ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
CHƯƠNG V: A NẬU LÂU ĐÀ
TIỀN KIẾP CỦA ANURUDDHA
Cũng như các đệ tử xuất chúng khác của Đức Phật, Anuruddha cũng đã phát lời nguyện trở thành đại đệ tử Phật đầu tiên với Đức Phật Padumuttara cách đây một trăm ngàn đại kiếp.
Lúc đó ngài là một gia trưởng rất giàu có. Khi vị này chứng kiến Đức Phật ban cho một tỳ khưu danh hiệu “đệ nhất thiên nhãn”, ông ước nguyện cũng được danh vị này vào thời Đức Phật tương lai nên đã tôn kính cúng dường Đức Phật và chư tăng rất rộng rãi.
Sau khi Đức Phật Padumuttara nhập diệt, Anuruddha tìm đến các tỳ khưu để xin được học các phương pháp rèn luyện cơ bản để đạt thiên nhãn thông. Ông được chư tăng khuyên nên cúng dường đèn vì thích hợp với nguyện ước này. Do đó ông đã cúng hàng ngàn ngọn đèn nơi chánh điện có thờ xá lợi Đức Phật.
Rồi vào một kiếp sau đó, thời Đức Phật Kassapa, sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, ông đặt và thắp sáng vô số đèn chung quanh đền thờ Ngài. Ông còn đích thân đội lên đầu một ngọn đèn thắp sáng và đi nhiễu quanh đền suốt đêm.
Kinh Apadāna có kể câu chuyện xảy ra thời Đức Phật Sumedha. Anuruddha lúc bấy giờ thấy Đức Phật ngồi thiền một mình ban đêm dưới gốc cây, bèn thắp đèn sáng chung quanh ngài và châm dầu vào đèn để giữ sáng suốt một tuần lễ Đức Phật nhập định. Nhờ thiện nghiệp đó, Anuruddha thành vua trời và vua người trong rất nhiều kiếp, và có khả năng nhìn xa một do tuần (yojana, khoảng sáu dặm).
Câu chuyện dài nhất về tiền kiếp của Anuruddha xảy ra khi ngài tái sanh vào một gia đình nghèo ở Benares. Ngài tên là Annabhāra, phục vụ cho một thương gia giàu tên Sumana. Ngày nọ Đức Phật Độc Giác Upariṭṭha vừa xuất diệt thọ tưởng định, đi vào thành khất thực. Annabhāra trông thấy bèn thỉnh Ngài về nhà, và hai vợ chồng dâng Ngài trọn phần thức ăn của mỗi người.
Phú gia Sumana biết chuyện bèn xin được mua phước đức của người làm công, nhưng Annabhāra từ chối và đến thỉnh ý Đức Phật Độc Giác. Ngài dạy rằng hãy để Sumana dự phần dâng cúng, cũng giống như một ngọn lửa được các ngọn đèn chia bớt lửa nhưng vẫn không bị giảm bớt ánh sáng, trái lại phước báu lại càng tăng hơn khi có người khác cùng san sẻ công đức. Sumana vô cùng cảm kích và biết ơn Annabhāra.
Sau đó Sumana tiến cử Annabhāra đến nhà vua và kể lại công đức cho vua nghe. Vua tưởng thưởng Annabhāra và dành một phần đất để xây một căn nhà mới cho ông. Trên phần đất này, bất cứ nơi nào các công nhân đào xới để xây cất, họ đều tìm được những hũ đầy châu báu. Đây là phước báu hiện tiền của công đức cúng dường vị Phật Độc Giác. Tiếp đó, Annabhāra được vua ban chức trưởng ngân khố của triều đình. Cũng do phước báu cúng dường Đức Phật Độc Giác này mà, trong kiếp sau, vị hoàng tử trẻ Anuruddha không bao giờ nghe đến chữ “không có cái đó” (natthi).
Sau khi đắc thánh quả a-la-hán, một ngày nọ Đại đức Anuruddha suy nghĩ: “Người bạn cũ Sumana của ta đã tái sanh về đâu?”
Với thiên nhãn thanh tịnh, ngài thấy được Sumana nay là một cậu bé bảy tuổi tên là Culla Sumana, sống ở một phố thị cách đó không xa. Anuruddha đến đó, và gia đình Culla Sumana hỗ trợ ngài suốt ba tháng an cư mùa mưa. Mãn hạ, Đại đức cho Culla Sumana thọ giới xuất gia, và vừa cạo xong mái tóc của Culla Sumana, cậu bé đắc quả a-la-hán.
Còn có vô số chuyện kể về tiền thân của Anuruddha được ghi trong kinh điển. Trong đó có mười lăm lần ngài là một vị trời, bảy lần là người, và một lần là loài thú – với rất nhiều lần là một quốc vương. Điều này phản ánh mạnh mẽ năng lực và tâm lực luôn tiềm tàng trong ngài. Dù là kiếp chư thiên hay kiếp người, ngài thường là một vị minh quân hiền đức, luôn hộ trợ Đức Bồ Tát bằng nhiều cách khác nhau.
Tất cả những giai thoại thần kỳ đầy màu sắc đó có chung một nét nổi bật, đó là thể hiện được các phẩm hạnh rất đặc biệt của ngài: quyết tâm kiên cường để giữ gìn giới đức, tâm lực mạnh mẽ, và từ mẫn quan tâm đến phúc lợi người khác.
Các mẩu chuyện cũng cho thấy ngài vô cùng thiện xảo về thiền định và thiền quán, và tinh thông các năng lực siêu phàm đã được bắt rễ từ nhiều kiếp là vua trời Sakka.
