Thay Đổi Tầm Nhìn
Trong đời tu của tôi, tôi chưa bao giờ cố nắm bắt nhiều đề tài rộng lớn. Chỉ một thôi. Tôi thanh lọc tâm này. Giờ chúng ta nhìn vào thân. Nếu chúng ta bị hấp dẫn bởi một thân thể thì nên phân tách nó. Nhìn kỹ nó: tóc, lông, móng, răng, da. Phật đã dạy chúng ta phải quán xét một cách thấu đáo và lặp đi lặp lại về những bộ phận này của thân. Hình dung (quán tưởng) từng bộ phận riêng, tách chúng ra, lột da từng cái và tìm ra sự thật của từng cái. Đó là cách tu tập. Cứ thiền quán về những bộ phận đó cho đến khi việc thiền quán đó được thiết lập một cách vững chắc và không dao động. Nhìn thấy thân ở mọi người đều như nhau. Ví dụ, khi các tăng sĩ và sa-di đi vô làng khất thực vào buổi sáng, dù gặp ai—dù là tăng hay người dân làng—hãy hình dung người đó là một thân chết, một xác chết đang đi trước mặt mình. Duy trì tập trung vào cái nhận thức này. Đây là cách đưa vào nỗ lực. Cách đó dẫn đến sự chín chắn và phát triển. Khi ta nhìn thấy một phụ nữ đẹp, hãy hình dung đó là một xác chết đang đi, hình dung cái xác đó đang tan rã và thối rửa. Nhìn thấy thân mọi người ai cũng rồi như vậy. Và đừng để họ đến quá gần ta! Đừng để sự hấp dẫn bề ngoài và sự mê đắm chiếm lấy tâm trí ta. Nếu các thầy nhận thức và quán tưởng được thân của mọi người đang phân hủy và thối rửa, tôi có thể bảo đảm rằng không còn sự mê đắm có mặt bên trong các thầy. Quán xét cho đến khi các thầy chắc chắn về cái mình đang nhìn thấy là gì, cho đến khi nó cụ thể rõ ràng, cho đến khi mình tinh thông về sự thật đó. Dù có tu theo con đường nào các thầy cũng đừng xao lãng. Đặt hết tâm trí vô đó. Mỗi khi nhìn thấy ai thì chẳng khác nào nhìn thấy cái xác chết đang đi, (thân nào rồi cũng chết và mục rửa). Dù đó là nam hay nữ, cứ nhìn đó như xác chết. Và cũng đừng quên nhìn thân mình như xác chết. Cuối cùng tất cả chỉ là vậy, thân nào rồi cũng đến lúc như vậy. Cố tu tập cách này một cách hết sức thấu suốt. Tu tập cho đến khi việc quán thân đó trở thành một phần và hành trang của tâm mình. Tôi hứa điều này sẽ rất vui—nếu các thầy thực sự tu tập nó. Nhưng nếu các thầy chỉ biết điều này qua kinh sách thì sẽ khó tu chỗ này. Các thầy phải tự tu tập để tự mình hiểu biết. Và phải tu tập chỗ này với một sự thành tâm tột cùng. Tu cho đến khi phần tu quán thân này trở thành một phần của mình. Lấy sự chứng ngộ sự thật làm mục tiêu của mình. Nếu các thầy có động cơ là ước muốn vượt qua khổ thì các thầy đang đi đúng đường.
