Nội Dung Chính
ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
CHƯƠNG IX: CẤP CÔ ĐỘC
PHÁP CỦA BẬC GIÁC NGỘ
Trong bốn mươi lăm năm hoằng pháp, Đức Phật nhập hạ mười chín lần tại Sāvatthi, ở tịnh xá của Anāthapiṇḍika trong lâm viên Jeta. Mỗi khi Ngài ngự tại đây trong ba hay bốn tháng an cư mùa mưa, Anāthapiṇḍika đều viếng thăm Đức Thế Tôn mỗi ngày hai lần, thường chỉ để được trông thấy Ngài, nhưng nhiều nhất là để thính pháp. Là một đại thí chủ hỗ trợ Tăng già, ông rất kín đáo, thầm lặng, ít khi vấn pháp Đức Thế Tôn vì không muốn người ta nghĩ là ông đánh đổi sự đóng góp để có được lời khuyên bảo cho cá nhân mình. Sự cúng dường của ông đến từ trái tim mà không cần báo đáp. Niềm vui sướng khi dâng tặng tự nó đã là phần thưởng cho ông rồi. Ông nghĩ Đức Phật và chư tăng sẽ không xem những lời giảng dạy như là một nghĩa vụ đền bù lại cho sự cúng dường, mà chia sẻ Giáo Pháp như một biểu hiện của lòng bi mẫn.
Vì vậy mỗi khi Anāthapiṇḍika đến gặp Đức Phật, ông lặng lẽ ngồi một bên, chờ đợi xem Đức Bổn Sư có chỉ dạy ông điều gì không. Nếu Đức Phật không nói gì, ông sẽ kể một vài sự kiện xảy ra trong đời sống thường nhật của ông, trong đó có một số được đề cập trong kinh điển. Rồi ông chờ đợi xem Đức Phật có khuyên bảo gì, chấp thuận hay phê bình cách hành xử của ông, hoặc dùng câu chuyện của ông để làm đề tài giảng pháp. Ông dùng cách này để nối kết những trải nghiệm trong đời sống hằng ngày của ông với Giáo Pháp.
Tam Tạng Pāli còn ghi chép lại nhiều trường hợp Đức Phật ban lời khuyên dạy cho Anāthapiṇḍika, tạo thành một nền tảng đạo đức khái quát cho người cư sĩ. Như vậy, ông đã làm nhiều lợi ích lớn lao cho không biết bao nhiêu thế hệ Phật tử tại gia cố gắng sống theo Giáo Pháp qua những lời chỉ dạy Đức Bổn Sư dành cho ông. Những bài pháp này, từ đơn giản đến thâm sâu, được ghi lại trong Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara Nikāya). Dưới đây là một số bài tiêu biểu, bắt đầu bằng những lời khuyên đơn giản cho người cư sĩ tại gia:
Này gia chủ, nếu thành tựu bốn pháp, người đệ tử cao quý bước vào con đường đúng theo Giáo Pháp của người cư sĩ, con đường mang lại tiếng tốt và dẫn đến tái sanh vào cõi trời. Đó là bốn pháp gì?
Bốn pháp đó là hộ trì chư tăng với y bát, hộ trì chư tăng với thực phẩm, hộ trì chư tăng với nơi ở, hộ trì chư tăng với thuốc men.
Này gia chủ, có bốn loại hạnh phúc người cư sĩ thọ hưởng được: hạnh phúc có quyền sở hữu, hạnh phúc có tài sản, hạnh phúc không mắc nợ, hạnh phúc của sự trong sạch.
Hạnh phúc có quyền sở hữu là gì? Một người có được tài sản do tận lực cố gắng, thu thập bằng công sức mồ hôi nước mắt của mình, và sở hữu chúng chân chánh. Khi suy nghĩ: “Tài sản ta làm ra nhờ tận lực cố gắng… một cách chân chánh,” hạnh phúc khởi lên, toại ý mãn nguyện khởi lên. Này gia chủ, đây là hạnh phúc có quyền sở hữu.
