87
Điều Đó Có Thể Làm Được
Giờ xin quý vị hãy tập trung lắng nghe Giáo Pháp. Đây là lúc thích hợp để cho chúng ta, các Phật tử vùng này đến thăm chùa nhà để học Giáo Pháp để tăng trưởng sự chánh niệm và trí tuệ. Hôm nay là ngày nghe pháp [thính pháp, dhammasavana]. Bố thí và tiếp nhận giáo pháp là việc chúng ta đã làm bấy lâu nay. Những hoạt động chúng ta thường làm trong ngày thính pháp này, bao gồm việc tụng kinh tưởng niệm Đức Phật, chấp nhận giới hạnh, thiền tập và lắng nghe giáo pháp; tất cả được hiểu là những phương pháp và nguyên tắc để tu tập phát triển tâm linh. Những việc đó chỉ nhằm mục đích tu tập tâm chứ không phải nhắm tới điều gì khác.
Ví dụ, đến khi tiếp nhận giới hạnh, một nhà sư sẽ đọc rõ những giới hạnh và người Phật tử tại gia sẽ thệ nguyện nhận lấy những giới hạnh đó để sống giữ theo chúng. Các Phật tử đừng nên hiểu lầm nghi thức đó là cái gì khác, đó chỉ đơn giản là nghi thức mà thôi. Chứ thiệt ra đức hạnh không phải là thứ gì có thể được ban phát cho quý vị. Đâu phải các sư thầy đang ban phát đức hạnh cho quý vị; đức hạnh không phải là thứ được xin hay cho. Chúng ta không thể cho tặng đức hạnh cho người khác. Ở nhiều vùng chúng ta thường nghe người ta nói những câu như: ”Quý thầy ban phát giới hạnh” và ”chúng ta đã nhận được giới hạnh”. Nhứt là ở quê, nhiều người cứ nói như vậy và cứ hiểu lầm đó là chuyện phát và nhận. Ai cũng nghĩ như vậy, họ nghĩ nếu những ngày rằm đến chùa mà các sư thầy không ban phát giới hạnh thì mình không nhận được đức hạnh. Đó là cách nghĩ ngu mờ có từ thời xa xưa ở nhiều làng quê. Nếu cứ nghĩ như vậy thì các Phật tử sẽ bỏ luôn trách nhiệm của mình, không còn tin và cam kết thực hiện giới hạnh bằng chính bản thân mình. Nhiều đời cứ nghĩ như vậy và truyền dạy con kiểu như vậy, nên con cái sau này cứ tiếp tục đến chùa để ‘nhận lãnh’ giới hạnh từ các nhà sư. Và lâu dần các nhà sư cũng tin rằng chính họ là người ‘ban phát’ những giới hạnh và đạo đức cho các Phật tử tại gia. Thực sự thì đạo đức và những giới hạnh đâu phải là như vậy. Chúng đâu phải là những thứ được ‘cho’ hay ‘nhận’; nhưng tại các dịp Phật tử đến chùa cúng dường hay làm công đức, chúng ta thường dùng những nghi thứ này theo truyền thống đạo Phật cổ xưa và hay dùng những từ ngữ như vậy.
Thực ra, đạo đức hay đức hạnh là nằm bên trong những ý định (ý hành) của mọi người. Nếu bạn có ý thức quyết định kiêng cữ và không làm những điều xấu ác qua hành động và lời nói, thì lúc đó là bạn giữ giới hạnh, lúc đó đức hạnh được khởi sinh bên trong bạn. Bạn phải biết rõ đức hạnh bên trong tâm mình. Việc các Phật tử thệ nguyện trước người khác thì cũng tốt. Quý vị cũng có thể tự mình thường nhớ đến những giới hạnh. Nếu quý vị không biết rõ những giới hạnh là gì thì quý vị có thể hỏi người khác chỉ bảo giùm. Điều đó dễ làm, không có gì phức tạp hay xa vời. Thực sự khi nào quý vị muốn nhận được đức hạnh và Giáo Pháp thì quý vị sẽ có chúng lúc đó; tức là bằng cách tự mình biết rõ về giới hạnh. Đó giống như bầu không khí bao quanh chúng ta. Hễ khi nào chúng ta thở, chúng ta hít không khí vào bên trong. Tất cả mọi hành động tốt và xấu cũng giống như không khí; ta hành động tốt lành thì như hít vào đức hạnh tốt lành, và ngược lại. Nếu chúng ta muốn làm điều tốt thiện, chúng ta có thể làm mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta có thể làm một mình hoặc cùng làm với người khác. Việc xấu ác cũng vậy. Chúng ta cũng có thể làm một mình, hoặc làm với vài người, hoặc hùa theo làm với số đông người khác, làm ở nơi công khai hoặc làm một cách kín đáo. Giống như vậy đó.(Nhưng dù làm một mình, làm với số ít hay số đông người khác, làm công khai hay lén lút, thì chỉ có tự mình biết rõ nhất về hành động và đức hạnh của mình là gì).
Tất cả những chuyện đó đã có sẵn trong đời chúng ta, làm tốt hay làm xấu, đức hạnh hay không đức hạnh. Nhưng về khoản đức hạnh hay đạo đức, chúng ta coi đó là điều thông thường cần có đối với con người; người không có đạo đức thì chẳng khác gì súc vật. Nếu ai muốn sống như một con vật thì sự tốt hay sự xấu đâu có ý nghĩa gì với người đó nữa đâu; thú vật thì làm gì biết phân biệt đức hạnh và vô đức. Một con mèo bắt chuột ăn thịt, ta khó mà nói đó là hành động ác độc, bởi con mèo làm gì biết phân biệt điều gì là đúng hay sai, là lành hay ác. Những loài chúng sinh đó nằm bên ngoài loài người. Chúng thuộc về cảnh giới súc sinh. Phật đã chỉ ra rằng nhóm súc sinh đó chỉ biết sống theo những nghiệp của súc sinh. Chúng sinh có thể biết được những điều đúng và sai, thiện và ác chính là con người. Phật đã dạy Giáo Pháp và đạo Phật cho con người. Nếu con người không có đức hạnh và sự hiểu biết về những điều đúng-sai, thiện-ác đó thì coi như họ không khác gì so với những loài súc sinh. Do vậy chúng ta cần phải học hiểu thêm về những điều đúng-sai, thiện-ác để chúng ta làm cho mình trở thành những con người có thể hiểu biết hơn loài vật. Đây là chỗ chúng ta phải biết tận dụng lợi thế được làm người để thực thi những việc tu dưỡng đức hạnh và tạo thiện nghiệp theo hướng dẫn của đạo Phật.
Phật Pháp là giáo lý thâm sâu lấy nền tảng đức hạnh là cái cần-phải-có. Rồi khi nào có đức hạnh, chúng ta có nền tảng để tu tiến theo Giáo Pháp. Đức hạnh có nghĩa là phẩm chất sống theo những giới hạnh, giới hạnh là những điều chúng ta không được phép làm và những điều chúng ta nên làm. Giáo Pháp là nói về quy luật của tự nhiên và về con người hiểu biết về tự nhiên– đó là cách mà mọi sự hiện hữu diễn ra theo đường lối tự nhiên. Tự nhiên không phải là những thứ chúng ta có thể chế ra. Đường lối tự nhiên xảy ra tùy theo những điều kiện nhân duyên của nó. Lấy ví dụ đơn giản về loài vật. Có một số loài vật như con công, chúng được sinh với nhiều vẻ đẹp và màu sắc khác nhau trên thân chúng. Chúng đâu phải do con người tạo ra hay chế ra, con người đâu tài tình đến vậy; chúng chỉ đơn giản được tạo ra bởi những đường lối của tự nhiên. Đó là ví dụ đơn giản nhất về tự nhiên.
Tất cả mọi thứ của tự nhiên đều đang có mặt trong thế gian này—cách nói này cũng mới chỉ là cách nói bằng sự hiểu biết thế tục của chúng ta. Đức Phật đã dạy chúng ta phải hiểu biết rõ về bản chất của tự nhiên, và cứ để cho cho tự nhiên vận hành theo những điều kiện tự nhiên của nó. Đó là nói về thế giới vật chất bên ngoài, tức phần những sắc pháp (rupa-dhammas). Còn đối với thế giới bên trong chúng ta, tức là những danh pháp (nāma-dhammas), có nghĩa là cái tâm, thì chúng ta không thể bỏ mặc cho cái tâm tự do vận hành và lăng xăng chạy theo những điều kiện búa xua này nọ liên tục của nó. Nó cần phải được tu tập. Cuối cùng, chúng ta có thể nói tâm là người thầy của thân hành động và lời nói; (tâm dẫn đầu, tâm điều khiển); do vậy nó cần phải được tu tập và huấn luyện để dẫn dắt và điều khiển những hành động và lời nói một cách đúng đắn và thiện khéo. Nếu cứ để tâm chạy theo những động lực và trạng thái này nọ của nó thì giống như làm cho một người trở thành loài vật. Tâm cần phải được giáo dục và huấn luyện. Tâm cần phải đi đến hiểu biết về tự nhiên, chứ ta không nên bỏ mặc nó chạy theo tự nhiên.
