Làm Việc Hợp Theo Lẽ Tự Nhiên 

Khi chúng ta bắt đầu nắm giữ sự bình an và tĩnh lặng, mà chúng ta phát triển bằng thiền tập, để quán xét mọi thứ, thì trí tuệ sẽ khởi sinh. Đây tôi gọi là trí tuệ minh sát. Đây là vipassanā. Đó không phải là thứ được tạo tác hay được chế ra. Nếu chúng ta khôn khéo, trí tuệ minh sát sẽ tự nhiên có và tự phát triển. Chúng ta không cần phải đặt tên dán nhãn cho cái đang diễn ra. Nếu chỉ có một ít trí tuệ minh sát, ta gọi đó là trí tuệ minh sát nhỏ, vipassanā nhỏ”. Khi sự nhìn rõ (minh sát) tăng lên chút nữa, ta gọi đó là trí tuệ minh sát vừa, vipassanā vừa. Nếu sự hiểu biết đã sáng rõ hoàn toàn theo đúng với lẽ thực của Sự Thật, ta gọi đó là trí tuệ minh sát hoàn toàn, hay vipassanā rốt ráo. Theo cá nhân tôi, tôi thích dùng chữ trí tuệ paññā (bát-nhã) hơn là chữ trí tuệ vipassanā (minh sát). Nếu chúng ta nghĩ ta ngồi và thực hành “thiền minh sát”, thì điều đó đã gây khó khăn cho ta. (Thực ra chúng ta không thể làm ra hay tạo tác ra minh sát tuệ!). Trí tuệ minh sát phải được tiến triển từ sự bình an và tĩnh lặng. Toàn bộ tiến trình diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên theo đường lối tự nhiên của nó. Chúng ta không thể chủ động làm ra nó hay thúc ép để có nó. 

Phật đã dạy rằng tiến trình đó tự nó chín muồi theo tốc độ của nó. Sau khi đã tu được đến mức này, chúng ta cứ để yên cho nó tự tiến triển tùy theo những khả năng và khuynh hướng tự nhiên của nó, và tùy theo công đức mà chúng ta đã tích lũy được trong quá khứ. Nhưng chúng ta không được bớt nỗ lực trong tu tập. Tiến trình dù nhanh hay chậm, đốn ngộ hay tiệm ngộ gì đó, là nằm ngoài khả năng kiểm soát và ý muốn của chúng ta. Cũng giống như khi trồng cái cây. Cây tự nó biết lớn lên theo tốc độ tự nhiên của nó. Nếu chúng ta muốn nó lớn thật nhanh thì đó chỉ là sự ngu si mà thôi. Nếu chúng ta làm đúng việc của mình, kết quả sớm muộn gì cũng có – cũng giống như việc trồng một cái cây. (Nếu cứ siêng năng tu tập đúng đắn, kết quả sớm muộn gì cũng có, sớm hay muộn còn phụ thuộc vào nhiều căn cơ tự nhiên, khuynh hướng bẩm sinh và công đức trong quá khứ, như đã nói trên). Ví dụ, chúng ta trồng cây ớt. Việc chúng ta cần làm đúng là đào lổ, gieo hột, bón phân, tưới nước cho nó và bảo vệ nó khỏi sâu rầy. Ta siêng năng làm đúng công việc vun trồng đó, như vậy là đủ. Ngay chỗ này sẽ có mặt lòng tin. (Làm đúng, tu đúng thì sẽ khởi sinh lòng tin đúng đắn). Dù cây ớt có mọc được hay không, mọc chậm, mọc nhanh, ra trái nhanh hay chậm là còn tùy do nó. Đó không phải việc của ta. Nó đâu mọc theo ý muốn của ta. Chúng ta không thể nắm kéo cho nó lớn cao lên mau, đó không phải cách của tự nhiên. Việc chúng ta làm đúng và đều đặn là tưới nước và chăm bón cho nó. Còn nó lớn lên nhanh chậm và kết quả nhanh chậm là ngoài khả năng và ý muốn của ta. Việc tu tập theo Giáo Pháp cũng như vậy đó, ta nên thực hành theo hướng dẫn của Giáo Pháp, và hãy để cho tâm tự nhiên và thư thả theo đường lối của nó. 

Nếu chúng ta chứng đắc giác ngộ trong kiếp này, điều đó quá tốt. Nếu phải chờ đến kiếp sau, điều đó cũng chẳng sao. Miễn sao chúng ta đã có lòng tin và sự cam kết bất thoái chuyển vào Giáo Pháp. Nhanh hay chậm, đốn hay tiệm gì gì đó, là tùy theo những căn cơ bản năng và huynh hướng bẩm sinh, và những công đức tích lũy từ trước đến nay. Tu tập theo hướng này và sự tin tưởng này càng làm cho trái tim và tâm được thư thái. Cũng giống như đi xe ngựa, đừng đẩy xe trước ngựa, hãy ngồi yên chờ ngựa kéo đi. Cũng giống như cày ruộng vậy, đừng đi trước con trâu, phải cầm cày đi sau và để cho trâu kéo. Điều tôi đang nói đây có nghĩa là tâm nó luôn luôn đi trước nó. Nếu người tu muốn có kết quả nhanh là thiếu kiên nhẫn. Đó không phải là cách, dù muốn nhanh cũng đâu được, hay càng nôn nóng thì càng chậm thêm. Đó không phải cách đúng. Đừng có đi trước con trâu. Bạn phải đi sau con trâu. 