Hạnh phúc có tài sản là gì? Một người nhờ có được tài sản do tận lực cố gắng… mà vừa vui thọ hưởng tài sản vừa tạo công đức. Khi suy nghĩ: “Nhờ tài sản do tận lực cố gắng… mà ta vừa vui thọ hưởng tài sản vừa tạo công đức,” hạnh phúc khởi lên, toại ý mãn nguyện khởi lên. Này gia chủ, đây là hạnh phúc có được tài sản.
Hạnh phúc không mắc nợ là gì? Một người không mắc một món nợ nào, dù lớn dù nhỏ, với bất cứ ai. Khi suy nghĩ: “Ta không mắc một món nợ nào, dù lớn dù nhỏ, với bất cứ ai,” hạnh phúc khởi lên, toại ý mãn nguyện khởi lên. Này gia chủ, đây là hạnh phúc không mắc nợ.
Hạnh phúc của sự trong sạch là gì? Vị thánh đệ tử được phước lành với thân hành trong sạch, khẩu hành trong sạch, ý hành trong sạch. Khi suy nghĩ: “Ta được phước lành với thân hành trong sạch, khẩu hành trong sạch, ý hành trong sạch,” hạnh phúc khởi lên, toại ý mãn nguyện khởi lên. Này gia chủ, đây là hạnh phúc của sự trong sạch.
Này gia chủ, có năm điều hiếm hoi trên thế gian này mà ai cũng ao ước, mong cầu, hài lòng, vui thích khi có được. Năm điều đó là gì? Đó là trường thọ, sắc đẹp, hạnh phúc, danh thơm, và được tái sanh vào các cõi trời. Này gia chủ, ta không dạy rằng năm điều này có thể đạt được bằng lời cầu nguyện. Nếu người ta có thể đạt được năm điều này bằng lời cầu nguyện, ai lại không làm như vậy chứ?
Này gia chủ, với một đệ tử cao quý mong muốn được trường thọ, việc cầu nguyện hay vui thích trong việc cầu nguyện để được sống lâu không đem lại lợi ích gì. Thay vì vậy, người ấy cần phải đi theo con đường dẫn đến phước báu được trường thọ, là trời hay là người.
Với một đệ tử cao quý mong muốn được có sắc đẹp…hạnh phúc…danh thơm…tái sanh vào cõi trời, thì việc cầu nguyện hay vui thích trong việc cầu nguyện để mong được có sắc đẹp…hạnh phúc…danh thơm…tái sanh vào cõi trời, không đem lại lợi ích gì. Thay vì vậy, người ấy cần phải đi theo con đường dẫn đến phước báu được sắc đẹp, hạnh phúc, danh thơm, và tái sanh vào cõi trời.
Này gia chủ, có năm lý do để gầy dựng tài sản. Năm lý do đó là gì?
…Một đệ tử cao quý với tài sản được gầy dựng chân chánh nhờ nỗ lực làm việc với mồ hôi nước mắt của mình, vị ấy mang lại an lạc cho chính mình, cho cha mẹ, vợ con, và người làm.
…Khi tài sản được gầy dựng như vậy, vị ấy mang lại an lạc cho bạn bè thân hữu.
…Khi tài sản được gầy dựng như vậy, vị ấy tránh khỏi tai họa và giữ tài sản được an toàn.
…Khi tài sản được gầy dựng như vậy, vị ấy dâng tặng đến quyến thuộc, khách khứa, vong linh, vua chúa, và chư thiên.
…Khi tài sản được gầy dựng như vậy, người đệ tử cao quý hiến dâng cho những mục đích cao quý và đưa đến hạnh phúc của cõi trời, cúng dường các vị ẩn sĩ và cho các vị bà-la-môn đoạn ly kiêu mạn, không biếng nhác, sống kham nhẫn và khiêm cung, tự nhiếp phục mình, tự an tịnh mình, tự hoàn thiện mình.
Nếu tài sản của vị đệ tử cao quý gầy dựng với năm lý do này bị hoại diệt, vị ấy suy nghĩ như sau: “Ít nhất ta đã gầy dựng tài sản với năm lý do trên, nhưng nay tài sản ta không còn nữa!” – như vậy vị ấy sẽ không phiền não. Nếu tài sản được tăng lên, vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta thật đã gầy dựng tài sản với năm lý do trên, và nay tài sản ta được tăng lên!” – như vậy vị ấy sẽ không phiền não trong cả hai trường hợp.
