ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG VIII: AṄGULIMĀLA – ƯƠNG QUẬT MA

KẺ SÁT NHÂN HÀNG LOẠT

Trong kinh điển đạo Phật, Aṅgulimāla là một trong những nhân vật được biết đến nhiều nhất do sự chuyển hóa kỳ diệu từ một tướng cướp hung bạo giết người hàng loạt trở thành một bậc a-la-hán đầy lòng từ bi. Các sản phụ thời ấy thường tôn kính Aṅgulimāla như một vị thánh bảo vệ với bài kệ chúc phúc có năng lực hộ trì mạnh mẽ để được “mẹ tròn con vuông.”

Đức Thế Tôn thường khuyên các đệ tử không nên xét người qua hình tướng hay hành vi bên ngoài. Chỉ có trí tuệ của một vị Phật mới thấu rõ được căn cơ ẩn tàng của mỗi chúng sanh với sự chính xác hoàn hảo. Như trường hợp Aṅgulimāla, Đức Thế Tôn đã thấy được tiềm năng giải thoát ngay trong trong kiếp này, không chỉ giải thoát khỏi tái sanh vào các cõi thấp mà còn khỏi tất cả đau khổ trong vòng luân hồi vô tận.

Chúng ta cũng gặp nhiều trường hợp tương tự trong đạo Công Giáo, như “tên trộm trên thánh giá” ở Golgotha, người mà chính Đức Chúa Giê Su hứa là sẽ được lên Thiên đàng cùng một ngày với Chúa; hay như tên cầm đầu một đảng cướp đã được Thánh Francis ở Assisi hoán cải thành một tu sĩ. Những ai sống thiên về đức tin tôn giáo thường động tâm trước những trường hợp chuyển hóa như vậy. Nhưng những ai nghi ngờ thì đặt câu hỏi làm sao có được sự cải tà quy chánh phi thường như vậy. Cuộc đời của Aṅgulimāla có thể là câu trả lời cho thắc mắc này.

Vào thời Đức Phật có một vị bà-la-môn, tên Bhaggavā Gagga, rất thông thái và giữ chức quốc sư trong triều vua Pasenadi xứ Kosala. Vào một đêm bà vợ ông, thuộc dòng họ Mantāni, hạ sanh một đứa con trai. Ông bấm số tử vi và thấy đứa bé sanh ra dưới “ngôi sao tướng cướp”, có nghĩa là có khuynh hướng bẩm sanh sống một cuộc đời bạo ác, tội lỗi. Thật là bất ngờ và kinh hoàng cho người cha trước viễn ảnh xấu xa đáng sợ ấy.

Sáng hôm sau, như mọi ngày, vị quốc sư bà-la-môn vào hoàng cung và hỏi thăm đức vua đêm qua có được an giấc không.

“Làm sao trẫm có thể ngủ yên được?” Vua trả lời. “Trẫm thức giấc giữa đêm và thấy các vũ khí để ở chân giường bỗng sáng rực bất thường, thế nên trẫm rất sợ hãi và không ngủ lại được. Có phải đó là điềm báo nguy cho vương quốc Kosala hay cho trẫm?”

“Tâu đại vương, xin đừng lo sợ!” Quốc sư trả lời. “Điềm lạ này đã xảy ra khắp kinh thành Kosala, và không liên quan đến đại vương. Đêm qua vợ hạ thần sanh một bé trai, nhưng bất hạnh thay vì theo chiêm tinh, số nó nằm trong cung tướng cướp. Có lẽ vì vậy mà các vũ khí bỗng rực sáng.”

“Khanh có biết đứa bé sẽ là một tướng cướp đơn độc hay là một chúa đảng cướp?”

“Nó sẽ là một tên cướp đơn độc. Hay là ta giết đứa bé ngay để đề phòng hậu hoạn?”

“Theo như lời quốc sư thì nó sẽ hành động riêng lẻ một mình. Vậy hãy cố gắng nuôi dạy nó thật kỹ càng và đúng cách, biết đâu sẽ thay đổi được bản tính độc ác bẩm sanh.”
Từ ý định này, cha mẹ đặt tên cho con trai là Ahiṁsaka, nghĩa là Vô Hại, với niềm hy vọng tên ấy sẽ gieo vào tâm khảm đứa bé một lý tưởng thiện lành để phấn đấu theo. Lớn lên, Ahiṁsaka trở thành một thanh niên tuấn tú và thể lực cường tráng vô song, nhưng cũng hiền lành, đức độ, thông minh, và chăm chỉ học hành. Cha mẹ cậu rất vui mừng, tin rằng nhờ sự giáo dục và nuôi dưỡng trong không khí đạo giáo của gia đình mà mầm mống xấu ác trong tâm tính Ahiṁsaka được kiềm chế.

Đến tuổi trưởng thành, Ahiṁsaka vào học trường Takkasilā rất nổi tiếng ở Ấn Độ thời bấy giờ, và được vị thầy lỗi lạc nhất nhận làm môn đồ. Ahiṁsaka tiếp tục học hành chăm chỉ và đạt thành quả ưu tú trên tất cả bạn đồng học. Chàng trai trung thành và khiêm tốn này ngày càng được thầy yêu mến và ưu đãi, thường được gia đình thầy tặng thức ăn.

Những điều ấy khiến bạn bè đồng môn bất mãn và ganh ghét, cảm thấy từ lúc có Ahiṁsaka đến học thì thầy như chẳng còn quan tâm gì đến họ nữa. Họ muốn chấm dứt việc này nên bàn kế hoạch ly gián hai thầy trò bằng cách chia thành ba nhóm người, thay phiên nhau đến mách chuyện lên thầy.

