôn ngữ nên chúng ta dùng người phiên dịch, do vậy nếu quý vị không chú tâm nghe kỹ thì có lúc sẽ không hiểu. 

Những ngày qua tôi ở đây thật dễ chịu. Cả thầy Trụ Trì và các bạn, những đệ tử của thầy, đã rất tốt với tôi, quý vị luôn thân thiện và mỉm cười, cho thấy các bạn là những người đang tu tập Giáo Pháp đích thực. Cơ ngơi của quý vị ở đây cũng rất ấn tượng, nhưng to quá! Tôi cảm phục công sức của quý vị trong việc tu sửa nơi này trở thành một nơi để tu tập Giáo Pháp. 

Là một sư thầy đã nhiều năm, tôi đã đi qua những phần khó khăn của mình. Hiện tại có tổng cộng 40 chùa (tu viện) là các chi nhánh của Chùa Wat Nong Pah Pong, nhưng đến giờ tôi vẫn còn nhiều học trò khó dạy, tức tôi không thành công trong việc chỉ dạy cho họ. Một số họ hiểu biết nhưng chẳng thèm thực hành, một số thì không hiểu biết nhưng cũng chẳng cố học hiểu. Tôi chẳng biết làm gì với họ nữa. Tại sao con người có những cái tâm trí như vậy? Không biết, chưa biết, ngu dốt thì không tốt, nhưng ngay đến khi tôi chỉ dạy họ cũng không muốn lắng nghe. Tôi không biết có thể làm gì nữa với họ. Mọi người có đầy những hoài nghi trong thời gian tu tập, họ luôn nghi ngờ (về phương pháp tu tập, về kết quả tu tập). Tất cả họ đều muốn đi đến Niết-bàn, nhưng chẳng ai chịu bước đi con đường dẫn đến đó. Thật khó hiểu, bó tay luôn. Khi tôi nó họ tập thiền thì họ sợ sệt, hoặc ai không sợ thì lại hay ngủ gật. Phần lớn số đó chỉ làm những điều mà tôi không chỉ dạy. Khi tôi gặp thầy Trụ Trì ở đây, tôi có hỏi các đệ tử của thầy ấy ở đây ra sao. Thầy Trụ Trì nói ở đây cũng có những học trò như vậy. Đây là điều đau khổ của người làm thầy. 

Giáo lý tôi muốn nói với quý vị hôm nay là một cách giải quyết những khó khăn trong giây phút hiện tại, trong kiếp sống hiện tại. Một số người nói rằng họ bận bịu đủ thứ việc nên không thể tu tập Giáo Pháp. Họ còn hỏi rằng ”Chúng con có thể làm gì?”. Tôi bèn hỏi họ: ”Khi đang làm việc, quý vị có thở không?”. Họ trả lời tất nhiên là có. Tôi mới nói họ: ”Nếu quý vị có sự chánh niệm (sati) trong khi đang làm việc, thì quý vị có rất nhiều thời gian để tu”. 

Thiền tập thì cũng giống như thở. Khi đang làm gì chúng ta thở, khi ngủ chúng ta thở, khi ngồi chúng ta thở… Vậy tại sao nói mình không có thời gian để thở? Bởi chúng ta biết hơi thở là quan trọng, nên chúng luôn dành thời gian để thở. Tương tự vậy, nếu chúng ta biết sự quan trọng của thiền, chúng ta sẽ dành thời gian để thiền tập.

Các bạn đã từng khổ…? Các bạn đã từng sướng…? Chính ngay chỗ đó là sự thật, chính chỗ đó là chỗ bạn phải tu tập theo Giáo Pháp. Ai là cái người hạnh phúc? Tâm hạnh phúc. Ai là cái người khổ? Tâm khổ. Nơi nào có khổ sướng khởi sinh, chính nơi đó chúng ngừng diệt. Bạn đã nếm trải sự sướng…? Bạn đã nếm trải sự khổ…? Đó là vấn đề của chúng ta. Nếu chúng ta biết về sự khổ là gì, nguyên nhân của khổ là gì, sự chấm dứt khổ là như thế nào, và cách dẫn đến sự chấm dứt khổ đó, thì chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề về khổ. Dukkha tạm dịch là khổ.