(AN 5:41)
Sự quan trọng của các lời dạy trên được Đức Phật nhấn mạnh lại một lần nữa cho Anāthapiṇḍika vào một dịp khác, dưới hình thức khác. Lần ấy Ngài dạy ông rằng:
Này gia chủ, có bốn điều luôn được ao ước, quý trọng, ưa thích, khó đạt được trên thế gian này. Bốn điều ước đó là gì? “Mong cho tôi có được tài sản chân chánh!” “Mong cho tài sản này mang lại danh thơm cho tôi, cho thân quyến tôi, và cho các bậc thầy tổ!” “Mong cho tôi được trường thọ!” “Mong cho tôi sau khi thân hoại mạng chung được tái sanh vào cõi trời!”
Này gia chủ, để đạt được bốn điều ước trên, vị ấy cần phải có bốn điều kiện là: hoàn thiện tín tâm, hoàn thiện giới đức, hoàn thiện bố thí, và hoàn thiện trí tuệ.
(AN 4:61)
Đức Phật giảng giải: Tín tâm chỉ có được khi vị ấy tin tưởng trọn vẹn vào bậc Giác Ngộ và lời dạy của Ngài về thực tánh của các pháp trong đời sống. Giới đức chỉ thành tựu khi vị ấy giữ gìn đầy đủ Ngũ giới. Bố thí chỉ đầy đủ khi tâm vị ấy không bị tham lam chi phối. Trí tuệ có được khi vị ấy thấy được rằng nếu tâm bị chinh phục bởi năm chướng ngại – dục lạc thế gian, ác tâm, hôn trầm, dao động, và nghi ngờ – thì vị ấy sẽ làm chuyện không nên làm, và không làm những chuyện nên làm. Ngược lại, nếu vị ấy thường xuyên thẩm nghiệm, quán sát những thôi thúc và động cơ trong nội tâm, là vị ấy đang bắt đầu vượt qua được năm chướng ngại trên. Như vậy nhiếp phục được chúng là kết quả của trí tuệ.
Với tín tâm, giới đức, hạnh bố thí và trí tuệ, vị đệ tử cư sĩ cao quý đi đúng con đường để đạt được bốn điều mong ước – tài sản, danh thơm, trường thọ, và tái sanh vào nhàn cảnh – rồi dùng của cải này để hoàn thành bốn việc thiện. Người ấy mang lại hạnh phúc cho mình, cho gia đình, cho thân quyến và bạn bè được hạnh phúc; tránh được tai họa; làm tròn bổn phận; và hộ trì các ẩn sĩ và các bà-la-môn chơn chánh. Nếu một người sử dụng tài sản vào những mục đích khác hơn bốn mục đích trên thì tài sản đó sử dụng không chân chánh, không đúng mục đích, và phí phạm vô nghĩa. Còn nếu người ấy tiêu dùng của cải vào bốn mục đích trên, thì tài sản đó tiêu dùng chân chánh và có ý nghĩa.
Trong một dịp khác, Đức Bổn Sư giảng về sự khác biệt trong cách hành xử đúng và sai của người cư sĩ tại gia như thế nào. Trong bài kinh này (AN 10:91), Ngài nói: “Người vô trí nhất là người giành được tài sản bằng cách gian lận lừa gạt, lại không tự mình vui hưởng, cũng không dùng vào việc lợi ích cho người khác. Nếu người đó dùng tài sản có được bằng sự lường gạt này để mang an lạc lại cho mình, hoặc cho người khác thì còn có thể hiểu được.”
Ngay cả khi tài sản đạt được bằng lường gạt và cưỡng bách mà một người bình thường cũng khinh khi lên án, Đức Phật cũng phân biệt rõ ràng sự khác biệt trong thái độ và cánh hành xử của con người. Khi một người nhận định rõ mục đích căn bản của việc nắm giữ tài sản chân chánh kiếm được là để mang lại cuộc sống an lạc thoải mái, người ấy có thêm niềm hân hoan khi chia sẻ an lạc này với người khác. Từ đó, người ấy hiểu được rằng rõ ràng mình không thể mang lại an vui cho người mình lường gạt, trộm cắp; còn nếu tài sản được gầy dựng chân chánh thì sẽ không gây đau khổ cho một ai.
