83

Vài Câu Hỏi & Trả Lời

Câu hỏi:

Có những giai đoạn khi tâm của chúng ta vẫn còn ô nhiễm hay tăm tối, nhưng chúng ta vẫn ý thức được về chính mình; chẳng hạn như khi những dạng tham, sân, hay si khởi lên. Mặc dù chúng ta biết những dạng đó là đáng bị loại bỏ, nhưng chúng ta không có khả năng ngăn phòng chúng khởi sinh. Có thể nói như vầy không: ngay cả khi chúng ta ý thức biết rõ về chúng, nhưng điều đó vẫn tạo cơ sở để gia tăng những dính chấp và ràng buộc, và có thể đẩy lùi chúng ta trở lại từ chỗ bắt đầu? 

Trả lời: 

Đúng vậy! Người tu cần biết rõ chúng ngay chỗ đó, đó là cách tu tu tập. 

Câu hỏi: 

Ý con là trong cùng một lúc chúng ta vừa ý thức (tỉnh giác) về chúng ngay khi bị chúng tấn công, nhưng ta thiếu khả năng chống lại chúng, chúng cứ bùng lên. 

Trả lời: 

Vào lúc này thì đã quá khả năng của người tu. Ngay chỗ đó, người tu phải điều chỉnh lại chính mình và tiếp tục quán niệm. Đừng đầu hàng chúng ngay tại đó. Khi người tu thấy chúng khởi sinh như vậy, người tu thường có xu hướng thất vọng hay tiếc bỏ, nhưng có thể nói rằng chúng là không chắc chắn, và luôn biến đổi. Điều xảy ra là người tu nhìn thấy những dạng (tham, sân, si) đó là sai, nhưng người tu vẫn chưa sẵn sàng hoặc chưa có khả năng để xử lý chúng. Trông có vẻ như chúng là những thực thể độc lập, những hơi hướng tàn dư của nghiệp vẫn còn đang tạo tác và tác động trạng thái tâm. Người tu không mong muốn tâm mình bị như vậy, nhưng tâm vẫn còn bị (tạo tác) và điều đó cho thấy rằng sự hiểu biết (tri kiến) và khả năng ý thức (tỉnh giác) của người tu vẫn còn chưa đủ hoặc chưa đủ nhanh để bắt kịp mọi sự diễn ra. Người tu cần phải tập luyện và phát triển khả năng chánh niệm càng nhiều càng tốt để đạt đến một sự tỉnh giác lớn mạnh hơn và xuyên thấu hơn. Dù cho tâm có còn bị dính dơ hay ô nhiễm cách nào đó, khi có gì khởi sinh người tu phải quán niệm về sự vô thường và sự không chắc chắn của nó. Bằng cách duy trì sự quán niệm ngay khoảng khắc mọi sự khởi sinh, thì sau đó một chốc người tu sẽ thấy được cái bản chất vô thường cố hữu bên trong tất cả mọi đối tượng giác quan và mọi trạng thái của tâm. Bởi nhờ người tu đã nhìn thấy chúng đúng thực là vậy, cho nên người tu không còn coi trọng chúng, và nhờ đó sự dính mắc và ràng buộc theo chúng [vốn là sự ô nhiễm trong tâm] sẽ dần dần biến giảm. Khi có khổ khởi sinh, người tu sẽ khả năng xử lý nó đến cuối cùng và điều chỉnh lại mình, chứ không nên đầu hàng hay gác bỏ việc đó qua một bên. Người tu phải duy trì một sự liên tục nỗ lực và cố tập luyện cho được một sự tỉnh- giác đủ nhanh bén để theo kịp những trạng thái thay đổi liên tục của tâm. Ngay câu hỏi này có thể nói rằng: đến lúc này sự tu tập phát triển con đường Đạo của người tu vẫn còn thiếu năng lượng để vượt qua những ô nhiễm của tâm. Khi nào khổ khởi sinh, tâm liền bị che mờ, nhưng người tu phải duy trì phát triển sự-biết và sự-hiểu về cái tâm đang bị che mờ đó; đó là chỗ người tu cần phải suy xét quán chiếu. 

