Tu Tập Hết Mình 

Vậy đó, tôi kể vài chuyện ngắn gọn về cách tôi đã tu. Tôi không có nhiều trí thức. Ngày xưa tôi cũng không được học hành gì nhiều. Giờ cái tôi học là trái tim này và tâm này của tôi, và tôi học theo một cách tự nhiên thông qua thực nghiệm, thông qua rút kinh nghiệm từ những chỗ tu đúng, tu sai. Khi tôi thấy thích điều gì, tôi xem xét coi điều gì đang xảy ra và nó sẽ dẫn đến đâu. Rõ ràng tôi thấy nó lôi tôi đi xa đến chỗ khổ đau. Việc tu của tôi là quan sát chính bản thân mình. Khi sự hiểu biết và sự nhìn thấy rõ ràng (minh sát) càng được sâu sắc hơn, tôi càng đi đến biết rõ về chính mình hơn. 

Tu với một sự tận tâm bất thối chuyển! Nếu muốn tu tập Giáo Pháp, thì các thầy phải bỏ bớt nghĩ suy. Nếu khi thiền tập các thầy thấy mình đang cố tu để đắc đạt kết quả gì gì đó, thì tốt hơn nên dừng lại. Mỗi khi nào tâm được tĩnh lặng và bình an, ta liền độc thoại: ”Nó đó! Phải đó là vậy không? Ta đạt đến tầng thiền rồi phải không?”, nếu nghĩ vậy thì dừng ngay. (Bạn đang tu với vọng tưởng và tham dục). Quơ hết mọi ý nghĩ phân tích và suy lý đó, gói nó lại và nhét xuống ngực. Đừng bao giờ lôi nó ra để lý sự, suy lý gì gì nữa. Đó không phải là loại hiểu biết dùng để thâm nhập vào trong tâm. Đó là những loại hiểu biết khác, đó là những hiểu biết trí thức, suy lý, bề ngoài. 

Khi hiện thực của điều gì được nhìn thấy, nó không phải giống như đã được mô tả trong kinh sách. Ví dụ, khi ta viết về ”tham”, tham dục, nhục dục, dục vọng khoái lạc giác quan, thì những chữ viết đó không thể nào chuyển tải hết ý nghĩa của thực tại của tính tham đó trong tâm. Chữ ”sân” cũng vậy, đó chỉ là danh từ chung ta viết để cố miêu tả những thói tâm ô nhiễm nặng đô thứ hai bên trong tâm thôi. Chữ sân ta viết trên bảng đen, nhưng thực sự chúng ta trải nghiệm sân ra sao thì không thể giống y như nhau. Chúng ta thậm chí không kịp đọc những chữ viết đó khi tâm đang sân giận, điên tiếc. 

Chỗ này là chỗ cực kỳ quan trọng. Những giáo lý là đúng, nhưng điều cốt lõi là phải biết đưa giáo lý đó vào trong tim mình. Nó phải được nội tâm hóa. Nếu Giáo Pháp không được đưa vào trái tim thì nó sẽ không được biết một cách thực thụ. Nó sẽ không được thấy một cách thực thụ. Tôi cũng vậy. Tôi không học rộng về kinh điển, nhưng tôi chỉ học đủ căn bản để thi qua kỳ thi sát hạch giáo lý Phật giáo. Một ngày kia tôi có duyên được nghe bài giảng pháp từ một thiền sư. Khi tôi nghe, một vài ý nghĩ thiếu tôn trọng đã khởi lên. Lúc đó tôi chưa biết cách lắng nghe Giáo Pháp. Tôi chẳng hiểu vị thiền sư lang thang đó đang nói gì. Ông ta đang nói như thể giáo lý đó có từ kinh nghiệm trực tiếp của ông ta vậy, cứ như ông ta là đại diện cho sự thật vậy. Bởi vậy nên tôi không hoàn toàn tin. 

Thời gian trôi qua, tôi đạt được ít nhiều trải nghiệm ban đầu, tôi đã tự mình nhìn thấy sự thật cho chính mình, đó là những sự thật mà vị thiền sư kia đã nói trước đó. Tôi hiểu được cách hiểu biết. Sau hiểu biết thì trí tuệ theo sau ngay tại đó. Giáo Pháp đã bén rễ từ trong tâm và trái tim của tôi. Thật lâu, rất lâu sau đó tôi mới nhận thấy được những điều vị thiền sư đó đã nói là nói từ sự tự thân thấy biết của mình. Giáo Pháp vị ấy đã giảng là đúng trực tiếp từ sự trải nghiệm của chính vị ấy, không phải từ kinh sách. Vị ấy nói theo sự hiểu biết và trí tuệ nhìn thấy của chính mình. Khi tôi tự mình bước đi trên con đường Đạo, tôi đã gặp lại mọi điều mà vị thiền sư đó đã mô tả trước đó, và tôi phải thừa nhận rằng vị ấy đã nói đúng. Vậy đó, tôi tiếp tục tu và khám phá như vậy. 