Thời nay có nhiều người dạy về thiền minh sát với rất nhiều kỹ thuật khác nhau. Tôi sẽ nói như vầy: thực hiện thiền minh sát không phải là dễ. Chúng ta không phải chỉ đơn giản nhảy vào thiền. Nó chẳng đi đến đâu nếu chưa có một chuẩn mực cao về đức hạnh. Tự các thầy biết mình về chỗ này. Giới luật đạo đức và các giới hạnh để tu tập là cần thiết, bởi nếu những hành vi, hành động và lời nói của chúng ta chưa hoàn thiện thì chúng ta không thể nào đứng vững trên hai chân. Thiền tập mà thiếu đức hạnh thì chẳng khác nào cố tình bỏ qua phần căn bản của con đường Đạo. Tương tự, chúng ta thường nghe nói rằng: ”Không cần phải tu tập sự định tâm. Cứ bỏ qua thiền định và đi thẳng vào tu thiền minh sát”. Những người tu hành chẳng đến đâu thường hay nói như vậy. Họ nói rằng tu không cần phải có giới hạnh. Củng cố và thanh lọc đức hạnh là một việc làm đầy thử thách, chứ đâu phải chuyện đùa chuyện nhỏ như họ nói. Nếu bỏ qua những giáo lý về đạo đức thì việc đó quá dễ, đúng không? Hễ khi nào gặp khó khăn, chúng ta chỉ việc bỏ qua. Thiệt vậy, mọi người đều thích bỏ qua những khó khăn, ai cũng muốn chọn cách dễ dàng. (Nếu vậy ai tu không được?). Trước kia tôi gặp một Tỳ kheo, thầy ấy nói thầy ấy là một thiền giả đích thực. Thầy ấy xin phép ở lại đây với tôi và hỏi về thời biểu tu tập và các quy tắc trong chùa. Tôi nói với thầy ấy rằng trong chùa này chúng tôi sống theo Giới Luật Tăng đoàn, đó là những điều giới của Phật, và nếu thầy ấy muốn ở đây tu thầy ấy phải từ bỏ những thứ như tiền bạc, của cải riêng. Thầy ấy nói rằng việc tu hành của mình là ”không ràng buộc với tất cả những quy ước truyền thống”. Tôi nói với thầy ấy tôi không hiểu thầy ấy đang nói gì. Thầy ấy nói rằng: ”Hay cứ để con ở lại đây, con vẫn giữ tiền bạc nhưng con không dính vào nó. Tiền bạc chỉ là quy ước thôi mà”. Thầy ấy thiệt đang nói lẩm cẩm. Thực ra thầy ấy lười biếng không muốn tuân theo Giới Luật. Thiệt là khó, nhưng tôi phải nói với thầy ấy: ”Nếu thầy ăn muối và có thể chân thật nói rằng nó không mặn, thì tôi sẽ nghiêm túc nhận thầy ở lại. Nếu thầy nói muối không mặn, tôi sẽ dưa một bao muối cho thầy ăn thoải mái. Cứ thử đi. Nó có mặn không? ‘Không ràng buộc với quy ước’ đâu phải chỉ bằng cách nói khôn lanh đễ dàng như vậy. Nếu thầy cứ nói kiểu này, tôi không thể ở cùng thầy”. Vậy là thầy ấy bỏ đi.
Chúng ta phải cố gắng duy trì việc tu tập giới đức hạnh. Người xuất gia phải tu tập bằng giới luật thiền môn và thử nghiệm giới tu khổ hạnh [hạnh đầu-đà, dhutanga]. Còn những Phật tử tại gia thì tuân giữ năm giới hạnh căn bản. Cố gắng tu sửa để đạt đến sự hoàn thiện trong hành động và lời nói. Chúng ta nên tu dưỡng điều tốt thiện hết khả năng của mình, và tu sống thiện lành theo đó.
Khi bắt đầu tu tập sự tĩnh lặng (thiền định), đừng cố một hai lần rồi bỏ ngang vì thấy tâm không được tĩnh lặng. Làm vậy là sai. Làm vậy là không đúng. Ta cần phải tu tập trong một thời gian lâu. Tại sao phải tốn nhiều thời gian như vậy? Hãy nghĩ về điều đó. Đã bao nhiêu năm chúng ta đã để tâm lang thang bất định? Đã bao nhiêu năm ta có tu tập định tâm lần nào đâu? Đã bao nhiêu năm, hễ khi nào tâm lôi chúng ta đi đâu thì ta chỉ biết chạy theo nó khắp nơi. Giờ để làm yên lặng cái tâm lăng xăng đó, đưa nó đến ngừng nghỉ, làm cho nó tĩnh tại, thì một vài tháng thiền tập đâu là cái đinh gì. Hãy nghĩ về điều này.
Khi chúng ta quyết tu tập cái tâm để nó bình yên trong mọi tình cảnh thì hãy hiểu rằng, do lúc đầu những cảm xúc ô nhiễm xuất hiện, nên tâm không được bình an. Nó sẽ bị xao lãng và khó kiểm soát. Tại sao? Bởi vì vẫn còn dục vọng. Chúng ta không muốn tâm chúng ta nghĩ suy. Chúng ta không muốn có những trạng thái hay cảm xúc làm xao lãng. Muốn cũng là một dạng của dục vọng. Không muốn cũng là một dạng của dục vọng. Muốn, muốn không, hay không muốn đều là tham dục. Không muốn là dục vọng, đó là dục vọng để không có. Khi ta càng muốn không trải nghiệm hay không có điều gì, thì ta càng mời gọi và đẩy chúng vào. ”Tôi không muốn những điều này, sao chúng cứ đến hoài vậy? Tôi muốn nó không như vầy, sao nó cứ như vậy?”. Đó, ngay chỗ đó ta dính. Ta muốn mọi thứ phải có mặt theo một cách nào đó, đó là do ta chưa hiểu cái tâm của mình. Điều này có thể mất rất nhiều thời gian trước khi chúng ta nhận ra rằng, muốn vầy muốn vậy là sai lầm. Cuối cùng, khi chúng ta nhìn thấy rõ ràng, chúng ta có thể nói rằng: ”Ôi, những thứ đó xảy đến là do ta mời gọi chúng chứ ai”.
