Tuccho Pothila: Vị Thầy Kinh Sách Suông

 

Có hai cách để góp phần ủng hộ đạo Phật. Cách thứ nhất là ủng hộ bằng cách cho tặng (cúng dường) vật dụng vật chất (āmisapūjā). Bốn thứ cần thiết là thức ăn, y phục, chỗ ở và thuốc thang. Đây là cách ủng hộ đạo Phật bằng cách cúng dường cho các tăng và ni, giúp họ có điều kiện sống để tu hành. Việc này củng cố sự hiểu biết về giáo lý của Phật, và tạo nên sự phát triển của Phật giáo.

Đạo Phật có thể ví như một cái cây. Cây có rễ, thân, nhánh và lá. Tất cả lá, nhánh và thân đều nhờ vào gốc rễ hấp thu dưỡng chất từ đất và chuyển lên cây. Cũng như cây nhờ vào gốc rễ để sống sót, những hành động và lời nói của chúng ta cũng giống như những ”nhánh cây” và ”lá cây” phụ thuộc vào tâm: tâm là gốc rễ hấp thu dưỡng chất, rồi chuyển lên ”thân”, ”nhánh” và ”lá”. Rồi thân, nhánh, lá mang hoa kết quả là những hành động và lời nói của chúng ta. Tâm đang trong trạng thái nào đó, thiện hay bất thiện, thì nó biểu hiện ra bên ngoài như vậy thông qua hành động và lời nói. 

Do vậy, sự ủng hộ đạo Phật bằng cách áp dụng thực hành giáo lý là cách mộ đạo quan trọng nhất. Ví dụ, vào các dịp lễ Phật, các Phật tử đến chùa nghe các sư thầy chỉ dạy tránh làm những việc bất thiện và tránh vi phạm giới hạnh đạo đức. Nhưng mọi người đến đó tham dự cho xong buổi lễ cúng bái rồi về thì không biết áp dụng thực hành, như vậy cũng chẳng có gì tiến bộ. Cứ như vậy thì chẳng bao giờ có thể tìm thấy sự thực hành thực sự. Sự ủng hộ đạo Phật một cách đích thực phải là ”cúng dường” bằng việc tu tập, bằng việc tu dưỡng giới hạnh, bằng việc tu tập sự định tâm và trí tuệ. [Giới, định, tuệ]. Đó là cúng dường bằng cách tu tập (patipattipūjā). Chỉ có cách như vậy thì bạn mới thực sự biết đạo Phật là gì. Nếu bạn không hiểu biết bằng cách tu tập, tức không chịu tu tập để tự mình hiểu biết thực sự, thì coi như bạn chẳng biết gì về đạo Phật, cho dù bạn có nghiên cứu hết ba tạng kinh điển Tipitaka.

Vào thời Đức Phật có một Tỳ kheo tên là Tuccho Pothila. Tuccho Pothila là người học rộng, thông thuộc kinh điển. Vị thầy này rất nổi tiếng và coi quản đến mười tám tu viện. Ai mà nghe đến cái tên ”Tuccho Pothila” thì rất tâm phục và chẳng ai dám hỏi hay thắc mắc điều gì ông giảng dạy. Tuccho Pothila là một trong những vị để tử học rộng đa văn nhất của Đức Phật. 

Một ngày nọ thầy đó đến thăm Đức Phật. Sau khi thầy đảnh lễ chào Phật, Phật liền chào lại: ”À, chào Vị Thầy Kinh Sách Suông!”…đại khái như vậy! Sau khi nói chuyện qua lại, thầy ấy chào Phật để ra về, Phật lại nói: ”À thầy về hả, Vị Thầy Kinh Sách Suông?”. 

Phật chỉ nói như vậy. Lúc mới đến Phật nói: ”À, chào Vị Thầy Kinh Sách Suông!”. Lúc ra về, Phật nói: ”À thầy về hả, Vị Thầy Kinh Sách Suông?”. Phật không nói gì thêm, đó là tất cả những gì Phật muốn chỉ dạy cho vị thầy đó. Tuccho Pothila, vị thầy được nhiều người kính nể, đã bối rối: ”Sao Phật lại nói vậy? Phật muốn nói nghĩa gì?”. Thầy đó cứ suy nghĩ, nghĩ suy, suy xét bằng tất cả những gì mình đã học, và cuối cùng cũng nhận ra… ”Đúng vậy! Vị Thầy Kinh Sách Suông – thầy tu chỉ biết học nhưng không biết hành”. Khi quay lại nhìn vào tâm mình, vị thầy đó nhận thấy mình cũng chẳng hơn gì những người tại gia. Họ còn tham muốn gì, thầy cũng tham muốn vậy. Họ thích thú gì, thầy cũng thích thú vậy. Bản chất sa-môn (samana), bản chất của người xuất gia, không thực sự có bên trong mình, không thực sự có được phẩm chất cao sâu để vững chắc trên con đường Thánh Đạo và để mang lại sự bình an.

Do nhìn ra vậy, thầy ấy bắt đầu tìm chỗ tu tập. Nhưng thầy chẳng biết đi đâu. Tất cả những người thầy khắp nơi đều là học trò của thầy (ngoại trừ Đức Phật và các vị thánh đệ tử khác), không ai dám nhận thầy làm học trò. Ai cũng từng kính nể và kính sợ thầy ấy nên chẳng ai dám làm thầy của thầy ấy. 

Cuối cùng, thầy đến gặp một sa-di trẻ nhưng đã giác ngộ, và xin được học tu theo vị sa-di trẻ đó. Vị sa-di trẻ nói rằng: ”Được, chắc chắn thầy có thể ở đây tu tập cùng với tôi, nếu thầy thực sự thành tâm chân thực. Nếu thầy không thực sự thành tâm thì tôi cũng khó mà nhận thầy ở lại tu”. Thầy Tuccho Pothila đã cúi lạy để xin được làm đệ tử của vị sa-di đó. 