Hãy cố gắng tranh thủ mọi cơ hội để đưa nỗ lực vào sự tu tập. Dù tu có được bình an hay không, đừng nghĩ gì lúc này. Ưu tiên hàng đầu là phải nỗ lực tu hành, phải chuyển động bánh xe tu tập và tạo ra những nhân cho kết quả giải thoát sau này. Nếu bạn làm đúng việc tu tập, bạn không cần phải lo lắng về kết quả. Đừng lo lắng tại sao ta vẫn chưa chứng đắc kết quả này nọ. Lo lắng là bất an, là không bình an. Thử nghĩ, nếu bạn không lo tu tập đúng đắn thì lấy gì mà trông đợi kết quả? Chỉ có người biết tu biết khám phá thì mới có thể tìm thấy kết quả. Chỉ có người tự ăn mới tự mình biết no. Mọi thứ xung quanh đều đánh lừa chúng ta. Đúng không, nhận biết lẽ thật này cho đến mười lần cũng không thừa. Mọi thứ xung quanh đều đánh lừa chúng ta. Cũng một ‘sư cụ’ đó cứ đánh lừa và giả dối với ta hoài hoài. Nếu chúng ta biết ổng đang nói dối, điều đó không tệ, nhưng cũng có thể phải rất lâu sau đó ta mới nhận ra ổng nói dối. Cũng một ông bạn cũ cứ đánh lừa ta hoài từ trước đến giờ. Mọi thứ xung quanh ta nhìn thấy hàng ngày cứ luôn đánh lừa ta. 

Tu tập theo Giáo Pháp có nghĩa là củng cố đức hạnh (giới), phát triển định lực (định) và tu dưỡng trí tuệ (tuệ) trong tâm ta. Tưởng niệm và quán chiếu về Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Buông bỏ tất cả mọi thứ, không ngoại lệ thứ gì. Những hành động của chúng ta là nguyên nhân và điều kiện [nhân và duyên] sẽ kết thành trái quả ngay trong kiếp sống này. Do vậy, hãy nỗ lực tu với sự thành tâm. 

Ngay cả khi ngồi trên ghế chúng ta vẫn có thể tập trung sự chú tâm. Ngay lúc mới tu, chúng ta không cần phải chú tâm đến nhiều thứ– chỉ cần chú tâm vào hơi thở. Nếu chúng ta thích, chúng ta có thể niệm chữ ”Buddha” [Đức Phật], hay ”Dhamma” [Giáo Pháp], hay ”Sangha” [Tăng đoàn] theo nhịp hơi thở theo ý chúng ta. Khi tập trung chú tâm, nhất quyết đừng kiểm soát hơi thở. Cứ để hởi thở tự nó thở tự nhiên. Nếu hơi thở có vẻ chậm mệt hay khó chịu thì đó là do ta đang tiếp cận nó không đúng cách. Khi nào chúng ta còn chưa thấy thoải mái dễ chịu với hơi thở, nó cứ luôn lúc quá ngắn, lúc quá dài, hoặc lúc sâu lúc cạn, lúc nhẹ lúc nặng. Tuy nhiên, khi ta chúng ta thư giãn với hơi thở, chúng ta sẽ thấy dễ chịu và thoải mái, dễ ý thức rõ từng hơi thở vào và hơi thở ra, thì lúc đó chúng ta đã theo được hơi thở. Nếu chúng ta không làm đúng, chúng ta sẽ lạc mất hơi thở. Nếu điều đó xảy ra, tốt hơn nên ngừng lại chốc lát, và tập trung sự chú tâm trở lại. 

Nếu trong khi thiền các thầy tự nhiên trải nghiệm những hiện tượng thần thông siêu thường, hoặc thấy tâm bừng sáng và phát sáng, hoặc thấy hình ảnh nơi thiên cung cõi trời, vân vân, lúc đó không cần phải sửng sốt hay sợ hãi gì hết. Cứ đơn thuần tỉnh giác biết những gì mình đang trải nghiệm, và cứ tiếp tục thiền. Nhiều lúc, hơi thở có thể như chậm lại hoặc như ngừng thở luôn. Có cảm nhận rằng hơi thở dường như biến mất và người tu có thể sửng sờ hay sợ hãi về điều đó. Các thầy có thể chỉ nghĩ rằng hơi thở đã ngừng thở. Thực ra hơi thở vẫn còn đó, nhưng nó hoạt động ở một mức độ vi tế nhẹ tênh hơn lúc bình thường. Cứ từ từ rồi hơi thở sẽ tự nó trở lại như bình thường. 