Tham muốn trải nghiệm điều gì, tham muốn được bình an, tham muốn không bị xao lãng và động vọng—tất cả đều là dục vọng. Hoàn toàn là dục vọng. Nhưng không sao. Cứ tu tập. Khi nào trải nghiệm một trạng thái hay một cảm xúc, hãy xem xét nó dựa theo ba tính chất “vô thường, khổ và vô ngã”, và thảy chúng vào trong ba đặc tính đó. Rồi suy xét và điều tra: những cảm xúc ô nhiễm này thường đi kèm với sự nghĩ suy phóng túng này nọ. Khi có một trạng thái thì sự nghĩ lăng xăng đi sau nó. Sự nghĩ suy và trí tuệ là hai thứ khác nhau. Sự nghĩ suy chỉ là phản ứng và chạy theo những trạng thái của ta, và kéo theo nó cho đến bất tận. Nhưng trí tuệ thì khác, khi có trí tuệ hoạt động, nó sẽ mang tâm đến chỗ tĩnh tại. Tâm sẽ dừng lại và không còn chạy nhảy đi đâu nữa. Chỉ còn lại sự biết và ghi nhận cái đang được trải nghiệm: Biết cái gì? Biết rõ khi trạng thái này có mặt, tâm là như vầy; khi trạng thái kia có mặt, tâm là như vậy. Chúng ta duy trì cái ”sự biết”. Cuối cùng, điều gì đến sẽ đến đối với người tu. Đến lúc rồi ta cũng biết được: ”A, tất cả mọi sự nghĩ đó, mọi sự lăng xăng búa xua đó trong tâm, mọi sự lo nghĩ và phỏng đoán đó—tất cả chỉ là những thứ vô danh vô nghĩa. Tất cả chúng đều là vô thường, khổ, và không phải là ta hay của ta nào cả”. Thảy tất cả chúng vào một trong ba cái đặc tính bao-trùm đó, và dập tắt không cho khởi lên lại. Ta cắt đứt chúng tận gốc rễ. Sau đó khi ta ngồi thiền lại, nó vẫn khởi lên lại. Hãy cứ tiếp tục quan sát chúng. Theo dõi chúng sát sao. Cũng giống như chăn trâu. Có người nông dân, có ruộng lúa, và có con trâu. Trâu thì thích ăn lúa, đúng không? Tâm chúng ta giống như con trâu. Những trạng thái ô nhiễm thì giống ruộng lúa hấp dẫn. Sự-biết là người nông dân. Việc tu theo Giáo Pháp cũng giống như vậy. Tự mình so sánh rồi sẽ thấy và nhớ (niệm). Khi chăn trâu, ta thả nó đi ăn tự do, nhưng ta luôn để mắt đến nó. Nếu nó đi lãng qua hay quay đầu về phía lúa, ta la lên. Khi trâu nghe tiếng la, nó quay lại ăn cỏ. Nhưng ta không được mất chú ý, không được xao lãng hay quên mất con trâu đang làm gì. Nếu gặp con trâu bướng bỉnh khó trị, ta phải dùng roi quất mạnh vào lưng nó. Vậy sau đó nó không dám béng mảng qua ruộng lúa. Nhưng đừng có lăn ra làm một giấc ngon lành; nếu ta ngủ quên, khi thức dậy đám lúa chắc không còn nữa. Việc tu tập cũng giống như vậy: ta phải luôn quan sát cái tâm của ta; sự-biết luôn huấn luyện cái tâm.
”Ai biết quan sát cái tâm mình thì tránh được cạm bẫy của Ma Vương”. Và, cái sự biết này cũng chính là cái tâm. Vậy ai là người quan sát cái tâm? Chỗ này rất dễ làm chúng ta khó hiểu và bối rối. Tâm là một thứ, sự-biết là một thứ khác; nhưng sự-biết xuất phát từ chính cái tâm. Vậy biết cái tâm có nghĩa là gì? Nó là gì khi gặp những trạng thái và cảm xúc? Nó là gì nếu không có những cảm xúc ô nhiễm này nọ? Cái biết được những thứ đó là gì thì được gọi là cái-biết hay ”sự-biết”. Sự-biết theo dõi cái tâm, và từ cái sự biết này sinh ra trí tuệ. Cái tâm bình thường luôn nghĩ suy và bị dính theo những cản xúc này nọ liên tục—rõ ràng giống như con trâu. Nó có béng mảng qua lại, ta phải luôn để mắt theo dõi nó. Nếu nó bước qua ruộng lúa, la lên. Nếu nó không nghe, lấy roi quất nó. Đó là cách dập ngay tham dục của nó.