Sau đó, vị sa-di trẻ kêu vị thầy đó mặc hết mấy bộ y phục đẹp mắc tiền của thầy đó, và chỉ xuống khu sình lầy sát bên và nói rằng: ”Giờ thì thầy cứ lội thẳng xuống bãi sình kia. Nếu tôi không nói ngừng thì không ngừng. Chừng nào tôi chưa nói lội lên bờ thì thầy không lội lên bờ. Rồi… bắt đầu lội xuống đó!”. 

Thầy Tuccho Pothila, mặc y chỉnh tề và lội xuống sình. Vị sa-di trẻ không kêu ngừng lại cho đến khi thầy ấy đã gần như chìm xuống dưới sình lầy, chỉ còn cái đầu. Đến lúc đó, vị sa-di mới nói: ”Giờ thầy có thể ngừng”… thầy ấy ngừng. ”Giờ thầy có thể lội lên bờ!”… và thầy ấy lội lên. 

Qua việc trên, chúng ta thấy rõ là thầy Tuccho Pothila đã từ bỏ cái hết cái tự ta, tự hào của mình. Thầy ấy đã sẵn sàng chấp nhận sự chỉ dạy. Nếu thầy ấy còn chưa sẵn sàng chấp nhận thì chắc hẳn thầy ấy đã không lội chìm xuống bãi sình lầy dơ bẩn và nguy hiểm đó. Thầy ấy không còn muốn làm người thầy nổi tiếng nữa. Sau khi nhìn thấy như vậy, vị sa-di trẻ đã biết rằng thầy Tuccho Pothila đó đã thành tâm tu hành. 

Khi Tuccho Pothila bước lên khỏi bãi sình lầy, vị sa-di trẻ đã dạy cho thầy. Vị sa-di dạy thầy đó tập quan sát các đối tượng giác quan, tập hiểu biết tâm và tập hiểu biết các đối tượng giác quan, dùng cách trong ví dụ về một người bắt thằn lằn trong tổ mối. Nếu tổ mối có sáu lỗ thì phải bắt cách nào? Mình cần phải bịt năm lỗ và chừa lại một lỗ. Sau đó, mình chỉ cần ngồi im lặng, quan sát và chờ đợi, canh phòng một cái lỗ đó. Khi con thằn lằn chạy ra, ta có thể bắt nó. 

Quan sát cái tâm theo cách như vậy. Đóng hết tất cả các mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, chỉ còn lại duy nhất cái tâm. ”Đóng cửa các giác quan” có nghĩa là kiềm chế, kiêng cữ và chế ngự chúng, quan sát duy nhất cái tâm. Thiền tập giống như việc bắt con thằn lằn. Chúng ta dùng sự chánh-niệm (sati) để nhận biết hơi thở. Chánh niệm là nhớ, niệm (luôn nhớ, thường nhớ, hằng nhớ, thường chiếu), giống như cách mình luôn hỏi mình ”Ta đang làm gì?” để luôn nhớ mình đang làm gì. Còn sự hiểu biết rõ ràng, tức sự rõ-biết (sampajañña), là sự tỉnh giác biết rõ ”ngay bây giờ ta đang làm cái này, việc này, điều này”.  Chúng ta tập quan sát hơi thở đi vào và đi ra với một sự chánh niệm (sati) và sự rõ biết (sampajañña). 

Phẩm chất chánh niệm là thứ khởi sinh (có được) từ việc thực hành tu tập, đó không phải là thứ có được từ việc đọc kinh sách. Hiểu biết rõ những cảm giác khởi sinh. Tâm này có thể hơi ngưng hoạt động trong chốc lát và một cảm giác khởi sinh. Chánh niệm làm việc liên quan với những cảm giác đó, nhớ lại (nhớ, niệm) về những cảm giác đó. Hễ khi nào có chánh niệm thì có sự nhớ (nhắc nhớ, tâm niệm) rằng: ”Ta sẽ nói”, ”Ta sẽ đi”, ”Ta sẽ ngồi”, vân vân…, và ngay sau đó sẽ có sự rõ-biết (sampajañña), đó là sự tỉnh giác biết rõ rằng ”ngay bây giờ ta đang đi ”, ”Ta đang nằm xuống”, ”Ta đang trải nghiệm một trạng thái như vầy…”. Với hai phẩm hạnh này, chánh niệm (sati) và sự rõ biết (sampajañña), chúng ta có thể hiểu biết tâm chúng ta trong giây khắc hiện tại. Chúng ta có thể biết cách tâm chúng ta phản ứng với những nhận thức giác quan. 

Cái mà tỉnh giác, cái mà luôn rõ biết về những đối tượng giác quan thì được gọi là cái ”tâm”. Những đối tượng giác quan cứ luôn ”nhảy vào, xen vào, lang thang vào” trong tâm. Ví dụ như có âm thanh của đồng hồ báo điện. Nó đi xuyên qua tai và đi vào trong tâm, tâm nhận biết đó là âm thanh của đồng hồ báo điện. Cái nhận thức được âm thanh đó chính là cái ”tâm”.

Bây giờ nói thêm, cái tâm mà nhận biết cái âm thanh đó thì nó vẫn còn rất căn bản. Đó chỉ là nói đến cái tâm chung chung. Ví dụ khi có âm thanh báo động thì có thể tạo ra sự khó chịu bên trong cái người nhận biết. Chúng ta cần phải tu tập làm sao để cái ”người nhận biết” trở thành cái ”người biết”, đó là trở thành người-hiểu-biết đúng theo sự thật—đó là Phật, người hiểu biết mọi sự đúng thực như chúng là. Nếu chúng ta không hiểu biết rõ ràng đúng với sự thật (của mọi sự, mọi thứ diễn ra), thì chúng ta sẽ thấy khó chịu với những âm thanh, tiếng ồn, tiếng xe, tiếng đồng hồ báo điện, vân vân. Cái tâm bình thường, cái tâm của người phàm tục chưa được tu tập, thì nhận biết những âm thanh đó với sự khó chịu, sân si… Cái tâm bình thường đó chỉ nhận biết theo thiên kiến của nó, chứ không hiểu biết theo đúng sự thật. Chúng ta phải tu tập huấn luyện nó nhiều hơn nữa bằng tầm nhìn (chánh kiến) và sự hiểu biết thâm sâu (trí tuệ). Sự hiểu biết và trí tuệ (ñānadassana) là năng lực của một cái tâm trong sạch, thanh tịnh. Nếu tâm được tu tập như vậy nó mới hiểu biết những âm thanh chỉ là âm thanh. Nếu chúng ta không dính chấp vào âm thanh thì sẽ không bị khó chịu. Âm thanh tiếng ồn nổi lên, ta chỉ cần nhận biết nó (chỉ là âm thanh). Điều này được gọi là sự hiểu biết thực sự về sự khởi sinh của những đối tượng giác quan. Nếu chúng ta tu dưỡng Phật tính, nhận biết rõ ràng âm thanh chỉ là âm thanh, thì nó không quấy rầy ta, không làm ta khó chịu. Âm thanh khởi sinh do các điều kiện, chứ nó không phải là ‘cái gì’ cả, nó không phải là một ‘thực thể’, một cá thể, là một thứ ‘của chúng ta’ cả. Nó chỉ là âm thanh. Tâm hiểu biết như vậy, thì tâm buông bỏ.

