85. Những Khó Khổ Trên Đường Tu

Vào thời Đức Phật, có một tu sĩ hết mực muốn tìm ra con đường đích thực để đi đến giác ngộ. Người đó muốn biết chắc đâu là cách thiền tập đúng đắn và đâu là cách thiền tập sai lầm. Sau khi nhất quyết rằng sống trong tu viện đông đúc chỉ làm rối trí và xao lãng, người đó bỏ đi tìm nơi vắng vẻ để tự mình thiền tập. Sống một mình và thực tập liên tục, nhiều lúc trải nghiệm tới những giai đoạn tâm tĩnh lặng và đạt định (samādhi), nhưng nhiều lúc chẳng được tĩnh lặng chút nào. Vẫn còn chưa chắc về việc thiền tập của mình. Nhiều lúc người đó rất thấy siêng năng và nỗ lực tu tập, nhiều lúc lại thấy lười biếng tu. Cuối cùng, người đó cứ nghi ngờ và dính kẹt trong sự nghi hoặc, bởi không tìm thấy sự thành công mặc dù đã hết sức nỗ lực để tìm cách tu đúng đắn. 

Thời đó ở Ấn Độ có nhiều thầy dạy thiền và vị tu sĩ đó cũng nghe được tên tuổi của mấy thiền sư đó. Ví dụ nghe nói có thầy ”Ajahn A”, rất nổi tiếng về cách dạy thiền rất khéo léo. Vị tu sĩ đó ngồi nghĩ đi nghĩ lại và cho rằng biết đâu vị thiền sư đó biết cách tu đúng đắn để giác ngộ, nghĩ vậy vị tu sĩ đó lên đường đi tầm sư học đạo. Sau khi được chỉ dạy, vị tu sĩ đó quay về tự thiền tập, và sau đó thấy trong những giáo lý mới học đó, có cái giống như mình nghĩ, có cái khác với mình nghĩ. Rồi vị tu sĩ đó thấy mình vẫn còn dính trong sự nghi ngờ và vẫn còn chưa chắc chắn về cách tu nào. 

Thời gian sau, vị tu sĩ đó lại nghe đồn về một thiền sư khác, ví dụ thầy ”Ajahn B”, người cũng rất nổi tiếng là người giác ngộ và khéo dạy về thiền tập; tin này càng làm vị tu sĩ đó thêm nghi ngờ và nghi vấn. Nhưng rồi vị ấy cũng lên đường tìm vị thầy mới để học tu. Sau khi tiếp nhận những lời dạy mới, vị tu sĩ quay về chốn ẩn dật của mình để thiền tập. Rồi vị ấy đem so sánh những giáo lý của vị thầy này với giáo lý của vị thầy trước, và thấy rằng chúng chẳng giống nhau. Vị ấy cũng đem so sánh những tính cách và cách thể hiện của hai ông thầy, và thấy hai ông thầy cũng rất khác nhau. Rồi vị tu sĩ lại đem so tất cả các giáo lý của hai ông thầy với những gì mình đã tự học được trước kia, và nhận thấy tất cả cũng đều khác nhau! Càng so sánh, vị tu sĩ càng thấy hoài nghi, chẳng biết đâu là đúng, đâu là sai. 

Rồi một thời gian không lâu sau đó, vị tu sĩ đó lại nghe tin về một vị thiền sư khác, ví dụ thầy ”Ajahn C” mới đích thực là một vị thầy thông thái. Người ta đồn đại nhiều về vị thầy này đến nỗi vị tu sĩ nôn nóng đi tìm thầy để học ngay. Vị tu sĩ quyết tâm lắng nghe và làm theo đúng những gì vị thầy mới này chỉ dạy. Nhưng, có những điều vị thầy mới nói giống một hay hai vị thầy trước; có những điều hoàn toàn khác hẳn. Vị tu sĩ cứ liên tục nghĩ suy và so sánh, cố gắng suy xét coi tại sao ông thầy này làm cách này, còn ông thầy kia cứ làm cách khác. Vậy cách nào là đúng? Vị tu sĩ cứ tiếp tìm thấy sự khác biệt trong giáo lý của các ông thầy; và lại gom hết những giáo lý đó so sánh với những gì mình đã tự học trước kia, và thấy rằng tất cả đều khác nhau. Cuối cùng, vị tu sĩ đó tu hoài cũng chẳng đạt được định (samādhi). Càng suy xét về những cách dạy của mấy ông thầy, vị ấy càng thêm bất an và động vọng, cứ như vậy cho đến khi mọi sức lực và nỗ lực đều bị đốt cháy vào những nghĩ suy đó cho đến lúc thân và tâm trí đều kiệt sức. Cuối cùng, vị ấy đã bị đánh bại bởi chính những nghi ngờ và phỏng đoán bất tận của mình. 

Cuối cùng, vị tu sĩ nghe được tin truyền nhanh về một vị thầy đã giác ngộ tên là Gotama (Cồ-đàm) mới có mặt trên thế gian. Lập tức vị tu sĩ ấy nôn nao và mong muốn chạy đi tìm gặp người thầy mới, trong lòng cứ suy đoán đủ thứ về vị thầy mới sẽ ra sao… Rồi vị ấy cũng gặp được Phật, kính chào và lắng nghe Phật thuyết giảng về Giáo Pháp cho mình. Phật giải thích rằng, về mặt rốt ráo, một người không thể nào đạt đến sự hiểu biết và vượt qua nghi ngờ chỉ bằng cách nghe lời dạy của người khác. Càng nghe thì càng nghi ngờ; càng nghe thì càng lẫn lộn quẫn trí. Phật nói rằng trí tuệ của người khác thì không thể cắt đứt nghi ngờ của ta. Người khác không thể dẹp bỏ nghi ngờ trong tâm của ta. Chỉ có trí tuệ của chính ta và chính ta mới có thể tự hiểu biết và tự dẹp bỏ được nghi ngờ của mình. Những gì người thầy có thể làm là chỉ ra cách những nghi ngờ khởi sinh và cách để ta quán xét về chúng. Nhưng sau khi học biết những cách đó, chính ta phải tự mình thực hành cho đến khi tự mình đạt được trí tuệ và tự mình thấy biết sự thật. Phật dạy rằng nơi tu tập chính là trong thân này. Sắc thân, cảm giác, nhận thức, ý nghĩ và tâm thức [sắc, thọ, tưởng, hành, thức- (rūpa, vedanā, saññā, sankhārā, viññāna)] chính là những người thầy của người tu; năm tập hợp (uẩn) đó cung cấp cho người tu một cơ sở để phát sinh trí tuệ hiểu biết. Cái người tu vẫn còn thiếu đó là một cơ sở để thiền tập (bhāvanā) và để quán chiếu (suy xét) một cách khôn khéo. 

Phật đã dạy rõ cách duy nhất để thực sự chấm dứt nghi ngờ là quán xét thân này và tâm này của chúng ta – ”chỉ cần làm bấy nhiêu!”. (Cao xa gì cũng chỉ làm việc đó). Dẹp bỏ quá khứ, dẹp bỏ tương lai–chỉ cần tu tập cái sự-biết và sự buông-bỏ. Duy trì sự-biết. Một khi đã thiết lập được sự-biết thì buông bỏ–nhưng đừng cố buông bỏ mà không có sự-biết. Chính sự có mặt của sự-biết giúp ta buông bỏ. Buông bỏ mọi thứ ta đã làm trong quá khứ: cả điều xấu lẫn điều tốt. Bất cứ điều gì đã làm ta buông bỏ hết, bởi dính líu với chuyện đã qua thì đâu có ích lợi gì. Việc tốt đã làm là tốt lúc đó, việc xấu đã làm là xấu lúc đó. Cái gì tốt thì đã tốt, cái gì xấu thì đã xấu. Giờ chúng ta có thể dẹp bỏ chúng, buông bỏ chúng. Ngay cả tương lai cũng là chưa xảy ra. Cái gì khởi sinh và biến mất trong tương lai thì vẫn chưa thực xảy ra, cho nên đâu ích gì phải đi phỏng đoán này nọ về cái sẽ xảy ra hay không xảy ra trong tương lai. Cứ tỉnh giác về bản thân mình và buông bỏ. Buông bỏ quá khứ. Những gì xảy ra trong quá khứ đã xong rồi. Tại sao phải tốn thời giờ để khai triển này nọ về về chúng? Nếu chúng ta có nghĩ gì về điều đã xảy ra trong quá khứ thì hãy buông bỏ cái ý nghĩ đó luôn. Đó chỉ là một thứ (hiện tượng, pháp, dhamma) khởi sinh trong quá khứ. Sau khi khởi sinh nó đã ngừng diệt trong quá khứ. Ngay cả việc khai triển cái ý nghĩ này nọ về hiện tại cũng không ích gì. Khi ta đã thiết lập sự tỉnh-giác về cái ta đang nghĩ, thì ta buông bỏ nó luôn. (Ta tỉnh giác biết rõ cái ta đang nghĩ và buông bỏ nó để nó biến qua luôn). Chỉ cần tu tập sự-biết và sự buông-bỏ mà thôi. 

Điều đó không có nghĩa là ta không nên trải nghiệm bất kỳ ý nghĩ nào hoặc không nắm quan điểm nào: ta cứ trải nghiệm những ý nghĩ và những quan điểm, và rồi buông bỏ chúng ngay – bởi chúng đã xong. Tương lai thì còn ở trước: những gì khởi sinh trong tương lai sẽ chấm dứt trong tương lai. Cứ tỉnh giác biết rõ những ý nghĩ của ta về tương lai, và buông bỏ chúng luôn. Những ý-nghĩ và quan-điểm của ta về trong quá khứ là không chắc chắn, đúng thiệt là như vậy. Những ý-nghĩ và quan-điểm của ta về tương lai thì hoàn toàn không chắc chắn. Cứ tỉnh giác biết rõ và buông bỏ, bởi những thứ (ý nghĩ và quan điểm) đó là không chắc chắn. Tỉnh giác biết rõ về khoảng khắc hiện tại, điều tra suy xét về điều ta đang làm ngay bây-giờ và tại-đây. Không cần phải nhìn vào những thứ bên ngoài ta; không cần nhìn những thứ đã qua hoặc chưa tới. 

Phật không khen những người chỉ biết đặt niềm tin và đức tin vào những gì người khác nói; Phật cũng không khen những người cứ chạy theo những trạng thái tốt và xấu, đúng và sai, người chỉ biết dựa theo những gì người khác làm hay nói. Những gì người khác làm và nói là thuộc về họ; chúng ta có thể tỉnh giác biết về chúng, nhưng rồi buông bỏ. Ngay cả khi họ làm điều đúng đắn, họ nhìn thấy đó là điều đúng đối với họ, nhưng điều đó chưa chắc là đúng đối với ta. Nếu ta không có chánh kiến trong tâm thì ta đâu biết được điều đó là đúng với ta hay không; khi ta tự mình trải nghiệm có thể ta thấy điều đó không đúng và không tốt với ta; bởi vì trước mắt vẫn chỉ đang là điều bên ngoài và của người ngoài. Những sư thầy đều tự tu tập cho mình – dù họ đang tu đúng hay tu sai – họ tu ở chỗ họ, đâu dính líu gì ta. Nếu họ có tu tốt thì điều đó cũng đâu thay đổi ta; nếu họ tu đúng thì cũng là đúng cho họ, chứ đâu đúng hay tốt cho ta. Đây là lý do Phật không khen những người không biết tự mình tu tập để tự mình đạt đến trí tuệ và thấy biết sự thật. 

Tôi nhấn mạnh Giáo Pháp là hướng thẳng vào bên trong (opanayiko) – là hướng nội – để tâm thấy biết, hiểu biết và trải nghiệm kết quả tu tập ngay bên trong nó. Nếu có ai nói ta thiền tập đúng đắn, đừng vội tin lời họ; và tương tự có ai nói ta đang tu tập sai lạc, đừng vội chấp nhận lời họ nói cho đến khi tự mình thực sự thực tập và tìm thấy điều đó. Ngay cả khi họ chỉ dẫn cho bạn một cách tu đúng đắn để giác ngộ thì đó cũng mới chỉ là lời nói của họ; còn ta phải nhận lấy lời chỉ dạy đó và tự mình ứng dụng thực tập cho đến khi nào tự mình trải nghiệm kết quả ở ngay-tại-đây trong hiện tại thì kết quả đúng đắn đó mới đích thực là của mình. Điều này nghĩa là ta phải tự mình làm nhân chứng của mình, tự mình có thể xác nhận kết quả tu tập đúng đắn ngay trong tâm mình. Ví dụ như tôi nói trái chanh này chua và mời mọi người hãy thử nếm để biết, nhưng họ chỉ tin lời tôi nói là chanh chua, chứ họ không tự nếm để tự biết nó thực sự vị chua ra sao. Sự tin kiểu đó là vô dụng (mogha), nó chẳng có giá trị thực hay ý nghĩa gì. Khi tôi nói chua đó là cảm nhận của tôi, đâu phải là cảm nhận của họ mà họ biết và tin. Vậy đó. Phật không khen sự tin kiểu đó. Nhưng chúng ta cũng không nên chối bỏ nó: chúng ta phải điều tra suy xét về điều đó. Để điều tra đúng sai, chúng ta phải tự mình nếm trái chanh đó, và bằng cách tự mình nếm trải nó, chúng ta trở thành nhân chứng cho chính sự trải nghiệm của mình. Ai nói chanh chua ra sao, ta cứ lấy ăn thử thì sẽ tự mình biết chắc họ nói đúng. Đó là cách biết chắc hai lần—thứ nhất tin chanh là chua và thứ hai tự mình nếm biết chanh chua ra sao. Cách như vậy giúp ta tự tin chắc chắn vào điều mình biết; ta là nhân chứng sự thật trong tâm ta. 