Có hai loại khổ: khổ thông thường và khổ khác thường. Khổ thường là loại khổ có sẵn bên trong bản chất của mọi thứ trên đời, mọi thứ hữu vi: đứng là khổ, ngồi là khổ, nằm là khổ. Đây là bản chất khổ bên trong mọi hiện tượng có điều kiện, mọi thứ hữu vi. Bản thân Đức Phật cũng nếm trải những thứ khổ loại này, Phật cũng nếm trải sướng và khổ, và Phật đã nhìn ra chúng là những điều kiện trong tự nhiên. Phật biết cách chinh phục những cảm giác sướng khổ bình thường tự nhiên đó bằng cách hiểu rõ bản chất của chúng. Bởi Phật đã hiểu biết rõ về cái ”khổ tất nhiên này” nên những cảm giác khổ đó không làm Phật khổ sở, khó chịu hay bực tức nữa.

Loại khổ quan trọng là loại thứ hai, đó là thứ khổ gặm nhấm và xâm vào từ bên ngoài, đó là loại ”khổ khác thường”. Nếu chúng ta bị bệnh, chúng ta có thể nhờ bác sĩ tiêm thuốc trị bệnh. Khi kim đâm vào da thì bị đau ít nhiều, đó là chỉ là sự đau tự nhiên, vì tất nhiên kim đâm là phải đau. Khi rút kim ra thì hết đau. Cảm giác này giống như loại khổ thông thường, không quá hiểm thâm vào xương vào tủy, ai cũng bị đau như vậy. Còn cái khổ khác thường là thứ khổ khởi sinh từ cái gọi là upādāna, đó là khổ vì dính chấp, khổ do nắm giữ, do chấp thủ. Điều này giống như bị tiêm vào bằng thuốc độc vậy. (Thuốc ngấm vào thân thể đau đớn hơn nhiều so với cái đau của mũi kim chích vào da). Đó không còn là thứ khổ thông thường nữa, mà là sự đau đớn chết người. Đó là khổ do dính chấp, do chấp thủ. (Đó là một loại gông cùm trói buộc con người). 

Cách nhìn sai lầm, quan điểm sai lầm, suy nghĩ sai lầm, hiểu biết sai lầm (tà kiến) là nguyên nhân dính chấp. Tà kiến là không hiểu biết về bản chất vô thường biến đổi của tất cả mọi thứ trên đời. Tất cả chúng chỉ là những thứ có điều kiện, là hữu vi, cho nên khi những điều kiện vốn liên tục thay đổi  từng giây phút, thì mọi thứ cũng thay đổi trong từng giây phút. Tà kiến chính là nguyên nhân của loại khổ thứ hai. Mọi thứ hữu vi thuộc về vòng luân hồi sinh tử (samsāra). Nói cách khác, vòng luân hồi sinh tử gồm tất cả mọi thứ hữu vi, vô thường. Không ai muốn mọi thứ thay đổi (ngược với tham muốn của mình)—điều đó là ngu si và do vậy bị khổ. Chúng ta cứ cho rằng thân này chính là ‘mình’, là ‘của mình’ nên chúng ta sợ thân thay đổi, không muốn thân già đi. Vậy đó. Hãy nhìn vào hơi thở: khi nó thở vào thì nó phải thở ra, sau khi thở ra nó phải thở vào. Đây là bản chất của nó, đó là cách chúng ta sống được. Chúng ta không muốn thở ra thở vào cũng đâu được. Đó là cách các điều kiện tự nhiên phải diễn ra mà chúng ta không nhận biết đó thôi. 

Giả như chúng ta mất cái gì. Nếu chúng ta coi nó thực sự là của ta thì luôn ôm giữ lấy nó. Nếu chúng ta không biết nó là thứ có điều kiện luôn biến đổi theo quy luật tự nhiên, thì chúng ta khổ. Khổ vì không biết. Cũng như thở, ta chấp nhận quy luật tự nhiên là thở ra thở vào thì ta mới sống được, phải không? Những thứ có điều kiện phải thay đổi tự nhiên theo cách như vậy. Nhìn thấy lẽ thực đó là nhìn thấy Giáo Pháp, là nhìn thấy lẽ vô thường, đổi thay. Chúng ta sống tùy thuộc vào sự đổi thay đó. Khi chúng ta hiểu biết cách (lẽ thực, quy luật) mọi sự diễn ra thì chúng buông bỏ chúng.