Sự hiểu biết như vậy gọi là Phật (Buddho), đó là sự hiểu  biết một cách rõ ràng và thấu suốt. Với sự hiểu biết như vậy, chúng ta cứ nhận biết âm thanh chỉ là âm thanh. Âm thanh chẳng bao giờ quấy nhiễu chúng ta trừ khi chúng ta quấy nhiễu chúng bằng những suy nghĩ, thiên kiến, chấp nê này nọ; ví dụ như ”Tôi ghét nghe tiếng ồn đó, nó làm khó chịu”, thậm chí ”Mấy con chim mới sáng sớm kêu chi chít, làm ồn ào khi đang ngủ”… Khó chịu hay sự khổ khởi lên là do suy nghĩ này nọ của ta. Ngay đó chính là nguyên nhân của khổ, nguyên nhân là do ta không hiểu biết sự thật của vấn đề, nguyên nhân là ta chưa có được sự hiểu biết và trí tuệ, chưa tu dưỡng được được Phật trí. Chúng ta vẫn còn chưa nhìn thấy rõ ràng, chưa tỉnh thức, chưa tỉnh giác. Đây vẫn còn là cái tâm thô thiển, chưa được tu tập. Cái tâm như vậy là chưa thực sự có ích cho chúng ta.

 

Do vậy, Phật đã dạy rằng tâm này cần phải được tu tập và phát triển. Cũng như chúng ta chăm sóc phát triển cái thân, chúng ta cũng cần phát triển cái tâm, nhưng theo một cách khác. Để phát triển thân, chúng ta cần phải tập luyện thể dục, chạy bộ hay các môn tập khác vào buổi sáng và chiều. Kết quả là thân được chắc chắn, khỏe mạnh, các hệ như hô hấp và thần kinh cũng trở nên tốt hơn. Nhưng để tập cái tâm thì chúng ta không cần động tay động chân, không cần cố sức chuyển động, mà đưa tâm về trạng thái dừng lại, nghỉ ngơi. 

Ví dụ, khi thiền tập, chúng ta chọn một đối tượng, ví dụ như hơi thở vào-ra làm nền tảng để thiền. Đối tượng này trở thành mục-tiêu chú tâm và quán xét của chúng ta. Chúng ta nhận biết hơi thở. Để nhận biết hơi thở, chúng ta phải theo dõi hơi thở bằng sự tỉnh giác, nhận biết nhịp thở, sự đi vào và đi ra của nó. Chúng ta đưa sự tỉnh giác vào trong hơi thở và buông bỏ tất cả mọi sự khác. Kết quả là ta chỉ an trú vào duy nhất một đối tượng tỉnh giác, tâm chúng ta trở nên tươi mới lại. Nếu chúng ta cứ để tâm nghĩ này, nghĩ nọ, nghĩ sự này sự khác, thì có nghĩa là có nhiều đối tượng tỉnh giác và có nghĩa là tâm không được hội tụ (không hợp nhất, không tập trung vào một điểm) thì có  nghĩa là tâm không đi đến nghỉ ngơi. 

Khi nói tâm dừng lại có nghĩa là tâm cảm giác như nó dừng lại, nó không còn chạy đây chạy đó. Giống như người có một con dao bén. Nếu dùng để cắt chặt xén búa xua nào đá, nào gạch, nào cây cỏ… thì dao sẽ mau bị cùn. Chúng ta nên dùng dao bén để cắt gọt cái gì hữu dụng cho mình. Tâm cũng vậy. Nếu chúng ta cứ để tâm lăng xăng chạy theo những ý nghĩ và cảm giác này nọ liên tục vô giá trị và vô ích, thì tâm sẽ bị mệt mỏi và yếu đuối. Tâm mệt mỏi và yếu đuối vì lăng xăng liên tục chỗ này chỗ nọ là cái tâm không có năng lượng; khi tâm không có năng lượng thì trí tuệ sẽ không khởi sinh, bởi vì tâm không có năng lượng là tâm không tập trung, không có định samādhi (không được tập trung, không được hợp nhất, không được hội tụ). 

Nếu tâm không ngừng lại thì bạn không thể nhìn thấy các đối tượng giác quan một cách rõ ràng như-chúng-là. Sự hiểu biết rõ rệt rằng: “Tâm là tâm, các đối tượng giác quan chỉ là các đối tượng giác quan”; sự hiểu biết đó chính là gốc rễ từ đó đạo Phật lớn lên và phát triển. Đó là cốt lõi và trái tim của đạo Phật. 

Chúng ta phải tu dưỡng tâm này, phát triển nó, tu tập nó trong sự tĩnh lặng và trí tuệ. Chúng ta tu tập tâm để tâm có giới hạnh và trí tuệ bằng cách làm cho tâm ngừng lại và từ đó giúp trí tuệ khởi sinh; cụ thể hơn là bằng cách hiểu biết tâm này như-nó-là. 

