Quyển 8
SỰ BÌNH AN KHÔNG LAY CHUYỂN
- Sự Bình An Không Lay Chuyển
85. Sự Bình An Không Lay Chuyển
Toàn bộ lý do để học Giáo Pháp, những giáo lý của Đức Phật, là để tìm ra cách vượt qua khổ và đạt đến sự bình an và hạnh phúc. Dù chúng ta có nghiên cứu những hiện tượng của thân hay tâm, nghiên cứu tâm (citta) hay những yếu tố tâm lý của nó (tâm sở, cetasika), thì chỉ khi nào chúng ta đạt được sự giải thoát khỏi khổ là mục tiêu rốt ráo của việc tu hành, thì lúc đó chúng ta mới thực sự đang đi đúng con đường: phải vậy mới được. Khổ có mặt vì có nguyên nhân và điều kiện [nhân và duyên] của nó.
Nên hiểu rằng khi tâm được tĩnh tại là nó đang ở trong trạng thái tự nhiên bình thường của nó. Ngay khi tâm động vọng thì nó trở nên có điều kiện, nó trở thành hữu vi (sankhāra). Khi tâm bị hấp dẫn theo thứ gì thì nó bị điều kiện tác động. Khi sân khởi sinh, tâm bị tác động. Ý muốn chuyển động chỗ này chỗ nọ khởi sinh từ sự tác động. Nếu sự tỉnh giác của chúng ta không theo kịp với những sự phóng túng đó của tâm khi chúng xảy ra, thì tâm cứ chạy theo chúng và bị tác động bởi chúng. Mỗi khi tâm chuyển động, thì ngay lúc đó, nó trở thành một thực tại theo quy ước.
Do vậy, Phật đã dạy chúng ta phải quán sát những điều kiện tác động này nọ của tâm. Mỗi khi tâm chuyển động, nó trở thành không ổn định và vô thường (anicca), khổ (dukkha), và vô ngã, không thể coi là một cái ‘ta’ nào cả (anattā). Đây là ba đặc tính phổ quát của tất cả mọi hiện tượng có điều kiện (mọi pháp hữu vi). Phật dạy chúng ta quán sát và quán xét những chuyển động đó của tâm.
Điều này giống như giáo lý về sự khởi sinh tùy thuộc, tức chuỗi nhân-duyên (paticca-samuppāda): sự trong đó, hiểu biết ngu mờ (vô minh, avijjā) là nhân duyên làm khởi sinh những ý hành tạo tác tạo nghiệp (hành, sankhāra); cái này lại là nhân duyên làm khởi sinh phần thức của một chúng sinh (thức, viññāna); rồi thức này là nhân duyên làm khởi sinh phần tâm trí và vật chất của chúng sinh đó (danh-sắc, nāma-rūpa), và vân vân…, như chúng ta đã học trong kinh điển. Phật đã phân chia thành từng mỗi mắc xích của cái vòng nhân-duyên để chúng ta dễ học hiểu. Đây là cách mô tả chính xác về thực tại, nhưng khi cái tiến trình này diễn ra trong sự sống thực, các học giả hàn lâm không còn theo kịp với những gì đang diễn ra. Giống như khi ta bị té xuống từ ngọn cây. Chúng ta đâu còn biết có bao nhiêu nhánh cây chúng ta đã qua trên đường té xuống đất, vì té quá nhanh. Tương tự vậy, khi tâm bất ngờ bị chạm bởi một nhận thức của tâm (tưởng, tâm tưởng), nếu nó thấy thích thì nó bay bổng trong một trạng thái tốt. Nó chỉ coi đó là tốt nhưng nó không hề biết đến một chuỗi những điều kiện tác động đã xảy ra và gây ra nhận thức đó. Tiến trình nhân duyên đó diễn ra theo đúng như đã được mô tả lý thuyết trong kinh sách, nhưng nó hoàn toàn vượt qua những giới hạn của lý thuyết đó.