Nhóm thứ nhì là người kiếm tiền một phần bằng cách chân chánh và một phần qua lường gạt. Cũng vậy, trong số họ, có người không hưởng thụ nó, cũng không mang lợi ích cho người khác; cũng có người hưởng thụ của cải này và dùng nó mang an lạc cho người khác.
Cuối cùng là nhóm thứ ba, kiếm tiền hoàn toàn bằng cách lương thiện nhưng cũng rơi vào hai trường hợp trên: tự mình không vui hưởng, cũng không ban phát cho người khác; hoặc có vui hưởng và có ban phát. Nhưng nhóm này lại có thêm hai trường hợp: một là dính mắc vào tài sản quá mạnh, không hiểu được hiểm nguy của sự bám níu này và không tìm cách thoát ra; hai là người không dính mắc vào tài sản, hiểu được hiểm nguy của sự bám níu này và tìm cách thoát ra. Như vậy có mười loại người hưởng thụ dục lạc thế gian liên quan đến tài sản.
Một lần nọ, Đức Phật hỏi Anāthapiṇḍika về việc bố thí thực phẩm ở nhà ông. Theo chú giải, đây ám chỉ việc bố thí cho người nghèo, vì Đức Phật biết việc sớt cho chư tăng ở nhà ông luôn rộng rãi. Từ việc này Đức Bổn Sư giải thích về quả báo khác biệt trong việc bố thí cúng dường. Đức Bổn Sư dạy rằng:
“Dù bố thí thức ăn đạm bạc hay ngon quý, nếu cho với tâm không kính trọng hay lễ độ, không tự mình cho, chỉ cho phần thừa cặn, hay cho mà không tin vào quả báo, thì khi tái sanh với quả báo của việc bố thí này, tâm người đó không thiên về thưởng thức ăn ngon, mặc đẹp, xe sang, và những phẩm vật quý tốt đối với năm giác quan. Vợ con, tôi tớ, người làm không vâng lời hay chú ý nghe người ấy. Vì sao vậy? Đó là quả báo của các nghiệp làm không kính trọng.”
Rồi Đức Thế Tôn kể về một tiền kiếp của Ngài – là một người bà-la-môn giàu có tên là Velāma, đã tự mình bố thí thực phẩm rộng rãi, nhưng không một người thọ nhận nào xứng đáng với thực phẩm ấy. Dù chỉ một lần sớt bát cho các thánh đệ tử, từ bậc nhập lưu đến a-la-hán, vẫn hưởng được nhiều phước báu lớn lao hơn là bố thí thật nhiều đến những người không xứng đáng. Phước báu còn nhiều hơn nữa nếu cúng dường vật thực đến một vị Phật Độc Giác hay một trăm vị Phật Độc Giác, và phước báu còn nhiều hơn như vậy nếu cúng dường vật thực đến một vị Phật, bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, hay xây cất tu viện cho Tăng già. Tuy nhiên phước báu cao thượng nhất là quy y Tam Bảo – Phật, Pháp, Tăng – và viên mãn nếu vị thí chủ còn hành trì Ngũ giới. Thiện lành hơn nữa nếu tâm vị thí chủ tỏa hương từ ái (mettā) đến mọi chúng sanh, dù chỉ trong chốc lát. Nhưng cao thượng hơn cả là tu tập tuệ giác về tướng vô thường của các pháp, dù chỉ trong khoảnh khắc của một cái búng ngón tay (AN 9:20).
Các lời dạy trên nêu rõ các giai đoạn tu tập: bố thí, trì giới, hành thiền tâm từ, và cuối cùng là sự chứng ngộ rốt ráo về tánh vô thường của các pháp bị điều kiện chi phối. Nếu không nỗ lực trong bố thí, trì giới, và không tinh tấn vun bồi tâm từ không phân biệt đến tất cả chúng sanh, thì tâm không thể an định để chứng ngộ được vô thường; vì những dằn vặt hay các suy nghĩ bất thiện có thể khởi lên làm tâm không có được sự tịch tĩnh cần thiết cho việc hành thiền.
