Nội Dung Chính
ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
CHƯƠNG VI: MA HA CA CHIÊN DIÊN
THI KÊ
Theragāthā (Trưởng Lão Tăng Kệ) kết tập những vần kệ của các đại đệ tử xa xưa, trong đó có tám vần kệ của ngài Mahākaccāna (494-501). Các kệ này không có gì nổi bật, chỉ là những mệnh lệnh nhắc nhở chư tăng giữ gìn giới luật và những lời khuyên cho cư sĩ. Mặc dù cách diễn đạt hữu hiệu về phương diện dạy dỗ, nhưng Trưởng lão Mahākaccāna không có năng khiếu về thi tứ mà ta thường thấy được nơi các vị đại đệ tử khác như Sāriputta, Mahākassapa, hay Vaṅgīsa. Lãnh vực lỗi lạc của Mahākaccāna là phân tích và luận giải, chứ không ở diễn đạt truyền cảm hay óc sáng tạo nghệ thuật.
Theo chú giải, hai câu kệ đầu được thốt lên để sách tấn các tỳ khưu khi Trưởng lão thấy họ lơ là thiền tập, tìm thú vui trong công việc hay trong giao du, và ưa thích các món ngon được tín thí cúng dường:
494. Chớ làm quá nhiều việc,
Chớ giao du quần chúng,
Chớ hối hả nhận vật
Do tín thí cúng dường
Ai tham muốn vị ngon
Sẽ vuột đích an lạc.
495. Khen tặng và cung kính
Từ gia đình tín thí
Chính là một bãi lầy.
Phi tiêu nhỏ, khó rút,
Cũng vậy vinh dự khó
Cho phàm nhân dứt bỏ.
Sáu kệ còn lại, theo chú giải, được thốt lên để giảng giải Giáo Pháp cho Vua Caṇḍappajjota. Vua rất tín cẩn các đạo sĩ bà-la-môn và thường nghe theo lời họ tổ chức các lễ tế thần, giết súc vật cúng thần linh. Caṇḍappajjota còn là một vị vua xử phạt và ban thưởng rất độc đoán; đây có lẽ do tánh khí nóng nảy, bốc đồng đã mang lại biệt hiệu “Bạo Lực” cho vua. Vì vậy, để khuyên vua từ bỏ các bất thiện nghiệp nguy hại đó, Trưởng lão đọc cho vua nghe bốn kệ sau:
496. Ác nghiệp của một người
Không do người khác tạo.
Tự mình đừng làm ác,
Vì người và thân tộc
Đều có nghiệp của mình.
497. Người không là kẻ trộm,
Do lời người khác nói,
Người không là bậc thánh
Do lời người khác nói;
Như người tự biết mình
Chư thiên biết người ấy.
498. Người khác không biết được,
Ai rồi cũng bại diệt.
Nhưng bậc trí thì biết
Nên tranh chấp lắng êm.
499. Bậc trí thật sự sống
Dù không còn tài sản.
Nhưng nếu không trí tuệ,
Người giàu không thật sống.
Hai kệ cuối cùng là lời ngài nói cho vua khi nghe vua kể lại một ác mộng quấy nhiễu mình đêm trước:
500. Với tai nghe tất cả,
Với mắt thấy tất cả,
Bậc trí không chối bỏ
Tất cả những gì nghe.
Tất cả những gì thấy.
501. Có mắt nên như mù,
Có tai nên như điếc,
Có trí nên như câm,
Có sức nên như yếu.
Rồi, khi đã chứng ngộ,
Có thể nằm chờ chết.
Chú giải giảng nghĩa hai câu kệ trên như sau: Một người có trí tuệ không nên bác bỏ tất cả các pháp, mà trước tiên phải xét xem cả hai mặt đúng tốt và sai xấu của nó, rồi mới loại bỏ những gì nên loại bỏ và chấp nhận những gì chấp nhận được. Vì vậy, đối với những pháp nên loại bỏ, dù có thị giác cũng làm như mù, dù nghe được tai cũng làm như điếc. Khi muốn nói những gì không nên nói, dù người thông minh và có tài hùng biện cũng làm như câm; và đối với những việc không nên làm thì hành xử như người yếu ớt.
Riêng nghĩa tiếng Pāli của câu cuối không rõ ràng, và chú giải diễn giảng theo hai cách khác nhau: Đối với một việc nên làm, sẽ không lơ là với việc ấy, dù đang nằm trên giường chờ chết. Hiểu theo cách khác, nếu một việc không nên làm đã khởi sanh, thì thà chết hơn làm việc ấy. Còn theo tinh thần của Theragāthā (Trưởng Lão Tăng Kệ) thì có thể hiểu là: “Ta có thể chết khi ta đã đạt mục tiêu giải thoát a-la-hán.”