Quý vị biết không, cách của nhân loại là, cách chúng ta làm mọi thứ là giống như những đứa trẻ (theo một nghĩa sau đây). Một đứa trẻ thì không biết gì. Người lớn khi nhìn những hành vi của một đứa trẻ con, nhìn cách nó chơi đùa và chạy nhảy tung tăng này nọ, những hành động của nó dường như chẳng có mục đích gì. Nếu tâm chúng ta không được tu tập thì nó cũng giống như một đứa trẻ. Chúng ta nói không có sự tỉnh giác (không có ý thức) và hành động không có trí tuệ. Chúng ta có thể hủy hoại (tâm) mình hoặc gây ra những nguy hại không biết trước, và thậm chí chưa bao giờ biết đến điều đó. Một đứa trẻ con thì không biết gì, nó chỉ chơi đùa lăng xăng như mọi đứa trẻ con. Cái tâm còn ngu dốt của chúng ta cũng giống như vậy. Nó cũng liên tục lăng xăng này nọ.

Do vậy, chúng ta cần tu tập tâm này. Phật đã dạy phải tu tập cái tâm, phải dạy cái tâm. Ngay cả khi quý Phật tử giúp đỡ đạo Phật bằng cách góp công cúng dường bốn loại vật dụng cần thiết nói trên (thức ăn, chỗ ở, y phục và thuốc men) cho các tăng ni tu hành, thì sự ủng hộ đó cũng còn là bề ngoài, chỉ là phần ”vỏ cây” hay lớp ”gỗ mềm” của cây, chưa phải là phần cốt lõi của cây. Sự ủng hộ và theo đạo Phật đích thực là ở chỗ tự thân thực hành chứ không phải chỗ khác, đó là tu tập ba nghiệp hành động, lời nói và ý nghĩ theo như giáo lý của Phật. Cách này mới mang lại kết quả nhiều hơn. Nếu chúng ta chánh trực và chân thật, tu tập có được sự giới hạnh và trí tuệ, thì sự tu tập đó mới mang lại sự giàu đức giàu trí. Như vậy mới không còn tính hung bạo, chiến đấu, sân hận trong tâm. Đây chính là cách đạo của chúng ta dạy để chúng ta trở nên thiện lành. 

Nếu chúng ta cứ cho rằng những giới hạnh đạo đức là chuyện xưa rồi, vậy thì dù sư thầy có chỉ dạy hết sự thật chân lý thì sự tu tập của chúng ta cũng thiếu sót. (Không giới hạnh đạo đức thì không có gốc để tu tập tâm trí tuệ). Chúng ta có thể có khả năng học hiểu các giáo lý và nói đi nói lại đủ điều về chúng, nhưng điều đó chẳng có giá trị gì nhiều. Điều quan trọng là phải tu tập thực hành theo những giáo lý đó, nếu chúng ta thực sự muốn hiểu biết về chúng. Nếu chúng ta không chịu triển khai thực hành thì điều đó có lẽ là sự cản trở lớn nhất cho chúng ta, có thể cho đến vô vàn kiếp sau chúng ta cũng không thể hiểu biết sâu sắc về chỗ cốt lõi của đạo Phật. Cứ như vậy, chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu được phần cốt lõi của đạo Phật.

Do vậy, việc thực hành giống như một chìa khóa, chìa khóa của việc thiền tập. Thiền tập là thực hành. Nếu chúng ta nắm rõ chỗ này như nắm chắc chìa khóa trong tay, thì dù có trở ngại như ổ khóa khó đến mức nào, chúng ta cũng mở được nó ra. Nếu chúng ta chẳng nắm gì chắc trong tay, không nắm được chìa khóa, thì chúng ta khó mà giải mở được ổ khóa. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấy biết thứ gì quý giá nằm ở trong rương. 

Thực tế có hai loại sự hiểu biết (hai loại tri kiến). Người hiểu biết Giáo Pháp thì không sáo rỗng nói những lời do mình nghe học nhớ, mà người đó chỉ nói sự thật (do người đó đã tự thân trải nghiệm). Người thế tục thì thường nói những lời ngụy nghĩa, giả tạo (dù rằng ngay cả khi họ không chủ định nói láo để lừa ngay cái gì). Ví dụ, có hai người rất lâu tình cờ gặp lại nhau trên một chuyến tàu, bởi họ sống ở những nơi cách xa nhau. ”Trời ơi lạ thiệt, tôi vừa mới nghĩ đến anh đó!” hoặc ”Này anh, gặp anh tôi mừng hết lớn luôn đó!”… Thực ra không phải vậy. Họ chẳng bao giờ nghĩ nhớ tới nhau, nhưng ai cũng hay nói lên như vậy khi tình cờ gặp nhau. Và điều đó trở thành lời nói dối, không thật tâm. Đúng vậy, tự nhiên cứ nói dối một cách vô ý thức như vậy. Đây là sự nói dối mà không biết rằng tâm mình đã nói dối. Đó là một dạng tinh tế của sự ô nhiễm trong tâm, và những điều đó xảy ra thường xuyên trong đời sống của mỗi người. 

Do vậy, chúng ta cần phải tu tập cái tâm một cách khéo léo và sâu sắc. Trở lại việc tu tập tâm, thầy Tuccho Pothila đã làm theo những lời hướng dẫn của vị sa-di trẻ kia: thở vào, thở ra… ý thức chánh niệm về mỗi hơi thở… cho đến khi thầy ấy nhìn thấy rõ kẻ nói dối bên trong tâm mình, nhìn thấy sự giả dối của chính tâm mình. Thầy ấy nhìn thấy những ô nhiễm ngay khi chúng khởi lên, giống như tỉnh giác nhìn thấy con thằn lằn ngay khi nó chạy ra khỏi hang mối vậy. Thầy ấy nhìn thấy những ô nhiễm và nhận thức rõ bản chất đích thực của chúng ngay khi chúng khởi sinh. Thầy ấy nhận biết rõ trong một giây khắc tâm tạo tác ra điều gì, giây khắc tiếp theo tâm tạo tác ra điều gì khác. 

