91

Hiểu Biết Thế Gian

Mọi thứ trên thế gian đều là biểu hiện của sự thật. Nhưng chỉ tại chúng ta thiên vị, chúng ta nhìn nghiêng, nhìn phiến diện, nhìn theo ý muốn chúng ta, bởi chúng ta muốn mọi thứ theo ý mình. (Ví dụ chúng ta muốn mọi thứ đều dễ chịu trong khi sự thật là luôn có sướng và khổ). Lokavidū có nghĩa là hiểu biết thế gian một cách rõ ràng. Thế giới là những hiện tượng (sabhāva, hiện thực, thực tại) có mặt và diễn ra theo cách của chúng. Nói ngắn gọn, thế giới là arom, là mọi pháp, tức là tất cả các trạng thái của tâm. Khi chúng ta dùng chữ ”thế giới” nghe nó rộng lớn quá. Nếu nói ”Arom [các hiện tượng của tâm] là thế giới” thì nghe đơn giản hơn. Thế giới là arom [là các hiện tượng của tâm]. Đang bị ngu mờ trong thế giới là ngu mờ về các hiện tượng của tâm; đang bị ngu mờ về các hiện tượng của tâm là ngu mờ về thế giới. Lokavidū: sự hiểu biết thế giới một cách rõ ràng, hiểu biết về “thế giới như chúng là”, đó là cái chúng ta cần hiểu biết. Thế giới tồn tại theo những điều kiện nhân duyên của nó. Các điều kiện nhân duyên tác động diễn ra trong từng giây phút. Bởi vậy chúng ta cần phải có một sự tỉnh giác hoàn toàn ngay trong hiện tại, luôn ý thức rõ biết về nó, luôn thường-biết về nó.

Như giáo lý dạy chúng ta cần phải biết rõ về những thứ có điều kiện [những thứ do duyên hợp mà có, những pháp hữu vi, sankhāra] đúng như chúng đích thực là. Dù sự thật những thứ hữu vi đó là gì, dù đích thực chúng là gì, chúng ta cũng cần hiểu biết rõ về chúng. Sự hiểu biết rõ đó được gọi là trí tuệ, đó là trí khôn biết chấp nhận và biết rõ sự thật một cách không vướng ngại.

Chúng ta cần phát triển một cái tâm được tĩnh lặng (định) và có trí tuệ (tuệ) để nắm rõ mọi thứ. Chúng ta hay nói về giới, định, tuệ (sīla, samādhi, paññā), nói về thiền định (samatha), nói về thiền tuệ minh sát (vipassanā). Nhưng đích thực thì chúng chỉ là một. Chúng chỉ là một, nhưng do chúng được phân chia theo những phân đoạn hay phạm vi khác nhau, vì vậy người ta cứ hiểu lầm về thiền. Tôi đã từng đưa ra nhiều ví dụ đơn giản để so sánh với thiền cho người ta dễ hiểu.

Một trái xoài non sau đó thành trái xoài lớn, trái xoài chín. Trái xoài non là cùng một trái với trái xoài lớn và trái xoài chín, đúng không? Từ lúc nó chỉ là một bông xoài nở trên cây xoài cho đến khi chín rụng, đó thực ra chỉ cùng một trái xoài. Chỉ là một trái xoài, nhưng nó thay đổi, phát triển và chín muồi qua những thời khác nhau. Non nhỏ, lớn lên và già chín; đó chỉ là tiến trình biến đổi của cùng một trái xoài.

Những phương diện chúng ta hay gọi đều cùng một là một thứ. Giới hạnh (sīla) đơn giản là việc kiêng cữ và từ bỏ những hành vi bất thiện. Người không có giới hạnh là kẻ đang sống trong tình trạng nóng bức như hỏa ngục. Khi một người biết từ bỏ những hành vi sai trái và nghiệp xấu ác, điều đó mang lại sự mát dịu trong tâm và trái tim này. Mát dịu, không làm nguy hại, không còn bất thiện—lành. Sự phúc lành có được từ sự không còn bất thiện chính là một cái tâm được tĩnh lặng—đó là định (samādhi). Khi cái tâm đạt định, được trong sạch và tinh khiết, nó sẽ nhìn thấy rõ mọi thứ. Lý là vậy. Giống như hồ nước được tĩnh tại và không bị quấy động. Những ngày tĩnh lặng, ta có thể nhìn thấy khuôn mặt ta dưới nước hồ. Ta cũng có thể thấy hình ảnh phản chiếu của những thứ đằng xa như cây cối, đồi núi; ta thấy cả mái nhà của khu nhà đằng kia soi hình xuống mặt hồ trong và phẳng lặng. Nếu có con chim đến đậu trên mái nhà đó, ta cũng có thể nhìn thấy nó.

Những phần [yếu tố] đó thực sự chỉ là một, đó chỉ là những phần do người ta phân chia, nhưng đích thực ba chi phần đó chỉ là một, giống như cùng một trái xoài. Ví dụ xoài nhỏ (giới), trái xoài lớn (định) và trái xoài chín (tuệ) chỉ là một trái xoài. Từ xanh non, hườm lớn đến chín vàng chỉ là một trái xoài. Đó chỉ là tiến trình biến đổi, do đó người ta thấy khác nhau, bởi họ nhìn vào những giai đoạn biến đổi đó.

Nếu hiểu được theo cách đơn giản như vậy chúng ta sẽ thấy dễ chịu, không còn phân biệt, không còn nặng về thiền định hay thiền tuệ là này là nọ gì nữa. Nhờ đó sự nghi ngờ cũng giảm mất. Nếu cứ y theo kinh điển và những giảng luận chi li thì rốt cuộc chúng ta chỉ rối trí mà thôi. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải biết nhìn vào cái tâm của chúng ta. ”Này các Tỳ kheo, các thầy phải luôn quán sát cái tâm của mình. Ai luôn quán sát cái tâm của mình thì sẽ thoát khỏi những cạm bẫy của Ma Vương”. Thoát khỏi Ma Vương và những cạm bẫy của hắn. Và điều đó tùy thuộc vào sự điều tra suy xét của mỗi người.

Cách tu của tôi cũng hơi lạ so với người khác. Hồi mới xuất gia đi tu, tôi có rất nhiều nghi ngờ và nghi vấn. Nhưng tôi không thích hỏi người khác về những điều đó. Ngay cả khi tôi gặp sư phụ Ajahn Mun, tôi cũng không hỏi gì nhiều. Tôi cứ ngồi và lắng nghe thầy ấy giảng giải. Tôi có nghi vấn nhưng tôi vẫn không hỏi. Hỏi ai điều gì giống như mượn dao của người đó để cắt chặt thứ gì. Cứ đi mượn thì suốt đời ta chẳng có con dao nào của mình. Tôi cảm thấy vậy. (Tôi nghĩ mình nên tự đi tìm câu trả lời bằng chính tâm mình, lúc đó dao sẽ là dao của mình, trí tuệ sẽ là trí tuệ của chính mình, không phải nhờ trí tuệ của người khác để hiểu biết một vấn đề). Do vậy tôi chẳng muốn hỏi nhiều. Khi tôi sống tu với sư phụ của tôi trong một hai năm, tôi lắng nghe những lời giáo huấn của thầy và cố gắng tự mình thực tập những lời dạy đó. Bằng cách đó tôi tự tìm thấy câu trả lời cho những nghi vấn của mình. Tôi hơi khác những đạo hữu khác, nhưng tôi biết làm vậy mới có khả năng phát triển phần trí tuệ (tuệ); đó chính là cách làm cho mình tìm thấy nguồn gốc sự thật và trở nên khôn ngoan. Tôi không để mình bị lãng tâm, tôi luôn chú tâm quán xét mọi thứ cho đến khi có thể tự mình nhìn thấy. Làm như vậy mới tăng sự hiểu biết và cùng lúc giảm bớt những nghi ngờ; lý rõ ràng là như vậy.

