Chánh Kiến—Nơi Mát Lành

 

Việc tu tập Giáo Pháp là đi ngược lại với những thói quen (thói tâm) của chúng ta, đó là sự thật thì đi ngược lại với ý muốn (tham muốn, dục vọng) của chúng ta, do vậy rất khó tu tập. Có. những thứ chúng ta hay nghĩ là sai thì nó lại là đúng, có thứ ai cũng nghĩ là đúng thì là sai. Tại sao có điều này? Bởi tâm chúng ta vẫn còn trong bóng tối, chúng ta không thấy được Sự Thật. Chúng ta không biết rõ sự thật, nên thường thì chúng ta cũng bị lừa bởi những lời nói dối của người đời. Người đời thường nói sai thành đúng, và chúng ta nghe theo; họ nói đúng thành sai, và chúng ta tin theo. Bởi chúng ta chưa phải là người thầy của chính mình. Những trạng thái thì giả lừa chúng ta liên tục. Chúng ta không nên lấy tâm này và những ý kiến của nó (tâm ý) hướng dẫn chúng ta, bởi tâm này vẫn chưa hiểu biết sự thật.

Nhiều người không bao giờ muốn nghe người khác, nhưng đó không phải là cách của một người trí khôn. Người khôn ngoan lắng nghe mọi thứ. Ai muốn lắng nghe Giáo Pháp thì phải biết lắng nghe mọi thứ dù đó là thứ mình thích hay không thích, và khi lắng nghe chứ không mù quáng tin theo hay không tin theo. Khi nghe chúng ta nên đứng giữa lằn đúng-sai, đừng vội ngã theo bên nào. Hãy lắng nghe và suy xét, điều tra giúp làm khởi sinh ra sự nhận biết đúng đắn.

Một người khôn ngoan thì nên suy xét chánh niệm và tự mình nhìn thấy sự nhân-quả trước khi tin vào điều mình đã nghe. Ngay cả khi người thầy nói sự thật, đừng vội tin ngay, bởi ta chưa tự thân trải nghiệm hay hiểu biết về vấn đề đó. 

Tất cả chúng ta đều vậy, cả tôi cũng vậy. Tôi tu tập trước quý vị, tôi nhìn thấy trước nhiều điều giả lừa. Ví dụ như câu người ta hay nói ”Tu kiểu này rất khó, thật là khó”. Tại sao khó? Chỉ là tại vì chúng ta nghĩ nó khó, chúng ta có cách nhìn sai lầm. 

Trước kia tôi sống chúng với các tăng khác, tôi không cảm thấy ổn. Tôi bỏ đi vô rừng và lên núi, xa lánh khỏi chỗ đông người, cách xa các tăng và sa-di. Tôi nghĩ rằng họ không giống tôi, họ không tu tập siêng năng bằng tôi. Họ trì trệ. Người này như vầy, người kia như vậy. Tôi cứ nghĩ trong đầu như vậy nên lúc nào cũng rối tung, lúc nào cũng muốn trốn chạy khỏi họ. Nhưng dù tôi có sống với họ hay sống một mình, tôi cũng chẳng được bình an. Sống với đông người tôi không vừa lòng, sống một mình tôi cũng không vừa lòng. Tôi nghĩ sự bất mãn này là do họ, do những trạng thái của tôi, do nơi tôi ở, do thức ăn, do thời tiết, do này, do nọ. Tôi cứ liên tục đi tìm chỗ nào đó cho vừa lòng mình.

Là một khất sĩ khổ hạnh (dhutanga) nay đây mai đó, tôi cứ tiếp tục đi, nhưng mọi sự vẫn không ổn, vẫn không an lòng. Do vậy tôi đã suy xét: ”Tôi có thể làm gì để mọi sự vừa lòng?” Sống với nhiều người tôi cũng không thấy ổn, sống một mình cũng không dễ chịu. Ý do là sao? Tôi không nhìn ra lý do. Tại sao tôi luôn bất mãn? Bởi vì tôi có cách nhìn sai lạc, chỉ vậy thôi. (Mọi thứ điều do cách nhìn). Bởi tôi vẫn còn dính vào những pháp sai lệch. Đi đâu tôi cũng không vừa lòng, cứ nghĩ: ”Ở đây không tốt, ở đó không tốt…”, vân vân và vân vân. Tôi trách người. Trách trời mưa, trời nắng. Trách trời nóng, trời lạnh. Trách đủ thứ! Cứ như con chó khùng. Nó gặp đâu cắn đó, vì nó khùng. Khi tâm chúng ta như vậy thì sự tu hành của chúng ta chẳng bao giờ ổn thỏa. Hôm nay thấy tốt, ngày mai thấy không tốt. Cứ nắng mưa như vậy suốt ngày này ngày khác. Cứ như vậy chúng ta chẳng bao giờ có được sự hài lòng hay bình an. 

