ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT

CHƯƠNG V: A NẬU LÂU ĐÀ

TUỔI TRẺ VÀ XUẤT GIA

Cũng giống như Ānanda, Anuruddha là một vương tử của giòng Sākya và là anh em họ của Đức Phật. Anuruddha và Ānanda có cùng cha, Hoàng tử Amitodana giòng Sākya, nhưng khác mẹ. Theo kinh điển, họ lớn lên ở hai gia cảnh khác nhau và không là anh em ruột. Anuruddha là anh em ruột với Mahānāma và có một người chị tên Rohini.

Là một thiếu niên dòng dõi vương tộc, Anuruddha được nuôi dưỡng trong cảnh quyền quý cao sang. Kinh điển mô tả những năm trẻ tuổi của Anuruddha cũng giống như bối cảnh mà Đức Bồ Tát được nuôi dưỡng và lớn lên: “Anuruddha được chăm sóc hết sức chi li, cẩn thận. Hoàng tử có ba tòa lâu đài thích hợp cho ba mùa: lạnh, nóng, và mưa. Ở trong lâu đài suốt bốn tháng mưa, hoàng tử được hầu hạ, phục vụ bởi các nữ nhạc sĩ, vũ công nên chẳng hề bước ra khỏi lâu đài ấy” (Vin. 2:180).

Có một câu chuyện lý thú ghi trong chú giải Kinh Pháp Cú cho thấy cuộc sống sung túc và hồn nhiên mà Anuruddha đã lớn lên. Cậu bé luôn luôn được phục dịch đầy đủ đến nỗi không khi nào được nghe trả lời rằng “không có thứ ấy” (natthi), bởi mỗi khi cậu muốn gì là được nấy ngay. Một hôm, cậu chơi đánh bi với năm người bạn nhỏ, và họ cá nhau bằng bánh ngọt. Ba lần đầu, cậu bị thua phải về nhà lấy bánh, và người mẹ đưa ngay cho cậu. Khi cậu thua cuộc lần thứ tư và sai người hầu về nhà lấy bánh, người mẹ trả lời: “Không có bánh nữa” (natthi pūvaṁ). Vì chưa bao giờ được nghe từ ngữ “không có thứ ấy,” cậu tưởng đó là tên một loại bánh và bảo người hầu về thưa với người mẹ rằng: “Mẹ hãy gởi cho con bánh không-có-thứ-ấy.” Để dạy con, người mẹ bèn gửi cho cậu một cái khay trống. Thế nhưng ngay cả lúc ấy cậu vẫn có phước phần. Một số chư thiên đã thọ ân của Anuruddha trong kiếp quá khứ không muốn cậu bị thất vọng nên chất đầy khay những bánh ngọt thơm ngon của cõi trời. Anuruddha vô cùng ưa thích khi nếm bánh nên lại đòi mẹ gửi thêm bánh natthi pūvaṁ, và cứ mỗi lần mâm bánh đến đều được chất đầy bánh cõi trời ngon ngọt.

Anuruddha đã trải qua những năm niên thiếu hưởng thụ những thú vui hào nhoáng, phù du như vậy nên ít khi suy nghiệm về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Khúc ngoặt quan trọng nhất trong đời Anuruddha là ngay sau khi người anh họ xuất sắc, Đức Phật, về thăm Kapilavatthu. Tấm gương sáng chói và những lời dạy cao quý của Đức Thế Tôn đã thôi thúc nhiều thân quyến xuất gia sống đời không nhà. Một hôm, người anh của Anuruddha là Mahānāma suy gẫm rằng trong lúc nhiều vương tử Sākya lỗi lạc đã xuất gia, gia đình mình lại không có ai như vậy. Thế là Mahānāma đến nói với Anuruddha là mình đã suy nghĩ và quyết định rằng một trong hai anh em sẽ phải xuất gia.

Đối với Anuruddha, mệnh lệnh ấy quả là một chấn động bất ngờ nên ngần ngại trả lời:

“Từ nhỏ đến lớn em được chăm sóc rất kỹ càng nên không thể rời nhà sống đời vô gia cư kham khổ được. Vậy anh đi đi!”

Mahānāma bèn giải thích cặn kẽ cho em biết về gánh nặng gia đình mà người cư sĩ phải mang trên vai khi trở thành gia trưởng (hay người thừa tự của vương tộc):

“Trước hết phải lo cầy bừa ruộng đất, rồi đến gieo hạt, phải dẫn nước vào ruộng, rồi lại phải tháo nước, phải đào nhổ cỏ dại, và rồi phải chờ lúa chín để gặt hái và đem cất vào kho. Sau đó phải đem giã hạt lúa thành hạt gạo, phải quạt giã tách trấu ra, còn phải làm thân cây lúa thành rơm rạ, rồi phải sàng sảy gạo và đem cất gạo vào kho. Và rồi năm nào cũng phải làm như vậy cả, sang năm, và năm tới nữa.” 

Anuruddha hỏi:

“Thế thì khi nào công việc nặng nhọc đó ngừng lại? Khi nào ta mới biết được đâu là sự chấm dứt của nó? Khi nào ta có thể nghỉ ngơi, được cung phụng, và vui hưởng các lạc thú?”

Mahānāma thẳng thắn trả lời:

“Này em Anuruddha, không khi nào công việc ngừng đâu. Chưa ai từng biết được việc có bao giờ chấm dứt hay không. Ngay cả khi ông bà cha mẹ ta qua đời, công việc vẫn phải tiếp tục.”

Mahānāma vừa dứt lời thì Anuruddha đã có quyết định:

“Thôi anh ở nhà chăm sóc công việc gia đình, anh nhé. Còn em sẽ xuất gia sống đời không nhà.”

