ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG V: A NẬU LÂU ĐÀ

PHẤN ĐẤU ĐẠT THÁNH QUẢ A LA HÁN

Thiên nhãn thông là khả năng nhìn được mọi vật xa hơn tầm nhìn của mắt thịt. Với Anuruddha thì khoảng xa ấy là hàng ngàn hệ thống thế giới. Đây chỉ là một năng lực phàm nhân (lokiya), một phép thần thông, và không nhất thiết phải gắn liền với chứng đắc trí tuệ về Giáo Pháp. Anuruddha đạt thiên nhãn thông trước khi đạt quả giải thoát a-la-hán, vì vậy, để vươn đến thánh quả cao quý nhất này, Đại đức phải vượt qua vô số chướng ngại trong tâm.

Có lần, khi Anuruddha đang ngụ ở phía Đông động Trúc Lâm cùng với hai người bạn, Nandya và Kimbala, Đức Phật đến viếng thăm và hỏi về việc tu tập của họ. Anuruddha bèn thưa với Bổn Sư về một trở ngại gặp phải trong một thời thiền định rất thâm sâu mình đang hành trì – thấy được ánh sáng rực rỡ hiện khởi trong tâm và các sắc pháp vi tế, siêu phàm. Nhưng ánh sáng và sắc pháp ấy tan biến rất nhanh, và Anuruddha không hiểu được nguyên nhân.

Đức Phật dạy rằng, xưa kia, khi Ngài còn đang nỗ lực chứng đạt giác ngộ, Ngài cũng gặp chướng ngại tương tự khi thấy các sắc pháp hiện khởi và nhanh chóng biến diệt, nhưng Ngài đã tìm được phương pháp chế ngự. Ngài giải thích rằng muốn chứng nghiệm các định tướng vi tế này ở mức viên mãn và vững chắc, hành giả phải tận diệt được mười một chướng ngại tâm (hay mười một tùy phiền não, upakkilesa):

Nghi hoặc – nghi ngờ về sự thật và ý nghĩa của các hiện tượng như ánh sáng và hình sắc; vô ý – không có tác ý chú tâm đến sự hiện khởi của định tướng; hôn trầm, thụy miên; lo lắng, sợ hãi; tà ý; tâm quá phấn chấn; tinh cần quá độ; tinh cần yếu ớt; ái dục; sai biệt tưởng; quá chú tâm vào các sắc pháp.

Bằng các kinh nghiệm thân chứng của mình, Đức Phật chỉ dẫn tường tận cho ba vị tỳ khưu về các tùy phiền não này – nguyên nhân và cách đối trị chúng (MN 128).

Khi ngày càng thuần thục về các tầng thiền định và về khả năng nhận thức các định tướng vi tế, một dịp nọ Anuruddha đến viếng Sāriputta và thưa rằng:

“Này hiền hữu Sāriputta, với thiên nhãn thanh tịnh và siêu phàm, tôi có thể nhìn xuyên thấu hàng ngàn thế giới trong vũ trụ. Lực dũng mãnh, bất thối. Niệm bén nhạy, sáng tỏ. Thân yên bình, tự tại. Tâm an định, nhất điểm. Vậy mà tâm đệ vẫn chưa giải thoát được khỏi cấu uế và dính mắc.”

“Này hiền hữu Anuruddha,” Sāriputta trả lời, “nghĩ đến thiên nhãn của mình: đó là sự tự phụ, ngã mạn trong tâm. Nghĩ đến lực dũng mãnh, niệm bén nhạy, thân tự tại, tâm an định: đó là nỗi bồn chồn, bất an trong tâm. Nghĩ đến tâm chưa giải thoát khỏi ô nhiễm: đó là niềm lo âu, phiền não trong tâm. Thật ra, điều tốt nhất cho hiền hữu là đoạn lìa ba trạng thái tâm bất thiện bất tịnh này, đừng chú ý đến chúng, chỉ nỗ lực hướng tâm vào đề mục bất tử, Niết bàn.”

Nghe lời khuyên giải của ngài Sāriputta, Anuruddha trở về nếp sống ẩn cư đơn độc, tinh tấn hành thiền, kiên trì dũng mãnh để đoạn trừ ba chướng ngại tâm vi tế mà vị pháp hữu thiện trí đã chỉ rõ (AN 3:128).