Một bài kinh khác trình bày về các loại bố thí, và là bài kinh duy nhất trong đó Anāthapiṇḍika bạch lên Đức Phật một câu hỏi: “Có bao nhiêu người xứng đáng được cúng dường?” Đức Phật trả lời là có hai hạng người: những người đang trên con đường giải thoát và những người đã giác ngộ (AN 2:27).
Vấn đề thanh lọc tâm cũng được đề cập trực tiếp hay gián tiếp. Có lần Đức Phật nói với Anāthapiṇḍika: “Khi tâm bị ô nhiễm thì thân, khẩu, ý cũng bị bợn nhơ. Một người như vậy sẽ bị tham dục lôi đi, và chết đau khổ; như là một ngôi nhà có mái vụng lợp, kèo cột rui sẽ bị ướt hư khi mùa mưa đến” (AN 3:107-108).
Một lần khác, Anāthapiṇḍika cùng với vài trăm cư sĩ đến viếng thăm Bậc Đạo Sư và được Ngài dạy như sau: “Này các gia trưởng, các vị hộ trì Tăng già với y áo, thức ăn, chỗ ở và thuốc men, nhưng đừng hài lòng với chỉ như vậy. Mong các vị tu tập để có lúc đạt được và an trú trong hoan hỷ (pīti) của thiền định.”
Nghe xong những lời này, Trưởng lão Sāriputta nói thêm: “Vào thời điểm khi vị thánh đệ tử an trú trong hoan hỷ của thiền định, năm điều sau đây sẽ không xảy ra trong tâm người ấy: khổ và ưu liên hệ đến cảm thọ, lạc và hỷ liên hệ đến cảm thọ, khổ và ưu liên hệ đến bất thiện, lạc và hỷ liên hệ đến bất thiện, khổ và ưu liên hệ đến thiện” (AN 5:176).
Vào một dịp khác, khi Anāthapiṇḍika cùng với nhiều cư sĩ đến viếng thăm Đức Phật, bậc Giác Ngộ nói với Trưởng lão Sāriputta:
Một gia chủ áo trắng hành trì Ngũ giới và có thể như ý đạt được, một cách dễ dàng không khó nhọc, bốn điều cao quý mang lại hạnh phúc trong hiện tại – một gia chủ như vậy, nếu muốn, có thể tự tuyên bố về mình như sau: “Với ta đọa địa ngục đã bị loại trừ, đọa súc sanh đã bị loại trừ, cảnh giới ngạ quỷ đã bị loại trừ: các cõi giới thấp, bất hạnh, cực kỳ đau khổ đã bị loại trừ. Ta là bậc nhập lưu, không còn rơi vào các cảnh khổ, chắc chắn sẽ đạt được giác ngộ cuối cùng.”
Ngũ giới nào phải được hành trì? Vị thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh, từ bỏ nói dối, từ bỏ rượu và các chất làm mê mờ tâm trí.
Bốn điều cao quý mang lại hạnh phúc trong hiện tại là gì? Vị thánh đệ tử có lòng tin không lay chuyển vào Phật, lòng tin không lay chuyển vào Pháp, lòng tin không lay chuyển vào Tăng, và có giới đức được các bậc thánh kính mến – giới không bị đứt, không bị sứt mẻ, không tì vết, không ô nhiễm, mang lại giải thoát, được bậc trí khen ngợi, dẫn đến định tâm. Đó là bốn điều cao quý khi hành trì mang lại hạnh phúc trong hiện tại, làm cho thanh tịnh tâm chưa được thanh tịnh, làm cho trong sáng tâm chưa được trong sáng. Vị thánh đệ tử đạt được bốn điều này như ý, dễ dàng và không khó nhọc.
