89
Hiểu Biết Về Khổ
Khổ là sao? Nó dính vào da và ngấm sâu vào trong thịt ta; từ thịt nó ngấm sâu vào xương tủy ta. Nó giống như sâu mọt ăn vỏ cây, rồi ăn sâu vào thân cây, và ăn sâu nữa vào lõi cây, cuối cùng cây héo chết luôn.
Chúng ta lớn lên như vậy. Khổ đã chôn chặt thấu bên trong. Cha mẹ chúng ta dạy chúng ta ham muốn, tham chấp, dính chấp, coi trọng và nắm giữ mọi thứ, tin chắc rằng chúng ta đang sống với một ‘linh hồn’ và ‘bản ngã cố định’, và tin mọi thứ thuộc về chúng ta. Từ lúc được sinh ra chúng ta đã được dạy như vậy. Chúng ta nghe cha mẹ và xã hội dạy đi dạy lại từng ngày, và cách nghĩ đó đã ngấm rất sâu vào trong trái tim và tâm trí chúng ta, và nó nằm ở đó như một cảm nhận cố hữu chắc chắc trong tâm ta rồi. Chúng được dạy phải đạt được nhiều thứ, phải tích lũy và nắm giữ nhiều thứ càng tốt, phải coi chúng là quan trọng và là ‘của ta’. Đó là những gì cha mẹ biết và răn dạy chúng ta hàng ngày. Do vậy, cái tư tưởng đó đã ăn sâu vào trong tâm trí, ăn sâu vào tận xương tủy của chúng ta.
Khi chúng ta quan tâm đến thiền tập, đi đến nghe những giáo lý và hướng dẫn tu tập thì những giáo lý đó không dễ hiểu chút nào đối với chúng ta. Giáo lý đó không thực sự nắm được chúng ta. Vì sao? Bởi vì giáo lý đó dạy chúng ta không coi và không làm mọi chuyện theo cách cũ mà cha mẹ và xã hội đã dạy cho chúng ta. Khi chúng ta nghe giáo lý đó, nó chẳng thấm nổi vào tâm trí chúng ta; chúng ta chỉ biết nghe bằng tai, nghe tai này lọt qua tai kia mà thôi. Người đời vốn chẳng bao giờ hiểu biết về chính mình.
Do vậy đối với nhiều người, khi ngồi nghe giáo lý chỉ giống như nghe tiếng nói chạy qua tai. Chẳng có điều gì nghe lọt vào trong tai và tác động vào tâm trí. Cũng giống như người đánh võ quyền Thái, ta cứ đánh liên tục liên tiếp nhưng đối thủ chẳng bao giờ dính đòn hay ngã gục được. Chúng ta bị dính kẹt vào cái tự ngã, tự ta và tự đại. Bậc hiền trí xưa giờ vẫn nói: giang sơn dễ dời, tâm người khó đổi. Thay đổi sang bằng núi non còn dễ làm hơn thay đổi cái ‘ta’ của một con người.
Thiệt vậy mà, chúng ta có thể dùng thuốc nổ để sang dời núi no. Nhưng còn cái ‘ta’ tự đại thì ôi thôi—người ơi, dễ gì! Bậc hiền trí chân tu đã cố dạy chúng ta cho đến tận ngày chúng ta chết, nhưng họ cũng chẳng giúp gì được để lột bỏ cái ‘ta’ tự đại đó của chúng ta trước khi chúng ta chết. Cái ‘ta’ đó vẫn còn cứng chắc và mạnh bạo. Những ý tưởng sai lạc (tà kiến) và những khuynh hướng bất thiện (gông cùm) vẫn còn cứng chắc và khó đổi dời, nhưng chúng ta thậm chí cũng không ý thức biết về điều đó. Do vậy, những bậc hiền trí lại nói việc loại bỏ cái ‘ta’ và chuyển hóa sự hiểu biết sai lạc (tà kiến) thành đúng đắn (chánh kiến) là việc khó làm nhất trong mọi thời đại.
Đối với chúng ta là loại người phàm phu tục tử (puthujjana), để tiến thân trở thành một người đạo hạnh (kalyānajana) là điều rất khó. Puthujjana có nghĩa là người ngu tối, người tối trí, người bị dính kẹt trong bóng tối và vô minh, không nhìn thấy lẽ thật của sự sống. Còn kalyānajana là người đã làm sáng tỏ nhiều điều. Chúng ta chỉ dạy mọi người phải biết khai sáng tức là làm cho mình giác ngộ, nhưng họ không muốn làm bởi họ không hiểu được tình cảnh thực của mình là gì, họ không hiểu cái trạng thái ngu mờ và vô minh của mình. Do vậy họ cứ mãi sống lang thang trôi giạt trong trạng thái ngu mờ đó.