Thầy Ajahn Mun, sư phụ của tôi, đã gọi nhân chứng bên trong này là sakkhibhūto. Sự xác thực một sự-biết nào chỉ dựa vào lời người khác nói thì không phải là thực, nó chỉ là thực với người nói mà thôi – còn bạn, bạn chỉ nghe người khác nói chua là bạn khẳng định theo. Như vậy chưa đúng. Có thể nói đó mới là một nửa hoặc năm mươi phần trăm sự thật mà thôi. Nếu bạn tự mình nếm trái chanh và biết rõ nó chua ra sao, thì đó mới là một trăm phần trăm, đó là sự thật trọn vẹn: bạn có bằng chứng từ lời nói của người khác và từ sự nếm trải trực tiếp bởi chính mình. Đây mới là thực một trăm phần trăm. Đây chính là sakkhibhūto: cái ‘nhân chứng bên trong’ đã khởi sinh trong tâm bạn. 

Cách tu tập như vậy là opanayiko: hướng vào trong, hướng vào trong tâm mình. Ta hướng sự chú tâm vào bên trong, cho đến khi sự hiểu biết và trí tuệ trở thành paccattam [paccattam nghĩa là: sự tự mình biết và trải nghiệm sự thật]. Sự hiểu biết từ sự nghe và nhìn ở người khác chỉ là bề ngoài, sự hiểu biết đó chưa đúng thực như sự hiểu biết của paccattam; sự hiểu biết từ người khác thì nằm ngoài cái sự tự thân hiểu biết của paccattam. Sự hiểu-biết từ sự nghe và thấy không phải là sự hiểu-biết khởi sinh từ sự việc tự mình quán xét, cho nên đó không phải là trí tuệ của chính mình—đó chỉ mới là trí tuệ hiểu biết của người khác. (Người khác nói ta nghe về một chân lý hay một trí tuệ thì chân lý đó và trí tuệ đó vẫn là của họ, chưa phải là của ta, đó chưa phải là trí tuệ của của ta. Ta chỉ mới nghe thấy điều đó; nhưng ta chưa tự mình chứng thấy điều đó bên trong tâm của ta). Điều này không có nghĩa là chúng ta không nên chú tâm lắng nghe hoặc bỏ lơ những lời khuyên dạy từ người khác, nhưng chúng ta nên nhận lấy những lời dạy đó làm đề-mục đề tài để điều tra và suy xét. Lần đầu mới đọc kinh sách, các thầy bắt đầu hiểu vài khía cạnh của giáo lý trong đó, và nếu tin vào những điều đó thì cũng tốt, nhưng cũng nên lập tức nhớ rằng mình chưa tu tập cái tâm và chưa tự mình trải nghiệm những điều đó. Vì chưa thực tập điều đó nên các thầy vẫn chưa thực sự nếm trải trọn vẹn ích lợi của giáo lý đó. Mới đọc và tin thì chỉ có giá trị một nửa. Do vậy các thầy cần phải tu tập cái tâm để chín chắn trí tuệ, đến lúc đó các thầy có thể hoàn toàn soi chiếu và thấy rõ sự thật của những giáo lý đó. Đó là cách làm cách tu cho sự hiểu-biết của chúng ta trở nên trọn vẹn. Rồi lúc đó các thầy có thể vượt qua nghi ngờ. Nếu các thầy đã có được trí tuệ sâu sắc nhìn thấu sự thật từ bên trong cái tâm này, thì tất cả mọi hoài nghi và sự không chắc chắn về đạo và đạo quả sẽ hoàn toàn biến mất. 

Chúng ta hay nói tu tập các pháp hiện tại (paccuppanna dhamma, hiện pháp) nghĩa là gì? Nghĩ là khi bất thứ gì đang khởi sinh trong tâm chúng ta phải điều tra, suy xét và xử lý nó ngay. Sự tỉnh-giác của ta phải có mặt sẵn ngay đó. Paccuppanna dhamma – hiện pháp – là chỉ cái sự trải nghiệm của giây khắc khắc hiện tại – đó hàm chứa cả nhân và quả. Giây khắc hiện-tại được cắm rễ chắc chắn bên trong tiến trình nhân-quả; cách ta đang ở trong hiện tại phản ảnh những nhân trong quá khứ – sự trải nghiệm của hiện tại chính là quả của những nhân trong quá khứ. Tất cả từng trải nghiệm bạn có cho đến giây khắc hiện tại này đều khởi sinh từ những nhân trong quá khứ. Chẳng hạn, các thầy có thể nói việc đã rời khỏi cốc thiền của mình là nguyên nhân, và các thầy đang ngồi đây là kết quả. Đây là sự thật đường lối diễn ra của tất cả mọi thứ, đó là một chuỗi nhân-quả liên tục. Do vậy, những gì ta làm trong quá khứ là nhân, trải nghiệm hiện tại là quả. Tương tự như vậy, những hành động hiện tại là nhân, những gì ta trải nghiệm trong tương lai là quả. Việc đang ngồi đây đang khởi tạo nguyên nhân cho những sự xảy ra sau này! Quá khứ là nhân tạo quả là hiện tại, và hiện tại là nhân tạo ra quả là tương lai. Quá khứ là nhân của hiện tại, hiện tại là nhân của tương lai; tương lai là quả của hiện tại, hiện tại là quả của quá khứ. (Tất cả mọi thứ đều khởi sự từ nhân, nên Phật đã nói mọi sự đều có nhân của nó). 

Cái Phật nhìn ra là: chúng ta cần phải biết buông bỏ cả quá khứ và tương lai. Khi nói buông bỏ không phải là ta đơn giản dẹp bỏ chúng. Sự buông-bỏ có nghĩa là chánh-niệm và trí-tuệ có mặt ngay tại một điểm—đó là thời-điểm hiện-tại. Quá khứ và tương lai nối kết ngay tại điểm đó—nối kết ngay thời-điểm hiện-tại. Hiện tại vừa là quả của quá khứ, vừa là nhân của tương lai. Vậy là chúng ta phải buông bỏ cả nhân và quả, và chỉ đơn thuần an trú vào cái thời khắc hiện-tại. Chúng ta nói buông bỏ chúng, nhưng đó chỉ là lời nói để diễn tả cái cách tu tập cái tâm. Cho dù chúng ta có dẹp bỏ những dính mắc và buông bỏ quá khứ và hiện tại, thì cái tiến trình nhân-quả vẫn đang có mặt ở ngay đó, nó vẫn đang diễn tiến ở ngay đó. Đúng thực, chúng ta có thể gọi đây là điểm giữa-đường hay điểm trung-chuyển; bởi nó cũng là một phần của tiến trình nhân-quả. Phật đã dạy phải quán sát giây khắc hiện tại, ngay đó ta sẽ nhìn thấy cái tiến trình ‘khởi sinh và biến diệt’ đang diễn ra, theo sau là sự’ khởi sinh và biến diệt khác’, liên tục và liên tục nói tiếp nhau diễn ra. 

Mọi thứ khởi sinh trong thời khắc hiện tại đều là vô thường. Tôi thường nói đi nói lại về điều này, nhưng mọi người thường ít để ý. Họ do dự không muốn ứng dụng cái giáo lý nhỏ này để thực hành. Giáo lý đó là: Tất cả mọi thứ khởi sinh đều là vô thường. Mọi thứ đều là không chắc chắn. Đây thực sự là cách dễ nhất và ít phức tạp nhất để quán chiếu về sự thật. Nếu các thầy không thiền quán về giáo lý này, thì khi mọi thứ khởi sinh là vô thường và luôn biến đổi, các thầy sẽ không biết cách xử lý một cách khôn khéo và có xu hướng bị động vọng ngay trong tâm. Việc điều tra suy xét về tính vô-thường mang lại cho chúng ta trí tuệ và hiểu biết về một chân lý thường hằng, chắc chắn. (Đó là chân lý về tính vô-thường). Bằng cách suy xét những thứ vô thường và không chắc chắn, chúng ta nhìn ra một lẽ thực chắc chắc thường hằng—đó là tính vô-thường. (Bản chất vô-thường và không-chắc-chắn là bản chất không thể chối cãi của tất cả mọi thứ và mọi sự trong thế gian. Cái bản chất đó là bao trùm). Đây là cách các thầy phải lý giải ra để mọi người hiểu rõ sự thật—nhưng mọi người có thói không chịu hiểu, họ cứ bỏ thời gian ra chạy qua chạy lại khắp nơi để tìm sự thật. Thực vậy, nếu chúng ta muốn trải nghiệm một sự bình-an thực thụ thì chúng ta phải mang cái tâm vào cái điểm nơi nó hoàn toàn chú tâm chánh niệm vào giây-khắc hiện-tại. Dù sướng hay khổ khởi sinh ở đó, hãy dạy mình nó là vô- thường. Cái vai trò của tâm chánh niệm về những thứ sướng và khổ chính là cái trí biết [Phật trí] bên trong mỗi chúng ta. Cái ‘người giác ngộ’ tính vô-thường trong tất cả mọi thứ chính là Giáo Pháp bên trong ta. 

Cái gì là Giáo Pháp cũng chính là Phật, nhưng đa số mọi người không hiểu được điều này. Họ cứ nghĩ Giáo Pháp là thứ bên ngoài, ở đâu đó bên ngoài, còn Phật là thứ khác đang ở đây. Nếu con mắt của tâm nhìn thấy tất cả mọi thứ có điều kiện (mọi pháp hữu vi) là vô thường, thì tất cả mọi sự khổ đau do sự dính chấp gây ra đều biến mất. Dù chúng ta có suy xét theo cách nào đi nữa, lẽ thực này [tính vô thường] là điều duy nhất thực sự chắn chắn. Khi ta nhìn thấy sự thật này, tâm ta buông bỏ ngay, nó không còn vì dính chấp ràng buộc với mọi thứ khởi sinh trên đời. Nguyên nhân của khổ – đó là sự dính chấp ràng buộc – đã biến mất; hệ quả là tâm đã nhìn thấu vào sự thật và hợp nhất với Giáo Pháp. Không có điều gì cao xa, sâu sắc hơn, đáng tìm kiếm hơn sự chứng ngộ sự thật này. Theo cách đó, Giáo Pháp là như Phật, Phật như Giáo Pháp. 

Cái giáo lý rằng “tất cả mọi thứ có điều kiện đều là vô thường và luôn biến đổi” [Mọi pháp hữu vi đều vô thường] chính là Giáo Pháp. Giáo Pháp là cốt lõi của Phật; nó không phải là thứ gì khác. Mục đích của việc tu tập sự tỉnh-giác bằng cách niệm chữ ”Buddho”, ”Buddho” [Đức Phật] – như các thầy đã biết – là để nhìn thấy sự thật này. Khi tâm trở thành nhất-điểm nhờ cách niệm chữ ”Buddho”, điều này hỗ trợ cho việc phát triển trí-tuệ nhìn thấu rõ ba đặc tính của mọi sự sống, đó là “vô thường, khổ, và vô ngã”; sự rõ-ràng (minh sát) của sự tỉnh giác đưa chúng ta đến nhìn thấy mọi thứ đều là luôn biến đổi và không chắc chắn, mọi thứ đều là giả hợp và vô thường. Nếu chúng ta tự mình nhìn thấy điều này một cách rõ rệt và trực tiếp, thì tâm sẽ buông bỏ. Vậy là, mỗi nào có trải nghiệm sướng, biết nó là không chắc chắn; mỗi khi có trải nghiệm khổ, biết nó là không chắc chắn. Ngay đây tôi nói luôn: Khi các thầy đi đến sống tu ở nơi khác, các thầy đang mong đợi nơi đó sẽ tốt hơn ở chùa này các thầy đã ở trước giờ; nhưng hãy nhớ rằng “mọi chuyện đều không chắn chắn”, do vậy bây giờ các thầy chưa thể biết chắc rằng nơi đến của các thầy có tốt hơn theo mình muốn hay không. Nếu các thầy nghĩ ở lại đây là tốt nhất, điều đó cũng lại không chắc chắn. Đó chỉ là một ý kiến! Nhưng nếu có trí tuệ hiểu biết, các thầy nhìn thấy mọi thứ đều không chắc chắn, và nhờ hiểu biết như vậy nên khi đi đến đâu và gặp phải điều gì các thầy cũng không thấy bị khổ. Nếu muốn ở lại đây, các thầy cứ ở. Khi nào muốn đi nơi khác, các thầy cứ đi; nhưng nhớ đừng tạo ra sự khó khổ cho mình. Mọi sự nghi ngờ và phân tâm về ‘điều gì mới là đúng’ đã chấm dứt rồi; đâu có điều gì là ‘luôn thực đúng hay luôn thực sai’, mọi thứ đều chỉ là vô thường; đâu còn nghi ngờ gì nữa. Chính cách tu cố định sự chánh-niệm vào duy nhất thời-khắc-hiện-tại đã giúp ta chấm dứt những nghi ngờ. 

