95

Một Chữ Cũng Là Đủ

Những gì các thầy dạy cũng không nằm ngoài ba mảng giới, định, tuệ [sīla, samādhi, paññā]; hoặc có thể nói ba phần đó là tâm rộng lượng (bố thí), đạo đức và thiền tập.

Người dân vốn còn ngu mờ. Các thầy phải nhìn vào những người mình đang dạy để hiểu họ. Ngay đó-vì họ còn ngu mờ bối rối nên các thầy phải nói ra thứ gì họ có thể liên hệ được. Cứ nói: ”Hãy tin đi, làm đi!” là không đúng. Tạm gác cách nói đó qua một bên. Ở Thái Lan nếu nói kiểu cùn cùn như vậy với họ, họ sẽ không thích. Nếu tôi nói cùn như vậy nhiều lúc họ không sao, vì họ vốn thích nghe tôi nói. Còn nếu họ nghe từ các thầy mới, nếu các thầy nói cùn cùn như vậy, có thể họ sẽ bực mình.

Các thầy có thể đã nói tốt rồi, nhưng cần phải biết khéo léo. Đúng không thầy Sumedho? Đúng vậy không?

Thầy Ajahn Sumedho: Thưa sư ông đúng vậy. Họ [các sư thầy] nói sự thật, nhưng họ chưa nói khéo léo, do đó các Phật tử tại gia không muốn lắng nghe. Một số thầy chưa có có các phương tiện thiện xảo.

Thầy Ajahn Chah: Đúng vậy. Họ chưa có ”kỹ thuật”. Họ chưa có kỹ thuật thuyết giảng. Giống như trong xây dựng-tôi có thể xây nhiều thứ, nhưng tôi không có kỹ thuật xây dựng bài bản để xây nhà cửa đẹp đẽ và bền chắc. Tôi có thể nói, ai cũng nói được, nhưng để làm thì phải có kỹ thuật đầy đủ. Nếu có kỹ thuật thuyết giảng thì dù nói một chữ cũng mang lại lợi ích cho người nghe. Nếu không thì nói gì cũng tạo ra rắc rối.

Ví dụ, người ở xứ này học thức rất nhiều. Đừng lên giọng nói họ: ”Cách của tôi là đúng! Cách của quý vị là sai!”. Đừng làm vậy. Và cũng đừng cố tỏ ra mình thâm sâu. Coi chừng có thể làm người nghe phát điên. Chỉ cần nói rằng: ”Đừng bỏ những cách mà quý vị đã học được. Nhưng tạm thời, xin quý vị hãy tạm gác chúng qua một bên và tập trung vào cách chúng ta đang tập thực hành ở đây”. Chẳng hạn như đang thực tập chánh niệm về hơi thở. Đó là cách tất cả các thầy đều có thể dạy cho họ. Chỉ cần dạy họ chú tâm vào hơi thở đi-vào và đi-ra. Chỉ cần dạy họ cách như vậy, và để họ từ từ hiểu ra cách thực hành đó có ích lợi gì. Khi các thầy đã thành thục dạy một bài nào đó thì kỹ năng dạy sẽ phát triển và sau đó các thầy có thể dạy nhiều đề tài khác nhau. Biết làm rành một thứ thì sau đó làm được những thứ khác. Điều đó tự xảy ra theo tiến trình. Nhưng nếu các thầy muốn nhảy vào dạy cho họ nhiều thứ một lần, kết quả là họ không hiểu rành được thứ nào. Nếu các thầy chỉ dạy cho họ biết rành về một thứ, dần dần sau đó họ sẽ biết rành nhiều thứ khác.

 

Giống như những người theo Thiên Chúa giáo đến đây hôm nay. Họ đã nói một điều. Họ nói một điều với trọn ý nghĩa: ”Một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp nhau ở nơi sự thật tuyệt đối”. Chỉ cần một câu này là đủ. Đó là lời nói của một người trí tuệ. Dù ta có theo đạo nào, nếu chúng ta không chứng ngộ sự thật tuyệt đối (paramattha-dhamma) trong tim ta thì ta chưa đạt đến sự hoàn mãn.

Ví dụ như thầy Sumedho dạy tôi điều gì; tôi phải nhận lấy giáo lý đó và đưa vào thực hành. Khi thầy Sumedho dạy tôi hiểu, nhưng đó chưa phải là sự hiểu biết thực thụ, bởi lúc đó tôi chưa thực hành nó. Khi tôi thực sự thực hành và chứng được kết quả, có nghĩa là tôi đã đạt đến điều đó và đã thực thụ thấy biết ý nghĩa của nó. Lúc đó tôi có thể nói tôi biết thầy Sumedho. Tôi gặp thầy Sumedho tại nơi đó. Nơi đó chính là thầy Sumedho. Bởi vì thầy ấy đã dạy điều đó, đó chính là Sumedho.

Khi tôi dạy về Đức Phật thì cách cũng giống như vậy. Tôi nói Phật chính là chỗ đó. Phật không phải ở chỗ lời dạy. Khi nghe vậy người ta ngạc nhiên (tại sao những lời Phật nói không phải là Phật?). ”Ụa không phải Phật đã dạy những lời đó hay sao?”. Thì đúng là Phật đã dạy… Nhưng đây là đang nói về sự thật tuyệt đối. Nơi sự thật tuyệt đối mới chính là Phật. Người ta chưa hiểu được ý đó.

