Trong quyển sách nhỏ bé này, người viết nhằm vào lợi ích của cả hai đàng, cư sĩ lẫn tỳ khưu, và những tài liệu sau đây có lẽ không tìm thấy ở sách nào khác. Phẩm hạnh được mô tả ở đây là nếp sống thông thường của bậc xuất gia cũng như hạng cư sĩ, thực hành đúng theo giới luật (Vinaya).

Bhikkhu Khantipālo

GIỚI LUẬT CỦA HÀNG XUẤT GIA

(The Wheel Publication No 130/131

The Buddhist Monk’s Discipline)

GIẢI THÍCH VÀI ĐIỂM CHO NGƯỜI CƯ SĨ

Người dịch: PHẠM KIM KHÁNH

RẰM THÁNG BẢY – CANH TUẤT 2514

Trong quyển sách nhỏ bé này, người viết nhằm vào lợi ích của cả hai đàng, cư sĩ lẫn tỳ khưu, và những tài liệu sau đây có lẽ không tìm thấy ở sách nào khác. Phẩm hạnh được mô tả ở đây là nếp sống thông thường của bậc xuất gia cũng như hạng cư sĩ, thực hành đúng theo giới luật (Vinaya). Đúng vậy, có lợi ích gì trình bày một một lối sống khác hơn là nề nếp thông thường mà chính Đức Phật đã đặt ra cho hạng tín đồ? Lọt ra khỏi khuôn khổ đạo hạnh tốt đẹp thì rất dễ và có lẽ cũng rất dễ tìm thấy ở khắp nơi, trên các lãnh thổ Phật giáo cũng không phải là ít. Những ai đã trải qua thời gian tu tập trong Giáo Pháp và Giới Luật nhà Phật – những người tốt nhất – chắc chắn đã là đủ tốt rồi.

Về danh từ, người viết dùng Phạn ngữ Anjali để gọi lối chấp hai tay xá chào (Anjali kamma) và chữ “năm điểm chấm dứt” (pancanga vandanā) khi đề cập đến cái thường được gọi là “đảnh lễ” hay “lạy”.

Bản này đã được Ngài Upajjhāya của tôi, Đại đức Chao Kun Sāsana Sobhana và nhiều người khác sửa đổi, them bớt và gợi ý nhiều.

Ước mong rằng công trình này sẽ giúp ích thiết thực cho những ai cố gắng đi trên con đường Giáo Pháp.

Bhikkhu KHANTIPĀLO

Wat Bovoranives Vihara Bangkok, Thailand

Ngày 23 tháng Citta Phật lịch 2510

LỜI MỞ ĐẦU

Trong kinh điển Pāḷi, giáo huấn mà Đức Phật truyền dạy – vẫn còn được bảo tồn và thực hành đến ngày nay- có tên là Dhamma Viniya. Hai danh từ này thường được phiên dịch là Giáo Pháp và Giới Luật, mặc dù phải mất nhiều ý nghĩa khi chuyển sang một ngôn ngữ khác. Nhiều kinh sách đã được ấn hành để giải thích các sắc thái khác nhau của Giáo Pháp, nhưng có lẽ vì tính cách ít nhiều thiên về đời sống trong các tự viện nên phần Giới Luật hầu như bị lãng quên, không được nhấn mạnh đúng theo tầm quan trọng của nó. Quyển sách này nhằm khảo sát tạng Luật (Viniya) trên một quan điểm đặc biệt – quan điểm của người cư sĩ Phật tử muốn tìm hiểu một vài giới luật của hàng xuất gia, có thể bổ ích cho mình.

