Sinh và Trở Thành 

  Chúng ta học được sinh là khổ, nhưng điều đó không chỉ có nghĩa sinh ra rồi sau này phải chết và tái sinh vào kiếp sau. Không phải nghĩa xa xôi như vậy. Sự khổ của sinh đang diễn ra trước mắt. Ta học được rằng sự trở thành (nghiệp hữu) là nguyên nhân của sinh. Nghiệp hữu, sự trở thành hay sự hiện thành là gì?. Mọi thứ mà chúng ta dính chấp vào nó và đặt ý nghĩa cho nó được gọi là sự trở thành. Ta ràng buộc vào thứ gì và coi nó là gì đó thì nó trở thành nghiệp hữu của ta. Khi chúng ta coi thứ gì là ‘ta’, là ‘cá thể nào đó’, hoặc thuộc về ‘chúng ta’, thì đó là sự trở thành; vì ta không nhận ra ‘ta’ hay ‘chúng ta’ chỉ là những khái niệm quy ước mà thôi. Chúng ta nắm giữ (chấp thủ) thứ gì là ‘chúng ta’ hoặc ‘của chúng ta’ và thứ đó lại luôn luôn thay đổi, do vậy tâm chúng ta bị dao động. Tâm bị động với những phản ứng tích cực và tiêu cực. Chính sự trải nghiệm (cảm nhận) sướng hay khổ đó là sinh. Khi có sinh, nó mang theo khổ, bởi vì mọi thứ đều thay đổi và biến mất.

  Ngay bây giờ chúng ta có sự trở thành không? Chúng ta có ý thức (tỉnh giác) về sự trở thành đó không?. Ví dụ vườn cây. Người chủ vườn có thể tái sinh thành con sâu trong từng cây trái nếu ông ta không ý thức được về mình, nếu ông ta cứ cảm giác đích thực vườn cây ‘của ông ta’. Tâm thức chấp thủ về cái vườn cây ‘của ta’ và các cây ‘của ta’ là của con sâu ở trong đó. Nếu có một ngàn cây, ông ta có thể sẽ tái sinh thành con sâu một ngàn lần. Đó là nghiệp hữu, là sự trở thành. Khi các cây bị chặt hoặc bị hư hại, những con sâu cũng bị ảnh hưởng; tâm sẽ bị dao động và tái sinh trong sự bất an. Rồi thì có khổ của sinh, khổ của già, và tiếp nối. Bạn ý thức được cách sự sống đã diễn ra như vậy không?

  Thôi, những thứ trong nhà hay vườn cây vẫn còn hơi xa xôi. Hãy nhìn ngay vào bản thân ta đang ngồi đây. Chúng ta được cấu thành bởi năm uẩn và bốn yếu tố tứ đại. Những thứ giả tạm hữu vi (sankhara) này được ta quy nhận là cái ‘ta’, là ‘mình’. Bạn có nhìn thấy những thứ hữu vi và những quy nhận đó là không thực hay không?. Không, chúng ta không nhìn ra. Và nếu chúng ta không nhìn thấy sự thật của chúng thì điều đó sẽ tạo nghiệp hữu, tạo ra sự trở thành. Vì chúng ta quy nhận như vậy, nên chúng ta cứ (trở thành) vui-buồn, sướng-khổ với năm đống uẩn đó, và chúng ta nhận lấy sự tái sinh với tất cả mọi hệ lụy của khổ đau từ chỗ đó. Sự tái sinh xảy ra ngay lúc này, ngay bây giờ, ngay trong hiện tại. Cái ly bể ngay lúc này, và ta buồn bực ngay lúc này. Cái ly không bị bể ngay lúc này, và ta vẫn vui vẻ ngay lúc này. Chuyện xảy ra như vậy, ta cứ buồn vui một cách mù quáng. Bạn không cần phải nhìn xa trông rộng mới hiểu được lẽ này. Khi ta tỉnh giác (ý thức) về bản thân mình, ta có thể biết ta có sự trở thành (nghiệp hữu) hay không. Chính ngay chỗ sự chấp thủ, rằng ta có thực sự tin vào cái ‘ta’ hay ‘của ta’ hay không?. Sự chấp thủ chính là con sâu, và đó chính là nguyên nhân tạo ra sinh.

  Do dính chấp vào sắc thân, cảm giác, nhận thức, ý nghĩ, và tâm thức (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) nên chúng ta bị dính vào khổ và sướng, vui và buồn, dễ chịu và khó chịu…và do vậy chúng ta bị che mờ và bị tái sinh. Điều đó xảy ra ngay khi ta tiếp xúc thông qua các giác quan (các căn). Mắt nhìn thấy hình sắc và điều đó xảy ra ngay lúc này. Đó là chỗ Phật muốn chúng ta nhìn vào, để nhìn ra sự trở thành và tái sinh ngay khi chúng đang xảy ra thông qua các giác quan. Nếu chúng ta nhận biết chúng, chúng ta bỏ qua, bỏ qua các giác quan bên trong và những đối tượng bên ngoài. Sự trở thành và sinh thành có thể được nhìn thấy ngay trong hiện tại. Đó không phải là điều mà sau khi chết mới xảy ra. Đó chính là mắt nhìn thấy hình sắc ngay lúc này (tạo nghiệp hữu), tai nghe thấy ngay lúc này (tạo nghiệp hữu), mũi ngửi thấy ngay lúc này (tạo nghiệp hữu), lưỡi nếm thấy ngay lúc này (tạo nghiệp hữu). Ta có sinh cùng với chúng không?. Hãy tỉnh giác và nhận rõ về sự sinh đang xảy ra ngay lúc này.

  Vị thầy đứng đầu giáo hội Phật giáo Thái Lan trước đây có lần đi thăm Trung Quốc được người ta tặng một tách trà bằng sứ rất đẹp. Thầy ấy nghĩ mọi người ở đó chắc có lòng tin vào mình nên mới tặng mình chiếc tách đẹp như vậy. Và ngay sau khi nhận cái tách, khổ theo ngay lập tức. Thầy ấy bắt đầu lo lắng việc để nó ở đâu cho chắc chắn, an toàn. Thầy cứ lo nó sẽ bị bể.

  Trước đó thì không sao, sau khi có nó thì khổ. Thầy hoan hỷ đưa ra cho những Phật tử ở Thái Lan coi, nhưng luôn luôn nhắc nhở họ cẩn thận, sợ bị bể. “Này sư thầy hãy cẩn thận kẻo bể. Này cư sĩ kia, coi chừng bể”. Thầy khổ vì lo nó bể. Ông thầy đó bị dính mắc vào nó.

  Rất lâu sau đó, một ngày đẹp trời một sa-di cầm cái tách và bị trượt tay. Bể. Lúc đó, vị trụ trì giáo hội mới cảm thấy nhẹ nhõm, vừa được giải thoát khỏi cái tách. “À, ta đã được tự do. Ta đã khổ vì nó suốt nhiều năm qua”.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app