Cái tôi hay nói với mọi người là trái táo, trái táo có thể nhìn thấy bằng mắt. Mùi vị của trái táo không phải là thứ ta có thể biết do nhìn. Ta nhìn trái táo thì biết trái táo, nhưng để thực thụ biết mùi vị của nó thì ta phải ăn nó. Nói cách như vậy người ta mới dễ nghe và dễ hiểu. Ta không thể nhìn thấy mùi vị, ta phải thực sự cắn ăn nó, nếm trải nó thì mới biết. Ta có thể nghe Giáo Pháp, nhưng để thực thụ biết được Giáo Pháp ta phải tự thực hành và chứng nghiệm nó.

Ta phải thực hành Giáo Pháp, sau đó mới thực sự hiểu biết Giáo Pháp. Mùi vị trái táo không thể được biết bằng mắt và sự thật Giáo Pháp không thể được biết bằng tai. Khi nghe ta cũng hiểu biết, đó là sự hiểu biết, nhưng nó chưa thực sự đạt đến cái thực. Người ta phải đưa nó vào thực hành. Sau đó trí tuệ sẽ khởi sinh và người tu tự mình nhận thấy sự thật rốt ráo tột cùng. Người tu nhìn thấy Phật ở đó. Đây là Giáo Pháp sâu sắc. Nhưng tôi có thể dùng ví dụ trái táo để nói cho nhóm người theo Thiên Chúa giáo hôm nay để họ dễ hiểu.

Cách nói nào nghe “mặn mà”?28. Mặn là tốt. Ngọt là tốt, chua là tốt. Có nhiều cách dạy tốt. Nếu các thầy có ý muốn nói gì, các thầy cứ nói ra hôm nay. Bởi mai mốt chúng ta đâu còn cơ hội để đàm đạo như vầy nữa…Thầy Sumedho chắc không còn gì để nói nữa phải không.

Sumedho: Thưa thầy, nhiều lúc con thấy ngán việc giảng giải cho mọi người.

Ajahn Chah: Đừng như vậy. Thầy không thể chán ngán như vậy.

Sumedho: Dạ, con sẽ cố dẹp bỏ sự chán ngán đó.

Ajahn Chah: Sư phụ còn không thể làm vậy. Rất nhiều người muốn tu hướng đến Niết-bàn, họ đang rất cần thầy.

Đôi lúc lời dạy đến rất dễ. Đôi lúc chúng ta chẳng biết nói gì. Chữ nghĩa mất tiêu và không nói được lời nào. Nhưng đôi lúc không nói được là do thầy không muốn nói, không hứng nói. Nhưng nếu chịu tu tập chỗ này cũng tốt cho thầy.

Sumedho: Mọi người ở đây khá tốt. Họ không thô thiển, không xấu bụng hay rắc rối. Những thầy tu Thiên Chúa giáo ở đây không hề ghét chúng ta. Những câu hỏi họ đặt ra là về những vấn đề theo quan niệm của họ về Chúa Trời. Họ muốn biết Chúa là gì và Niết-bàn là gì. Một số họ nghĩ rằng Phật giáo dạy về chủ nghĩa tự diệt.

Ajahn Chah: Điều đó có nghĩa sự hiểu biết của họ còn chưa chín chắn và trọn vẹn. Họ sợ mọi thứ sẽ bị chấm dứt, họ sợ thế giới sẽ đi đến chấm dứt. Họ coi Giáo Pháp như thứ trống không và mang nghĩa tự diệt, do vậy họ thấy u sầu. Cách họ nghĩ như vậy (là tiêu cực và không thực tế) chỉ dẫn đến nước mắt.

Các thầy có hình dung ra cảnh người ta sợ hãi sự ”trống không” chưa?. Các chủ nhà lật đật gom hết của cải tài sản và canh chừng sợ mất, họ giống như chuột vậy. Làm như vậy có bảo vệ họ khỏi sự trống không của sự hiện hữu hay không? Sự sống là tính không. Đến lúc nào đó họ cũng biến thành tro, mọi thứ đều mất hết. Nhưng khi còn sống họ cố ôm giữ mọi thứ, mỗi ngày đều sợ mất của, họ cố né tránh sự trống không, họ sợ không có gì. Ôm giữ mọi thứ có khổ không? Dĩ nhiên họ thực sự khổ cả đời. Đó là do họ không hiểu tính-không và tính-không-thực bên trong tất cả mọi thứ. Do không hiểu về tính không nên người đời không biết hạnh phúc.

Bởi họ chẳng bao giờ nhìn vào chính mình, họ không thực sự biết chuyện gì thực sự đang xảy ra trong khiếp sống của mình. Làm sao họ hết ngu mờ cho được. Ai cũng tin rằng: ”Đây là ta. Đây là của ta”. Nếu chúng ta nói họ về sự thật không-có-cái-ta, chẳng có gì là ‘ta’ hay ‘của ta’, họ sẽ gân cổ lên cãi cho đến chết.

Ngay cả Phật, sau khi đạt đến sự hiểu biết đó Phật cũng cảm thấy chán ngán khi quán xét điều đó. Ngay sau khi giác ngộ, Phật thấy rất khó giải thích con đường đạo cho người khác nghe. Nhưng sau đó Phật cũng nhận thấy thái độ nản chí như vậy là không đúng.