Nhóm môn sinh đầu tiên đến thưa là họ nghe có lời đồn đãi trong nhà thầy rằng Ahiṁsaka đang lập mưu chống lại thầy. Mới nghe qua người thầy nổi giận la ngay:

“Cút ngay, quân khốn kiếp! Đừng tính chuyện chia rẽ thầy trò ta.”

Sau một thời gian, nhóm môn sinh thứ hai cũng đến kể chuyện đó. Rồi cuối cùng là nhóm thứ ba đến mách và thêm rằng:

“Nếu thầy không tin, xin thầy hãy tự điều tra việc này.”

Cuối cùng đám môn đồ đã gieo được hạt giống hoài nghi độc hại vào tâm vị thầy, mọc rễ đâm chồi, khiến ông tin rằng Ahiṁsaka – vô cùng dũng mãnh thể lực và quật cường tâm ý – thật sự muốn đẩy ông ra. Một khi đã nghi ngờ, người ta luôn luôn có thể tìm được vài hành vi khả nghi để khẳng định. Thế là nghi kỵ trở thành kết án. Ông tự nhủ: “Ta phải giết hắn hoặc làm cho hắn bị giết.” Nhưng rồi ông cân nhắc: “Không dễ gì giết hại một thanh niên có sức mạnh vô địch như hắn. Hơn nữa, nếu hắn bị giết chết khi đang là học trò ở trong nhà mình, thì còn gì là danh tiếng của ta, và học trò có thể không dám đến với ta nữa. Ta phải nghĩ cách nào khác để trừng trị và diệt trừ hắn mà không bị liên lụy.”

Cùng thời gian ấy, Ahiṁsaka sắp mãn khóa học và chuẩn bị về lại nhà. Vị thầy bảo:

“Này Ahiṁsaka yêu quý của ta, một môn sinh, khi thành tựu việc học tập, có bổn phận dâng lên thầy một món quà để tỏ lòng tôn kính tri ân. Vậy hãy thi hành bổn phận.”

“Thưa thầy,” Ahiṁsaka lễ phép thưa, “tất nhiên là vậy. Con nên dâng thầy tặng phẩm gì?”

“Con phải đem về cho ta một ngàn ngón út bên tay phải của một ngàn người. Đó chính là nghi thức mãn khóa để tỏ lòng tôn kính đến pháp môn con đã học.”

Có lẽ vị thầy tin rằng Ahiṁsaka, khi cố gắng thực hiện việc làm này, sẽ bị giết chết, hoặc bị bắt và xử tử. Cũng có thể ông đã kín đáo xem số mạng của Ahiṁsaka, thấy được tiềm năng hiếu sát của đứa học trò, nên giờ đây tìm cách kích động bản năng này.

Nghe mệnh lệnh tàn ác đó, Ahiṁsaka kinh hãi thốt lên:

“Ôi, tôn sư! Sao con có thể làm được việc đó? Gia đình con không bao giờ dùng bạo lực. Chúng con là người hiền lành, vô hại.”

“Thế thôi, nếu không thực hiện được nghi thức tôn kính thích đáng này cho pháp môn, thì bao nhiêu điều con đã học hỏi sẽ hoàn toàn vô hiệu.”

Cuối cùng vị thầy thuyết phục được Ahiṁsaka. Các nguồn tài liệu về câu chuyện này không cho biết nhân duyên cuối cùng nào đã khiến Ahiṁsaka chịu chấp thuận đòi hỏi cực kỳ tàn ác đó. Có thể do ảnh hưởng nền giáo dục nghiêm khắc của những năm đầu đời, người đệ tử phải phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh của thầy. Nhưng yếu tố mạnh mẽ hơn cả có lẽ là khuynh hướng hiếu sát bẩm sanh. Tương truyền rằng trong một kiếp quá khứ, Ahiṁsaka là một quỷ dạ xoa dũng mãnh (yakkha), do muốn ăn thịt người nên dùng thần thông sát hại họ để thỏa mãn thèm khát. Đó là nghiệp lực đen tối xấu ác từ quá khứ, do vị thầy khơi dậy đúng lúc, đã đột nhập vào kiếp hiện tại và nhận chìm những phẩm chất tốt đẹp vun bồi từ thời thơ ấu.

Rồi do nghiệp lực sai khiến và hoảng sợ đâm ra lầm mê, Ahiṁsaka không nghĩ đến được một giải pháp khác. Vì vậy, thay vì góp nhặt các ngón tay từ những tử thi vứt ngoài nghĩa địa, Ahiṁsaka lại tự trang bị vũ khí, trong đó có một thanh gươm lớn, rồi đi vào rừng rậm Jālini ở quê nhà mình, thuộc xứ Kosala. Nơi đây Ahiṁsaka sống ẩn núp trên vách đá cao, nơi có thể nhìn bao quát khắp con đường phía dưới. Khi thấy bóng ai đi ngang qua, hắn chạy bay xuống giết chết, và chặt lấy ngón tay út. Sau đó, hắn treo các ngón tay trên cành cây cho chim chóc rỉa hết thịt, rồi gom các lóng xương và kết lại thành xâu chuỗi đeo quanh cổ như một tràng hoa. Từ đó, người ta gọi Ahiṁsaka là Aṅgulimāla, nghĩa là “Vòng kết bằng những ngón tay.”

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app