Chẳng có gì để có thể chỉ ra: ”Đây là vô minh, Đây là cách hành tạo tác, và Đây là phần thức”. Tiến trình không cho các học giả một cơ hội nào để đọc ra thứ tự những phần hay mắc xích đang diễn ra. Mặc dù Phật đã phân tách và giải thích trình tự diễn tiến của những khoảng-khắc tâm (sát-na) theo từng chi tiết vi nhỏ nhất, nhưng đối với tôi tiến trình đó xảy ra chẳng khác nào như cú té cây. Sau khi nghe cái bịch, làm gì ta có thể biết mình đã rớt bao nhiêu thước bao nhiêu tấc từ ngọn cây. Cái chúng ta biết khi té xuống đất là cái bịch và đau!. Chỉ vậy thôi.
Tâm cũng như vậy. Khi nó té ngã vì thứ gì, ta chỉ ý thức biết được đó là khổ đau. Những sự khổ, đau, buồn, rầu, sầu, não và tuyệt vọng có từ đâu? Nó không đến từ lý thuyết trong kinh sách. Chúng ta chẳng bắt kịp chỗ nào và viết ra những chỗ đã tạo ra sự khổ đau. Sự khổ đau của chúng ta không xảy ra tương ứng chính xác theo lý thuyết, nhưng tiến trình thực xảy ra và trình tự trong lý thuyết chỉ giống như hai kẻ đồng hành trên một con đường mà thôi. Vì vậy, sự học thuật học giả là không thể nào theo kịp với thực tại. Vì lý do này nên Phật đã dạy chúng ta phải tự mình tu dưỡng sự hiểu biết rõ ràng. Bất cứ sự gì khởi sinh, nó khởi sinh xảy ra trong sự biết này. Rồi cái (người-) biết đó khi biết thì biết theo đúng lẽ với sự thật, và như vậy thì cái tâm và những yếu tố liên hợp với nó (tức tâm sở) không phải là cái ‘của ta’. Do vậy, cuối cùng thì tất cả những hiện tượng đó sẽ bị dẹp bỏ và bỏ đi như rác rưởi vô giá trị. Chúng ta không cần phải dính líu theo chúng, không cần phải coi chúng là ‘cái gì’. Buông bỏ, dẹp bỏ qua một bên.
Lý Thuyết và Thực Tại
Đức Phật không dạy về cái tâm và những yếu tố liên hợp của tâm [tâm và tâm sở], do vậy chỉ có chúng ta bị dính vào những khái niệm đó. Ý dạy duy nhất của Phật là muốn chúng ta nhận biết chúng là vô thường, khổ, và vô ngã. Rồi buông bỏ chúng. Dẹp chúng qua một bên. Chỉ cần ý thức biết chúng khi chúng đang khởi sinh. Cái tâm này vốn đã bị tác dộng điều kiện, vốn đã thành hữu vi rồi. Nó đã bị dẫn dắt và tác động nên đã bị lạc lối và bị mất thắng (mất tự chủ) khỏi trạng thái tỉnh giác tinh khiết. Ngay khi nó trượt thắng, nó tạo ra những hiện tượng có điều kiện (hữu vi) lại tiếp tục tác động lên cái tâm, và sự phóng tâm cứ vậy mà diễn ra liên tục. Chính tiến trình nhân duyên này liên tục khởi sinh ra những thứ tốt, xấu, thiện, ác và mọi sự khác như chúng ta đã thấy. Phật dạy chúng ta phải giục bỏ tất cả, tức dẹp bỏ cái tiến trình đó. Tuy nhiên, lúc đầu chúng ta phải làm quen với lý thuyết để sau này chúng ta có khả năng giục bỏ nó ở giai đoạn sau. Đây là một tiến trình tự nhiên. Tâm chỉ đơn giản đang diễn ra theo đường lối tự nhiên đó. Những yếu tố tâm lý (tâm sở) cũng đang diễn ra theo cách tự nhiên đó.
Lấy ví dụ về Con đường Tám phần (Bát Thánh Đạo). Khi trí tuệ (paññā) nhìn thấy mọi thứ mọi sự một cách đúng đắn bằng sự minh sát, cái nhìn đúng đắn (chánh kiến) này sẽ dẫn đến ý hành đúng đắn (chánh tư duy), lời nói đúng đắn (chánh ngữ), hành động đúng đắn (chánh nghiệp), và chánh vân vân. Tất cả những điều này liên quan đến những điều kiện tâm lý khởi sinh từ một sự tỉnh giác hiểu biết tinh khiết. Sự hiểu biết này giống như cái đèn lồng treo bên lối đi trong đêm tối. Nếu cái đèn treo đúng, nếu sự hiểu biết là đúng đắn, thì nó sẽ tỏa sáng và chiếu sáng từng bậc từng bước chỗ lối đi.