Tu tập Giáo Pháp là để phát triển sự hiểu biết về đường lối của mọi thứ, nhờ đó không còn khổ. Nếu chúng ta cứ nghĩ sai lầm thì chúng ta luôn thấy xui xẻo trên đời, thấy khó hợp với Giáo Pháp và khó chịu với sự thật. Giả sử bạn bị bệnh và phải vô nhà thương. Ai cũng nghĩ ”Đừng để tôi chết, tôi muốn khỏe mạnh và sống lâu”. Đây là cách nghĩ sai lầm dẫn đến khổ sở (và sợ sệt) trong tâm. Bạn phải tự nói với mình rằng: ”Nếu tôi khỏe lại tôi khỏe lại, nếu tôi chết tôi chết”. Đây là cách nghĩ đúng đắn, bởi bạn không thể kiểm soát mọi thứ đến cùng. Nếu bạn biết nghĩ như vậy thì dù bạn hết bệnh hay bạn chết, bạn cũng không sai lầm, bạn không phải lo lắng, sợ sệt. Ai cũng muốn khỏe lại bằng mọi giá và sợ sệt khi nghĩ đến cái chết… đó là do tâm không hiểu những điều kiện của sự sống. Bạn nên hiểu như vầy ”Nếu tôi bớt bệnh thì tốt, nếu không bớt bệnh thì cũng tốt”. Nghĩ như vậy là không bị sai lầm, không còn phải sợ sệt hay khóc than, bởi chúng ta đã chuyển hóa bản thân mình vào quy luật tự nhiên của mọi thứ. (Chúng ta không còn thấy xui xẻo, không còn thấy khó chịu với sự thật). 

Phật nhìn thấy một cách rõ rệt. Giáo lý của Phật luôn luôn đúng đến tận bây giờ, không bao giờ lạc hậu. Nó không bao giờ thay đổi. Nên nếu thu nhận giáo lý đó vào mình thì chúng ta nhận được sự bình an và dễ sống. 

Trong những giáo lý của Phật có nói về sự ”không phải ta”: ”đây không phải là thân ta, nó không thuộc về ta”. Nhưng mọi người không thích nghe giáo lý này, bởi họ đang bị dính chặt với ý tưởng về một cái ta (như dạng một bản ngã hay một linh hồn vậy. Ai cũng nghĩ thân này là của ta, thân này có một một linh hồn cố định và ‘linh hồn’ đó là cái ‘ta’).

Đây chính là chỗ tạo ra mọi thứ khổ. Các bạn nên nhận biết rõ chỗ này. 

Hôm nay có một chị hỏi tôi làm sao để xử lý sự sân giận của mình. Tôi nói chị rằng lần sau thấy mình giận, chị lấy đồng hồ báo thức canh hai tiếng đồng hồ để hết cơn giận. Chị có thể nói với cơn giận như vầy: ”Trong hai tiếng phải hết giận!”. Nhưng cơn giận đâu phải là của ta đâu mà ra lệnh cho nó. Hai tiếng không hết thì nó kéo dài thêm nữa. Vấn đề là do mình nắm giữ con giận đó như là của mình cho nên mới gây ra khổ. Nếu nó là của mình thì nó đã nghe lời mình và hết giận. Nó chỉ là giả lừa. Đừng dính mắc vào nó. Dù tâm vui hay buồn, đừng dính mắc vào nó. Dù tâm đang thương hay ghét, đừng dính chấp vào nó, đó chỉ là sự đánh lừa. 