Nếu chúng ta thấy một đống phân trâu trên đường ta đâu nghĩ đó là của ta. Chúng ta cứ mặc kệ nó ở đó bởi chúng ta chỉ là một đống phân dơ bẩn thôi mà.
Cách như vậy đó. Phân chỉ tốt theo một cách dơ bẩn, ô nhiễm. Giống như tiền của thì tốt cho tiện nghi đời sống, nhưng tiền của do hành vi bất thiện mà có thì nó cũng chỉ là thứ dơ bẩn, ô nhiễm. Những thứ xấu ác là thức ăn của người xấu ác. Điều bất thiện là thức ăn của kẻ bất thiện. Nếu chúng ta chỉ họ làm điều tốt thiện họ sẽ không làm, nhưng họ thích giữ yên mình như vậy bởi họ đâu nhìn thấy sự nguy hại bên trong những điều bất thiện. Nếu không nhìn ra những nguy hại thì không cách nào họ tu sửa được. Nếu quý vị nhận ra nó, quý vị biết rõ nó chỉ là đống phân, không có giá trị bằng một phân vàng. Sau khi biết rõ như vậy, quý vị sẽ muốn chọn vàng chứ đâu còn muốn đống phân trâu đó. Còn nếu quý vị không nhận ra giá trị của đống phân đó là gì, quý vị vẫn cứ muốn đống phân đó là của mình. Khi đó có ai cho vàng bạc sạch sẽ, quý vị cũng không thèm quan tâm; quý vị chỉ thấy đống phân dơ bẩn đó là giá trị.
Đó là cái ‘tốt’ của sự ô nhiễm. Vàng, bạc, kim cương, hột xoàn được cho là những thứ quý giá trong cõi người. Còn những thứ tanh hôi và thúi rửa thì là những thứ tốt cho ruồi nhặng và côn trùng thích ăn chúng. Nếu chúng ta lấy nước hoa thơm xịt lên những đống phân hay chỗ tanh hôi thúi rửa, ruồi nhặng sẽ lập tức bỏ đi. Nước hoa chỉ thơm đối với con người, nước hoa là hôi thúi và ghê tởm đối với ruồi nhặng, ruồi nhặng coi chỗ dơ bẩn và tanh hôi là tốt đối với chúng. Tương tự, những kẻ có cách nhìn cách nghĩ sai lầm (tà kiến) thì những thứ xấu ác bất thiện là thứ ‘tốt’ của họ. Những thứ ô nhiễm bất thiện là thứ họ thích và họ nghĩ rằng đó là điều ‘tốt’ nên làm. (Ví dụ người bất thiện thường coi sự tranh đấu giành giựt là điều phải làm mới có được hạnh phúc trong cuộc sống). Ruồi nhặng cũng vậy, giả dụ có ai nói với chúng phân cứt là thứ hôi thối dơ bẩn, chúng sẽ nói phân cứt là thứ thơm ngon của chúng, là lẽ sống của chúng. Chúng đâu dễ thay đổi từ phân cứt qua hoa thơm trái ngọt như ong, như chim. Người có nhiều căn bất thiện cũng vậy, chúng ta không dễ gì chỉ dạy họ cái gì là thiện lành trong sạch.
Dù chúng ta có gom một đống hoa thơm ngát để giữa chợ, ruồi nhặng cũng chẳng thèm để ý đến. Giả dụ như chúng ta có trả tiền nhiều cho chúng bu lại, chúng cũng chẳng thèm. Nhưng nếu có thứ dơ bẩn như ruột cá, đầu tôm, rác rưởi ở đó, dù hôi thối ghê tởm cỡ nào chúng cũng lập tức bu bám; bởi đối với chúng đó mới là mùi vị thơm ngon, đó mới là lẽ sống còn của chúng. Tà kiến cũng giống như vậy, tà kiến nhận cái xấu ác ô nhiễm làm cái ‘đúng’, làm lẽ sống. Người tà kiến chỉ thích làm những điều bất thiện, bởi họ cho đó là điều ‘tốt’ cần phải làm, coi đó là lẽ sống còn của họ. Cái dơ bẩn ô nhiễm đối với người thiện lành trong sạch lại là cái trong sạch tốt đẹp của những người bất thiện. Người bất thiện sống đắm chìm trong những suy nghĩ và hành động bất thiện, nhưng họ coi đó là lẽ sống, là ‘tốt’ đối với họ. Còn điều tốt lành, như hương hoa mật ngọt của con ong chỉ là thứ hôi thối đáng chê đối với ruồi nhặng. Bởi ruồi nhặng đâu nhận ra giá trị của hương hoa mật ong nên nó đâu thay đổi được. Người bất thiện cũng không nhận ra giá trị của những việc thiện lành, không nhận ra sự nguy hại và ô nhiễm của những điều xấu ác, bởi vậy họ đâu có thay đổi và tu sửa được.