Ý nghĩ, suy nghĩ là thứ do tạo tác mà có, là một pháp hữu vi (sankhata dhamma), đó là thứ được tạo tác bởi những điều kiện (duyên) tác động. Ý nghĩ không phải là thứ vô tác, không phải là một pháp vô vi (asankhata dhamma), không phải không điều kiện (vô duyên) mà có. Cái tâm đã được tu tập thuần thục, là cái tâm với một sự tỉnh giác hoàn hảo, thì nó không tạo tác ra những trạng thái tâm. Loại tâm đó có thể hiểu biết thâm sâu về bốn sự thật Tứ Diệu Đế và vượt trên những tham muốn chạy theo những đối tượng trần cảnh bên ngoài. Hiểu biết về bốn Diệu Đế là hiểu biết về sự thật, chân lý. Cái tâm luôn phóng tác thì luôn luôn tránh né sự thật đó, nó cứ luôn giả giọng nói rằng ”cái đó tốt” hoặc ”cái này đẹp”; nhưng nếu có Phật tính trong tâm thì tâm không còn giả lừa chúng ta nữa, bởi lúc đó chúng ta đã hiểu biết rõ tâm đúng như-nó-là. Lúc đó tâm không còn tạo tác ra những trạng thái tâm ngu si ngu mờ nữa, bởi đã luôn có mặt sự tỉnh-giác rõ ràng thấy biết rõ tất cả các trạng thái tâm là bất ổn định, không bền lâu, có rồi mất, sinh diệt liên tục, và là nguồn gốc của sự khổ đối với những ai còn dính chấp vào chúng.

Dù có đi đâu hay làm gì, cái “người biết” luôn có mặt thường trực trong tâm của thầy Tuccho Pothila. Thầy quan sát những sự tạo tác khác nhau và những sự phóng túng khác nhau của tâm mình bằng một sự hiểu biết. Thầy ấy nhìn thấy cách cái tâm giả lừa đủ mọi kiểu cách khác nhau. Thầy ấy nắm chắc cốt-lõi của việc tu tập, nhìn thấy rõ rằng ”Chính cái tâm giả lừa này lại là cái “người quan sát”—đó chính là cái “người” dẫn dắt chúng ta đến những cực đoan của sướng và khổ và đưa đẩy chúng ta vào trong vòng xoáy của vòng luân hồi sinh tử bất tận, đầy những sướng và khổ, thiện và ác—tất cả là do “kẻ” này”. Thầy Tuccho Pothila nhận ra sự thật và nắm chắc cốt-lõi tu hành, giống như người nắm chắc được cái đuôi con thằn lằn. Thầy ấy nhìn thấy cách vận hành tạo tác của cái tâm ngu mờ, si mê và vô minh. 

Đối với chúng ta cũng vậy. Chỉ có tâm này là quan trọng. Do vậy người tu mới nói là tu tập cái tâm. Giờ quý vị có thể thắc mắc: Nếu tâm đã là tâm, thì chúng ta sẽ tu tập cái gì ở đây? Như vầy, bằng cách tu tập sự chánh-niệm (sati) và sự rõ-biết (sampajañña) thường trực và liên tục thì chúng ta có khả năng hiểu biết cái tâm. Cái “người biết” là một bước đi trước cái tâm, cái “người biết” là cái hiểu biết trạng thái của tâm. Tâm là tâm. Cái người hiểu biết sự ‘tâm đơn giản chỉ là tâm’ chính là cái “người biết”. Nó đứng trên cái tâm. Cái “người biết” đứng trên cái tâm, và bởi vậy nó có thể nhìn xuống quan sát cái tâm, chỉ dạy cho cái tâm biết được điều gì đúng và điều gì sai, điều gì thiện và điều gì ác. Nói tóm lại, mọi thứ đều quay lại trong cái tâm phóng túng này (tâm phàm tục, chưa được tu tập). Nếu tâm bị dính kẹt vào những sự phóng túng tạo tác của nó, thì lúc đó không có sự tỉnh giác, và nếu vậy sự tu tập chỉ là vô ích, vô kết quả. 

(Giống như một người gác gian cần phải có sự tỉnh giác thường trực nơi cổng ra vào. Nhưng do tâm người đó phóng túng ra ngoài đường, xe cộ, chim chóc hay những vọng tưởng khác, thì coi như người đó không có sự tỉnh-giác canh phòng nơi cổng ra vào, ai ra ai vô làm gì cũng không thấy, và như vậy công việc gác gian là vô ích và không kết quả. Việc tu tập hay thiền tập là tập luyện khả năng tỉnh-giác một cách thường trực và chánh niệm để có thể quan sát tâm này và những trạng thái của nó. Nếu để mất chánh niệm, tâm lăng xăng chỗ khác hoặc để tâm chạy theo những trạng thái tâm này nọ, thì coi như là không có sự tỉnh-giác, và do vậy sự thiền tập không mang lại kết quả).  

Do vậy, chúng ta cần phải tập luyện tâm này lắng nghe Giáo Pháp, tu dưỡng Phật tính, tu tập sự tỉnh giác rõ ràng và sáng tỏ, để cho nó đứng bên trên và bên trước cái tâm bình thường và biết rõ những gì đang xảy ra bên trong cái tâm phàm tục đó. Chỗ này chính là cái lý chúng ta tập thiền với chữ Bud-dho [Đức Phật], để cho chúng ta có thể hiểu biết cái tâm trước một bước và trên một bước hơn nó. Chỉ cần ngồi quan sát tất cả mọi chuyển động của cái tâm, dù tốt hay xấu, lành hay không lành, cho đến khi cái “người biết” nhận biết được “tâm chỉ là tâm”, chứ không phải là một cái ‘linh hồn’, một cái ‘ta’, cái ‘ngã’ hay là một ‘ai’ cả. Đây chính là phương pháp Chánh niệm về Tâm (cittānupassanā)mà Phật đã nói trong kinh Bốn Nền Tảng Chánh Niệm (Satipatthana Sutta). Tập nhìn thấy tâm theo cách như vậy giúp chúng ta có thể hiểu ra rằng “tâm là luôn luôn biến đổi (vô thường), là bất toại nguyện (khổ) và không có chủ thể (vô ngã). Tâm này không phải là của ta. Tâm này không thuộc về chúng ta. 