Cũng giống như tiến trình lớn lên của cây ớt. Tưới nước và chăm bón cho nó, nó tự hút chất dinh dưỡng và lớn lên. Khi có kiến hay sâu rầy đến phá, đuổi sâu rầy đi. Chỉ cần làm đúng như vậy thì cây ớt có thể lớn đẹp. Và khi nó đã lớn đẹp, đừng cố o ép nó ra hoa kết trái nhanh nhanh theo ý ta. Việc đó đâu phải việc của ta. Cứ nôn nóng chỉ tạo ra khổ đau vô ích. Cứ để yên cho nó tự nở hoa kết quả theo tốc độ của nó. Rồi khi nó ra trái cũng đừng có muốn nó phải chín nhanh để ta có ăn. Đừng có o ép hay thúc giục điều gì. Điều đó chỉ gây ra khổ cho mình! Khi hiểu được những ví dụ tự nhiên này, chúng ta hiểu được trách nhiệm chúng ta là gì và những gì không phải là việc của ta. (Cái gì cần tu thì ta làm; những gì không tự nhiên và không nên làm thì đừng làm). Mỗi người có mỗi bổn phận để hoàn thành, bổn phận là phải lo tu tập siêng năng và đúng đắn. Còn việc gì đến sẽ đến. Cái tâm tự hiểu được vai trò của nó phải làm việc gì. Nếu tâm không hiểu được vai trò của nó nên làm gì, thì người tu sẽ suốt ngày ngồi bên cây ớt thúc ép nó ra trái và chín nhanh. Tâm mình cứ suốt ngày không lo tu mà cứ thúc muốn cây ớt phải lớn nhanh, ra trái nhanh. 

Chỗ này không phải ở đâu xa mà ngay trong Diệu Đế thứ hai của Phật: tham muốn dục vọng gây ra khổ. Đó là chân lý về nguyên nhân nguồn gốc của khổ. Nếu chúng ta đã hiểu căn bản về chân lý này, vậy chúng ta thấy rằng việc thúc ép mong muốn có kết quả sớm trong khi tu tập là điều ngu si, bởi nó chỉ tạo ra khổ. Đó là cách sai. Hiểu cách tâm vận hành và buông bỏ nó và để cho mọi sự tự chín muồi tùy theo những căn cơ bẩm sinh, bản năng, và những công đức tích lũy mà chúng ta đã tích lũy trước giờ. Chúng ta cứ tiếp tục làm việc của mình, cứ lo tu đều tu đúng. Đừng lo kết quả có sớm hay trễ. Cho dù phải mất một trăm kiếp hay một ngàn kiếp mới giác ngộ, thì có sao đâu? (Bởi có muốn nhanh hơn cũng đâu làm gì được, mà cứ lo muốn nhanh hơn thì việc tu càng sai lạc và lại càng trễ hơn nhiều). Dù phải tốn bao nhiêu kiếp, ta cứ giữ việc tu tập với một trái tim thư thái theo bước tu của mình. Rồi một lúc nào đó, tâm lọt vào dòng thánh đạo (nhập lưu), lúc đó thì không còn lo lắng lo sợ gì nữa. Lúc đó đã vượt qua hết rồi, ta không còn lo về một hành động bất thiện nhỏ nhặt nào nữa. Phật đã nói rằng tâm của một người nhập lưu (sotāpanna, Tu-đà-hoàn), tức người đã chứng đắc tầng thánh quả đầu tiên, tâm của người đó đã nhập vào dòng chảy Giáo Pháp hướng về phía giác ngộ hoàn toàn. Những nhập lưu không còn bị rớt vào những cảnh giới thấp xấu khổ đau, không còn rớt vào cảnh giới địa ngục. Làm sao họ có thể rớt vào cảnh giới địa ngục khi tâm của họ đã dẹp bỏ những điều xấu ác bất thiện? Những người đó đã nhìn thấy mối hiểm họa của những hành động (nghiệp) xấu ác. Giờ họ đã nhập lưu thành bậc thánh nhân, giờ bạn có cố ép họ làm hay nói điều gì bất thiện họ cũng không còn khả năng làm nữa, do vậy họ đâu còn cơ hội nào để bị rớt xuống cảnh giới thấp xấu hay địa ngục nữa. Bởi tâm họ đang trôi chảy theo dòng thánh đạo, dòng chảy của Giáo Pháp. 

Một khi người tu đã bước vào dòng thánh đạo, người đó biết những trách nhiệm của mình là gì. Người đó biết mình phải làm gì đúng đắn. Người đó biết phải tu tập ra sao. Người đó biết lúc nào cần nỗ lực cố gắng và lúc nào cần thư thả. Người đó hiểu biết thân và tâm của mình, hiểu biết tiến trình thân và tâm, và biết từ bỏ những gì cần phải được từ bỏ, và liên tục từ bỏ cho đến khi không còn một chút nghi ngờ.

 

* Bài viết được trích từ bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, Thiền Sư Ajahn Chah

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app