Chúng ta đã được sinh ra trên thế gian này và tất cả chúng ta đều bị dính nhiễm những thứ ô nhiễm của tham, sân, si. Tham dục làm cho chúng ta thèm khát mong muốn có được hết thứ này đến thứ nọ và do vậy làm chúng ta điên đảo, mất cân bằng. Tự nhiên là như vầy. Tự nhiên không làm điều gì bắt cái tâm chạy theo sau những xung động tham muốn của tâm. Nhưng nếu cứ để tâm chạy theo tự nhiên, nó chỉ dẫn đến bị đốt cháy bởi lửa tham dục và dẫn đến sự sầu não. Tốt nhất là chúng ta cần huấn luyện cái tâm trong sự thật, trong Giáo Pháp.
Khi nào có sân hận ác cảm khởi sinh bên trong chúng ta, chúng ta cứ muốn thể hiện ra với mọi người; thậm chí có thể đến mức độ chúng ta có thể tấn công, làm hại hay thậm chí giết người. Nhưng, chúng ta đừng nên bỏ mặc ‘để yên’ cho điều đó xảy ra theo xung động tự nhiên như vậy của cái tâm. Chúng ta biết rõ bản chất tự nhiên của điều gì đang xảy ra. Chúng ta nhìn rõ điều đang xảy ra đích thực là gì, và chúng ta dạy cho cái tâm biết rõ về điều đó. Đó là cách tu học theo Giáo Pháp.
Còn về phần si cũng vậy. Khi có si, chúng ta bị ngu mờ si mê về tất cả nhiều thứ. Nếu chúng ta cứ để mặc cái tâm ngu mờ như vậy thì chúng ta sẽ cứ mãi si mê và vô minh. Do vậy Đức Phật đã dạy chúng ta phải hiểu biết về tự nhiên, dạy tâm biết về tự nhiên, huấn luyện và điều chỉnh tự nhiên cho cái tâm, và làm cho tâm hiểu biết chính xác bản chất tự nhiên là gì.
Ví dụ, con người được sinh ra với hai phần thân và tâm, tức hai phần danh sắc. Lúc đầu cái thân và tâm này được sinh ra, sau đó chúng biến đổi, và cuối cùng chúng biến diệt. Đây là lẽ thường; đây là bản chất tự nhiên của chúng. Sinh rồi diệt. Chúng ta chẳng làm được gì nhiều để thay đổi sự thật sinh-biến-diệt đó. Còn duyên hợp thì còn, hết duyên hợp thì tan. Chúng ta chỉ còn cách huấn luyện cái tâm của chúng ta càng nhiều càng tố, và đến lúc phải đến, chúng ta phải từ bỏ buông bỏ tất cả mọi thứ. Phải từ bỏ tất cả, bởi con người đâu có khả năng thay đổi sự thật sinh-biến-diệt đó hay vượt qua điều đó. Giáo Pháp mà Đức Phật đã dạy là thứ được áp dụng và ứng dụng ngay khi chúng ta đang ở đây, để làm cho ba nghiệp “lời nói, hành động và ý nghĩ” của chúng ta được đúng đắn và phù hợp. Điều đó có nghĩa là Phật đã dạy cho cái tâm của chúng ta để cho chúng ta không bị ngu mờ đối với lẽ thực tự nhiên, không bị ngu mờ đối với những thực tại do quy ước và giả lập trước mắt chúng ta. Vị Thầy đã dạy cho chúng ta nhìn thấy thế giới, nhìn thấy bản chất thực của thế gian thế tục. Giáo Pháp của Phật là giáo lý để nhìn thấy cao hơn thực tại thế gian và để vượt qua thế gian thế tục. Chúng ta đang ở trong thế gian. Chúng ta được sinh ra trong thế gian này; Phật đã dạy chúng ta vượt lên trên thế gian thế tục, chứ không nên làm tù nhân của những đường lối và thói tính của thế gian thế tục.
Giống như một viên kim cương dù có bị rớt xuống lổ bùn dơ. Dù là bùn dơ hay những thứ hôi hám bao quanh cũng không làm mất giá trị của kim cương, không làm mất đi màu sắc và ánh sáng của kim cương. Dù bùn dơ và những thứ hôi hám bọc dính hết kim cương, nó vẫn là nó như nguyên tính. Bùn dơ ô nhiễm là ô nhiễm; kim cương là kim cương. Hai thứ chẳng ô hợp với nhau. Hai thứ khác nhau.
Vậy đó, Phật đã dạy chúng ta phải ở trên thế gian thế tục, có nghĩa là phải hiểu biết thế giới một cách rõ rệt. (Chữ thế gian và thế giới là đồng nghĩa, nhưng đôi lúc là khác nghĩa nhau. Chữ ‘thế gian’ hay dùng để chỉ thế giới bên ngoài. Chữ ‘thế giới’ hay dùng để chỉ thế giới bên trong tâm con người). Chỗ này Phật dùng chữ ‘thế giới’ nhưng không phải Phật đang chỉ về trời cao biển rộng và trần gian, mà Phật đang chỉ về cái tâm. Đó là thế giới của tâm, đó là cái vòng sinh tử luân hồi liên tục (samsāra) bên trong những cái tâm của chúng ta. Phật đang nói về cái vòng luân hồi liên tục đó, đang nói về thế giới đó. Đây là thế giới mà Phật đã hiểu biết một cách rõ rệt rõ ràng; khi chúng ta nói đến câu “hiểu biết thế giới một cách rõ ràng” là chúng ta đang nói về những điều như vậy. Đúng không? Chứ nếu ý Phật muốn nói về thế giới là thế gian trần gian này, thì có lẽ Phật cần phải bay đi bay đến tất cả mọi nơi trên thế gian này thì mới gọi là ‘hiểu biết hết thế gian này một cách rõ ràng’. Chữ ‘thế giới’ ở đây không phải là thế gian hay trần gian này. Ý không phải như vậy. Ý ở đây chỉ là một điểm duy nhất. Tất cả mọi pháp đều quy về một điểm duy nhất. Giống như mọi người nam nữ đều quy về một thứ là ‘con người sinh tử’. Khi chúng ta hiểu biết về bản chất sinh tử của một người, chúng ta hiểu biết rõ ràng về bản chất sinh tử đó của mọi người trong vũ trụ này. Họ không khác nhau. Tất cả mọi người đều quay về một chỗ duy nhất, đó là sinh tử.
Hoặc như khi chúng ta học về nhiệt nóng. Nếu chúng ta đã biết được sự nóng 100 độ C là gì, thì nóng 100 độ C là giống nhau cho dù nóng là được tạo nên bởi lửa, do mặt trời, hay do nguồn điện. Đã biết rõ về một điểm này thì sau này có sự nóng nào trên đời chúng ta cũng có thể biết nó là như vậy. Giống như vậy, Đức Phật đã hiểu biết rõ một điểm duy nhất và nhờ vậy Phật biết rõ bao trùm về thế giới. Ví như Phật đã điều tra hiểu biết rõ sự lạnh là gì, thì khi Phật đến nơi nào trên thế gian lạnh như vậy, Phật đã biết rõ về sự lạnh đó. Phật đã dạy về một điểm duy nhất, để cho mọi chúng sinh đều ở sống trong thế gian hiểu biết rõ mọi thứ về thế gian, hiểu biết được bản chất của mọi thứ thế gian. Cũng giống như việc hiểu biết về con người. Hiểu biết về đàn ông và phụ nữ, hiểu biết về những hành vi và cách sống của những chúng sinh con người trên thế gian. Sự hiểu biết của Phật là như vậy. Phật điều tra hiểu biết rõ một điểm (một bản chất hay quy luật), thì Phật hiểu biết rõ về bản chất của mọi sự thể khác.