Ngay từ đầu, chỉ cần tập trung vào việc làm cho tâm được tĩnh lặng và bình an. Dù đang ngồi trên ghế, đang lái xe, đang ngồi trên thuyền, hoặc đang làm gì đó, lúc nào rảnh tay ngồi yên thì các thầy nên biết cách thiền ngay. Khi bước lên tàu lửa vừa ngồi xuống, hãy tranh thủ đưa tâm vào trạng thái bình lặng. Dù đang ở đâu, các thầy vẫn có thể tranh thủ ngồi thiền. Khi đã đạt đến thói quen và mức độ thiền tập như vậy, thì coi như các thầy đã quen thuộc với con đường Đạo. 

Rồi sau đó bắt đầu tập điều tra, suy xét. Vận dụng năng lực của cái tâm đang được bình an đó để điều tra tìm hiểu cái mình đang trải nghiệm. Có lúc, đó là cái bạn nhìn thấy; có lúc đó là cái bạn nghe thấy, hoặc ngửi thấy, hoặc nếm thấy, hoặc cảm thấy bằng thân (chạm thấy), hoặc nghĩ hay cảm thấy trong tâm. Bất cứ trải nghiệm giác quan nào có mặt—dù ta thích hay không thích—cứ lấy nó để quán xét. Cứ đơn thuần tìm hiểu và biết cái mình đang trải nghiệm. Đừng phóng tác ý nghĩa hay chủ quan diễn dịch về những đối tượng giác quan đó—những đối tượng giác quan đó là để chúng ta quán xét và biết về nó, chứ không phải để chúng ta suy diễn hay phản ứng này nọ theo nó. Nếu cái đó tốt, chỉ cần biết nó tốt. Nếu cái đó là xấu, chỉ cần biết là nó xấu. Đó chỉ là thực tại quy ước, thực tại của sự sống thế gian. Dù tốt hay xấu, tất cả chỉ là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Tất cả đều tùy thuộc phát sinh và giả tạm, duyên sinh và có rồi mất. Chẳng có thứ gì trong đó đáng để ta nắm giữ hay dính theo nó. Nếu các thầy duy trì cách tu tập với sự bình an và quán xét như vậy, trí tuệ hiểu biết sẽ tự động khởi sinh lên thôi. Tất cả mọi thứ được cảm nhận và trải nghiệm qua các giác quan đều rớt vào ba cái lổ sâu là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Tất cả không ngoài ba dặc tính bao trùm đó của mọi sự sống. Ngay chỗ này chính là thiền minh sát (vipassanā). Tâm đã được bình an, và hễ khi có trạng thái ô nhiễm nào nổi lên trong tâm, thì ta giục nó vào ba cái lổ rác đó, (giống như người ở trên nhà cao tầng quăng bịch rác vào ống đỏ rác để nó rớt xuống thùng rác dưới đất để người ta chở đi bỏ vĩnh viễn). Khi có trải nghiệm nào hay nhận thức (niệm, vọng tưởng) nào khởi lên, dẹp bỏ nó ngay, bởi nó chắc chắn là vô thường, khổ, và chẳng là gì cả. Đây là chỗ cốt lõi của thiền minh sát (vipassanā): giục bỏ, dẹp bỏ tất cả mọi thứ vào ba lổ rác “vô thường, bất toại nguyện (khổ), và vô ngã”. Tốt, sướng, xấu, kinh khủng, ghê tởm, hay bất cứ là gì, giục bỏ hết xuống hố rác. Không bao lâu sau đó, sự hiểu biết và trí tuệ minh sát sẽ nổi lên ngay chính giữa đồng rác bao trùm của của ba đặc tính đó—đó là trí tuệ mới hé lên, như ánh sáng hừng đông mới hé sáng mờ mờ ở nơi chân trời xa. Ở giai đoạn ban đầu này, trí tuệ vẫn còn yếu và mới hé, nhưng chính lúc này các thầy phải duy trì sự tu tập một cách đều đặn, kiên định. Chỗ này thực tế, nhưng khó diễn đạt bằng lời; nhưng ví dụ thì rất dễ: cũng giống như có người muốn biết nhiều về tôi, thì người đó đến đây ở đều đặn và thường xuyên, rồi dần dần sẽ biết rõ về tôi. Cứ tu và duy trì trạng thái hé mở trí tuệ đó, dần dần trí tuệ siêu việt hơn sẽ tự khởi sinh và sáng bừng hơn trong tâm bạn. Lý tu chỗ này là vậy. Sự đều đặn và kiên định.

 

* Bài viết được trích từ bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, Thiền Sư Ajahn Chah

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app