Sau đó Anuruddha tịnh tu ở quốc độ của dân Cetiya, phía Đông động Trúc Lâm. Nơi đây, trong lúc thiền tịnh, Anuruddha suy nghĩ về bảy niệm của bậc đại trí chân chính (mahāpurisavitakka):

Pháp này dành cho người ít ham muốn, không dành cho người nhiều tham dục; Pháp này dành cho người biết đủ, không dành cho người không biết tri túc; Pháp này dành cho người thích ẩn dật, không dành cho người thích giao du; Pháp này dành cho người tinh tấn, không dành cho người biếng nhác, dễ duôi; Pháp này dành cho người có chánh niệm, không dành cho người thất niệm, mê mờ; Pháp này dành cho người có định tâm, không dành cho người tâm tán loạn; Pháp này dành cho người có trí tuệ, không dành cho người si mê.

Với tha tâm thông, Bổn Sư biết được những suy nghĩ đang sanh khởi trong tâm Anuruddha. Ngài dùng năng lực của ý để hiện thân (manomaya-kāya) đến trước mặt Anuruddha và khen ngợi:

“Lành thay, Anuruddha, lành thay! Thầy đã suy nghĩ tinh tường về bảy niệm chân chính của một bậc đại trí. Giờ đây Thầy hãy suy tư về niệm thứ tám của vị ấy: ‘Pháp này dành cho người hướng tâm đến và an trú vào sự giải thoát khỏi cấu uế, lầm mê của thế gian muôn hình vạn trạng (nippapañca), không dành cho người hướng tâm đến và an trú vào sự cấu uế, lầm mê của thế gian muôn hình vạn trạng (papañca).”

Đức Phật dạy rằng nếu Anuruddha suy niệm được cả tám pháp này thì sẽ chứng đạt bốn tầng thiền định. Lúc ấy sẽ không còn ảnh hưởng bởi các điều kiện thế gian, sẽ hoan hỷ tri túc với tứ vật dụng đơn giản của đời khất sĩ, giống như một cư sĩ vui hưởng đời sống xa xỉ vậy. Cách sống đơn giản này sẽ khiến tâm hành giả an vui, không lo âu và, vì vậy, thuần thục để thành tựu Niết Bàn.

Sau khi sách tấn và làm sáng tỏ thêm các pháp hành trì cho Anuruddha, Đức Phật khuyên vị đệ tử nên tiếp tục lưu ngụ tại phía Đông động Trúc Lâm. Anuruddha vâng lời và giữa kỳ an cư mùa mưa năm ấy, trong tịnh cốc đơn độc, cuối cùng đã vượt thắng, nhổ sạch gốc rễ ô nhiễm trong tâm, chứng ngộ quả vị a-la-hán (AN 8:30). Vào lúc thực chứng Niết bàn, ngài thốt lên lời kệ bày tỏ lòng tri ân Bổn Sư đã hỗ trợ mình viên mãn tiến trình tâm linh:

Thế gian Vô Thượng Sư
Thấu rõ tác ý ta,
Bằng năng lực thần thông,
Với thân do ý tạo,
Thầy hiện đến với ta.

Khi niệm khởi trong ta
Thầy giúp thêm sáng tỏ.
Thế Tôn đại thanh tịnh
Dạy ta pháp giải thoát
Khỏi cấu uế, lầm mê.

Thấm nhuần lời Thầy dạy,
Ta an trú Giáo Pháp.
Tam minh đã chứng đạt,
Hoàn mãn Pháp của Phật.
(AN 8:30; Thag. 901-3)

CON ĐƯỜNG TÂM LINH

Con đường tâm linh của Đại đức Anuruddha được đánh dấu bằng hai sự kiện nổi bật: thứ nhất, tinh thông năng lực thiên nhãn và các năng lực thần thông khác; thứ hai, quá trình tu tập tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna).

Gọi là thiên nhãn (dibbacakkhu) vì nó tương đương với thị lực của chư thiên, có khả năng tiếp nhận hình sắc ở một khoảng cách rất xa, xuyên qua các vật ngăn cách, và vượt qua nhiều cõi [không gian] và nhiều kiếp [thời gian] hiện hữu khác nhau. Thiên nhãn được phát triển bằng năng lực thiền định. Đây không phải một giác quan đặc biệt, mà là một loại tri thức đặc biệt sử dụng chức năng của nhãn quan. Năng lực này sanh khởi từ tứ thiền sắc giới, và đặc biệt phát triển nhờ một trong các phương tiện hỗ trợ thiền định (kasiṇa) gọi là kasiṇa ánh sáng hoặc kasiṇa lửa – tức tướng (hình ảnh, màu sắc) của ánh sáng hay lửa trong tâm hành giả.

