Làm Thiệt, Tu thiệt 

  Đức Phật dạy chúng ta cần phải có những điều kiện sống phù hợp để hỗ trợ cho việc tu thiền của chúng ta: một môi trường thoải mái, thức ăn thanh đạm vừa đủ, có sư thầy tốt và bạn tu tốt. Nhưng những điều kiện tốt như vậy không dễ có được cùng một lúc. Trong kinh Phật khuyên như vậy, nhưng thời nay tìm đâu ra những điều kiện đó, tìm ở đâu cũng thấy khó.

  Do vậy, chúng ta nghĩ: mình phải có gì để có thể tu tập cho dễ dàng đây? Chúng ta nghĩ rằng nếu ta có đủ mọi thứ như ý, thức ăn ngon, môi trường  thoải mái, mọi người xung quanh ăn nói hòa nhã, vậy là tốt nhất để tu hành. Nhưng thực ra, nếu như có đầy đủ những điều kiện tuyệt vời như vậy, có lẽ chúng ta sẽ chết vùi trong sự ấm no thoải mái, và sẽ lơ là việc tu hành.

  Nhiều người có những ý nghĩ và tham muốn khác nhau về những thứ tiện nghi tạo ra một nơi thoải mái để tu tập. Như vậy là không đúng. Nếu chúng ta có được cái tâm biết hài lòng với những thứ giản dị thì chúng ta luôn cảm thấy thoải mái khi ở bất cứ nơi nào. Người biết hài lòng là người sống dễ nhất và vui vẻ nhất. Ở cũng được. Đi cũng được. Nhưng ở đời hễ khi chúng ta thiếu thốn những phương tiện cần thiết, chúng ta thường không vui. Nhưng nếu có quá dư thừa điều kiện thì cũng sẽ khó khăn. Chẳng bao nhiêu là vừa đúng cả. Có thể chúng ta chưa hề tận mắt thấy cách mọi người đang sống, nên chúng ta không vui khi bị thiếu thứ gì. Hay là lời Phật khuyên nghe có vẻ không đúng với ta?

  Lời dạy của Phật là đúng, nhưng có lẽ tâm chúng ta chưa làm theo đúng. Nhiều người nghĩ rằng: “Tôi muốn tu thiền định một cách nghiêm túc, vì vậy tôi từ bỏ nơi này. Tôi muốn thực sự tập trung tu thiền định và tôi tu thiệt như vậy”. Nhưng “tu thiệt” có nghĩa là gì?. Họ không biết điều họ nói là thiệt hay không. Nếu là tu thiệt, tâm sẽ được bình an!. Tâm bình an là thước đo của việc tu tập. Nếu không tu thiệt thì tâm không bình an.

  Tu thiệt là sao? Có rất nhiều phương pháp thiền bạn có thể tu tập. Cũng giống như những người trên đời kiếm sống bằng những cách khác nhau: có nông dân, thương nhân, công chức, kỹ sư, công nhân công xưởng sản xuất ra những loại hàng hóa khác nhau; và tất cả được gọi chung là nghề nghiệp hay kế sinh nhai. Ở đây cũng tương tự đối với chúng ta; chúng ta gọi nó là việc tu tập giáo pháp (tu hành), nhưng điểm chính là nó phải dẫn chúng ta đến sự buông bỏ, sự ngừng lại và sự chấm dứt mọi ràng buộc dính chấp. (Đó mới là tu thiệt. Tu thiền là tu tập sự buông bỏ, để đi đến sự buông bỏ tận cùng!).

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app