ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
CHƯƠNG V: A NẬU LÂU ĐÀ
CUỘC SỐNG TRONG TĂNG CHÚNG
Theo kinh điển Pāli, khác với các Trưởng lão Sāriputta, Mogallāna và Ānanda thường tham gia vào các sinh hoạt của Tăng chúng, ngài Anuruddha thích một cuộc sống ẩn dật, tịch tĩnh. Vì vậy, ngài ít xuất hiện trong công việc điều hành chư tăng.
Những vần kệ của ngài trong Trưởng Lão Tăng Kệ thể hiện khuynh hướng tu khổ hạnh, ẩn dật, giống như Trưởng lão Mahā Kassapa:
896. Trì bình khất thực về
Ẩn sĩ sống đơn độc;
Tìm giẻ rách may y,
Anuruddha đã đoạn lậu hoặc.
897. Anuruddha,
Ẩn sĩ, vị tư duy,
Đã đoạn trừ lậu hoặc,
Lựa giẻ từ đống rác,
Nhặt lấy, giặt, nhuộm mầu,
Thành y rách đắp thân.
898. Khi tham dục, bất mãn,
Ưa giao du, háo hức,
Thì tâm khởi ác niệm
Vô hạnh và ô nhiễm.
899. Nhưng chánh niệm, thiểu dục,
Tri túc, tâm tự tại,
Thích ẩn dật, an vui,
Tinh tấn luôn phát khởi.
900. Rồi tâm sanh thiện pháp
Đưa đến quả giác ngộ.
Vị ấy đoạn lậu hoặc
Đức Tôn Sư dạy thế.
904. Suốt năm mươi lăm năm
Chỉ hành trì thiền tọa.
Đã hai mươi lăm năm
Diệt hôn trầm dã dượi.
Trong các câu kệ này, Anuruddha nhắc đến ba phương pháp tu khổ hạnh tiêu biểu: khất thực, mặc y giẻ rách và tọa thiền. Phương pháp thứ ba là hạnh nguyện không bao giờ nằm, chỉ ngủ nghỉ trong tư thế ngồi thiền. Câu kệ cuối ngụ ý là trong hai mươi lăm năm qua, ngài không khi nào nằm ngủ. Có lẽ nhờ vào năng lực thiền định nên ngài đã giữ được tâm luôn tươi mát, nên không cần đến giấc ngủ. Tuy nhiên, các chú giải ghi lại rằng vào lúc già yếu cuối đời, ngài có tự cho phép được ngủ nghỉ trong một thời gian ngắn để thân thể đỡ mỏi mệt.
Mặc dù Đại đức Anuruddha thích nếp sống ẩn dật hơn là giao tiếp hội họp, nhưng không hoàn toàn độc cư. Trong một bài kinh Đức Phật nói rằng Anuruddha có một số đệ tử theo Đại đức rèn luyện để đạt thiên nhãn (SN 14:15), và các chú giải tường thuật việc ngài du hành cùng một nhóm năm trăm đệ tử.
Ngoài ra, kinh điển cũng ghi lại một số lần luận pháp giữa ngài với chư huynh đệ sa môn cũng như với các cư sĩ thiện trí. Thí dụ như lần Đại đức giảng giải cho người thợ mộc của hoàng cung ở Sāvatthi – tên là Pañcakaṅga, một vị thiện nam thông hiểu và tinh tấn hành trì Giáo Pháp – về sự khác nhau giữa tâm giải thoát vô lượng (appamāṇā cetovimutti) và tâm giải thoát đại hành (mahaggatā cetovimutti). Ngài còn giải thích thêm về một hạng chư thiên gọi là các vị trời quang sắc (quang: ánh sáng; sắc: màu sắc). Khi tu thiền, các vị ấy phát nguyện biến hóa ánh sáng. Tuy cùng một hạng chư thiên nhưng quang và sắc mỗi vị khác nhau, tùy theo kết quả của tâm thiền thiện mà nhờ phước của tâm quả đó đã được tái sanh vào các cõi trời, “ví như ngọn đèn được thắp với dầu cặn và bấc, bình, bóng đều dơ thì không sáng bằng ngọn đèn được thắp với dầu trong và bấc, bình, bóng đều sạch sẽ” (MN 127).
