93
Lắng Nghe Trên Cả Ngôn Từ
Thực ra, những lời dạy của Phật đều có lẽ có lý. Những điều bạn không tưởng tượng được cũng thực sự giống vậy. Lạ vậy đó. Hồi mới đầu tôi không có niềm tin nào về việc ngồi thiền cả. Tôi nghĩ ngồi đồng như vậy thì có ích gì? Rồi tới phần đi thiền – tôi bước bộ từ gốc cây này đến cây kia, bước tới bước lui, bước lui bước tới, tôi thấy mệt và nghĩ tôi đi bước bộ như vậy để làm gì? Tự dưng cứ bước tới bước lui chẳng có mục đích gì. Lúc đầu tôi nghĩ vậy đó. Nhưng thực ra thì việc đi thiền có nhiều giá trị. Ngồi thiền tập sự định tâm (samādhi) có nhiều giá trị. Nhưng tính khí của nhiều người khiến họ không hiểu được việc ngồi thiền hay đi thiền là gì.
Chúng ta không thể thiền trong một tư thế duy nhất. Có bốn tư thế con người sống: đứng, đi, ngồi và nằm. Giáo lý đã dạy phải phân đều thời gian thiền tập cho bốn tư thế. Mới nghe quý vị có thể nghĩ đó là phải đứng, đi, ngồi và nằm trong những khoảng thời gian bằng nhau. Mới nghe ai cũng hiểu như vậy là thường tình, nhưng hiểu vậy là chưa hiểu đúng theo nghĩa thực thụ của Giáo Pháp. Hiểu vậy chỉ là hiểu theo ngôn từ, hiểu theo nghĩa thông thường. Hồi mới tu tôi cũng nghĩ như vậy, tôi nghĩ phải chia ra ngồi thiền hai tiếng, đi thiền hai tiếng, đứng hai tiếng, nằm hai tiếng đồng đều nhau. Ai cũng tưởng vậy. Tôi đã cố thực tập theo cách như vậy, nhưng không được.
Đó là do tôi chỉ biết lắng nghe theo ngôn từ, chưa biết lắng nghe giáo lý một cách đúng đắn. Câu đó có nghĩa là ‘làm cho bốn tư thế như nhau’, ở tư thế nào cũng vậy; đó là đang nói về cái tâm chứ không phải thân hay thứ khác. Có nghĩa là làm cho cái tâm sáng tỏ và rõ ràng để cho trí tuệ khởi sinh, để có được sự hiểu biết về mọi sự đang diễn ra trong tất cả mọi tư thế và mọi tình huống. Dù đang trong tư thế nào, ta biết rõ các hiện tượng và các trạng thái tâm đúng như chúng thực là, tức biết rõ chúng là vô thường, khổ và không phải là cái ‘ta’ (vô ngã). Tâm được thiết lập và duy trì với sự tỉnh giác đó trong mọi lúc và mọi tư thế. Khi tâm gặp thứ gì hấp dẫn hoặc khi tâm cảm thấy sân, ta không bị lạc khỏi con đường, và ta hiểu biết rõ những trạng thái tham hoặc sân đó là gì, đúng như chúng thực là. Sự tỉnh giác của ta là ổn định và liên tục, nhờ đó chúng ta buông bỏ đều đặn và liên tục. Ta không bị dẫn dụ bởi những trạng thái sướng khoái. Ta không bị tác động bởi những trạng thái khổ đau. Ta vẫn giữ mình trên con đường chánh đạo. Làm như vậy thì được gọi là ‘làm cho bốn tư thế như nhau’. Ở tư thế nào chúng ta cũng tỉnh giác và hiểu biết mọi sự như vậy. Câu này là nói về nội tâm chứ không phải nói về thứ bên ngoài; nó nói về cái tâm này.
Nếu chúng ta biết làm cho bốn tư thế đều (tỉnh giác, cảm nhận, nhận thức) như nhau với cái tâm này, thì ta sẽ luôn được bình tâm và thư thái. Khi ta được khen ta biết nó chỉ là vậy, chỉ là lời khen. Khi bị chửi ta biết nó chỉ là vậy, chỉ là lời chửi. Chúng ta không chạy lên hay tụt xuống, không quá vui hay quá buồn với những điều đó, ta giữ tâm bình ổn đều đặn ở giữa. Tại sao ta giữ như vậy? Bởi do chúng ta đã nhìn thấy sự nguy hại trong tất cả mọi điều. Chúng ta thấy khen cũng nguy hại và chê cũng nguy hại như nhau; điều này được gọi là làm cho mọi tư thế đều như nhau (trong mọi tư thế ta đều bình tâm như nhau). Chúng ta luôn có sự tỉnh giác bên trong nội tâm, dù ta đang nhìn vào những hiện tượng bên trong hay bên ngoài ta vẫn luôn thường trực tỉnh giác và rõ biết như vậy.