Sau khi thuần thục bốn tầng thiền định với kasiṇa ánh sáng hoặc kasiṇa lửa, hành giả xuất khỏi các tầng thiền này rồi lại nhập thiền nhưng dừng ở mức cận định (upacāra-samādhi), vẫn tập trung vào kasiṇa lửa hay ánh sáng. Ở mức cận định, hành giả mở rộng tướng của kasiṇa đến vùng chung quanh, và với ánh sáng đó, các sắc (hình thể) không tiếp nhận được bằng mắt thường trong khu vực này sẽ xuất hiện trong tầm nhìn của hành giả. Khi hành giả tinh thông với khả năng này, tầm lan tỏa của ánh sáng tăng trưởng siêu phàm, soi chiếu các sắc pháp trong những cõi rất xa và những hệ thống thế gian ngoài nhân thế. Đó là lúc đã chứng đắc thiên nhãn.

Theo kinh điển, chức năng tiêu biểu của thiên nhãn là thấy hiểu được quá trình tử và tái sanh của chúng sanh (sanh tử trí, cutūpapātañāṇa). Trí tuệ này đã được Đức Phật thành tựu trong đêm thành đạo và luôn luôn được Ngài giảng dạy để dẫn dắt từng bước một cho các đệ tử tu tập trên con đường giác ngộ hoàn mãn – mà thiên nhãn minh là chứng đắc thứ hai của ba chánh trí (tam minh, tevijjā), và thứ tư trong sáu năng lực thần thông (lục thông, chaḷabhiññā).

Thiên nhãn thanh tịnh cho hành giả thấy được chúng sanh chết đi từ cõi này, kiếp này rồi tái sanh vào cõi khác, kiếp khác. Với quyết tâm chân chánh, hành giả còn có thể sử dụng năng lực này để phân biện được nghiệp quá khứ nào đã đưa một chúng sanh đến nơi thọ sanh hiện tại hay tương lai. Đây gọi là trí tuệ về sự tùy thuận duyên nghiệp (kammūpaga-ñāṇa). Ở mức phát triển tột độ, thiên nhãn tỏa sáng khắp cả tam giới của chúng sanh hữu tình – từ các cõi trời cao nhất đến tầng địa ngục sâu nhất – và soi rõ mọi nghiệp lực dẫn dắt sự tái sanh. Mặc dù chỉ có Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác mới thành tựu được mức độ cao tột này, các đệ tử với thiên nhãn toàn hảo của Ngài có thể nhận thức được những vùng vũ trụ hữu tình xa thẳm vượt ngoài khả năng thăm dò của loài người.

Anuruddha được Bổn Sư xác nhận là vị đệ tử tỳ khưu đệ nhất về thiên nhãn (etadaggaṁ dibbacakkhukānaṁ; AN 1:14). Kinh Mahā Gosiṅga kể lại cuộc luận đạo giữa một số trưởng lão lỗi lạc vào một đêm trăng sáng, trong khu rừng cây sāla Gosiṅga. Các vị trao đổi quan điểm về hạng tỳ khưu nào có thể tỏa sáng hào quang khiến rừng sāla Gosiṅga thêm rực rỡ. Anuruddha cũng như các vị trưởng lão khác, trả lời theo hạnh nguyện và chứng đắc của mình, rằng đó là vị tỳ khưu – với thiên nhãn thông – có thể nhìn xa hằng ngàn thế giới, ví như một người đứng trên đỉnh tháp cao có thể nhìn hàng ngàn nông trại dưới chân mình (MN 32).

Anuruddha cũng hỗ trợ các học trò mình chứng đạt thiên nhãn (SN 14:15) và ca ngợi thành quả này bằng các bài kệ:

Trú thiền định năm chi,
An tịnh và nhất tâm,
Ta chứng đạt tịch tĩnh,
Và thiên nhãn thanh tịnh.

Trên ngũ thiền sắc giới,
Ta thấy tử và sanh
Của chúng sanh hữu tình;
Ta biết duyên nghiệp nào
Dẫn họ đến và đi,
Đời này và đời khác.
(Thag. 916-17)

Một khía cạnh quan trọng khác trên đường tu tập tâm linh của Anuruddha là quá trình thực hành miên mật pháp thiền tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna), tức quán niệm trên bốn lãnh vực thân, thọ, tâm, và pháp, với lời hướng dẫn của Bổn Sư: “Nơi đây vị tỳ-khưu sống quán thân trên thân… quán thọ trên thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên pháp… tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.”