Trong một lần Đức Phật thuyết pháp cho một số đông sa môn Ngài hỏi Anuruddha rằng chư tỳ khưu có hoan hỷ trong đời sống phạm hạnh không. Khi Anuruddha khẳng định chúng tăng rất hoan hỷ trong đời sống phạm hạnh, Bổn Sư ngợi khen rằng chư vị đang tuổi thanh xuân, có thể hưởng thụ mọi dục lạc thế gian, lại xuất gia sống đời phạm hạnh, không vì lệnh vua, mất của, nợ nần, sợ hãi, hay nghèo khổ, mà vì tín tâm nơi Giáo Pháp và cứu cánh giải thoát. Ngài khuyên những vị nào chưa chứng đạt được bình an và hạnh phúc trong các tầng thiền định hay cao hơn, hãy nỗ lực hành thiền, tinh tấn tận diệt năm chướng ngại tâm, đoạn ly các bất thiện pháp khác còn tiềm tàng trong tâm để chứng đạt hạnh phúc thiền định hay một trạng thái an tịnh cao hơn nữa (MN 127).
Một lần nọ, một vị Phạm thiên khởi tà kiến, cho rằng không một sa môn nào có thể đi vào cõi giới của vị ấy và “tôi là thường còn, hằng có.” Đức Phật, với tha tâm thông, biết được tâm tư của vị Phạm thiên nên hiện thân, ngồi giữa hư không trên đầu vị ấy, toàn thân phun lửa hào quang. Rồi Moggallāna, với thiên nhãn thanh tịnh, thấy nơi Đức Phật đang ngự, liền biến mất ở Jetavana và hiện ra ở Phạm thiên giới ấy. Lần lượt các ngài Mahā Kassapa, Mahā Kappina, Anuruddha cũng theo đến bên Thầy như vậy. Bốn vị thánh đệ tử ngồi trên hư không, ở bốn phía đông tây nam bắc dưới Bổn Sư. Oai lực thanh tịnh siêu phàm của Đức Phật và chư thánh đệ tử này đã làm vị Phạm thiên ấy động tâm, dẹp bỏ được thường kiến và tự mãn (SN 6:5).
Một thời nọ, Đại đức Anuruddha trú tại tịnh xá Jetavana ở Sāvatthi. Ngài thức dậy vào lúc giữa khuya và đọc tụng các kệ Pháp cú cho đến hừng đông. Một nữ dạ xoa đi tìm thức ăn trong đêm đã dỗ con – tên là Piyankara – đang khóc vì đói hãy im lặng để lắng nghe lời ngài tụng (SN 10:6):
Này Piyankara,
Con chớ gây tiếng động,
Vị tỳ khưu đang tụng,
Những câu kệ Pháp cú.
Nếu chúng ta biết được,
Học được Pháp cú này,
Rồi theo Pháp hành trì,
Chúng ta được lợi ích.
Không sát hại sanh vật,
Không nói lời dối gian,
Tự gìn giữ giới học,
Chúng ta sẽ thoát khỏi
Tái sanh kiếp ngạ quỷ.
Một lần nọ, Đức Phật đang ngụ ở Kosambī. Lúc bấy giờ có một sự tranh chấp giữa hai nhóm tỳ khưu. Trong thời gian này, Anuruddha, cùng Nandiya và Kimbila, đang ẩn cư thiền tập trong rừng Gosiṅga. Khi Ānanda viếng thăm Đức Phật, Bổn Sư hỏi:
“Này Ānanda, sự tranh chấp ấy đã chấm dứt chưa?
“Bạch Thế Tôn, vẫn chưa giải quyết được. Một đệ tử sa môn của Anuruddha nhất quyết phá hòa hợp Tăng, còn Anuruddha lại không khiển trách đệ tử của mình.”