Lời khuyên của tôi dành cho các thầy là đừng để mình bị bao phủ trong những nghi ngờ và nghi vấn! Hãy buông bỏ mọi nghi ngờ và nghi vấn, cứ trực tiếp quán xét mọi thứ mình đang trải nghiệm. Mọi cảm nhận sướng và khổ của thân này ta không nên quá quan trọng về chúng. Khi nào ngồi thiền thấy quá khó chịu, đau nhức, mệt mỏi, thì thay đổi tư thế một chút. Cố chịu đựng hết sức mình, khi nào chịu hết nỗi mới thay đổi tư thế một chút. Đừng thay đổi liên tục, đừng cựa quậy liên tục. Phải tu tập sự chú tâm [chánh niệm]—đó mới là cái quan trọng. Chánh niệm và khả năng chánh niệm mới là cái chính. Thực tập ngồi thiền và đi thiền càng nhiều càng tốt, mục tiêu chúng ta là tu tập cho được khả năng chánh niệm mạnh mẽ nhất, hiểu biết mọi thứ một cách hoàn toàn. Chỉ cần như vậy là đủ.

Mong các thầy ghi nhớ điều này để quán xét. Dù các thầy đang thực tập theo cách nào, khi những đối tượng tâm khởi sinh, dù là sướng hay khổ, bên trong hay bên ngoài, những thứ đó được gọi là arom, là thế giới, là những hiện tượng của tâm. Ai luôn ý thức biết rõ về những hiện tượng của tâm [thế giới, những thứ hữu vi… muốn gọi sao cũng được] thì người đó được gọi là biết rõ về ”tâm”. Thế giới (arom) là một chuyện và người biết rõ thế giới là một chuyện khác. Những hiện tượng là một chuyện, tâm là một chuyện khác. Giống như mắt và những hình sắc nó nhìn thấy. Mắt là một chuyện, những hình sắc là chuyện khác. Mắt không phải là những hình sắc, những hình sắc không phải là mắt. Tai nghe thấy âm thanh, nhưng tai không phải là âm thanh, và âm thanh không phải là tai. Khi có sự tiếp xúc của hai thứ đó thì có sự này sự nọ (pháp, hiện tượng) xảy ra.

Tất cả các trạng thái của tâm, sướng hay khổ, đều gọi là thế giới, là các pháp hữu vi, là arom. Dù chúng có là gì, ta không quan trọng chúng—chúng ta cứ luôn tự nhắc mình (tâm niệm) rằng: ”đó là không chắc”.

Đây là chỗ nhiều người ít suy xét, đó là sự ”không chắc chắn”. Đó mới là chỗ sinh động [quan trọng, thiết yếu nhất] mang lại trí tuệ hiểu biết. Chỗ này thực sự quan trọng. Để dừng các sự đến và đi [của tâm] để đi đến ngơi nghỉ, chúng ta chỉ cần nói [tâm niệm]: ”Điều đó là không chắc”. Nhiều lúc chúng ta sầu khổ đến mức quẩn trí về chuyện gì đó, trạng thái đó cũng là không chắc chắn, nó cũng sẽ thay đổi và biến qua. Khi những trạng thái sân hay tham khởi sinh trong ta, chúng ta phải luôn tự nhắc mình điều đó—”Đó là không chắc”. Dù đang đi, đang nằm, đang đứng hay đang ngồi, mọi sự xảy ra đều là không chắc chắn. Các thầy có thể tâm niệm điều này hay không? Cứ luôn giữ tâm niệm đó với mình, cho dù sự gì có xảy đến. Cứ thử tâm niệm như vậy coi. Hãy thử tu với tâm niệm như vậy. Thực ra đâu cần gì nhiều—chỉ cần có tâm niệm này là đủ tu rồi. Đây chính là thứ mang lại sự hiểu biết và trí tuệ.

Cách tu thiền của tôi không phức tạp gì hết—chỉ cần tu như vậy. Mọi sự mọi thứ đều quy về một chỗ: ”không chắc chắn”. Tất cả mọi thứ mọi sự đều gặp nhau ở điểm này. Mọi thứ đều không chắc chắn.

Đừng chạy theo những trải nghiệm khác nhau của tâm. Khi ngồi thiền, rất nhiều trạng thái tâm khác nhau khởi sinh, cứ nhìn và biết rõ từng cách khác nhau của mọi sự diễn ra, cứ trải nghiệm đủ từng trạng thái khác nhau đó. Nhưng đừng chạy theo những trạng thái đó. Đừng dính theo chúng. Chúng xảy ra liên tục và rất nhiều. Đừng để bị bao phủ bên trong chúng. Các thầy chỉ cần và chỉ cần nhắc tâm mình rằng chúng là không chắc chắc. Nhiêu đó là đủ. Điều đó dễ làm. Nó đơn giản như vậy. Cách đó ta có thể dừng [tâm] lại. Tâm không còn đến và đi, không còn lăng xăng chạy theo các trạng thái. Sự hiểu biết sẽ có mặt. Nhưng khi có được sự hiểu biết ta cũng đừng bị quá khích hay bị dính theo sự hiểu biết đó.

Sự tìm hiểu thực sự, tức sự điều tra một cách đúng đắn (chánh trạch pháp) thì không liên quan đến sự nghĩ suy. Ngay khi có đối tượng tiếp xúc với mắt tai, mũi, lưỡi, hay thân thì nó lập tức xảy ra theo đường lối của nó. Ta không cần phải lấy công cụ gì để nhìn vào nó. (Ta đâu kịp làm vậy). Mọi sự chỉ tự nó hiện ra và sự điều tra cũng tự nó xảy ra. (Chúng ta đang nói về loại ý tưởng xảy ra trong tâm khi ngồi thiền ở giai đoạn đầu sau khi tâm đã được tĩnh lặng ít nhiều). Đó là ”ý tưởng ban đầu”, được gọi là vitakka, HV dịch là tầm. Tầm có nghĩa là tìm ra một ý tưởng, đặt ra và chọn ra một ý tưởng, nhắm vào một ý tưởng. Sau khi đã “tầm” ra một ý tưởng và nhắm vào nó thì tiếp theo là loại ”ý tưởng suy lý”, được gọi là vicāra, HV dịch là tứ. Tứ là bám quanh, là quán xét quanh đối tượng đó để điều tra. Đó là sự điều tra (trạch pháp), đó là sự nhìn thấy những cảnh giới hiện hữu (bhūmi) đang hiện tiền.

Phân tích đến cùng, con đường đạo của Phật nở hoa nhờ vào lẽ vô-thường. Dù Phật còn hay mất, lẽ thực vô thường vẫn có mặt. Dù là thời Phật hay thời sau hay bây giờ, hay mai sau, lẽ vô thường luôn luôn có mặt. Mọi thời tự cổ chí kim, lẽ vô thường chi phối tất cả mọi thứ. Đây là đề tài các thầy nên chọn để thiền quán về nó.

