Vài Lời Cuối

 

Quý vị có biết việc nói nghe như vầy đến khi nào kết thúc? Hay chúng ta cứ phải học miết như vầy?…Hay đến lúc nào đó phải ngừng lại?…Nghe học như vầy cũng không sao, nhưng đó chỉ là sự học bề ngoài. Còn sự học bên trong là chúng ta phải học từ mắt này, tai này, mũi này, lưỡi này, thân này và tâm này. Đó mới là cái học thực sự. Sự học qua sách vở chỉ là học bề ngoài, học hoài cũng không kết thúc, rất khó để đi đến đâu. 

Khi mắt nhìn thấy hình sắc, điều gì xảy ra? Khi tai, mũi và lưỡi trải nghiệm âm thanh, mùi hương và mùi vị, điều gì xảy ra? Khi thân và tâm tiếp xúc với sự chạm xúc và những trạng thái của tâm, những phản ứng nào xảy ra? Vẫn còn tham, sân, si ở đó không? Chúng ta có đang bị lạc theo những hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, chạm xúc và những trạng thái của tâm hay không? Đó là sự học bên trong. Học như vậy sẽ có chỗ kết thúc, có chỗ thành tựu. 

Nếu chúng ta cứ học suông mà không thực hành thì chúng ta chẳng được kết quả gì. Cũng giống như người nuôi bò. Buổi sáng lùa bò ra đồng, buổi chiều lùa bò về chuồng— nhưng ông ta chẳng bao giờ uống sữa bò. Học hỏi là đúng, nhưng đừng học suông bề ngoài như vậy. Bạn phải nên vừa nuôi bò vừa uống sữa bò—(vừa học vừa thụ hưởng được lợi lạc từ việc học đó). Bạn phải vừa học vừa thực hành thì mới có được kết quả tốt nhất. 

Tôi muốn giải thích thêm chỗ này. Giống như một người nuôi gà, nhưng ông ta không thu lấy trứng gà. Chỉ lấy phân gà! Coi lại, đừng để mình đang làm điều gì như vậy! Điều này có nghĩa là chúng học kinh sách cho nhiều nhưng chẳng biết cách nào phòng trừ những ô nhiễm, chúng ta chẳng biết cách nào ‘tống khứ’ tham, sân, si ra khỏi tâm chúng ta. Học mà không hành, không biết ‘từ bỏ’, thì chẳng mang lại kết quả gì. Những người như vậy tôi thường ví như người nuôi gà mà không thu được trứng mà chỉ thu được phân gà.

Vì chỗ đó nên Đức Phật muốn chúng ta học những lời kinh, rồi sau đó từ bỏ những hành động (nghiệp) xấu ác tạo ra bởi thân, ý, miệng; tu dưỡng tính thiện lành trong những hành động, ý nghĩ và lời nói của chúng ta. Giá trị thực con người là đi đến những kết quả thông qua tu tập hành động, lời nói và ý nghĩ. Nếu chúng ta chỉ nói nhưng hành động khác đi thì điều đó là chưa được. Nếu chỉ hành động tốt nhưng tâm vẫn chưa thiện lành thì vẫn chưa xong. Phật dạy chúng ta phải tu dưỡng tính thiện lành trong thân, miệng, ý; tu dưỡng những hành động tốt lành, những lời nói tốt lành và những ý nghĩ tốt lành. Đó là kho báu của con người. Việc học và hành phải đều tốt song song. 

Con đường Bát Chánh Đạo là con đường tám phần, là con đường để tu tập. Tám chẳng khác gì hơn là chính cái thân này: hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, một lưỡi và một thân. Đây chính là đạo. Và tâm chính là cái đi theo con đường đạo. Do vậy, cả việc học và hành đều nằm ngay bên trong thân, lời nói và tâm ý của chúng ta. 

Các thầy có bao giờ thấy kinh điển có chỗ nào nói về điều gì quan trọng hơn ngoài thân, ý, miệng hay không? Kinh điển của Phật chỉ dạy về những chỗ này, không gì khác. Những ô nhiễm sinh ra ngay đây. Nếu chúng ta hiểu biết về chúng, chúng sẽ diệt ngay đây. Do vậy phải nên hiểu rằng việc học và hành cùng nằm ngay đây. Nếu tu học theo cách này chúng ta có thể hiểu biết mọi sự. Giống như về lời nói: nói một lời sự thật thì tốt hơn nói dối cả một đời. Quý thầy có hiểu chỗ này không? Những người học mà không hành thì giống như cái muỗng nằm trong nồi canh. (Cách nói của Phật). Nó nằm hoài trong nồi canh nhưng chẳng nếm được mùi vị của canh. Nếu không lo thực hành tu tập thì dù có học hoài cho đến chết, thì bạn sẽ chẳng bao giờ biết được mùi vị của sự giải thoát!

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app