Cái khó là chỗ đó. Cái khó là chỗ cách nhìn và cách nghĩ. Cái khó là chỗ tà kiến. Đó là cái khó khăn trong tu tập, nhưng tu tập là chúng ta phải chịu khó để vượt qua cái khó khăn để đạt đến cái dễ chịu, bình an. Trong Giáo Pháp, chúng ta bắt đầu bằng sự thật về khổ (dukkha), đó là cái tính chất khổ, cái mặt khổ, cái mặt bất toại nguyện của mọi sự sống. Nhưng ngay khi chúng ta nếm trải khổ, chúng ta thấy đau lòng. Chúng ta không muốn nhìn thấy khổ, chúng ta không muốn nhìn vào sự khổ. Khổ (dukkha) đích thực là sự thật, nó là thực tại, nhưng chúng ta không muốn đến gần nó hay đối diện với nó. Theo một cách nào đó, chúng ta không muốn nhìn thấy khổ, không muốn nhìn vào cái mặt khổ tất yếu của sự sống. Điều này giống như cách chúng ta không thích nhìn người già, chúng ta chỉ thích nhìn người trẻ đẹp.
Nhưng, về lý khoa học mà nói, nếu chúng ta không chịu nhìn vào sự khổ thì chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được sự khổ, cho dù chúng ta có sống và chịu khổ qua bao trăm ngàn kiếp. Khổ là một lẽ thực, đó là sự thật tất yếu, là chân lý, đó là thánh đế. Nếu chúng ta cho phép bản thân mình đối diện với sự khổ, nhìn vào sự khổ, thì chúng ta đã bắt đầu có thể tìm ra con đường thoát khỏi sự khổ đó. Lý tu mở đầu của Đức Phật là vậy. Nếu chúng ta chịu đi và chịu gặp chỗ bí đường thì ở đó chúng ta mới nghĩ ra cách để thoát ra khỏi thế bí đó, mới có thể tìm ra lối để vượt qua nó. Tương tự, khi chúng ta gặp phải những sự khó khổ, chúng ta phát triển sự hiểu biết và trí tuệ như vậy. Nếu không đối diện và tìm hiểu những sự khó khổ là gì, làm sao chúng ta có được sự hiểu biết và trí tuệ về chúng. Nếu không chịu nhìn vào sự khổ, thì coi như chúng ta không thực sự nhìn vào những vấn đề khó khổ và giải quyết chúng; chúng ta cứ để mặc cho chúng đến đi một cách thản nhiên, chúng ta cứ để cho chúng liên tục bao quanh sự sống và cuộc đời của chúng ta.
Cách huấn luyện của tôi là để mọi người dính vào khổ, bởi vì khổ chính là con đường của Đức Phật đi đến sự giác ngộ. Phật muốn chúng ta nhìn sự khổ và nhìn thấy nguyên nhân của khổ, nhìn thấy sự thật của trạng thái chấm dứt khổ, và nhìn thấy con đường dẫn đến trạng thái sự chấm dứt khổ đó. Đó là cách thoát khổ của những bậc thánh nhân (ariya), những bậc giác ngộ đã làm. Nếu quý vị không chịu đi theo cách đó thì không có lối thoát. Cách duy nhất là hiểu biết về khổ, hiểu biết nguyên nhân của khổ, hiểu biết sự thật của trạng thái diệt khổ, và hiểu biết cái con đường dẫn ta đến trạng thái diệt khổ thoát khổ đó. Đây chính là cách những bậc thánh nhân (ariya), bắt đầu là những người Nhập Lưu (Tu-đà-hoàn) đã có thể thoát khổ. Cần phải hiểu biết về khổ. Hiểu biết về sự khổ là điều cần thiết.
Nếu chúng ta hiểu biết rõ về sự khổ, chúng sẽ nhìn thấy nó trong tất cả mọi sự chúng ta trải nghiệm. Nhiều người cảm giác rằng họ đâu có bị khổ đau gì nhiều. Đi tu theo đạo Phật là nhằm mục đích giải thoát bản thân khỏi khổ đau. (Vậy tại sao lại nói chúng ta cần phải nếm trải và nhìn vào sự khổ đau?). Tại sao chúng ta phải chịu nếm trải thêm khổ nữa, vậy là sao?. Là như vầy, khi khổ khởi sinh, chúng ta nên suy xét điều tra về nó để thấy được nguyên nhân của nó. Rồi sau khi chúng ta đã hiểu rõ nguyên nhân của nó, chúng ta có thể tu tập để diệt trừ những nguyên nhân đó. Tiến trình Phật đã khai giảng là: khổ, nguyên nhân khổ, diệt trừ khổ. Để đi đến sự diệt khổ thì chúng ta phải hiểu biết con-đường tu tập, hiểu biết đạo-lý của Phật. Rồi đến lúc chúng ta đã đi thành công hết con đường đó, khổ sẽ không còn khởi sinh nữa; chỗ đó chính là lối thoát ra, lúc đó ta đã giải thoát khỏi mọi sự khổ.