Tu tập cái tâm cũng không khác. Khi tâm trải nghiệm một cảm xúc và cứ dính theo đó, công việc của sự-biết là dạy dỗ cái tâm. Xem xét trạng thái đó để coi đó là tốt hay xấu. Giải thích cho tâm hiểu cách lý nhân-quả hoạt động. Và khi tâm gặp cái gì nó cho là đáng quý và bám dính theo đó, sự-biết phải tiếp tục dạy cho tâm hiểu lý nhân quả, cho đến khi tâm hiểu được (trí tuệ) và dẹp bỏ thứ đó qua một bên. Điều này dẫn đến sự bình an của tâm. Sau khi tìm thấy rằng tất cả những gì tâm cố nắm giữ và tham đắm đều là những thứ không đáng có, toàn là những thứ tự trong bản chất là bất toại nguyện, nhờ đó tâm dừng lại, không còn phóng theo những thứ đó. Nó không còn màng đến những thứ đó nữa. Dẹp bỏ dục vọng của tâm với một sự quyết tâm. Thách đấu với nó đến tận gốc rễ của nó, cho đến khi những giáo lý (của Phật) thấm sâu vào trong trái tim. Đó là cách chúng ta huấn luyện cái tâm.
Từ lúc tôi rút vô rừng để tu thiền, tôi đã tập luyện như vậy. Khi tôi dạy những học trò của tôi tu tập, tôi cũng dạy họ tu như vậy. Bởi vì tôi muốn họ nhìn thấy sự thật, chứ không phải chỉ biết những điều trong kinh sách. Tôi muốn họ nhìn thấy tâm của họ đã được giải thoát khỏi những nghĩ suy đầy khái niệm hay chưa. Khi nào có sự giải thoát, ta biết; và khi nào chưa có sự giải thoát, thì phải tiếp tục quán xét cái tiến trình nhân quả diễn biến ra sao từ sự này đến sự khác. Quán sát cho đến khi các thầy biết rõ và hiểu rõ về nó một cách thấu suốt. Khi một sự việc khởi sinh được soi chiếu bằng trí tuệ thì nó sẽ tự nó tan diệt. Khi có sự gì khởi sinh khi đang tu tập và ta bị kẹt ỏ đó, hãy quán xét điều tra về nó là gì. Đừng bao giờ bỏ lơ hay bỏ qua nó, cứ tiếp tục điều tra cho đến khi tự nó phai biến. Cứ liên tục điều tra ngay chỗ này. Cá nhân tôi, đây là cách tôi tiếp cận việc tu tập, bởi Phật đã dạy rằng chúng ta phải tự mình thấy biết cho chính mình. Tất cả những bậc tu hành đều tự mình thấy biết sự thật. Các thầy cũng phải tự khám phá để tự mình thấy biết từ trong tận trái tim mình. Tự mình thấy biết.
Nếu các thầy tự tin vào những điều mình thấy biết và tin tưởng vào chính mình, thì dù ai nói ngã nói nghiêng hay chỉ trích gì gì, các thầy vẫn bình tâm thư thái. Tại sao? Vì các thầy tự biết rõ chính mình. Nếu có ai khen nịnh các thầy, nhưng các thầy tự biết mình không phải được như vậy, vậy các thầy có tin lời khen đó không? Dĩ nhiên không. Các thầy cứ tiếp tục việc tu tập của mình. Nếu ai không tự tin vào chính mình thì khi có ai khen ngợi, họ sẽ thấy khoái sướng và tin ngay lời khen đó, và đó là vọng tưởng. Tương tự, nếu có ai chê trách mình, hãy nhìn lại và xem xét mình: ”Không, điều họ nói là không đúng. Họ quy kết mình như vậy, nhưng mình không phải vậy. Lời họ nói là không đúng”. Nếu đã biết nhìn lại mình và hiểu được như vậy, sao còn phải đi bực tức giận hờn với họ làm chi nữa? Lời họ nói là không đúng, ta biết rõ còn chấp làm chi nữa. Nhưng nếu ta còn nhiều sai lỗi thiếu sót đúng như lời họ nói, thì họ đã đúng. Trong trường hợp đó họ đã đúng, ta cũng đâu có lý gì phải đi bực tức giận hờn với họ? Nếu các thầy biết nghĩ theo hai chiều tích cực như vậy, cuộc sống sẽ thực sự dễ dàng và không còn phiền não gì nữa. Chẳng điều gì xảy ra là sai cả. Mọi thứ đều là Giáo Pháp. Đó là cách tôi đã tu tập mình.
* Bài viết được trích từ bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, Thiền Sư Ajahn Chah