Giáo Pháp được giảng dạy bởi Người Thầy là để cho chúng sinh vượt qua sự khổ đau. Mà “vượt qua sự khổ đau” có nghĩa là gì? Chúng ta cần phải làm gì để “thoát khỏi khổ đau”?. Điều cần thiết là chúng ta phải học hiểu ít nhiều; chúng ta cần phải đi đến và bước vào học hiểu những suy nghĩ và cảm nhận của cái tâm của chúng ta. Chỉ cần làm như vậy. Tâm chính là thứ hiện tại chúng ta chưa thay đổi được gì nó. Nếu chúng ta có thể thay đổi cái tâm, chúng ta có thể được tự do khỏi tất cả mọi sự khổ đau và bất toại nguyện trong cuộc đời. Chỉ bằng cách thay đổi một chỗ này: ngay chỗ cái cách nhìn cố hữu tự truyền kiếp của chúng ta, ngay chỗ cái cách suy nghĩ và cảm nhận về thế giới của chúng ta. Nếu chúng ta đi đến một cách cảm nhận mới về mọi thứ trong thế gian, nếu chúng ta đi đến một sự hiểu biết mới, thì chúng ta có thể chuyển hóa và vượt qua những nhận thức (tưởng) và hiểu biết cố hữu trước giờ. (Cái lý của đạo là vậy).
Giáo Pháp uyên nguyên đích thực của Đức Phật không phải là thứ gì xa vời huyền hoặc. Giáo lý Phật dạy về cái attā, tức cái ‘ta’, còn gọi là cái ‘ngã’; và sự thật là mọi thứ đều không có cái ‘ta’ hay ‘bản ngã’ thực nào cả. Tất cả chỉ có vậy. Tất cả mọi giáo lý của Phật đều cuối cùng chỉ ra một sự thật rằng: “Đây không phải là một cái ‘ta’, đây không thuộc về cái ‘ta’; không có thứ gì là của ‘ta’, của ‘chúng ta’ hay của ‘ai’ nào cả”. Đến tận bây giờ, khi chúng ta tiếp xúc với sự thật này, chúng ta vẫn không thể thực sự hiểu về nó, chúng ta không thể diễn-dịch được nó một cách xác thực đúng đắn. Chúng ta vẫn luôn luôn nghĩ rằng: ‘Đây là ta, đây là của ta’. Chúng ta dính chặt và ràng buộc vào mọi thứ, và chúng ta đặt ý nghĩa và giá trị cho mọi thứ dính với cái ‘ta’ (không có thực) của mình. Khi chúng ta nghĩ như vậy và làm như vậy, chúng ta càng không thể thoát bỏ khỏi mọi thứ; sự dính líu càng ngày càng thêm lún sâu và mọi sự rắc rối khổ lụy càng lúc càng tệ hơn và khó gỡ hơn. Nếu chúng ta hiểu biết rằng không có cái ‘ta’ cái ‘ngã’ nào hết, hiểu biết rằng thân và tâm thực sự là vô chủ thể, thực sự là vô-ngã (anattā) như Đức Phật đã nói rõ; nếu hiểu biết được điều này thì chúng càng suy xét điều tra thêm nữa vào tất cả mọi sự mọi thứ khác trên đời để cuối cùng chúng ta có thể đi đến giác ngộ về cái lẽ thực vô-ngã bên trong mọi sự sống. Chúng ta sẽ thực thụ chứng ngộ rằng không có một cái ‘ta’ cố định nào và không có một cái ‘ai’ cố định nào. ‘Ta’, ‘người đó’, ‘ông A’, ‘bà B’, ‘họ’…thực sự chỉ là những tên gọi và quy ước của thế tục để chúng ta dễ giao lưu và sinh tồn. Khoái cảm chỉ là khoái cảm. Cảm giác chỉ đơn thuần là cảm giác. Trí nhớ chỉ là trí nhớ. Ý nghĩ chỉ là ý nghĩ. Tất cả mọi thứ ‘đơn thuần’ chỉ là vậy. Sướng chỉ là sướng; khổ chỉ đơn giản là khổ. Thiện chỉ là sự thiện, ác chỉ là sự ác. Tất cả mọi thứ đều đơn thuần có mặt như vậy. Đích thực, không có cái khổ thực sự hay cái sướng thực sự. Chúng chỉ đơn giản là những trạng thái mà thôi. Chỉ là trạng thái sướng, chỉ là trạng thái khổ; chỉ là sự nóng, chỉ là sự lạnh; chỉ là một ‘con người’ hay một ‘cá thể’ được quy ước như vậy. Quý vị cần phải tu tập quán xét để nhìn thấy tất cả những thứ đó chỉ là vậy; cùng lắm cũng chỉ là vậy, tốt lắm cũng chỉ là vậy. Chỉ là đất, chỉ là nước, chỉ là nhiệt, chỉ là khí. Chúng ta phải “đọc” được những thứ đó, chúng ta phải hiểu biết được những thứ đó chỉ-là-như-vậy; chúng ta phải quán xét điều tra ngay điểm này. Cứ tu tập như vậy rồi sau này sự nhận thức của chúng ta sẽ thay đổi; chúng ta sẽ có một cảm nhận khác hẳn về những thứ đó. Một sự quyết kết và cam kết chắn chắn rằng không có một cái ‘ta’ hay cái ‘ngã’ cố định nào, và rồi từ từ tất cả mọi thứ dính líu với khái niệm ‘cái ta’ sẽ dần dần được tháo gỡ và dẹp bỏ. Một khi cách nhận thức (tưởng, tâm tưởng) cũ trước giờ của chúng ta đã được tháo bỏ thì cách nhận thức mới ngược lại sẽ khởi sinh và tăng trưởng một cách đều đặn, chắn chắn.
Khi sự giác ngộ về tính vô-ngã (anattā) đến được mức trọn vẹn thì chúng ta có khả năng liên hệ với tất cả mọi thứ trên thế gian – với tất cả những của cải, tài sản và những ràng buộc mà chúng ta trân quý nhất trên đời, với những quan hệ người thân và bạn bè, gia tài, sự thành đạt, danh phận và địa vị – chúng ta coi tất cả đều là những thứ có rồi mất, không có gì là ‘của ta’ cả, chỉ giống như quần áo. Khi quần áo còn mới chúng ta mặc; khi chúng dơ bẩn chúng ta đem giặt; sau một thời gian chúng cũ rách, chúng ta giục bỏ chúng. Chẳng có gì khác với bình thường cả; chúng ta cứ liên tục giục bỏ những quần áo phai tàn cũ kỹ và lại bắt đầu dùng đồ mới. (Dù nhanh hay chậm, dù sớm hay muộn, tất cả mọi thứ có đó rồi mất đó, tất cả mọi thứ đều hư tàn và biến mất. Chẳng có thứ gì là ‘trường tồn của chúng ta, chẳng có gì là của ta hay của ai. Tất cả mọi thứ đều vô-ngã, kể cả bản thân chúng ta cũng là vô-ngã).
Từ đó, chúng ta sẽ có cái cảm nhận chính xác như vậy về sự sống và sự có mặt của chúng ta trên thế gian này. Chúng ta sẽ không khóc than hay sầu tiếc về tất cả mọi thứ. Chúng ta sẽ không còn bị dày vò, khổ lụy hay bị gánh nặng vì chúng. Tất cả chúng chỉ là y hệt như chúng trước giờ, nhưng trước kia tâm ta nhận thức (tưởng) chúng là này là nọ; giờ thì tâm chúng ta nhận thức và hiểu biết chúng theo một cách hoàn toàn khác. (Hoàn toàn ngược lại và đúng đắn hơn, đúng như chúng đích thực là). Giờ thì sự hiểu biết của chúng ta sẽ được nâng cao hơn và nhờ đó chúng ta nhìn thấy sự thật. Rồi chúng ta sẽ đạt đến một tầm nhìn cao nhất và đạt đến Giáo Pháp uyên nguyên đã được chỉ dạy, đó là Giáo Pháp hay Chân Pháp mà chúng ta cần phải hiểu biết và nhìn thấy. Đâu là Giáo Pháp mà chúng ta cần phải hiểu biết và nhìn thấy? Nó ở ngay đây, ngay bên trong chúng ta, ngay trong thân và tâm này. Chúng ta đã có nó rồi; chúng ta chỉ còn việc phải đi đến hiểu biết nó và nhìn thấy nó. (Đó chính đi đến giác ngộ Giáo Pháp).