Do sẵn có căn cơ sâu dày và ba-la-mật đầy đủ nên chỉ vài lời của người anh về thân phận của con người cũng đủ dấy động tâm Anuruddha. Ý nghĩ về vòng trầm luân đau khổ rã rời bất tận, và đáng sợ hơn nữa là chuỗi tái sanh khắc nghiệt, đã thức tỉnh Anuruddha, làm sanh khởi một thôi thúc khẩn trương muốn tìm đường giải thoát.

Ngay sau đó Anuruddha xin phép cha mẹ được xuất gia sống đời khất sĩ. Nhưng người mẹ không muốn con trai dấn thân vào cuộc đời tu hành khổ hạnh nên tìm cách trì hoãn ý muốn quyết liệt của con. Bà bèn nói chừng nào bạn thân của Anuruddha là Hoàng tử Bhaddiya, thủ lãnh bộ tộc Sākya bấy giờ, cũng muốn đi theo Đức Phật thì bà sẽ cho phép Anuruddha xuất gia. Đó là vì bà nghĩ rằng Bhaddiya sẽ không bao giờ chịu rời bỏ các quyền lực và lợi lạc của giai cấp lãnh đạo, và thế thì Anuruddha sẽ chọn ở lại đời thế tục với bạn mình.

Anuruddha theo lời mẹ đến gặp Bhaddiya và bảo bạn:

“Sự xuất gia của tôi tùy thuộc vào sự xuất gia của bạn. Chúng ta hãy cùng nhau rời bỏ cuộc sống thế gian phù hoa đầy trói buộc và nguy hiểm này, đi theo anh Siddhattha để thoát vòng đau khổ!”

Đang tận hưởng đời sống đầy lạc thú và quyền lực, Bhaddiya chưa hề nghĩ đến việc xuất gia tìm đường giải thoát, nhưng trước sự van nài khẩn thiết của bạn, Hoàng tử bèn khất:

“Bạn ơi, hãy chờ tôi bảy năm nữa, chúng mình sẽ cùng nhau đi trên đường tu hành.”

“Bảy năm thì quá lâu, không thể đợi được.”

Anuruddha cứ tiếp tục nài nỉ và cuối cùng thu ngắn thời gian chờ đợi ấy chỉ còn bảy ngày, để Bhaddiya sắp xếp và tìm người kế vị. Bhaddiya giữ đúng lời hứa với bạn, và cả hai cùng lên đường một ngày.

Quyết định của hai vị này đã thúc đẩy các vương tử Sākya khác đi theo chân Đức Phật. Vì vậy, đúng vào ngày đã hẹn, sáu vương tử Sākya cùng rời hoàng cung: Bhaddiya, Anuruddha, Ānanda, Bhagu, Kimbila, và Devadatta. Theo họ còn có Upāli, người thợ cắt tóc riêng của hoàng gia, và binh mã hộ tống. Chuyến đi được sắp đặt như một cuộc du ngoạn các vườn hoa để tránh sự nghi ngờ từ mọi người về mục đích của họ. Sau một đoạn đường dài, họ cho quân lính quay về, rồi đi vào lãnh địa láng giềng. Nơi đây họ trút bỏ hết tư trang, cột lại bỏ vào túi, đưa cho Upāli và nói:

“Bao nhiêu tư trang trong đó đủ cho nhà ngươi sống một đời. Hãy trở về nhà.”

Nhưng người thợ cắt tóc Upāli, đang trên đường quay lại nhà, chợt nghĩ: “Các hoàng thân bộ tộc Sākya rất hung dữ. Họ sẽ nghĩ là ta đã giết các vương tử này để đoạt của, và như thế sẽ không tha mạng ta.” Upāli bèn treo cái túi lên cành cây cao rồi đuổi theo các vương tử. Bắt kịp họ, anh bày tỏ nỗi lo sợ của mình và nói:

“Quý vương tử xuất gia đi theo đời tu hành kham khổ được, thì sao tôi lại không đi được?”

Sáu vương tử Sākya cũng đồng ý với suy nghĩ của Upāli nên đồng ý cho anh cùng đi theo họ. Khi gặp Đức Thế Tôn, họ thỉnh cầu Ngài cho thọ giới xuất gia, và nói thêm rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, Sākya là một hoàng tộc tự phụ và kiêu hãnh. Người thợ cắt tóc Upāli này đã từng phục vụ cho chúng con một thời gian dài. Vậy xin Đức Thế Tôn hãy cho anh thọ giới trước để anh trở thành pháp huynh của chúng con. Như thế chúng con sẽ tôn kính lễ chào và chu toàn bổn phận với bậc huynh trưởng Upāli. Lòng kiêu mạn Sākya của chúng con, nhờ vậy, mà được khiêm hạ.”

Đức Phật làm đúng theo lời yêu cầu, và Upāli là người đầu tiên của nhóm bảy vị thọ giới xuất gia (Vin. 2:182-83).

Trong vòng một năm, hầu hết các vị sa môn này đều đắc một quả vị tinh thần nào đó. Bhaddiya là người đầu tiên trong nhóm đắc quả a-la-hán cùng với tam minh (thiên nhãn minh, túc mạng minh, và lậu tận minh). Anuruddha đắc thiên nhãn thông. Ānanda đạt quả nhập lưu. Về sau, Bhagu, Kimbila, Upāli, Ānanda, và Anuruddha mới chứng đắc a-la-hán. Riêng Devadatta còn là phàm nhân nhưng đắc nhiều thần lực. Tuy nhiên, do tham vọng điên cuồng và vô số hành động bất thiện, khi mệnh chung ông bị sa vào địa ngục.

Các bài viết trong sách
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app