Vậy chúng ta không còn lo lắng về quá khứ hay tương lai. Quá khứ đã chết rồi. Những gì xảy ra trong quá khứ đã xảy ra và đã kết thúc; nó đã xong. Những gì sẽ xảy ra trong tương lai thì sẽ kết thúc trong tương lai—buông bỏ chúng luôn. Tại sao cứ lo nghĩ tương lai? (Hiện tại chính là nhân của tương lai, sao không lo chú tâm vào hiện tại?). Quán sát mọi thứ (hiện tượng, pháp) đang khởi sinh ngay trong giây khắc hiện-tại và nhận biết cách chúng biến đổi và bản chất không đáng tin cậy của chúng. Khi cái Phật trí [Buddho] – cái người biết – được chín chắn và thâm nhập sâu hơn, người tu càng có sự tỉnh giác sâu sắc hơn và thấy biết rõ hơn về bản chất sự thật: “mọi thứ có điều kiện (hữu vi) đều thuộc bản chất vô thường”. Đây là lúc trí tuệ minh sát càng thâm sâu và giúp cho sự vững chắc và tĩnh lặng của định (samādhi) càng mạnh mẽ hơn và càng được thanh lọc tinh tế hơn. 

Định (samādhi) có nghĩa là tâm vững chắc và ổn định, tức tâm được tĩnh lặng. Có hai loại. Một loại tĩnh lặng có được từ việc tu tập ở một nơi yên tĩnh, nơi không có hình sắc, âm thanh, hoặc những đối tượng giác quan nào tác động ta. Cái tâm được tĩnh lặng như vậy thì vẫn chưa thoát khỏi những ô nhiễm (kilesa). Những ô nhiễm vẫn còn che phủ trong tâm, nhưng tạm thời trong trạng thái định (samādhi) chúng chỉ tạm lắng lặn xuống mà thôi. Giống như một ao nước, nó chỉ tạm lắng trong khi những rác rưởi bùn dơ đang lắng xuống đáy ao; nhưng khi có gì quậy lên, những thứ bùn dơ ô nhiễm lại nổi lên làm vẫn đục cả ao nước ngay. Chúng ta cũng y hệt như ao nước. Khi chúng ta nhìn thấy một hình sắc, nghe thấy một âm thanh, hoặc tâm bị tác động bởi một trạng thái, một phản ứng không-thích (sân) nào cũng làm mờ cái tâm. Đó là thói tâm sân. Nếu tính sân không bị kích thích, ta thấy thư thái dễ chịu; nhưng cái cảm giác dễ chịu đó khởi sinh trong tình trạng các ô nhiễm và dính chấp vẫn còn có đó; sự cảm giác dễ chịu (bình an) đó không phải phát sinh từ trí tuệ. Ví dụ, ta muốn có cái máy thu thanh. Sau khi đã có được nó, ta cảm thấy vui lòng và thỏa mãn, đúng không? Vậy ta sẽ được hài lòng nếu ta mua được cái máy thu thanh. Nhưng nếu ta bị dính vào cái cảm giác hài lòng nếu có máy, thì ta sẽ bị khổ. Ta đã tạo ra nhân khổ cho mình. Ta vô tình tạo nhân khổ, nhưng ta không ý thức được như vậy. Điều này là do sự hài lòng của ta là phụ thuộc vào sự có được cái máy thu thanh, nên chừng nào ta còn chưa có được cái máy, ta sẽ khổ. Khi ta có được cái máy, ta sẽ cảm thấy hài lòng và thỏa mãn. Nhưng lỡ có ai lấy trộm cái máy, ta lại rớt vào cảm giác khổ. Cứ như vậy. Có máy thì vui, không có máy thì khổ. Cứ như vậy trong một khoảng thời gian. Cũng giống như vậy, trạng thái định (samādhi) là phụ thuộc vào những điều kiện tĩnh lặng; khi các điều kiện giúp tĩnh lặng đó không còn, định cũng không còn. Định đó là không chắc chắn, nó cũng giống như niềm vui sướng khi ta có được thứ mình muốn. Khi có được cái máy thu thanh thì ta cảm thấy vui sướng. Nhưng nguyên nhân đích thực của cảm giác vui sướng đó là gì? Cảm giác vui sướng phát sinh bởi vì tham muốn của ta mới được thỏa mãn. Chỉ vậy thôi. Đó là loại hạnh phúc có điều kiện, nó được tạo tác bởi những thói tâm ô nhiễm đang kiểm soát ta. Nhưng ta không biết như vậy. Hạnh phúc đó dựa vào thứ bên ngoài, khi cái máy bị mất trộm ta lại khổ. 

Trạng thái thiền định cũng vậy, khi ở trong trạng thái định thì hạnh phúc, khi xả thiền hoặc thoát ra khỏi định thì ta quay lại thế giới khổ. Loại định đó chỉ mang lại trải nghiệm bình an tạm thời. Các thầy phải quán xét bản nhất bình an tĩnh lặng của trạng thái định (samādhi) có được từ thiền định (samatha) để thấy rõ sự thật của nó. Trạng thái định đó là có điều kiện, là hữu vi, nó có đó rồi mất đó. Cái máy thu thanh có đó, sau đó cũng cũ đi, hư hoại, hoặc mất đi. Ta có thứ để mất bởi ta đang có cái máy đó. Nếu ta không có gì thì ta không có thứ để mất. Sinh và tử cũng vậy. Bởi có sinh nên có tử. Nếu không có gì được sinh thì đâu có gì để chết. Tất cả mọi người nếu không được sinh thì không phải bị chết; nhưng đã có sinh thì có diệt. Nếu biết suy xét quán chiếu theo cách như vậy thì khi có cái máy thu thanh, ta phải chánh niệm rằng mọi thứ đều vô-thường, để đến khi nó bị mất hoặc trước sau rồi cũng bị hư, ta sẽ không bị khổ tâm. Chúng ta nhìn thấy sự thật bằng trí tuệ, và hiểu rõ bản chất vô thường của mọi thứ. Dù bị mất hay bị hư, điều đó cũng chỉ là thể hiện của lẽ vô thường. Nếu biết hiểu như vậy, khi ta dùng máy thu thanh hoặc thứ gì, ta không không bị khổ theo nó. 

Cũng giống như ta muốn có tiền để làm ăn, nhưng vay mượn không ai cho nên ta khổ. Ta đi vay ngân hàng họ cũng không cho, ta thất vọng và khổ. Chừng nào còn chưa có tiền, ta còn khổ, khổ vì muốn có tiền và muốn làm ăn. Nhưng sau đó ngân hành lại cho vay tiền, ta vui sướng như bay trên mây, mang tiền về nhà và ngồi lắc lư trên ghế thưởng thức cái cảm giác hạnh phúc. Nhưng cảm giác vui sướng đó chỉ được vài giờ, ta bắt đầu thấy lo bởi ngân hàng đã tính tiền lời từ bữa nay. Làm ăn chưa thấy mà đã thấy bắt đầu phải trả tiền lời cho ngân hàng. Đúng không! Ta ngồi đó và bắt đầu thấy khổ. Thấy không? – Đó là tại sao? Khi không có tiền, ta thấy khổ; ngay sau khi có tiền ta lại thấy khổ, nghĩ tới việc phải làm ăn ra sao để có lời để trả nợ ngân hàng là ta khổ; khổ và khổ cho đến tận cái ngày ta trả được hết tiền cho ngân hàng. Thực đúng là “sướng luôn đi kèm với khổ. Sướng cũng chính là khổ”. 

Đức Phật dạy cách tu tập là quan sát giây-phút hiện- tại, và phát triển trí tuệ nhìn thấy bản chất vô-thường của thân và tâm. (Không cần quan sát những thứ khác); chỉ nhìn vào thân tâm để nhìn thấy sự thật của Giáo Pháp: rằng tất cả mọi thứ chỉ khởi sinh và biến diệt, chẳng là gì hơn. Bản chất của thân và tâm là như vậy, vậy nên đừng dính chấp ràng buộc theo chúng làm gì. Nếu có trí tuệ nhìn thấy điều đó thì sẽ phát sinh sự bình-an. (Nhìn thấy sự thật là nhân; sự bình an là quả. Bình an là kết quả cứ sự nhìn thấy sự thật). Đây là sự bình-an có được từ sự trừ bỏ mọi ô nhiễm dính chấp trong tâm; sự bình-an đó khởi sinh theo sự khởi sinh trí tuệ; đó là sự bình-an có được từ trí tuệ minh sát. 

Nhưng, cái gì làm khởi sinh trí tuệ? Như vầy: trí tuệ có được từ việc quán xét ba đặc tính của sự sống [vô thường, khổ, và vô ngã]; sự quán xét đó mang lại trí tuệ minh sát để nhìn thấy sự thật đường lối diễn ra của tất cả mọi thứ. Các thầy phải nhìn thấy sự-thật đó một cách rõ ràng, một cách không lầm lẫn, ngay trong tâm mình. Đó là cách duy nhất để thực sự có được trí tuệ. Đó phải là trí tuệ minh sát liên-tục. Các thầy tự mình nhìn thấy tất cả mọi đối tượng của tâm và trạng thái tâm (ārammana) khởi sinh vào trong tâm thức và biến mất; chúng cứ tiếp tục khởi sinh và biến mất… Nếu còn dính chấp thì khổ sẽ khởi sinh trong từng giây khắc, nhưng nếu biết buông bỏ thì ta không tạo ra khổ nữa. Khi tâm đã nhìn thấy rõ ràng tính vô thường của mọi thứ và mọi hiện tượng, điều đó được gọi là đã có được cái ‘nhân chứng bên trong’ – đó là sakkhibhūto. Tâm được hút sâu trong sự quán xét miên mật của nó nên trí tuệ minh sát tự nó được duy trì. 

Nói đi nói lại, chúng ta chỉ nên tin một phần về những lời nói, lời dạy, và các trí tuệ mà ta nhận nghe được từ người khác. 

Một lần Phật đang giảng pháp cho tăng đoàn, Phật quay qua hỏi ngài Xá-lợi-phất có tin những gì Phật mới nói hay không. Ngài Xá-lợi-phất trả lời: ”Con vẫn chưa tin, thưa Thế Tôn”. Phật khen ngợi câu trả lời đó, và Phật nói: 

”Lành thay, này Xá-lợi-phất. Thầy không dễ dàng tin những gì người khác nói với mình. Một người tu hành phải biết suy xét thấu suốt về mỗi điều mình nghe được trước khi chấp nhận nó. Thầy nên nhận giáo lý này về và suy xét nó trước.” Ngay cả khi ngài nhận được lời dạy của chính Đức Phật nhưng ngài vẫn không tin ngay. Ngài đã biết chú tâm và biết cách đúng đắn để tu tập cái tâm, và biết nhận lấy những giáo lý đó về để tự mình điều tra suy xét, trước khi tự mình chấp nhận nó. Ngài chỉ chấp nhận lời dạy của Phật là đúng sau khi suy xét nó và thấy nó có tác dụng làm khởi sinh trí tuệ trong tâm mình, và trí tuệ đó làm cho tâm bình-an và hợp-nhất với Giáo Pháp [Sự Thật]. Sự hiểu biết đã khởi sinh sẽ giúp Giáo Pháp trở thành cố định bên trong tâm. Sự hiểu-biết là đúng là hợp lẽ với sự thật đường lối sinh diệt của tất cả mọi thứ. Phật dạy các đệ tử chỉ nên công nhận một điểm nào đó của Giáo Pháp sau khi mình đã tự mình nhìn thấy được nó là đúng là hợp lẽ đường lối tự nhiên của mọi thứ trong thực tại – nhìn thấy nó là đúng là hợp lẽ dựa vào trải nghiệm và sự hiểu biết mình và của người. 

Rốt cuộc, việc tu quan trọng chỉ đơn giản là điều tra quán xét về sự thật. Các thầy không cần phải nhìn xa trông rộng quá đâu, chỉ cần quán sát cái đang xảy ra ngay trong khoảng khắc hiện tại. Quan sát cái đang xảy ra ngay trong tâm này. Dẹp bỏ quá khứ. Dẹp bỏ tương lai. Chỉ cần chú tâm chánh niệm vào giây phút hiện tại, và trí tuệ sẽ khởi sinh từ việc điều tra và nhìn thấy rõ ràng những đặc tính của vô thường, khổ, và vô ngã. Khi đang đi ta thấy nó vô thường; khi đang ngồi ta thấy nó vô thường; khi đang đứng ta thấy nó vô thường; khi đang nằm ta thấy nó vô thường – khi đang làm bất cứ điều gì, những đặc tính đó luôn luôn thể hiện, bởi đó là đường lối và bản chất tự nhiên của mọi thứ. Điều đó không bao giờ thay đổi. (Đó là lẽ tự nhiên). Nếu các thầy tu tập trí tuệ đến lúc cách-nhìn của mình về mọi thứ mọi sự đã là hoàn toàn và nhất quán đúng theo lẽ thật tự nhiên của chúng, thì lúc đó các thầy được thư thái tự tại với thế giới. 

