Tôn Trọng Truyền Thống, Truyền Thừa 

Thời chúng ta bắt đầu thiền tập là thời cao đẹp nhất của đời người. Thiền để hiểu biết, thiền để buông bỏ, thiền để từ bỏ, và để được bình an. 

Tôi đã từng là một tu sĩ lang thang. Tôi đi bộ trên chân trần đến gặp các sư thầy và tìm nơi ẩn dật để tu. Lúc đó tôi chẳng bao giờ đi dạo quanh làng xóm hay phố thị để giảng pháp giảng đạo gì cả. Tôi chỉ lo đi tìm nơi để lắng nghe giáo pháp do những vị thiền sư bậc chân tu lúc đó giảng dạy. Tôi không đi đến đâu để dạy ai cả. Tôi lắng nghe tất cả mọi lời khuyên dạy họ nói cho ra. Ngay cả những điều những tu sĩ trẻ măng hoặc các chú tiểu cố nói với tôi về Giáo Pháp, tôi cũng lắng nghe một cách kiên nhẫn. Tuy nhiên, ít khi nào tôi nhảy vào lý luận hay phân giải với nhau về Giáo Pháp. Tôi chẳng thấy có ích gì nếu cứ nhào vô bàn thảo lý sự về giáo lý cho hết giờ hết ngày. Có giáo lý nào tôi đã chấp nhận thì tôi đi thẳng vào đó, đi thẳng vào ngay chỗ chúng chỉ ra sự từ bỏ và sự buông bỏ. Bất cứ điều gì tôi làm, tôi làm vì sự từ bỏ và sự buông bỏ. Tôi tu tập mọi thứ vì mục đích hướng đến sự từ bỏ và sự buông bỏ. Chúng ta không cần phải trở thành chuyên gia về kinh điển. Chúng ta đang già đi sau mỗi ngày trôi qua, và mỗi ngày chúng ta cứ chụp lấy vọng tưởng, bỏ quên mất sự thực. Tu tập theo Giáo Pháp là điều khác hẳn với việc học Giáo Pháp. Học giáo lý là một chuyện, thực hành nó là chuyện khác. 

Tôi không chê bất kỳ dạng nào trong đa dạng những kiểu cách và kỹ thuật thiền tập đang có khắp nơi. Chừng nào chúng ta hiểu đúng mục đích và ý nghĩ thực thụ của các pháp môn đó, thì chúng cũng không sai. Tuy nhiên, nếu chúng ta tự nhận mình là một thiền nhân Phật giáo mà chúng ta không tuân thủ nghiêm túc theo tinh thần của giới luật tăng đoàn (Vinaya) thì, theo tôi, sẽ không thành công gì đâu. Tại sao? Bởi làm vậy chúng ta đã cố bỏ qua phần sống động nhất của con đường Đạo. Bỏ qua phần nào trong Giới, Định, Tuệ thì cũng không đi đến đâu. Một số người khuyên các thầy đừng dính vào sự tĩnh lặng có được từ thiền định (samatha): ”Đừng đụng đến thiền định; cứ tiến thẳng đến tiền minh sát (vipassanā), cứ tiến thẳng đến trí tuệ và minh sát tuệ”. Tôi không nghĩ vậy, có lẽ không có con đường đó, bởi nếu chúng ta cố đi tắt để tu thẳng thiền minh sát, chúng ta sẽ thấy không thể nào đi đến đích một cách thành công. 