Nếu chúng ta không chỉ dạy cho mọi người, ai sẽ dạy họ Giáo Pháp? Đây là câu hỏi tôi đã từng tự hỏi mình vào thời tôi thấy chán nản và không muốn dạy giáo pháp cho ai nữa. Ai sẽ dạy nếu chúng ta không chỉ dạy những người còn ngu si? Thiệt tình không còn cách nào khác. Khi chúng ta thấy chán ngán và muốn bỏ đi đến nơi tránh xa các Phật tử thì chúng ta cũng là kẻ ngu si.

Một Tỳ kheo: Chúng ta có thể trở thành những vị Phật Duyên Giác (Pacceka Buddhas).

Ajahn Chah: Tốt. Nhưng chưa thực sự đúng, làm Phật Duyên Giác, nếu thầy muốn trốn chạy khỏi mọi thứ. (Không cần truyền dạy cho ai).

Sumedho: Chỉ cần sống một cách tự nhiên, trong một môi trường đơn sơ thì chúng ta có thể tự nhiên trở thành Phật Duyên Giác. Nhưng đó là thời cổ xưa, thời bây giờ là không thể được. Môi trường chúng ta đang sống không cho phép điều đó xảy ra. Chúng ta phải sống như những Tỳ kheo.

Ajahn Chah: Nhiều lúc ta phải sống trong hoàn cảnh như ở đây, phải có ít nhiều quấy nhiễu… Giải thích đơn giản hơn: nhiều lúc các thầy sẽ thành một vị Phật toàn trí (sabbaññū); có khi trở thành Phật Duyên Giác Pacceka. Điều đó tùy thuộc các điều kiện.

Nói về các loại chúng sinh [thành Phật] đó là nói về cái tâm. Không phải người sinh ra là Phật. Cách nói ‘thành-Phật’ chỉ là ”sự nhân cách hóa trạng thái tâm” (puggalādhitthāna). Làm Phật Duyên Giác, vị đó sống vô tư và không chỉ dạy cho ai hết. Không có nhiều ích lợi từ quả vị đó. Nhưng nếu ai có khả năng truyền dạy cho người khác thì người đó sẽ thị hiện như một vị Phật Toàn Trí.

Đó chỉ là những ẩn dụ.

Đừng là gì cả! Đừng là bất cứ ai! Làm Phật cũng là gánh nặng. Làm Phật Duyên Giác cũng là gánh nặng. Làm ”Tôi là Tỳ kheo Sumedho”, làm ”Tôi là Tỳ kheo Ānando”… Tất cả cách đó đều là khổ, bởi các thầy còn tin mình hiện hữu như vị Phật này, như một Tỳ kheo kia. ”Sumedho” chỉ là hiện hữu do quy ước, đó chỉ là quy ước. Các thầy có hiểu không?

Nếu các thầy tin ‘mình’ thực sự tồn tại thì cách đó sẽ mang lại khổ. Nếu có Sumedho, thì khi có ai chửi thầy Sumedho sẽ nổi giận. Thầy Ānando nổi giận. Đó là điều sẽ xảy ra nếu các thầy cứ coi cái ‘ta’ hay mọi thứ là thực. Ānando và Sumedho lại dính líu và các thầy lại tranh đấu vì cái ‘ta’ gì gì đó. Nếu không có Ānando hoặc không có Sumedho, thì không có ai ở đó-chẳng có ‘ai’ trả lời điện thoại cả. Chuông reng reng-không ai bắt máy cả. Vậy là các thầy không trở thành gì cả. Không ai là gì cả, và vậy là không có khổ nào cả.

Nếu chúng ta coi mình là gì hay là ‘ai’ thì mỗi lần chuông điện thoại reng ta bắt máy và dính líu theo nó. Làm cách nào để thoát khỏi sự dính líu đó? Chúng ta cần nhìn rõ vào chỗ này và phát triển trí tuệ; để không còn có ‘ai’ cả-không còn Ānando hay Sumedho bắt điện thoại. Nếu các thầy còn là Ānando hoặc Sumedho đến bắt điện thoại, thì các thầy còn dính khổ. Vì vậy, đừng là ‘ai’ cả, đừng là Sumedho. Đừng là Ānando. Chỉ nhận biết những cái tên đó ở mức độ quy ước.

Nếu có ai khen mình tốt, đừng là vậy. Đừng nghĩ ”ta tốt”. Nếu có ai chê mình xấu, đừng nghĩ ”ta xấu”. Đừng cố là gì cả. Chỉ cần biết cái đang diễn ra. Chỉ cần tỉnh giác biết rõ mọi sự đang diễn ra. Đó chính là sự hiểu biết. Nhưng cũng đừng dính chấp vào sự hiểu biết đó.

Người ta không làm được vậy. Họ không hiểu như vậy nghĩa là gì. Khi họ nghe vậy, họ rối trí và không biết tu cách nào. Trước đây tôi đã từng dùng ví dụ lầu trên và lầu dưới. Khi đi xuống lầu, ta ở lầu dưới và nhìn thấy lầu dưới. Khi đi lên lầu, ta ở lầu trên và nhìn thấy lầu trên. Còn cái không gian giữa hai lầu ta không thấy—cái ở giữa thường không nhìn. Có nghĩa là không nhìn thấy Niết-bàn. Chúng ta nhìn thấy những hình sắc hiện vật, nhưng ta không nhìn thấy sự dính chấp: sự dính chấp lầu trên và lầu dưới. Trở thành và sinh thành, trở thành và sinh thành. Liên tục trở thành. Nơi không có sự trở thành là nơi trống không. Chúng ta cố chỉ dạy cho mọi người về cái nơi trống không đó, nhưng sau khi nghe họ tỏ ra thất vọng: ”Chẳng có gì ở đó”. Họ không hiểu. Cũng khó thiệt. Cần phải tu tập thực thụ thì mới hiểu ra chỗ này.

