96
Lời Nhắn Gửi Từ Thái Lan
Tôi đến ngụ ở chùa Wat Tham Saeng Pet trong mùa Mưa Kiết Hạ năm nay – chủ yếu để thay đổi không khí vì sức khỏe của tôi bây giờ không còn tốt nữa. Cùng với tôi có các Tỳ kheo gốc phương Tây: thầy Santa, Pabhakaro, Pamutto, Michael và thầy Samanera Guy; cũng có một số Tỳ kheo người Thái và một số các Phật tử tại gia đang rất nhiệt thành tu tập. Đây là khoảng thời gian dễ chịu và phúc lành đối với chúng tôi. Bữa nay bệnh tật của tôi lắng bớt, tôi cảm thấy khỏe hơn nên có thể đọc thu lời nhắn gửi này cho tất cả các thầy.
Vì đang bệnh yếu nên tôi không thể đi Anh Quốc, nhưng nghe tin tức về các thầy, từ những Phật tử cũng có mặt tại đây, tôi thấy vui mừng và bớt bệnh. Điều làm tôi vui lòng nhất là bây giờ thầy Sumedho đã có thể nhận thọ giới cho các Tỳ kheo mới; điều này cho thấy những nỗ lực thiết lập đạo Phật ở Anh Quốc đã rất thành công.
Cũng thật vui mừng khi nghe thấy các tên của các tăng và ni mà tôi đã biết đang sống tu chung với thầy Sumedho ở tu viện Chithurst: thầy Anando, Viradhammo, Sucitto, Uppanno, Kittisaro, và Amaro. Các ni Mae Chees Rocana và Candasiri. Tôi mong tất cả các thầy có sức khỏe tốt và sống hòa hợp với nhau, cộng sự với nhau, và cùng nhau tiến bộ trong việc tu tập Giáo Pháp.
Có những mạnh thường quân, ở Anh và ở đây, đã giúp cập nhật cho tôi biết những sự phát triển ở bên đó của các thầy. Tôi nghe nhiều tin từ họ rằng phần nhà chùa ở Chithurst đã xây xong và giờ trở thành nơi thoải mái hơn để các thầy sống tu. Tôi ngạc nhiên về điều này, bởi tôi đã từng ở đó bảy ngày rất cực khổ! (cười). Tôi nghe nói gian thờ và các khu chính đều đã hoàn thành. Giờ chắc công việc xây sửa đã bớt, các thầy sẽ có thời gian để tham gia các thời biểu tu chính quy đầy đủ hơn.
Tôi cũng nghe nói một số Tỳ kheo thâm niên cũng đã rời đi để lập các chùa chi nhánh [chi viện] ở nơi khác. Đây là chuyện bình thường, điều này có thể làm tăng số tu sĩ trẻ trong chùa chính [chánh viện, chùa tổ] ở đó; hồi trước chùa tổ đình Wat Pah Pong ở Thái Lan cũng như vậy. Điều này có thể tạo nhiều khó nhọc hơn trong việc chỉ dạy và huấn luyện các Tỳ kheo trẻ, do vậy điều quan trọng trong những lúc như vậy là chúng ta phải biết hỗ trợ lẫn nhau.
Tôi tin tưởng thầy Sumedho sẽ không coi những việc khó nhọc trên là gánh nặng cho thầy ấy! Đây là những vấn đề nhỏ, rất bình thường, đó không phải là những vấn đề nan giải. Dĩ nhiên cần phải có nhiều trách trách phận – nhưng điều đó cũng được coi như không phải là gánh nặng.
Làm trụ trì của một chùa giống như làm một thùng rác vậy: ai bị khó chịu khi nhìn thấy rác thì phải làm một thùng đựng rác, hy vọng mọi người sẽ bỏ những rác rưởi của họ vào đó. Thực tế thì người làm thùng rác cuối cùng cũng thành người thu dọn rác. Đó là cách mọi thứ xảy ra trong chùa-ở chùa Wat Pah Pong cũng vậy, thời Đức Phật cũng vậy. Không-ai bỏ rác vào thùng nên chúng ta phải tự mình làm việc đó, và mọi chuyện đều trút vào cái thùng rác của ông trụ trì! Người ở vị trí đó phải biết nhìn xa, có chiều sâu, và không bị lay chuyển trước tất cả mọi chuyện; người ấy phải kiên trì chịu khó. Trong tất cả những phẩm chất chúng ta tu dưỡng suốt đời, sự chịu khó nhẫn nhục là quan trọng nhất.
Đúng là phần nhà chùa chỗ ở của tu viện Chithurst đã xây xong -xây nhà chùa thì không khó, chịu khó vài năm nó cũng xong. Còn những việc chẳng bao giờ xong như việc chăm sóc và bảo dưỡng, quét dọn, lau chùi… thì chúng ta phải làm suốt đời. Xây nhà chùa không khó, cái khó là việc chăm sóc bảo dưỡng nó. Tương tự như vậy, nhận thọ giới cho một người xuất gia thì không khó, cái khó là sau đó phải chỉ dạy đầy đủ cho người đó sống và tu trong tăng đoàn sao cho tốt. Nhưng cái khó đó không nên coi là vấn đề gian khó, bởi cái gì càng khó thì càng mang lại ích lợi – nếu cứ chọn việc dễ làm thì đâu có nhiều ích lợi. Vì vậy, để nuôi dưỡng và duy trì hạt giống Phật giáo đã được gieo trồng ở Chithurst, giờ các thầy phải sẵn sàng đem hết mọi sự nỗ lực và trợ giúp.
Tôi hy vọng những lời tôi nói hôm nay cũng truyền tải những cảm giác ấm áp và trợ giúp cho các thầy. Mỗi khi tôi gặp các Phật tử người Thái có liên hệ với bên Anh, tôi hay hỏi họ đã đến thăm chùa ở Chithurst chưa. Dường như đối với họ họ có sự quan tâm đặc biệt đến chi nhánh Chithurst ở Anh. (Ý thầy nói tu viện Chithurst ở Anh là một chi nhánh của chùa tổ đình Wat Pah Pong ở Thái Lan của dòng Thiền Trong Rừng). Cũng vậy, những Phật tử ngoại quốc ghé thăm chùa Wat Nanachat cũng báo tin về các thầy ở bên đó. Điều đó làm tôi rất vui sướng, bởi đó thể hiện mối quan hệ gần gũi và cộng sự giữa chùa Wat Pah Pong, chùa Wat Nanachat và chùa Wat Chithurst.
Đó là tất cả những gì tôi muốn nói, ngoài những cảm giác tâm-từ của tôi hướng về các thầy. Cầu mong các thầy được mạnh giỏi và hạnh phúc, an trú trong sự hòa hợp, cùng giúp đỡ nhau, và cùng tu tiến. Cầu mong những phước lành của Tam Bảo luôn được thiết lập vững chắc trong trái tim của các thầy-chúc mọi người khỏe mạnh.
* Bài viết được trích từ bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, Thiền Sư Ajahn Chah