SAU KHI ĐỨC PHẬT NHẬP DIỆT
Trưởng lão Anuruddha có mặt lúc Đức Phật nhập diệt, được ghi trong Mahāparinibbāna Sutta (Kinh Đại Bát-niết-bàn, DN 16 & SN 6:15), và đóng một vai trò quan trọng trong Tăng già vừa vắng bóng đấng Từ Phụ.
Khi Bổn Sư biết mình sắp ra đi, Ngài nhập vào các tầng đại định, rồi nhập vào tầng diệt thọ tưởng định. Vào lúc đó Ānanda nói với Anuruddha:
“Bạch Đại đức Anuruddha, Thế Tôn đã nhập diệt.”
Nhưng Anuruddha, một vị thánh a-la-hán với thiên nhãn thanh tịnh, biết được chính xác tầng thiền nào Bổn Sư nhập và xuất lúc bấy giờ nên đính chính rằng:
“Chưa đâu, này hiền hữu Ānanda. Thế Tôn chưa nhập diệt. Ngài mới nhập diệt thọ tưởng định.”
Đức Phật sau đó xuất ra khỏi tầng thiền diệt, nhập lại các tầng thiền định theo chiều ngược xuống đến sơ thiền, rồi lên lại tứ thiền, sau cùng Ngài xuất tứ thiền và tức khắc nhập Niết bàn Paranibbāna, không để lại dấu vết nào.
Lúc bấy giờ, cả hai vua trời Phạm thiên Brahmā và vua trời Tam thập tam thiên Sakka đều cất lời tôn vinh đấng Toàn Giác qua các bài kệ suy niệm về định luật vô thường. Vị thứ ba thốt lên lời kệ là Trưởng lão Anuruddha:
Không còn thở vào ra
Trong tâm Ngài định tĩnh
An tịnh, không dao động,
Đấng Toàn Giác nhập diệt.
Tâm bình thản tự tại
Nhẫn chịu mọi khổ thọ;
Tâm viên mãn giải thoát
Như ngọn đèn tắt lụn.
Nhiều vị tỳ khưu có mặt vào giờ phút cuối cùng của Bổn Sư đau buồn khóc lóc. Nhưng Anuruddha sách tấn họ với lời nhắc nhở về luật vô thường:
“Này chư huynh đệ, đừng sầu não, đừng khóc than như thế. Không phải Thế Tôn đã từng dạy rằng những gì ta thương mến, thân tình đều sẽ đến một ngày phải chịu sanh biệt, tử biệt, và dị biệt?”
Với thiên nhãn, ngài thấy và cho chư tăng biết rằng có những chư thiên chưa tận diệt tham ái cũng đang bàng hoàng, than khóc vật vã trước sự ra đi của Đức Thế Tôn. Còn các chư thiên đã tận diệt tham ái thì chánh niệm tỉnh giác và suy niệm về tánh vô thường của các pháp hữu vi.
Anuruddha và Ānanda thức trọn đêm luận pháp bên cạnh nhục thân của Bổn Sư. Sáng sớm hôm sau, Anuruddha bảo Ānanda thông báo tin Đức Phật nhập Niết bàn đến các gia trưởng ở thành phố lân cận, Kusinārā. Lập tức họ tập họp lại để dựng giàn hỏa táng. Rồi tám người đàn ông lực lưỡng cố gắng nâng xác Đức Phật để đặt lên giàn thiêu nhưng không được. Họ được ngài Anuruddha giải thích rằng chư thiên muốn trì hoãn lễ trà tỳ để chờ Trưởng lão Mahākassapa cùng năm trăm vị sa môn đang trên đường về Kusinārā đảnh lễ Thế Tôn lần cuối.
Sau khi Đức Phật nhập diệt, sứ mạng hướng dẫn Tăng già không giao phó cho thân tộc của Ngài, chẳng hạn như thánh tăng Anuruddha. Đức Phật không chỉ định ai là người kế nhiệm, nhưng lòng tôn kính của chư tăng và cư sĩ đều tập trung vào Trưởng lão Mahākassapa. Trưởng lão là người đề xướng Hội nghị Tăng già Thứ nhất gồm năm trăm vị a-la-hán để trùng tuyên và kết tập các lời dạy của Bổn Sư trong bốn mươi lăm năm hoằng pháp.
Trước ngày mở đầu hội nghị, ngài Ānanda không được công nhận là thành viên của hội nghị vì chưa đạt quả vị a-la-hán. Nhờ ngài Anuruddha hết lòng sách tấn, chỉ trong một thời gian ngắn Ānanda vượt thắng những chướng ngại tâm cuối cùng, và thành tựu quả giác ngộ cao quý nhất để kịp tham dự hội nghị cùng các vị thánh tăng a-la-hán khác. Trong kỳ hội nghị này, với trí nhớ siêu phàm, Ānanda đã tụng đọc lại vô số các bài pháp của Bổn Sư.
Như thế, Anuruddha đã giúp người em khác mẹ của mình viên mãn cứu cánh giải thoát tối thắng, và nhờ đó đã đem vô số lợi ích của Pháp Bảo đến cho đoàn thể Tăng già và cho tất cả những ai đi tìm con đường giải thoát. Điều ấy vẫn là phước báu cho chúng ta cho đến tận ngày nay, ở khắp nơi trên thế giới. Theo chú giải Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya), Trưởng lão Anuruddha được hội nghị giao cho trọng trách duy trì Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara Nikāya).
Không có tài liệu nào về sự nhập diệt của Trưởng lão Anuruddha, ngoại trừ đoạn thi kệ bình yên cuối cùng của phẩm hai mươi kệ của ngài trong Theragāthā:
Trong làng Veḷuva
Của dân Vajjī,
Dưới một rặng tre dày,
Đoạn diệt mọi cấu uế,
Ta sẽ nhập Niết bàn
Khi sức sống đã tan.
(Thag. 919)