 

Chúng ta dính vào sự trở thành liên tục, dính vào sự chấp-thân và chấp-ta kể từ ngày mới được sinh ra. Khi có ai nói không-có-cái-ta [vô ngã], nghe thấy lạ quá; chúng ta không thể thay đổi cách nhận thức một cách dễ dàng. Do vậy, chúng ta cần phải làm cho cái tâm nhìn thấy lẽ thực [vô ngã] đó thông qua việc tu tập; rồi sẽ đến một lúc chúng ta sẽ có thể nhìn ra lẽ thực đó và thốt lên: ”Ồ! Đúng rồi!”.

Khi người ta nghĩ: ”Đây là ta! Đây là của ta!”, họ thấy hạnh phúc. Nhưng khi có thứ gì là ‘của ta’ bị mất đi, họ khóc than tiếc nuối vì nó. Đây chính là mọi sự của con đường đau khổ. Chúng ta có thể quan sát điều này. Nếu không có cái ‘của ta’ hoặc cái ‘ta’, và chúng ta chỉ sử dụng mọi thứ như những phương tiện khi chúng ta có thể sống mà không hề dính chấp ý niệm ‘chúng là của ta’. (Nếu chúng ta nghĩ được và làm được như vậy thì quá tốt). Nếu có thứ gì hư, bể, mất thì đó chỉ là lẽ thường tình của chúng, chúng ta không thấy khổ thấy tiếc vì nó; chúng ta không coi chúng là ‘của ta’ hoặc là ‘của ai’, và chúng ta cũng không coi có một cái ‘ta’ hay cái ‘ai’ cố định hay một cái ‘linh hồn’ nào cả.

Giải thích như vậy người nghe tưởng chúng ta đang nói về người điên; thực ra chúng ta đang nói cho những người siêng năng nhiệt thành tu tập. Người nhiệt thành tu tập sẽ biết điều gì là ích dụng, theo rất nhiều cách khác nhau. Nhưng khi người khác nhìn vào những người đó và cố hiểu họ, người khác chỉ thấy họ như người điên.

Khi thầy Sumedho nhìn những người tại gia, thầy ấy sẽ thấy họ còn ngu si, giống như những đứa trẻ chưa biết nhiều về sự đời ở ngoài kia. Khi những người tại gia nhìn thầy xem Sumedho, họ sẽ nghĩ thầy ấy là người đã mất hết lẽ sống. Họ nghĩ các thầy không còn quan tâm gì đến những thứ trong cuộc đời, trong khi họ đang sống vì những thứ đó. Nói cách khác, một bậc thánh a-la-hán và một người điên là giống nhau. Hãy nghĩ về điều này. Người điên không còn quan tâm đến thứ gì của cuộc đời. Khi người ta nhìn một vị a-la-hán, họ nghĩ vị ấy là người điên. Nếu họ có chửi mắng vị ấy, vị ấy cũng không quan tâm. Họ có nói gì vị ấy cũng không phản ứng này nọ-vị ấy giống người điên mất trí vậy. Nhưng bậc a-la-hán như điên mà tỉnh giác. Người điên thực sự nghe ai nói gì cũng không quan tâm hay nổi giận, là bởi người đó không còn biết chuyện gì đang xảy ra trên đời. Nhiều người nhìn bề ngoài người điên và a-la-hán thì nghĩ họ giống nhau, đều là kẻ điên. Nhưng người điên thấp kém là điên khùng thực sự, còn người điên cao nhất là bậc a-la-hán. Thấp nhất cao nhất bề ngoài đều trông giống nhau. Nhưng sự tỉnh giác bên trong là khác, cảm nhận của họ về mọi thứ là khác, rất khác nhau. Một là điên thiệt, một là như điên mà tỉnh.

Hãy nghĩ về điều này. Khi có ai chửi bới ta mà ta không tức giận và bỏ qua thì họ nghĩ ta là đồ điên. Nếu giải thích chỗ này cho các Phật tử, có thể họ không hiểu được dễ dàng. Điều đó phải được đưa vào trong nội tâm (khi họ biết tu tập cái tâm) thì họ mới thực sự hiểu.

Ví dụ, ở đất nước này mọi người thích vẻ đẹp. Nếu ta nói: ”Không, mấy thứ xung quanh không đẹp lắm” thì họ không muốn nghe. Họ muốn nói nhà cửa, cây cối xung quanh họ là đẹp; họ muốn khen mình đẹp. Nếu ta nói chữ ”Già”- họ không muốn nghe. Chữ ”Chết”- họ càng không muốn nghe. Điều đó có nghĩa họ chưa sẵn sàng hiểu. Nếu họ không tin ta, đừng trách họ vì điều đó. Khi chúng ta nói điều gì với người thường và ở xứ lạ thì cũng giống như ta đang trao đổi thứ gì mới để thay thứ cố cựu của họ: nhưng họ chưa nhận thấy giá trị của cái mới chúng ta đang đưa ra. Nếu điều chúng ta đưa ra là có giá trị cao rõ rệt thì họ sẽ nhận ra ngay và chấp nhận nó ngay. Nhưng hiện thời, tại sao họ chưa tin tưởng các chúng ta? Có lẽ bởi do trí tuệ của ta chưa đầy đủ. Bởi vậy ta cũng không nên bực tức với họ. Đừng hỏi họ tại sao họ không hiểu, tại sao họ không nghe theo. Đừng cho rằng họ mất trí. Đừng làm như vậy!. Chúng ta phải tự dạy cho mình trước, tự thiết lập Giáo Pháp bên trong ta, rồi sau đó phát triển những cách thức phù hợp nhất để trình bày nó cho họ hiểu. Sau đó họ sẽ nghe và chấp nhận nó.