Thói thường của chúng ta là, khi thứ gì tốt xảy đến ta phản ứng vui vẻ tích cực; khi có gì xấu xảy đến ta phản ứng tiêu cực không vui.
Nếu như vậy thì bốn tư thế là không đều nhau. Nếu bốn thế luôn đều như nhau có nghĩa là ta luôn luôn có sự tỉnh giác. Có sự tỉnh giác thì ta luôn biết rõ lúc ta đang chấp nê điều tốt và lúc ta đang chấp nê điều xấu. Sự tỉnh giác thường biết như vậy là rất tốt. Cho dù ta chưa buông bỏ được, nhưng ta vẫn luôn tỉnh giác thường biết về chính mình và những dính chấp của mình, sau đó chúng ta sẽ nhìn thấy được rằng sự dính chấp đó không phải là con đường chánh đạo. Chúng ta biết rõ nhưng chúng ta chưa thể buông bỏ hết: đó đã được 50 phần trăm rồi. Mặc dù chưa thể buông bỏ nhưng chúng ta hiểu được sự buông bỏ những điều xấu điều tốt sẽ mang lại sự bình an. Chí ít chúng ta cũng nhìn thấy được sự nguy hại của những điều chúng ta thích và không thích. Chúng ta nhìn thấy sự nguy hại trong những sự khen và sự chê. Sự tỉnh giác rõ biết này là liên tục thường trực.
Vậy, dù được khen hay bị chê, ta vẫn luôn tỉnh giác biết rõ đó là gì. Đối với người đời, khi họ bị chửi bị chê họ không chịu được, điều đó làm họ bực tức. Khi được khen được nịnh, họ vui lòng phấn khởi. Đó là thói đời trên thế gian. Nhưng những người đang tu hành khi được khen họ biết sự nguy hại trong đó. Khi bị chê trách họ biết sự nguy hại trong đó. Họ biết nếu dính theo những điều khen chê thì dẫn đến những hậu quả xấu (cho tâm). Khen hay chê gì cũng là nguy hại nếu chúng ta dính danh theo đó và cố chấp những lời khen tiếng chê đó.
Khi chúng ta có được loại ý thức tỉnh giác như vậy, chúng ta biết rõ những hiện tượng khi chúng xảy ra. Chúng ta biết nếu ta tạo tác ràng buộc với các hiện tượng thì sẽ dẫn đến khổ. Nếu chúng ta không tỉnh giác thì ta luôn chấp tốt chấp xấu đủ thứ, và khổ sinh ra từ đó. Khi chúng ta chú tâm, chúng ta nhìn thấy sự nắm chấp đó; chúng ta nhìn thấy cách chúng ta dính chấp thứ tốt và thứ xấu. Ta dùng sự tỉnh giác để nhìn xem sự nắm chấp từ trước giờ trong tâm, nhìn thấy sự sai lầm trong sự nắm chấp đó. Sự nắm chấp đó sai lầm ra sao? Đó là khi ta nắm chấp mọi thứ thì ta nếm trải sự khổ, khổ vì chấp tốt chấp xấu. Tu một thời gian sau chúng ta tìm cách buông bỏ hết mọi sự nắm chấp đó và ta sẽ được tự do. Câu hỏi lại là: ”Ta phải làm sao để được tự do khỏi khổ?”.