Những lời nói sự thật và chân chánh của các vị sa-môn không thể thiếu lẽ vô thường. Vô thường là sự thật, đó là lẽ thực. Nếu không nói đến vô thường thì đó không phải là lời nói của bậc hiền trí chân tu. Đó không phải là lời của Phật hay của bậc thánh nhân; đó chỉ là những lời nói không biết chấp nhận lẽ thật của sự sống. Sự thật của sự sống là vô thường.

Mọi thứ cần có một cách giải thoát. Sự quán xét không phải là việc nắm giữ và dính chặt vào đối tượng. Nó là việc giải tỏa. Một cái tâm không thể giải tỏa các hiện tượng là cái tâm trong tình trạng bị nhiễm độc. Về mặt thực hành, điều quan trọng là không để bị nhiễm độc. Khi sự tu tập dường như đã được tốt, đừng bị nhiễm độc bởi sự tốt đó. Nếu ta bị nhiễm độc bởi thành tựu tốt, điều đó sẽ trở nên nguy hại, và lúc đó sự tu tập không còn đi đúng hướng nữa. Chúng ta tu hết mình, nhưng điều quan trọng đừng quá say sưa với những công sức nỗ lực của chúng ta, nếu say sưa với nỗ lực hay thành tích tốt của mình thì ta đã đi lệch khỏi Giáo Pháp. Đó là lời Phật đã khuyên. Dù điều gì đó là tốt lành, đừng dính danh theo nó, đừng bị nhiễm độc bởi nó. Nhớ tỉnh giác về điều này khi nó xảy đến với ta.

Chúng ta xây cái đập để ngăn giữ nước, nhưng đập nước cần phải có cống xả để xả nước tràn, vì nếu ép giữ không cho nước xả thoát nó sẽ tức bể đập. Trong tu tập chúng ta cũng nên như vậy. Nhiều lúc chúng ta có thể dùng năng lực ý chí để thúc ép bản thân và kiểm soát tâm, nhưng đừng quá say sưa với việc đó. Chúng ta tu thiền là muốn dạy dỗ cái tâm, chứ không chỉ kiểm soát nó, để nó có ý thức tỉnh giác và thường biết. Nếu ép uổng quá mức sẽ làm điên đầu. Điều quan trọng nhất là phải duy trì và tăng cường sự tỉnh giác và sự tinh nhạy. Con đường đạo của chúng ta là như vậy.

Có rất nhiều ích lợi có được từ việc thiền tập, từ việc quán sát cái tâm của mình. Tự tập quán sát cái tâm của chính mình mới là việc quan trọng thứ nhất. Những giáo lý các thầy học từ kinh điển và giảng luận là đúng và có giá trị, nhưng chúng chỉ là thứ hai. Đó là cách người ta ghi chép và giảng giải về sự thật. Nhưng sự thật đích thực thì vượt trên ngôn từ chữ nghĩa. Đôi khi những giảng luận là không đồng nhất nhau hoặc khó hiểu, và thậm chí qua nhiều đời giảng luận chúng càng trở nên khó hiểu hơn. Nhưng cái sự thật chân lý mà họ đã có được và miêu tả lại bằng chữ nghĩa vẫn là cái chân-như, và sự thật chân như đó không bị ảnh hưởng bởi ai nói hay ai làm hay ai giảng luận.

(Vì sự thật đơn giản là sự thật. Đó là sự thật mà Phật đã giác ngộ và giảng giải lại cho chúng ta. Nhưng do chúng ta chưa tự thân giác ngộ nên chúng ta chỉ hiểu được sự thật qua những ngôn từ chữ nghĩa mà Phật đã nói hoặc các vị thầy giảng giải lại. Dù cho kinh điển và giảng luận qua bao đời có bị bóp méo đi ít nhiều, những sự thật vẫn là sự thật. Ví dụ như: lẽ vô thường, sự khổ, sự vô ngã…là những sự thật, cho dù ai có giải thích chúng bằng những cách khác nhau).

Sự thật đó là: quy luật và trạng thái nguyên thủy tự nhiên của mọi thứ vẫn không thay đổi và bị lạc hậu theo thời gian. Những ngôn ngữ người ta dùng để giảng luận về sự thật có thể bị mai một và lạc hậu theo thời gian, nhưng bản thân sự thật thì không. Cái Phật nhìn thấy là cái đầu tiên, đó là sự thật. Cái người ta ghi chép lại hoặc giảng luận là cái thứ hai hoặc thứ ba, là thứ đã qua tay ghi chép, diễn dịch và giảng luận bởi nhiều người, nhiều đời. Những kinh điển và giảng luận luôn luôn rất hữu ích để người ta truyền thừa và học hiểu và phát triển, tuy nhiên những ngôn ngữ đó luôn bị thay đổi và có thể bị lạc hậu theo thời gian.

Cũng như dân số càng lúc càng đông thêm thì những vẫn đề vấn nạn càng tăng theo. Đó là lẽ tự nhiên. Càng nhiều người thì càng thêm nhiều vấn đề phải giải quyết. Những nhà chính sách và nhà giáo dục phải tìm cách dạy cho mọi người những cách đúng đắn và điều tốt để sống, cách giải quyết những khó khăn trong đời sống. Việc đó là rất hữu ích và cần thiết, nhưng đó vẫn chỉ là những điều thuộc về ý tưởng và quy ước của con người. Những quy định càng ngày càng bị lạc hậu và cần phải thay đổi và có nhiều quy định mới theo thời gian. Còn Giáo Pháp đích thực là chân lý, nó không bị mai một hay lạc hậu theo thời gian, bởi nó là bất biến, nó là thường hằng. Đó chính là nguồn gốc căn cơ của mọi thứ, đó chính là chân pháp (saccadhamma), nó tự nhiên tồn tại, vô vi, không bị thay đổi. Những người tu theo đạo Phật nỗ lực tu tập để nhận thấy [giác ngộ] sự thật đó. Sau khi giác ngộ, có thể họ sẽ dùng các phương tiện và ngôn ngữ khác nhau để mô tả về sự thật đó. Qua nhiều đời, những cách mô tả và ngôn ngữ giảng luận đó mất đi ít nhiều khả năng truyền đạt của chúng cho thế hệ càng về sau; tuy nhiên cái nguồn gốc của chúng [sự thật, chân lý] thì vẫn chân như như vậy.

Do vậy Phật mới dạy chúng ta phải tập trung sự chú tâm và điều tra quán xét. Người tu đi tìm sự thật không để bị dính  vào  những  quan  điểm  và  trí  thức  của  mình.  Cũng không nên dính chấp theo sự hiểu biết của người khác. Thay vì vậy, hãy tu tập để phát triển một loại hiểu biết đặc biệt; để cho cái sự thật chân-pháp (sacca-dhamma) được hiển lộ ra hết.

Trong khi tu tập cái tâm, trong khi đang điều tra quán xét về chân pháp (saccadhamma), tâm của chúng ta chính là nơi chân pháp được nhìn thấy. Hễ khi nào còn nghi ngờ thì ta còn phải chú tâm vào những ý nghĩ, những cảm giác, những tiến trình tâm của ta. Còn những thứ khác chỉ là bề ngoài, giả tạm. Đây là việc các thầy phải ghi nhớ.