Nhiều lúc thầy dạy các đệ tử nhưng các đệ tử đâu tin lời thầy nói. Điều đó có thể làm các thầy khó chịu, nhưng thay vì khó chịu các thầy nên tìm coi lý do nào họ không tin những điều mình nói. Có thể những điều mình nói không mang nhiều giá trị đối với họ; (như: nói chung chung, quanh quanh; nói không rõ ràng; nói cao xa cao siêu; nói không từ cái tâm đã tự trải nghiệm giáo lý đó; nói không đúng đối tượng, nói không đúng lúc…). Nếu các thầy biết cách nói tốt hơn, biết cách đưa ra những điều có giá trị nhiều hơn điều họ đang có, thì chắc chắc họ sẽ muốn nghe.

Mỗi khi các thầy sắp bực bội với những đệ tử, hoặc các Phật tử, hoặc những người nghe, các thầy nên nghĩ theo cách như vậy, khi nghĩ vậy mình sẽ hết bực ngay. Tức giận thì chẳng hay ho gì, tức giận là không còn gì tốt.

Để các đệ tử hiểu được Giáo Pháp, Phật đã dạy một con đường duy nhất, nhưng dạy theo nhiều cách khác nhau cho những người và tình cảnh khác nhau. Phật không dùng một cách hay một hình thức duy nhất để truyền dạy Giáo Pháp có tất cả mọi người và mọi tình cảnh. Nhưng dù là cách nào, Phật cũng dạy cho một mục đích duy nhất là vượt thoát khỏi khổ. Mọi cách thiền tập Phật đã chỉ cũng cho một mục đích duy nhất đó.

Những người ở châu Âu đã có rất nhiều thứ trong đời sống của họ. Họ học nhiều và hiểu biết nhiều kiến thức thực dụng. Họ cũng học biết nhiều về tôn giáo của họ. Nếu các thầy muốn áp đặt tư duy gì to tát hay phức tạp lên họ, có thể họ không chịu nghe liền. Vậy các thầy phải nên chỉ dạy theo cách ra sao? Có ai có gợi ý gì không?

Nếu ai có muốn nói gì thì nói, giờ là lúc của các thầy. Sau này chúng ta không còn cơ hội gặp lại nữa…Hoặc nếu các thầy còn gì để đàm đạo, nếu các thầy đã không còn nghi ngờ gì, tôi nghĩ các thầy có thể thành Phật Duyên Giác rồi. (Cười).

Sau này, các thầy sẽ trở thành các sư thầy dạy Giáo Pháp (pháp sư). Các thầy sẽ dạy nhiều người. Khi chỉ dạy cho người khác cũng là lúc chỉ dạy cho chính mình…có phải không? Khi đang dạy người là ta cũng đang dạy chính mình. Nhờ đó sự thiện thạo và trí tuệ của mình cũng gia tăng. Khả năng quán xét quán chiếu của mình cũng gia tăng. Ví dụ, khi các thầy dạy cho họ về một giáo lý của Phật. Các thầy đã học giáo lý đó và giờ đi dạy cho Phật tử. Lúc mới dạy cho họ, có thể các thầy còn chưa thấu hiểu tại sao Phật nói giáo lý đó, ý nghĩa của nó thực thụ là gì. Do vậy các thầy bắt đầu suy xét, quán chiếu để tìm ra ý nghĩa thực thụ của nó. Vậy đó, khi đang dạy giáo lý cho người khác là các thầy cũng đang dạy cho chính mình về giáo lý đó. Nếu các thầy có sự chánh niệm, nếu các thầy đang thiền tập, các thầy sẽ thấy rõ điều đó. Đừng nghĩ rằng các thầy chỉ đang dạy người khác; hãy biết rằng đang dạy người là cũng đang dạy chính mình. Dạy người là dạy chính mình-vậy mình không lỗ gì.

Thầy Sumedho: Hình như mọi người trên thế giới càng lúc càng bình đẳng với nhau. Tư tưởng giai cấp tầng lớp đang biến mất. Một số người tin vào ngành thiên văn cho rằng vài năm nữa sẽ có nhiều thiên tai lớn gây ra nhiều đau khổ cho thế giới….Con không thực sự biết điều đó đúng sai ra sao….Nhưng họ nghĩ những thiên tai đó vượt quá khả năng chống đỡ của con người, con người còn quá kém xa với sức mạnh siêu nhiên, và con người còn sống phụ thuộc vào những tiện nghi máy móc. Họ cho rằng còn rất nhiều biến cố trong tự nhiên, như động đất, mà không ai có thể nhìn thấy trước.

Ajahn Chah: Họ nói vậy chỉ để làm mọi người khổ.