Giáo lý Phật giáo nói rằng chúng ta không nên nắm chấp hay nắm chặt bất cứ thứ gì và bất cứ điều gì. Mới nghe chúng ta thấy khó hiểu. Điều quan trọng là nắm bắt chứ không nắm chặt hay nắm giữ. Ví dụ, tôi nhìn thấy vật này trước mặt tôi. Tôi tò mò muốn biết đó là gì, nên tôi nắm nó lên xem: đây là cái đèn pin. Giờ tôi có thể đặt nó xuống. Đó là nắm chứ không nắm chặt hay nắm giữ luôn. Nếu biểu chúng ta đừng nắm thứ gì thì ta phải làm sao? Chúng ta sẽ nghĩ nếu không nắm bắt thứ gì làm sao mà thiền, thiền với đối tượng nào? Như vầy: trước mắt chúng ta cứ nắm bắt nhưng đừng nắm chặt. Quý vị có thể gọi sự nắm bắt này là một dạng dục vọng (tanhā), nhưng sau này nó sẽ giúp tâm đạt đến sự hoàn thiện (pāramī, ba-la-mật). Chẳng hạn như, quý vị đến thăm chùa Wat Pah Pong này; trước khi đến quý vị phải có tham muốn đi đến, đúng không?. Trước phải có muốn đi thì mới đi chứ?. Nếu không muốn đi thì quý vị đâu có đi đến đây. Chúng ta có thể gọi quý vị đi đến đây vì muốn đến, đó là một dạng dính chấp. Rồi sau đó quý vị lại về; giờ nó lại giống như sự không còn tham muốn. Lúc đầu muốn đi đến chùa, còn khi về là không muốn đến chùa, giờ chỉ muốn đi về nhà. Cũng giống như vì muốn coi vật này là cái gì nên nắm lên coi, sau khi đã thấy nó là cái đèn pin tôi đặt nó xuống lại. Đây là nắm chứ không phải nắm giữ; hoặc nói đơn giản hơn, đây chính là sự-biết và sự buông-bỏ–biết và đặt xuống. Mọi thứ có thể được gọi là tốt hay xấu, ta chỉ cần biết chúng như vậy và buông bỏ chúng. Chúng ta tỉnh giác biết rõ mọi hiện tượng (pháp) tốt và xấu, và chúng ta buông bỏ chúng. Chúng ta không nắm giữ chúng vì sự ngu dốt, vô minh. Chúng ta chỉ nắm bắt chúng bằng trí tuệ và đặt chúng xuống.
Đó là cách tu. Cứ nắm bắt mọi thứ khi chúng đang xảy ra, biết về chúng và buông bỏ chúng. Làm cách như vậy thì bốn tư thế có thể được đồng đều và ổn định. Điều đó có nghĩa là tâm có năng lực. Tâm có sự tỉnh giác, và trí tuệ được sinh ra. Khi tâm có trí tuệ thì ở đó đâu còn gì tuyệt hơn nữa? Nó nắm bắt mọi thứ xảy đến, nhưng không bị sự nguy hại. Bởi nó không dính chấp, không nắm giữ hay nắm chặt thứ gì. Nó không nắm chặt thứ gì, nó chỉ thấy biết mọi thứ và buông bỏ chúng. Ví dụ, khi nghe âm thanh hay tiếng nhạc, ta biết ‘thế gian gọi tiếng nhạc đó là hay’ và ta buông bỏ nó. Hoặc khi nghe thứ tiếng ‘thế gian gọi là dở’, ta biết vậy và buông bỏ. Chúng ta biết rõ mọi sự tốt và xấu, biết rõ thiện và ác. Nhiều người không biết rõ bản chất [mối nguy hại] của sự tốt, sự xấu, sự thiện, sự ác, nên họ dính theo mọi thứ và kết quả là bị khổ. Người có hiểu biết [về mối nghi hại của sự tốt, sự xấu…] thì không bị dính theo chúng, và không bị khổ.
Hãy xem xét: Mục đích chúng ta sống là gì? Chúng ta làm việc để làm gì? Sống trong đời này mục đích sống của chúng ta là gì? Để làm việc; chúng ta muốn được gì từ công việc? Theo cách thế gian, mọi người làm việc vì họ muốn được thứ này thứ nọ, và họ coi điều đó là hợp lý, là lẽ sống. Nhưng giáo lý của Phật thì đi xa hơn một bước. Giáo lý Phật nói chúng ta làm việc mà không có tham cầu được gì, làm việc không vì dục vọng. Nhưng ở thế gian quý vị làm cái này để được cái kia, làm để có được thứ này thứ nọ; quý vị luôn luôn làm việc để có kết quả là được thứ gì đó. Đó là cách của người đời. Phật thì nói làm việc thì làm vì công việc mà không tham cầu để được gì.
Khi nào chúng ta còn làm với tham cầu được này được nọ, thì chúng ta khổ. Nếu chúng ta tu với tham muốn đạt này đắc nọ, thì chúng ta khổ và không thành gì cả, vì cách đó sai ngược với cái lý tu hành. Hãy suy xét về điều này.
* Bài viết được trích từ bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, Thiền Sư Ajahn Chah