Khi tu tập, chúng ta sẽ gặp phải đủ loại trải nghiệm, ví dụ như sự sợ hãi. Lúc đó ta phải dựa vào đâu? Khi tâm đang bị bao phủ trong nỗi sợ hãi thì nó đâu tìm thấy gì để nương tựa. Đây là tình cảnh tôi đã từng nếm trải qua, lúc đó cái tâm dính kẹt trong sự sợ hãi, không thể nào tìm thấy nơi an toàn ở đâu hết. Vậy phải giải quyết ở chỗ nào? Phải giải quyết ngay tại chỗ nó khởi sinh. Nó khởi sinh chỗ nào thì nó chấm dứt chỗ đó. Chỗ nào tâm có sợ hãi thì nó có thể chấm dứt ngay chỗ đó. Nói cách đơn giản, khi tâm hoàn toàn sợ hãi thì nó chẳng biết đi đâu khác, và sự sợ hãi có thể được diệt trừ ngay chỗ đó. Nơi không còn sợ hãi chính là nơi sợ hãi khởi sinh. Dù tâm đang ở trong trạng thái nào, nếu nó trải nghiệm tâm ảnh (nimitta), những viễn cảnh hoặc sự thấy biết nào đó trong khi thiền, điều đó không là gì cả–chúng ta đã được dạy phải tập trung sự tỉnh giác vào trong tâm ngay trong hiện tại. Đó là chuẩn mực cần phải làm, đó là chuẩn mực của thiền tập. Chỉ chú tâm nhìn vào những gì đang xảy ra trong tâm, đừng chạy theo những hiện tượng bên ngoài. Tất cả mọi thứ chúng ta quán xét đều quy về một nguồn gốc, đó là nơi chúng khởi sinh. Đó chính là nơi của những nguyên nhân. Việc truy nguyên chỗ nhân gốc là việc quan trọng.

Lấy ví dụ đơn giản và dễ hiểu, khi chúng ta cảm thấy sợ hãi, nếu chúng ta cứ để bản thân nếm trải nỗi sợ hãi đó cho đến khi nó không còn đi đâu nữa, lúc đó chúng ta sẽ hết sợ hãi, bởi vì nó sẽ tự phai biến. Sự sợ hãi sẽ dần mất đi sức mạnh của nó, rồi ta không còn thấy sợ. Không còn thấy sợ có nghĩa là nỗi sợ đã trống không. Chúng ta học cách chấp nhận mọi sự xảy đến như chúng đến, và sau đó chúng sẽ mất dần sức mạnh ngay tại đó.

Đây là chỗ Đức Phật muốn chúng ta đặt sự tin tưởng vào đó, Phật muốn chúng ta không bị dính vào những quan điểm của mình, không bị dính theo những quan điểm của người khác. Điều này rất quan trọng. Điều này thực sự quan trọng. Chúng ta tu nhắm tới sự hiểu biết có được bằng sự tự thân chứng ngộ, do vậy chúng ta không muốn bị dính vào những quan điểm và kiến chấp của mình hoặc của người khác. Nhưng khi chúng ta có những ý tưởng của mình hoặc tương tác với những ý tưởng của người khác, chúng ta cứ ngồi quan sát những ý tưởng đó tiếp xúc với cái tâm—việc quán sát như vậy có thể làm bừng sáng cái tâm. Chính trong những thứ chúng ta có và trải nghiệm là nơi sự hiểu biết được sinh ra.

Trong khi đang ngồi quan sát cái tâm và thiền tập, có thể khởi lên loại hiểu biết sai lầm hoặc sai lạc. Nhiều người tập trung vào các trạng thái của tâm và muốn phân tích chúng một cách thái quá, do vậy tâm họ luôn luôn năng động. Hoặc khi chúng ta xem xét năm uẩn (khandha), hay khi chúng ta quán xét sâu vào chi tiết của 32 bộ phận của thân— nhiều thứ và nhiều bước chúng ta đã được dạy để quán thân. Do vậy chúng ta cứ suy nghĩ và phân tích. Chúng ta nhìn vào tổng thể cái thân năm uẩn thấy khó đi đến kết luận, do vậy chúng ta muốn đi sâu vào quán 32 bộ phận của thân, cứ luôn muốn phân tích và điều tra. Nhưng theo cách tôi nhìn, thái độ của chúng ta đối với năm uẩn, đó là đống thân chúng ta nhìn đây, cũng đủ nhìn thấy sự chán chường và phũ phàng rồi, bởi vì cái đống thân này nó đâu nghe theo ý ta. Nó đâu phải là ta hay là của ta. Tôi nghĩ chỉ cần thấy bấy nhiêu cũng đã đủ. Ta đã biết bản chất của đống thân này là vậy, nên khi nó còn sống ta cũng không quá hân hoan với nó mà bỏ quên chính mình. Khi nó già, bệnh, tan rã và chết, chúng ta cũng không quá đau buồn và sợ hãi vì điều đó. Nếu người tu nhận thức được điều này thì cũng đủ rồi. Chúng ta không cần phải soi mói vào từng chi tiết của nó; chúng ta không cần phải lột da, xé thịt, lòi xương để tìm hiểu về bản tính bất toại và vô thường của chúng.

Đây là điều tôi thường nói với mọi người. Nhiều người hay phân tách quyết liệt như vậy, ngay cả khi họ đang nhìn vào cái cây. Những sinh viên học Phật hay muốn biết việc gì là công đức và cái gì là không công đức, họ chỉ muốn biết những dạng công đức là gì, chúng giống cái gì. Tôi đã giải thích rằng chúng không có hình dạng nào hết. Công đức chỉ có trong sự hiểu biết đúng đắn (chánh kiến), thái độ hành vi đúng đắn (chánh nghiệp) của chúng ta. Nhưng họ cứ muốn mọi thứ rõ rệt theo từng loại, dạng, chi tiết.

Do vậy tôi phải dùng ví dụ cái cây. Những sinh viên nhìn lên cái cây, họ muốn biết tất cả mọi chi tiết của cây. Nào cây có lá, cây có rễ. Nó sống nhờ có rễ. Những sinh viên đó muốn biết hết, thậm chí như: cây có bao nhiêu rễ? Rồi rễ chính, rễ phụ, nhánh, cành, lá… họ muốn biết tất cả chi tiết và số lượng của các bộ phận. Họ phải biết như vậy mới cảm thấy mình có sự hiểu biết rõ ràng về cái cây. Nhưng Phật đã nói người nào muốn biết theo kiểu đó thực sự chỉ là người ‘khá’ ngu. Không nhất thiết phải biết hết tất cả những bộ phận đó. Chỉ cần biết có rễ và có lá là đủ. Bộ chúng ta muốn đếm số lá trên cây lắm sao? Nếu chúng ta nhìn vào một cái lá, chúng ta sẽ biết rõ về những lá khác của cây; đâu cần phải nhìn soi tất cả mọi chiếc lá.

Cũng giống như người. Nếu chúng ta hiểu biết về bản thân mình, chúng ta sẽ biết rõ về mọi người khác trên thế gian, đâu cần phải khám xem tất cả họ. Phật muốn chúng ta nhìn vào bản thân mình. Chúng ta ra sao, người ta cũng vậy thôi, cùng một nhân loại. (Đó là phương pháp quy nạp hay quy kết). Đều là những sāmaññalakkhana: những người có cùng những đặc tính như nhau. Tất cả mọi thứ tồn tại có điều kiện, đều do duyên hợp mà có, đều là hữu vi (sankhāra), mọi thứ đều chỉ là vậy.