Chúng ta có thể tóm lược như vầy: Tâm là cái nhận biết những đối tượng giác quan; Những đối tượng giác quan là khác với tâm; Cái “người biết” hiểu biết về cả tâm và những đối tượng của tâm đúng-như-chúng-là. Chúng ta phải dùng sự chánh niệm (sati) để thường xuyên làm sạch cái tâm. Ai cũng có khả năng chú tâm chánh niệm (sati), ngay cả con mèo cũng có khả năng đó, khi nó đang rình bắt một con chuột. Con chó cũng có khả năng đó, khi nó đang chú tâm và sủa vào một người lạ. Đó là dạng chú tâm chánh niệm, nhưng nó khác với sự chú tâm chánh niệm theo đúng như Giáo Pháp. Ai cũng có khả năng chú tâm chánh niệm (sati), nhưng có nhiều mức độ chú tâm chánh niệm khác nhau, giống như mức độ chú tâm khác nhau của nhiều người khác nhau khi họ đang nhìn vào cái gì. Giống như vầy, khi tôi nói quán xét về thân, nhiều người lại nói rằng: ”Có gì lạ đâu mà quán xét thân này? Ai mà chẳng nhìn thấy thân rồi. Tóc thì chúng tôi thấy rồi, lông chúng tôi thấy rồi… móng, răng, da, thịt, gân, tủy, thận…chúng tôi cũng nhìn thấy hết rồi… Vậy quán xét làm chi?”.Mọi người thường nghĩ như vậy. Đúng là họ nhìn thấy thân, nhưng sự nhìn đó không phải là sự nhìn thấy thực thụ, họ không nhìn thấy bằng sự hiểu-biết, bằng Phật trí (Buddho), bằng cái “người biết”, bằng “người tỉnh thức”. Họ chỉ nhìn thấy thân theo cách thông thường, họ chỉ nhìn thấy bằng mắt thường. Chỉ nhìn thấy thân đơn giản như vậy là chưa đủ.  Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy thân như vậy là thì khó biết và còn nhầm lẫn. Chúng ta phải nhìn thấy thân-trong-thân thì  mọi thứ mới trở nên rõ ràng hơn. Nếu chỉ nhìn thấy thân theo cách người phàm thì chúng ta sẽ bị nó giả lừa, sẽ bị nó quyến rũ bằng sắc vẻ bề ngoài của nó. Nếu không nhìn thấy bản tính luôn biến hoại (vô thường), bất hoàn hảo, bất như ý (khổ) và vô chủ nhân (vô ngã) của nó thì tâm tham dục (nhục dục, sắc dục, kāmachanda) sẽ luôn luôn khởi sinh và đầy ắp trong tâm kẻ phàm phu. Ta sẽ luôn bị mê hoặc bởi những hình sắc (như sắc thân, diện mạo…), những âm thanh (như lời nói dễ nghe, gợi tình, tiếng hát hay…), những mùi hương, những mùi vị (mùi thân thể, mùi vị nam nữ…) và những cảm giác (do tình cảm, cảm xúc, do chạm xúc…). Cứ nhìn và bị dính theo những sắc vẻ bề ngoài như vậy là cách nhìn của con mắt trần bằng thịt, khiến cho ta cứ yêu thích, ghét chê và phân biệt đẹp xấu này nọ liên tục đủ cách thành những (nhận thức) vui và không vui, dễ chịu và khó chịu, sướng và khổ… liên tục và liên tục trong suốt sự sống. 

Đức Phật đã dạy rằng nhìn theo kiểu như vậy là chưa đủ, nhìn bằng mắt trần chỉ là cách nhìn một-phía. Chúng ta cần phải biết nhìn bằng ”con mắt của tâm”. Nhìn thấy thân trong thân. Nếu chúng ta thực sự nhìn vào bên trong thân này… thì sẽ thấy: Ui! thân này thật gớm ghiếc. Trong thân trộn lẫn những thứ hôm nay và những thứ hôm qua, chúng ta không thể nói thứ nào là thứ nào. Nhìn theo cách như vậy thì thấy rõ hơn nhiều so với cách nhìn bằng con mắt tham dục. Quán xét và nhìn bằng con mắt của tâm, bằng con mắt trí tuệ. 

Sự hiểu biết của người đời thì khác. Nhiều người không biết thiền quán về năm thứ đầu tiên dễ nhận thấy nhất trên thân người, đó là: tóc, lông, móng, răng và da. Họ cứ nói rằng họ đã nhìn thấy rồi, nhưng họ chỉ nhìn thấy bằng con mắt tham dục thường ngày, bằng con mắt ”điên đảo” chỉ nhìn ngắm những thứ họ thích nhìn. Để nhìn thấy thân trong thân bạn phải nhìn thấu rõ hơn cách nhìn đó. 

Đây là cách tu tập (thiền quán hay thiền chánh niệm về thân) có thể giúp bứng bỏ những thói tâm dính chấp vào cái thân năm-uẩn (khandha). Bứng bỏ được sự dính chấp ràng buộc là bứng bỏ khổ đau, bởi sự ràng buộc dính chấp vào thân năm-uẩn là nguyên nhân gây ra khổ. Nếu khổ khởi sinh thì nó ở ngay đây, ngay chỗ sự dính chấp vào năm uẩn. Không phải trong bản thân năm uẩn là khổ, mà chính sự dính chấp vào chúng, coi chúng là ‘của ta’… thì mới là khổ. 