Bổn Sư dạy:
“Này Ānanda, có khi nào Anuruddha cần can thiệp vào những vấn đề tranh chấp trong Tăng già? Phải chăng, những thầy khác như Sāriputta, Moggallāna, và chính thầy, Ānanda, có khả năng hóa giải những tranh chấp như vậy?”
Và Đức Thế Tôn giảng giải thêm rằng có những sa môn, vô hạnh và tà kiến, rất thích thú với việc phá hòa hợp Tăng vì nghĩ rằng: nếu chư tăng hòa hợp và biết giới hạnh xấu của ta, họ sẽ ấn định hình phạt hay trục xuất ta khỏi Tăng chúng; còn nếu chư tăng chia rẽ, họ sẽ không chú tâm đến chuyện giới hạnh của ta và, như vậy, sẽ không ấn định hình phạt hay trục xuất ta (SN 4:241).
Câu chuyện đáng nhớ nhất về tinh thần thân hữu của Anuruddha được tìm thấy trong kinh Cūlagosiṅga Sutta (MN 31). Một lần nọ, khi ngài cùng ẩn tu với hai người bạn sa môn Nandiya và Kimbila trong rừng Gosiṅga, Bổn Sư đến thăm họ và hỏi ba vị có sống hòa hợp với nhau không. Anuruddha thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, Đức Tôn Sư, chắc chắn chúng con sống rất bình yên bên nhau, với lòng quý kính nhau, không hề tranh cãi, hài hòa với nhau như nước với sữa, nhìn nhau với ánh mắt từ ái.”
Rồi Đức Phật hỏi bằng cách nào họ giữ được sự hòa hợp như vậy. Câu trả lời của Anuruddha là một bài học toàn hảo về cách hành xử tương quan giữa các cá nhân với nhau:
“Bạch Thế Tôn, con đã làm được như vậy khi suy nghĩ rằng: ‘Ta thật có phước báu và duyên lành biết bao khi được sống với những hiền hữu như vậy trong cuộc đời phạm hạnh.’ Con luôn luôn duy trì tâm từ ái với các bạn tu trong mọi hành động thân, khẩu và ý, và suy niệm rằng: ‘Ta sẽ để sang một bên những gì ta muốn làm, và làm những gì mà pháp hữu của ta muốn làm.’ Theo cách này, tuy khác thân nhưng đồng một tâm.”
Đức Phật chấp thuận cách hành xử này, rồi hỏi ba vị đã có chứng đắc nào về các trạng thái siêu nhiên hoặc các tuệ giác của hàng thánh nhân không. Anuruddha trả lời là cả ba đều đắc tứ thiền sắc giới, tứ thiền vô sắc giới, tầng diệt thọ tưởng, và hơn hết, đã đạt quả vị a-la-hán, đoạn trừ mọi lậu hoặc. Sau khi Bổn Sư ra về, hai bạn đồng tu hỏi vì sao ngài có thể tuyên bố một cách tự tin về các chứng đắc của họ mà chưa bao giờ họ bày tỏ với ngài. Anuruddha trả lời là do bao gồm tâm hai vị với tâm ngài nên tâm ngài biết được tâm hai vị, nhờ đó nên ngài biết được các trú xứ tâm và chứng đắc của hai vị. Ngoài ra, chư thiên cũng đã trình với ngài những việc này.
