ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
CHƯƠNG IX: CẤP CÔ ĐỘC
CÁI CHẾT CỦA CƯ SĨ CẤP CÔ ĐỘC
Cái chết của Anāthapiṇḍika được ghi lại trong Kinh Giáo Giới Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍikovāda Sutta, MN 143).
Cư sĩ Anāthapiṇḍika bị bệnh nặng lần thứ ba; các cơn đau đớn càng lúc càng mãnh liệt và không thuyên giảm. Một lần nữa ông xin ngài Sāriputta và ngài Ānanda đến hộ trì. Khi ngài Sāriputta thấy ông, ngài biết là ông đã cận kề cái chết và ban cho ông những lời giáo huấn như sau:
“Này gia chủ, đừng bám víu vào sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), và đừng để suy nghĩ dính mắc vào chúng. Đừng bám víu vào sáu trần – đối tượng của căn (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), và đừng để suy nghĩ dính mắc vào đó. Đừng bám víu vào sáu thức, vào sáu xúc, vào sáu thọ, vào sáu yếu tố, vào ngũ uẩn, vào bốn cõi vô sắc. Đừng chấp thủ bất cứ gì được thấy, nghe, cảm thọ, suy nghĩ, nhận thức, quán sát trong tâm, và đừng để suy nghĩ dính mắc vào đó.”
Anāthapiṇḍika chắc hẳn đã toàn tâm toàn ý theo dõi lời chỉ dạy chi tiết trên, vì thế ông vừa nghe vừa thực hành ngay lời hướng dẫn của vị thánh tăng trí tuệ Sāriputta. Bài giảng vừa dứt, nước mắt ông trào ra. Ngài Ānanda từ bi hỏi có phải ông đang chìm đắm trong cơn đau không. Vị đại cư sĩ trả lời:
“Thưa không, bạch ngài Ānanda tôn kính. Con phụng sự Đức Tôn Sư và chư thánh tăng đã lâu, nhưng con chưa bao giờ được nghe một bài pháp uyên thâm sâu sắc như vậy.”
“Này gia chủ,” ngài Sāriputta nói, “một bài pháp uyên thâm như vậy không dễ cho các cư sĩ áo trắng thấu hiểu, thường chỉ được thuyết cho hàng xuất gia.”
“Thưa ngài Sāriputta tôn kính,” Anāthapiṇḍika trả lời, “xin hãy giảng dạy những bài pháp như vậy đến những người cư sĩ áo trắng. Có những người chỉ còn một chút bụi trần trong mắt. Nếu họ không nghe được những bài pháp như vậy, họ sẽ bị đọa lạc. Khi được nghe, một số người có thể hiểu được.”
Có sự khác biệt lớn so với cách giảng dạy của Đức Phật trước đó. Ở đây chúng ta muốn nói đến những vấn đề tối hậu, đến sự giải thoát cao nhất qua thực hành chứ không phải qua lý thuyết. Anāthapiṇḍika đã đạt được quả vị của bậc nhập lưu. Ông biết rõ bản chất vô thường của ngũ uẩn thủ. Chính ông cũng tự mình nói về ba đặc tánh của đời sống là vô thường, khổ và vô ngã. Nhưng có sự khác biệt trọng yếu giữa những ai chỉ nghe nói và suy nghĩ về ba đặc tánh này, so với những người đã thực sự kinh nghiệm, chứng ngộ qua thực hành và áp dụng vào chính mình. Do vậy mà có sự khác biệt lớn giữa phương pháp Đức Phật giảng dạy cho cư sĩ và cho chư tăng.
Đối với người thế tục, giác ngộ về thực tánh của đời sống được trình bày dưới dạng kiến thức. Đây cũng là cách Đức Bổn Sư giảng dạy cho chư tăng lúc đầu. Nhưng với các vị tỳ khưu thăng tiến xa hơn, Đức Phật chỉ dẫn cách thực hành đưa đến sự giải thoát hoàn toàn, rốt ráo ngay trong kiếp sống này. Chỉ có người nào thấy được cách trình bày của Trưởng lão Sāriputta là phương cách thực hành từng bước đưa đến Niết bàn, người ấy mới hiểu được là Anāthapiṇḍika chưa bao giờ được nghe cốt tủy của Giáo Pháp trình bày theo cách thức này.
Vào giờ cận tử, Anāthapiṇḍika đã loại bỏ được những lo lắng thế tục. Khi lắng nghe và suy nghiệm Giáo Pháp, ông từ bỏ được sự bám níu vào tài sản thế gian cũng như vào thân xác của mình. Như vậy lúc ấy tâm ông cũng ngang bằng với tâm các vị sa môn tu tập tiến bộ nhất. Trong tình huống này, Trưởng lão Sāriputta có thể ban cho cư sĩ Anāthapiṇḍika lời hướng dẫn thâm sâu để thành tựu kết quả vượt bực.
Sau khi nhắc nhở Anāthapiṇḍika xong, hai vị trưởng lão ra về. Không lâu sau, cư sĩ Anāthapiṇḍika từ trần và tái sanh vào cõi trời Tusita, nơi người con gái trẻ nhất của ông đã tái sanh trước đó.
Để bày tỏ lòng thành tín sâu xa đến Đức Phật và chư tăng, hậu thân của Anāthapiṇḍika xuất hiện ở tịnh xá Jetavana, dưới dung sắc của một vị trời trẻ với hào quang rạng rỡ. Vị trời này tiến đến đảnh lễ Đức Phật và nói lời kệ sau:
Đây quả Rừng Kỳ Đà,
Trú xứ của Tăng già,
Đấng Pháp Vương lưu ngự,
Ban hoan hỷ cho ta.
Hiểu và hành chân chánh,
Sống giới đức viên mãn
Nên chúng sanh thanh tịnh,
Không phải do giai cấp,
Không phải vì tài sản.
Do vậy bậc thiện trí,
Vì lợi ích chính mình,
Nên thẩm sát Giáo Pháp,
Để tâm được thanh tịnh.
Ngài Sāriputtta,
Với tuệ sâu, giới tịnh,
Với thánh tâm tịch tĩnh,
Ngay cả vị tỳ khưu
Đã giải thoát tối thắng
Cũng không thể hơn Ngài.
Sau khi nói những lời này, vị trời, với thân phải hướng về Đức Thế Tôn để tỏ lòng tôn kính, đảnh lễ Ngài rồi biến mất.
Ngày hôm sau, Đức Tôn Sư thuật lại câu chuyện này. Ngay lập tức Trưởng lão Ānanda bạch Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, vị trời trẻ ấy chắc chắn là Anāthapiṇḍika, bởi vị cư sĩ này có lòng tịnh tín trọn vẹn vào sư huynh Sāriputta tôn kính.”
Và Đức Tôn Sư xác nhận điều này: “Lành thay, Ānanda, lành thay. Con đã suy luận đúng. Vị trời trẻ đó chính là Anāthapiṇḍika” (SN 2:20, MN 143).