Đừng bỏ cách tu và những kỹ thuật thiền mà những vị thiền sư lỗi lạc của phái Thiền Trong Rừng ở xứ này đã truyền dạy, đó là những vị thầy như sư Ajahn Sao, Ajahn Mun, Ajahn Taungrut, và Ajahn Upali. Họ đã tự mình dày công tu tập và chỉ lại cho chúng ta; con đường tu của họ rõ ràng là đáng tin cậy và đúng thực— nếu chúng ta biết tu và chịu tu đúng theo cách họ đã tu và chỉ lại. Nếu chúng ta bước theo những bước nhân của họ, chúng ta sẽ đạt đến trí tuệ minh sát đích thực để soi chiếu vào bên trong chúng ta. Ajahn Sao luôn hoàn thiện tuyệt vời về mặt đức hạnh. Thầy ấy chủ trương chúng ta không được lơ là chút nào về phần giới hạnh. Nếu những sư thầy kiệt xuất của phái Thiền Trong Rừng khuyên dạy chúng ta tu thiền và tuân giữ giới luật tăng đoàn theo hướng nào đó, thì chúng ta nên kính trọng và tu đúng theo lời họ khuyên dạy. Điều gì họ dạy chúng ta nên làm, chúng ta nên làm theo. Nếu điều gì họ dạy chúng ta phải bỏ bởi nó sai lạc, thì chúng ta nên bỏ. Chúng ta tu theo họ với một lòng tin vào họ. Chúng ta tu theo họ với hết mực sự thành tâm và kiên định. Chúng ta tu cho đến khi tự mình nhìn thấy Giáo Pháp trong tâm chúng ta, cho đến khi chúng ta là một với Giáo Pháp. Đó là điều các Thiền Sư của nhánh Thiền Trong Rừng đã dạy. Những đệ tử bao đời đã tỏ lòng kính trọng và mến phục sâu sắc đối với họ, bởi vì sao, bởi vì những vị đệ tử đã tu theo lời họ và đã nhìn thấy những vị thầy đã nhìn thấy. 

Hãy thử tu. Hãy thử tu theo lời tôi mới nói. Nếu các thầy thực sự tu theo đường này, các thầy sẽ nhìn thấy Giáo Pháp, trở thành là Giáo Pháp. Nếu các thầy thực sự tiến hành việc tìm kiếm, đâu có gì cản trở các thầy đâu? Những ô nhiễm trong tâm sẽ bị đánh bại nếu các thầy biết tiếp cận chúng với một chiến lược đúng đắn: hãy làm người biết từ bỏ, hãy làm người biết tiết kiệm lời nói, làm người biết hài lòng với sự thiếu ít tiện nghi (tri túc), và hãy làm người dẹp bỏ tất cả mọi quan điểm và ý kiến (tà kiến, ý kiến, thành kiến, tư kiến…) xuất phát từ tính tự ta và tự đại của mình. Làm vậy, rồi các thầy sẽ trở thành người có khả năng kiên nhẫn lắng nghe lời của người khác nói, ngay cả khi điều họ đang nói là sai. Các thầy cũng có khả năng kiên nhẫn lắng nghe người khác nói khi họ đang nói đúng. Hãy xem xét chính bản thân mình theo cách như vậy. Tôi bảo đảm với các thầy, cách này là có thể làm được, có thể thành công, nếu các thầy chịu khó thực tập. Tuy nhiên, những học giả thường ít khi đi đến áp dụng giáo lý vào thực hành; họ học kinh điển chứ ít chịu tu. Cũng có một số chịu tu thiệt, nhưng rất hiếm. Thiệt là uổng và đáng buồn. Sự thật các thầy đã cất công đi xa đến đây để thăm chùa là rất đáng khen ngợi. Điều đó cho thấy nội lực bên trong của các thầy. Một số chùa chiền chỉ dạy khuyến dạy về giáo lý. Các tu sĩ cứ học và học suốt ngày đêm, không bao giờ ngừng, chẳng bao giờ dừng lại chỗ cần phải dừng. Họ cứ lu bu học chữ ”bình an”. Nhưng nếu biết ngừng lại và tĩnh tại thì ta mới có thể khám phá điều chân thực giá trị. Đó là cách các thầy nên tìm kiếm. Sự tìm kiếm đó mới thực sự có giá trị và hoàn toàn tĩnh tại, bất động. Cách đó mới đi thẳng vào những điều mình đang đọc từ sách. Nếu các học giả không chịu thiền tập thì sự hiểu biết thực sự của họ là rất ít ỏi. Một khi họ đã đưa các giáo lý vào thực hành, thì những điều họ đã học sẽ trở thành sống động và rõ sáng. 