Có thiệt phải lánh trần hoặc lên núi ở tu một mình thì mới được bình an? Không, đó chỉ là sự bình an tạm thời. Đến khi đói bụng, cơ thể cần dưỡng chất như nó vẫn thường cần phải có, ta sẽ thấy chán nản với loại bình an kiểu đó. Thân bắt đầu kêu la vì thiếu dưỡng chất [vitamin], những người tộc thiểu số trên rừng cũng dường cơm, họ đâu biết gì về dinh dưỡng trong miếng cơm họ cúng dường cho tu sĩ trên núi. Rồi chịu không nỗi, ta lại xuống núi trở lại chùa để được có mấy thứ thức ăn và tiện nghi tối thiểu để nuôi thân mà tu hành. Nhưng nếu các thầy đến sống tu ở Băng-cốc thì thức ăn luôn luôn dư giả, có lẽ các thầy lại phàn nàn sao các Phật tử cúng nhiều thức ăn quá; Nhưng lại phàn nàn sao ở thủ đô ồn ào náo nhiệt quá, cho nên các thầy lại muốn lánh xa thành phố lên rừng vô núi sống ẩn dật trở lại. Chuyện thiệt là như vậy. Ta cứ luôn tháy mình ngu ngốc khi bỏ lên núi vô rừng tu một mình; thấy quá khổ-thân nên bỏ rừng, xuống núi. Sau đó lại thấy mình ngu ngốc khi quay lại sống tu với tăng đoàn đông đúc hoặc ở nơi thành thị đông người; thấy có quá nhiều phức tạp và khổ tâm. Tu ẩn dật thiếu thốn đủ thứ cũng thấy mình ngu, thấy khổ thân; tu với chỗ đông người với nhiều tiếp xúc va chạm phức tạp cũng thấy mình ngu, thấy rối tâm. Mọi người đều như vậy; chúng ta cứ giống người đang mang theo cứt gà trong người, đi đâu nó cũng hôi thúi, đi đâu cũng thấy khó chịu. Cứt gà giống như cách nhìn sai-lầm hay tà kiến, đi đâu ta cũng mang theo nó thì ở đâu mà chẳng gặp khó khổ. Còn người có cách nhìn chánh-kiến, cho dù họ sống tu với tăng đoàn hoặc chỗ đông người với nhiều tiếp xúc va chạm phức tạp, họ vẫn tu được và vẫn phát huy trí tuệ từ đó. 

Đối với tôi, việc chỉ dạy cho số đông tăng sĩ và Phật tử tại gia cũng là một nguồn trí tuệ đối với tôi. Thời trước tôi chỉ có số ít tăng sống tu với tôi, nhưng giờ thì quá nhiều Phật tử tại gia đến gặp để học tu, và số lượng tăng sĩ ở đây cũng gia tăng rất nhiều, tôi càng phơi tâm mình ra nhiều, bởi tôi phải gặp quá nhiều người với rất nhiều ý nghĩ, quan điểm, và kinh nghiệm khác nhau. Nhưng nhờ đó sự kiên nhẫn, nhẫn nhục, và chịu khó của tôi càng chín chắn hơn và vững mạnh hơn, bởi các cuộc gặp gỡ nhiều đến mức gần như đã chiếm hết công suất của tôi. Khi quán xét lại điều đó, tất cả những kinh nghiệm như vậy có thể tạo ra ích lợi và trí tuệ cho ta; nhưng nếu ta không hiểu biết sự thật đúng theo đường lối của mọi thứ, ta sẽ bị lầm lạc và dính mắc đủ thứ. Trước tiên ta hay nghĩ sống tu ẩn dật một mình là tốt nhất; nhưng rồi thấy buồn tủi và buồn chán với cách sống đó. Ta lại nghĩ ta nên sống tu cùng với Tăng đoàn thì sẽ tốt hơn nhiều. Sống tu ở một vùng quê mùa lạc hậu hiếm có thức ăn tiện nghi, ta nghĩ sống đời tu tri túc như vậy là tốt nhất. Rồi chẳng bao lâu, ta lại thấy sống tu ở chỗ có nhiều thức ăn và tiện nghi thì sẽ tốt hơn, ít khổ thân hơn. Rồi sau đó lại thấy chán nhán, lại cho rằng sống tu ở nơi có nhiều thức ăn và tiện nghi quá thì cũng không tốt, thấy rối tâm. Rốt cuộc là gì?, rốt cuộc mấy ông thầy tu không lo tu mà suốt ngày suốt đời cứ dính mắc vào những quan điểm và ý kiến này nọ, bởi mấy người đó không có đủ trí không để tự quyết định cho mình điều gì là đúng đắn và phù hợp. 

Vậy sao không lấy ngay điều đó để tu. Sao không lấy ngay cái sự không-chắc-chắn đó để quán xét và tu. Sống tu ở đâu cũng vậy thôi, tất cả đều không phải là ‘thực đúng hay thực sai’—tất cả đều không chắn chắn. Sống tu với Tăng đoàn nhiều người là tốt ư—điều đó là không chắc chắc. Sống tu với tăng đoàn ít người là tốt hơn ư—điều đó không chắc chắn. Sống tu một mình ở nơi ẩn dật là tốt nhất ư—điều đó cũng không chắc chắn. Đừng có dính mắc vào những quan điểm cho rằng cách này là tốt, cách kia là tốt hơn. Đừng có luận có kết điều gì là chắc chắc hết. Chỉ cần tu một việc: đó là chỉ cần chú tâm chánh-niệm vào giây-phút hiện-tại; chỉ cần điều tra quán xét thân này, soi chiếu và hiểu biết sâu hơn và sâu hơn về nó. Phật dạy các Tăng hoặc các Ni nên tìm một nơi thích hợp để sống và tu; nơi nào mà họ thấy dễ chịu: nơi (i) có thức ăn thích hợp, (ii) có những bạn tu (kalyānamitta) thích hợp, và (iii) có chỗ ở thích hợp thoải mái. Nhưng để tìm ra một nơi có đầy đủ ba điều kiện đó thì quá khó. Cho nên Phật cũng đồng thời dạy rằng, khi ta đi đến sống tu ở đâu, có thể ta sẽ gặp phải những khó khăn và va chạm, gặp phải những thứ mình không thích hoặc không thích hợp với mình. Ví dụ, chùa này có thoải mái không? Nếu các Phật tử tại gia trang bị nhiều tiện nghi cho chùa, nó sẽ ra sao? Như ngày nào họ cũng mang đến đầy đủ hai nước uống nóng ấm và nước uống mát lạnh như các thầy muốn và những thứ thức ăn ngon các thầy có thể ăn. Như các Phật tử luôn luôn lễ phép và khen ngợi quý thầy, họ nói những lời các thầy nghe thấy đúng đắn. Nếu như được tất cả như vậy thì sẽ ra sao? Một số tăng sĩ cho rằng, mọi sự giúp đỡ của Phật tử tại gia ở đây thiệt là tốt, ở đây thực sự tiện nghi và thoải mái. Lúc đó thì sao? Chắc lúc đó mọi sự tu tập, tu chánh niệm, tu trí tuệ đều bị chết ngắt, bởi lúc đó đâu ai còn lo tu nữa, họ chỉ lo thụ hưởng chùa cốc đẹp đẽ, cơm nước ngon lành. Nó sẽ vậy đó. (Ở nơi chùa to, chùa đẹp, chùa giàu, chùa tổ, chùa trung tâm đô thị, chùa nỗi tiếng…có đầy đủ tiện nghi và thức ăn, chưa chắc họ thực sự tu tập gì đâu). 

Điều kiện thực sự thích hợp và thoải mái cho việc tu thiền có thể khác nhau đối với mỗi người, nhưng một khi các thầy biết làm cho tâm hài lòng với những gì mình có, thì dù sống tu ở đâu các thầy cũng thấy thoải mái để tu! Khi các thầy có đến sống tu ở một nơi không phải là chỗ mình thích nhất, các thầy cũng nên biết cách giữ tâm hài-lòng khi sống tu ở đó. Khi nào đến lúc đi chỗ khác, ta sẽ vui lòng đi. Khi ở thì ta vui lòng ở. Ta không phàn nàn, không lãng tâm tu tập bởi do những thứ bên ngoài. Nếu không biết gì, mọi thứ có thể khó khăn; nếu biết quá nhiều, mọi thứ có thể cũng tạo ra khổ — tất cả mọi thứ đều có thể là nguồn gốc gây ra sự khó chịu và khổ. Khi nào ta chưa trí tuệ hiểu biết, ta cứ luôn bị dính theo những trạng thái vui, buồn, hài lòng, bất mãn…do những điều kiện xung quanh tác động, và nếu vậy thì chuyện nhỏ nhặt nào cũng có thể gây ra khổ cho ta. Dù có đến tu ở đâu, ý nghĩa giáo lý của Phật vẫn đúng đắn, nhưng cái Giáo Pháp trong tâm ta vẫn còn chưa được đúng. Nếu cứ tìm chỗ có đầy đủ điều kiện tiện nghi để tu thì tìm ở đâu ra?. Có nhiều thầy hiểu biết rõ cái lẽ bất toại nguyện, và biết hài lòngm, và biết thực sự tu tập siêng năng—sau khi ăn cơm một chút các thầy đó liền thực tập đi-thiền. Các thầy đó chỉ lo tập trung để tu thiền đạt định (samādhi). Các thầy ấy biết dồn tâm dồn sức để tu. Hoặc có thể các thầy đó không tu thiệt trong tâm, chúng ta cũng đâu biết được. Nếu ai chịu tu thiệt, tu nhiệt thành, người đó sẽ chắc chắn đạt đến sự bình-an của tâm. Nếu ai chưa tu thiệt, chưa thực sự thành tâm tu tập, đừng hỏi tại sao họ vẫn chưa được bình an? Sự thật của vấn đề nằm ở chỗ đó. Rốt cuộc, nếu ai không được bình an, điều đó cho thấy rằng họ đã chưa thực sự tu tập một cách nghiêm túc và thành tâm. 

Khi xét về việc tu định (samādhi), điều quan trọng phải hiểu được rằng giới, định, tuệ mỗi thứ là cái gốc căn bản để hỗ trợ cho tổng-cuộc tu tập. Chúng hỗ trợ lẫn nhau và không thể thiếu cái nào. Mỗi thứ là một công cụ cần thiết dùng để phát triển thiền tập, nhưng tùy ở mỗi người tu biết khéo léo ứng dụng chúng ra sao. Một số người căn-trí có thể nhanh đạt đến trí tuệ; một số người ít-căn-trí thì chậm đạt đến trí tuệ hơn; còn người không có chút căn trí nào thì không đạt đến trí tuệ nào hết. Cả hai có thể cùng tu tập đúng bài, đúng cách, đúng mức độ như nhau, nhưng để lâu mau đạt đến trí tuệ là tùy vào mức độ căn-trí của mỗi người. Nếu có ai trong các thầy đã theo tu với những sư phụ khác nhau, các thầy phải biết dùng trí khôn để đưa những gì mình đã nhìn thấy vào tầm nhìn của mình. Cách của sư phụ này ra sao? Cách của sư phụ khác là sao? Các thầy quan sát họ một cách sâu sát, nhưng đó chỉ là sự quan sát và phán đoán bề ngoài. Đó chỉ là nhìn thấy những hành vi và cách làm bề ngoài của họ mà thôi. Nếu chỉ biết đứng nhìn và quan sát bề ngoài như vậy, thì ta sẽ không bao giờ hết nghi ngờ. Tại sao ông sư phụ làm như vậy? Tại sao sư ông làm như kia? Ở chùa này sư phụ nói dạy nhiều, sao ở chùa kia mấy sư phụ họ lại ít khi nói hay dạy gì nhiều? Có chùa thì vị sư ở đó chẳng bao giờ nói hay dạy điều gì hết! Tâm cứ liên tục phóng đoán, so sánh và nghi vấn về mấy ông sư, ông thầy. Cuối cùng tâm trở thành một đống rối beng. Vậy là coi như hư đường hư bột. Do vậy, các thầy cần phải biết hướng sự chú-tâm của mình vào bên-trong mình và tự mình tu tập cho mình. Cách đúng đắn là hướng vào bên-trong chính mình để tu tập, bởi đó mới là cách tu tập đúng đắn (sammā patipadā). Ai cũng có thể để ý, quan sát, và học hỏi theo gương của các vị sự thầy, nhưng khi tu là mình phải tự tu cho chính mình. Nếu biết quay lại vào bên-trong để tu và biết suy xét cái vấn đề tinh-tế ngay chỗ này, thì các thầy mới hết nghi ngờ. 

Xưa có một vị sư già không bao giờ bỏ thời gian ra để suy xét bất cứ điều gì hết. Thầy đó chẳng hề quan trọng những ý nghĩ về quá khứ và tương lai, bởi thầy ấy chẳng bao giờ để sự chú-tâm rời khỏi tâm mình. Thầy ấy chỉ chú tâm quan sát những gì đang khởi sinh vào trong sự tỉnh giác của mình ngay trong thời khắc hiện-tại. Chỉ cần quán sát những hành vi biến đổi và phản ứng khác nhau của tâm ngay khi nó đang trải nghiệm mọi thứ, chỉ cần quan sát chứ không quan trọng những biến đổi và phản ứng đó là ‘cái gì’, chỉ cần luôn tự nhắc mình: ”Đó là không chắc chắn”, ”Đó là thứ không chắc”. Nếu các thầy có thể dạy bản thân mình nhìn thấy sự vô-thường theo cách như vậy, chẳng bao lâu các thầy sẽ đạt đến trí tuệ minh sát nhìn thấy Giáo Pháp. 