Ví dụ, tất cả chúng ta đã được sinh ra vào cảnh giới loài người này. Bất cứ chúng gì ta có được thì chúng ta cũng sẽ mất nó đi. Chúng ta nhìn thấy mọi người sinh ra và chết đi. Đó chúng ta chỉ mới nhìn thấy điều đó đang xảy ra, nhưng chúng ta chưa thực sự nhìn thấy điều đó một cách rõ ràng. Khi có ai sinh ra chúng ta chúc mừng vui mừng; khi có ai chết chúng ta khóc than thương tiếc. Cứ như vậy, chẳng có kết thúc nào, chẳng bao giờ hết mấy chuyện sinh mừng chết khóc đó. Cứ mãi mãi diễn ra như vậy và chẳng bao giờ kết thúc chuyện ngu xuẩn đó của chúng ta. Thấy ai sinh ra chúng ta mừng vui, thiệt ngu xuẩn. Thấy ai chết chúng ta khóc than, thiệt là ngu xuẩn luôn. Suốt đời và quanh đi quẩn lại chỉ toàn sự ngu si. Hãy nhìn cho kỹ lại tất cả chỗ này. Những chuyện xảy ra là thuộc về tự nhiên: có sinh là có tử. Hãy quán xét Giáo Pháp ngay đó, đó là Giáo Pháp chúng ta cần phải hiểu biết và nhìn thấy. Giáo Pháp này đang có mặt ngay đây. Hãy đặt tâm trí vào ngay chỗ này. Hãy nỗ lực giới hạnh và tự chủ. Giờ chúng ta đang ở giữa mọi thứ rối beng trong thế gian này. Chúng ta không nên sợ hãi về cái chết. Nhưng chúng ta cần phải biết sợ hãi những cảnh giới thấp xấu, nên biết sợ hãi sự tái sinh vào những cõi cực kỳ khổ đau và đọa đầy như địa ngục, quỷ đói, súc sinh… Đừng có sợ chết, vì trước sau gì cũng chết; có sợ thì cũng vậy, sợ thì cũng phải chết. Đừng sợ chết; thay vì vậy nên thấy sợ địa ngục. Tức là, quý vị nên biết sợ hãi về những việc xấu ác khi còn đang sống trên cõi này. Chuyện này đã có tự bao giờ, đâu phải chuyện mới. Quy luật nhân quả của nghiệp ác quả ác đã có mặt từ tự bao giờ rồi. Nhiều người còn sống nhưng chẳng thèm biết chút gì về chính họ. Họ cứ nghĩ: ”Mắc gì phải lo những việc mình đang làm là thiện hay ác; ai mà biết được sau khi chết sẽ ra sao. Khéo lo xa, hão huyền”. Họ không hề nghĩ tới luật nhân quả của tự nhiên; họ không hề nghĩ tới những hạt giống họ đã gieo rải sẽ tạo thành gì trong tương lai. Họ chỉ biết nhìn trái cây đã chín. Họ chỉ chằm chằm vào cái trước mắt, họ không nhận ra được cái trái cây chín họ đang có thì chắc chắc phải xuất phát từ một hạt giống; rồi ngay bên trong trái cây chín chúng ta đang cầm cũng chứa đựng một hay nhiều hạt giống của tương lai. Những hạt giống này đang chờ gieo trồng để lại mọc lên cây và lại ra hoa kết trái. Những hành động ngu si và vô minh của chúng ta cứ liên tục xảy ra nối tiếp nhau theo cách như vậy, chúng ta chẳng cần biết gì về lý nhân quả, chúng ta chẳng cần hiểu biết gì về những quan hệ tương quan tương tức của tất cả mọi hành động.
Khi tâm còn quá nhiều những ràng buộc dính mắc, thì lúc đó chúng ta còn nếm trải nhiều khổ lụy nặng nề, sầu não nặng nề và khó khăn nặng nề. Nơi chúng ta trải nghiệm nhiều khó khổ chính là nơi có nhiều hấp dẫn nhất, nơi có nhiều sự thèm muốn và sự quan tâm nhất. Xin quý vị biết rõ chỗ này để xử lý cho chính mình. Hiện giờ quý vị còn sống và còn hơi thở, quý vị hãy cố liên tục nhìn ngay vào chỗ này và đọc kỹ chỗ này cho đến khi nào quý vị có thể “diễn dịch” ra được nó là gì và xử lý nó, xử lý vấn đề khó khổ ngay chỗ này.
Bất cứ cái gì chúng ta trải nghiệm đều là một phần góp vào cuộc đời chúng ta, nhưng đến một ngày chúng ta cũng rời bỏ nó. Vì vậy đừng để thời gian trôi qua uổng phí. Phải thực hành, tu tập tâm linh, tu dưỡng cái tâm. Hãy lấy cái sự góp phần, sự rời bỏ và sự mất mát làm đối tượng (đề mục) để quán xét ngay bây giờ và tại đây, quán xét cho đến khi chúng ta trở nên tinh thông và thiện khéo về điều đó, quán xét cho đến khi quý vị có thể nhìn thấy điều đó là bình thường và tự nhiên: tất cả chỉ là những sự hợp tan, có mất. Khi lo âu và tiếc nuối về điều đó, ta có trí tuệ hiểu biết để nhận biết những giới hạn của sự lo âu và tiếc nuối đó, chúng ta biết rõ đúng theo lẽ của sự thật. Nếu chúng ta biết xem xét và coi mọi sự theo cách như vậy thì trí tuệ sẽ khởi sinh. Hễ khi nào có khổ khởi sinh thì có trí tuệ khởi sinh, nếu chúng ta khéo biết suy xét về sự khổ đó. Nhưng mọi người thường không chịu suy xét điều tra; vậy mới càng khổ ở đó.
Khi có trải nghiệm sướng hay khổ hoặc dễ chịu hay khó chịu khởi lên, trí tuệ có thể khởi sinh ngay đó. Nếu chúng ta hiểu biết được sự sướng và sự khổ đúng như chúng đích thực là, thì chúng ta hiểu biết Giáo Pháp. Nếu chúng ta hiểu biết Giáo Pháp, thì chúng ta hiểu biết thế giới một cách rõ ràng. Nếu chúng ta hiểu biết thế giới một cách rõ ràng, thì chúng ta hiểu biết Giáo Pháp.
Thực tình là, đối với hầu hết chúng ta, nếu cái gì không làm ta vui thì ta chẳng muốn biết đến nó. Chúng ta dính ngay sự sân tức, ác cảm hay kháng cự đối với nó ngay. Nếu ta ghét ai ta chẳng muốn nhìn cái mặt người đó hoặc ở gần người đó. Điều đó thấy thì thường tình, nhưng đó là dấu hiệu của kẻ ngu si, của người không thiện khéo; đó không phải là cách của một người tốt lành và thiện khéo. Còn nếu chúng ta thích ai thì dĩ nhiên chúng ta muốn ở gần người đó, tìm mọi cách để được tiếp cận hay ở gần người đó, thích được thân thiện với người đó. Điều này cũng thuộc loại ngu si. Mọi thứ thích/ghét đều là như nhau, giống như hai mặt của bàn tay. Khi để úp chúng ta chỉ thấy mu bàn tay, lòng bàn tay bị che khuất. Khi để ngửa chúng ta thấy lòng bàn tay, mu bàn tay bị che khuất. Sự sướng che đậy cái khổ; và sự khổ đau che đậy sự sướng. Khi bị đau nhức cái chân, ta chỉ thấy mặt khổ đau; khi bớt đau đi hay hết đau, ta thấy có sướng khoái, vì không có khổ đau. Cái sai che đậy cái đúng, cái đúng che đậy cái sai. Chúng ta cứ luôn nhìn thấy một mặt của sự thật, chúng ta chỉ nhìn thấy một phía của vấn đề, nhìn như vậy nên sự hiểu biết của chúng ta là không toàn diện; chúng ta chỉ nhìn phiến diện. Hãy tu tập nhìn thấy mọi vấn đề một cách toàn diện, tu tập khi chúng ta còn đang sống. Luôn nhìn vào mọi thứ, tách ly cái đúng khỏi cái sai, tách ly cái thiệt khỏi cái giả; nhận biết cách mọi thứ đúng như chúng thực là, rồi chấm dứt những cách nhìn một mặt một phía từ trước giờ, để đi đến sự bình an. Sau một thời gian tu tập, rồi sẽ đến lúc chúng ta có thể xuyên phá mọi thứ giả lập để đi đến sự thật và đi đến buông bỏ hoàn toàn. Còn ngay bây giờ, chúng ta phải cố gắng tu tập để tách ly mọi mặt, để nhìn thấy rõ bản chất hai-mặt của mọi thứ, như đã nói trên – và cố gắng xuyên phá chúng để đi đến sự thật, như đã nói trên.
Phật đã dạy về tóc, lông, móng, da và răng. Phật dạy phải tách ly chúng ra ngay đây. Những người không biết tách ly các thành phần bộ phận thì họ cứ luôn ôm giữ nó như chính của mình. Hiện thời quý vị chưa thể tách ly mình khỏi những bộ phận đó thì quý vị nên khéo léo thiền quán về nó. Chúng ta chưa rời bỏ thế giới này, vậy chúng ta phải nên cẩn trọng. Chúng ta nên quán xét nhiều, tức tu tập thiền quán nhiều, làm những việc rộng lòng bố thí từ thiện, ôn đọc kinh điển, tu tập nhiều thứ: để nhằm phát triển trí tuệ nhìn thấy rõ về tính vô thường, khổ và vô ngã trong tất cả mọi sự sống. Ngay cả khi tâm không muốn lắng nghe, chúng ta cũng phải luôn chủ động tu tập như vậy. Luôn duy trì tu tập để đi đến hiểu biết ngay trong hiện tại. Điều này nhất quyết phải làm được. Một người có thể chứng nhận sự hiểu biết để chuyển hóa bản thân và vượt trên thế gian. Chúng ta hiện đang bị mắc kẹt trong thế gian. Chỉ có tu tập, chỉ có cách đó mới ‘tiêu diệt’ cái thế gian. Bằng cách nào? Bằng cách quán xét và nhìn thấy vượt trên thế-gian giả lập và như vậy chúng ta mới có thể vượt trên cái thế-giới bên trong chúng ta. Ngay cả khi chúng ta còn đang sống trong thế gian này, sự hiểu biết và cách nhìn của chúng ta vẫn có thể vượt trên thế gian.
Trong một kiếp sống ở thế gian, một người tạo ra đủ thứ nghiệp tốt và xấu. Giờ thì chúng ta phải cố gắng tu tập đức hạnh và loại bỏ những nghiệp xấu ác đó. Rồi đến khi nghiệp quả tốt xảy đến, chúng ta không cần phải đứng bên dưới những điều tốt đó, mà chúng ta có thể vượt lên trên những điều tốt đó luôn. (Phải tu với tinh thần hiểu biết như vậy). Nếu quý vị không vượt lên trên những điều tốt đó thì quý vị sẽ suốt đời làm nô lệ cho những đức hạnh và những khái niệm thiện tốt của quý vị. Nếu chỉ tu tới mức đó thì quý vị cũng gặp khó khăn, sẽ còn hoài khổ lụy, chẳng bao giờ hết nước mắt. (Bỏ ác làm thiện, làm thiện bỏ luôn thiện luôn, đừng bám víu vào những điều tốt thiện mà mình đã làm; không dính ác, không dính thiện). Dù quý vị có làm được nhiều việc thiện đến mức nào, nhưng nếu quý vị cứ bám chặt vào đó thì quý vị sẽ không được giải thoát và sẽ không bao giờ hết khổ lụy và nước mắt. Nhưng nếu ai biết vượt lên trên những điều thiện luôn thì người đó sẽ tìm thấy sự giải thoát, hạnh phúc và không còn nước mắt ngắn dài. Nước mắt đã hết. Hoàn toàn có khả năng chấm dứt khổ lụy. Chúng ta nên học cách sử dụng đức hạnh, chứ không để đức hạnh sử dụng mình.
Nói tắt gọn, trọng điểm giáo lý của Đức Phật là chuyển hóa cách nhìn của con người. Hoàn toàn có thể thay đổi cách nhìn nhận của một người. Yêu cầu là gì? Chỉ cần chịu nhìn vào mọi thứ và sự thay đổi đó sẽ xảy ra!. Sau khi được sinh ra, chúng ta sẽ nếm trải qua những sự già, bệnh, chết và chia ly. Những điều này đang xảy ra ngay đây. Chúng ta đâu cần nhìn trên trời trên mây hay nhìn đâu xuống hố sâu vực thẳm. Giáo Pháp mà chúng ta cần phải nhìn thấy và hiểu biết có thể được tìm thấy ngay bên trong chúng ta, trong mỗi khoảng khắc thời gian, trong mọi lúc hiện thời. Khi thấy ai sinh ra, chúng ta mừng vui. Khi thấy ai chết đi, chúng ta u sầu. Đó là cách chúng ta trải qua trong cuộc sống. Đó là những điều chúng ta cần phải suy xét để hiểu biết, nhưng chúng ta chẳng bao giờ chịu thực sự nhìn kỹ nhìn sâu vào những điều đó để nhìn thấy sự thật. Chúng ta dính kẹt sâu trong ngu tối vô minh. Chúng ta cứ hỏi: ”Khi nào ta nhìn thấy Giáo Pháp”, nhưng nó đang ở ngay đây, chúng ta có thể nhìn thấy nó ngay bây giờ và tại đây.
Đây chính là Giáo Pháp chúng ta cần phải học để nhìn thấy. Đó là điều Phật đã dạy. Phật không dạy về những thứ như trời thiêng, quỷ thần, rồng nāga, những thiên thần hộ mệnh, những loại thần ghen quỷ hờn, những vong linh này nọ. Phật dạy những thứ mà con người cần nên hiểu biết và nhìn thấy. Đó là những sự thật mà chúng ta thực sự có khả năng giác ngộ. Những hiện tượng bên ngoài là như vậy, thể hiện ba đặc tính [vô thường, khổ, vô ngã] của mọi sự hiện hữu. Những hiện tượng bên trong, nghĩa là bên trong thân này, thì cũng như vậy. Sự thật đó có thể nhìn thấy ở nơi tóc, lông, móng, da và răng. Trước kia chúng mới sinh ra tươi trẻ. Giờ chúng đã già đi, tàn hư. Tóc giờ đã xơ xác, gảy rụng và bạc màu. Nó vậy đó. Quý vị không nhìn thấy sao? Hay quý vị lại nói đó là cái quý vị không thể nhìn thấy? Chắc chắc là có, chỉ cần quý vị để ý suy xét một chút là quý vị có thể nhìn thấy.
Nếu chúng ta quan tâm để ý tới tất cả những thứ đó và quán xét về chúng một cách nghiêm túc, thì quý vị sẽ đạt đến một sự hiểu biết thực thụ cho riêng mình. Nếu có điều gì không thể làm được thì chắc hẳn Phật đã không tốn công tốn sức nói để làm gì đâu. Bao nhiêu người, hàng chục và hàng trăm ngàn học trò của Phật đã thực hành theo Phật và đạt đến giác ngộ?. Nếu một người chịu nhìn và nhìn sâu vào mọi thứ thì người đó có thể đi đến hiểu biết về mọi sự đang diễn ra ở đó. Giáo Pháp là như vậy. Chúng ta đang sống trong thế gian. Phật khuyên chúng ta nên hiểu biết về thế gian. Sống trong thế gian, chúng ta đạt đến sự hiểu biết từ trong thế gian. Phật được gọi là một lokavidū: người hiểu biết thế gian một cách rõ ràng. Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là sống trong thế gian những không bị dính kẹt trong những đường lối cách thức của thế gian; sống giữa những tham dục và sân hận nhưng không bị mắc kẹt trong tham dục và sân hận. Điều này có thể được nói và được giải bày bằng ngôn ngữ bình thường. Đó là cách Đức Phật đã giảng giải.
Thông thường chúng ta nói gì cũng dựa vào cái chủ thể như ‘ta’, ‘của ta’, ‘là ta’. Đó là attā, là bản ngã. Chúng ta suy nghĩ, nói, làm tất cả đều vì cái ‘ta’ và cái ‘của ta’; cho cái ‘ta’ và cái ‘của ta’; và tại cái ‘ta’ và cái ‘của ta’. Nhưng nếu chúng ta chịu tu tập để nhìn ra sự thật vô-ngã, tâm có thể liên tục nhận biết sự vô-ngã (anattā), sự vô chủ thể, sự không có cái ‘ta’ đó. Quý vị hãy suy nghĩ về chỗ này!. Khi chúng ta nói chuyện với trẻ con, chúng ta nói một cách. Khi chúng ta nói chuyện với người lớn, chúng ta nói cách khác. Nếu chúng ta dùng những từ ngữ thích hợp với trẻ con để nói cho người lớn, thì cách đó đâu được đúng. Hoặc nếu dùng từ ngữ dành cho người lớn đi nói với trẻ con thì trẻ con nghe cũng không thuận. Cách dùng những quy ước một cách đúng đắn là chúng ta phải biết mình đang nói với ai. Chúng ta cũng luôn nói về cái ‘ta’ và ‘của ta’, ‘anh’ và ‘của anh’…vân vân, nhưng nếu hướng vào bên trong, tâm là Giáo Pháp, tâm đang an trú trong sự nhận biết thường trực về sự thật vô-ngã (anattā). Quý vị phải nên tu tập để tâm có được cái nền tảng như vậy. (Dù bên ngoài chúng ta đang sống, nói và làm bằng những quy ước và những danh từ khái niệm hữu-ngã, nhưng bên trong tâm đã thấy biết rõ tính vô-ngã của mọi sự sống và mọi sự quy ước đó).
Do vậy Phật mới nói chúng ta nên lấy Giáo Pháp làm nền tảng, làm cơ sở. Sống và tu tập trong thế gian, liệu quý vị có nên lấy những cái như thân ta, ý tưởng của ta, tham muốn của ta, ý kiến và quan niệm của riêng ta làm nền tảng hay không? Không, làm như vậy là không đúng, chỉ là chủ quan; lấy mấy thứ đó làm cơ sở sự thật là không đúng, không khách quan. Giáo Pháp đâu phải là tiêu chuẩn của chúng ta; Giáo Pháp là sự thật và chân lý, nó không thể là dựa trên cái ‘ta’ ích kỷ như vậy. Nếu lấy cái ta làm cơ sở sự thật, bạn sẽ biến thành một kẻ tự tôn, tự ngã, chủ quan. Còn nếu lấy người khác làm cơ sở tiêu chuẩn thì bạn chỉ là kẻ rồ dại, mê nịnh vào người đó. Chỉ dựa vào tiêu chuẩn của ta hay dựa vào tiêu chuẩn của người khác thì không phải là cách của Giáo Pháp. Giáo Pháp đâu có dựa theo bất kỳ cá nhân hay những nhân tính nào. Giáo Pháp chỉ dựa vào sự thật. Giáo Pháp đâu đơn giản dựa theo những sự thích hay hay sự ghét của người nào; những phản ứng thích, ghét, tham, sân đó của con người thì chẳng liên quan gì đến sự thật của mọi thứ. Sự thật là sự thật. (Ta thương ghét tham sân gì kệ ta chứ, đâu liên quan gì đến mặt trời. Mặt trời là tự nhiên, nó luôn mọc ở phương đông, dâu tùy thuộc vào cảm tính của con người).
Nếu chúng ta thực sự xem xét về tất cả điều này và chịu điều tra quán xét thấu đáo để hiểu biết sự thật, thì nhờ đó chúng ta sẽ bước vào con đường đạo đúng đắn. Cách sống của chúng ta sẽ trở nên đúng đắn. Sự suy nghĩ sẽ đúng đắn. Những hành động và lời nói sẽ trở nên đúng đắn. Do vậy chúng ta thực sự nên nhìn vào tất cả điều này. Tại sao chúng ta có khổ? Bởi do thiếu sự hiểu biết, không hiểu biết được mọi thứ xuất phát từ đâu và kết thúc ở đâu; bởi do không hiểu biết những nguyên nhân gây ra khổ; đó chính là sự ngu mờ, vô minh. Khi nào còn có ngu mờ thì còn những tham dục khởi sinh, và khi bị những tham dục dẫn dắt chúng ta tạo ra những nguyên nhân của khổ đau. Thì kết quả phải là khổ đau. Khi chúng ta gom nhóm đống củi và bật lửa đốt cháy, sao chúng ta nghĩ nó không nóng? Sao không nóng được, lửa cháy thì phải nóng chứ. Có nguyên nhân phải có kết quả chứ. Mình gây ra lửa cháy thì kết quả là lửa nóng. Đó chính là nguồn gốc của sự nóng.
Nếu chúng ta hiểu được những điều này thì ngay đó đức hạnh sẽ được sinh ra, đức hạnh khởi sinh từ đó. Giáo Pháp sẽ khởi sinh ra ở đó. Do vậy, hãy chuẩn bị bản thân. Phật đã dạy chúng ta phải chuẩn bị bản thân. Quý vị không cần phải lo lắng lo toan quá nhiều về mọi thứ mọi sự. Quý vị chỉ cần nhìn vào đây. Nhìn ngay vào chỗ không có tham dục, nhìn ngay vào chỗ không có nguy hại. Nibbāna paccayo hotu – Đức Phật đã dạy như vậy: hãy để nó là một nhân để dẫn đến Niết-bàn. Nếu điều đó trở thành một nhân để dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn thì điều đó có nghĩa là nhìn vào chỗ mọi thứ trống không, nhìn vào chỗ mọi thứ đã làm xong, nhìn vào mọi thứ đã đi đến chỗ kết thúc của chúng, chỗ chúng đã diệt sạch. Nhìn vào chỗ không còn nhân, chỗ không còn cái ‘ta’, cái ‘của ta’ hay cái ‘ai’ chủ thể nào hết. Cách nhìn đó sẽ trở thành nguyên nhân và điều kiện [nhân và duyên] để đạt đến Niết-bàn giải thoát. Vậy thì, từ bây giờ quý vị hãy thực hành lòng rộng lượng bố-thí để trở thành một nhân giúp chứng ngộ Niết-bàn. Thực hành giới-hạnh đạo đức để trở thành một nhân giúp dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn. Thực hành thiền-tập để trở thành một nhân dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn. Chú-tâm lắng-nghe những giáo-lý để trở thành một nhân giúp dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn. Vậy đó, chúng ta dành hết nỗ lực cho những hoạt động tu tập Giáo Pháp trở thành những nhân giúp dẫn đến Niết-bàn. Nhưng nếu chúng ta không nhắm đến mục tiêu Niết-bàn, nếu chúng ta chỉ lo nhắm vào những mục tiêu ích kỷ của cái ‘ta’, cái ngã, sự ràng buộc và dính chấp một cách không ngừng, thì mọi việc tu hành sẽ không trở thành một nhân nào để dẫn đến Niết-bàn.
Khi chúng ta đối xử với những người khác và họ luôn nói về cái ‘ta’, ‘của ta’, ‘của chúng ta’ và bản ngã, thì chúng ta lập thức đồng ý với cách nói đó. Chúng ta lập tức nghĩ: ”Ừ, điều đó đúng thôi!”. Nhưng thực ra điều đó không đúng. Ngay cả khi cái tâm đang nói ”Đúng, đúng” thì chúng ta cũng phải nỗ lực kiểm soát chỗ này. Cũng giống như một đứa trẻ sợ ma. Có thể cha mẹ cũng sợ ma luôn. Nhưng là cha mẹ thì không nên nói về sự sợ ma, nếu họ nói họ sợ ma thì đứa con sẽ cảm thấy nó không được bảo vệ, nó càng sợ hơn. Cha mẹ phải nói: ”Không, không có ma nào hết. Ba mẹ không sợ ma. Đâu có ma cỏ gì mà con phải sợ. Con đang ở trong nhà mình với ba mẹ mà, sao con lại sợ như vậy”. Dù cha mẹ có thể cũng sợ ma, nhưng khi nghe con cái nói sợ ma, cha mẹ cũng nói sợ luôn thì có lẽ cả cha mẹ con cái cùng nhảy lên và bỏ chạy, cuối cùng bỏ nhà bỏ cửa đi chỗ khác luôn.
Làm người bĩnh tĩnh phải nên kiểm soát được chỗ này. Hùa nhau sợ và bỏ chạy là không khôn ngoan. Chúng ta phải biết nhìn vào sự việc một cách rõ ràng và học cách đối diện xử lý nó. Ngay cả khi quý vị cảm thấy những hình tướng lờ mờ là thực, quý vị cũng phải tự khuyên mình đó không phải là thực. Cứ làm ngược lại như vậy. Phải dạy dỗ chính mình ở bên trong nội tâm. Khi nào tâm đang trải nghiệm thế giới theo cơ sở cái ‘ta’ và nó nghĩ rằng đó là đúng là thực, thì ngay lúc đó quý vị phải có khả năng nói lại rằng: ”Điều đó là không đúng, đó không phải thực”. Quý vị phải cố bơi nổi trên mặt nước, đừng để bị chìm trong biển lũ của những thói tâm thói tính của thế gian thế tục. Nước thế tục sẽ tràn ngập cái tâm của chúng ta nếu chúng ta cứ chạy theo mọi thứ thế tục. Chúng ta cứ bỏ ‘nhà’ chạy theo mọi thứ thế tục bên ngoài, khi bị lũ lụt cuốn đi, còn ai chăm sóc ‘căn nhà’ của chính mình?
Nibbāna paccayo hotu – người tu không cần phải nhắm đến điều gì khác hay mục tiêu nào khác. Chỉ cần nhắm đến mục tiêu Niết-bàn. Đừng nhắm đến những mục tiêu thế tục, tất cả những sự trở thành và sinh thành, tất cả mọi sự công đức và đức hạnh đều vẫn còn là mục tiêu thế tục. Hãy làm những hành động công đức và tích tạo những thiện nghiệp, hy vọng điều đó sẽ giúp chúng ta đạt đến những trạng thái tốt lành hơn, chúng ta không cần phải ước muốn nhiều thứ; chỉ cần nhắm đến mục tiêu rốt ráo là Niết-bàn. Nếu chỉ muốn nhắm đến phần giới hạnh và định tâm, thì chúng ta sẽ còn lẩn quẩn trong những pháp thế tục này, vẫn quay về chỗ cũ. Không cần thiết nhắm đến việc chứng đắc những phần thế tục đó—chúng ta chỉ nên nhắm đến chỗ chấm dứt, chỗ rốt ráo, đó là Niết-bàn giải thoát.