Các bạn ngồi đây đã từng giận phải không? Khi giận thấy tốt hay xấu? Nếu cảm thấy tệ vậy sao không giục bỏ nó đi, giữ nó làm gì? Làm sao bạn có thể nói mình là khôn ngoan và trí tuệ trong khi mình cứ nắm giữ những thứ đó? Kể từ lúc sinh ra tâm đã lừa bạn dính vào sự sân giận bao nhiêu lần rồi? Tâm còn khiến bạn lao vào bao nhiêu cuộc cãi vã trong gia đình, hoặc đã khiến bạn tức khóc cả đêm? và đến giờ chúng ta vẫn tiếp tục sân giận, chúng ta vẫn dính mắc vào sân giận và bị khổ vì nó. Nếu ta không nhìn thấy khổ là gì thì ta cứ chịu khổ hoài khổ mãi, không có lúc nào hết khổ hay bớt khổ. Thế giới luân hồi (samsāra) là vậy đó. Sân (và tham) cứ xui khiến chúng ta trôi mãi trong luân hồi. Nếu chúng ta biết cách chúng ta có thể giải quyết vấn đề. 

Lời Phật dạy là: không có cách gì tốt hơn để vượt qua khổ bằng sự nhìn thấy được ”đây không phải là ta”, ”đây không phải là của ta”. Đây là phương pháp tuyệt vời nhất. Nhưng chúng ta thường không chú tâm vào phương pháp này. Khi có khổ chúng ta chỉ biết than khóc chứ không học hỏi tìm hiểu coi nó là gì. Tại sao nó có mặt? Chúng ta phải nhìn một cách sâu sát vào những thứ khổ, phải tu dưỡng Phật tính, tu tập để trở thành người thấy biết sự thật, người giác ngộ. 

Một số các bạn có thể không biết đây là chính là Giáo Pháp. Giờ tôi sẽ nói một số điều ngoài kinh điển. Hầu như ai cũng đọc kinh điển nhưng không phải ai cũng nhìn ra Giáo Pháp. Hôm nay tôi sẽ nói cho các quý vị một giáo pháp bên ngoài kinh điển. Một số người nghe có thể hiểu theo nghĩa khác hoặc không hiểu.

Giả sử có hai người đang đi với nhau nhìn thấy con gà và con vịt. Một người trong họ nói: ”Sao con gà không giống vịt, sao vịt không giống gà?”. Ông ấy muốn gà là vịt và vịt là gà. Điều đó thiệt vô duyên và không thể có được. Đã là không thể có được thì dù có muốn có ước cả kiếp thì cũng chẳng được. Gà là gà, vịt là vịt. Ông ấy cứ muốn ngang như vậy thì tự ổng khổ thôi. Người kia thì thấy rõ vịt là vịt gà là gà thì mọi sự vẫn bình thường. Không khó khổ gì. Người kia nhìn một cách đúng đắn. 

Tương tự như vậy, quy luật vô thường (anicca) đã chỉ rõ rằng tất cả mọi thứ trên đời đều là vô thường. Nhưng nếu bạn cứ nghĩ (muốn, chấp) mọi thứ là thường hằng chắc chắn thì bạn sẽ khổ thôi. Mỗi khi bạn thấy cái gì thay đổi vô thường thì bạn thấy thất vọng (khổ, bất mãn, buồn rầu). Người biết được bản chất mọi thứ là vô thường thì anh ta thấy thư thả và dễ sống, không khó chịu hay xung khắc với mọi thứ trên đời. Người cứ muốn mọi thứ chắc chắn thường hằng thì luôn xung khắc và khó chịu với thế giới, cứ mất ăn mất ngủ vì điều đó. (Thường đó là dạng người cố chấp và tham lam, tham mà không được thì sân, bực tức, bất mãn, khó chịu, khó ở…). Đó là do ngu dốt không hiểu về quy luật vô thường, đó là giáo lý của Đức Phật. 

Nếu bạn muốn hiểu biết Giáo Pháp thì bạn phải nhìn ở đâu? Bạn phải nhìn vào ngay thân và tâm này. Chứ không phải nhìn lên kệ tủ đựng kinh sách. Để thực sự nhìn thấy Giáo Pháp bạn phải nhìn vào bên trong thân và tâm mình. Chỉ có hai thứ đó. Tâm thì không nhìn thấy được bằng mắt thường, nhưng có thể nhìn thấy được bằng ”con mắt của tâm”. Trước khi nhìn thấy Giáo Pháp bạn phải biết nhìn vào chỗ nào là đúng. Giáo Pháp nằm trong thân thì bạn phải nhìn vào trong thân. Và chúng ta nhìn vào trong thân này bằng cái gì? Chúng ta nhìn vào thân bằng tâm này. Chúng ta không thể tìm thấy Giáo Pháp ở chỗ nào khác, bởi sướng và khổ đều khởi sinh từ chỗ này. Hay bạn nghĩ sướng khởi sinh từ trong cây thông kia? Hay từ dưới sông, hay do thời tiết? Sướng và khổ là những cảm giác khởi sinh trong thân và tâm này của chúng ta. 