Về thực hành, các thầy không nên chạy theo cái tâm chạy nhảy, phóng túng liên tục. Đúng vậy, tâm nó cứ chạy lòng vòng xung quanh cái vòng lẩn quẩn bất tận của nó; nó xoay tít lòng vòng như con dụ. Đó là cách cái tâm hoạt động. Đó là cái vòng luân hồi sinh tử bất tận (samsāra vatta). Vòng sinh tử bao trùm quanh cái tâm. Nếu chúng ta cố chạy theo cái tâm trong khi nó cứ xoay tít như con dụ xung quanh cái vòng lẩn quẩn sinh diệt đó, thì làm sao chúng ta bắt kịp nó được? Nó xoay tít rất rất rất nhanh, làm sao ta có thể chạy theo kịp với nó? (Điều đó chẳng khác nào chạy theo bắt một chiếc lá nhỏ xíu đang bị cuốn tít trong cơn gió bão). Không tin thì cứ thử tiếp tục chạy theo nó và coi điều gì xảy ra… Điều chúng ta cần làm là đứng yên một chỗ, và để cho cái tâm tự xoay vòng xoay tít theo ý nó. Tưởng tượng cái tâm như một con búp bê máy, nó xoay quanh và chạy chạy xung quanh. Khi nó chạy xeo xeo hết tốc độ xung quanh ta, ta không thể nào bắt kịp theo nó. Nhưng thực ra ta không cần chạy đâu theo nó hết. Ta chỉ cần đứng yên một chỗ, cứ để cho con búp bê máy đó chạy lòng vòng, kệ nó. Ta chỉ cần đứng yên một chỗ, con búp bê chạy hết một vòng thì nó tự quay lại, và ta lại thấy nó chứ đâu cần phải chạy theo nó. Thực ra, nếu ta cố chạy theo nó để bắt kịp nó, càng cố chạy theo nó càng tuột mất khỏi ta. (Giống như người đang ngồi coi vòng đua xe siêu tốc vậy. Họ đâu cần phải chạy theo xe với tốc độ 200km/giờ, nếu có làm vậy thì cũng đâu bắt kịp nó. Họ chỉ cần ngồi một chỗ trên khán đài, họ vẫn có thể quan sát và nhìn thấy các xe chạy qua sau mỗi vòng). 

Khi nói về cách tu du hành đầu-đà [tiếng Thái là thudong], tôi luôn khuyến khích và đồng thời cũng không khuyến khích. Nếu người tu đã có ít nhiều trí tuệ về cách tu tập này thì sẽ không mấy khó khăn. Người chưa có trí khôn hiểu biết về sự tu tập thì tu ở đâu và tu cách gì cũng gặp khó khăn. Ví dụ trước đây có một Tỳ kheo cho rằng việc đi tu du hành [thudong] ở trong rừng là không cần thiết; vị ấy nghĩ vấn đề tu không phải nằm ở chỗ đi đây đi đó, mà là ở chỗ “biết cách tu”. Sau khi nghĩ như vậy, vị Tỳ kheo đó ở lại chùa và tu tại chỗ, tâm nguyện lấy 3 trong 13 hạnh đầu-đà (dhutanga) và tự tu giữ theo đó một cách nghiêm túc—không cần đi đâu hết. Vị đó nghĩ rằng không cần thiết phải hành thân khổ sở với sự du hành đường xa, mang theo hành trang và bình bát nặng nề trên vai. Cách này cũng là một cách tu được; nhưng nếu các thầy thực sự muốn đi du hành đây đó kiểu thudong, thì các thầy sẽ khó chấp nhận theo cách tu tại chỗ của vị Tỳ kheo nói trên. Rốt cuộc, nếu chúng ta có trí tuệ hiểu biết về “sự tu tập đích thực là gì” thì cách tu nào cũng làm được. Rốt cuộc, nếu các thầy có trí tuệ minh sát rõ ràng để nhìn thấy sự thật của mọi thứ, thì các thầy chỉ cần nghe một chữ gì đó của giáo lý thì nó cũng có thể mang lại trí tuệ thâm nhập sâu sắc. 

Một ví dụ khác, tôi đã từng gặp một chú sa-di trẻ muốn sống tu một mình trong nghĩa địa. Có thể nói chú ấy còn trẻ như một vị thành niên, nên tôi rất lo lắng về tình trạng của chú ấy, nên tôi đã để mắt đến chú ấy một chút. Buổi sáng sau khi đi khất thực, chú ấy mang thức ăn đến nghĩa địa nơi người ta mang xác đến để chờ thiêu, và ngồi đó ăn một mình, xung quanh những xác chết đang chờ được thiêu hoặc chôn. Đêm đêm chú ấy ngủ một mình bên những xác chết. Sau khi ở gần chú ấy hơn một tuần, tôi hỏi chú ấy tại sao chú không thấy sợ khi ở nghĩa địa một mình. Chú ấy trả lời: ”Không, con không sợ. Dường như đối với con không có thứ gì phải sợ hết”. Tất cả việc phải làm chỉ cần quán chiếu [thiền quán], để cái tâm không còn chỗ phóng tâm này nọ. Chú sa-di đó không cần phải nghĩ suy gì về mọi thứ này nọ vốn chỉ làm phúc tạp cái tâm. Chú ấy đã được ”trị liệu” thẳng luôn. Nỗi sợ biến mất. Các thầy hãy thử thiền tập cái tâm theo cách đó coi sao—tức là quán chiếu sao cho tâm đừng nghĩ này nghĩ nọ, sao cho nó dừng phóng tâm, nếu được vậy thì đâu còn gì để sợ hãi. (Vì sự sợ hãi về cái gì chỉ là do cái tâm nghĩ này nghĩ nọ, phóng này phóng nọ mà thôi). Các thầy hãy cố thiền tập cách đó thử. 

Tôi nói, dù các thầy có đang làm gì—đang đứng, đang ngồi, đang đi, hay đang nằm—nếu các thầy biết duy trì sự chánh-niệm một cách liên-tục không-gián-đoạn, thì sự định- tâm (samādhi) sẽ không bị ‘bể’ hay trồi sụt gì hết. Nó không bị rớt định hay bớt định. 

Còn nữa, nếu các thầy ăn nhiều quá cũng không tốt, ăn nhiều chỉ gây ra khổ và rắc rối cho việc tu mà thôi. (Ăn quá nhiều khi thiền sẽ gây buồn ngủ, hôn trầm). Nếu có nhiều thức ăn thì ăn ít thôi, sang sẻ cho người khác. Tại sao phải rước khổ vô thân mình khi đang mình đang thiền tập? Làm vậy thì đâu được bình an. Cái gì là không bình an? Hãy chọn ăn một phần thích hợp và chừa thức ăn cho người khác. Nếu đi tu đến giờ này mà vẫn còn thèm khát thức ăn hoặc còn thấy không vui khi nhường thức ăn cho người khác, thì dĩ nhiên việc tu tập là khó khăn rồi. Nếu các thầy vẫn còn thích nếm món này, muốn ăn món kia, không muốn ăn ít món, vì vậy các thầy lấy đủ loại thức ăn đổ vào bình bát; rốt cuộc nhiều vị quá chẳng có vị nào là còn ngon lành nữa. Vì lẽ đó, các thầy nên rút ra rằng: nếu mình được cúng dường quá nhiều thức ăn thì điều đó chỉ làm xao lãng cái tâm và mang lại nhiều rắc rối mà thôi. Tại sao bị xao lãng và rắc rối? Đó là do ta để cho cái tâm bị quấy động bởi thức ăn. Bản thân thức ăn có bao giờ bị xao lãng hay rắc rối không? Buồn cười thiệt, đó là do ta tự gây ra mọi sự khó khổ cái sự không có gì. 

Khi có nhiều người đến thăm chùa, các thầy nói rằng điều đó gây quấy nhiễu. Sự quấy nhiễu từ đâu ra? Thực ra, làm theo những chuẩn mực tu tập hàng ngày mới thiệt là thẳng thắn. Các thầy không cần phải quan trọng hóa những điều đó, ai đến ai đi cứ việc của họ: ta cứ sáng đi khất thực rồi mang thức ăn về chùa và ăn, cứ làm mọi phận sự và tu tập với sự chánh niệm, và cứ làm như vậy. Các thầy phải nhớ đừng bỏ qua hoặc lướt qua những chuẩn mực tu tập hàng ngày ở trong chùa (tu viện). Ví dụ, vào buổi tối trong giờ tụng kinh lễ Phật, sự chánh niệm của mình có bị rớt hay bị gián đoạn hay không? Nếu các thầy thấy thời tụng kinh vào buổi sáng và buổi tối làm cho việc thiền tập của mình bị gián đoạn, nếu nghĩ như vậy thì chắc chắn các thầy vẫn chưa học được cách thiền tập. Trong những buổi gặp nhau hàng ngày để tụng kinh tưởng niệm Tam Bảo và các phận sự khác trong chùa là những hoạt động cực kỳ lành mạnh, như vậy những việc đó đâu phải là nguyên nhân làm cho các thầy bị rớt định hay mất định (samādhi), đúng không? Nếu các thầy nghĩ mỗi lần đến sảnh đường gặp mặt các đạo hữu là sẽ làm xao lãng sự tu tập của mình, nếu nghĩ vậy thì các thầy nên nhìn lại. Không phải do những thời lễ lạy tụng kinh làm khó chịu và làm xao lãng các thầy, mà chính các thầy tự làm ra. Nếu các thầy cứ để cho những ý nghĩ bất thiện đó quấy động cái tâm, thì mọi sự sẽ trở nên gây khó chịu và xao lãng—chỉ cần nghĩ như vậy thì dù không đi tới chỗ tụng kinh, tâm các thầy cũng đã tự xao lãng và động vọng rồi. 

Các thầy phải biết học cách suy xét một cách khôn khéo và giữ cho tâm trong trạng thái lành mạnh. Mọi người đều dính kẹt trong những trạng thái ngu mờ và động vọng, đặc biệt là những người mới tu. Thực tế xảy ra là các thầy cứ để cho cái tâm chạy nhảy ra ngoài và va chạm với tất cả mọi thứ mọi sự, rồi tự nó ‘quậy’ nó lên. Khi các thầy đến tu với một tăng đoàn ở chùa nào đó, các thầy phải nhất nhất quyết tâm rằng mình đến đó để tu, và phải tu liên tục. Dù ai tu đúng tu sai gì gì, đó là chuyện của họ. Cứ duy trì nỗ lực tu hành, tu theo những hướng dẫn và chuẩn mực của chùa, và nếu được cũng nên trợ giúp bạn tu bằng những lời khuyên tốt mình có thể có. Nếu ai không thích ở lại đây để tu thì người đó hoàn toàn tự do để đi tìm chỗ khác. Ở đây tu không hạnh phúc thì đi chỗ khác có thể thích hợp hơn. Còn nếu ai thích ở lại đây tu thì ở lại tu, và tiếp tục tu hành. 

Sẽ cực kỳ hữu ích cho một tăng đoàn nếu nó có một số tăng sĩ luôn biết tự chủ và luôn biết tự mình tu tập một cách đều đặn và kiên định. Những tăng sĩ còn lại sẽ nhìn thấy và bắt đầu lấy những gương tốt đó để noi theo tu tập. Họ sẽ quan sát những gương tốt và hỏi những người đó cách tu để duy trì cảm giác thư thái trong khi đang tu tập chánh-niệm. Làm gương tốt cho các bạn tu noi theo là điều ích lợi nhất mà một người tu có thể làm cho các đạo hữu của mình. Nếu mình còn là sư em sư chú trẻ tuổi thì mình nên tu tập theo những chuẩn mực trong nhà chùa, mình phải làm theo sự chỉ dắt của các sư huynh sư phụ thâm niên, và đưa nhiều nỗ lực để tu tập theo các chuẩn mực đó. Bất kỳ công việc tu và phận sự nào mình cũng làm, làm đến lúc nào xong thì mình ngừng. Các thầy nên tập nói những điều thích hợp và hữu ích; huấn luyện bản thân kiêng cữ những lời nói không thích hợp và có hại. Đừng để những lời nói không đúng đắn thoát ra khỏi miệng. Không cần ăn nhiều quá trong bữa ăn—chỉ chọn một ít thức ăn phù hợp và nhường phần cho người khác. Tôi cứ nói lại nhiều lần, khi bữa nào có nhiều thức ăn thì chúng ta có xu hướng muốn nếm muốn ăn mọi thứ, cho nên chúng ta lấy đủ mọi thứ đưa vào bình bát để chúng ta ăn được đủ món. Mỗi khi nghe những câu mời như ”Mời thầy lấy thêm món này”, ”Mời sư ăn thêm món ngon này”… nếu không biết suy xét cẩn trọng thì những lời mời đó sẽ quấy động cái tâm (tham ăn tham uống) của ta. Điều cần làm là phải biết buông bỏ. Tại sao chúng ta thường dính vào chỗ này? Chúng ta nghĩ chính những món ăn đang quấy động tâm ta, nhưng cái gốc của vấn đề là liệu ta có biết buông bỏ hay muốn để dính vào các món ăn. Nếu có thể suy xét và nhận biết bản thân mình đang buông bỏ hay đang dính, thì cuộc sống tu hành của các thầy sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nếu chưa biết cách suy xét và nhận ra vấn đề thì đó là do mình chưa có đủ trí tuệ. Có thể các thầy vẫn chưa có đủ trí tuệ minh sát để nhìn thấy cách mà tiến trình nhân-quả diễn ra ngay đó. 

Thực tế, trước kia trên đường du hành, tôi thường cần phải ghé ở lại trong những ngôi chùa trong các làng hay thành thị. Trên bước đường đi du hành sau này, khi các thầy chỉ có một mình và phải ghé qua nhiều tu viện chiền và gặp các tăng đoàn khác nhau có những chuẩn mực và nguyên tắc khác nhau, các thầy hãy luôn luôn tâm niệm câu này: ”suddhi asuddhi paccattam” [Trong sạch hay không là do chính mình: chỉ có mình mới biết rõ điều đó]. Câu này dùng để phòng hộ bản thân và hướng dẫn mình biết suy xét vấn đề một cách đúng đắn. (Câu trong kệ 165, kinh Pháp Cú). 