Người tu cần phải nắm vững chỗ này và liên tục quán niệm rằng sự khổ và sự bất toại nguyện chỉ là những điều không chắc chắn. Cuối cùng rồi chúng cũng chỉ đích thực là vô thường, khổ, và vô ngã. Tập trung vào ba đặc tính này, hễ khi nào những trạng thái khổ khởi sinh trở lại, người tu biết rõ chúng ngay, nhờ đã trải nghiệm và hiểu biết rõ về chúng trước đó. 

Dần dà, từng chút từng bước, sự tu tập của một người sẽ đạt đến cái đà, và mỗi thời gian trôi qua, bất cứ những đối tượng giác quan và trạng thái tâm nào khởi sinh đều sẽ bị mất giá trị theo cách như vậy. (Người tu bắt kịp mọi sự, nhìn thấy chúng và buông bỏ; không còn coi chúng là thứ gì quan trọng hay giá trị nữa). Tâm của người tu sẽ hiểu biết chúng đích thực là gì, và do vậy buông bỏ chúng. Sau khi đã đạt đến trình độ mà người tu có thể hiểu biết mọi sự và buông bỏ chúng dễ dàng, ta có thể nói rằng con đường đạo đã chín chắn từ bên trong, và người tu sẽ có khả năng xử lý thuận lợi những ô nhiễm trong tâm. Kể từ lúc đó chỉ còn lại sự khởi sinh và biến diệt ngay tại chỗ này, giống như những cơn sóng vỗ lên bờ rồi biến mất. Khi sóng biển khởi sinh và vỗ lên bờ, nó tan rã và biến mất; con sóng mới lại khởi lên xô vào bờ và tan rã biến mất – sóng chỉ là vậy, nó xô đến đường bờ và tan biến, nó đâu vượt qua khỏi bờ biển. Tương tự như vậy, chẳng có gì còn có thể vượt qua những giới hạn đã được thiết lập bởi sự tỉnh giác của người tu lúc này. 

Đó là chỗ nơi người tu sẽ gặp và đi đến hiểu biết cái lẽ vô thường, khổ, và vô ngã. Đó là chỗ mọi thứ biến mất – ba đặc tính vô thường, khổ, và vô ngã giống như bờ biển, và tất cả mọi đối tượng giác quan và trạng thái tâm thì giống như những con sóng vậy. Sướng là không chắc chắn, nó đã khởi sinh quá nhiều trước giờ. Khổ là không chắc chắn, nó đã khởi sinh quá nhiều trước giờ; chúng chỉ là vậy. Trong tâm người tu người tu biết rõ chúng chỉ là như vậy, cùng lắm chúng chỉ là ”vậy thôi”. Tâm hiểu và nó sẽ trải nghiệm những tình trạng đó theo cách như vậy, và nhờ đó mọi thứ dần dần mất đi giá trị của chúng; tâm không còn coi trọng chúng là ‘gì’ nữa, tâm biết rõ chúng chỉ là thứ sinh-diệt, là thứ có rồi mất mà thôi. Đây là đang nói về những tính chất của cái tâm trong giai đoạn này, cách của cái tâm trong giai đoạn này; những đặc tính này của tâm trong giai đoạn này của mọi người tu là tương tự như nhau, ngay cả Phật và các vị thánh đệ tử cũng vậy. 

Nếu sự tu tập con đường Đạo đã chính chắn, thì nó sẽ tự động diễn tiến như vậy, và nó không còn tùy thuộc tùy duyên theo bất cứ thứ gì từ bên ngoài. Khi có ô nhiễm nào khởi sinh, người tu lập tức tỉnh giác về nó và do vậy có thể xử lý nó ngay. Tuy nhiên, như chỗ câu hỏi ở đây, giai đoạn khi sự tu tập của người tu chưa đủ chín chắn hoặc chưa đủ nhanh nhạy để vượt qua những ô nhiễm là giai đoạn người tu nào cũng phải trải qua – đó là đoạn đường không thể tránh được. Nhưng ngay chỗ đó người tu cần phải dùng sự suy xét quán chiếu một cách khôn khéo. Đừng có đi suy xét điều tra ở chỗ nào khác hoặc cố giải quyết vấn đề ở chỗ khác. Điều trị ngay chỗ đó. Áp dụng trị liệu vào ngay chỗ mọi sự khởi sinh và biến qua. Sướng khởi sinh và biến qua, đúng không? Khổ khởi sinh và biến qua, đúng không? Người tu sẽ tiếp tục có khả năng nhìn thấy cái tiến trình sinh-diệt, và nhìn thấy thứ tốt và thứ xấu trong tâm này. Đây là những hiện tượng xảy ra và chúng là một phần của tự nhiên. Đừng dính theo chúng, đừng tạo tác điều gì vì chúng. Nếu người tu có được loại tỉnh-giác như vậy thì dù có đụng chạm thứ này thứ nọ cũng chẳng gây ra tiếng ồn nào trong tâm. Nói cách khác, người tu sẽ thấy rõ sự sinh-diệt của mọi hiện tượng theo đường lối tự nhiên và bình thường của chúng. Người tu chỉ còn nhìn thấy mọi thứ khởi lên rồi biến mất. Người tu sẽ nhìn thấy tiến trình sinh-diệt dưới ánh sáng của lẽ vô thường, khổ, và vô ngã. 