Vậy, chúng ta tu tập sự định tâm (samādhi) để có năng lực dẹp bỏ những ô nhiễm trong tâm, để sản sinh ra sự hiểu biết và tầm nhìn, và để buông bỏ được cái thân năm uẩn (khandha). Nhiều lúc người ta bàn tán về thiền định (samatha). Nhiều chỗ chỉ bàn về thiền tuệ minh sát (vipassanā). Tôi thấy mấy chuyện này cứ lẫn lộn hoài. Ai tu thiền định thì luôn đề cao trạng thái định (samādhi). Nhưng định chỉ để làm cho cái tâm được tĩnh lặng để tâm có thể nhìn thấy những sự thật của sự sống mà chúng ta đã nói lúc nãy.

Nhiều hay nói như vầy: ”Tôi không cần tu định nhiều. Cái chén này trước sau gì cũng bể. Tôi biết vậy là đủ rồi, đúng không? Biết nhiêu đó có đủ tu không? Tôi không thành thục lắm trong việc tu định, nhưng tôi đủ hiểu biết để biết rằng cái chén phải hư bể một ngày nào đó trong tương lai. Dù tôi đã biết vậy và cố giữ nó cẩn thận, nhưng tôi biết không sớm thì muộn nó cũng hư bể, vì vậy khi nó bể tôi không thấy khổ. Cách nhìn của tôi như vậy là đúng, phải không? Tôi không cần phải tu tập nhiều định samādhi, bởi tôi đã có đủ sự hiểu biết (về lẽ vô thường) như vậy. Các bạn tu định samādhi chỉ để phát triển loại hiểu biết đó. Sau khi ngồi thiền định nhiều, các bạn sẽ đạt đến cách nhìn đó. Nhưng tôi không cần thiền định nhiều, tôi đã hiểu biết chắc rằng trước sau gì cái chén cũng hư bể, đó là đường lối của mọi thứ”.

Đây là câu hỏi dành cho những người tu như chúng ta. Thời bây giờ có nhiều sư thầy dạy những phương pháp tu thiền khác nhau. Điều đó có thể làm rối trí nhiều người tu. Nhưng điểm chính yếu là tu làm sao để có khả năng nhận thấy sự thật, có khả năng nhìn thấy mọi sự đúng như chúng là, và nhờ đó có thể thoát khỏi nghi ngờ.

Theo tôi thấy, một khi chúng ta có sự hiểu biết đúng đắn (chánh tri kiến), tâm sẽ nghe theo chỉ thị của ta. Chỉ thị của ta là gì? Chỉ thị của ta là lẽ vô-thường, là anicca, là biết mọi thứ đều là vô thường. Mọi sự sẽ ngừng lại ở đây khi chúng ta nhìn thấy rõ ràng, và đó chính là nguyên nhân giúp chúng ta buông bỏ. Rồi sau đó chúng ta để yên cho mọi thứ diễn ra theo lẽ tự nhiên của chúng. Nếu có sự gì xảy ra, chúng ta an trú trong sự bình tâm, buông xả; và khi có điều gì xảy đến, chúng ta quán xét: nó có làm ta khổ đau không? Ta có đang nắm giữ hay dính chấp vào nó không? Có gì trong đó không, thực sự đó là gì?. Đây là cách quán xét hỗ trợ và duy trì việc tu tập của chúng ta. Nếu các thầy tu tập đạt đến điểm này, tôi nghĩ mọi người trong chúng ta sẽ chứng ngộ sự bình yên đích thực.

Dù chúng ta có nói ta đang tu thiền quán minh sát (vipassanā) hay thiền định (samatha) gì gì thì việc tu phải dẫn đến điểm đó, nếu không thì không phải là tu thiền. Nhưng thời bây giờ nhiều người cứ bàn luận về những ‘pháp môn’ thiền theo đủ kiểu lý thuyết, họ càng nói càng làm cho mọi thứ mập mờ và lẫn lộn. Chỉ có sự thật là chân đế (saccadhamma) là không mập mờ và lẫn lộn. Sự thật vẫn mãi là sự thật.

Do vậy, tôi nghĩ người tu nên tìm cách tu để tìm thấy nguồn-gốc của mọi sự, nhìn vào cách mọi sự khởi sự từ trong tâm. Chỉ cần làm vậy thôi, không cần tu đủ thứ.

Sinh, già, bệnh, chết: chỉ là vậy, nhưng đó là quy luật thế gian, quy luật bao trùm vũ trụ. Vậy nên nhìn thấy rõ sự thật đó và hiểu biết những sự thật đó. Nếu các thầy hiểu biết những lẽ thực đó, các thầy có khả năng buông bỏ. Được, mất, vinh, nhục, sướng, khổ, khen, chê (tám cảnh thế gian)—các thầy có thể buông bỏ chúng, bởi các thầy đã nhận biết chúng đích thực là gì.

Nếu chúng ta đạt đến chỗ ”nhận biết sự thật” [chứng ngộ] thì chúng ta không còn phức tạp, không còn khó chịu hay chấp nê với mọi người, sống vui lòng với thức ăn chỗ ở và những thứ đạm bạc giản dị; ăn nói chan hòa và không chấp nê trong hành động. Vì không còn khó khăn và phiền não nào nên chúng ta sống thư thái nhẹ nhàng. Ai tu thiền và chứng được cái tâm tĩnh lặng như vậy thì sẽ thấy như vậy, sẽ sống thư thái như vậy.

Hiện giờ chúng ta đang cố gắng tu tập theo cách của Đức Phật và những thánh đệ tử của Phật. Những người đó đã tu thành giác ngộ, nhưng họ vẫn không ngừng tu tập trong khi còn sống. Họ sống và làm vì lợi lạc của mình và lợi lạc của những người khác. Họ đã hoàn thành mọi việc tu hành, nhưng họ vẫn tiếp tục tu để tìm thấy phúc lành cho mình và cho mọi chúng sinh theo nhiều cách khác nhau. Tôi nghĩ chúng ta nên lấy họ làm gương mà noi theo tu tập. Tức là, dù đã tu thành những họ vẫn không tự mãn – đó là bản chất thâm căn của những bậc chân tu giác ngộ. Họ chẳng bao giờ lơ là nỗ lực. Nỗ lực là cách của họ, là thói quen tự nhiên của họ. Đó là tính cách của những người tu thiền, những bậc sa- môn, tính cách của những người chân tu.

Chúng ta có thể ví điều đó với chuyện người giàu và người nghèo. Người giàu làm ăn rất siêng năng, họ siêng năng làm ăn hơn người nghèo. Người đã nghèo còn ít chịu siêng làm thì ít cơ hội được giàu. Người giàu có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm về nhiều thứ, do vậy họ duy trì thói quen siêng năng trong tất cả mọi việc họ làm.

(Ở đây thiền sư nói về nghĩa thiện của người giàu làm việc, chứ không phải nói về những người tham lam cố làm đến chết vì sự tham lam ích kỷ. Nhiều người đã giàu và già những vẫn tiếp tục làm, bởi họ không muốn số đông nhiều người phụ thuộc bị mất việc hoặc không muốn sự nghiệp làm ăn có ích lợi cho cộng đồng và xã hội sẽ bị phá hủy. Họ vừa duy trì công việc cho số đông, vừa đóng góp cho xã hội ở địa phương vì nhiều lợi ích khác nhau).

