ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
CHƯƠNG VIII: AṄGULIMĀLA – ƯƠNG QUẬT MA
TRỞ THÀNH SA MÔN
Aṅgulimāla cứ thế tiếp tục cuộc tàn sát. Dân chúng tránh xa khu rừng này, và chẳng bao lâu không còn ai dám lai vãng, kể cả những người nhặt củi. Do đó hắn phải tiến vào gần thôn xóm, từ chỗ ẩn núp xông ra tấn công người qua lại, đôi khi về đêm còn vào tận nhà dân làng, giết người vô tội chỉ để chặt lấy ngón tay. Hết thôn này sang xóm khác, không ai có thể chống cự lại sức mạnh hung hãn của hắn nên rốt cuộc họ đành bỏ nhà cửa, rời làng quê. Họ dựng lều ở tạm quanh kinh thành, và vào hoàng cung than khóc, trình tâu lên đức vua về mối thảm họa của họ. Lúc bấy giờ Vua Pasedani biết đã đến lúc phải ban hành một biện pháp mạnh mẽ, và ngài truyền cấp tốc tập trung một đạo quân thiện chiến sẵn sàng nhận lệnh.
Hình như không ai biết được tên thật cũng như giòng tộc của Aṅgulimāla. Nhưng người mẹ thì linh cảm rằng đó không ai khác hơn là con trai của mình, Ahiṁsaka, đi học ở Takkasilā chưa bao giờ về lại nhà. Vì vậy, khi nghe lệnh vua công bố khắp nơi, bà tin chắc rằng con mình đã sa vào ác đạo như tướng số đã tiên đoán. Bà đến hỏi ý chồng, quốc sư Bhaggavā:
“Tên cướp hung bạo ấy chính là con của chúng ta, Ahiṁsaka. Nó đang bị quân lính lùng bắt. Ông ơi, xin ông đi tìm con! Khuyên nó hãy cải hóa và mang nó về với gia đình. Nếu không đức vua sẽ xử tử nó.”
Nhưng vị bà-la-môn trả lời cứng rắn:
“Gia đình ta không cần có một đứa con như vậy. Hãy để đức vua xét xử tùy ý.”
Tuy nhiên trái tim người mẹ lúc nào cũng mềm mại, bao la. Thương con nên bà một mình đi đến khu rừng Aṅgulimāla đang ẩn náu. Bà muốn cứu con khỏi chết bằng cách cảnh tỉnh và nài nỉ con cải tà qui chánh, về với mẹ cha.
Lúc này Aṅgulimāla đã gom được 999 ngón tay, chỉ còn một ngón nữa là đủ số dâng đến cho vị thầy. Để làm cho xong việc, Aṅgulimāla sẵn sàng đoạt mạng bất cứ ai, kể cả mẹ mình, lúc đó đang trên đường đến gần. Tội giết mẹ là một trong ngũ nghịch trọng tội, sẽ trổ quả ngay khi chấm dứt kiếp hiện tiền và tái sanh vào tầng địa ngục thấp nhứt. Vì không hiểu biết mà Aṅgulimāla đang đứng mấp mé bên bờ địa ngục.
Năm ấy là năm thứ hai mươi trên đường thuyết pháp và giáo hóa chúng sanh của Đức Phật. Trong lúc đang trải lòng bi mẫn quán sát khắp thế gian, Đức Tôn Sư nhận ra được Aṅgulimāla. Với túc mạng minh, khả năng nhớ lại vô lượng kiếp quá khứ của mình, Aṅgulimāla không xa lạ. Trong nhiều đời kiếp, họ đã từng gặp nhau, và Đức Bồ Tát thường chinh phục dũng lực thân của Aṅgulimāla bằng dũng lực tâm của mình. Giờ đây, khi nhân duyên đưa hai vị gặp lại nhau và Đức Thế Tôn thấy được hiểm họa của cực ác nghiệp mà Aṅgulimāla sắp rơi vào, Ngài không ngần ngại bộ hành ba mươi dặm để cứu độ Aṅgulimāla.