(AN 5:179)
Vào một thời khác, chứng ngộ tầng thánh nhập lưu được Đức Phật giảng giải qua ba cách khác nhau cho một mình Anāthapiṇḍika nghe. Đức Phật thuyết:
Khi năm sợ hãi hận thù trong tâm vị thánh đệ tử đã đoạn diệt, khi vị ấy thành tựu bốn chi phần của bậc nhập lưu, và vị ấy thông suốt và thâm nhập giáo lý cao thượng (thánh lý), người đó có thể tự xem mình là một vị nhập lưu. Còn như một người sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất say, thì sẽ gặt lấy năm sợ hãi hận thù trong hiện tại và tương lai, và tâm bị khổ ưu chi phối. Ai tránh được năm ác nghiệp này, với vị ấy năm sợ hãi hận thù được loại trừ. Thế nào là năm sợ hãi hận thù: sợ hãi hận thù do duyên sát sanh, sợ hãi hận thù do duyên trộm cắp, sợ hãi hận thù do duyên tà dâm, sợ hãi hận thù do duyên nói dối, sợ hãi hận thù do duyên dùng chất say.
Thứ hai là người ấy có phẩm chất của một vị nhập lưu – là lòng tin không thối chuyển vào Phật, Pháp, Tăng, và giữ gìn giới luật không sai sót.
Thứ ba là người ấy thông suốt và thâm nhập thánh lý – đó là lý duyên sinh.
(AN 10:92)
Vào một buổi sáng nọ, Anāthapiṇḍika muốn viếng thăm Đức Phật nhưng còn quá sớm nên ông ghé vào tu viện của các du sĩ khổ hạnh.
Những vị này biết ông là đệ tử của Đức Phật nên hỏi ông Đức Phật có những quan kiến gì. Ông trả lời là ông không biết tất cả quan kiến của Đức Thế Tôn. Họ hỏi ông chư tăng có những quan kiến gì. Ông trả lời là ông không biết tất cả quan kiến của chư tăng. Vì vậy họ hỏi riêng ông có quan kiến gì. Ông trả lời: “Thưa chư vị, tôi có thể trả lời dễ dàng về phần của tôi. Nhưng trước hết xin chư vị cho tôi biết quan kiến của quý vị. Rồi sẽ không khó khăn gì cho tôi giải thích quan kiến của tôi.”
Các du sĩ khổ hạnh giải thích ý niệm của họ về thế giới. Người thì cho thế giới trường tồn, người khác thì quan niệm là không trường tồn; người thì cho là vô hạn, người khác thì tin là không vô hạn; người thì cho là thể xác và sinh mạng giống nhau, người khác thì nghĩ là chúng riêng biệt nhau; người thì cho là các bậc Giác Ngộ vẫn còn tồn tại sau khi chết, người khác thì tin là các Ngài sẽ bị tiêu hoại.
Sau đó Anāthapiṇḍika mới nói là: “Bất cứ quan kiến nào vừa kể trên cũng chỉ có thể khởi sanh từ hai nguồn: hoặc là từ sự hiểu biết thiếu trí tuệ của chính mình, hai là nghe người khác nói. Trong cả hai trường hợp, những quan kiến này có điều kiện, do duyên khởi. Bất cứ những gì chịu điều kiện, do duyên khởi đều có bản chất vô thường; cái gì vô thường, cái ấy mang đến khổ đau. Vì vậy những ai chấp thủ vào quan kiến thì cũng chấp thủ đau khổ, sẽ bị đau khổ chi phối.”
Khi các du sĩ khổ hạnh mong được biết quan kiến của Anāthapiṇḍika, ông trả lời: “Bất cứ những gì khởi sanh đều vô thường; vô thường mang lại đau khổ. Nhưng đau khổ không thuộc về tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi.”
Để bác bỏ trình bày của Anāthapiṇḍika, các du sĩ khổ hạnh nói là Anāthapiṇḍika tự mình chấp thủ vào chính quan kiến của ông. Ông trả lời, “Không đâu, vì tôi đã thấu rõ được điều này qua thực chứng, và hơn nữa, tôi còn biết cách xuất ly khỏi chúng.” Nói cách khác, ông dùng quan kiến như một phương tiện và xả bỏ chúng đúng lúc. Các du sĩ không trả lời được, ngồi im lặng, biết là mình đã bị thua.