Bất cứ thứ gì ta trải nghiệm, nó đều khởi sinh từ bên trong sự biết này. Nếu tâm không có thì sự biết này cũng không có. Tất cả mọi sự ở đây chỉ là những hiện tượng của tâm. Như Phật đã nói, tâm chỉ là tâm. Nó không phải là một ‘con người’, một cái ‘ta’, là ‘mình’ hay là bản ‘ngã’ của mình; chẳng là một ‘ai’ cả. Chẳng là cái ‘người’ này hay ‘người’ nọ nào cả. Giáo Pháp chỉ là Giáo Pháp. Nó là tự nhiên, là tiến trình vô chủ thể, là vô ngã. Nó không phụ thuộc vào ‘ta’, ‘chúng ta’ hay vào ‘ai’ cả. Nó chẳng là ‘cái gì’ cả. Bất cứ thứ gì một người trải nghiệm thì đó chỉ là một trong năm uẩn (khandha): thân (sắc), cảm giác (thọ), nhận thức (tưởng), ý nghĩ (hành) và tâm thức (thức). Đức Phật dạy phải buông bỏ nó, buông bỏ trải nghiệm đó, buông bỏ mọi thứ thuộc về năm uẩn này.
Thiền giống như chiếc đũa. Trí tuệ minh sát (vipassanā) là một đầu và sự tĩnh lặng hay thiền định (samatha) là một đầu. Khi ta cầm chiếc đũa lên, một đầu này nhấc lên thì đầu kia cũng lên theo, đúng không? Vậy đầu nào là thiền tuệ minh sát (vipassanā) và đầu nào là thiền định (samatha)? Đầu nào là đầu, đầu nào là cuối? Cả hai đều là tâm. Khi tâm được bình an, đầu tiên sự bình an có được là nhờ sự tĩnh lặng của thiền định (samatha). Ta tập trung và hợp nhất tâm vào những trạng thái bình an của thiền, gọi là trạng thái định (samādhi). Tuy nhiên, nếu sự bình an và tĩnh tạo của định phai biến dần, thì khổ sẽ khởi sinh trở lại ngay đó. Tại sao vậy? Bởi sự bình an có được chỉ từ thiền định thì vẫn còn dựa trên sự dính chấp. Và sự dính chấp này có thể là một nguyên nhân của khổ. Cho nên, sự tĩnh lặng hay định chưa phải là phần kết cục của con đường đạo. Đức Phật đã nhìn thấy điều này từ chính sự trải nghiệm của mình rằng: sự bình an loại đó là chưa rốt ráo, là chưa tột cùng. Những nguyên nhân nằm bên dưới tiến trình sinh hữu (bhava) đã chưa được đưa đến ngừng diệt (nirodha). Những điều kiện [nhân duyên] gây ra tái sinh vẫn còn đó. Sự nghiệp tu hành tâm linh của người tu lúc đó vẫn chưa đạt đến mức hoàn thiện. Tại sao? Tại vẫn còn khổ hoặc bóng dáng khổ. Do vậy, từ cơ sở sự tĩnh lặng của thiền định đó, người tu cần phải nên tiến lên quán xét, điều tra, và phân tích bản chất có điều kiện của thực tại hữu vi cho đến khi nào người ấy không còn bất kỳ sự dính chấp nào nữa— ngay cả sự dính chấp vào sự tĩnh lặng của thiền định cũng không còn. Sự tĩnh lặng hay định vẫn còn là một phần của thế giới hữu vi có điều kiện và thực tại theo quy ước. Dính chấp vào loại bình an này là sự dính chấp vào thực tại theo quy ước; và chừng nào ta còn dính chấp vào đó, thì ta vẫn còn bị sa lầy trong vòng sinh tử. Sự tham đắm vào sự bình an của thiền định vẫn còn dẫn dắt đi tiếp trong luân hồi sinh tử. Thường khi sự bất an và động vọng của tâm lắng xuống, nó tạo ra sự tĩnh lặng và bình an, thì người tu hay bị dính đắm vào loại bình an đó.