Bản chất tự nhiên của Giáo Pháp là như vậy. Khi người tu có thể nhìn thấy mọi thứ ”chỉ là vậy thôi” (chỉ là thứ sinh và diệt thôi), thì họ sẽ giữ tâm mình ”bình thản như thường vậy thôi”. Sẽ không còn dính chấp hay nắm giữ bất cứ sự gì – ngay khi người tu tỉnh giác về một sự dính chấp nào đó, nó tự biến mất ngay. Chỉ còn có sự sinh và diệt, và điều đó thật sự bình an. Điều đó bình an không phải là do không nghe thấy thứ gì; vẫn có sự nghe thấy, nhưng người tu hiểu được bản chất của nó và không còn dính chấp hay nắm giữ bất cứ điều gì. Đây chính là ý nghĩa của sự bình an – tâm vẫn còn trải nghiệm những đối tượng giác quan, nhưng nó không còn chạy theo, không còn dính mắc theo chúng. Có một sự phân cách tách biệt giữa những đối tượng giác quan và những ô nhiễm. Thường thì, khi tâm tiếp xúc với một đối tượng giác quan, có phản ứng thích thì làm khởi sinh sự ô nhiễm; nhưng nếu người tu hiểu biết rõ cái tiến trình khởi sinh-diệt (sự khởi lên và biến mất của sự thích đó), thì đâu còn gì thực sự phát sinh từ trải nghiệm đó – nó sẽ chấm dứt ngay tại đó. (Có sinh thì có diệt ngay đó). 

Câu hỏi: 

Người tu có cần tu tập để chứng đắc trạng thái định (samādhi) trước khi có thể quán niệm về Giáo Pháp? 

Trả lời: 

Ở đây, tùy theo mỗi cách nhìn, người ta có thể nói như vậy là đúng; nhưng nếu nói từ thực tế tu tập, thì phần trí tuệ (paññā) phải đi trước. Nhưng trước giờ theo khuôn khổ truyền thừa kinh điển thì trật tự là Giới, Định, rồi mới đến Tuệ (sīla, samādhi, và paññā). Nếu ai thực sự tu tập từ ban đầu thì trí tuệ (paññā) phải đi trước. Nếu có trí tuệ ngay từ lúc đầu thì có nghĩa là người tu biết được điều đúng và điều sai; và người tu biết được tâm tĩnh lặng là gì và tâm bị động vọng là gì. Nếu nói theo cơ sở kinh điển, ta có thể nói rằng việc tu tập giới hạnh và tính tự trọng sẽ làm khởi sinh loại cảm giác xấu- hỗ và sợ-sệt khi làm bất cứ điều gì sai trái bất thiện. Một khi một người đã thiết lập trong tâm sự sợ-sệt và xấu-hỗ khi làm điều xấu ác và người ấy không còn dính vào điều xấu ác nữa, thì sự xấu ác không còn có mặt bên trong người ấy nữa. Khi không còn sự xấu ác bên trong, điều này sẽ tạo các điều kiện khởi sinh sự tĩnh lặng bên trong tâm. Sự tĩnh lặng đó tạo thành một nền tảng cho sự định tâm (samādhi) khởi sinh và phát triển theo thời gian. Khi tâm được tĩnh lặng, thì sự-thấy và sự-biết khởi sinh từ bên trong sự tĩnh lặng đó được gọi là trí tuệ minh sát (vipassanā). Trí tuệ minh sát có nghĩa là trong từng khoảng khắc trôi qua luôn có một sự thấy biết theo đúng lẽ sự thật, và bên trong trí tuệ minh sát này có chứa những phần tính chất khác nhau. Nếu chúng ta liệt kê ra giấy thì chúng sẽ gồm cả ba phần Giới, Định, và Tuệ (sīla, samādhi, paññā) trong đó. Khi nói về chúng, chúng ta có thể gom chúng lại và nói rằng cả ba phần pháp (dhamma) này tạo thành một và không thể tách rời nhau. Nếu chúng ta nói về chúng như ba loại tính chất khác nhau thì cũng đúng, nếu nói đó là ba phần Giới, Định, và Tuệ (sīla, samādhi, paññā). (Tùy theo cách tổng hợp hay phân tách ra mà thôi. Nếu tổng hợp, chúng chỉ là một, chỉ khác nhau công đoạn trước sau. Nếu phân tách, chúng được gọi là ba phần hay ba mảng như vậy). 