Nếu nói về sự ngơi nghỉ hay ngừng nghỉ, chúng ta có thể tìm thấy sự nghỉ ngơi ngay trong việc tu tập. Một khi chúng ta đã tu tập để đạt đến mục tiêu, để thấy biết mục tiêu và thành một với mục tiêu, thì sự năng động siêng năng của chúng ta không cách nào làm thiệt hay hại gì cho ta cả. Khi chúng ta ngồi tu tập trong sự tĩnh tại thì đâu có gì là nguy hại. Trong mọi tình huống, chẳng có gì làm nguy hại chúng ta. Sự tu tập đã chín muồi đến hoàn thành và người tu đã đến được đích. Có thể bữa nay người tu đó không ngồi thiền nhập định, nhưng đâu có sao. Định (samādhi) đâu có nghĩa là chỉ là ngồi thiền. Định có thể có trong tất cả mọi tư thế. Nếu chúng ta thực sự tu tập trong mọi tư thế, chúng ta sẽ có định như vậy. Chẳng có gì có thể can thiệp. Nhiều người cứ nói kiểu ”Bữa nay tâm tôi không được thông tỏ nên tôi không thể thiền”, kiểu nói như vậy không nên nghe. Chúng ta không nên có những ý nghĩ kiểu đó; chúng ta không nên cảm giác theo kiểu đó. Sự tu tập của chúng ta cần được tiến triển và cần được hoàn thành—đây mới là cách nghĩ đúng đắn và tích cực.

Không được nghi ngờ và rối trí, chúng ta dừng lại ngay điểm này và quán xét. Các thầy có thể nhìn vào chỗ này: quan điểm về cái ‘ta’ (ngã chấp), sự nghi ngờ, sự dính chấp vào các lễ nghi tập tục mê tín. [Ba gông cùm đầu tiên]. Giai đoạn đầu tu tập là phải cố thoát ra khỏi ba gông cùm này. Loại hiểu biết nào người tu cần đạt tới? Đó là loại tâm cần có để giải thoát. Hiện giờ loại hiểu biết đó của chúng ta ra sao? Chúng ta có đạt được loại hiểu biết đó chưa? Và nếu có thì có đến mức nào? Mỗi chúng ta là người duy nhất tự biết rõ về điều này; chúng ta phải tự mình hiểu biết cho mình. Ta là người tu cái tâm của ta, vậy còn ai biết rõ hơn chính ta?. Ngã chấp, mê tín và nghi ngờ: nếu chúng ta còn dính vào mấy thứ này, còn nghi ngờ ở đây, còn dò dẫm ở đây, thì cái “ý niệm về cái ta” vẫn còn ở đây. Nhưng chúng ta thường nghĩ, nếu không có cái ‘ta’, ai là ‘người’ ý thức mọi thứ và ai là ‘người’ tu?

Chỗ này khó tả, tất cả đều đi cùng với nhau. Chúng ta phải tu tập thực sự mới biết và thấy. Nếu chúng thấy biết rõ những thứ đó thông qua tiến trình tu tập, thì chúng ta sẽ sống một cách bình thường. Cũng giống như Phật và thánh nhân. Khi họ đã thấy biết sự thật của mọi gông cùm, họ sống bình thường như những chúng sinh phàm thường (puthujjana). Họ cũng dùng ngôn ngữ thông thường của chúng ta. Họ sống bình thường như chúng ta. Họ cũng dùng đủ thứ ngôn ngữ và quy ước. Họ chỉ khác chúng ta là họ không còn tạo tác những khổ đau trong tâm của họ nữa. Họ không còn khổ lụy. Đây là điểm khác biệt, họ vượt qua sự khổ đau, dập tắt khổ đau. Niết-bàn có nghĩa là ”sự dập tắt”. Dập tắt khổ, dập tắt nhiệt não và đau khổ, dập tắt nghi ngờ và bất an.

Không nên nghi ngờ về sự tu tập. Khi nào có nghi ngờ về điều gì, đừng nghi ngờ về sự nghi ngờ đó—hãy nhìn thẳng vào nó và dập tắt nó.

Ngay từ đầu, chúng ta tu tập để làm tĩnh dịu cái tâm. Việc này có thể khó làm. Các thầy phải tìm một cách thiền phù hợp với tính khí của mình. Có vậy thì mới dễ thiền tập và đạt định. Đúng là Đức Phật đã dạy chúng ta phải quay lại chính mình, tự nhận trách nhiệm và nhìn vào chính mình.

Quá nhiệt não là sân, giận, tức, hận. Còn quá mát mẻ là sướng, khoái, mê đắm, mê ly. Quá nóng là thái cực hành khổ. Quá mát là quá theo khoái lạc. Chúng ta không cần nóng không cần quá mát theo nghĩa đó. Chỉ cần biết rõ nóng và mát. Chỉ cần biết rõ tất cả mọi thứ khởi sinh. Coi chúng có gây khổ đau cho ta không? Coi chúng ta có tạo dính chấp với chúng hay không?. Chẳng hạn như, giáo lý là: “sinh là khổ”: nó không chỉ có nghĩa là sinh rồi phải chết và tái sinh kiếp khác. Điều đó là hiển nhiên, nhưng hơi quá xa xôi. Sự khổ của sinh đang xảy ra ngày bây giờ. Giáo lý nói rằng sự trở- thành là nhân của (tái) sinh. Sự ”trở thành” hay nghiệp hữu (bhava) là gì? Bất cứ thứ gì ta dính vào hoặc coi nó là cái gì thì đó là sự trở-thành. Khi ta nghĩ hay nhìn thứ gì là ‘ta’ hay ‘của ta’, là của ‘ai’…thì đó là sự trở thành; bởi vì ta nhìn theo sự ngu mờ và ô nhiễm của chúng ta chứ thực ra những thứ đó chỉ là thứ quy ước, giả tậm và vô ngã mà thôi. Khi chúng ta chấp giữ thứ gì là ‘ta’ hay ‘của ta’, nhưng thực sự ta nhìn thấy tất cả chúng đều đang biến đổi, tâm ta sẽ bị lay dộng. Tâm bị lay động với những phản ứng tiêu cực và tích cực. Cái cảm nhận về cái ‘ta’ nếm trải sướng và khổ chính là nhân tạo ra sự (tái) sinh. Khi còn sinh, còn tái sinh thì còn có khổ đi theo. Già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ. Từ sự sinh, tất cả khổ đau đi theo liền một dây.

Ngay bây giờ: chúng ta đang có sự trở-thành không? Chúng ta đang ý thức biết rõ về sự trở-thành đó hay không? Lấy ví dụ mấy cây trồng trong chùa này. Thầy trụ trì chùa này có thể nhận lãnh tái sinh thành sâu bọ trong các cây trồng trong chùa này nếu thầy ấy không ý thức biết chính mình là gì, nếu thầy ấy cứ cảm giác đây là chùa của mình thì thấy ấy đã tạo ra nhiều sự trở-thành hay nghiệp-hữu rồi. Sự dính tâm về cái chùa ‘của ta’ với những cây cối ‘của ta’ chính là con sâu đang sống trên các cây đó. Nếu có hàng ngàn cây thì thấy ấy sẽ tái sinh thành sâu hàng ngàn lần ngàn kiếp để được ở trên những cây cối ‘của ta’. (Tâm tưởng ra sao thì tái sinh về đó). Đó chính là sự trở thành. Khi cây cối bị chặt hoặc bị nguy hại, những con sâu cũng bị ảnh hưởng; tâm lại bị lay động và lại trở thành và tái sinh cùng với sự bất an khổ sở. Rồi cứ liên tục luân hồi, hết kiếp này tới kiếp khác; mỗi lần sinh có khổ của sinh, có khổ của già, có khổ của bệnh, có khổ của chết… Các thầy có hiểu được đường lối trở-thành và tái- sinh là như vậy hay không?