Khi đi qua những nơi các thầy chưa từng tới, các thầy thường suy nghĩ để chọn ra nơi thích hợp để trú trọ qua đêm. Phật đã dạy các tăng sĩ nên chọn những nơi tĩnh lặng. Do vậy, tùy theo hoàn cảnh mỗi nơi, hãy chọn một nơi bình lặng để nghỉ đêm và thiền tập. Nếu không chọn được nơi yên tĩnh tốt nhất, thì thứ nhì cũng chọn nơi nào mình có thể thấy bình an trong tâm. Do vậy, nếu vì nhân duyên nào đó các thầy phải ở lại một nơi nào đó để tu, các thầy phải biết học cách sống ở đó một cách bình an—đừng để tham muốn dục vọng (tanhā) lấn lướt cái tâm. Nếu các thầy có quyết định đi khỏi nơi nào, khỏi chùa nào, hay đi khỏi khu rừng nào, đừng quyết định đi vì dục vọng. Tương tự, nếu các thầy quyết định ở lại nơi nào, đừng quyết định vì tham muốn. Phải hiểu rõ điều gì thúc giục ta suy nghĩ và hành động như vậy. Phật đã khuyên những người xuất gia phải có lối sống và chọn những điều kiện sống sao cho mang lại bình an và sự thích hợp việc thiền tập. Giả sử không tìm được nơi bình an như vậy, các thầy phải làm sao? Có thể mọi sự sẽ làm các thầy phát điên lên lúc đó. Vậy thì các thầy phải làm gì hay đi đâu tiếp? Không, các thầy phải ở yên nơi đó; phải ở lại ngay đó và học cách sống trong bình an. Phải tập luyện bản thân cho đến khi mình có khả năng ở lại nơi đó và thiền tập ở đó. Phật đã dạy người tu phải biết và hiểu rõ thời-gian thích hợp và nơi-chốn thích hợp tùy theo các điều kiện; Phật không muốn các tăng sĩ cứ đi lòng vòng khắp nơi tìm kiếm những thứ khác với mục đích tu tập. (Nơi nào thích hợp thì quá tốt, nơi nào không thích hợp thì ta biết suy xét quán chiếu và học cách sống ở đó một cách bình an, và thiền tập một cách bình an. Phật đã dạy kỹ trong bài kinh nổi tiếng là kinh Bảy Cách Quán Chiếu). Đúng là Phật đã khuyên các tăng sĩ chọn nơi yên tĩnh để ở và tu, nhưng nếu không tìm được nơi như vậy thì sao, trong lúc cần phải ở lại vài tuần hay vài tháng ở đó. Nếu phải ở lại một nơi không yên tĩnh và không thích hợp, các thầy phải làm sao lúc đó? Có lẽ các thầy chết mất khi nghe đến việc cần phải ở lại những nơi như vậy, phải không! 

Do vậy, điều cần thiết là phải học biết cái tâm của mình và những ý định của mình. Chứ nếu không biết đọc cái tâm và không hiểu ý muốn của mình, thì các thầy cứ tiếp tục đi chỗ này chỗ khác để tìm một nơi tốt hơn nơi trước đó. Nhưng đến nơi, các thầy cứ nghĩ đến những điều kiện tốt hơn nơi trước đó, rồi lại nghi ngờ, rồi lại không ‘kết’ đi nơi mới. Đến nơi mới được ít lâu lại có ý muốn đi tìm nơi khác nữa… Giống như người bệnh mà không biết mình bệnh, bạn phải biết mình bị sốt rét hay căn bệnh khổ sở nào đó, vậy thì bạn phải đi tìm bác sĩ để trị liệu, tiêm thuốc và cho thuốc uống. Nếu không, cái tâm cứ luôn luôn động vọng và xao lãng với thứ này thứ nọ, nơi này nơi nọ! 

Thực tế là, bí quyết thiền tập thành công là làm cho cách nhìn của mình về mọi thứ sao đúng hợp với Giáo Pháp; điều quan trọng là thiết lập cách nhìn đúng đắn, thiết lập chánh kiến (sammā ditthi) trong tâm. Không có việc gì phức tạp và khó làm hơn việc đó. Nhưng các thầy phải cố đưa ra hết nỗ lực để điều tra, suy xét và tìm ra cách đúng đắn cho chính mình. Lẽ tất nhiên việc đó có những khó khăn, nhất là khi các thầy vẫn chưa chín chắn hiểu biết và trí tuệ. (Nếu đã có trí tuệ chín muồi thì việc đó quá dễ, đâu cần nói nữa; nhưng giờ thì các thầy vẫn còn đang trên bước đường tu tập để phát triển trí tuệ chín chắn đó, cho nên còn gặp nhiều khó khổ như vậy). 

Vậy bây giờ các thầy nghĩ mình sẽ làm gì? Cứ cố tu theo lối tu du hành (thudong) và coi kết quả sẽ ra sao, điều gì sẽ xảy đến với mình… Có lẽ sau đó các thầy lại thấy chán ngán với việc đi du hành khắp nơi sông hồ… nhưng điều đó cũng chưa chắc. Hoặc cũng có các thầy nghĩ rằng mình thực sự muốn ở một chỗ để luyện tập thiền, chứ không thích việc tu du hành kiểu thudong bởi việc du hành chẳng hay ho gì – nhưng ý nghĩ cũng chưa chắc đúng. Có thầy nghĩ nên đi tu du hành thudong là đúng, nhưng cách nghĩ đó luôn luôn thay đổi; biết đâu sau này các thầy chỉ muốn trụ lại một chỗ để tu; ai biết trước được. Hoặc biết đâu có một số thầy sẽ đi tu du hành mãi mãi, và không có ý trụ lại một nơi để tu– nhưng điều này cũng chưa chắc, ai mà biết được. Đó là những điều các thầy nên xem xét trong khi thiền tập. Rõ ràng lựa chọn nào cũng chưa chắc đúng và phù hợp nhất cho mình. Hãy tập cách đi ngược lại ý muốn của cái tâm. Các thầy có thể chấp thủ ý nghĩ đi tu du hành là tốt nhất, hoặc có thầy cho rằng trụ lại một chùa để tu tập là điều chắc chắn: cả hai cách nghĩ như vậy đều là chỉ là sự chấp thủ, bởi vì đâu có điều gì là chắc chắn đâu; thực ra đó chỉ là những sự ngu-mờ mà thôi, bởi vì biết đâu vài bữa sau các thầy lại thay đổi ý nghĩ của mình. Vậy nên đừng cố chấp vào điều gì là đúng hết. Hãy đi điều tra xem xét về bản thân mình. Tôi đã từng suy xét lại về những ý định của tôi (đi hay ở, ở hay đi, đi tu du hành hay trụ lại một nơi để tu???…), tôi suy xét lại bằng chính những trải nghiệm của mình; nhờ đó bây giờ tôi có thể chỉ lại một cách dễ dàng và trực chỉ cho các thầy. Vì vậy, các thầy nên nghe lời tôi, và sau đó xem xét lại về bản thân mình. Thiệt vậy, mọi thứ đều là không chắc chắn như vậy. Nếu biết suy xét từ đây, cuối cùng các thầy thầy có thể nhìn thấy sự thật đó cho mình. Rồi, sau khi các thầy đã có trí tuệ nhìn thấy sự thật như vậy, thì mọi quyết định của các thầy sẽ luôn đi kèm với chánh-kiến và luôn hợp với Giáo Pháp. 

Dù các thầy quyết định đi tu du hành hoặc trụ lại một chùa để tu, trước tiên các thầy phải nên suy xét một cách khôn khéo. Không ai cấm các thầy đi tu du hành trong rừng hoặc đi tìm những nơi cố định yên tĩnh để thiền tập. Nhưng nếu quyết định đi tu du hành, hãy đi một cách thực sự, đi thiệt, đi đến khi rã rời và đi không nỗi nữa—hãy đi để thử mức chịu khó chịu khổ về thân và về tâm là đến mức nào. Hồi xưa, khi vừa nhìn thấy cảnh núi rừng sơn cước tôi đã cảm thấy phấn khích và muốn vô rừng lên núi để tu. Còn bây giờ thấy lại cảnh núi rừng, thân thể tôi bắt đầu than van ê ẩm, và ngay lập tức tôi biết mình phải quay về chùa để trụ. Tôi không còn chút nhiệt tình nào để vô rừng tu nữa. Hồi trước tôi chỉ hạnh phúc khi được lên núi vô rừng để tu hành—hồi đó tôi cũng đã từng nghĩ mình sẽ ở tu luôn trên núi cho đến chết luôn! 

Đức Phật đã dạy chúng ta phải chú tâm chánh niệm vào cái đang khởi sinh trong giây phút hiện-tại. Thấy biết sự thật đường lối của mọi thứ diễn ra trong giây phút hiện-tại. Đó là những giáo lý Phật đã để lại cho chúng ta, và những giáo lý đó là đúng đắn. Nhưng những ý nghĩ và cách nhìn của chúng ta vẫn còn chưa đúng đắn, chưa hợp với lẽ sự thật của Giáo Pháp, cho nên chúng ta vẫn còn khó khổ. Vì vậy, các thầy cứ cứ thử đi tu du hành, nếu các thầy cảm thấy đó là cách tu đúng để làm. Cứ đi để coi thử điều gì sẽ xảy ra với cuộc sống du hành rày đây mai đó, và coi thử cách tu đó có giúp cải-thiện tâm mình tốt hơn, có làm tâm thanh tịnh hơn theo hướng mục-tiêu tu tập hay không. 

Tôi không muốn cấm các thầy đi tu du hành lang thang trong rừng, nhưng tôi cũng không muốn khuyến khích các thầy làm như vậy. Các thầy có hiểu được ý tôi muốn nói không? Tôi không muốn cản cũng không muốn xúi, nhưng tôi sẽ chia sẻ với các thầy một số kinh nghiệm của bản thân tôi. Nếu các thầy đi tu du hành thudong, hãy dùng thời gian sao hữu ích cho việc thiền tập mình. Đừng có đi như người du ngoạn du lịch cho biết khắp nơi đây đó. Thời bây giờ có nhiều tu sĩ đi tu du hành theo truyền thống thudong, nhưng họ đi chỉ để đắm mình vào những sự khám phá, những khoái thích lãng du hơn là đi để thực sự rèn luyện và tu tập cái tâm. Nếu các thầy quyết định đi tu du hành, các thầy phải thực sự nỗ lực và lấy những giới khổ hạnh đầu-đà (dhutanga) làm chuẩn-mực tu hành để quét sạch những ô nhiễm tham- dục phàm tục trong tâm. Thật ra ngay ở tu trong chùa này, nhiều Tỳ kheo vẫn đang lấy thêm các giới hạnh đầu-đà đó để tu mà. Thời bây giờ, việc đi tu du hành ”thudong” thường không còn đúng ý nghĩa của nó; họ bỏ nhiều thời gian để đi tìm sự phiêu lưu và lãng du hơn là đi để bỏ thời gian để tu tập nghiêm túc các giới hạnh đầu-đà khổ hạnh (dhutanga) mà Đức Phật đã đưa ra. Nếu đi tu du hành theo kiểu như vậy thì chẳng khác nào như đang “tu nằm” chứ đâu phải đi tu du hành. Đó không phải là ”thudong”. Đó là thudong tưởng tượng. Thudong chỉ thực sự là lối tu du hành khổ hạnh nếu nó hỗ trợ và phát huy việc tu thiền của người tu. Khi đi tu du hành, các thầy phải thực sự tu đúng nghĩa như vậy. Hãy suy xét và quán niệm rõ cái mục-đích và ý-nghĩa của việc đi tu du hành kiểu thudong. Nếu các thầy chọn đi tu du hành, tôi khuyên các thầy phải biết dùng các trải-nghiệm của mình để học và thiền tiến trong cuộc tu của mình, chứ không phải đi để phí thời gian vào những mục đích khác. Tôi sẽ không phép cho tăng sĩ nào đi tu du hành nếu họ vẫn chưa sẵn sàng cho mục đích và ý nghĩa đó. Nhưng nếu họ đã thực nghiêm túc và hết lòng muốn đi, tôi cũng không ngăn cản họ. 