Danh từ Viniya không phải chỉ có ý nghĩa đối với đời sống tự viện. Quả thật tạng Luật có đề cập dong dài và đầy đủ chi tiết đến những giới tu tập, những điều không được và những điều được phép làm, cùng với những giới luật để quản trị đời sống xuất gia. Tuy nhiên, ít ra cũng có một trường hợp quan trọng mà danh từ này có thể áp dụng vào phẩm hạnh của người cư sĩ. Một tiểu tựa của bài kinh trứ danh “Lời kêu gọi Sigāla”, là Gihi-Vinaya, hay là giới luật của người tu tại gia, một cái tên xứng đáng với lối trình bày vững vàng. Trong ý nghĩa thâu hẹp hơn, giới luật của người tại gia cư sĩ là năm điều học (Pañca, Sīla, Ngũ giới) bởi vì năm giới của người cư sĩ cũng cùng một tác dụng “diệt trừ điều bất thiện”, giống như phần lớn toàn bộ giới tu tập trong tạng Luật dành cho chư vị tỳ khưu. Trên thực tế, đó là định nghĩa của danh từ Viniya: lôi ra, tiêu trừ, đoạn diệt hay dứt bỏ tất cả những gì hiển nhiên ngăn chặn mức tiến trên đường thực hành Giáo Pháp, những gì bất thiện.

Và bây giờ ta tự hỏi, tại sao ban hành những giới tu tập Vinaya? Ở nhiều đoạn trong tạng Luật, Đức Phật dạy:

“Này các Tỳ Khưu, xét vì (vài trường hợp cần phải có biện pháp) Như Lai sẽ ban hành giới tu tập này cho chúng tăng (đôi khi Ngài thêm) dựa trên mười lí do sau đây:

Vì sự an lành của chúng Tăng (Sangha, Giáo hội Tăng già).
Vì sự an toàn của chúng Tăng.
Để kiểm soát những người chưa vững chắc (còn sơ cơ).
Vì sự an toàn của những vị tỳ khưu có giới hạnh trang nghiêm.
Để đè nén những lậu (āsava) trong kiếp sống hiện tại.
Để ngăn chặn, không cho những hoặc lậu phát sanh trong một kiếp sống tương lai.
Để làm cho người chưa hoan hỷ (với Giáo Pháp) trở nên hoan hỷ.
Để cho người hoan hỷ càng thêm hoan hỷ.
Vì lợi ích của Giới Luật.” [1]

Đức Buddhaghosa, một đạo sư lỗi lạc, vừa là một nhà chú giải lừng danh, đã định nghĩa giới luật trong những vần thơ dịch theo văn xuôi sau đây:

“Giới Luật được gọi là Vinaya.
Bởi những người am hiểu ý nghĩa của danh từ Vinaya.
Vì giới luật khép (hành động của) thân và khẩu trong khuôn khổ kỉ cương
(Gồm) nhiều nguyên tắc tuyệt diệu phi thường”.

Atthasālini

Những dòng trên đây nhấn mạnh đến lợi ích của những giới luật trong công cuộc đạo luyện thân khẩu (cũng như năm giới đào luyện thân khẩu của người cư sĩ) và một lần nữa, chứng tỏ rằng giới luật hỗ trợ giáo Pháp. Đứng về phương diện Phật giáo thật sự không thể quan niệm cái này mà không có cái kia. Dạy Pháp mà không có Luật thì không khác dạy suông một giáo lý mà không mở cửa, hay không hướng dẫn người học khởi đầu bước vào con đường thực hành. Đằng khác, Luật mà không có Pháp thì chỉ là một nghi thức rỗng, một qui phạm không đem lại lợi ích hay kết quả nào. Cả hai phần trong Phật sự – Pháp và Giới – phải song hành, phải kề vai sát cánh, dù trong sự tu tập của người cư sĩ hay của bậc xuất gia.

Người cư sĩ Phật tử thuần thành tận dụng mọi nỗ lực để nghiêm trì năm giới và thực hành ít ra Giáo Pháp trình bày trong “Lời kêu gọi của Sigāla”. Cùng thế ấy, thầy tỳ khưu có phẩm hạnh trong sạch phải tận lực cố gắng để khỏi rơi vào một trong 227 giới tu tập của Giới Bổn (Patimokkha, giới căn bản) mà thầy đã long trọng chấp thuận và chú nguyện nghiêm trì trong lúc thọ lễ xuất gia.

Ta thường nghe nói cư sĩ có năm và tỳ khưu có 227 giới phải giữ tròn. Đúng ra, đó chỉ là một phần của sự thật vì ngoài những giới Patimokkha còn có rất nhiều giới nhỏ khác rãi rác đó đây trong tạng Luật.

Ở đây ta có thể ghi nhận sự khác biệt giữa giới luật của người cư sĩ và bậc xuất gia. Giới luật của người tu tại gia có tánh chất thiên về luân lý, tương tự như các điều răng cấm phần đông các tôn giáo khác (có lẽ trừ giới thứ năm, vì một vài tôn giáo khác không kiêng cử dùng rượu). Vì lẽ ấy, ngũ giới thuộc về loại “tự nhiên” (pakatisila, giới thiên nhiên). Trái lại, ngoài những giới thuộc về loại tự nhiên, thầy tỳ khưu còn nhiều giới nữa để khép mình vào một lối sống đặc biệt. Các giới này được gọi là pannattisila, “giới luật công thức hóa”. Mặc dù người Phật tử tại gia có thể thấy không có, hay có rất ít, cơ hội để áp dụng trong đời sống mình, đối với hàng tỳ khưu những điều dạy “công thức hóa” này thật cực kì quan trọng, gồm những điều phải xa lánh và những việc phải làm để nâng cao phẩm hạnh. Không nên nghĩ rằng những pháp tu này kém quan trọng hơn các giới thuộc loại luân lí thiên nhiên bởi vì đây là những điều học để áp dụng vào đời sống thông thường, ở mức thế gian, nhưng có khả năng đem mức ấy đến lối sống siêu thế.

Đối với người cư sĩ cũng như hàng xuất gia, sự quan tâm lo lắng để cố gắng giữ gìn giới luật trang nghiêm, không để phải rơi vào sơ xuất nào, có thể gọi đó là “thận trọng”. Trong tạng Luật có nhiều đoạn đề cập đến các “tỳ khưu thận trọng” (kukkuccāyanta bhikkhu) không chịu chấp nhận một vài điều luật cho đến khi Đức Thế Tôn cho ban hành. Lại nữa, ta cũng thường gặp những đoạn nhắc lại từ ngữ “các tỳ khưu ít tham vọng” (appiccha bhikkhu) xấu hổ vì hạnh kiểm không thích đáng và không thận trọng của những vị khác. Ở đây, một tia sáng đã rọi vào mối liên hệ quan trọng giữa Giáo Pháp và Giới Luật, một cách tổng quát. Do sự thận trọng hay tính cách ít tham vọng, một số yếu tố tinh thần (tâm sở) phát sinh, hữu ích cho việc tu tập.

Trong các tâm sở ấy, cặp hổ thẹn và sợ sệt lời khiển trách (hiri – ottappa – hổ thẹn sợ sệt, tàm úy) thật sự được Đức Phật gọi là “những vị thần bảo vệ thế gian”. Hổ thẹn được nhận diện khi ta tự trách vì một hành động xấu xa đã, hoặc sắp làm và khi cảm thấy lo sợ vì nghĩ đến hậu quả không tốt mà ta sẽ phải chịu, do nghiệp xấu đã tạo. Lo sợ bị chính mình tự khiển trách là sự kiềm hãm phát sanh do nỗi sợ người khác phiền trách, hay nỗi lo sợ rằng việc làm không tốt đẹp của mình sẽ đến tai những người mình kính trọng, như cha mẹ, thầy tổ v.v… Ít tham vọng là một danh từ khác để chỉ sự tri túc (santutthi), một đức tính quý báu của hàng xuất gia.