Nhưng việc tu theo đạo lý của Phật là đi ngược lại những thói tâm và kiến chấp tự hồi nào giờ của chúng ta. Làm ngược lại những thói tâm thói tính sẽ gây ra nhiều khổ đau. Theo thói thường chúng ta sợ khổ đau. Nếu làm điều gì làm chúng ta khổ đau thì chúng ta đâu muốn làm nó. Thói thường chúng ta chỉ muốn thấy những thứ tốt và đẹp, còn những thứ khổ và xấu thì chúng ta không thích dính vào. (Nhưng đạo Phật thì dạy chúng ta làm ngược lại). Khổ là một sự thật, khổ là chân lý, khổ là một chân pháp (saccadhamma). Nếu có khổ xảy ra trong tâm quý vị thì quý vị mới nghĩ đến phương cách giải thoát khỏi khổ chứ. (Không có khổ thì giải thoát là giải thoát khỏi cái gì?). Chính khổ sẽ dẫn dắt chúng ta biết quán xét, điều tra về nó. Chúng ta sẽ không bị mê ngủ mê man bởi vì lúc đó chúng ta có ý định (ý hành) điều tra suy xét về những sự khổ đau để tìm ra điều gì đích thực đang diễn ra trong tâm, chúng ta sẽ cố gắng tìm ra những nguyên nhân và những hậu quả của chúng.
Những người đang sung sướng thì không phát triển trí tuệ hiểu biết. Họ đang ngủ say. Giống như một con chó đã ăn no nê rồi nằm lăn ra ngủ vậy. Nó chẳng muốn làm gì nữa. Nó chỉ nằm lăn ra ngủ suốt ngày. Nó cũng chẳng thèm thức dậy sủa khi có ăn trộm vô nhà—nó quá no nê nên chỉ muốn nằm nghỉ ngủ. Nếu chúng ta chỉ cho nó ăn vừa phải, nó sẽ luôn thức tỉnh và cảnh giác. Nếu có ăn trộm lẻn vô, nó cũng cảnh giác được và nhảy ra sủa. Quý vị hiểu được chỗ này không?
Nhân loại chúng ta bị mắc bẫy và bị cầm tù trong thế gian này, và chúng ta có hàng đống những rắc rối khó khăn như vậy; và chúng ta luôn phải sống trong đầy dẫy nghi ngờ và lo âu. Đây không phải chuyện nhỏ, không phải chỉ là trò chơi hay chỉ là hoàn cảnh ngắn hạn của mỗi người. Đây thực sự là tình cảnh khó khăn và đầy phiền não của tất cả mọi người. Chúng ta đều đang ở trong tình thế nghiêm trọng đó, chứ không phải chỉ đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn ngắn hạn. Có nhiều thứ chúng ta cần phải trừ bỏ. Theo cách và đạo lý của đạo Phật, để tu tập tu dưỡng tâm linh, chúng ta cần nên từ bỏ thân này của chúng ta, từ bỏ cái bản thân của chúng ta. (Từ bỏ không có nghĩa là đi giết chết thân này, từ bỏ là từ bỏ sự chấp thân này là ‘ta’, là ‘của ta’). Chúng ta phải chọn cách giải quyết để mang lại sự sống thực sự cho chúng ta. Từ bỏ, chúng ta có thể nhìn tấm gương của những người từ bỏ, chẳng hạn như Đức Phật lịch sử. Phật trước khi đi tu là thuộc tầng lớp chiến sĩ cao quý trong hệ cấp phong kiến trong xã hội thời đó, Phật là thái tử của một đất nước giàu đẹp thời đó, nhưng Phật đã có thể bỏ hết tất cả mọi thứ sau lưng và không thối chuyển. Là một người thừa kế quyền lực và sự giàu có bậc nhất thời đó, nhưng Phật đã từ bỏ tất cả.
