Quyển 3: Vị Giải Thoát
Tu Tập Tâm Này
Tu tập tâm thực ra là… chẳng làm gì nhiều đối với tâm này. Đơn giản là nó tự sáng tỏ bên trong và tự chiếu sáng nó. Về bản chất tự nhiên, nó là bình an. Lý do tâm không cảm thấy bình an ngay lúc này là do nó bị trôi lạc theo/vào những trạng thái của chính nó. Đó không phải là bản thân nó tạo tác gì cho nó cả. Đó là nó chỉ đơn thuần an trú vào bản tính tự nhiên của nó, chỉ là vậy thôi. Có lúc tâm thấy bình an, có lúc tâm thấy không bình an, thì chỉ là do nó bị đánh lừa bởi những trạng thái đó của nó.
Cái tâm chưa được tu tập thì thiếu trí tuệ. Nó ngu mờ. Những trạng thái (sướng, khổ, vui, buồn…) xảy đến và đánh lừa nó chạy theo những sự sướng, khổ, khổ, sướng, vui, buồn…trong từng giây khắc. Vui rồi buồn. Buồn rồi vui. Nhưng trạng thái tự nhiên của cái tâm nguyên thủy (chân tâm) thì không phải là vui hay buồn gì cả. Cái trải nghiệm vui, trải nghiệm buồn đó không phải là cái tâm nguyên thủy, mà đó chỉ là những trạng thái đã đánh lừa nó.
Tâm bị lạc mất, bị kéo đi bởi những trạng thái đó, nhưng nó không hề biết chuyện gì đang xảy ra với nó. Và kết quả là, chúng ta cảm nhận sướng và cảm nhận khổ theo nó, bởi do cái tâm chưa được tu tập. Nó vẫn chưa được khôn ngoan. Và chúng ta cứ liên tục nghĩ rằng đó là tâm ta đang sướng hoặc tâm ta đang khổ, nhưng đích thực chỉ là cái tâm đó đang bị lạc mất theo những trạng thái sướng, khổ…khác nhau mà thôi.
Điểm cần ghi nhớ, bản chất tự nhiên đích thực của tâm chúng ta là bình an. (Giống như bản chất tự nhiên của một trái banh là nổi và ở yên trên mặt nước. Nhưng nó luôn bị trăm chìm, ngàn nổi, lênh đênh, nhấp nhô, trôi dạt liên tục là do bởi tác động bên ngoài của gió, sóng, nước, dòng chảy). Nó vốn là tĩnh tại và tĩnh lặng giống như một chiếc lá không bị thổi bởi gió. Nhưng khi gió thổi thì nó phất phơ, động đậy. Và tâm giống như vậy, nó động vọng là do những trạng thái—nó dính theo những ý nghĩ. Nếu tâm không bị dính theo (chạy theo) những trạng thái đó thì nó không bị động vọng, phất phơ này nọ, theo những trạng thái đó.
Nếu tâm “hiểu biết” được bản chất (sinh diệt) đích thực của các ý nghĩ, thì nó sẽ ở yên, nó sẽ không dính mắc theo chúng. Trạng thái tự nhiên nguyên thủy của tâm là bình lặng. Và lý do tu tập của chúng ta là làm sao để có thể nhìn thấy tâm ở trong trạng thái bình lặng tự nhiên nguyên thủy vốn có của nó. Chúng ta nghĩ rằng tâm tự nó thực sự thấy sướng, thấy khổ, thấy khoái, thấy đau, thấy vui, thấy buồn. Nhưng, thực sự thì tâm không tạo ra bất kỳ sự sướng, khổ, vui, buồn… nào cả. Những ý nghĩ (vọng tưởng) đã khởi lên và đánh lừa tâm và tâm bị dính theo chúng.
Do vậy, chúng ta thực sự phải tu sửa và huấn luyện cái tâm để nó phát huy trí tuệ. Phát huy trí tuệ để ta hiểu rõ bản chất đích thực của các ý nghĩ (nhận thức, vọng tưởng) thay vì cứ chạy theo chúng một cách ngu mờ, mù quáng.
Tâm này về bản chất là bình an. Hiểu rõ về lẽ thực này để chúng ta cùng nhau thực hiện việc tu thiền khó khăn này một cách đúng lý.
Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành – Vị Giải Thoát
————
Bài viết được trích từ “Quyển 3: Vị Giải Thoát” – bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, tác giả Thiền Sư Ajahn Chah
* Link Sách Quyển 3: Vị Giải Thoát
* Link Tải sách ebook Quyển 3: Vị Giải Thoát
* Link Video Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành
* Link Audio Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành
* Link Thư mục Tác giả Thiền sư Ajahn Chah
* Link Thư mục Ebook Thiền sư Ajahn Chah
* Link Giới thiệu tác giả Thiền sư Ajahn Chah
* Link Tải App mobile Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda