Quyển 2
GIÁC THỪA
(Bodhiyana)
NỘI DUNG
- Học Cách Lắng Nghe
- Những Mảng Rời Của Giáo Lý
- Món Quà Giáo Pháp 17
- Bản Chất Tự Nhiên Của Giáo Pháp
- Hai Mặt Của Thực Tại
- Việc Tu Tập Cái Tâm
- Sống Chung Rắn Hổ Mang
- Hiểu Được Cái Tâm Tự Nhiên
- Cứ Làm Như Vậy!
- Hỏi và Trả Lời
41
Học Cách Lắng Nghe
Trong một lần gặp không chính thức vào một buổi chiều tại nơi ở của thiền sư Ajahn Chah, thầy nói rằng: “Khi bạn lắng nghe Giáo Pháp, bạn phải mở rộng trái tim và hòa mình vào giữa trái tim. Đừng cố nghe chỉ để thu thập những điều mình nghe được hoặc cố khắc ghi nó vào trong trí nhớ. Cứ để Giáo Pháp chảy vào trong tim bạn khi nó tự phơi bày, và bạn chỉ cần tiếp tục mở rộng trái tim để đón nhận dòng chảy đó ngay trong giây phút hiện tại. Giáo Pháp tự hiển hiện theo đường lối của nó, chứ không phải nhờ vào nỗ lực cố nghe, cố nhớ của phía người nghe.
“Tương tự vậy, khi bạn giảng giải về Giáo Pháp, bạn cũng không cần dùng sự cố gắng nỗ lực. Giáo Pháp sẽ tự nó trôi chảy từ giây phút hiện tại theo những hoàn cảnh lúc đó. Kể cũng lạ, như tôi biết có nhiều người đến gặp tôi không phải để nghe giảng về Giáo Pháp, nhưng Giáo Pháp lại có mặt. Tự nó hiển hiện. Giáo Pháp tự tuôn chảy ra mà không cần phải cố ý hay cố gắng. Rồi thì bỗng nhiên những người đó thấy rất muốn lắng nghe về Giáo Pháp. Họ nghe Giáo Pháp một cách trôi chảy. Nhưng nếu họ chính thức yêu cầu được nghe bài giảng đó thì bài giảng đó chẳng ra sao đối với họ. Không được gì. Giáo Pháp không xuất hiện theo cách cố ý của ta. Chúng ta làm sao đây? Tôi không biết tại sao, nhưng tôi biết nó là như vậy. Mặc dù có nhiều người với nhiều trình độ tiếp thu khác nhau, còn bạn thì ở một trình độ nào đó, nhưng khi bạn nói, tự Giáo Pháp nó diễn ra trôi chảy.
Nếu bạn phải giảng giải giáo pháp cho người khác, cách tốt nhất là bạn đừng nghĩ về nó. Đơn giản quên nó đi. Bạn càng nghĩ càng tính về cách cách giảng như thế nào, thì nó càng tồi tệ hơn. (Nó thiếu tính tự nhiên). Khó thiệt phải không? Đôi lúc bạn đang giảng bày một cách trôi chảy, ai đó đặt một câu hỏi. Từ đó bắt đầu lạc hướng qua đề tài khác. Nhưng bạn vẫn tiếp tục giảng bài trôi chảy. Hình như trong ta có một nguồn lực vô hạn, bạn không bao giờ đuối sức.
“Tôi chẳng nghi ngờ gì về Đức Phật có khả năng hiểu biết từng căn cơ, tính khí và trình độ tiếp nhận của những chúng sinh khác nhau. Đức Phật dùng những cách giảng dạy khác nhau cho những người khác nhau, vì Phật biết được nhu cầu của từng người. Đó cũng là cách giảng dạy ngẫu nhiên và tự nhiên (không soạn bài trước, không tính trước; chỉ tùy duyên, tùy theo nhu cầu của những người nghe lúc đó). Không phải Phật dùng thần thông siêu phàm, đơn giản là Phật rất nhạy cảm với nhu cầu lắng nghe của số đông người đang lắng nghe. Sau khi giảng về một đề tài, Phật thường hỏi mọi người đã từng nghe giáo lý đó trước đây chưa. Mọi người trả lời là chưa từng nghe, Phật nói với họ Phật cũng chưa từng nghe trước đó. (Có nghĩa là Phật cũng chưa bao giờ nghe mình giảng ‘y bài’ như vậy trước đó lần nào).
“Cứ luôn tu tập dù bạn đang làm gì. Tu tập không phụ thuộc vào tư thế, đang ngồi hay đang đi. Thay vì vậy, nó là một sự tỉnh giác liên tục của dòng chảy của tâm thức và những cảm giác của mình. Dù trong bất cứ lúc nào, cứ luôn thiết lập bản thân mình như vậy và luôn luôn tỉnh giác một cách chánh niệm về dòng chảy đó”. Sau đó thiền sư Ajahn Chah nói thêm: “Tu tập là không đi tới, nhưng có một sự di chuyển về phía trước. Cùng lúc, tu tập là không đi lùi, nhưng có một sự di chuyển lùi. Và cuối cùng, tu tập là không phải dừng lại và đứng yên, nhưng có sự dừng lại và đứng yên. Do vậy có sự đi tới, có sự đi lui và có sự đứng yên, nhưng ta rất khó nói nó là một trạng thái nào trong ba trạng thái đó. Rồi cứ tiếp tục tu tập cho đến một lúc không còn đi tới, đi lùi hay đứng yên. Chỗ đó là chỗ nào?.”
Vào một dịp tình cờ khác, thiền sư nói rằng: “Để dịnh nghĩa về đạo Phật một cách không dùng nhiều từ ngữ, chúng ta có thể nói gọn rằng: “Đừng dính chấp vào thứ gì. Hòa hợp với thực tại, hòa hợp với mọi thứ như chúng là!”.
————
Bài viết được trích từ “Quyển 2: Giác Thừa (Bodhiyana)” – bộ sách Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành, tác giả Thiền Sư Ajahn Chah
* Link Quyển 2: Giác Thừa (Bodhiyana)
* Link Tải sách ebook Quyển 2: Giác Thừa (Bodhiyana)
* Link Video Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành
* Link Audio Lẽ Sinh Diệt Lý Tu Hành
* Link Thư mục Tác giả Thiền sư Ajahn Chah
* Link Thư mục Ebook Thiền sư Ajahn Chah