Khi chúng ta nói về Giáo Pháp vi tế vi diệu, hầu hết mọi người đều thấy sợ. Họ không dám bước vào Giáo Pháp, không dám thử bước vào đạo. Ngay cả khi nói ”Đừng làm điều xấu ác” thì hầu như chẳng mấy ai làm được. Tình cảnh chung là như vậy đó. Do vậy tôi đã cố tìm mọi cách để chỉ dạy, để mọi người có thể vượt qua tình trạng này. Tôi hay nói với họ như vầy: dù chúng ta đang vui hay buồn, sướng hay khổ, đang khóc hay đang ca hát thì cũng vậy thôi—sống trong thế gian này chúng ta chẳng khác gì đang sống trong cái lồng. Chúng ta đâu có vượt ra khỏi tình trạng giới hạn của cái lồng. Dù có giàu đến đâu cũng đang sống trong cái lồng đó. Dù có nghèo đến đâu cũng đang sống chung trong cái lồng đó. Nếu có đang vui mừng ca hát thì cũng đang ăn mừng ca hát ở trong cái lồng. Nếu đang được vinh danh vinh phận thì cũng là sự vinh danh trong cái lồng đó.
Cái lồng đó là cái gì? Đó là cái lồng của sự sinh, cái lồng của sự già, cái lồng của sự đau bệnh, cái lồng của sự chết. Sinh, già, bệnh, chết. Chúng ta đâu chạy thoát khỏi cái lồng đó. Theo một cách nhìn, chúng ta đang bị giam cầm trong cái ‘lồng’ thế gian này. Cứ suốt ngày suốt đời nghĩ ”đây là của ta”, ”đó là của ta”. Chúng ta ngu mờ, chẳng biết chúng ta đích thực là gì và đích thực đang làm gì. Đích thực, tất cả việc chúng ta đang làm chỉ là tích tạo thêm những khổ đau cho mình. Đâu phải thứ gì xa xôi gây ra khổ đau cho chúng ta đâu, chính chúng ta tạo ra khổ đau cho mình: chính là chúng ta không chịu nhìn vào chính mình. Dù có được sung sướng và hạnh phúc bao nhiêu, nhưng sau khi được sinh ra trên đời này chúng ta không thể tránh khỏi sự già, bệnh, chết. Đó chính là sự khổ đau, đó chính là nghĩa của chữ dukkha, ngay bây giờ và tại đây.
Chúng ta luôn luôn bị khổ sở vì khổ đau và bệnh tật. Khổ đau và bệnh tật có thể xảy ra bất cứ lúc nào? Giống như chúng ta vừa ăn cắp thứ gì. Người ta có thể đến bắt tù bất cứ lúc nào. Đó là tình cảnh của chúng ta, tình cảnh của kiếp sống này. Đầy hiểm nguy và rắc rối. Chúng ta đang sống giữa nhiều hiểm họa; sinh, già, bệnh, chết đang thống trị kiếp sống của chúng ta. Chúng ta không thể chạy đi đâu, không thể thoát khỏi nó. Như chim trong lồng, như cá trong chậu. Chúng có thể đến bắt ta bất cứ lúc nào—chúng luôn luôn có cơ hội tốt để đến bắt ta. Già, bệnh, chết luôn luôn có mặt. Do đó chúng ta chỉ biết cam phận và chấp nhận tình cảnh đó. Chúng ta cần phải biết bào chữa tội lỗi của chúng ta. Nếu biết làm vậy, bản kết án có thể sẽ nhẹ bớt. Nhưng nếu ta không chịu bào chữa biện hộ, chúng ta sẽ chịu bản án nặng nề hơn. Nếu biết bào chữa, chúng có thể nhẹ tay với ta ít nhiều; chúng ta sẽ không bị cầm tù quá lâu.
(Nếu ta không nhìn nhận khổ, khổ sẽ càng nặng hơn).
Khi thân được sinh ra nó không thuộc về ‘ai’ hết. Giống như cái thiền đường này vậy. Sau khi được xây xong, thằn lằn đến ở. Những côn trùng và bò sát cũng đến ở. Thậm chí rắn cũng vô ở. Mọi vật đều có thể đến ở. Nó không chỉ là cái sảnh đường của chúng ta; nó là sảnh đường của mọi vật.
Những thân này của chúng ta cũng vậy. Chúng không phải của chúng ta. Chúng ta đến ở trọ trong các thân và tùy thuộc vào chúng. Bệnh, đau, già…đến ở trong thân, và ta cũng chỉ là kẻ ở chung trong thân. Đến khi các thân này trải qua những khổ, già, bệnh, đau…rồi chúng tan rã và chết, đó không phải là ta chết. Đó là thân già, bệnh, chết; đâu phải chúng ta chết đâu. Hãy suy xét và chánh niệm một cách rõ ràng về điều này. Và sau khi hiểu biết rõ như vậy, sự ràng buộc vào thân này của chúng ta sẽ từ từ được tháo buông ra. Thân chỉ là tạm bợ, thân này chỉ là giả tạm, phù du. Ta không còn chấp thủ thứ gì của cái thân này nữa. (Gông cùm ‘thân kiến’ sẽ từ từ phai biến).