Câu chuyện được ghi lại trong Aṅgulimāla Sutta (MN 86) rằng những người chăn bò, chăn dê thấy Đức Phật tiến vào con đường này thì can ngăn bằng cách kể lại những cảnh hãi hùng do tên sát nhân hung bạo gây ra, lấy đi hết bao nhiêu mạng sống. Mặc họ nói nhiều lần, Đức Thế Tôn vẫn im lặng tiếp tục đi.
Từ chỗ quan sát, đầu tiên Aṅgulimāla thấy mẹ mình từ xa đi lại. Mặc dù nhận ra được mẹ, nhưng do tâm tư đang lún sâu trong kích động tàn ác của bạo lực, ông vẫn muốn giết chết đấng sanh thành để thâu đủ một ngàn ngón tay. Ngay lúc đó, Đức Phật xuất hiện trên đường, giữa ông và mẹ ông. Thấy Đức Phật, ông liền đổi ý định, là giết vị sa môn thay vì giết mẹ.
Nghĩ vậy Aṅgulimāla vớ lấy gươm, khiên, cung và ống tên, rồi đuổi theo Đức Phật. Bấy giờ Đức Thế Tôn thi triển thần thông khiến Aṅgulimāla, dù cố chạy thật nhanh, không thể nào đuổi theo kịp Ngài, đang thong thả bước từng bước một. Tên cướp nhủ thầm: “Thật lạ thường! Thật kỳ diệu! Ta đã từng đuổi kịp và giữ được một thớt voi đang chạy nhanh, nắm bờm một tuấn mã đang phi nước rút, hay bắt được một con nai đang phóng như tên bắn. Vậy mà bây giờ, dù đã sải bước hết tốc lực, ta vẫn không đuổi kịp được sa môn đang từng bước chậm rãi này.”
Aṅgulimāla dừng lại và gọi Đức Thế Tôn:
“Hãy dừng lại, sa môn! Hãy dừng lại, sa môn!”
“Này Aṅgulimāla, Như Lai đã dừng lại rồi! Còn ngươi, hãy cũng dừng lại.”
Tên cướp nghĩ: “Các đạo sĩ tu theo dòng Thích Ca nói sự thật, khẳng định sự thật. Thế nhưng sa môn này đang đi mà lại nói đã dừng bước và bảo ta hãy cũng dừng bước. Ta hãy hỏi sa môn lẽ vì sao.”
Rồi Aṅgulimāla nói với Đức Thế Tôn kệ sau:
Sa môn, đang đi sao nói đã dừng;
Còn ta, đã dừng lại nói là chưa.
Sa môn, ta hỏi ý nghĩa là gì:
Sao người đã dừng, còn ta thì chưa?
Và Đức Thế Tôn đáp:
Aṅgulimāla, Như Lai đã dừng rồi,
Không làm tổn thương một chúng sanh nào;
Còn ngươi không kiềm chế trước sanh mạng:
Bởi thế ta đã dừng, còn ngươi chưa.
Nghe được những lời trên, tâm can Aṅgulimāla cực kỳ chấn động. Dòng tâm linh thánh thiện cao quý từ lâu bị dồn nén bỗng đột nhiên bùng dậy, phá vỡ cái tàn ác tội lỗi bao năm nay ngăn chặn bản chất hiền hòa trong sáng của mình. Ông nhận ra rằng vị sa môn đứng trước mặt không ai khác hơn là đấng Giác Ngộ, và trực giác rằng Ngài đã tự thân đến đây chỉ để kịp cứu độ mình, kéo mình ra khỏi bờ vực tội lỗi sâu thẳm suýt chút nữa phải sa vào. Xúc động tận đáy lòng, Aṅgulimāla quăng bỏ tất cả khí giới, quỳ dưới chân Bổn Sư, xin được theo Ngài sống cuộc đời hoàn toàn đổi mới, đoạn trừ các ác pháp, tại nơi đây và ngay bây giờ.
Đức Bổn Sư từ bi vô lượng, bậc Thiên Nhân Sư, lúc ấy thốt lên: “Hãy đến đây, tỳ khưu!” Và như thế Aṅgulimāla trở thành tỳ khưu.