Bởi vậy Phật đã dạy chúng ta hiểu biết Giáo Pháp ngay ở đây. Giáo Pháp ở ngay đây, ta phải nhìn vào ngay đây. Nhiều sư thầy có thể dạy bạn tìm kiếm Giáo Pháp trong kinh sách, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy nó nếu bạn đã biết Giáo Pháp đích thực là ở đâu. Sau khi đọc kinh sách thì bạn phải biết soi chiếu những giáo lý đó vào bên trong mình. Lúc đó thì bạn mới hiểu biết Giáo Pháp. Giáo Pháp đích thực ở đâu? Nó có mặt ngay bên trong thân và tâm này của chúng ta. Đây là chỗ cốt lõi để chúng ta suy xét, điều tra, chánh niệm, tu tập thiền quán. 

Khi chúng ta làm cách này trí tuệ sẽ khởi sinh trong tâm. Khi đã có trí tuệ trong tâm thì chúng ta nhìn ở đâu cũng thấy được Giáo Pháp, chúng ta nhìn thấy sự vô thường, khổ và vô ngã mọi lúc mọi nơi. Vô thường (anicca, tính từ aniccam) có nghĩ là biến đổi, chỉ tồn tại chốc lát, có rồi mất, phù du). Khổ (dukkha, tính từ dukkham) là muốn mà không được, khổ vì bất như ý, nếu chúng ta dính chấp vào những thứ vô thường biến đổi thì ta khổ, bởi vì những thứ đó không phải là ta hay của chúng ta, tức chúng là vô ngã (anattā). Nhưng chúng ta không nhìn ra sự thật này, chúng ta cứ luôn nhìn mọi thứ như là ‘ta’ hay ‘của ta’. 

Điều này là do chúng ta không nhìn thấy sự thật do quy ước. Chúng ta phải hiểu biết về các quy ước. Ví dụ tất cả chúng ta ngồi đây đều có tên. Tên được sinh ra với chúng ta hay được đặt sau khi sinh? Nó được đặt sau, nó là quy ước. Tên A, tên B chỉ là quy ước để chúng ta phân biệt và gọi hai người A và B đó mà thôi. Các quy ước dĩ nhiên là rất hữu ích cho cuộc sống và xã hội. Nhưng nếu chúng ta nhìn sâu vào bên trong thì không thấy có ‘ai’ ở trong đó. Chúng ta sẽ nhìn thấy sự chuyển hóa. Trong đó chỉ có các yếu tố thuộc đất, nước, khí, nhiệt. Thân này chỉ bao gồm các thứ thuộc bốn yếu tố tứ đại đó mà thôi.

Chúng ta không nhìn thấy sự thật đó bởi chúng ta bị gông xiềng bởi sức mạnh của những dính chấp (attavādupādāna).  Nếu nhìn kỹ vào thân này, chúng ta sẽ không thấy gì giống như cái mà chúng ta định nghĩa về một ‘con người’. Trong thân, phần thể cứng là yếu tố đất, thể lỏng là yếu tố nước, phần nóng lạnh là yếu tố nhiệt, và phần thể hơi như hơi thở là thuộc yếu tố khí. Khi chúng ta phân tách thân này ra, nó chỉ bao gồm đất, nước, khí, nhiệt. Chúng ta đâu tìm thấy ‘ai’ trong đó đâu. Đó không phải là ai cả. 

Đó là lý do tại sao Phật đã nói không có sự tu tập nào cao siêu hơn việc nhìn thấy sự thật ”thân này không phải là ‘ta’ hay ‘thân của ta’, nó không thuộc về ta”. Những cái ‘ta’, ‘anh’,

‘chị’… chỉ là những quy ước. Nếu hiểu được mọi thứ chỉ là quy ước và giả tạm thì chúng ta sẽ bình an. Nếu chúng ta nhận sự thật vô thường ngay trong giây phút hiện tại, rằng mọi thứ không phải là ta hay thuộc về ta, thì khi chúng tan rã ta cũng bình an, bởi chúng đâu có thuộc về ai đâu. Chúng chỉ là những thứ thuộc đất, nước, gió, lửa mà thôi. 