Sinh đã tạo ra gánh nặng cho chúng ta. Nhưng thông thường chẳng ai chấp nhận lẽ thực đó. Chúng ta thường cho rằng sự sinh ra đâu phải là kẻ thù lớn nhất. Chúng ta cho rằng sự chết và sự không được tái sinh lại (làm người, làm tiên) mới là điều tệ hại nhất. Đó là cách chúng ta nhìn mọi thứ. Chúng ta thường chỉ biết nghĩ mình sẽ cần có thêm được bao nhiêu nữa trong tương lai. Và do vậy chúng ta dục vọng nhiều hơn: ”Ước gì kiếp sau ta được sinh ra làm tiên làm trời, hoặc được sinh ra làm người giàu có sung sướng”. Chúng ta chỉ biết nghĩ xa đến vậy thôi, chỉ biết đòi hỏi những thứ đó.
Thực ra chúng ta đang đòi hỏi thêm những gánh nặng nặng nề hơn mà thôi! Nhưng chúng ta cứ nghĩ những thứ đó mới mang lại hạnh phúc cho tương lai và kiếp sau. Vì nghĩ và tham muốn như vậy nên việc học hiểu thâm nhập Giáo Pháp là quá khó làm đối với chúng ta. Để làm được điều đó chúng ta cần phải có sự quán xét điều tra một cách nghiêm túc.
Cách suy nghĩ của chúng ta là hoàn toàn khác với ý dạy của Phật. Cách nghĩ đó chỉ mang thêm gánh nặng. Phật thì dạy phải trút bỏ và dẹp bỏ những tham dục đó. Nhưng chúng ta cứ than ”Tôi không thể làm được”. Do vậy chúng ta cứ tiếp tục mang vác những tham vọng và nó càng lúc càng nặng hơn. Từ lúc được sinh ra chúng ta đã mang vác cái gánh nặng đó rồi.
Rồi cứ tham, tham nữa, tham vọng hơn nữa, quý vị có biết dục vọng có giới hạn của nó không? Tới mức nào nó được thỏa mãn? Nếu quý vị chịu suy xét nó thì quý vị sẽ thấy dục vọng (tanhā) là không thể thỏa mãn được. Nó cứ tiếp tục muốn, muốn nữa; ngay cả lúc nó gây ra khổ đau chết người, ngay cả đến lúc sắp chết nó vẫn còn tham muốn. Dục vọng cứ liên tục muốn và muốn nữa, bởi không khi nào nó được thỏa mãn.
Đây là chỗ quan trọng. Nếu mọi người biết nghĩ suy theo một cách cân bằng và đúng mực—chà, ví dụ như nói về quần áo. Chúng ta cần bao nhiêu bộ đồ? Và thức ăn- chúng ta cần bao nhiêu để ăn? Cùng lắm một bữa ăn chúng ta ăn hai dĩa đầy thì cũng quá đủ no vậy. Nếu chúng ta biết giữ điều độ và sống theo chừng mực đúng đắn thì chúng ta sẽ thấy nhẹ nhàng và hạnh phúc, nhưng ít có ai chịu làm như vậy.
Những lời Phật đã hướng dẫn là dành cho “người giàu”. Biết hài lòng với cái mình đang có là “người giàu”. Giáo lý này là để cho “người giàu”. Đó là giáo lý đáng để học hỏi, đáng để quán chiếu với thực tế. (Giàu về mặt trí tuệ tâm linh). Trước tiên, đó là lối sống có đạo đức. Khi cuộc sống chúng ta đã tạm ổn định, chúng ta nên nghĩ thêm về cuộc sống tâm linh. Ta có thể tái sinh về bất kỳ cõi nào sau khi chết. Lối sống có đạo đức giúp tránh những con đường dẫn xuống những cõi thấp xấu (như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh).
Rồi đến phần Giáo Pháp cao sâu hơn. Có thể một số người không hiểu nó. Ví dụ, nhiều người nghe Phật nói rằng đối với Phật, Phật không còn sinh nữa (sinh đã tận) thì họ thấy khó chịu. Nói thẳng ra, Phật nói chúng ta không nên được sinh ra nữa, vì sinh là nguyên nhân khổ. Chỉ là từ cái sinh mà khổ, hãy suy xét kỹ về điều này. Sau khi sinh là có khổ đi theo. Khổ có mặt ngay lúc sinh. Chúng ta cứ nghĩ nhờ có sinh nên chúng ta có có mắt, có mũi, miệng, đủ thứ. Giờ lại nghe người ta tu hành để…không còn được sinh ra nữa, nghe vậy chúng ta thất vọng và sợ hãi, chẳng ai muốn tu hành để đi đến đó. Nhưng giáo lý sâu sắc nhất của Phật là ở chỗ đó.