Yếu tố quan yếu khác của phẩm hạnh thận trọng và khiêm tốn là tâm niệm (sati), căn bản hiển nhiên của mọi pháp tu tập của tất cả những người Phật tử, dù ở mức độ nào. Dù ở vị trí phải giữ trong sạch bao nhiêu giới tu học, phải có tâm ghi chú, thận trọng, hay biết việc đang làm, mới mong bảo vệ giới đức. Không cần phải đề cập đến thân và khẩu nghiệp, chí đến việc tạo nghiệp bằng tư tưởng đi nữa, tâm niệm cũng giúp ta thận trọng và sáng suốt. Tâm niệm giúp ta thu thúc tất cả, và ta có thể hình dung sự thu thúc này qua hình ảnh con rùa là một động vật, mỗi khi có chuyện bất thường xảy đến thì lật đật rút cẳng và đầu vào núp trọn vẹn bên trong cái vỏ, để tránh hiểm họa bên ngoài.

Đề cập đến lối sống của thầy tỳ khưu chơn chánh, có những câu kinh sau đây:

“Thu thúc nhãn căn là hữu ích,
Nhĩ căn thu thúc cũng hữu ích,
Thu thúc tỷ căn là hữu ích,
Thiệt căn thu thúc cũng là hữu ích,
Thu thúc thân căn là hữu ích,
Lời nói thu thúc cũng hữu ích.
Thu thúc ý căn là hữu ích,
Bất luận ở nơi nào, kiềm chế được là hữu ích,
Ở đây, thầy tỳ khưu kiềm chế bằng nhiều lối,
Rõ ràng là tự do. Vị trỳ khưu ấy thoát ra khỏi mọi bất hạnh.”

(Pháp Cú Kinh 360)

Tất cả giới luật trong tạng luật có thể tóm tắt những câu này. Ở nơi khác, có lời kêu gọi chư tỳ khưu như sau:

“Này hỡi các tỳ khưu, hãy giữ giới (sīla) cho thật nghiêm trang, hãy thật trong sạch nghiêm trì các giới căn bản (patimokkha), hãy sống thu thúc theo tinh thần các giới căn bản. Hãy có phẩm hạnh (và chỗ ở) toàn hảo, hãy nhận ra mối hiểm họa của những lỗi lầm, dù hết sức nhỏ nhen, và hãy rèn luyện để hiểu biết chơn chánh các giới tu tập.”

Đức tánh thận trọng của thầy tỳ khưu chơn chánh phát sanh do những lời kêu gọi tương tự. Và đã thận trọng, vì tỳ khưu tận lực cố gắng trau dồi như sau:

“Ta sẽ có giới hạnh trang nghiêm. Giới bổn của ta sẽ hoàn toàn trong sạch. Ta sẽ sống thu thúc. Phẩm hạnh (và chỗ ở) của ta sẽ toàn hảo, vì ta đã nhận ra mối hiểm họa của những lỗi lầm, dù hết sức nhỏ nhen.”

Nếu quan sát tận tường tánh cách bất cần, không thận trọng, dưới ánh sáng của các đoạn kinh trên ta sẽ thấy rõ ràng trong sự bất cần ít ra không có hạnh thu thúc, thiếu tâm niệm và cũng có thể có tâm hổ thẹn và sợ lời khiển trách (ahiri – anottappa). Thông thường, trong tâm bất cần, có những luồng ái dục (tanhā) mà lắm khi chúng ta không nhận ra. Tánh ngã mạn (māna) cũng có thể giao ảnh hưởng (không muốn tự uốn mình vào khuôn khổ của giới luật) và tà kiến (miccha ditthi) thường dính liền với ngã mạn, có thể làm cho vấn đề thêm phức tạp bằng cách bao trùm tất cả trong làn khói “lí do”.