Tuy nhiên, nếu người tu vẫn còn hành vi bất thiện thì hầu như người đó không thể làm cho tâm tĩnh lặng. Bởi vậy, cách đúng đắn nhất là nhìn thấy chúng (ba phần) cùng phát triển với nhau, và sẽ đúng đắn khi nói rằng đây là cách để làm tâm tĩnh lặng. Khi ta nói về phần tu định (samādhi), nó liên quan đến việc giữ giới hạnh (sīla)—đó là việc kiêng giữ những hành vi của thân, như lời nói và hành động, để tránh làm tránh dính vào những điều bất thiện, hoặc tránh làm những điều dẫn đến bất an và khổ đau. Điều này tạo nên một nền tảng cho việc tu tập định (samādhi); và khi người tu đã có được nền tảng định thì đến lượt nó sẽ tạo một nền tảng hỗ trợ cho việc khởi sinh trí tuệ (paññā). 

Khi dạy chính thức, người xưa nhấn mạnh tầm quan trọng của giới hạnh (sīla). Như câu: Ādikalyāna, majjhekalyāna, pariyosānakalyāna: sự tu tập đẹp đẽ từ phần đầu, đẹp đẽ ở phần giữa, và đẹp đẽ ở phần cuối. Như vậy đó. Bạn đã từng tu tập thiền định chưa? 

Câu hỏi: 

Con vẫn còn đang học hỏi. Sau ngày con đến gặp thầy Tan Ajahn Tate ở chùa Wat Keu-an, dì của con có đưa cho con một quyển sách dạy về các giáo lý để con đọc. Sáng hôm sau đi làm con có giở ra đọc mấy đoạn bao gồm những vấn đáp về những vấn đề khác nhau. Trong đó thầy có nói rằng, điều quan trọng nhất là tâm theo dõi và quan sát tiến trình nhân quả diễn ra bên trong. Chỉ cần quan sát và duy trì sự- biết về mọi sự đang khởi sinh. Chiều hôm sau con ngồi tập thiền và trong khi đang ngồi, có những đặc tính xuất hiện làm con cảm thấy như thể thân của mình đã biến mất. Con không thể cảm giác các tay và chân, không còn một cảm nhận gì về thân cả. Con biết rằng thân vẫn còn ở đó, nhưng con không cảm giác được nó. Chiều đó con có cơ hội gặp thầy Tan Ajahn Tate và con tả lại những chi tiết trải nghiệm đó. Thầy ấy nói rằng đó là những đặc tính tâm thể hiện khi nó hợp nhất trong trạng thái định (samādhi), và rằng con nên tiếp tục tu tập. Nhưng con chỉ có trải nghiệm này một lần đó thôi; còn sau này con chỉ thấy rằng con chỉ không thể cảm giác một số phần của thân, chẳng hạn như tay, còn những phần khác con vẫn cảm giác được. Đôi khi trong lúc đang tập thiền con bắt đầu tự hỏi: liệu chỉ ngồi và buông bỏ hết tất cả mọi thứ có phải là cách tu đúng đắn hay không?; hay vẫn còn cách khác để tu tập? 