Sau đó Anāthapiṇḍika lặng lẽ đến gặp Đức Thế Tôn và thuật lại câu chuyện này. Đức Phật khen ngợi ông:
“Lành thay, này gia trưởng. Ông cần hướng dẫn những người còn si mê này thường hơn để họ được biết đến Chánh Pháp.” Rồi bậc Đạo Sư sách tấn ông bằng một bài pháp. Sau khi ông ra về, Đức Thế Tôn nói với chư tăng là một vị tỳ khưu sống trong Tăng chúng cả trăm năm cũng không thể trả lời cho các du sĩ khéo léo hơn gia chủ Anāthapiṇḍika (AN 10:93).
Cuối cùng có hai trường hợp được ghi lại trong kinh điển: Anāthapiṇḍika bị bệnh và thỉnh cầu một vị tỳ khưu đến viếng thăm an ủi. Ông đã hết lòng hộ độ chư tăng nên lời thỉnh cầu liền được đáp ứng. Lần đầu tiên là ngài Ānanda đến thăm ông, lần thứ nhì là ngài Sāriputta.
Ngài Ānanda nói với ông rằng những ai tâm chưa điều phục mới sợ chết và sợ kiếp sau bởi vì người ấy thiếu bốn điều: tín tâm vào Phật, vào Pháp, vào Tăng, và thánh giới cao thượng. Nhưng Anāthapiṇḍika trả lời là ông không sợ chết. Ông có lòng tin không lay chuyển vào Phật, Pháp, Tăng. Ông giữ gìn giới luật của hàng cư sĩ và biết là mình không phạm giới nào. Ngài Ānanda khen ngợi ông và nói rằng ông vừa tuyên bố quả của bậc thánh nhập lưu (SN 55:27).
Khi ngài Sāriputta viếng thăm, ngài nói với Anāthapiṇḍika rằng, khác với những người thế tục không tu tập nên không tránh khỏi đọa vào khổ cảnh, Anāthapiṇḍika có chánh tín nơi Tam Bảo và giữ gìn thánh giới trong sạch. Ông không như những người khác sống không huân tập, không nhiếp phục tâm, có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, không có chánh trí tuệ và chánh giải thoát. Nếu bây giờ ông định tâm thật mạnh mẽ vào lòng tin nơi Phật Pháp Tăng và vào giới đức của chính ông, quán sát mình là một vị nhập lưu, có được mười phẩm cách cao quý, đang đi đúng trên con đường giải thoát, ông có thể khỏi bệnh nhờ vào phương pháp hành thiền này.
Với sức mạnh của định tâm và quán chiếu trên, Anāthapiṇḍika nhớ lại phước duyên được là một thánh đệ tử, và nhờ vào năng lực của liều Pháp dược kỳ diệu này mà căn bệnh của ông biến mất ngay. Ông đứng dậy mời ngài Sāriputta dùng bữa ăn đã chuẩn bị sẵn và nói chuyện tiếp với ngài. Sau đó ngài Sāriputta dạy ông ba bài kệ để ông ghi nhớ:
Khi tin vào Phật Bảo,
Vững chắc không thối chuyển,
Giữ giới đức tròn đầy,
Được bậc thánh yêu mến.
Khi tin vào Tăng Bảo,
Và quan kiến chân chánh,
Người như vậy không nghèo [phước trí],
Sống đời không uổng phí.
Do vậy bậc thiện trí,
Luôn nhớ lời Phật dạy,
Cần tu tập tín, giới,
Thấy rõ được Giáo Pháp.
(SN 55:26)
Có tất cả mười tám bài pháp giảng cho Anāthapiṇḍika: mười bốn bài do Đức Phật tự thuyết, một bài do Anāthapiṇḍika đặt câu hỏi cho Đức Thế Tôn, một bài do ông thuật lại những điều đã giảng cho người khác, và hai bài do ngài Ānanda và ngài Sāriputta thuyết giảng cho ông. Mười tám bài pháp này cho thấy Đức Phật đã giảng dạy Giáo Pháp rõ ràng cho người cư sĩ tại gia và truyền cảm hứng cho họ nỗ lực tu tập.