Do vậy hãy bắt đầu thực tập! Hãy phát triển loại hiểu biết có được từ thực hành. Hãy thử vào tu trong rừng và hãy đến ở trong những túp lều nhỏ bé ở đây để tu tập. Thử thực tập một thời gian và tự mình thử nghiệm coi nó có thực sự có giá trị nhiều hơn bao nhiêu lần so với việc đọc sách suông. Rồi lúc đó các thầy có thể tự mình luận giải với chính mình. Khi ta đang quán sát cái tâm, nó giống như đang buông bỏ và an nghỉ trong một trạng thái tự nhiên vậy. Khi những thứ lăng xăng và động vọng dưới dạng những ý nghĩ và khái niệm khởi lên từ trạng thái tĩnh tại tự nhiên của tâm, thì tiến trình điều kiện (tác động, duyên tác) của hành tạo tác (sankhāra) đang được vận động. Hãy cẩn thận và để mắt đến tiến trình điều kiện (duyên tác) này. Khi tâm chuyển động và nó bị thúc đẩy ra khỏi trạng thái tĩnh tại tự nhiên của nó, thì việc tu tập không còn đi đúng đường. Tâm đã ra khỏi trạng thái tĩnh tạo tự nhiên và chạy theo khoái sướng hoặc dấn thân vào hành khổ. Ngay chỗ đó. Ngay chỗ đó làm sinh ra một mê trận chằng chịt vô số những sự tạo tác của tâm. Nếu trạng thái tâm đang tốt, nó tạo ra những điều kiện duyên tác tốt, tích cực. Nếu tâm đang trong trạng thái xấu, sự tạo tác của nó là xấu, tiêu cực. Những điều xấu tốt này đều xuất phát từ cái tâm của chúng ta. 