Trả lời: 

Không cần thiết phải đi xa hơn hay làm thêm điều gì ở giai đoạn này. Đây là điều thầy Tan Ajahn Tate đang nói tới; người tu không nên lặp lại hoặc làm thêm thứ gì trên cái đã sẵn có. Khi một sự-biết có mặt, điều đó có nghĩa là tâm được tĩnh lặng, và đó là trạng thái tĩnh lặng mà người tu cần phải quan sát. Dù người tu cảm giác gì, dù cảm giác như có một thân, hay cảm giác có một cái ‘ta’, hay cảm giác như không có thân hoặc không có cái ‘bản thân mình’ nào cả, điều đó không quan trọng. Tất cả cần phải nên xuất hiện bên trong phạm vi quan sát của sự tỉnh-giác của người tu. Những điều kiện nư vậy có nghĩa tâm được tĩnh lặng và đã hợp nhất trong định (samādhi). 

Khi tâm đã hợp nhất trong một thời gian lâu, được vài lần, rồi sau đó sẽ có sự thay đổi trong các điều kiện, và người ta thường nói rằng lúc đó người tu đã rút lui. Trạng thái này được gọi là trạng thái định sâu (appanā samādhi), và sau khi đã nhập vào trạng thái định sâu thì tâm sẽ rút lui. Thực ra, không chính xác khi nói rằng tâm rút lui, nó không thực sự rút ra. Một cách nói khác là nó bật trở ra, hoặc là nó thay đổi, nhưng hầu hết các sư thầy đều nói theo kiểu là ngay sau khi tâm đã nhập vào trạng thái định sâu thì nó sẽ rút ra. Tuy nhiên đến giờ vẫn còn nhiều người tranh cãi về cách dùng ngôn từ để diễn tả chỗ này. Chính điều này gây nhiều khó hiểu và người tu thường hay thắc mắc: ”Làm sao nó có thể rút lui? Cái sự ‘rút lui’ nghe thiệt khó hiểu!”. Điều đó có thể dẫn tới sự mù mờ hoặc hiểu lầm, bởi do ngôn từ diễn tả mà thôi. 

Điều mà người tu phải nên hiểu là cách thực tập, cách thực tập là quan sát những điều kiện (tình trạng) diễn ra bằng sự chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng (sati-sampajañña). Theo tính chất của vô thường, tâm sẽ chuyển hướng và rút lui về mức (trạng thái) cận định (upacāra samādhi). Nếu tâm rút lui đến mức cận định thì người tu có thể đạt đến sự-biết và sự-hiểu, bởi ở trong mức (trạng thái) định sâu hơn thì không có (không còn) sự-biết và sự-hiểu. Nếu có sự-biết và sự-hiểu tại thời điểm này thì nó giống như sự-nghĩ, tức tâm hành (sankhārā).

Nó sẽ giống như cảnh hai người đang đối thoại và thảo luận về Giáo Pháp với nhau. Người tu nào hiểu được chỗ này có lẽ thấy thất vọng rằng tâm không thực sự tĩnh lặng, nhưng thực đúng thì sự đối thoại đó đang diễn ra bên trong phạm vi của sự tĩnh lặng và giới hạnh đã được tu tập trước đó. Có những đặc tính của tâm, ngay sau khi nó rút lui về trạng thái cận định (upacāra) – nó sẽ có khả năng biết và hiểu nhiều điều khác nhau. Tâm sẽ ở trong trạng thái này trong một khoảng thời gian và sau đó nó lại chuyển hướng trở lại vào bên trong. Nói cách khác, tâm sẽ tiến nhập lại vào trạng thái định sâu giống như nó đã từng nhập vào trước đó; hoặc thậm chí sau mỗi lần rút ra và nhập vào trạng thái định như vậy, tâm có thể đạt đến những mức định lực tinh khiết hơn và tĩnh lặng hơn nhiều so với trước đó. Nếu tâm đã đạt đến một mức độ định như vậy, người tu chỉ cần ghi nhận sự thật đó và liên tục quán sát cho đến lúc tâm lại rút lui ra. Ngay sau mỗi lần tâm rút lui, người tu có khả năng phát triển sự-hiểu và sự-biết khi có những vấn đề khác nhau khởi sinh. Đây là chỗ người tu phải điều tra và xem xét mọi sự và mọi vấn đề khác nhau tác động đến tâm để hiểu được và thâm nhập được những vấn đề đó. Một khi đã làm xong với những vấn đề đó, tâm sẽ lại từ từ tiến lại vào bên trong và đạt đến những mức độ định sâu hơn nữa. Tâm sẽ ở trong trạng thái đó và chín muồi, tự do hoàn toàn khỏi mọi việc và tất cả mọi tác động bên ngoài. Lúc này chỉ còn lại một sự-biết nhất-điểm, và điều này sẽ sẵn sàng làm mạnh mẽ thêm sự chánh-niệm của người tu… cho đến một lúc nào đó tâm lại nổi lên (rút ra lại). Những tình trạng tiến vào và rút ra sẽ xuất hiện trong tâm người tu trong khi đang thiền tập, nhưng đây là điều rất khó nói. Điều này không hề có hại hay gây hại gì cho sự thiền tập của người tu. Sau một lúc tâm sẽ rút ra và sự đối thoại bên trong bắt đầu xảy ra dưới cái dạng tâm hành (sankhārā) tác động cái tâm. Nếu người tu không biết rằng đây là hoạt động của tâm hành (sankhārā), thì người ấy có thể nghĩ rằng đó là trí tuệ (paññā), có thể cho rằng đó là trí tuệ (paññā) đang khởi sinh. Người tu phải nhìn ra hoạt động này chỉ là các điều kiện tạo tác cái tâm, và điều quan trọng nhất là nhìn ra được nó (hoạt động đó) chỉ là vô thường. Người tu tiếp tục làm chủ và không để cho tâm chạy theo hay tin vào những sự tạo tác và những câu chuyện của nó. Tất cả chúng chỉ là những tâm hành tạo tác (sankhārā), nó không trở thành trí tuệ (paññā) đâu. 