Tại sao chúng ta đang có khổ? Bởi vì chúng ta đã được sinh ra. Do vậy, chúng ta được dạy để chấm dứt sinh. Chỗ này không phải chỉ nói về sự sinh tử của thân này. Thân này sinh ra rồi chết đi, chuyện đó một đứa trẻ con cũng biết. Khi hơi thở chấm dứt, thân chết, nằm thành xác chết. Đây là cách chúng ta hay tả về cái chết. Người chết tắt thở. Nhưng còn cái người chết đang thở—chính là ta đang sống mà chết đi trong từng giây từng phút—thì chẳng ai để ý đến. Chúng ta chỉ người chết là chỉ cái xác chết thôi. Đó là chết.
Sinh cũng vậy, khi nói sinh là ta nghĩ đến việc một người mẹ đến nhà thương sinh ra đứa con. Chúng ta chỉ biết về một cái thân được sinh ra, nhưng lúc nào cái tâm được sinh ra thì ta không biết được. Những trạng thái tâm thì có mặt lúc nào? Khi ta bực mình chuyện nhà cửa, ta có để ý tâm đó từ đâu sinh ra? Lúc có tâm trạng thương mến. Lúc có tâm trạng bực bội. Lúc dễ chịu, lúc khó chịu—đủ thứ loại trạng thái của tâm. Đó là sinh.
Khi mắt nhìn thấy thứ gì gây khó chịu, khổ sinh ra. Ta nghe điều gì dễ chịu, khổ cũng sinh ra. Cuối cùng cũng chỉ là khổ. (Sướng, dễ chịu, hạnh phúc…chỉ là mặt khác của khổ mà thôi).
Phật tóm lại rằng: chỉ có một đống khổ. Khổ sinh và khổ diệt. Tất cả chỉ có vậy. Chúng ta cứ chụp lấy và dính vào khổ, dính vào khổ sinh, dính vào khổ diệt, nhưng chưa bao giờ hiểu về nó.
Khi khổ khởi sinh, ta nói mình có khổ. Khi khổ chấm dứt, ta gọi đó là sướng (lạc). Khổ và sướng chỉ là hai mặt của một nguyên nhân. Chỉ là do khổ. Lúc nó sinh thì gọi là khổ, lúc nó hết thì gọi là sướng. Chúng ta được dạy để quan sát thân và tâm đang sinh và đang diệt. Chẳng có gì khác ngoài tấn tuồng này của khổ.
Nói lại, chúng ta nhận thấy khổ khi khổ khởi sinh. Rồi khi khổ hết chúng ta nhận thấy sướng. Chúng ta nhìn nó và gán cho nó là sướng, nhưng thực ra nó không phải vậy. Đó chỉ là sự hết khổ, sự chấm dứt khổ. Khổ khởi sinh và biến mất, có rồi mất, sinh rồi diệt, và chúng ta cứ chụp lấy nó, và phân thành khổ và sướng. Sự sướng (hạnh phúc, dễ chịu) có mặt, ta thấy vui. Sự không sướng (bất hạnh, khó chịu) có mặt, ta thấy buồn. Thực ra sướng hay không sướng chỉ là do khổ diệt hay khổ sinh mà thôi, chỉ là một thứ sinh rồi diệt. Khi có sinh, thì có cái gì đó. Khi có diệt, nó không còn cái đó. Đây chính là chỗ chúng ta bị rối tâm. Do vậy, Phật đã dạy rằng: chỉ có khổ sinh và khổ diệt, và ngoài đó ra, chẳng có gì khác.
Chúng ta không nhận ra được rằng chỉ có khổ, bởi vì khi khổ chấm dứt, ta thấy sướng ở đó. Chúng ta chụp lấy sướng và dính vào nó. Nhưng chúng ta chẳng hiểu được nó là gì, thực ra đó chỉ là sự sinh và diệt của một thứ là khổ.
Phật tóm tắt lại rằng chỉ có sự sinh và diệt, ngoài ra chẳng có gì khác. Điều này trông khó nghe, hoặc nghe khó hiểu. Nhưng ai thực sự cảm nhận được giáo pháp sẽ sống bình tâm mà không phụ thuộc vào thứ gì trên đời và sống thư thái. (Không chấp khổ, không chấp sướng).
Sự thật là như vậy. Sự thật là trên thế giới này chẳng có thứ gì làm cho chúng ta khổ. Chẳng có gì đáng làm ta lo lắng về nó. Chẳng có gì đáng để ta khóc than hay tức cười về nó. Về bản chất, chẳng có gì bi thảm hay khoái lạc. (Khổ là do chúng ta tự cảm nhận, do chúng ta nghĩ, do chúng ta chọn lấy).