Thực hành thiền quán satipaṭṭhāna đôi khi được xem là một con đường tiến đến giác ngộ ngắn, nhanh, nhưng lại “khô khan” vì không qua các tầng thiền định (jhāna) và các năng lực thần thông. Nhưng rõ ràng đối với Anuruddha, và các đệ tử của ngài, pháp thiền tứ niệm xứ là một phương tiện hữu hiệu để đạt các thần lực và thánh trí cùng với quả vị giải thoát tối thượng. Mỗi khi được hỏi do đâu Đại đức tinh thông về năng lực trí tuệ vĩ đại (mahābhiññatā), gồm ngũ thông (phàm) cùng với trí tuệ giải thoát a-la-hán (thánh) là sáu, ngài luôn luôn khẳng định do nhờ công phu phát triển và vun bồi pháp hành tứ niệm xứ. Nhờ pháp thiền này mà ngài mới có thể nhớ lại được hàng ngàn kiếp quá khứ, sử dụng các thần lực, và trực tiếp thấy biết hàng ngàn hệ thống thế giới (SN 47:28, 52:11).

Anuruddha cũng nhấn mạnh rằng satipaṭṭhāna giúp cho hành giả thành tựu khả năng kiểm soát các phản ứng tâm thuộc cảm xúc được gọi là “thần lực của bậc thánh” (ariya-iddhi), nhờ đó hành giả có thể xem một đối tượng đáng nhàm chán như không đáng nhàm chán, hoặc ngược lại, và có thể từ bỏ cả hai – nhàm chán và không nhàm chán – với tâm quân bình, buông xả (SN 52:1).

Đại đức nhấn mạnh thêm rằng những ai chểnh mảng, thối thất bốn niệm xứ sẽ sớm rời xa thánh đạo dẫn đến chấm dứt khổ đau. Trong khi đó, những ai tinh cần tu tập bốn niệm xứ chắc chắn đang bước trên thánh đạo tiến tới giác ngộ giải thoát (SN 52:2). Ngài còn nói rằng pháp hành cao thượng này đưa đến đoạn tận tham ái (SN 52:7). Giống như dòng nước sông Hằng xuôi chảy về đại dương sẽ không bị người làm chệch khỏi thiên hướng, một tỳ khưu chuyên tâm hành trì tứ niệm xứ sẽ không bị lung lạc chệch khỏi cuộc sống xuất ly và trở lui hoàn tục (SN 52:8).

Lần nọ, khi Anuruddha lâm trọng bịnh, chư tăng rất ngạc nhiên thấy ngài vẫn điềm nhiên tự tại lúc bị cơn đau hành hạ. Họ hỏi ngài trú tâm như thế nào khiến thân đau mà tâm không khổ. Ngài trả lời đó là do ngài hành trì tứ niệm xứ (SN 52:10). Lần khác, vào một buổi chiều Sāriputta đến viếng Anuruddha và hỏi bạn đang thường xuyên tu tập pháp hành nào mà vẻ mặt lúc nào cũng trong sáng, an lành, và thanh tịnh. Anuruddha nói rằng ngài hành trì tứ niệm xứ đều đặn, và đó cũng là cách các vị a-la-hán sống và hành trì thường nhật. Sāriputta vô cùng hoan hỷ với câu trả lời của Anuruddha (SN 52:9).

Một lần nữa, khi Sāriputta và Moggallāna hỏi ngài về sự khác biệt giữa một vị hữu học (sekha, còn đang tu tập trên thánh đạo) và vị a-la-hán (asekha, bậc vô học đã thành tựu thánh quả cao nhất), Anuruddha trả lời rằng họ khác biệt về sự thực hành tứ niệm xứ: vị hữu học hoàn thành chỉ một phần, còn vị a-la-hán đã viên mãn pháp hành này (SN 52:4-5).

Anuruddha cũng khẳng định rằng, qua quá trình thực hành chánh niệm, ngài sở hữu được mười phẩm chất cao quý được gọi là “mười lực của Đức Như Lai” (dasatathāgatabala). Đó là (SN 52:15-24):

1. Trí biết được việc gì có thể xảy đến và không thể xảy đến, do thấy rõ tương quan nhân quả
2. Trí biết nghiệp báo trong cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai
3. Trí biết con đường đưa đến các cõi tái sanh khác nhau
4. Trí biết các yếu tố tạo thành thế gian
5. Trí biết thiên hướng khác nhau của các chúng sanh hữu tình
6. Trí biết mức độ căn cơ của chúng sanh
7. Trí biết về các tầng thiền và các thiền chứng
8. Túc mạng trí: biết tất cả kiếp quá khứ của bản thân và chúng sanh
9. Thiên nhãn trí hay sanh tử trí: biết sự lưu chuyển sanh tử của chúng sanh tùy theo duyên nghiệp
10. Lậu tận trí: biết thật tướng của phiền não, đoạn trừ mọi nhiễm ô
Chú giải ghi rằng Anuruddha sở hữu một phần các phẩm tính này; chỉ có bậc Toàn Giác mới sở hữu trọn vẹn mười sự hiểu biết cao tột này mà thôi.

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app