Cách trí tuệ (paññā) phát triển là khi người tu lắng nghe và hiểu biết cái tâm trong khi tiến trình tạo tác và điều kiện đang diễn ra theo đủ hướng khác nhau; và rồi người tu biết suy xét về sự bất ổn định và không chắc chắn của tiến trình tạo tác đó. Sự nhận biết về tính vô thường của nó sẽ tạo nguyên nhân làm người tu có thể buông bỏ tất cả mọi thứ mọi sự khởi sinh ngay tại đó. Một khi tâm đã buông bỏ mọi thứ mọi sự ngay tại đó, tâm sẽ càng thêm tĩnh lặng và vững vàng hơn. Người tu phải liên tục tiến vào và thoát ra khỏi trạng thái định sâu (samādhi) như vậy và trí tuệ (paññā) sẽ khởi sinh ngay tại đó. Ngay tại đó người tu sẽ đạt được sự- biết và sự-hiểu. 

Rồi khi người tu tiếp tục thiền tập, nhiều loại vấn đề và khó khăn đều có xu hướng khởi sinh trong tâm; nhưng dù thế giới có những vấn đề khó khăn nào, hoặc thậm chí vũ trụ có dịch chuyển, người tu vẫn có khả năng xử lý mọi vấn đề khó khăn đó. Trí tuệ của người tu sẽ theo sát những vấn đề đó và nó sẽ tự tìm ra những câu trả lời cho từng nghi vấn và nghi ngờ. Mỗi khi người tu thiền tập, mỗi ý nghĩ khởi lên, mỗi điều gì xảy ra, thì mọi thứ đó đều tạo nhân cho trí tuệ (paññā) khởi sinh. Đây là tiến trình tự nó diễn ra chứ không phải do tác động từ bên ngoài. Trí tuệ (paññā) sẽ khởi sinh như vậy, nhưng khi nó khởi sinh người tu phải thận trọng đừng để bị ngu mờ và coi nó như tâm hành tạo tác (sankhārā). Đó là trí tuệ, không phải sự tạo tác. Khi người tu quán chiếu về mọi thứ và nhìn thấy chúng là vô thường và không chắc chắn, thì người tu không dính theo chúng theo bất cứ cách gì. Nếu người tu cứ liên tục phát triển trạng thái này, lúc đó trí tuệ paññā có mặt trong tâm, thì điều đó sẽ thay thế cái lối nghĩ và lối phản ứng thông thường của người tu; và tâm sẽ trở nên đầy hơn và sáng tỏ hơn ngay giữa trung tâm của mọi sự diễn ra. Khi điều này xảy ra – người tu biết rõ và hiểu rõ tất cả mọi thứ mọi sự đúng như chúng thực là – tâm người tu sẽ có khả năng thiền tiến một cách đúng đắn và không còn ngu mờ gì nữa. Đó là cách mọi sự nên diễn tiến.

 

* Bài viết được trích từ bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, Thiền Sư Ajahn Chah

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app