Thiệt tình điều này cũng khó nhìn ra, nhưng nó cũng không phải là vượt quá khả năng nhìn nhận của chúng ta. Nếu nhìn thấy sự thật ta sẽ tìm thấy sự hài lòng, không còn nhiều tâm tính thuộc tham, sân, si nữa. Giáo Pháp luôn luôn ở trong tim chúng ta. Không còn gì để thù ghét và ghen tức nhau nữa, bởi mọi người đều chỉ là đất, nước, khí, nhiệt. Không có gì hơn ngoài những thứ đó. Khi chúng ta chấp nhận sự thật này thì chúng ta sẽ nhìn thấy sự thật trong giáo lý của Phật. 

Nếu chúng ta có thể nhìn thấy sự thật trong giáo lý của Phật thì chúng ta không cần có quá nhiều sư thầy! Không cần phải lắng nghe nhưng giáo lý đó mỗi ngày. Nhưng thực tế thì khác, điều khiến nhiều người thật khó dạy là họ không chấp nhận giáo lý, họ luôn tranh luận, tranh biện và không tin vào giáo lý. Trước mặt người thầy họ tử tế hơn, sau lưng thì họ giống như kẻ trộm! Thật là khó dạy. Người ở Thái Lan cũng vậy, cho nên họ cần phải có nhiều sư thầy. 

Hãy cẩn thận nếu không bạn không nhìn thấy Giáo Pháp. Bạn phải kỹ càng, nghe nhận giáo lý và xem xét kỹ về nó. Hoa này đẹp không?…Bạn có nhìn thấy sự xấu xí trong cái hoa này không?… Nó đẹp được mấy ngày?… Giờ nó sẽ ra sao?… Nó sẽ thay đổi…?… Sau ba ngày bạn phải lấy nó ra và quăng rác, đúng không? Nó đã mất hết vẻ đẹp, đã héo tàn. Mọi người cứ dính vào vẻ đẹp, dính vào cái tốt. Nếu cái gì tốt thì họ nhào hết vô. Phật đã dạy chúng ta coi những thứ đẹp như là thứ đẹp, nhưng đừng dính mắc vào nó. Ngay cả khi có một cảm giác sướng cũng đừng dính theo cảm giác sướng đó. Sự tốt đẹp không phải là chắc chắn, vẻ đẹp cũng không phải là thứ chắc chắn. Chẳng có gì là chắc chắn. Chẳng có thứ gì trên thế gian là một thứ chắc chắn. Đó là lẽ thật, đó là chân lý. Những thứ không thực là những thứ luôn thay đổi, ví dụ như sắc đẹp. Chỉ có một cái thực duy nhất đó là chúng luôn luôn thay đổi. Nếu chúng ta tin những thứ đẹp là thực đẹp, thì khi vẻ đẹp nó phai tàn tâm chúng ta cũng mất đi vẻ đẹp của tâm. Khi mọi thứ không còn tốt thì tâm chúng ta cũng mất đi sự tốt đẹp của nó. Khi thứ gì bị phai tàn hay hư hoại, chúng ta thấy khổ bởi chúng ta dính chấp vào chúng, coi chúng là của ta. Phật dạy chúng ta coi mọi thứ chỉ là những cấu tạo của tự nhiên. Vẻ đẹp có đó, rồi sau vài ngày nó phai tàn. Nhìn thấy điều này là có được trí tuệ.

Do vậy chúng ta nên nhìn ra lẽ vô thường. Khi thấy thứ gì đẹp, tự nhắc mình nó không phải vậy. Khi thấy thứ gì xấu, tự nhắc mình nó không phải như vậy. Cứ cố tập nhìn mọi thứ theo cách như vậy, thường xuyên quán chiếu theo cách như vậy. Chúng ta sẽ nhìn thấy sự thật bên trong những thứ không thật, nhìn thấy sự chắc chắn bên trong những thứ không chắc chắn. (Sự chắc chắn là sự vô thường, và mọi thứ không chắc chắn là những thứ vô thường). 