Tôi muốn nói với các thầy rằng, quán sát sâu sát về cái tâm của mình là một điều rất hay, rất thú vị. Tôi có thể nói về một đề tài duy nhất này suốt ngày mà không thấy chán. Khi ta có thể hiểu biết được những cách hành xử của tâm, ta sẽ thấy được cách tiến trình này vận hành và cách nó liên tục đi qua trong tiến trình bị ‘tẩy não’ bởi những thứ ô nhiễm của tâm. (Cứ giống như từng sợi vải của muôn vàn sợi vải lần lượt bị thắm nhuộm khi miếng vải đi qua chỗ thuốc màu vậy). Tôi nhìn thấy tâm hình như chỉ như là một điểm duy nhất. Những trạng thái tâm lý (tâm sở) là những khách khứa đến thăm cái điểm duy nhất này. Có lúc người này đến gọi, có lúc người khác đến thăm. Giống như tất cả họ cứ đến một điểm trung tâm của lữ khách. Các thầy hãy huấn luyện cái tâm quan sát và biết tất cả những khách khứa (tâm sở) đó bằng đôi mắt của sự tỉnh giác tỉnh thức. (Quan sát liên tục và khách quan như cách người gác gian ngồi quan sát chỗ ra vào, hoặc quan sát màn hình máy quay hình vậy). Đây là chính là cách chúng ta chăm nom và coi sóc trái tim và cái tâm của mình. Khi có một khách đến gần, chúng ta vẫy tay kêu họ biến đi chỗ khác. Nếu chúng ta thường trực quan sát và không cho ai bước vào, thì làm sao họ vào ngồi bên trong nhà được? Cứ dành hết thời gian ngồi quan sát ngay một điểm này. (Đó là quan sát trực tiếp ngay cái tâm mình. Khi có hiện tượng tâm (tâm sở) xảy đến, đánh đuổi chúng đi; khi có nhận thức này nọ (niệm, vọng tưởng) khởi lên, dẹp bỏ nó ngay). Đây chính là loại tỉnh giác vững chắc và bất lay chuyển của Đức Phật; loại tỉnh giác dùng để quán sát và phòng hộ cái tâm. Các thầy đang ngồi ở đây. Từ lúc chui ra khỏi bào thai, từng mọi khách khứa đều đến gọi thăm tại chỗ này. Dù đến ít hay đến nhiều, tất cả họ đều đến ngay tại điểm này. Đức Phật biết tất cả họ, sự tỉnh giác của Phật ngồi ngay đó một mình, vững chắc và bất lay động. Khách khứa khắp nơi (ô nhiễm) cứ tìm đến gây tác động, tạo tác, điều kiện và làm lay động chao đảo cái tâm bằng nhiều nhiều cách khác nhau. Khi chúng có thể làm cho tâm dính vào những mớ lăng xăng đủ các loại của chúng, lúc đó những trạng thái tâm lý (tâm sở) khởi sinh lên. Dù những mớ lăng xang đó là gì, dù vấn đề tác động của chúng là gì, hễ khi nào những thứ khách khứa đó có vẻ đang dẫn dắt tâm này nọ, ta cứ quên mặc nó ngay – chẳng hại gì hết. Ngay khi có khách đến thăm, cứ đơn giản biết khách đó. Biết xong quên mặc họ đi. Một khi họ bước vào, họ nhìn thấy chỉ có một chỗ ngồi duy nhất, và khi nào ta còn đang ngồi ghế đó, thì họ chẳng bao giờ có chỗ nào để ngồi trong đó. (Không để tâm đến khách, không nể mặc vị khách nào hết, không nhường chỗ cho ai hết; không để cho bất cứ thứ gì có thể ở lại hay trụ lại bên trong cái tâm). Mấy loại khách khứa đó nghĩ họ đi đến đây để nhiều chuyện, tán gẫu, chọc ghẹo, nhưng lần này họ thấy chẳng có chỗ nào để họ ngồi lê đôi mách. Họ sẽ bỏ đi, vì bị bỏ mặc, vì bị đuổi khéo. Lần sau họ lại kéo đến cũng thấy không có cái ghế nào trong nhà để ngồi. Đám nhiều chuyện đó cứ muốn kéo đến bao nhiêu lần kệ mặc họ, hễ khi nào họ kéo đến họ lại thấy chỉ có duy nhất một chỗ ngồi và duy nhất một tay gác gian đang ngồi như trời trồng ngay tại chỗ ngồi duy nhất đó và quan sát họ. Ta không hề nhúc nhích chút nào, ta ngồi yên trên chiếc ghế duy nhất đó. Các bạn nghĩ những khách đó sẽ tiếp tục tới lui trong bao lâu nữa? Còn bao nhiêu khách khứa đó sẽ đến nữa và ta còn phải liên tục ngồi một mình quan sát ngay tại chỗ duy nhất đó? Mọi người và mọi thứ và mọi sự mà bạn đã từng biết kể từ sau ra đời trải nghiệm thế giới này, tất cả họ đều sẽ đến thăm. Ta cứ đơn thuần ngồi quan sát và tỉnh giác ngay tại chỗ đó là đủ, chỉ cần làm như vậy là đủ để nhìn thấy Giáo Pháp một cách toàn diện. Ta cứ luận lẽ, quan sát và quán xét với chính mình. 

Đây cũng là cách chúng ta đang nói bàn về Giáo Pháp. Tôi không biết cách nói sao cho khác, không biết nói gì khác. Tôi có thể tiếp tục nói giảng theo kiểu này, có thể nói thêm nhiều hơn nữa cho các thầy, nhưng rốt cuộc đây cũng chỉ là việc nói và nghe. Tôi muốn khuyên các thầy hãy thực sự đi thực hành, thực sự đi thiền tập thì mới thấy biết thực thụ.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app