Tình trạng chúng ta là như vầy. Sự sống của chúng ta là một tiến trình trở thành và sinh thành liên tục. Trong suốt cả tiến trình trở thành (nghiệp hữu) và sinh thành (tái sinh) liên tục đó, chúng ta luôn luôn lo âu sợ hãi về rất nhiều điều nhiều thứ. (Cuộc đời chỉ là những chuỗi dài âu lo đằng sau một số khoái sướng và hạnh phúc có mất liên tục). Khi có chia cách chia ly, khi có ai chết, chúng ta khóc than và sầu khổ. Tôi thường nghĩ rằng, điều đó thiệt là ngu. Chúng ta khóc than về cái gì? Quý vị nghĩ người ta sống rồi sẽ đi về đâu? Nếu mọi người vẫn còn tạo nghiệp, vẫn còn trở thành và tái sinh, vẫn còn lẩn quẩn trong vòng tử sinh thì họ đâu có thực sự đi đâu. (Họ chưa có khả năng biến mất như những bậc giải thoát A-la-hán). Khi con cái ở quê lớn lên, chúng đi học đi làm ở thủ đô Bangkok, chúng vẫn nghĩ về cha mẹ. Chúng đâu nhớ đến cha mẹ ai khác ngoài cha mẹ mình. Khi chúng về quê, chúng về lại nhà của cha mẹ mình chứ đâu về nhà người khác. Rồi khi chúng phải lên lại thủ đô, chúng lại nghĩ nhớ đến cha mẹ của mình ở miền quê Ubon này. Chúng có nhớ nhà ở quê khác không? Quý vị nghĩ sao?. Cũng vậy, khi hơi thở tắt và chúng ta chết, dù có trải qua bao nhiêu trăm ngàn kiếp ở cõi sống nào, nhưng khi những nhân trở thành (nghiệp hữu, bhava) và sinh thành (tái sinh, upatti) vẫn còn, thì thức sẽ cố tìm cách tái sinh về lại những nơi thân thuộc ở trần gian này. Tôi nghĩ, chỉ là do tất cả chúng ta đều quá sợ hãi về điều này. (Sợ hãi về sinh tử, sợ hãi về những chuyến đi mịt mù sau khi chết; sợ hãi cho người thân yêu và sợ hãi cho chính mình sẽ đến lúc chết đi). Do vậy, mong quý vị đừng khóc than quá nhiều về những sự chết chóc và biệt ly. Hãy nghĩ kỹ về những điều tôi mới nói. Kammam satte vibhajati: nghiệp thúc đẩy chúng sinh vào những sự tái sinh khác nhau. Họ sẽ không đi xa đâu, bởi họ vẫn còn lẩn quẩn trong những vòng nghiệp hữu và tử sinh đó. Họ lăn lộn, chìm nổi, vào ra trong vòng sinh tử: chỉ có vậy; chỉ thay đổi những sinh trạng, sinh dạng, hình tướng, và xuất hiện bằng những hình tướng khác nhau sau khi chết, nhưng chúng ta không thể biết được hay nhìn thấy những điều đó. Chỉ là sự đến và đi, đi và đến, sinh diệt và diệt sinh lẩn quẩn trong vòng luân hồi (samsāra), không thực sự đi đâu hết; (đâu có thoát ra được khỏi vòng luân hồi sinh tử mà đi đâu). Chỉ lẩn quẩn ở đây. Giống như trái xoài mới rụng xuống từ cây xoài: nó chẳng biến đi đâu cả. Nó chỉ đang ở đó gần cây xoài. Do vậy Đức Phật đã dạy: Nibbāna paccayo hotu: Hãy lấy Niết-bàn làm mục tiêu duy nhất. Hãy nỗ lực tu tập hết mình để đạt được mục tiêu đó; đừng có nhắm đến những mục tiêu gần của thế tục, đừng kết thúc như một trái xoài chỉ rụng xuống dưới cây và chẳng đi đến đâu cả.
Hãy thay đổi và chuyển hóa cảm nhận của quý vị về mọi thứ theo cách nhìn như vậy. Nếu quý vị biết chuyển đổi như vậy, quý vị sẽ có được sự bình an lớn lao. Thay đổi cách nghĩ và cách nhìn, xin quý vị hãy làm vậy; hãy đi đến để thấy và biết. Nếu quý vị đã thấy và biết, vậy thì còn ước muốn đi tới chỗ nào nữa? Lúc đó cái gì là cũng có. Giới hạnh cũng sẽ có mặt. Giáo Pháp cũng hiện tiền. Điều này đâu phải là quá xa xôi; do vậy mong quý vị suy xét suy nghĩ về chỗ này.
Khi quý vị chuyển đổi cách nhìn thì quý vị sẽ nhận thấy điều đó giống như đang nhìn những chiếc lá rụng khỏi cây. Khi lá già và khô héo, nó rụng khởi cây. Và khi đến mùa khác, chúng lại mọc ra lại. Có ai đi cứ đi than khóc khi nhìn lá rụng và mừng vui khi thấy lá mọc ra không? Nếu quý vị làm vậy, chắc quý vị cũng điên khùng đến nơi rồi, phải không? Điều đó chỉ là vậy, chết chỉ là vậy, chết sống chỉ là như vậy, đó chỉ là đường lối sinh diệt của tự nhiên. Nếu chúng ta biết nhìn mọi thứ theo cách nhìn như vậy thì chúng ta được thư thái và bình tâm. Chúng ta hiểu rõ đó chỉ là những trật tự và đường lối diễn ra của tự nhiên. Không cần biết chúng ta đã chết và tái sinh tái sinh bao nhiêu lần nhiêu kiếp đã rồi, đó đơn giản là quy luật của tự nhiên. (Có sinh là có tử). Khi người nào chịu học hiểu Giáo Pháp, đạt được sự hiểu biết rõ ràng và thực thụ chuyển đổi cách nhìn về thế gian theo cách như vậy, người đó sẽ thực chứng sự bình an và sẽ được giải thoát khỏi những sự hoang mang sợ hãi trong cuộc sống này.
Nhưng điều thực sự quan trọng là chúng ta đang có cuộc sống đó ngay đây, ngay trong hiện tại. Chúng ta đang nếm trải những nghiệp quả của những nghiệp thiện ác trong quá khứ. Khi những chúng sinh được sinh ra vào trong thế gian này, đó là sự biểu hiện của những nghiệp trong quá khứ. Tất cả mọi thứ sướng, khổ, vui, buồn chúng ta đang có trong hiện tại đều là kết quả của những hành động (nghiệp) chúng ta đã làm trước đây. Nghiệp được sinh trong quá khứ và được nếm trải trong hiện tại. Rồi thì hiện tại lại chính là cơ sở của tương lai, bởi trong khi nếm trải những nghiệp quá khứ, chúng ta tạo nên những nghiệp mới là nhân của tương lai; và tương lai sẽ nếm trải những nghiệp chúng ta đang làm trong hiện tại. Sự di chuyển từ kiếp sống này qua kiếp sống khác cũng xảy ra theo nguyên lý (nhân quả nghiệp quả) như vậy. Quý vị phải nên hiểu rõ điều này.
Việc lắng nghe Giáo Pháp sẽ giải quyết những sự nghi ngờ nghi vấn của quý vị. Việc lắng nghe Giáo Pháp sẽ khai sáng cách nhìn của quý vị về mọi thứ trên đời, và chuyển đổi cách sống của quý vị. Khi những nghi ngờ đã được giải tỏa, khổ đau sẽ chấm dứt. Quý vị sẽ không còn tạo tác những tham muốn và những khổ lụy ưu phiền trong tâm trí. Rồi thì sao, rồi khi có thứ gì không làm quý vị vui sướng, quý vị cũng không thấy khổ đau, bởi quý vị đã hiểu được bản tính thay đổi vô thường của mọi thứ mọi sự trong đời. Và nếu có thứ gì làm quý vị vui sướng, quý vị cũng không bị quá khích, không chạy dính theo nó, không bị dính độc bởi nó, bởi quý vị đã biết rõ cách để buông bỏ mọi thứ một cách đúng đắn. Quý vị biết duy trì một cách nhìn cân bằng, bởi quý vị đã rõ biết về lẽ vô thường và đã biết cách để giải quyết những vấn đề theo đúng Giáo Pháp. Quý vị biết rõ những trạng thái tốt và trạng thái xấu đều luôn luôn biến đổi, vô thường. Sau khi đã biết rõ bản chất vô thường của những hiện tượng bên trong (thân này), chúng ta đi đến biết rõ những hiện tượng bên ngoài. Nếu không dính chấp vào những thứ bên ngoài, thì chúng ta không dính chấp vào những thứ bên trong (thân này). Sau khi quán sát mọi thứ bên trong bản thân mình và bên ngoài bản thân mình, chúng ta nhìn thấy tất cả đều hoàn toàn tương tợ giống nhau.
Bằng cách tu tập và đạt đến theo cách như vậy, chúng ta có thể thường trú an trú trong một trạng thái tự nhiên, đó là sự bình an và tĩnh lặng. Nếu chúng ta có bị chửi mắng hay bị sỉ nhục, chúng ta vẫn không bị kích động hay sân tức. Nếu chúng ta được khen ngợi hay nịnh hót, chúng ta cũng không bị kích động hay tự mãn tự đại. Cứ để mọi sự diễn ra theo cách như vậy, chúng ta bình tâm, không bị tác động bởi những thứ bên ngoài và người ngoài. Đó là sự tự do. Đó là giải thoát. Nếu đã hiểu biết rõ bản chất của hai cực đoan sướng và khổ đích thực là gì, thì chúng ta có thể sống trong sự bình an thư thái. Nếu đã làm được vậy, chúng ta đâu còn chạy theo hay dừng lại ở cực đoan sướng hay khổ nào nữa. Đây mới chính là niềm hạnh phúc và bình an đích thực, vượt trên tất cả mọi thứ của thế gian. Lúc đó người tu đã vượt trên tất cả mọi điều thiện ác. Vượt trên nhân quả, vượt trên sinh tử. Sau khi được sinh ra vào thế gian này, một người có thể vượt trên thế gian. Vượt trên thế gian, hiểu biết rõ thế gian— đây mới chính là mục tiêu của lời Phật dạy. Phật không nhắm đến những mục tiêu con người phải tiếp tục chịu khổ lụy. Phật mong muốn mọi người đạt đến sự bình an, biết rõ sự thật của mọi thứ, và chứng đạt trí tuệ bát-nhã. Đây chính là Giáo Pháp, đây chính là sự hiểu biết về bản chất của mọi thứ trên thế gian. Tất cả mọi thứ tồn tại trên thế gian đều là tự nhiên. Do vậy chúng ta không cần phải sống ngu mờ và âu lo về lẽ tự nhiên đó. Dù chúng ta có ở đâu, những quy luật tự nhiên đó vẫn có mặt như vậy.
Điều quan trọng nhất là trong khi chúng ta còn đang sống, chúng ta nên huấn luyện cái tâm sao cho được quân-bình đối với tất cả mọi thứ. Chúng ta nên có khả năng cho đi, chia sẻ của cải vật chất. Đến lúc nào đó, chúng ta nên biết cho đi một phần những gì mình có cho những người khốn khó nghèo hèn; cũng giống như cách quý vị phân cho của cải tài sản cho con cháu vậy. Cho đi và chia sẻ như vậy sẽ làm chúng ta thấy hạnh phúc; và nếu ai có thể cho đi tất cả thì khi gần đất xa trời người đó sẽ không còn sự ràng buộc hay lo âu nào, bởi vì đâu còn thứ gì nữa để mà lo. Đức Phật đã dạy phải biết cách “chết trước khi chết”, phải kết thúc mọi thứ trước khi mọi thứ chấm dứt. Rồi chúng ta sẽ được thư thái, bình an. Hãy phá bỏ mọi thứ trước khi mọi thứ vỡ tan; hãy kết thúc mọi thứ trước khi mọi thứ chấm dứt. (Hãy buông bỏ tất cả mọi thứ trước khi không thể mang theo thứ gì). Đây là ý của Phật khi Phật dạy về Giáo Pháp. Cho dù quý vị có lắng nghe giáo lý giáo pháp suốt cả trăm cả ngàn đại kiếp chăng nữa, nếu quý vị không hiểu ra những điểm này thì quý vị không thể nào tháo gỡ khổ đau và không thể nào tìm thấy sự bình an đích thực. Quý vị sẽ không nhìn thấy Giáo Pháp. Nhưng nếu quý vị hiểu được những điều này và có khả năng giải quyết mọi thứ thì đó được gọi là nhìn thấy Giáo Pháp. Cách nhìn mọi thứ đúng với Giáo Pháp có thể làm chấm dứt khổ đau. Nó có thể giải trừ tất cả mọi nhiệt não và sầu não. Bất cứ ai nỗ lực tu tập một cách thành tâm, ai biết chịu khó chịu khổ để tu tập, ai biết huấn luyện và phát triển bản thân đến tối đa tiềm năng của chính mình, những người đó sẽ đạt đến sự bình an và chấm dứt. Dù họ sống ở đâu, họ cũng không bị khổ. Dù họ có trẻ hay già, họ vẫn không bị khổ. Dù phải ở trong tình huống nào, dù phải làm bất cứ việc gì, họ vẫn không bị khổ, bởi tâm của họ đã đạt đến chỗ khổ đã tận diệt, đạt đến chỗ của sự bình an. Vậy đó. Đó là lẽ tự nhiên. Nếu họ nỗ lực tu tập như vậ thì sẽ đạt đến chỗ như vậy.
Như vậy, Phật đã dạy con người phải thay đổi cách nhận thức về thế gian, và lúc đó sẽ có Giáo Pháp hiện tiền. Khi tâm đã hòa đồng với Giáo Pháp, thì Giáo Pháp sẽ tiến vào tâm và trái tim. Lúc đó tâm và Giáo Pháp trở thành một, không còn phân biệt được. Đây chính là chỗ được chứng ngộ bởi những ai tu tập thực thụ, đó là chính sự chuyển đổi cách nhìn và cách trải nghiệm về mọi thứ. Toàn bộ Giáo Pháp là paccattam [Giáo Pháp là để tự mỗi người tự chứng thấy, phải tự mình chứng ngộ]. Giáo Pháp không phải là thứ có thể được cho, ban, truyền hay chuyển giao; điều đó là không thể. Nếu chúng ta cho Giáo Pháp là thứ khó được chứng ngộ thì nó sẽ khó được chứng ngộ. Nếu chúng ta coi Giáo Pháp là dễ nhìn thấy thì nó sẽ dễ nhìn thấy đối với chúng ta. Ai có thể quán xét để nhìn thấy một điểm thì không cần phải quán xét để nhìn thấy tất cả mọi thứ khác. Sau khi nhìn thấy rõ bản chất của một điểm, ví dụ nhìn thấy bản chất sinh và chết, nhìn thấy sự sinh và diệt của các hiện tượng theo lẽ tự nhiên, thì người đó sẽ nhìn thấy được lẽ thực đó trong tất cả mọi thứ khác. Đó chỉ là vấn đề sự thật, chỉ là lẽ thực.
Đây là cách của Đức Phật. Phật đã dạy giáo lý vì phúc lợi của tất cả chúng sinh. Phật mong muốn chúng ta vượt trên khổ đau và đạt đến bình an. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chết trước để vượt lên sự bình an. Chúng ta đừng nên nghĩ chúng ta sẽ đạt đến sự bình an sau khi chết; chúng ta phải vượt qua khổ đau ngay bây giờ và tại đây, ngay trong hiện tại. Chúng ta vượt qua ngay bên trong những nhận thức (tưởng) của chúng ta về mọi thứ, vượt qua ngay trong kiếp sống này, vượt qua bằng cách nhìn mới khởi sinh ngay trong tâm này của chúng ta. Khi ngồi ta hạnh phúc; khi nằm ta hạnh phúc; dù ta đang ở đâu ta cũng hạnh phúc. Chúng ta trở nên vô-lỗi, vô-tác, vô-nhiễm; chúng ta không còn nếm trải những nghiệp quả xấu ác, và chúng ta sống trong một trạng thái tự do tự tại. Tâm trong suốt, sáng tỏ, và tĩnh lặng. Không còn bóng tối hay ô nhiễm. Người như vậy là đã đạt đến niềm hạnh phúc tối thượng theo cách của Đức Phật. Mong quý vị hãy tự mình điều tra quán chiếu để tự mình tìm ra niềm hạnh phúc đó. Mong tất cả những Phật tử ở đây có thể đạt đến năng lực hiểu biết đó. Khi gặp khó khổ, thì tu tập để làm vơi nhẹ sự khổ. Khi có sung sướng, thì hạ thấp sự khoái sướng đó xuống; đến khi nó được giảm thiểu, chấm dứt sự sướng đó luôn. (Gặp khổ không sân tức, gặp sướng không quá khích, giữ tâm bình lặng ở giữa). Mọi người cần phải tự mình tu tập như vậy, do vậy quý vị hãy suy xét kỹ những lời tôi vừa nói. Cầu mong quý Phật tử an lạc và tu tiến.
* Bài viết được trích từ bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, Thiền Sư Ajahn Chah