Hôm nay tôi giải thích cách để hiểu về khổ, về nguyên nhân tạo ra khổ, về sự chấm dứt khổ và cách dẫn đến sự chấm dứt khổ đó. (Tứ Diệu Đế). Khi bạn biết về khổ bạn phải trừ bỏ nó đi. Biết về nguyên nhân khổ, bạn phải trừ bỏ nó đi. Tu tập để nhìn thấy và đạt đến sự chấm dứt khổ. Nhìn thấy được lẽ thật “vô thường, khổ và vô ngã”, và khổ sẽ chấm dứt. 

Khi khổ chấm dứt thì chúng ta đi về đâu? Chúng ta tu hành để làm gì? Chúng ta tu tập để từ bỏ chứ không phải để được cái gì. Chiều nay có một cô nói với tôi cổ đang khổ sở. Tôi hỏi vậy cổ muốn gì, và cổ nói cổ muốn được giác ngộ. Tôi mới nói: ”Nếu có muốn được giác ngộ thì cô sẽ chẳng bao giờ giác ngộ. Đừng tham muốn gì hết”. 

Khi chúng ta biết sự thật về khổ, chúng ta trừ bỏ nó. Khi chúng ta biết nguyên nhân tạo ra khổ, thì chúng ta đừng tạo ra các nguyên nhân đó nữa, thay vì vậy tu tập để làm cho hết khổ. Việc tu tập để dẫn đến sự chấm dứt khổ là nhìn thấy rằng ”đây không phải là một cái ta”, ”đây không phải là ta, không phải là họ, không phải là cái ‘ai’ nào hết”. Nhìn thấy theo cách như vậy mới có thể làm chấm dứt khổ. Giống như việc chúng ta đi đến đích và ngừng lại. Đó là sự chấm dứt. Đó là đang gần với Niết-bàn. Nói cách khác, bước tới là khổ, bước lùi là khổ và đứng lại là khổ. Không bước tới, không bước lùi, không đứng lại…thì còn gì nữa không? Thân và tâm ngừng ở đây. Đây chính là chỗ chấm dứt khổ. Khó hiểu phải không? Nếu chúng ta chuyên cần và kiên nhẫn tìm hiểu giáo lý này chúng ta có thể chuyển hóa và đạt đến sự hiểu biết, đó là sự chấm dứt. Đây là giáo lý tột cùng của Phật, đó là điểm đích. Giáo lý của Phật kết thúc tại điểm đạt đến sự từ bỏ hoàn toàn.

Hôm nay tôi trình bày giáo lý này cho tất cả quý vị và thầy Trụ Trì. Nếu có gì sai xin hãy bỏ qua. Nhưng chúng ta không nên vội cho điều gì là đúng hay sai, hãy cố lắng nghe trước. Nếu tôi đưa cho các bạn trái cây và nói rằng nó rất ngon, bạn chỉ nên ghi nhận như vậy chứ không nên vội tin ngay bởi vì bạn chưa tự nếm nó. Giáo lý tôi nói ra hôm nay cũng vậy. Nếu bạn muốn biết “quả” của nó là ngọt hay chua, lành hay xấu, thì bạn phải cắt một lát ra ăn thử mới biết. Lúc đó bạn sẽ biết nó chua ngọt ra sao. Vậy nên cứ nhận lấy trái cây này, đừng giục bỏ nó, cứ giữ và thử nếm nó, rồi bạn sẽ tự thấy được vị của nó là gì. 

Phật không có thầy, quý vị đã biết đó. Một du sĩ từng hỏi Phật ai là thầy của Phật, Phật đã trả lời là mình không có thầy nào hết.Vị du sĩ kia lắc đầu bỏ đi. Đức Phật quá thẳng thật. Phật đã nói thiệt mà người đó không tin. Bởi vậy tôi cũng nói các bạn đừng tin vào lời tôi nói. Phật đã nói tin vào ai một cách dễ dàng là điều ngu xuẩn, bởi mình chưa tự hiểu biết. Đó là lý do tại sao Phật nói ”Ta không có thầy”. Đó là sự thật. Chúng ta phải hiểu điều này một cách đúng đắn, đừng hiểu lầm mà mất đi sự kính trọng đối với các vị thầy của bạn. Đừng có chạy ra đường và la lên: ”Tôi không có thầy”. Các bạn phải nhờ sư thầy chỉ dạy cho bạn cái gì đúng sai ra sao, và sau đó phải thực hành theo đúng vậy. 