Cùng lúc đó, một vị thần tên Dīgha Parajana đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và ca ngợi ân đức của ba vị tỳ khưu Anuruddha, Nandiya, và Kimbila. Đức Phật tán đồng lời tường trình của vị thần và thêm vào lời tán dương của chính Ngài:
“Đúng vậy, Dīgha, quả đúng vậy! Nếu thị tộc nào mà từ đó ba thiện nam tử đã xuất gia, từ bỏ gia đình để sống đời không gia đình này nghĩ đến ba vị với tín tâm hoan hỷ, thì thị tộc ấy sẽ được an lành và hạnh phúc dài lâu. sẽ có một cuộc sống hòa bình và hạnh phúc. Nếu dân làng… phố thị… tỉnh thành… xứ sở nào mà từ đó ba thiện nam tử đã xuất gia nghĩ đến ba vị với tín tâm hoan hỷ, thì xứ sở ấy sẽ được an lành và hạnh phúc dài lâu. Nếu tất cả hiền nhân… tất cả bà-la-môn… tất cả thương gia… tất cả tôi tớ nghĩ đến ba vị, thì tất cả sẽ được an lành và hạnh phúc dài lâu. Nếu toàn thế giới với chư thiên, với Ma vương, với Phạm thiên, với chúng sa môn, bà-la-môn, vương tử, và dân chúng nghĩ đến ba vị, thì toàn thế giới sẽ được an lành và hạnh phúc dài lâu. Này Dīgha, hãy xem như thế nào ba thiện nam tử này sống và tu tập – vì an lạc và hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người.”
VỚI NỮ GIỚI
Rất nhiều bài trong kinh điển đề cập đến mối liên quan giữa Anuruddha và phụ nữ. Mặc dù tâm trong sạch và đã dứt bỏ hoàn toàn tham ái nhục dục, nhưng có lẽ vì thừa hưởng được phong độ uy nghi hào hùng của giai cấp chiến sĩ nên ở ngài có nét quyến rũ đối với phụ nữ, không chỉ với loài người mà còn với chư thiên.
Có vài trường hợp gặp gỡ chắc chắn bắt nguồn từ duyên nghiệp ở những kiếp quá khứ, đến kiếp này vẫn còn ảnh hưởng đến các phụ nữ. Chẳng hạn như vào một thời gian Anuruddha đang tu độc cư trong rừng, thiên nữ tên Jālinī từ cõi trời Tam thập tam hiện đến trước mặt ngài (SN 9:6). Kiếp trước khi Anuruddha là vua trời Sakka thì nàng là hoàng hậu. Do lòng luyến ái, nàng tha thiết muốn tái hợp với chồng cũ nên đến thúc giục ngài hãy tái sanh về cõi trời:
Hãy hướng tâm vào cõi
Chàng đã sống kiếp trước
Ở Tam thập tam thiên
Tận hưởng bao dục lạc.
Sẽ chói sáng vinh quang
Giữa thiên nữ yêu kiều.
Nhưng Anuruddha trả lời:
Khốn khổ thay thiên nữ,
Bám chặt vào thân kiến,
Cũng khổ thay những ai,
Dính mắc vào thiên nữ.
Jālinī không hiểu được lời ngài nói nên vẫn cố gắng quyến rũ ngài:
Họ không biết hạnh phúc
Bởi chưa thấy Nandana,
Xứ của đại chư thiên
Thuộc thiên cảnh Tam Thập.
Thế nhưng Anuruddha, với tuệ giác thâm sâu thấu rõ tánh vô thường của các pháp hữu vi, vẫn kiên quyết chối từ:
Khờ thay này thiên nữ,
Không biết được hay sao
Câu nằm lòng bậc thánh?
Mọi pháp hữu vi đều vô thường,
Đều phải chịu định luật sanh diệt,
Đã sanh khởi, rồi thì diệt tận:
Nhiếp phục được là chân hạnh phúc.
Ta không bao giờ còn
Trú xứ nơi thiên cảnh,
Ôi này Jālinī!
Đoạn trầm luân sanh tử:
Ta nay hết tái sanh.
Nếu không được theo chân Đức Phật trên con đường giải thoát thì có lẽ Anuruddha sẽ tái sanh lên cõi trời tráng lệ có bao nhiêu thiên nữ diễm kiều này. Có lần Đại đức kể lại với Đức Thế Tôn việc các thiên nữ đến quyến rũ ngài, và hỏi Bổn Sư (AN 8:46):
“Một phụ nữ nên vun bồi những phẩm hạnh nào để được tái sanh thành các thiên nữ xinh đẹp ấy?”