Nếu chúng ta thực sự hiểu biết giáo pháp và quán xét liên tục, thì chẳng có gì là một cái gì cả; duy nhất chỉ là sự sinh và diệt. Không có khổ hay sướng đích thực. Khi ta nhìn ra không có sướng không có khổ, thì tâm ta được bình an. Nhưng khi có khổ và có sướng, thì có sự trở thành (nghiệp hữu) và có sự sinh. Đó là sự chuyển hóa (tái sinh) bất tận.
Chúng ta thường cố làm hết khổ để làm khởi sinh ra sướng. Đó là điều chúng ta muốn. Nhưng cái chúng ta muốn không phải là sự bình an thực sự; đó chỉ là khổ và sướng. (Hai thứ đều có mặt thì không thể gọi là bình an hay bình tâm được). Mục đích của Phật là dạy cho chúng ta cách tu hành để tạo ra loại nghiệp (kamma) vượt trên cả khổ và sướng, và nó mang lại sự bình an. Nhưng thói thường chúng ta hay nghĩ rằng chỉ có hạnh phúc mới đem lại sự bình an. Khi chúng ta tìm thấy vài điều hạnh phúc (tiền bạc, nhà cửa, gia đình, con cái, công việc…), chúng ta nghĩ rằng đã đủ tốt.
Do vậy, chúng ta nghĩ có được nhiều thứ là tốt, thói thường là vậy. Chúng ta chỉ nghĩ đến công thức: Làm tốt mang lại kết quả tốt, và chỉ có kết quả tốt thì chúng ta mới hạnh phúc. Chúng ta nghĩ làm nên hạnh phúc như vậy là đủ, nên không cần làm gì nữa. Nhưng liệu những điều tốt đó có tồn tại được lâu hay không?. Không. Chúng ta cứ chạy tới, chạy lui, lo này, lo nọ, tính này, tính nọ, nếm trải đủ thứ tốt và xấu, cố gắng cả ngày và đêm để cố giữ cho được những thứ hạnh phúc mà ta gọi là tốt đó.
(Giàu thì lo giữ của cải, danh phận…, nghèo thì lo giữ từng nồi cơm, manh áo, chỗ ở…, đó là cách chúng ta nghĩ sẽ mang lại hạnh phúc. Do vậy, ngày đêm ta phải lo lắng, tính toán sao cho giữ được những thứ đó mới giữ được hạnh phúc. Và cuộc sống chỉ là một sự đeo đuổi liên tục, không có sự bình an đích thực).
Phật dạy rằng trước hết ta nên từ bỏ những điều xấu ác, làm những điều tốt thiện. Thứ hai, Phật dạy ta về sau cũng phải từ bỏ luôn cả điều xấu và điều tốt, không dính líu gì vào chúng, bởi vì chúng giống như những thứ nhiên liệu, rồi cũng bắt cháy thành lửa khổ. Tốt là nhiên liệu. Xấu cũng là nhiên liệu. (Vì vậy: không nghĩ thiện, không nghĩ ác mới là cách đúng đắn).
Nhưng, nếu chúng ta cứ chỉ giảng giáo lý ở mức trình độ này ta sẽ giết chết nhiều người. Nói kiểu rố ráo “không nghĩ thiện, không nghĩ ác” thì người ta khó mà theo kịp. Do vậy tốt nhất chúng ta quay lại bước căn bản và bắt đầu chỉ dạy họ về giới hạnh đạo đức. Giới hạnh là không làm hại lẫn nhau. Phải tự chịu trách nhiệm với hành động của mình và không nên hãm hại hay lợi dụng người khác. Phật dạy điều đó, nhưng chỉ riêng điều đó mà người ta cũng không biết dừng lại.
Tại sao chúng ta lại ở đây, trong thế giới này, trong tình cảnh này? Đó là do sinh. Khi hết sinh là hết khổ, hết sinh là không còn sinh vào cảnh giới khổ đau nào nữa. Giống như Phật đã nói trong bài khai giảng đầu tiên, kinh Chuyển Pháp Luân, rằng: ”Sinh đã tận. Đây là kiếp sống cuối cùng của ta. Không còn sự tái sinh nữa đối với Như Lai (Tathāgata).”
Vậy mà ít ai biết được điểm này, chẳng mấy ai biết quay lại ngay chỗ “sinh” này để suy xét quán chiếu theo những nguyên lý mà Phật đã chỉ dạy. Nhưng nếu chúng ta có niềm tin và bước đi theo con đường của Đức Phật [đạo Phật] thì chúng ta sẽ được trả công bằng kết quả tốt lành. Nếu mọi người thực sự biết nương tựa vào các phẩm hạnh của Tam Bảo thì sự tu tập sẽ dễ dàng hơn.
* Bài viết được trích từ bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, Thiền Sư Ajahn Chah