Mặc dù trong kinh điển truyền thống không thấy ghi Aṅgulimāla đã nhận được ấn chứng nào trong đột biến tâm linh này, nhưng có thể suy đoán rằng chính sự hiện diện của Bổn Sư đã khiến cho Aṅgulimāla thấy được, trong chớp mắt, những oan trái khốn khổ vô tận ông đã vướng mắc trong đời, và bao nhiêu khổ đau trầm trọng hơn đang chờ đợi ông, khi ác nghiệp trổ quả. Có lẽ Aṅgulimāla đã nhận thức được rằng sự vô minh mù quáng của mình đã gây bao nguy hại cho chính mình, và ông thấy rõ cách duy nhất để thoát khỏi hậu quả đen tối đó là nhổ tận mọi gốc rễ đưa đến chuỗi tái sanh và khổ đau. Và như thế, Aṅgulimāla từ bỏ vòng tục lụy, xin Đức Thế Tôn được gia nhập Tăng chúng, nương tựa Đức Tôn Sư, bậc Toàn Giác, và theo bước Thầy sống đời sa môn phạm hạnh trong sạch.
Không bao lâu sau, Đức Phật cùng một số chư tăng và Aṅgulimāla, nay là thị giả của Ngài, du hành qua nhiều chặng đường để đến thành Sāvatthi, thuộc vùng quê hương của Aṅgulimāla. Ở đây, Đức Thế Tôn trú tại tịnh xá Jetavana.
Dân chúng chưa hay biết gì về việc tên cướp đã xuất gia nên than phiền rằng quốc vương do dự quá lâu để xuất đại quân truy tầm và bắt hắn. Nghe vậy, Vua Pasenadi đích thân dẫn một đạo binh hùng hậu tiến về rừng Jālani, nơi Aṅgulimāla hằng gieo rắc kinh hoàng. Trên đường đi, Đức Vua ghé ngang tịnh xá Jetavana viếng thăm Đức Thế Tôn vừa du hành đến.
Nhìn thấy đoàn hùng quân, Đức Phật hỏi Vua Pasenadi phải chăng có quốc sự khiến đức vua phải thân chinh cầm quân dẹp giặc. Vua trình rằng không có chiến tranh với lân bang, nhưng ngài đang truy lùng một tên sát nhân khét tiếng bạo tàn tên Aṅgulimāla. Vua nói thêm:
“Nhưng chắc trẫm không thể diệt trừ hắn được.”
Rồi Đức Thế Tôn hỏi:
“Bệ hạ sẽ đối xử ra sao với Aṅgulimāla nếu thấy người ấy cạo râu tóc, đắp y tỳ khưu, xuất gia sống đời không nhà, không còn giết hại chúng sanh, không lấy của không cho, không nói lời dối trá, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, sống đời phạm hạnh, và hành trì thiện pháp?”
“Bạch Đức Tôn Sư, nếu thấy vậy thì trẫm sẽ đảnh lễ, hay đứng dậy thỉnh sư ấy ngồi, hay dâng cúng tứ vật dụng, và bảo vệ, hộ trì theo đúng pháp luật. Nhưng, bạch Thế Tôn, làm sao một người vô hạnh, tội lỗi và chuyên hành ác pháp như thế lại có thể biết chế ngự, trì giới và sống đời sa môn phạm hạnh?”
Lúc bấy giờ Đức Phật duỗi cánh tay phải và nói:
“Thưa đại vương, đây chính là Aṅgulimāla.”
Nhà vua lúc đó kinh sợ tột cùng, lông tóc dựng ngược, mất bình tĩnh hoàn toàn khi nghe đến tên Aṅgulimāla. Đức Thế Tôn dịu dàng trấn an đức vua:
“Đừng sợ hãi, thưa đại vương. Không có gì cho đại vương phải sợ hãi đâu.”