Đức Phật giải thích:
“Có tám điều kiện để được tái sanh thành thiên nữ trên cõi trời:
1. Người vợ phải thương yêu và cảm thông với người chồng;
2. Người vợ phải nhã nhặn và nồng hậu tiếp đón người mà chồng quý mến, như cha mẹ chồng hay
các vị đạo sĩ khả kính;
3. Người vợ phải chu đáo và siêng năng trong việc nội trợ;
4. Người vợ phải biết cách chăm sóc và dạy dỗ tôi tớ, người giúp việc trong nhà;
5. Người vợ không hoang phí tài sản nhà chồng mà phải bảo vệ thật kỹ lưỡng;
6. Là nữ cư sĩ, người vợ nên thọ Tam quy;
7. Là nữ cư sĩ, người vợ nên thọ Ngũ giới;
8. Người vợ nên hoan hỷ trong việc bố thí cúng dường, từ mẫn giúp đỡ người trong hoạn nạn khó khăn.”
Có những dịp Anuruddha dùng thiên nhãn thanh tịnh để tìm hiểu duyên nghiệp của những phụ nữ tái sanh vào cõi trời hay cõi địa ngục. Lần nọ, Đại đức hỏi Đức Thế Tôn những nguyên do nào đưa một người phụ nữ đọa sanh địa ngục. Bổn Sư giải thích về năm trọng nghiệp dẫn đến khổ cảnh đó: không có đức tin, không biết hổ thẹn và ghê sợ tội ác, xem thường đạo đức, sân hận, ngu dại. Ngoài ra, đọa khổ cảnh còn có thể do tính hay thù hằn, ganh tỵ, tham lam, vô luân, mê muội, và không chánh niệm. Chỉ những ai với các phẩm tính trái ngược mới có thể tái sanh vào cõi trời (SN 37:5-24).
Trong kiếp cuối cùng, Anuruddha đã giúp em gái ngài là Rohiṇī tìm đến Giáo Pháp. Lần ấy, cùng với năm trăm đệ tử tỳ khưu, Trưởng lão về thăm kinh thành quê hương Kapilavatthu. Khi biết tin này, tất cả thân quyến của ngài – ngoại trừ Rohiṇī – đến tu viện đảnh lễ ngài. Anuruddha hỏi thì được cho biết rằng cô đang mang một chứng bệnh về da, rất đau khổ và không muốn xuất hiện nơi công chúng vì xấu hổ. Trưởng lão truyền mang cô đến gặp ngài lập tức.
Rohiṇī dùng khăn che mặt, đến đảnh lễ ngài. Trưởng lão dạy cô hãy bảo trợ cho công trình xây dựng một giảng đường. Rohiṇī bán tư trang của mình để đóng góp tài chánh vào công trình. Anuruddha giám sát dự án và các thanh niên Sākya lo việc xây cất. Giảng đường vừa dựng xong thì mụn nhọt lở loét trên da cô cũng thuyên giảm. Sau đó cô cung thỉnh Đức Phật và chư tăng tham dự lễ khai mạc giảng đường.
Trong bài thuyết pháp, Đức Thế Tôn giải thích về nghiệp lực đã gây bệnh cho cô. Trong một tiền kiếp, khi là chánh cung hoàng hậu của vua xứ Benares, vì lòng ganh tỵ, cô đã hành hạ một nữ vũ công của nhà vua bằng cách rắc vảy ghẻ khô lên thân thể và giường nằm của người vũ công. Chứng bệnh da kinh khiếp mà cô phải chịu đựng kiếp này là quả báo của ác nghiệp đó. Cuối pháp thoại, Rohiṇī đắc quả vị nhập lưu. Sau khi mệnh chung, cô tái sanh vào cõi trời Tam thập tam, là vị hoàng hậu được sủng ái của vua trời Sakka.
Có một câu chuyện xảy ra, liên quan đến Đại đức Anuruddha, dẫn đến việc Đức Phật ban hành một giới luật mới.