Tuy nhiên, dù thế nào chăng nữa, Đức Phật đã ca tụng những giới tu tập với những lời lẽ có thể ngăn ngừa những ai xem đó là “kỉ cương bề ngoài”, không quan trọng.

Bây giờ, những giới ấy phối hợp lại, tạo thành ba sự tu tập. Ba sự tu tập là gì? Là sự tu tập trong Giới tối thượng, sự tu tập trong Định tối thượng và sự tu tập trong Tuệ tối thượng. Ở đây, một và tất cả các giới ấy phối hợp lại… Vậy, này các tỳ khưu, người giữ gìn trang nghiêm được phần nào các giới sẽ chứng ngộ sự thành đạt từng phần tương xứng và người giữ được toàn hảo các giới sẽ chứng ngộ trọn vẹn sự thành đạt. Như Lai tuyên bố rằng các giới tu tập này sẽ đem lại thành quả”.

Anguttara Nikaya 111,9,86.

Và trong Pháp Cú Kinh có câu:

“Vì tỳ khưu đã thích thú trong sự thận trọng, và nhìn sự bất cẩn với tâm sợ hãi, cũng như đám lửa trong rừng khô, cháy vồ đến rất mau chóng, thiêu đốt tất cả những dây trói buộc, dù nhỏ hay lớn”. (Câu 31)

Bấy nhiêu, âu cũng đủ lí do để cho vị tỳ khưu đã quyết tâm giải thoát, trong sạch bám chặt vào các giới thu tập!

Bây giờ con đường của người đã ra đi – từ đời sống gia đình vào trạng thái không nhà cửa – và đã thành thật trau dồi các giới tu tập mà chính mình đã chấp nhận, được xem là con đường dẫn ngay đến Niết Bàn. Trái lại, nâng đỡ, hỗ trợ những người đi trên con đường quả thật là một phước báu vô cùng trọng đại.

Trong lối thực hành Phật sự, có sự tương trợ lẫn nhau giữa hang xuất gia và người cư sĩ. Một đằng là hỗ trợ dưới hình thức là truyền dạy Giáo Pháp thích hợp để thực hành trong đời sống và một đàng nâng đỡ tiện nghi vật chất, bằng cách cung phụng bốn món vật dụng: vật thực, thuốc men, chỗ ở và y bát cần thiết. Không có vị tỳ khưu nào xứng đáng với y bát nếu còn gây phiền phức, bất ổn, cho người cư sĩ, thay vì chỉ mong giúp đỡ, tế độ. Cùng thế ấy, người cư sĩ hiểu biết, có nhiệt tâm với đạo Pháp, chỉ nghĩ đến việc hỗ trợ và nâng đỡ các tỳ khưu và sa-di.

Để thực hành đều ấy một cách chơn chánh, cả hai đàng tức nhiên phải có ít ra một ý niệm về cái gì có thể làm và cái gì không, theo tinh thần giới luật mà Đức Phật đã ban hành.

Trong hiện tại, các tỳ khưu có phương tiện di chuyển rộng rãi hơn và có thể sống trong nhiều quốc gia mà trước kia không thể đến. Cũng có nhiều người từ những nơi không có Phật giáo sang ở trong một xứ đã sẵn có nếp sống theo tinh thần Phật giáo. Như vậy ắt có người muốn tìm hiểu những điều nên làm và những việc không nên làm đối với nhà sư. Cũng có người cư sĩ muốn biết những điều cần thiết để cư sĩ thích nghi – nghĩa là đúng theo giới luật – đối với nhà sư.

Như vậy, người thiện tín thí chủ, cũng như người người thiện tín khác, cần phải biết vài điểm trong giới luật (Vinaya). Quyển sách nhỏ này chỉ đề cập đến những giới luật của hàng xuất gia có liên quan đến người cư sĩ. Người muốn hiểu biết đầy đủ các giới khác, thuần túy tự viện, có thể tham khảo các quyển sách có nhiều chi tiết hơn.

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app