Thầy Sumedho: Đúng vậy. Nếu chúng ta không có sự chánh niệm, chúng ta có thể thấy khổ thực sự với những tin đó.

Ajahn Chah: Phật dạy về hiện tại. Phật không dạy chúng ta phải lo lắng về chuyện được dự đoán cho mấy năm sau.

Mặc dù điều đó là thật! Ngành thiên văn vũ trụ có thể nói về những sự kiện sắp xảy ra trong vài năm tới. (Ví dụ họ có thể dự báo chính xác Sao Chổi Halay sẽ xuất hiện sau 70 năm vào một thời điểm và nơi chốn chính xác). Nhưng đối với các nhà thiên văn, nếu chúng ta nói về hiện-tại thì chưa chắc họ đã biết làm gì. (Họ có thể dự báo năm sau có động đất xảy ra, nhưng nếu ngay bây giờ có động đất thì họ chẳng biết làm gì để đối phó với nó). Đạo Phật thì nói về sự đối phó với mọi thứ ngay bây giờ và tại đây, và do đó làm cho ta luôn luôn sẵn sàng đối diện với mọi sự khởi sinh ngay trong thời khắc hiện tại. Những gì đã xảy ra và sẽ xảy ra trên thế giới bên ngoài thì ta không quá quan tâm. Ta chỉ cần tu tập để phát triển trí tuệ ngay trong hiện tại và làm những gì chúng ta cần làm ngay bây giờ, không phải ngày mai. (Bởi vì mọi sự đều diễn ra ngay trong hiện tại và ta phát triển trí tuệ từ đó, từ mỗi sự khởi sinh trong hiện tại). Cách nào sẽ tốt hơn? Chúng ta có thể chờ ba hay bốn năm nữa trận động đất xảy ra, nhưng thực ra mọi thứ động vọng đang diễn ra ngay trong tâm này ngay trong hiện tại. Mỹ cũng đang bị động đất, thật vậy, chúng ta mới nghe. Mọi người ở đó đang hoang mang, bối rối— nhưng động đất của ta là đang ở đây, ngay trong tâm này. Ta cũng đang đầy hoang mang và phiền não trong tâm này. Nhưng người ở đây không nhận thấy thôi.

Động đất lớn lâu lâu mới xảy ra một lần, còn ‘động đất’ trong tâm này của chúng ta thì nó động liên tục từng ngày, từng phút, từng giây. Trong đời tôi ở Thái Lan tôi chưa từng bị trận động đất lớn nào, nhưng loại động vọng trong tâm này thì luôn diễn ra, nó động, đẩy, xô, lắc chúng ta và quay tít chúng ta, làm chúng ta điên đảo. Đó chính là chỗ động vọng mà Phật chúng ta nên nhìn vào.

Nhưng đó lại là điều chẳng mấy ai muốn nghe.

Mọi sự xảy ra vì những nguyên nhân. Mọi sự chấm dứt cũng do những nguyên nhân làm chấm dứt. Chúng ta không cần quá lo lắng về những dự báo của ngành thiên văn. Chúng ta chỉ cần biết rõ sự gì đang xảy ra ngay tại đây và bây giờ. Tuy nhiên mọi người vẫn hay hỏi những câu hỏi kiểu đó. Ở Thái Lan có nhiều quan chức công vụ đến gặp tôi và hỏi: ”Nếu nước mình có động đất thì mọi sự sẽ ra sao?”.

”Chúng ta được sinh ra-chúng ta có thể làm gì được với biến cố đó? Tôi không nghĩ nhiều về vấn đề đó. Tôi vẫn nghĩ rằng, ngay sau khi sinh ra, những ‘biến cố tai ương’ đã luôn rình rập ta hàng ngày mà”. Sau khi tôi trả lời như vậy, họ không nói gì nữa. Họ không hỏi nữa.

Mọi người cứ nói về mối hiểm họa thiên tai trong vài năm tới, nhưng Phật đã dạy chúng ta phải sẵn sàng chính mình ngay trong hiện tại, luôn tỉnh giác và biết quán xét về những hiểm họa theo lẽ tự nhiên mà chúng ta phải đang nếm trải trong kiếp sống này. Đây mới là vấn đề lớn, đây mới là điều đáng quan tâm. Đừng lơ tâm, đừng xao lãng tâm! Cứ dựa vào những dự báo của ngành thiên văn trong mấy năm tới thì chẳng giúp gì cho ta nhiều. Nên biết dựa vào cái ”ngành tu theo Phật”, ta không cần phải gặm nhắm quá khứ, ta không cần phải lo âu về tương lai, mà ta chỉ cần nhìn ngay vào hiện-tại. Những nhân khởi sinh ngay trong hiện tại, chúng ta quan sát chúng ngay trong hiện tại.

Người đi giảng đạo không lo dạy mà cứ nói về nhưng hiểm họa, chẳng khác nào dạy người ta khổ sở. Nhưng ở đời cũng ngược ngạo, nếu người đó dạy như tôi thì người ta lại nói người đó điên khùng. Cái khó là chỗ đó, nhưng chúng ta cần phải vượt qua. Chúng ta phải từ từ tìm ra cách thức chỉ dạy cho họ đúng pháp.