Lần ấy, Anuruddha du hành ngang vương quốc Kosala để đến thành Sāvatthi. Đến lúc chiều tối, Đại đức không tìm ra được nơi nào dành cho du sĩ hay chư tăng nên phải đến một lữ quán xin chỗ ngủ qua đêm. Lúc đó nhiều khách đến trọ nên khu nghỉ ngơi của Đại đức rất đông người. Cô chủ quán thấy vậy bèn nói với Đại đức rằng cô có thể sắp xếp một chỗ ngủ riêng cho ngài ở phía trong để được yên tịnh. Đại đức im lặng đồng ý. Thế nhưng cô chủ quán làm vậy vì đã đem lòng yêu ngài. Đêm đến, cô xức nước hoa, đeo trang sức, đến bên ngài và nói:
“Thưa tôn sư khả kính, tôn sư thật khôi ngô, quyến rũ và đẹp trai. Tôi cũng vậy. Thật là đẹp đôi nếu tôn sư lấy tôi làm vợ.”
Anuruddha giữ im lặng. Cô chủ quán hứa hẹn dâng hết tài sản cho Đại đức, ngài vẫn lặng thinh. Rồi cô cởi áo trên ra và khiêu vũ trước mặt ngài, rồi ngồi xuống, rồi nằm xuống trước mặt ngài. Nhưng Anuruddha nhiếp phục hoàn toàn các căn và không chú ý gì đến cô. Thấy chẳng quyến dụ nào lay động được tâm sư, cô thốt lên:
“Thật là quái lạ, thưa tôn sư, thật là phi thường! Có bao nhiêu người đàn ông tặng tôi tiền trăm, tiền ngàn để được cưới tôi, trong khi vị đạo sĩ này chẳng hề mê thích tôi và tài sản của tôi.”
Cô bèn mặc áo lại, quỳ dưới chân Anuruddha và xin sám hối đã xúc phạm ngài. Bấy giờ Đại đức mới lên tiếng, nói lời tha lỗi cho cô và khuyên cô nên giữ mình trong tương lai. Rồi cô rời phòng. Sáng hôm sau, cô mang thức ăn dâng Anuruddha như chẳng có việc gì xảy ra. Lúc ấy, Đại đức ban cho cô một bài pháp làm cô xúc động sâu xa, và sau đó cô trở thành một thiện tín thuần thành của Đức Phật.
Sau đó Anuruddha tiếp tục cuộc hành trình. Khi đến tu viện ở Sāvatthi, Đại đức kể lại cho các sa môn nghe về chuyến phiêu lưu của mình. Đức Phật quở trách Anuruddha sao đã ngủ đêm ở khu có người nữ, rồi Bổn Sư ban hành một giới luật nghiêm cấm việc này (Pācittiya 6).
Câu truyện trên nêu rõ là nhờ sự tự chế, nhiếp phục lục căn Anuruddha đã thoát được cám dỗ dục lạc. Sức mạnh tinh thần mạnh mẽ của Đại đức đã cảm hóa được người phụ nữ nên cô ăn năn, lắng nghe lời khuyên dạy, và quy y với Đức Phật. Đây là điều lợi lạc cho chính Anuruddha và cô. Nhưng Đức Thế Tôn vẫn quở trách người đệ tử tỳ khưu này, bởi những ai tâm lực yếu đuối hơn sẽ dễ dàng sa ngã trước cám dỗ trong các hoàn cảnh tương tự. Vì vậy, do lòng bi mẫn, Đức Phật thiết lập giới luật mới để một sa môn không bị lâm vào cám dỗ hiểm nguy như thế.
Kinh điển thường ghi lại các lời khuyên răn, quở trách đệ tử của Đức Bổn Sư, như trong câu chuyện này, nhằm ngăn chặn những vị tỳ khưu tâm lực còn non yếu và không biết tự lượng sức mình mà dấn thân vào việc quá khả năng nhiếp phục.