Hôm nay là ngày hữu duyên cho tất cả chúng ta. Tôi có duyên gặp tất cả các bạn ở đây và thầy Trụ Trì. Chúng ta không ngờ có thể gặp nhau như vậy, vì chúng ta sống ở những nơi quá cách xa nhau. Tôi nghĩ chắc phải có một số nhân duyên đặc biệt giúp chúng ta gặp nhau ở đây. Phật đã nói mọi thứ đều có nguyên nhân của nó. Đừng quên điều này. Phải có nguyên nhân. Ví dụ có thể trong kiếp trước chúng ta là anh chị em trong một nhà với nhau. Điều đó có thể. Các sư thầy khác không đến, nhưng tôi đến. Bởi tại sao? Có lẽ do chúng ta đã tạo những nhân duyên mà có. Có thể như vậy. 

Tôi để lại giáo lý này cho tất cả quý vị. Quý vị hãy siêng năng và nhiệt tâm tu tập. Không có gì tốt hơn việc tu hành theo Giáo Pháp, Giáo Pháp là người hộ vệ của cả thế gian. Ngày nay còn nhiều người vẫn ngu mờ bởi họ không hiểu biết Giáo Pháp. Nếu chúng ta có được Giáo Pháp bên mình, chúng ta sẽ thấy hài lòng, dễ sống. Tôi vui mừng vì có cơ hội này để giúp các bạn và sư thầy trụ trì phát triển việc tu tập ở đây. Tôi thực sự hết lòng  mong cầu các bạn tu tập tốt. Ngày mai tôi lại ra đi, chưa biết chắc sẽ đến đâu và làm gì. Điều này chỉ là tự nhiên. Cái gì đến rồi cũng đi, có đi thì có đến. Đó là cách của thế giới. Chúng ta không nên quá vui mừng hay buồn bực với những thay đổi của thế gian. Có sướng thì có khổ; có khổ thì có sướng; có được thì có mất; có mất thì có được. Đây là cách mọi sự diễn ra. 

Thời Phật còn sống có những đệ tử không thích Phật, bởi Phật luôn thúc giục họ tu hành siêng năng, phải chú tâm tu tập. Những người lười biếng tu thì hay sợ Phật và do vậy ghét Phật. Khi Phật mất, có một số đệ tử khóc than và rầu rĩ vì họ sợ không còn Phật để chỉ dạy cho ho. Số người đó chưa đủ khôn ngoan. Một số người khác thì cảm thấy vui lòng và nhẹ nhõm vì họ không còn phải bị Phật chỉ làm như vầy như kia. Nhóm thứ ba thì bình tâm, buông xả. Họ hiểu rằng mọi thứ đến rồi đi, mọi thứ sinh rồi diệt theo đường lối tự nhiên. Có ba nhóm người như vậy. Bạn thuộc nhóm người nào? Nhóm người than khóc khi Phật mất là nhóm chưa hiểu biết Giáo Pháp. Nhóm thứ hai ghét Phật, vì bị Phật cấm làm những điều sai lạc và bị Phật thúc giục tu hành, nên họ sợ Phật quở trách. Do vậy khi Phật mất, họ thấy vui và nhẹ gánh. 

Thời bây giờ cũng không khác mấy. Có nhiều đệ tử rất ghét thầy, bề ngoài không tỏ ra, nhưng trong bụng ghét thầy. Việc đó là bình thường, vì mọi người vẫn còn nhiều ô nhiễm. Ngay cả Phật còn có người ghét mà. Tôi cũng có những đệ tử ghét tôi. Tôi kêu họ từ bỏ những hành động bất thiện nhưng họ cứ làm những điều bất thiện. Do vậy họ ghét tôi. Nhiều người lắm. Cầu chúc cho các bạn, những người thông minh, biết làm cho bản thân mình vững chắc trong việc tu tập Giáo Pháp.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app