Trong suốt quá khứ, suốt quá trình sống, luôn luôn có những chuyển động, nhưng nó diễn ra từng chút, từ từ, nên chúng ta khó để ý thấy. Ví dụ, thầy Sumedho, khi thầy mới sinh ra thầy đâu có lớn xác như vầy, đúng không? Xác lớn bây giờ là kết quả của những sự chuyển động và thay đổi. Sự thay đổi có tốt không? Dĩ nhiên là quan trọng; nếu không có sự chuyển động và biến đổi, chúng ta đâu thể nào lớn lên. Đó là lẽ tự nhiên rồi. Chúng ta đâu cần phải sợ sệt sự biến chuyển tự nhiên đó.

Nếu các thầy biết quán chiếu Giáo Pháp, tôi nghĩ đâu còn thứ gì khác các thầy phải suy nghĩ về chúng. Nếu có ai dự đoán điều gì xảy ra trong mấy năm tới, chúng ta đâu thể cứ ngồi chờ đến lúc đó mà chẳng biết làm gì trong hiện tại. Chúng ta đâu thể sống như vậy. Điều gì cần làm chúng ta phải làm ngay bây giờ, đâu phải cứ ngồi đợi gì điều nào đó sẽ xảy đến.

Thời bây giờ nhân chủng đang chuyển động liên tục. Bốn yếu tố tứ đại chuyển động liên tục. Đất, nước, khí, nhiệt chuyển động liên tục. Nhưng người ta không nhận ra trái đất đang chuyển động. Họ cứ lo nhìn đâu xa tận bên ngoài trái đất để không thấy sự chuyển động nào hết ở đây.

Trong tương lai, trên thế gian này, nếu người ta cưới nhau và ở với nhau một năm hay hai năm, chắc mọi người sẽ nghĩ là chuyện lạ. Tiêu chuẩn lúc đó chỉ là vài tháng thôi. Mọi thứ đang chuyển động thay đổi liên tục như vậy mà. Chúng ta đâu cần nhìn theo ngành thiên văn. Cứ nhìn ngay vào cái ‘ngành Phật Pháp’ thì có thể hiểu biết điều này.

”Thưa sư ông, nếu thiên tai đại họa xảy đến, thầy sẽ đi đâu?”. Lại câu hỏi khác. Đi đâu bây giờ? Chúng ta sinh ra và đối diện với già, bệnh, chết; còn tính đi đâu cho khỏi? Tốt hơn cứ ở ngay đây và đối diện xử lý với những điều đó. Nếu thiên tai có xảy ra ở Thái Lan, chúng ta ở Thái Lan và đối diện với nó. Bộ thiên tai đến rồi ở luôn hay sao? Sao chúng ta phải sợ mãi mãi, sao ‘cứ sống nay mà lo mai’ đâu đâu như vậy?

Nếu cứ liên tục lo âu về điều gì đó sẽ xảy ra trong tương lai, thì chẳng bao giờ hết lo âu. Đó chỉ là sự ngu mờ và phỏng đoán. Này thầy Sumedho, thầy có biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra trong một hai năm nữa không? Sẽ chắc có động đất lớn hay không? Khi người ta hỏi thầy về điều đó, thầy nên nói họ đừng lo xa trông rộng đến đó, đó vẫn là những thứ chưa chắc chắn; dù dự báo có chắc chắn nhưng mọi sự vẫn có thể không chắc chắn; vì mọi thứ trên vũ trụ đều luôn chuyển động, đâu phải ai cũng dự đoán chính xác tất cả mọi chuyển động của vũ trụ. Mọi thứ đều chuyển động và biến đổi, hình hài chúng ta bây giờ cũng là do sự biến chuyển liên tục đó từ lúc sơ sinh.

Cách mọi người là muốn sống không muốn chết. Ai cũng vậy. Nhưng điều đó có đúng không? Làm gì có chuyện đó, có sinh là có tử. Muốn như vậy chẳng khác nào cứ đổ nước vô ly mà muốn nó không tràn. Sau khi sinh ra, ai cũng muốn sống mãi, không muốn chết. Muốn vậy đâu đúng. Hãy suy xét về điều đó. Nếu sinh ra mà không chết, điều đó có mang lại hạnh phúc không? Nếu ai cũng sinh ra trên thế gian mà chẳng ai chết, chắc mọi thứ sẽ tệ hại hơn nhiều. Nếu không ai chết, chắc chúng ta phải ăn chất thải của nhau chứ đâu đủ thức ăn để ăn! Nếu không ai chết, có đủ chỗ cho tất cả mọi chúng sinh tự cổ chí kim ở trên trái đất này không?. Sao cứ muốn đổ nước vô ly mà không muốn nó tràn. Chúng ta phải nhìn thấu suốt về điểm này. Chúng ta muốn sinh mà không muốn chết. Nếu chúng ta không chết, chắc tất cả chúng ta là những người bất tử, là những pháp vô sinh (amata-dhamma), như Phật đã từng nói. Các thầy có hiểu pháp vô sinh (amata-dhamma) nghĩa là gì không?

Bất tử nghĩa là gì-dù ta chết, nếu có trí tuệ thì cũng như không chết. Không chết, không sinh. Đó là nơi mọi thứ kết thúc. Sau khi sinh chỉ muốn được sống hạnh phúc và hưởng thụ mà không chết, đó không phải là cách nhìn đúng đắn. Nhưng mọi người cứ muốn như vậy, bởi vậy chẳng bao giờ kết thúc khổ đau. Người tu tập theo Giáo Pháp thì không bị khổ. Nhưng, những người tu như những Tỳ kheo hay nhà sư bình thường thì vẫn còn khổ, bởi họ vẫn chưa hoàn thành con đường tu tập. Họ chưa chứng ngộ pháp vô sinh đó, nên họ vẫn còn khổ. Họ vẫn còn chết.