Thôi không cần nói nhiều về những thứ trong nhà hay trong vườn cây ‘của ta’, mấy thứ đó vẫn còn hơi xa xôi. Hãy nhìn ngay vào ta đang ngồi đây ngay bây giờ. Chúng ta được cấu thành bởi năm tập hợp (uẩn) và bốn yếu tố đất, nước, khí, nhiệt (tứ đại). Những thứ hữu vi (do duyên hợp, sankhāra) này được thiết kế thành một cái ‘ta’. Các thầy có nhìn thấy những thứ điều kiên (do duyên hợp, hữu vi, sankhāra) là thực hay giả tạm? Nếu các thầy không nhìn thấy sự thật của chúng thì ngay đó đã có sự trở thành; tức có sự yêu thích hay buồn rầu về tấm thân năm uẩn (khandha) đó, vì ta cứ coi chúng là cái ‘ta’ cố định; và do đó chúng ta nhận lấy sự sinh với tất cả khổ đi theo nó. Sự tái sinh xảy ra ngay bây giờ, ngay trong giây khắc hiện tại này!. Cái ly bị bể ngay bây giờ và chúng ta tiếc nuối ngay bây giờ. Cái ly không bể ngay bây giờ và chúng ta thấy vui ngay bây giờ. Đó là cách mọi sự trở-thành xảy ra, xảy ra ngay khi chúng ta buồn hay ta vui mà không có trí tuệ kiểm soát nhận thức (tưởng) của tâm. Con người chỉ đối mặt với sự tàn hoại. Các thầy đâu cần nhìn đâu xa mới hiểu điều này. Khi tập trung sự chú tâm vào ngay chỗ này, các thầy có thể biết ngay hiện tại có sự trở-thànhnào hay không? Rồi nếu có sự trở thành đang diễn ra, các thầy có ý thức biết rõ về nó hay không? Các thầy có biết rõ về sự giả định và giả lập hay không? Các thầy có hiểu biết chúng là gì không?. Đó là gì? Đó chính là sự dính chấp: dính chấp chính là chỗ mấu chốt, chỗ gây sống còn, cho dù chúng ta có thực sự tin vào sự giả lập của cái ‘ta’ hay cái ‘của ta’ hay không. Sự dính chấp đó chính là con sâu, và chính đó là nhân tạo nên sự (tái) sinh.

Sự dính chấp nằm ở đâu? Dính chấp vào sắc thân, cảm giác, nhận thức, ý nghĩ, và tâm thức [sắc, thọ, tưởng, hành thức—năm uẩn], chúng ta dính theo sướng và khổ, và chúng ta bị u tối vô minh và nhận lãnh sự sinh. Điều đó [sự vô minh, sự trở thành, sự sinh] xảy ra ngay khi chúng ta có tiếp xúc thông qua các giác quan. Mắt nhìn những hình sắc và điều đó xảy ra ngay tức thời. Đó là chỗ Phật muốn chúng ta nhìn vào đó, nhận biết sự trở thành và sinh thành ngay khi chúng xảy ra thông qua các giác quan của chúng ta. Nếu chúng ta biết rõ về chúng, chúng ta có thể buông bỏ chúng, cả bên ngoài và bên trong, cả những giác quan bên trong và những đối tượng bên ngoài. Đó là điều có thể nhìn thấy ngay trong hiện tại. Đó [sự trở thành, sự sinh] không phải là thứ xảy ra sau khi chúng ta chết. Đó chính là mắt đang nhìn thấy hình sắc ngay bây giờ, tai đang nghe âm thanh ngay bây giờ, mũi đang ngửi mùi hương ngay bây giờ, lưỡi đang nếm mùi vị ngay bây giờ. Các thầy có đang dính sự sinh nào với chúng ngay bây giờ hay không?. Hãy tỉnh giác và nhận biết sự sinh ngay khi nó đang xảy ra bây giờ. Làm được như vậy thì tốt hơn.

Để làm được việc đó cần có trí tuệ để liên tục áp dụng sự chú tâm chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng. Rồi dần dần ta sẽ ý thức tỉnh giác về chính mình và biết rõ ta có đang đi dưới tiến trình trở-thành và sinh-thành [nghiệp hữu và tái sinh] hay không. Không cần phải đi hỏi thầy bói.

Tôi có một đạo hữu ở miền trung Thái Lan. Hồi xưa chúng tôi cùng sống tu với nhau, nhưng sau đó chúng tôi đi theo hướng khác nhau. Thầy ấy tu bốn nền tảng chánh niệm, tụng kinh, và giảng giải về kinh. Nhưng thầy ấy chưa dứt giạc hết những nghi ngờ của mình. Thầy ấy đến chào tôi và thưa rằng: ”Thưa Thầy, tôi thật mừng khi gặp lại thầy!”. Thấy thầy ấy hân hoan tôi mới hỏi thầy ấy tại sao. Thầy ấy kể thầy ấy đã đến ngôi đền chùa nào đó có nhiều người đến đó để coi bói tiên tri. Thầy ấy cầm bức tượng Phật và nói: ”Nếu tôi đã chứng đạt đến trạng thái trong sạch vô nhiễm thì tôi có thể nâng bức tượng này lên. Nếu tôi chưa chứng đắc như vậy, tôi sẽ không thể nâng tượng này lên”. Và thầy ấy đã nâng được bức tượng đó lên, điều đó làm thầy ấy sung sướng. Chỉ một hành động nhỏ như vậy, chẳng dựa vào cơ sở gì, nhưng điều đó cũng lớn lao với thầy ấy và khiến thầy ấy nghĩ mình đã thanh tịnh vô nhiễm. Vì vậy, thầy ấy đã cho khắc chữ lên bức tượng: ”Tôi đã nâng được tượng Phật này và như vậy tôi đã chứng đắc trạng thái tinh khiết vô nhiễm”.

Thực ra người tu hành theo giáo pháp chẳng ai làm như vậy. Thầy ấy không nhìn thấy chính mình chút nào. Thầy ấy chỉ lo nhìn bên ngoài và nhìn thấy mấy thứ bên ngoài làm bằng đá sỏi và xi-măng. Thầy ấy không nhìn thấy những ý hành và những động vọng trong tâm của mình ngay trong giây phút hiện tại. Khi sự thiền tập của chúng ta nhìn vào bên trong tâm thì chúng ta sẽ không có nghi ngờ. Đây là cách tôi nhìn thấy: sự tu tập của chúng ta có thể tốt, nhưng đâu ai có thể xác minh điều đó cho ta. Như phần sảnh có mái tháp mà chúng ta đang ngồi bên trong. Nó đã được xây dựng bởi một người mới học lớp 4. Người đó làm tuyệt vời, nhưng người đó chẳng có tên tuổi gì cả. Người đó không thể bảo đảm hay tự xác minh về mình, không thể tự chứng minh mình có trình độ như một kiến trúc sư có ăn học bài bản ở trường lớp, nhưng người ấy vẫn có thể xây tuyệt vời như vậy. Cái sự thật rốt ráo hay chân đế (saccadhamma) cũng giống như vậy. Dù chúng ta không học hỏi nhiều kinh sách hay hiểu biết nhiều giảng luận, nhưng chúng ta vẫn có thể nhận biết sự khổ, nhận biết những nhân đưa đến khổ, và chúng ta có thể trừ bỏ chúng. Chúng ta không cần điều nghiên tra học hết các kinh sách và giảng luận. Chúng ta chỉ cần nhìn vào tâm của chúng ta, nhìn vào những vấn đề của tâm.