Nếu ai thiền tập và nhìn thấy rõ ràng những sự thật đó thì sự khổ sẽ dần được tháo gỡ ra, giống như kiểu cây đinh con vít được vặn tháo ra vậy. Vặn tháo từ từ cây đinh cây vít và nhổ nó ra. Tâm cũng vặn tháo ra theo cách như vậy, tháo bỏ những dính chấp ràng buộc, buông bỏ buông bỏ, tháo bỏ những thói tâm đối đãi ám mụi từ bao kiếp về cái tốt và cái xấu, về sở hữu và những thứ của-ta, về danh và lợi, về sướng và khổ… 

Nếu chúng ta không biết sự thật về những thứ của thân thì giống như ta cứ siết chặt cây đinh con vít mãi mãi. Càng lúc càng chặt thêm cho đến khi nó nghiền nát ta bên dưới và ta luôn bị khổ vì mọi sự mọi thứ dính chấp. Khi ta biết rõ mọi thứ ra sao thì ta sẽ vặn tháo trở ra theo chiều ngược lại. Trong Giáo Pháp chúng tôi gọi đó làm khởi sinh sự buông bỏ, sự chán bỏ, sự lìa bỏ (nibbidā), đó là sự không còn mê tham hay dính chấp vào những thứ giả tạm của thân này và của thế gian. Ta trở nên chán ngán với mọi thứ và ta dẹp bỏ sự tham chấp vào chúng. Nếu chúng ta tháo bỏ theo cách như vậy thì chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an. 

Nguyên nhân của khổ là do dính chấp vào đủ thứ. Do vậy chúng ta cần phải loại bỏ nguyên nhân, bứng bỏ gốc rễ của nó và ngăn không cho nó tái tục gây khổ nữa. Người đời có một vấn đề khó giải—đó là vấn đề dính chấp. Chỉ vì duy nhất sự dính chấp này (gồm có tham và si) mà người ta giết thức). [Sắc là tập hợp tạo nên phần thân thể, bốn tập hợp kia thuộc các phần tâm linh, tinh thần].

 Tất cả mọi vấn nạn, từ phạm vi cá nhân, gia đình, xã hội… đều khởi sinh từ một nguyên nhân gốc rễ này. Chẳng ai thắng được gì… họ giết nhau nhưng cuối cùng chẳng ai dành được gì. Tôi không hiểu tại sao con người trên thế giới vẫn còn chiến đấu và giết nhau như vậy để rốt cuộc chẳng được gì. 

Quyền lực, của cải, chức phận, danh tiếng, sướng và khổ… tất cả đều là những thứ thế tục, đó là những pháp thế gian. Những pháp thế gian bao bọc những người thế tục. Những người thế tục thì bị dẫn dắt đảo điên liên tục bởi những pháp thế gian, đó là những được-mất, khen-chê, vinh nhục, sướng-khổ. (Đó là tám pháp thế gian bao phủ và chi phối tâm trạng của người phàm phu). Xưa nay có người còn giết người để cướp của, để tranh giành quyền lực và địa vị. Tại sao? Bởi họ coi những thứ đó là hệ trọng nhất trong cuộc đời của họ. (Họ muốn được đủ thứ, muốn được khen nịnh, muốn được vinh danh uy quyền, và muốn được sướng, không bị khổ). Khi họ được người ta đề bạt vào chức vị nào đó, họ mang chức vị đó vào đầu luôn, giống như ông thôn trưởng mới được bầu trở thành người đứng đầu hay trở thành ‘cái đầu’ của ngôi làng vậy. Sau khi được bổ nhiệm ông trở thành kẻ ”nghiện chức quyền”. Nếu bạn bè cũ đến thăm hỏi, ông ta không nói thì cũng nghĩ: ”Làm gì đến hoài vậy. Đâu còn kiểu bạn bè lom com như xưa nữa đâu. Giờ tui đã là ‘sếp’ rồi mà”. Thói đời là vậy! 

Đức Phật dạy chúng ta nên hiểu rõ tính chất của những thứ: của cải, danh lợi, tiếng khen và sự khoái sướng. (Bốn thứ hay bốn pháp thế gian mà người đời liên tục chạy sau khi được sinh ra). Nếu có được chúng thì ta cứ nhận lấy chúng như chúng là, nhận lấy một cách buông bỏ (không nhận lấy với lòng tham muốn có thêm nhiều nữa). Đừng để chúng nhảy lên đầu ta. Nếu chúng ta không hiểu biết rõ những điều đó thì chúng ta sẽ bị lừa và cứ chạy theo tham chấp về của cải, tiền bạc, nhà cửa, con cháu, người thân thuộc… chạy theo đủ thứ trên đời! Nếu chúng ta hiểu rõ về chúng, chúng ta sẽ biết tất cả chúng chỉ là những thứ vô thường, giả tạm. Nếu chúng ta bám dính theo chúng, chúng trở thành những ô nhiễm trong tâm. 

Tất cả những thứ đó đều khởi động sau khi con người được sinh ra. Đầu tiên lúc sinh ra ‘con người’ chỉ có phần danh và sắc (nāmarūpa), tức phần thân thể và phần tâm. mà thôi. Sau đó chúng ta đặt thêm tên ”Ông Phượng”, ”Bà Tím” và đủ thứ sau đó. Những thứ đặt thêm là những quy ước. Sau đó còn gán thêm nhiều danh chức như ”Đại tá”, ”Tướng” và vân vân. Nếu chúng ta không hiểu rõ đó chỉ là những sự quy ước thì chúng ta cứ tưởng chúng là những thứ “thiệt” và cứ mang chúng theo mình khắp nơi suốt đời. Vì không hiểu những pháp thế gian là quy ước và giả tạm, nên chúng ta cứ cố sức mang theo những thứ của cải, vật sở hữu, danh phận, chức tước theo mình suốt đời. Nếu ai có quyền thì người đó sẽ lên giọng lệnh này lệnh nọ… ”Bắt tù người này và xử tội”… Chức vị đưa ra quyền lực. Chữ ”chức vị” ở đây là chỗ người ta dính chấp. Ở nhiều nơi, khi có chức vị người ta lập tức ra lệnh; không cần đúng hay sai, họ cứ làm theo tâm trạng và ý muốn của họ. Rồi họ lại làm những lỗi sai lầm như trước, càng lúc càng đi xa khỏi con đường chánh trực. 