Amata-dhamma là pháp vô sinh, là trạng thái bất tử. Chúng ta được sinh ra từ bào thai, làm sao tránh chết được? Chỉ có cách tu tập để chứng ngộ sự thật vô ngã thì mói có thể tránh chết được; ngoài ra không còn cách nào khác!. Cái ‘ta’ vẫn còn (cái ‘ta’ ảo tưởng đó chưa chết thì ta vẫn còn chết); những thứ hữu vi (sankhāra) vẫn còn luôn biến đổi sinh diệt, vẫn còn biến đổi theo đường lối tự nhiên

Chỗ này khó nhìn thấy lắm. Người ta khó nghĩ ra chỗ này. Các thầy cần phải thoát khỏi những thứ thế tục, giống như thầy Sumedho đã làm được. Các thầy cần phải từ bỏ nhà cửa sung sướng và cái thế giới tân tiến. Giống như Phật đã làm vậy. Nếu Phật vẫn ở lại cung điện thì Phật đâu thể thành Phật. Chỉ nhờ sự từ bỏ và vô rừng tu tập thì Phật mới đạt đến sự giác ngộ đó. Đời sống hưởng thụ khoái lạc trong cung điện không phải là con đường dẫn đến giác ngộ.

Nhưng ai nói cho thầy về những dự báo thiên văn?

Thầy Sumedho: Thưa, nhiều người nói lắm, thường thì họ nói như thói quen, hay hứng lên là nói.

Ajahn Chah: Nếu đúng thực như những nhà thiên văn đã nói, chúng ta phải làm gì? Họ nói chứ họ đâu chỉ ra con đường nào để mọi người làm theo?. Theo quan điểm của tôi, Phật chỉ rất rõ ràng. Phật đã nói, những điều chúng ta không biết rõ thì rất nhiều, kể từ lúc sinh ra. Ngành thiên văn có thể nói về những tháng sau hay những năm sau, nhưng Phật thì chỉ thẳng vào ngay lúc sinh ra. Dự đoán tương lai sẽ làm cho người ta lo lắng về những điều sẽ xảy ra, nhưng mọi sự bất trắc đều có thể xảy ra trong đời ta, kể từ lúc sinh ra.

Mọi người thường thích nghe và tin theo những dự báo tương lai, đúng không?

Nếu quý vị [lúc này thiền sư quay sang số Phật tử tại gia cũng đang có mặt lắng nghe cùng với các Tỳ kheo] sợ thì quý vị nên suy xét điều này: giả sử quý vị phạm tội, một trọng tội, và sẽ bị xử tử trong bảy ngày. Điều gì xảy ra trong tâm trí quý vị? Tôi xin hỏi riêng quý vị. Nếu trong bảy ngày sẽ bị xử tử, quý vị phải làm gì? Nếu đã nghĩ đến cái chết, sao quý vị không nghĩ xa hơn một bước, quý vị sẽ thấy chúng ta đang sống cũng như đang mang án tử hình thôi, chỉ có điều là không biết chết lúc nào. Có thể sớm hơn bảy ngày, có thể nhiều hơn bảy mươi năm, nhưng cũng phải chết. Quý vị có biết sau khi sinh ra mình đã mang bản án tử, đúng không? Có ai thoát chết và sống mãi không?

Nếu phạm tội nặng và bị kết án tử nặng thì quý vị vô cùng sầu não vì cái chết. Còn môn thiền về cái chết là quán niệm về cái chết đang đến gần kề, quán niệm về cái chết không tránh khỏi. Vậy mà chẳng ai nghĩ về cái chết, và họ cứ sống thản nhiên, vô tư. Nếu ai biết nghĩ đến cái chết tất hữu, điều đó sẽ thúc giục họ dành thời gian tu tập theo Giáo Pháp. Bởi vậy Phật đã dạy chúng ta phải tu tập quán niệm (thiền quán) một cách thường xuyên về cái chết. Những ai không hiểu biết và không thiền quán về cái chết thì thường sống trong sợ hãi. Họ không hiểu biết về bản thân mình. Nhưng nếu quý vị biết quán niệm về cái chết và ý thức biết rõ về bản thân mình, điều đó sẽ dẫn dắt quý vị muốn tu tập Giáo Pháp một cách nghiêm túc; nhờ đó thoát khỏi sự sợ hãi về mối hiểm hoại đó. Còn nếu đạt đến giác ngộ toàn trí thì hoàn toàn thoát khỏi mối hiểm họa đó.

Quý vị ý thức biết rõ về bản án tử này, quý vị sẽ muốn đi tìm một giải pháp, đi tìm một con đường thoát. Thường thì chẳng ai muốn nghe nói đến cái chết. Điều đó có nghĩa rằng họ đang ở rất xa với Giáo Pháp, phải vậy không? Phật thúc giục chúng ta quán niệm về cái chết, nhưng mọi người thì khó chịu khi nghe nói đến cái chết. Đó là do nghiệp (kamma) của các chúng sinh. Nghiệp chướng cản trở họ. Họ có biết về lẽ thật cái chết, nhưng sự hiểu biết đó còn chưa được rõ ràng, thấu suốt.

 

* Bài viết được trích từ bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, Thiền Sư Ajahn Chah

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app