Đừng làm rối mù việc tu tập của mình, đừng tu kiểu búa xua. Đừng tạo ra một đống nghi ngờ cho chính mình. Khi có nghi ngờ, kiểm soát nó bằng cách coi nó chỉ là như- nó-là, và buông bỏ nó ngay. Đúng thực vậy, nó chẳng là gì. Chúng ta tạo ra cái cảm giác như có cái gì đó, nhưng đích thực chẳng có gì cả–mọi thứ là vô chủ thể, mọi thứ không thực là ‘cái gì’ cả–mọi thứ đều vô ngã (anattā). Cái tâm nghi ngờ của chúng ta nghĩ rằng có cái gì đó, hình như có một chủ thể, một thực thể, hay một bản ngã (attā). Nếu cứ nghĩ vậy thì sự thiền tập sẽ bị khó, bởi người thiền cứ nghĩ mình tu để đắc đạt cái gì đó và trở thành cái gì đó. Hiện thời các thầy có đang thiền tập để đắc đạt và trở thành cái gì đó phải không? Đó có phải là cách đúng đắn không? Không, đó chỉ là biểu hiện của dục vọng (tanhā) mong cầu chứng đắc gì gì đó hoặc trở thành gì gì đó. Tu với tham vọng như vậy thì không có kết cục bằng trí tuệ.

Ở đây chúng ta đang nói về sự chấm-dứt, sự ngừng- diệt. Mọi thứ đều ngừng diệt nhờ vào sự hiểu biết, chứ không phải ngừng diệt khi còn trạng thái vô minh. Nếu ta biết tu để có trí tuệ để ngừng diệt mọi thứ, và có thể tự mình chứng minh điều đó, thì người khác có nói ngã nói nghiêng ta vẫn không bị lãng tâm.

Vì vậy, các thầy đừng để mình lạc lối trong nghi ngờ. Đừng dính chấp theo những ý kiến quan điểm của mình. Cũng đừng dính chấp theo quan điểm ý kiến của người khác. Cứ trụ ở giữa, cứ trung dung theo trung đạo, trí tuệ sẽ khởi sinh ngay đó…một cách đúng đắn và trọn vẹn. Tôi thường lấy ví dụ về sự dính chấp của chúng ta ở nơi ở. Ví dụ, có mái nhà và nền nhà, có lầu trên và lầu dưới. Khi ta bước xuống, ta thấy lầu dưới. Khi ta đi lên, ta thấy lầu trên. Còn khoảng không ở giữa ta không thấy. Điều đó có nghĩa là không nhìn thấy Niết-bàn.

Chúng ta nhìn thấy hình sắc của mọi thứ, nhưng không nhìn thấy sự dính chấp: sự dính chấp vào lầu trên và lầu dưới. Đó chính là sự trở thành và sự sinh. Chúng ta sống liên tục trở thành thứ gì đó, trong từng giây khắc. Chỗ trống không có sự trở thành là chỗ trống không. Khi chúng ta cố nói cho người khác về chỗ trống không đó thì họ chỉ biết đại khái đó là chỗ “không có gì ở đó”. Nhưng chỗ trống không vẫn có ở đó, cho dù ai có đi xuống hay đi lên. Chân pháp (saccadhamma) giống như chỗ đó, nó không đi đâu cả, không biến đổi gì cả. Khi chúng ta nói ”không trở thành” thì đó là chỗ khoảng không ở giữa, nó không bị đánh dấu hay nhận dạng bằng bất cứ quy ước gì, không phải cái thấp cái cao. không phải lầu trên lầu dưới. Nó là không thể tả được.

Ví dụ, thời bây giờ có ít nhiều thanh niên quan tâm đến Phật Pháp muốn biết Niết-bàn là gì. Nó giống thứ gì?. Nhưng nếu các thầy chỉ họ đó là chỗ “không có sự trở thành”, thì họ không muốn đi đến đó đâu. Họ bước lui lại liền. Niết-bàn đó là chỗ ngừng diệt, đó là sự bình an, nhưng họ muốn biết ở đó họ sẽ sống ra sao, ăn cái gì và vui sướng cái gì ở chỗ đó. Người đời cứ vậy đó, bởi vậy nên chẳng bao giờ có sự kết thúc. Những câu hỏi thực sự đối với những ai muốn tìm hiểu sự thật là những câu hỏi về cách tu tập.

Có một du sĩ (ājīvaka) đến gặp Phật. Ông ta hỏi Phật: ”Ai là thầy của ngài?”. Phật trả lời: ”Tôi giác ngộ bằng nỗ lực tự thân. Tôi không có thầy nào hết”. Nhưng câu trả lời đó là ngoài tầm hiểu biết của vị du sĩ đó, nên ổng không tin Phật và lắc đầu bỏ đi. Câu trả lời quá thẳng thắn. Tâm của người ta lúc đó còn đang trôi giạt đủ nẻo. Ngay cả vị ấy có hỏi cả ngày cả đêm thì cũng không cách nào vị ấy hiểu. Tâm của bậc giác ngộ thì bất động, tâm của người thường thì luôn động vọng, làm sao hiểu được. Chúng ta chỉ có thể tu dưỡng trí tuệ và loại bỏ những nghi ngờ bằng cách tu tập, không còn cách nào khác!.

Chúng ta có nên lắng nghe Giáo Pháp hay không? Có, nhưng sau khi nghe chúng ta phải đưa sự hiểu biết vào thực hành tu tập. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là ta phải y theo sư phụ hay người nào dạy ta; mà ta phải chú tâm theo sự trải nghiệm và sự tỉnh giác khởi sinh ngay khi ta đưa giáo lý vào thực hành. Ví dụ chỗ này, chúng ta cảm thấy ”Tôi thích thứ này. Tôi thích làm theo cách này!”. Nhưng Giáo Pháp không cho phép sự tham thích và dính mắc. Nếu chúng ta đã thực sự y cứ theo Giáo Pháp thì chúng ta biết buông bỏ những đối tượng hấp dẫn ta đi ngược với Giáo Pháp. Đó là chỗ dụng công của sự hiểu biết. Sự hiểu biết làm việc ngay chỗ đó.

Nói đến đây cũng nhiều rồi – có lẽ các thầy cũng đã mệt. Có thầy nào muốn hỏi gì không?. Ừ, có lẽ là có… Các thầy chắc cũng có sự tỉnh giác để buông bỏ. Mọi thứ trôi chảy qua và các thầy biết buông bỏ, không nắm giữ thứ gì; nhưng không có nghĩa là bỏ mặc chúng đi qua một cách ngu mờ và vô minh, mà phải nhìn thấy rõ mọi thứ đang diễn ra và trôi qua. Phải có đủ sự chú tâm chánh niệm. Tất cả mọi thứ tôi nói với các thầy đều chỉ đến một điều, đó là phải có sự chánh niệm để phòng hộ chính mình mọi lúc mọi nơi. Có nghĩa là tu tập bằng trí tuệ, không phải bằng sự ngu si. Rồi chúng ta sẽ đạt đến sự hiểu biết đích thực, khi trí tuệ càng sâu đậm và càng lúc càng gia tăng.

 

* Bài viết được trích từ bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, Thiền Sư Ajahn Chah

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app