Khi các thầy chuẩn bị ra đi, điều đáng làm trước tiên là phải tự hỏi mình những câu hỏi đó và phải tự suy nghĩ suy xét về chúng. Ở trên núi trong rừng có thể là những trải nghiệm rất hữu ích cho việc tu tập cái tâm; tôi đã từng tu trong rừng trên núi như vậy. Hồi đó tôi phải thức dậy rất sớm để đi, bởi những ngôi nhà tôi đi khất thực thì nằm rất xa. Tôi phải đi xuống, trèo lên qua cả một vùng rừng núi và nhiều khúc đường rất xa và rất khó đi; nhiều lúc tôi đã không thể đi hết đường để khất thực, hoặc có thể quay về căn lều trong rừng để ăn trước giờ ngọ. Nếu các thầy so sánh với những điều kiện của thời nay, các thầy có thể thấy bây giờ không nhất thiết phải ở quá xa trong rừng và phải đi quá xa và quá khổ cực như vậy để khất thực thức ăn. Các thầy nghĩ bây giờ có lẽ nên đi khất thực ở những làng gần chùa là thiết thực hơn, sau đó có thể trở về chùa để ăn bữa trưa và nạp được nhiều năng lượng vào thân để có thêm nhiều sức cho những việc tu tập chính thức trong chùa. Các thầy nghĩ như vậy cũng có thể đúng, nghe có vẻ thiết thực hơn. Tuy nhiên, nếu việc khất thực và ăn uống dễ dàng quá thì sau khi ăn uống no nê, các thầy thường thích đi thẳng về cốc để nằm lăn ra ngủ — như vậy thì cũng chẳng đúng đắn gì. Ngày xưa khi tôi còn tu du hành thudong, tôi thường phải dậy trước khi mặt trời mọc và cố hết sức để cuốc bộ băng qua đèo dốc để đến nơi khất thực—dù tôi đã cố tranh thủ thời gian, nhưng nhiều lúc tôi không thể quay về rừng trước giờ ngọ để ăn trước ngọ; tôi phải ngừng lại giữa rừng để ăn cho kịp trước giờ ngọ, rồi sau đó mới đi bộ tiếp về căn lều trong rừng của mình. Giờ suy xét lại cảnh thời đó, tôi tự hỏi không biết có đáng để một người tu tiếp tục gian nan với những việc như vậy hay không?. Có lẽ phải khác, có lẽ tốt nhất nên tìm cái chùa nào gần gần xóm làng để buổi sáng đi khất thực không phải đi quá xa và gian khó, như vậy có lẽ sẽ tiết kiệm nhiều sức lực để các thầy có sức tu tập trong các giờ tu chính quy trong chùa. Thời bây giờ, ví dụ trong chùa này, lúc các thầy đã ăn uống xong, đã dọn rửa xong, và quay về cốc để tiếp tục thiền tập, thì ở đâu đó trong rừng những tu sĩ du hành vẫn còn đang bước bộ giữa rừng, hoặc thậm chí họ chưa có miếng ăn nào trong bụng. 

Cách nhìn cách nghĩ về cách tu tập nào là tốt nhất có thể khác nhau ở mỗi người. Nhiều lúc, các thầy phải thực sự trải nghiệm những sự khó khổ rồi mới có thể có được trí tuệ minh sát nhìn vào sự khó khổ đó để biết rõ nó đích thực là gì. Lối tu du hành thudong có những lợi-thế của nó cho sự tu tập, nhưng tôi không muốn chê bai những người trụ lại một chùa để tu, và cũng không chê ai bỏ chùa đi tu du hành trong rừng trên núi kiểu thudong – nếu mục-tiêu của họ là để thực sự tu tiến cái tâm thì đâu có gì để chê bai họ. Tôi không khen những tu sĩ ở trụ trong chùa, mà tôi cũng không khen những tu sĩ chỉ vì họ rời chùa đi tu du hành trong rừng như tôi trước kia. Người đáng được khen là người có chánh kiến, là người hiểu biết rõ cái lý tu của mình. Nếu ở lại chùa thì mục đích cũng là để tu tập cái tâm. Nếu có đi tu du hành thì mục đích cũng là để tu tập cái tâm. Việc tu tập và sự nghiệp thiền tập sẽ sai lạc nếu bạn bỏ chùa ra đi chỉ vì bạn thích đi theo một nhóm tu nào đó, hoặc chỉ vì bạn muốn sống vui vẻ với những người bạn tu đó, chỉ vì muốn đi đây đó để thụ hưởng sự tự do du lãng, hoặc để chạy theo những ý tưởng ngu si nào đó. 

Các thầy phải nói sao cho đúng về cách tu tập của các thầy? Các thầy nghĩ sao về những điều nảy giờ tôi đã nói? Các thầy nghĩ mình sẽ làm gì trong những ngày tiếp theo và sau này, sau bữa hôm nay khi các thầy mãn khóa học tu ở chùa này? 

* * * * * * * *

[Phần hỏi đáp thêm trong buổi nói chuyện]

Thầy S: Con muốn hỏi một số giáo lý về sự phù-hợp của những đối tượng thiền khác nhau dành cho những người có tính khí khác nhau. Lâu nay con đã cố gắng tâm tĩnh lặng bằng cách tập trung sự chú tâm vào hơi-thở cùng với việc niệm chữ ”Buddho” [Đức Phật] theo nhịp hơi-thở, nhưng con chẳng bao giờ được bình an cho lắm. Con cũng đã cố tập quán niệm về cái chết, nhưng cách đó cũng chẳng giúp làm tâm con bình an. Con cũng tập quán xét về năm uẩn (khandhas) nhưng cách đó cũng không giúp tâm tĩnh lặng. Vì vậy cuối cùng tất cả tâm trí của con cũng cạn kiệt luôn. 

Ajahn Chah: Cứ buông bỏ! Khi trí cũng không còn thì cứ dẹp bỏ luôn. (Đừng cố gì nữa chỉ càng thêm quẩn trí). 

Thầy S: Trong khi ngồi thiền, ngay khi con bắt đầu có chút tĩnh lặng thì đủ loại ý nghĩ và ký ức lập tức nổi lên và quấy động cái tâm. 

Ajahn Chah: Đó là chỗ đáng nói. Đó là chính là lẽ không-chắn-chắn. Hãy dạy chính mình rằng điều đó không chắc chắn, ngay cả trạng thái tĩnh lặng (định) sâu xa cỡ nào cũng đều không chắc chắn. Hãy duy trì cái lẽ không-chắn- chắn này trong tim khi thầy thiền tập. Mọi đối tượng giác quan và mọi trạng thái tâm mình trải nghiệm đều là vô thường; không ngoại lệ cái nào. Duy trì sự quán niệm (về sự vô thường) này có mặt thường trực trong tâm này. Trong tiến trình thiền tập, phải quán niệm rằng trạng thái của tâm là không chắc chắn, trạng thái tĩnh lặng là không chắc chắn, trạng thái xao lãng cũng là không chắc chắn. Khi tâm được tĩnh lặng trong định (samādhi), đó cũng là trạng thái không chắc chắn. Việc quán niệm về tính vô-thường là việc ta phải thực sự nắm vững. Ta không cần phải quan trọng bất kỳ việc gì khác. Đừng dính theo những thứ khởi sinh lên trong tâm. Buông bỏ hết. Dù có được bình an, không cần nghĩ nhiều về sự bình an đó. Đừng quan trọng hóa về điều đó. Dù không được bình an cũng đừng quan trọng hóa. Bình an hay bất an, ta không cần coi đó là vấn đề; trạng thái bình an hay bất an đều chỉ là vô-thường. Viññānam aniccam – thầy đã từng nghe câu này chưa? Nó có nghĩa là: Mọi thức khởi sinh từ giác quan đều là vô thường. Thức có từ cảm giác và cảm nhận đều chỉ là vô thường. Thầy đã từng nghe chưa? Làm sao có thể tập luyện chính mình theo đúng theo lẽ sự thật? Thầy quán niệm ra sao sau khi biết rằng cả hai trạng thái bình an và bất an đều là vô thường? Điều quan trọng là phải biết duy trì sự tỉnh giác vào cách mọi sự đang diễn ra. Nói cách khác, làm sao để tâm biết được cả trạng thái bình an và trạng thái bất an của tâm đều chỉ là vô thường. Sau khi đã biết được điều đó, thầy sẽ nhìn mọi thứ theo cách nào? Sau khi sự hiểu biết đó đã cấy sâu trong tâm, thì mỗi khi thầy trải nghiệm những trạng thái bình an, thầy biết chúng là vô thường; mỗi khi thầy trải nghiệm những trạng thái bất an, thầy biết chúng là vô thường. Thầy có biết không, giờ thì thầy đã biết cách thiền tập với loại tỉnh giác và trí tuệ hiểu biết như vậy. 

Thầy S: Con vẫn chưa biết. 

Ajahn Chah: Thì đó là điều tra quán xét về tính vô- thường. Những trạng thái tĩnh lặng của tâm kéo dài được bao lâu? (Hay thậm chí đạt định sâu, tầng định sâu đó kéo dài được mấy giờ, mấy ngày?). Cái sự ngồi thiền với trạng thái tâm xao lãng là không chắn chắn. Nó sẽ thay đổi. Còn sự ngồi thiền có kết quả tốt và tâm đã tiến vào trạng thái định, thì sự đó cũng không chắn chắn. Tất cả mọi trạng thái đều là vô thường. Đó là lẽ thực, và sự hiểu biết lẽ thực vô-thường đó chính là trí-tuệ. Trí tuệ xuất phát từ sự hiểu biết đó. Hiểu biết được lẽ thật đó rồi thì ta còn dính chấp chi vào điều gì nữa? Ta đâu cần phải suy này nghĩ nọ về các trạng thái đó của tâm, ta chỉ cần duy trì quán sát cái đang diễn ra trong tâm. (Quan sát nhìn thấy nó xong rồi buông bỏ luôn. Nó chỉ là vô thường; ta đâu còn dính theo nó làm gì, vì ta đã biết nó chỉ là vô thường). Ngay khi ta điều tra, ta cứ nghi vấn và thâm nhập, cứ thâm nhập và soi chiếu sâu hơn vào bản tính vô thường. Duy trì sự chánh-niệm vào ngay điểm này—ta không cần phải để ý chỗ nào khác. Chẳng mấy chốc, tâm sẽ tĩnh lặng, như ý ta đã muốn. 

Việc thiền tập với niệm chữ ”Buddho” [Đức Phật] không làm tâm tĩnh lặng, việc thực tập chú tâm vào hơi-thở cũng không làm tâm bình an là do bởi thầy đang bị dính vào cái tâm xao lãng. Khi niệm chữ ”Buddho” hay khi chú vào hơi thở, nếu thấy tâm không được tĩnh lặng, ta nên quán niệm về sự không-chắc-chắn và đừng nên nghĩ đến vấn đề tâm đang tĩnh lặng hay không tĩnh lặng. Ngay cả khi tâm được tĩnh lạng, đừng dính vào điều đó bởi điều đó có thể che mờ ta, nó có thể làm cho ta coi trọng trạng thái đó. Thầy phải biết dùng trí khôn để đối trị với cái tâm ngu mờ lúc đó. Khi tâm được tĩnh lặng, thầy chỉ cần biết vậy và chỉ coi đó là một dấu hiệu việc thiền tập đang đi đúng hướng. Nếu tâm không được bình an, thầy chỉ cần nhận biết tâm đang bị ngu mờ xao lãng như vậy, không ích gì phải để ý hay kháng cự với thực trạng đó. Khi tâm được bình an, chỉ cần biết rõ tâm được bình an, nhưng phải quán niệm rằng trạng thái đó chỉ là không chắc chắn. Khi tâm bị xao lãng, quán sát sự không-an đó và chỉ cần biết thực trạng như vậy, chỉ cần tâm niệm rằng sự xao lãng của tâm cũng là không chắc chắn. Tĩnh lặng hay xao lãng đều là vô thường, đều không chắc chắn. 

Nếu các thầy thiết lập được loại trí tuệ minh sát này, thì sự dính chấp ràng buộc vào cảm nhận có một cái ‘ta’ (ngã chấp) sẽ sụp đổ ngay từ khi các thầy bắt đầu đối diện và điều tra nó. Khi tâm bị kích động, ngay thời khắc các thầy quán chiếu về bản tính không-chắc-chắn của trạng thái đó, thì cái cảm nhận về cái ‘ta’ vốn đã được thổi phòng lên từ sự dính chấp, giờ sẽ bị xẹp xuống. Giống như chiếc thuyền phao bị xì hơi, nó bắt đầu xẹp lại, cảm giác về cái ‘ta’ tự hồi nào giờ cũng bị xẹp lép. Hãy tự mình tu tập quán xét chỗ này. Vấn đề rắc rối là các thầy thường không bắt kịp ý nghĩ ngu mờ lướt qua quá nhanh. Ngay khi nó khởi sinh, cảm nhận về cái ‘ta’ lập tức hình thành xung quanh sự động vọng của tâm, nhưng ngay khi người tu biết soi xét quán chiếu tính chất vô thường của trạng thái đó, thì sự dính-chấp vào một cái ‘ta thường hằng’ sẽ sụp đỗ ngay. (Khi ta nhìn thấy mọi thứ khởi sinh đều là vô thường và biến diệt, thì ta đâu còn chỗ nào để tin chấp vào một cái ‘ta’ cố định thường hằng như thực nữa). 