Do vậy, Đức Phật đã xem xét những nguyên nhân và điều kiện còn gây ra sinh tử, khổ đau. Trước khi giác ngộ, khi nào Phật vẫn chưa hoàn toàn xuyên thấu vấn đề và hiểu biết sự thật thì Phật vẫn tiếp tục dò tìm sâu hơn và sâu hơn với một cái tâm bình an và tĩnh lặng, suy xét quán chiếu về cách của tất cả mọi sự bình an và bất an xảy ra. Sự điều tra suy xét của Phật cứ tiếp tục nỗ lực cho đến khi mọi thứ xuất hiện đều rất rõ ràng đối với Phật, rõ ràng và đúng toàn diện như một hòn sắt được nun đỏ mọi mặt hoàn toàn. Năm tập hợp tạo nên cái ‘con người’ được gọi là năm uẩn lúc này đã trở nên hoàn toàn rõ ràng, giống như hòn sắt đã hoàn toàn được nung đỏ từ trong ra ngoài. Khi hòn sắt đã được nun đỏ hoàn toàn từ trong ra ngoài, ta rờ đâu mà không bị cháy tay? Có chỗ nào còn ngụi lạnh không? Dù sờ bên trên, bên dưới, bên phải, bên trái đều bị cháy tay. Có thấy còn chỗ nào ngụi lạnh không? Không thể nào. Hòn sắt đã được nun đỏ hoàn toàn thì chỗ nào cũng giống nhau. Giống như sự dính chấp nào cũng đều nguy hại như nhau, và do vậy chúng ta cũng không nên dính chấp vào sự tĩnh lặng bình an do thiền định tạo ra. Nếu chúng ta nhận lầm loại bình an đó, chúng ta cho rằng có ‘người’ được bình an và tĩnh lặng, thì điều đó càng củng cố thêm cái quan niệm sai lầm về cái ’ta’ hay một ‘linh hồn’ cố định nào đó nữa. Cái cảm nhận hay quan niệm về một cái ‘ta’ (ngã chấp) chỉ là một phần của thực tại do quy ước. Khi còn nghĩ “Ta bình an”, “Ta bất an”, “Ta tốt”, “Ta xấu”, “Ta hạnh phúc”, hay “Ta không hạnh phúc”… thì ta càng dính kẹt sâu hơn trong sinh tử. Điều đó càng thêm khổ. Khi yếu tố hạnh phúc (lạc) biến mất, chúng ta lại bất hạnh (khổ). Khi sầu não biến mất, ta lại được hạnh phúc. Rồi khi hết hạnh phúc, ta lại khổ. Hết sướng thì khổ, hết khổ thì sướng. Chúng ta cứ bị dính trong cái vòng lẩn quẩn bất tận, chúng ta cứ luân hồi đảo tới đảo lui trong thiên đường và địa ngục.
Trước khi giác ngộ, Phật đã nhận ra trong tâm mình về cái hình thái luân hồi này. Phật biết rõ những điều kiện tạo ra sinh tử vẫn chưa ngừng diệt. Sự nghiệp tu hành vẫn chưa hoàn tất. Tập trung nhìn vào tính chất có điều kiện [hữu vi] của sự sống, Phật đã quán xét đúng theo lẽ thực tự nhiên: ”Vì có nguyên nhân nên còn có sinh, vì có sinh nên có tử và tất cả mọi thứ chuyển động, đến đi, sinh diệt”. Phật đã lấy những chủ đề này để quán xét về sự thật của năm tập hợp uẩn cấu thành nên cái ‘con người’. Tất cả mọi thứ thuộc thân và tâm, mọi thứ được nhận thức và tư duy, đều là có điều kiện (tùy duyên), không ngoại trừ thứ gì. Khi Phật đã biết được lẽ thực này, Phật đã dạy chúng ta phải buông bỏ tất cả. Khi Phật biết được sự thật đó, Phật đã dạy chúng ta phải từ bỏ tất cả. Phật khích lệ mọi người hãy hiểu biết theo đúng lẽ thực của sự thật. Nếu chúng ta không hiểu đúng theo lẽ thực tự nhiên, chúng ta sẽ khổ. Chúng ta sẽ không thể buông bỏ những thứ thân tâm đó. Tuy nhiên, khi chúng ta đã nhìn thấy lẽ thực của sự thật, chúng ta sẽ nhận ra cách mọi thứ đã che mờ và dẫn lừa chúng ta như thế nào. Như Phật đã dạy: ”Tâm không có thể chất gì hết, nó không là cái gì cả”.
Tâm không phải là cái gì được sinh ra thuộc về ai hết. Nó không chết như cái ‘tâm của ai’. Tâm này là tự do, sáng tỏ, tỏa sáng, và không bị dính bất cứ vấn đề hay thứ gì hết. Lý do có vấn đề khó khổ khởi sinh là do tâm bị che mờ bởi mọi sự có điều kiện, bởi những thứ hữu vi, bị che mờ bởi cái ý niệm sai lầm về cái ‘ta’. Do vậy Phật dạy phải quan sát tâm này. Ngay từ nguyên sơ, có gì ở trong tâm? Ngay từ nguyên thủy, thực sự không có gì trong tâm. Tâm không khởi sinh với những thứ có điều kiện, và nó không chết vì những thứ đó. Khi tâm gặp thứ gì đó tốt, nó không thay đổi để trở nên tốt. Khi tâm gặp thứ gì xấu, nó cũng không xấu theo. Đó là lúc tâm có trí tuệ minh sát rõ ràng để nhìn thấu bản nhất của mọi thứ. Lúc đó có một sự hiểu biết rằng: về bản chất tâm là những trạng thái không chất liệu nào trong đó.
Trí tuệ của Đức Phật nhìn thấy tất cả mọi thứ đều là vô thường, bất toại nguyện (khổ) và vô ngã. Phật muốn chúng ta nắm vững hoàn toàn theo cách này. Sự biết thì biết theo đúng lẽ thực của sự thật. Khi nó biết sự sướng hay sự khổ, nó vẫn không động vọng. Cảm xúc hay sự động vọng theo sự sướng là một dạng sinh. Khuynh hướng theo buồn phiền là một dạng chết. Khi nào còn có chết là còn có sinh, và cái gì được sinh ra rồi cũng chết. Có sinh có diệt, có diệt có sinh. Những thứ còn sinh và diệt là còn dính trong vòng sinh thành liên tục bất tận. Khi tâm người thiền đi đến trạng thái hiểu biết được lẽ thực trên, thì sẽ không còn nghi vấn gì về sự trở thành và tái sinh tiếp diễn là có hay không. Người tu tự mình biết rõ là sẽ có, và sẽ còn tiếp diễn mãi trong vòng sinh, trở thành, và chết. Không cần phải hỏi ai khác về vấn đề này.
Đức Phật đã điều tra về mọi mặt những hiện tượng hữu vi, và nhờ đó Phật có khả năng buông bỏ tất cả chúng. Thân năm uẩn cũng buông bỏ luôn, và sự biết chỉ như một người quan sát khách quan về cái tiến trình sinh diệt của sự sống đang diễn ra. (Giống như người ngồi quan sát một trận banh một cách khác quan, không thiên vị bên nào, không bên nào là của ta hay là gì của ta cả; trò chơi tiếp diễn ta biết rõ hai bên lúc thắng lúc thua, lúc được lúc mất… ta mặc kệ và buông bỏ. Chỉ ngồi quan sát những sự thắng thua có mất đó diễn ra mà thôi. Bên nào thua hay ăn ta cũng không buồn hay vui gì cả. Ta bình tâm và buông bỏ, và chỉ ngồi quan sát). Trở lại, là người tu khi trải nghiệm điều gì tích cực, ta không trở nên tích cực theo điều đó. Ta chỉ đơn thuần quan sát và đơn thuần nhận biết điều đó. Khi trải nghiệm điều gì tiêu cực, ta cũng không bị tiêu cực theo nó. Và tại sao như vậy? Bởi vì tâm người tu lúc này đã được cắt lìa khỏi những nguyên nhân và điều kiện, nó không còn dính nhân duyên, nó không còn tùy nhân duyên. Người tu đã nhìn xuyên thấu vào Sự Thật. Những điều kiện dẫn đến tái sinh cũng không còn. Đây là một sự biết chắc chắn và đáng tin cậy. Đây là một cái tâm thực sự đang bình an. Đây là cái không còn sinh, không còn già, không còn bệnh, và không còn chết. Đây không còn nhân và quả, không còn tùy thuộc vào nhân và quả. Đây không còn phụ thuộc vào tiến trình nhân duyên mà khởi sinh. Tâm này bây giờ đã ở trên và vượt trên sinh/tử, ở trên và vượt trên sướng/khổ, ở trên và vượt trên thiện/ác. Bạn nói sao cho đúng? Nó vượt trên những khả năng diễn tả của ngôn từ. Tất cả mọi điều kiện hỗ trợ đều đã ngừng diệt và bất kỳ cố gắng nào để mô tả trạng thái tâm lúc này đều chỉ dẫn đến sự dính chấp mà thôi. Ngôn từ mà dùng lúc này chỉ là sự lý thuyết của tâm mà thôi.
Sự mô tả thuộc lý thuyết về cái tâm và sự hoạt đông của tâm là chính xác, nhưng Đức Phật đã nhận ra rằng loại hiểu biết dựa trên diễn tả lý thuyết chỉ là vô dụng, so với cái thực của nó. Chúng ta hiểu biết điều gì đó một cách trí thức và rồi tin nó, nhưng nó không mang lợi ích thực thụ. Sự hiểu biết trí thức không dẫn đến sự bình an của tâm. Sự biết của Phật xuất phát từ sự từ bỏ, buông bỏ. Nó tạo kết quả là buông bỏ và từ bỏ. Bởi vì chính cái tâm này luôn dẫn dắt chúng ta dính theo những điều đúng/sai, làm cho chúng ta luôn luôn đối đãi. Nếu chúng ta khôn, chúng ta dính chấp theo những điều đúng. Nếu chúng ta ngu, chúng ta dính chấp theo những điều sai. Cái tâm kiểu đó là thế gian, và Đức Phật lấy những thứ trong thế gian để suy xét quán chiếu về chính thế gian. Rồi sau khi đã hiểu biết rõ về thế gian đúng như nó đích thực là, Phật trở thành ”Người hiểu biết thế gian một cách rõ ràng và bao trùm”.
Nói về đề tài thiền định (samatha) và thiền tuệ minh sát (vipassanā), điều quan trọng là phải phát triển những trạng thái định và tuệ này trong tâm chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta tự mình tu tập những trạng thái đó thì ta mới tự mình biết chúng thực sự là gì. Chúng ta có thể đi tìm học nghiên cứu kinh sách nói về những yếu tố tâm lý của tâm (tâm sở), nhưng loại hiểu biết trí thức qua sách vở đó là vô dụng, không thực sự có khả năng nhổ bỏ những gốc rễ ích kỷ tham, sân, si. Chúng ta chỉ học biết lý thuyết về tham, sân, si; chỉ có thể mô tả những đặc tính khác nhau của những ô nhiễm trong tâm. Đại khái như tham là vầy; sân là vậy; si được định nghĩa là như vầy. Chúng ta chỉ mới biết những bản chất đó về mặt lý thuyết, chúng ta chỉ có thể nói về chúng ở mức độ lý thuyết vậy thôi. Chúng ta biết và chúng ta thông minh trí thức, nhưng khi những ô nhiễm đó thực sự khởi sinh trong tâm, liệu chúng có khởi sinh như lý thuyết đã nói hay không? Ví dụ, khi chúng ta trải nghiệm thứ gì khó chịu, chúng ta có phản ứng và dính vào một trạng thái xấu (khó chịu) hay không? Ta có dính chấp nó không? Ta có thể buông bỏ nó không? Nếu có sân khởi sinh và chúng ta nhận ra nó, chúng ta có dính theo nó không? Hoặc khi ta đã nhìn thấy nó, ta có buông bỏ nó không? Nếu chúng ta biết rằng: khi chúng ta nhìn thấy thứ gì ta không thích, ta khởi tâm sân ghét, vậy thì chúng ta phải quay lại học và tu tập lại từ đầu. Bởi vì việc tu tập và sự phản ứng của chúng ta vẫn chưa đúng đắn. Chúng ta vẫn còn khởi tâm dính theo sự xấu, sự tốt, sụ sướng, sự khổ. Sự tu tập chưa được hoàn thiện. Khi việc tu đã đến mức hoàn thiện, sự buông bỏ sẽ xảy ra. Hãy nhìn sự tu tập theo ánh sáng này.
Chúng ta phải thực sự nhìn sâu vào trong tâm này nếu chúng ta muốn nếm được những kết quả của việc tu tập. Việc cố gắng mô tả lý vận hành của tâm [tâm lý học của tâm] bằng những thuật ngữ như là “những khoảng khắc tâm”, “những sát-na khác nhau của tâm trong dòng tâm thức” và “những đặc tính của tâm như tâm sở”… là vẫn không thể theo kịp với thực tế thực hành, theo ý kiến của tôi là vậy. Sự mô tả học thuật đó vẫn là không đủ so với sự vận hành thực sự của nó. Về thực tế thì còn nhiều thứ hơn nữa. Nếu chúng ta đi học những điều đó, rồi có thể hiểu biết về chúng một cách tuyệt đối một cách rõ ràng và thấu suốt. Nhưng nếu không có sự sáng rõ của trí tuệ minh sát, làm sao chúng ta học cho xong về những điều đó? Vậy là không thể nào hiểu biết rõ ràng và thấu suốt. Không có kết cuộc. Không bao giờ xong. Chúng ta sẽ không bao giờ kết thúc những việc học hay nghiên cứu đó.
Thực hành theo Giáo Pháp là điều cực kỳ quan trọng. Khi tôi thực tập, đó là cách tôi học. Hồi đó tôi đâu biết gì về những sát-na tâm hay tâm sở…là gì. Tôi chỉ quan sát cái tính “biết”. Nếu một ý nghĩ ghét khởi sinh, tôi hỏi mình tại sao. Nếu một ý nghĩ thương khởi sinh, tôi tự hỏi tại sao. Đó là cách. Dù đó nó được đặt tên hay hay gọi bằng danh từ là “yếu tố tâm lý” hay “tâm sở”, thì cũng đâu có gì? Chỉ cần thâm nhập vào ngay một điểm đó cho đến khi ta có thể giải quyết những cảm giác thương và ghét đó, cho đến khi chúng hoàn toàn biến mất khỏi tâm ta. Khi tôi có khả năng ngừng thương ngừng ghét, tức không thương không ghét gì nữa trong bất kỳ tình huống nào, thì lúc đó tôi có khả năng chuyển hóa và vượt qua khổ. Rồi điều gì xảy đến cũng không thành vấn đề, tâm và trái tim đã được giải tỏa và thư thái. Không còn gì nữa. Tất cả đã ngừng lại.
Cứ thực tập như vậy. Nếu người ta thích nói nhiều về lý thuyết, đó là chuyện của họ. Nhưng dù có nói có bàn đến đâu đi nữa thì sự thực hành cũng quay về một điểm này ngay đây, ngay sự-biết này. Khi có gì khởi sinh, nó khởi sinh ngay đây. Dù nhiều hay ít, nó khởi sinh ngay đây. Khi nó ngừng, nó cũng ngừng ngay đây. Chứ còn ở đâu khác? Đức Phật gọi điểm này là “Sự Biết”. Khi sự-biết biết đường lối của mọi thứ một cách chính xác, theo đúng lẽ thực của sự thật, thì chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của cái tâm. Mọi thứ không ngừng giả lừa. Ngay trong khi bạn nghiên cứu về chúng, chúng cũng đồng thời giả lừa bạn. Tôi phải nói cách khác ra sao? Là ngay cả khi bạn biết về chúng, rõ ràng bạn vẫn bị chúng che mờ ngay tại nơi bạn biết chúng. Tình cảnh thực sự như vậy. Vấn đề là vầy: theo ý kiến của tôi, Phật đã không muốn chúng ta chỉ biết những thứ đó được gọi là gì. Giáo lý của Phật có mục tiêu là chỉ ra cách thức để chúng ta giải thoát mình khỏi những thứ hữu vi giả lừa đó thông qua việc điều tra tìm thấy những nguyên nhân tìm ẩn bên dưới những thứ đó.
* Bài viết được trích từ bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, Thiền Sư Ajahn Chah