Ai hiểu Giáo Pháp thì không hành xử như vậy. Tốt-xấu, thiện-ác đã có mặt trên thế gian tự thuở nào… nếu của cải và danh lợi đưa đến trên đường đời của ta, ta cứ coi đó là những thứ của cải và danh lợi, đừng để cho chúng trở thành ‘ta’, đừng nhận lầm những thứ đó là ‘ta’. Chúng ta chỉ dùng chúng để thực hiện những trách phận cần nên làm và sau đó buông thả chúng. Bản thân ta vẫn không thay đổi, không thay đổi hay biến đổi theo những thứ đó. Nếu chúng ta thiền tập thành công về những thứ đó, thì khi những thứ đó xảy đến trong đời ta, ta vẫn bình thản và không bị đánh lừa bởi chúng. Chúng ta sẽ không bị phiền não, không bị tác động, vẫn tự tại như thường. Mọi thứ cuối cùng rồi cũng như nhau, rốt cuộc là vậy. 

Đó là cách Phật muốn chúng ta hiểu biết về mọi sự. Dù ta có nhận gì, tâm không thêm thắt gì vào đó. Họ bầu cử bạn thành ngài thị trưởng… ”Ừ, thì tôi sẽ làm thị trưởng, nhưng tôi không phải là cái ‘chữ chức’ đó”. Họ cử bạn làm trưởng nhóm… ”Ừ, tôi làm, nhưng tôi không phải là cái ‘trưởng nhóm’”. Dù ai có chọn bạn làm chức vị gì, bạn cứ nhận lấy nếu là việc nên làm… ”Vâng, tôi làm, nhưng tôi không phải là vậy!”. Rốt cuộc sau cùng, chúng ta là gì? Rốt cuộc rồi chúng ta cũng chết. Dù họ có bầu chọn bạn là gì trong đời, cuối cùng bạn cũng vậy, cũng chẳng khác gì mọi người, cũng chết. Tất cả đều đi đến kết cục đó. Vậy thì ta còn nói gì được bây giờ? Nếu chúng ta nhìn thấy mọi thứ theo cách như vậy thì chúng ta có được một chỗ an-trú chắc chắn và một sự bằng-lòng thực sự. Chẳng thay đổi được gì.  (Vậy ta nên biết bằng lòng với những quy luật và lẽ thật của mọi thứ diễn ra). 

Đây là cách không bị đánh lừa và không bị lôi kéo bởi những thứ trên thế gian. Bất cứ thứ gì xảy đến trong đời ta, đó chỉ là những điều kiện. (Tâm chúng ta đã được tu tập để hiểu biết rõ như vậy). Chẳng còn thứ gì có thể dụ dỗ cái tâm đó tiếp tục tạo tác hay phóng túng nữa; không còn có thể lôi kéo nó vào chỗ tham, sân, si nào nữa. 

Giờ tôi xin nhắc lại, đây là cách để trở thành một người hộ đạo đích thực của đạo Phật. Dù quý vị có thuộc những người được ủng hộ cúng dường (như Tăng, Ni) hay thuộc những người ủng hộ (như người tại gia, thí chủ), thì quý vị cũng cần phải suy xét vấn đề này một cách thấu suốt. Hãy tu tập pháp giới-hạnh (sīla-dhamma) bên trong tâm mình. Đây là con đường chắc chắn nhất để ủng hộ đạo Phật. Ủng hộ đạo Phật bằng cách cúng dường bốn loại vật phẩm như thức ăn, chỗ ở, y phục và thuốc men thì cũng là tốt, nhưng loại cúng dường đó chỉ mới chạm đến phần ”gỗ mềm” của đạo Phật. Đừng quên điều đó. Một cái cây có vỏ, phần gỗ mềm và phần gỗ lõi bên trong, và ba phần này là liên quan tương trợ lẫn nhau. Phần lõi cũng nhờ có lớp vỏ cây và lớp gỗ mềm bên ngoài. Phần gỗ mềm cũng nhờ có lớp vỏ cây và phần gỗ lõi bên trong. Chúng tồn tại một cách tương quan tương tức với nhau. Cũng giống như những giáo lý về Giới Hạnh, Thiền Định và Trí Tuệ, tức Giới Định Tuệ (Sīla, Samādhi, Paññā) của Phật. Giới Hạnh là để thiết lập những hành động và lời nói một cách chánh trực, đúng đắn. Thiền Định là để tập trung (gom tụ, hội tụ, hợp nhất) tâm để đạt đến khả năng định tâm. Trí Tuệ là sự hiểu biết thấu suốt về bản chất của tất cả mọi điều kiện, hiện tượng. Hãy học hiểu con đường này, thực hành con đường này, rồi bạn sẽ hiểu được đạo Phật một cách sâu sắc nhất. 

Nếu quý vị không hiểu được những điều này, thì quý vị sẽ luôn luôn bị dẫn lừa và chạy theo những thứ của cải vật chất, bị dẫn lừa bởi chức vị địa vị, bởi khoái lạc giác quan và bởi bất cứ thứ gì chạm đến quý vị. Cứ làm làm những việc như đi chùa, ủng hộ cúng dường đạo Phật theo cách bề ngoài thì chẳng bao giờ chấm dứt sự tranh đấu, cãi vả, thù ghét, ác độc, tranh đấu, giết hại trên thế gian này. Nếu muốn dừng lại tất cả những hành vi (nghiệp) bất thiện đó, chúng ta cần phải tu tập quán xét sâu sắc về bản chất của những thứ thế gian: được/mất, khen/chê, vinh/nhục và sướng/khổ. Chúng ta phải quán xét sâu sắc về sự sống của mình và làm cho cuộc sống diễn ra theo hướng con đường của giáo lý chánh đạo. Chúng ta phải quán xét rằng tất cả mỗi chúng sinh trên thế gian đều là một phần của tất cả thế giới chúng sinh. Chúng ta cũng như họ, họ cũng như chúng ta. Họ cũng có hạnh phúc và khổ đau như chúng ta. Tất cả đều gần như nhau. Nếu chúng ta biết quán xét theo cách như vậy, sự hiểu biết và bình an sẽ khởi sinh trong ta. Đây chính là nền tảng của đạo Phật.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app