Hãy tự mình nhìn vào chỗ này. Cứ liên tục nghi vấn và xem xét sâu hơn và sâu hơn nữa vào bản chất của sự dính chấp. Thông thường, các thầy quên dừng lại và nghi vấn về sự động vọng trong tâm. Nhưng các thầy cần phải kiên nhẫn và cảm nhận được cái cách của mình. Cứ để cho những sự phóng tâm động vọng đó diễn ra theo tiến trình của nó, và ta từ từ cảm nhận được cách của mình. Các thầy thường không xem xét nó, nhưng các thầy cần phải kiên định để định hướng sự chú tâm vào đó, phải vững chắc và đừng để cho nó có chỗ nào ở lại/có mặt trong tâm. Nhưng mỗi lần tôi giảng, các thầy thường khó chịu, phàn nàn: ”Ông Sư già này suốt ngày chỉ có nói về cái sự vô-thường và bản chất biến-đổi của mọi thứ”. Mới vừa nghe, các thầy đã thấy khó chịu và muốn bỏ đi chỗ khác. ”Sư Ông chỉ có một giáo lý đó nói hoài thôi… chỉ luôn nói mọi thứ đều không chắn chắn”. Nếu các thầy thực sự đã nghe đủ và thấy chán nghe với giáo lý này, vậy các thầy cứ đi chỗ khác và thiền tập theo cách của mình cho đến khi nào các thầy có đủ trí khôn tìm thấy sự tự-tin và một sự chắc-chắn thường-hằng nào đó trong tâm mình. Cứ đi và tu thử đi. Tôi chỉ sợ chẳng bao lâu, hổng chừng các thầy cũng quay lại đây!. Nói là nói vậy, chứ tôi rất mong các thầy cố gắng khắc ghi những giáo lý này vào trí nhớ, cất giữ chúng trong tâm và trái tim mình. Rồi hãy lên đường và thử tu du hành kiểu thudong. Nếu tu hoài mà vẫn không đi đến hiểu biết và nhìn thấy sự thật theo cách tôi đã chỉ dạy, thì các thầy sẽ khó mà tìm thấy nhiều sự bình-an. Dù các thầy có đi đâu ở đâu, các thầy cũng khó có được sự bình an thư thái trong tâm mình. Các thầy cũng khó tìm ra nơi nào để có thể thiền tập thực sự. Tôi đồng ý rằng việc thiền tập chính quy trong chùa để phát triển định lực (samādhi) là điều tốt. Các thầy có quen với chữ ceto-vimutti and paññā-vimutti không? Các thầy có hiểu nghĩa của chúng là gì không? Vimutti có nghĩa là sự giải thoát khỏi những ô nhiễm lậu hoặc (āsava). Có hai cách tâm đạt được sự giải thoát: ceto-vimutti [giải thoát ở-tâm] là sự giải thoát có được nhờ định tâm (samādhi) được tu tập và hoàn thiện đến mức độ mạnh mẽ và tinh lọc nhất (ví dụ như tầng thiền định jhana). Nói về thiền tập, trước tiên người tu tập khả năng khống chế hoàn toàn các ô nhiễm nhờ định-lực, và sau đó chuyển qua tu tập phát triển trí tuệ, để cuối cùng đạt đến sự giải thoát. Còn paññā-vimutti [giải thoát nhờ-trí tuệ] có nghĩa là sự giải thoát có được từ dòng chảy ra nơi người tu phát triển định (samādhi) đến một mức độ ở đó tâm hoàn toàn tập trung nhất-điểm và vững-chắc đủ để hỗ trợ và duy trì trí tuệ minh sát, rồi từ đó dẫn dắt đến việc xuyên phá những ô nhiễm. 

(Chỗ này ý là vầy: ceto-vimutti tạm dịch là “sự giải thoát của/ở/từ tâm”, tức là người tu tu tập thiền định đạt đến những tầng thiền định thâm sâu, từ đó tâm tự nó khởi sinh ra trí tuệ và giải thoát. Còn paññā-vimutti: tạm dịch là “sự giải thoát nhờ-trí- tuệ”, tức người tu tu tập sự định tâm (samādhi) đạt một mức (tầng thiền định) vừa đủ và dùng nó để hỗ trợ cho việc thiền quán để đạt đến một trí tuệ minh sát giúp giải thoát. 

(Sự giải thoát tâm trực tiếp hay sự giải thoát của/ở tâm là người tu tu thiền định đạt đến tất cả tám tầng thiền định sắc giới và vô sắc giới, rồi tâm tự chuyển biến và chứng đắc sự giải thoát. Còn sự giải thoát nhờ-trí-tuệ là người tu có thể chỉ cần chứng đắc chỉ một tầng thiền định nào đó, và dùng trạng thái định sâu đó để hỗ trợ phát triển trí tuệ minh sát. Và nhờ có trí tuệ minh sát (sự hiểu biết), người tu nhìn thấy sự thật của tất cả mọi thứ đúng như chúng thực là, và người tu buông bỏ hết tất cả mọi ô nhiễm và gông cùm để đạt đến giải thoát). 

Hai loại giải thoát này được ví như những loại cây khác nhau. Một số loài cây lớn lên ra hoa kết quả nhờ tưới nhiều nước, nhưng những loài khác có thể chết đi nếu ta tưới nhiều nước. Với những cây kỵ nước, ta chỉ nên tưới một ít nước, chỉ vừa đủ để nó lớn lên và ra hoa kết quả. Ví dụ những loài cây như cây thông, nó mọc trên đất cao khô trên rừng, nếu chúng ta tưới nhiều nước nó sẽ chết ngay. Thấy thì lạ, nhưng sự thật là vậy, chỉ cần nhìn vào những loài cây như cây thông ở đây. Nó nhìn có vẻ đang bị khô nước và khó mà sống nỗi, nhưng nó sống khô như vậy đó, nó chỉ cần ít nước là hoàn hảo. Hãy nghĩ về điều này. Ai cũng thắc mắc không biết nó lấy đâu ra nước để nuôi sống thân cây to lớn như vậy. Nhưng những loài cây khác thì cần phải có rất nước thì mới phát triển lớn lên được. Đó là những loài cây có rễ mọc sâu mọc xa khắp nơi để hút nước lên thân, thậm chí nhiều loài cây có cả rễ cây trên thân để hút nước từ trong không khí thì mới đủ sống; ví dụ như cây đa, cây si… Còn có những loài cây khác người ta chỉ cần bỏ vô chậu, treo lên không, không hề tưới nước, vậy mà chúng vẫn sống tốt và sống lâu. Mỗi loài một đặc điểm, có loài cần nước nhiều, có loài cần nước ít. Cũng giống như hai loại giải-thoát vừa mới nói. Các thầy có hiểu không? Đó chỉ là do chúng khác nhau theo cách tự nhiên của mỗi loại. 

Vimutti là sự giải-thoát. Ceto-vimutti là sự giải-thoát có được từ sức mạnh của cái tâm đã được tu tập đến những mức độ định (samādhi) tối đa và thâm sâu nhất (đó là các tầng thiền định sắc giới và vô sắc giới). Loại giải-thoát này giống như những cây cần rất nhiều nước để sinh trưởng và ra hoa kết quả. Những loại hác thì cần ít nước, nước nhiều quá chúng sẽ chết. Chúng chỉ cần một ít nước là đủ sinh trưởng và ra hoa kết quả. Do vậy, Phật đã dạy về hai loại giải thoát khỏi những ô nhiễm, loại giải thoát ở-tâm (ceto-vimutti) và loại giải thoát nhờ-trí-tuệ (paññā-vimutti). Để đạt đến sự giải thoát, người tu cần phải có cả hai thứ là năng lực định tâm (định lực) và sự hiểu biết (trí tuệ). Vậy định và tuệ có thực sự khác nhau hay không? 

Thầy S: Dạ thưa không. 

Ajahn Chah: Vậy tại sao người ta đặt thành những tên gọi khác nhau như vậy? Và tại sao có sự phân biệt hai loại giải thoát ở-tâm (ceto-vimutti) và sự giải thoát nhờ-trí-tuệ (paññā-vimutti) như vậy? 

Thầy S: Sự phân biệt đó chỉ là cách nói. 

Ajahn Chah: Đúng vậy. Thầy có hiểu không?. Nếu không hiểu điều này, có thể thầy sẽ đi khắp nơi đặt tên, dán nhãn, và phân biệt tùm lum, đến mức quên mất cái gì là thực-tại mà mình cần phải nắm được. Đúng thực hai loại giải thoát đó chỉ là vậy. Nhưng, mỗi loại có nhấn mạnh chút ít theo nghĩa của nó. Nếu nói hai loại là một thì không đúng, mà nếu nói hai loại là khác nhau thì cũng không đúng. Tôi trả lời như vậy thầy thấy đúng không? Tôi nói hai loại không phải là một, nhưng cũng không khác nhau. Đây là cách tôi trả lời. Thầy nên nhận lấy câu trả lời của tôi, và mang về suy xét thêm về nó. 

Khi nói về tốc độ và sự trôi chảy của chánh-niệm làm tôi nhớ đến thời tôi còn đi tu du hành lang thang một mình, và trên đường đi có lần tôi gặp một ngôi chùa bị bỏ hoang, tôi ở lại đó che lều và lưới muỗi để ngồi thiền vài ngày ở đó. Trong đất chùa có nhiều cây ăn trái đang sum sê trĩu quả. Tôi muốn hái vài trái để ăn, nhưng tôi chánh niệm rằng đó là đồ của chùa, và tôi chưa được ai cho phép để ăn. (Nếu ăn thứ không được cho là phạm giới luật). Rồi sau đó có nhiều dân làng mang rổ đến, họ định hái. Họ nghĩ tôi là người ở chùa nên xin phép tôi. Tôi từ chối thì sợ họ buồn lòng, nhưng cho phép thì đâu phải là của tôi mà cho phép cũng nên cũng không đúng. Đường nào cũng không đặng. Nên tôi đã trả lời họ rằng: “Mặc dù tôi đang ở đây, nhưng tôi không phải là chủ của mấy cây trái này, vì vậy tôi không có quyền cho phép bà con hái trái; nhưng tôi cũng không cấm bà con làm điều đó”. Sau khi nghe tôi nói vậy, họ không hái trái nào cả. Tôi nghĩ trả lời như vậy thiệt là hữu ích, không làm mích lòng ai, và cũng không để họ hái trái mà dính nghiệp lấy trộm của chưa được cho. Đôi khi ta cần phải suy xét và nói theo cách không-thường như vậy thì sẽ đem lại hiệu quả hiểu biết, hơn là cách nói thông-thường. 

Ajahn Chah: Người ta nói về căn tính hay tính khí (carita), nó nghĩa là gì? 

Tỳ kheo A: Tính khí? Con không chắc, con không giải đáp hết được chỗ này, thưa thầy. 

Ajahn Chah: Tâm là một căn, căn tính là một căn, và trí khôn là một căn khác. Vậy làm sao chúng ta tu tập với điều này? Chúng ta quán xét về chúng. Họ nói về chúng ra sao? Có người có căn tính tham, có người có căn tính sân, có người căn tính si, có người có căn tính thông minh… vân vân. Căn tính hay tính khí được quyết định bởi những trạng thái tâm ở đó tâm thường xuyên dính vào và thường xuyên bộc lộ ra. Có người luôn nổi sân và bộc lộ tính sân; có người luôn tham lam và luôn bộc lộ tính tham. Thực ra, tất cả chỉ là do cách nói để chỉ về những đặc tính của tâm, nhưng những đặc tính đó có thể được quy coi là cái tính-khí riêng của người này hoặc người khác. 

Thầy đã là Tỳ kheo được sáu năm. Có lẽ thầy đã từng chạy theo những ý nghĩ và trạng thái tâm của mình nhiều lắm rồi – chúng ta cứ chạy theo tâm đã nhiều năm lắm rồi. Có nhiều Tỳ kheo muốn đi sống và tu một mình, và tôi chẳng có gì để phản đối điều đó. Nếu thầy nào muốn đến đâu để sống tu một mình thì cứ đi. Nhưng nếu thầy nào muốn ở lại sống tu với tăng đoàn trong chùa này thì cứ ở lại. Cách nào cũng không sai – nếu thầy không suy xét một cách sai lạc, nếu thầy biết suy xét một cách khôn khéo. Nếu thầy sống tu một mình và dính vào những ý nghĩ sai lạc, điều đó không giúp thầy có được ích lợi gì từ việc sống tu một mình đó. Nơi thích hợp nhất để tu thiền là nơi yên tĩnh và bình an. Nhưng nếu không có những nơi thích hợp như vậy, thầy phải biết cẩn  trọng học cách biết hài-lòng, nếu không thì sự  tu thiền của thầy sẽ chết chắc. Nếu không thầy sẽ gặp toàn  rắc rối. Cũng từ lý này, các thầy cũng nên thực sự cẩn trọng,  dùng năng lượng và ý thức tỉnh giác để tu tập, đừng tiêu tốn  năng lượng và ý thức vào những việc như: luôn tìm thầy này  thầy nọ để học đạo, luôn tìm nơi này nơi nọ mình nghĩ thích  hợp cho việc tu thiền. Hãy gom những ý nghĩ lại và hội tụ  những năng lượng lại. Rồi hướng sự chú-tâm vào bên-trong  và  duy-trì  sự  ý  thức  tỉnh-giác  vào  ngay  cái  tâm  này.  Hãy  dùng những giáo lý này để quán sát và điều tra cái tâm liên- tục trong một thời gian dài. Đừng bỏ lơ việc quán sát và điều  tra, hãy duy trì chúng như một chủ-đề thiền quán vậy. Hãy  nhìn kỹ, coi xét những lời tôi nói về “tất cả mọi thứ hữu vi  đều luôn thay đổi và vô thường”. Lẽ vô-thường là cái để người  tu điều tra quán xét xuyên suốt mọi lúc mọi nơi. Chẳng bao lâu  các thầy sẽ đạt được trí tuệ minh sát nhìn thấu cái lẽ thực vô- thường đó. Một vị sư thầy của tôi trước kia đã dạy cho tôi  rằng: “cứ bước vào thiền và tập luyện cái tâm”—lời dạy này  còn  thấm  mãi  trong  tôi.  Điều  quan  trọng  là  đừng  để  dính  nghi ngờ, các hãy tạm dẹp bỏ mọi nghi ngờ về cách tu và kết  quả tu tập, cứ bước vào thiền tập rồi sẽ thấy. Bữa nay tôi nói  với các thầy tới đây là đủ rồi.

 

* Bài viết được trích từ bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, Thiền Sư Ajahn Chah

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app