Sau khi lấy lại được bình tĩnh, Vua Pasenadi bước đến gần Đại đức Aṅgulimāla và hỏi han về gia thế để xưng hô, vì nghĩ rằng thật không phải lẽ nếu gọi vị sa môn ấy bằng cái tên gắn liền với vô số hành vi bạo ác trong quá khứ. Khi nghe vị sa môn cho biết tên dòng họ thân phụ là Gagga và dòng họ thân mẫu là Mantāni, đức vua vô cùng sửng sốt vì đây chính là con trai của vị quốc sư đương triều. Đồng thời vua cũng nhớ rõ những điềm lạ trong đêm Aṅgulimāla ra đời. Vua Pasenadi vô cùng xúc động và ngưỡng phục Đức Thế Tôn đã cảm hóa được một tướng cướp hung tàn trở thành vị tỳ khưu hiền hòa trong Tăng chúng của Ngài.
Đức vua bèn xin được cúng dường tứ vật dụng đến ngài “Gagga Mantāniputta cao quý.” Nhưng Aṅgulimāla đã xin hành trì hạnh đầu đà (dhutaṅga) – ẩn cư trong rừng núi, sống bằng thức ăn khất thực, mặc y vá từ những mảnh vải vụn người vứt bỏ, và chỉ giữ một bộ tam y – nên từ chối:
“Tôi đã có rồi, thưa đại vương, tam y đã đầy đủ.”
Vua Pasenadi hướng về Đức Thế Tôn, tán thán:
“Mầu nhiệm thay, bạch Đức Thế Tôn! Kỳ diệu thay Đức Tôn Sư đã nhiếp phục được người không thể nhiếp phục, làm an tịnh được người không thể an tịnh, làm tịch tĩnh đến người không thể tịch tĩnh. Không cần hình phạt hay vũ khí, Thế Tôn đã nhiếp phục được một người mà chúng con không thể nhiếp phục bằng hình phạt và vũ khí.”
Nhưng khi Aṅgulimāla đi trì bình khất thực ở ngoại thành Sāvatthi, vừa thấy bóng ngài là dân làng kinh hoảng bỏ chạy về nhà và đóng hết cửa. Đến khi vào thành, mọi người cũng phát hiện ra ngài và sợ hãi chạy trốn. Vì thế Aṅgulimāla không nhận được một muỗng cơm hay vá cháo sớt bát nào.
Tạng Luật (Vin. l:74) ghi rằng vài người dân, khi thấy Aṅgulimāla mang y bát đi khất thực, bất mãn và tức giận, nói rằng:“Tại sao các vị tu hành cao quý bộ tộc Sākya lại cho một tội phạm nổi tiếng tàn ác được gia nhập đoàn thể?” Khi nghe các đệ tử tỳ khưu thuật lại phản ứng của dân chúng, Đức Phật liền ban hành giới luật như sau: “Một tội phạm mang tiếng xấu sẽ không được Tăng chúng cho thọ giới xuất gia. Ai cho một tội phạm như vậy thọ giới thì vị ấy phạm một hành vi sái quấy (dukkaṭa).” Việc cho tội phạm sát nhân xuất gia có thể gây khó khăn cho Tăng già nếu người ấy không biết hối cải, chưa kể đến việc lợi dụng đời sống tu hành thành một nơi ẩn náu trốn tội tù hay hình phạt.
Đức Thế Tôn hiểu được chỉ có trí tuệ một vị Phật mới thấy rõ được tiềm năng thiện lành của một tội phạm, sau Đức Phật không ai có đủ khả năng hay thẩm quyền để thực thi những gì họ hiểu trong khả năng của họ.
Một số người có đức tin trong sạch và bất thối vào Đức Thế Tôn đã thay đổi thái độ và cung kính cúng dường thức ăn mỗi khi Aṅgulimāla đứng trước nhà họ. Nhưng phần đông dân chúng vẫn còn thù nghịch. Mặc dù Aṅgulimāla cũng nhận ra được rằng việc xin được thức ăn khi khất thực ở quê nhà là vô vọng, nhưng ngài vẫn tiếp tục hành trì hạnh đầu đà này như một nhiệm vụ.