Có lần Phật nhìn thấy một con chó rừng. Nó chạy ra khỏi rừng, đứng lại, rồi chạy vào lùm cây, rồi chạy ra lại, đứng lại, rồi lại chạy vào hang đất, rồi lại chạy ra đứng, đứng rồi lại nằm xuống, nằm xuống rồi lại bật dậy, rồi chạy đi, chạy lại, chạy ra, chạy vô, không một chút ngừng nghỉ. Con chó bị ghẻ lở đang ăn sâu vào da thịt của nó, nên nó rất khó chịu, đau nhức, ngứa ngáy, quá khổ sở. Do vậy nên nó đứng, đi, nằm, ngồi, chạy, lũi vô hang…đều thấy khó chịu và khổ sở.

Phật nói rằng: ”Này các Tỳ kheo, các thầy có thấy con chó rừng buổi chiều nay không? Đứng nó bị khổ sở, ngồi nó bị khổ sở, chạy nó bị khổ sở, nằm nó bị khổ sở. Dù ở trong rừng, dưới bụi cây, trong hang đất nó đều khổ sở. Nó bực tức vì đứng làm nó đau khổ, nó bực tức vì ngồi làm nó đau khổ, nó bực tức vì chạy và vì nằm làm nó đau khổ; nó tức cái cây, cái bụi và hang đất. Thực ra vấn đề khó khổ không phải

                                                                                                   

kiềm chế nhanh hơn những tham dục của mình và giúp cho sự tu tập mau hiệu quả hơn. (Quý vị đọc thêm riêng về 13 Giới Tu Khổ Hạnh này).

ở chỗ những thứ đó. Mà do con chó bị ghẻ lở. Vấn đề khó khổ là chỗ ghẻ lở”. 

Chúng ta là những người đi tu cũng như con chó rừng. Sự bất hài lòng, sự bất mãn, sự khó ở của chúng ta chỉ là do cách nhìn của chúng ta mà thôi. Bởi chúng ta chưa tu tập kiềm chế các giác quan, nhưng cứ đi đỗ thừa cho những thứ bên ngoài. Dù chúng ta đang sống ở chùa Wat Pah Pong này, sống ở Mỹ hay ở Anh thì chúng ta cũng không vừa lòng. Dù có đi đến ở chi nhánh nào của Wat Pah Pong thì chúng ta cũng không thấy ổn để tu. Bởi chúng ta vẫn còn cách nhìn sai lạc trong tâm. Dù có đi đâu cũng thấy không ổn, cũng bất mãn, chán chường nơi đó. 

Như con chó, nếu chỗ ghẻ lở được trị lành thì nó sẽ hài lòng khi đứng, đi, chạy, nằm; chúng ta cũng tương tự vậy, nếu có cách nhìn đúng đắn thì ở, đi, hay đến đâu ta cũng hài lòng, vui sống. Tôi đã suy xét về điều này rất nhiều và đã chỉ rất nhiều cho quý vị, bởi chỗ này rất quan trọng cho cuộc sống tu hành. Nếu chúng ta hiểu biết các sự thật khác nhau, chúng ta sẽ đi đến hài lòng. Dù nóng hay lạnh chúng ta cũng hài lòng, dù ở với nhiều người hay ít người chúng ta vẫn hài lòng. Sự hài lòng không tùy thuộc vào bao nhiêu người xung quanh, mà tùy thuộc vào cách nhìn đúng đắn của chúng ta. Nếu chúng ta có chánh kiến thì dù ở đâu chúng ta cũng biết hài lòng.

Nhưng hầu hết chúng ta đều có tà kiến. Giống như con giòi—nơi nó sống là bẩn thỉu, thứ nó ăn là bẩn thỉu… nhưng nơi đó và thứ đó lại thích hợp với nó. Nếu chúng ta lấy cây hất nó ra khỏi đống phân cứt bẩn thỉu đó, nó sẽ cố hết sức để bò trở lại đống phân đó. Cũng giống như khi các sư thầy dạy chúng ta cách nhìn đúng đắn, thanh tịnh. Chúng ta thấy khó nghe, thấy ngược ngạo, cảm thấy khó chịu. Chúng ta cứ muốn quay lại với ‘đống phân’ cố hữu của mình, bởi vì chúng ta đã quen với những điều chấp thủ. Tất cả chúng ta đều là vậy. Chừng nào chúng ta chưa nhìn ra những hậu quả của những cách nhìn sai lầm (tà kiến) thì chúng ta càng khó rời bỏ chúng, và sự tu tập sẽ còn rất khó khăn. 

Nơi an trú đúng đắn của các tu sĩ, nơi mát lành, chính là chỗ chánh kiến. Chúng ta không nên tìm kiếm chỗ khác.

Do vậy, ngay cả khi các thầy không vui thì cũng chẳng sao, sự không vui đâu có chắc chắn. Sự bất hạnh đâu phải là ‘ta’? Đâu phải bất hạnh là thứ bất thay đổi? Đâu phải nó là thực tại cố định? Tôi không thấy nó là gì cả. Cảm giác không vui hay bất hạnh chỉ là một sự thoáng qua và biến mất. Hạnh phúc cũng vậy, cũng chỉ là thoáng qua và phù du. Cảm giác hạnh phúc đâu có gì là bền chắc? Nó đâu phải là một thực thể hay một thực tại cố định đâu? Nó chỉ đơn giản là cảm giác có đó và biến mất. Tình yêu thương cũng khởi lên rồi biến mất. Đâu có gì chắc chắn hay ổn định trong cảm giác yêu thương, ghét bỏ hay thù hận? Không có cảm giác nào là một thứ bất biến và chắc chắn hết, nó chỉ là những cảm tưởng phát sinh trong tâm và sau đó tắt đi. Chúng liên tục giả lừa chúng ta, thực ra mọi thứ đều không có gì chắc chắn. Giống như Phật đã nói, cảm giác bất hạnh khởi sinh trong chốc lát, sau đó nó cũng biến đi. Khi bất hạnh biến mất thì cảm giác hạnh phúc khởi sinh, rồi sau đó cũng biến mất. Khi hạnh phúc biến đi, cảm giác bất hạnh lại khởi sinh… và cứ như vậy. (Vui buồn, sướng khổ, vừa lòng bất mãn, thích chán… liên tục liên tục trong tâm chúng ta trong suốt thời gian sống). 

Rốt cuộc chúng ta có thể nói rằng—ngoài sự khổ của “sinh, sống, già, chết” ra, chẳng có gì khác. Chỉ như vậy. Sự sống chỉ có như vậy. Nhưng chúng ta là những kẻ ngu mờ vô minh cứ liên tục chạy theo theo bám víu vào sự “sinh, già, bệnh chết” đó. Chúng ta chưa nhìn thấy sự thật của nó, đó là nó luôn luôn thay đổi. Nếu chúng ta chỉ cần hiểu được lẽ thật này thì chúng ta đâu cần phải suy nghĩ nhiều, và chúng ta có được nhiều trí tuệ. (Nếu hiểu được mọi thứ đều luôn thay đổi, ta đâu cần phải bực bội, khó ở, bất hạnh ở bất cứ nơi nào). Nếu chúng ta không hiểu lẽ thật đó, thì chúng ta chỉ liên tục có toàn những suy nghĩ chứ không có trí tuệ– và có lẽ chẳng có chút trí tuệ nào cả! Không có trí tuệ gì nếu chúng ta vẫn chưa nhìn thấy những hậu quả nguy hại từ những hành động sống (nghiệp) của chúng ta từ trước đến nay. Tương tự, chẳng có trí tuệ gì cho đến khi chúng ta nhìn thấy những kết quả lợi lạc của việc tu tập và từ đó bắt đầu hướng tâm theo hướng ‘tốt thiện’. 

Nếu chúng ta chặt khúc cây và quăng xuống sông, khúc cây đó không bị chìm, không bị mục, không bị dạt vào hai bên bờ, mà nó chắc chắn sẽ trôi ra biển. Sự tu tập của chúng ta có thể so với điều này. Nếu chúng ta tu tập theo lời hướng dẫn của Đức Phật, tu tập theo đạo một cách chính thẳng, thì chúng ta có thể vượt qua hai điều. Hai điều là gì? Đó là hai cực đoan mà Phật đã dạy là không phải cách của người tu thiền đúng đắn. Hai cực đoan đó là chạy theo dục lạc và dấn thân vào hành xác khổ hạnh. Hai đó như hai bờ sông. Bên lở, bên bồi. Một bên dòng chảy thích, một bên dòng chảy ghét. Một bên là vui sướng khoái lạc, một bên là khổ hạnh hành xác. ‘Khúc gỗ’ là tâm này. Khi nó ‘trôi theo dòng sông’ nó ‘dạt’ qua bên lở bên bồi, nó trải nghiệm sướng và khổ. Nhưng nếu tâm không dính vướng vào bên sướng hay bên khổ thì nó sẽ đi ra được ‘biển lớn’ Niết-bàn. Quý vị nên nhìn ra rằng: chẳng có gì khác ngoài sự khổ và sướng khởi sinh và biến mất. Nếu quý vị không dính chấp sướng khổ, thì quý vị đang đi đúng đắn trên con đường đạo, đang là một người tu thiền đích thực. 

Đây là giáo lý của Đức Phật. Sướng, khổ, thích, ghét… đơn giản được thiết lập trong tự nhiên theo quy luật thường hằng của tự nhiên. Người có trí không dính theo những sự sướng, khổ, thích, ghét…đó; người ấy không dính mắc vào chúng. Đây chính là tâm buông bỏ mọi tham thích về khoái lạc và ý muốn về khổ hạnh. Không chạy theo cực đoan sướng, cũng không chạy theo cực đoan hành khổ. Đây là cách tu tập đúng đắn. Cũng giống như khúc gỗ không bị vướng vào bên bồi và bên lỡ để cuối cùng trôi ra biển lớn, khi tâm này không bị dính mắc vào hai cực đoan sướng và khổ thì chắc chắn sẽ đạt đến bình an.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app